Năm ấy Cơ Phát mười sáu tuổi, tham gia khoa khảo, đậu Thám hoa, trong phủ Hữu tướng nhất thời đông như trẩy hội, quan viên nối đuôi nhau đến chúc mừng, mọi người đều nói tiểu công tử tuổi còn nhỏ mà đã văn võ song toàn, lại được hoàng thượng và thái tử coi trọng, sắp tới phong hầu bái tướng, tương lai sẽ là trụ cột của nước nhà, còn có người gọi y là tiểu Hữu tướng.
Ngay trước khi sự cân bằng của triều đại sắp bị phá vỡ, không ít quan viên có ý định về dưới trướng của Hữu tướng, một bức mật hàm đã được trình lên Gia Ninh Đế.
Trong mật hàm liệt kê việc Hữu tướng lợi dụng khoa cử, gian dối trục lợi, mua quan bán chức, nhân cơ hội kết bè kết cánh, làm rối kỉ cương, hơn nữa con trai là Cơ Phát đánh cắp đề thi mới giành được Thám hoa, có đủ bằng chứng về các tội ác khác nhau.
Vì chuyện này liên quan đến nhiều quan chức quan trọng trong triều, Gia Ninh Đế ra lệnh cho Đại Lý Tự điều tra rõ ràng, Hữu tướng và Cơ Phát bị cấm túc trong phủ Hữu tướng, Hàn Diệp muốn đi gặp Cơ Phát thì bị thị vệ ngăn lại, vì thế hắn đã cầu xin Gia Ninh Đế, muốn tự tiến cử mình làm người thẩm tra, điều tra vụ gian lận thi cử này, nhưng đã chậm một bước, lúc này Gia Ninh Đế đã định Kỳ Vương Hàn Dục làm người thẩm tra, bất quá vẫn ân chuẩn thái tử tham dự.
Kỳ Vương Hàn Dục là trưởng tử của hoàng đế, do quý phi sinh ra, từ nhỏ thông minh lanh lợi, văn võ song toàn, nhận được sủng ái của hoàng đế, nếu không có Hàn Diệp, ngôi vị thái tử kia quá nửa là về tay Hàn Dục. Trong quá trình thẩm án, Hàn Dục cùng Tả tướng nội ứng ngoại hợp, muốn một lưới bắt hết phe phái của Hữu tướng, nhất là Cơ Phát, nhất định phải chặt đứt đường làm quan của y từ nay về sau.
Mà Hàn Diệp cũng đã thu thập chứng cứ bằng mọi cách, kết quả Hữu tướng gian lận khoa cử, làm rối kỉ cương là thật, nhưng Cơ Phát đỗ Thám hoa cũng là thật. Tuy nhiên trong lúc thu thập chứng cứ, lại ngoài ý muốn bắt được một đường dây giao dịch mua quan bán tước, điều tra rõ ràng lại liên lụy rất nhiều quan viên trong triều, trong đó đa số là môn sinh của Hữu tướng, còn có mấy võ hầu tướng quân. Hoàng thượng tức giận, cách chức không ít quan lại, vụ án điều tra càng sâu, phạm vi ngày càng rộng, trong triều ai nấy đều bất an, các học sinh trong khoa khảo đều quỳ trước cổng hoàng cung thỉnh nguyện, đòi kết tội Hữu tướng, trả lại một khoa khảo trong sạch, trong dân gian cũng lan truyền rất nhiều lời đồn đại.
Cơ Phát dùng quan hệ, tiền tài, đều vô hiệu, thời khắc mấu chốt không ai dám lội vào vũng bùn. Lúc này, Tả tướng lại nhận được mật báo, vào cung trình thánh mười tội trạng lớn của Hữu tướng, nào là chiếm đoạt ruộng dân, nào là tham ô tiền cứu trợ thiên tai, nào là kết bè kết phái. Hữu tướng và người nhà bị giam vào đại lao, phủ Hữu tướng cũng bị dỡ bỏ. Hàn Diệp lo lắng vội chạy đến nhà lao thăm Cơ Phát, Cơ Phát khẩn cầu thái tử cho y gặp hoàng thượng, mười tội trạng lớn kia là bịa đặt, đợi đến thời điểm then chốt mới tuôn ra, không ai điều tra kỹ, làm cho tội trạng chồng chất.
Hàn Diệp vì cầu xin hoàng thượng lắng nghe Cơ Phát, quỳ bên ngoài Cần Chính Điện một ngày một đêm, hoàng thượng cuối cùng cũng đồng ý.
Đêm khuya, Gia Ninh Đế bí mật truyền Cơ Phát yết kiến.
Cơ Phát ở trong nhà lao mấy ngày, gầy đi không ít, quỳ trên mặt đất, chỉ ra chỗ không đúng trong mười tội trạng lớn của Hữu tướng, lại nhắc tới phe Tả tướng đã nhiều lần âm thầm can thiệp vào việc thẩm tra xét xử.
Cơ Phát nói hồi lâu, Gia Ninh Đế cứ như vậy nhìn y không chớp mắt, tay phải vô thức gõ vào ngón cái của tay trái.
Đột nhiên, Gia Ninh Đế lên tiếng cắt ngang lời biện bạch của Cơ Phát, trong điện trống trơn, nhất thời vang vọng câu nói của Gia Ninh Đế.
"Có ai từng nói rằng mắt ngươi rất đẹp chưa."
Ngày thứ hai, Gia Ninh Đế không lâm triều. Vào giờ ngọ, có người thấy Cơ Phát mặc Hoa phục, ánh mắt đờ đẫn bước ra khỏi tẩm điện của Gia Ninh Đế, ngất đi trước cửa chính. Gia Ninh Đế sắp xếp Cơ Phát vào Thiên Điện nằm ở phía tây của tẩm điện, gọi ngự y vào chẩn bệnh, nói là suy nghĩ quá độ, hao tâm tổn sức, chỉ cần tịnh dưỡng. Thái tử nghe tin muốn đến thăm Cơ Phát, nhưng bị thị vệ ngăn lại ngoài cửa.
Ba ngày sau, Gia Ninh Đế sắc phong Cơ Phát làm phi. Tin tức vừa tung ra, hậu cung náo loạn một trận, không ai ngờ được, hoàng thượng cư nhiên lại nạp một nam phi, còn là con trai của tội thần. Có triều thần khuyên ngăn, đều bị Gia Ninh Đế chặn lại, có người còn bị ban chết.
Khi Hàn Diệp biết được, ước chừng sững sờ hết một nén nhang, thái tử không nhiễm bụi trần, cử chỉ đoan chính, đến cả triều phục cũng không kịp thay, lảo đảo chạy đến trước điện của Gia Ninh Đế, cầu phụ hoàng thu hồi mệnh lệnh. Gia Ninh Đế đóng cửa không quản, Hàn Diệp liền quỳ trước điện.
Lần này, Hàn Diệp quỳ ba ngày ba đêm, ngất hai lần, đến lần thứ ba, bị hoàng thượng sai người đưa về Đông Cung. Sau đó truyền khẩu lệnh, cấm túc thái tử ở Đông Cung, nếu thích quỳ, vậy thì quỳ ở Đông Cung đi, mỗi ngày giờ ngọ quỳ trong sân ba canh giờ.
Khi Hàn Diệp nhìn thấy Cơ Phát lần nữa, là trong đại lễ phong phi, đội nghi thức của Cơ Phát đi ngang qua cửa Đông Cung, y mặc Hoa phục lộng lẫy ngồi trên kiệu, vải lụa đỏ tươi phản chiếu gương mặt như hoa đào, trên mặt phủ một lớp son phấn, cả người toát ra vẻ quyến rũ yếu ớt. Hàn Diệp nhìn ra được, dưới lớp trang điểm tinh xảo này, Cơ Phát đã tiều tụy rất nhiều, đôi mắt hoạt bát bây giờ giống như mặt hồ phẳng lặng, một chút sinh khí cũng không có, hoa đào trên khoé mắt cũng chỉ để che giấu đôi mắt sưng đỏ đầy tơ máu.
Đội nghi thức thấy Đông Cung liền vội vàng đi qua, tiếng hét của Hàn Diệp tựa hồ không đến được tai Cơ Phát. Hàn Diệp biết, Cơ Phát bây giờ đã không thể nghe thấy lời hắn nói, cũng không thể nhìn thấy hắn nữa rồi.