LINH PHI KINH
Tác giả: Phượng Ca
Dịch giả: Magic Q
QUYỂN 1: HỒNG VŨ THIÊN HẠ
Chương 4: Linh Đạo Thạch Ngư
Hai người động tác mau lẹ, bóng kiếm xoay mòng mòng, nhớp nhoáng hệt như rắn mổ, mũi kiếm vừa tung đến đã vội thu về đến nỗi không kịp chạm nhau. Trương Thiên Ý càng đấu càng kinh ngạc, thầm nghĩ tương lai con bé này mà học thêm vài chiêu kiếm của Thái Hạo Cốc, luyện cho bản thân kiêm đủ công thủ thì mấy chục năm kiếm thuật của hắn chẳng phải toi công rồi ư?
Trong lòng hắn sốt ruột, bất chấp cả nội thương, dồn chân khí vào trong trường kiếm. Lưỡi kiếm uốn thành hình cung thắt chặt lấy thân kiếm của Chu Vi, hắn quát lớn một tiếng:
- Buông!
Gan bàn tay của Chu Vi đau nhói, trường kiếm theo đó vuột ra khỏi tay.
Trương Thiên Ý cậy vào nội lực thâm hậu, gạt bay trường kiếm của đối thủ. Hắn ra tay không chút nương tình, ánh kiếm trong tay lại nháng lên, đâm về phía ngực Chu Vi.
Nhạc Chi Dương trông thấy thế thì hoảng hốt, vội giơ cao hòn đá rồi ném thật lực về phía Trương Thiên Ý. Trương Thiên ý tuy không e ngại nhưng cũng chẳng muốn để cho gã chọi trúng, vội vã phất chưởng quét ra, hòn đá lập tức bay vèo đi mất. Chu Vi lăn một vòng dưới đất, vừa định đứng dậy, Trương Thiên Ý đã ập đến, giơ kiếm đâm đến trước mặt cô.
- Trúng này!
Nhạc Chi Dương trong lúc nguy ngập liền ném đi cả viên Thạch Ngư trong tay mình. Trương Thiên Ý vốn định xua tay gạt đi, chợt liếc thấy Thạch Ngư, hắn lập tức biến chưởng thành trảo tóm gọn lấy viên đá, lại thấy Chu Vi lật người đứng lên muốn đến nhặt lấy thanh trường kiếm rơi cách đó không xa liền cười gằn một tiếng, hóa thanh kiếm thành một mũi tên phóng thẳng vào giữa lưng Chu Vi.
Mắt thấy một kiếm này sắp sửa ghim Chu Vi chặt xuống nền đất, bên người hắn đột nhiên nghe gió táp vèo vèo như có ám khí phóng đến. Trương Thiên Ý bất giác nghĩ thầm: "Thằng nhóc khiến chết!" Cứ tưởng đâu Nhạc Chi Dương lại ném đá, tay phải của hắn không ngừng lại, còn tay trái tùy ý chộp ra, nào ngờ vừa bắt lấy hòn đá, cảm giác mềm mềm dẻo dẻo, bên trong như có một luồng nội lực ồ ạt xuôi theo lòng bàn tay của hắn mà len lỏi khắp châu thân. Trương Thiên Ý lơ là khinh địch, ngay tức khắc cả người tê dại, hắn liêu xiêu nhảy sang phải, ngay cả bàn tay cầm kiếm cũng bị tác động, mũi kiếm đâm lệch đi, cắm xuống đất sát sạt người Chu Vi.
Chu Vi chỉ cảm thấy mũi kiếm sượt qua thân thể, cả người phát lạnh, lập tức không dám nghĩ ngợi nhiều, giở ra thân pháp của sư môn, tay chân cùng lúc hoạt động, bật người xoay lượn như rồng như rắn, lúc cô ưỡn người đứng lên thì trường kiếm đánh rơi ban nãy cũng đã thu về trong tay. Cô giương mắt nhìn lại, Trương Thiên Ý đang đứng ở đằng xa, trừng trừng nhìn khối đất sét trong lòng bàn tay đến xuất thần. Đang độ ngạc nhiên, chợt nghe tiếng cười khúc khích cất lên, nhướng mắt nhìn kỹ, phía đầu tường có một kẻ đang đứng trên đó, áo quần lam lũ, mái đầu hoa râm, hai tay đang ôm một hòn đất sét lớn màu trắng, vừa phủi tay vừa nheo nheo cười.
- Bà bà!
Chu Vi buột miệng hô to. Hóa ra người vừa xuất hiện chính là bà lão nặn tượng đất ban nãy, lúc này bà như thoát thai hoán cốt, nét mặt rạng ngời, dõng dạc đứng nơi đầu tường cao cao hệt như một cánh phượng tách bầy lẻ loi nhưng tràn đầy kiêu hãnh.
Bà lão mỉm cười ngó Chu Vi, ánh mắt lại dời sang Trương Thiên Ý:
- Thủ đoạn của túc hạ hiểm độc quá, ngay cả một đứa trẻ mà cũng không tha à?
Trương Thiên Ý trợn mày, quát lớn:
- Bà là ai, Trương mỗ làm gì cần bà chõ mũi vào hay sao?
Bà lão nhào nhào nắm đất sét trong tay, miệng cười bảo:
- Nói đúng lắm, già đây chẳng thích làm việc gì trừ việc chõ mũi vào chuyện người khác!
Dứt câu, bà chợt giơ tay lên cao, một luồng ánh sáng trắng lao thẳng đến giữa ngực của Trương Thiên Ý.
Trương Thiên Ý vừa bị ăn hành xong, biết rõ nội kình trong đất sét quái lạ nhường nào, vì thế hắn không dám đỡ trực tiếp mà nhấc kiếm huơ ra, quét trúng vào nắm đất sét đang bay đến. Chỉ nghe "choang" một tiếng, gan bàn tay của hắn nóng rần, trường kiếm thiếu điều muốn tuột khỏi tay. Hắn nhướng mắt lên, bà lão ấy đã rời khỏi tường đáp xuống đất, thong thả bước tới, khối đất sét trắng dẻo quánh trong tay của bà lúc dẹt lúc tròn hệt như một đám bột nhão.
Trương Thiên Ý hét lớn một tiếng, vung kiếm đâm ra. Bà lão chớp mắt mỉm cười, đôi tay chập vào trong, đất sét bỗng thay đổi hình dạng hóa thành một chiếc gậy mềm dài chừng hơn trượng, cuốn theo một trận cuồng phong quấn lên thân kiếm của Trương Thiên Ý.
Một chiêu này thật sự nằm ngoài dự đoán của Trương Thiên Ý, thế kiếm của hắn đã lỡ xuất ra, lúc này lấy làm kinh hãi, lật đật mặc cho kiếm tùy ý lao đi. Nào ngờ đất sét giữ chặt lấy thân kiếm, bên trên còn dẫn theo luồng nội kình triền miên của bà lão. Giữa lúc khẩn cấp, hắn chẳng có cách nào thoát được, còn đang kinh sợ thì một đầu của gậy mềm đã vụt đến hệt như sấm sét. Trường kiếm của Trương Thiên Ý bị khống chế, hắn lại chẳng tiện buông kiếm, đang ngập ngừng thì gậy mềm đã quất bộp một phát trúng vào má trái.
Một gậy này vừa nặng vừa đau, Trương Thiên Ý suýt nữa thì ngất lịm. Nhưng hắn gặp nguy không hoảng loạn, nội lực trên tay phóng ra ngoài đẩy bật luồng nội kình triền miên kia đi, đợi cho nội kình của đối phương rút đi khỏi lại gấp rút thu hồi vào trong cơ thể mình. Giữa lúc thu phóng ấy, hắn đã tranh thủ đoạt kiếm trở về rồi cố gắng nhảy vọt ra đằng sau, chỉ cảm thấy nửa đầu đờ đẫn mất tri giác, miệng mồm thoảng vị ngọt tanh như ngậm vật gì đó cưng cứng bên trong; hắn há miệng nhổ toẹt, hai chiếc răng kèm theo dịch máu bầy nhầy theo đó rơi ra ngoài.
Trương Thiên Ý cảm thấy hoảng sợ, nhủ thầm nếu không nhờ thần công hộ thể, một gậy kia chắc đã đập vỡ đầu hắn rồi. Nhìn bà lão kia lần nữa, gương mặt bà ta vẫn tươi cười, gậy mềm trong tay lại hóa ra một khối đất sét trắng, tiếp tục bị vò nắn trong lòng bàn tay. Trương Thiên Ý nhớ đến tình hình ban nãy, lại quan sát dung mạo bà lão, một ý nghĩ bỗng thoáng qua trong đầu, buột miệng hỏi:
- Bà... Bà là người đến từ đằng tây à?
- Đằng tây? - Bà lão cười khanh khách nhìn hắn: - Đằng tây nào chứ?
Trương Thiên Ý nổi sùng:
- Ngoại trừ núi Côn Luân ra còn nơi nào nữa?
Bà lão liếc nhìn hắn, gật đầu xác nhận:
- Xem như ngươi cũng có chút kiến thức, Phi Ảnh Thần Kiếm của ngươi được nhà họ Vân chân truyền, ngoài ra còn có Phi Ảnh Tử Kiếm, Kính Hoa, Thủy Nguyệt, Mộng Điệp, Không Huyễn, ngươi lớn từng này tuổi rồi mà sao vẫn giậm chân luẩn quẩn ở tầng thứ nhất vậy?
Trương Thiên Ý mặt mày nóng ran, hắn là đệ tử đích truyền của đảo vương Vân Hư, tiếc thay tính tình nham hiểm, lòng dạ hẹp hòi, cho nên tu vi kiếm đạo chỉ dừng ở "Kính Hoa Kiếm", phần sau khó mà tiến thêm bước nào nữa. Vì lẽ đó, hắn mới quyết tâm tìm ra Linh Đạo Thạch Ngư với mong muốn mở ra một hướng đi mới, hóa giải tình cảnh khốn cùng này.
Câu nói của bà lão đã chạm vào nỗi đau của hắn, Trương Thiên Ý thẹn quá hóa giận, hét lên:
- Đến từ đằng tây thì đã sao? Mau khai tên họ ra, kiếm của Trương mỗ không giết kẻ vô danh!
Bà lão cười bảo:
- Ta họ Thu!
Nói xong im bặt. Trương Thiên ý hai mắt trợn trừng, thất thanh la lên:
- Bà... Bà là Địa Mẫu Thu Đào!
Bà lão gật gù:
- Không ngờ còn có kẻ nhớ đến tên của ta!
Trương Thiên Ý cảm thấy hết sức bối rối, người này là chủ nhân một Bộ, nếu hắn không bị thương có lẽ còn miễn may ứng phó được chút đỉnh, giờ đây nội thương chưa lành, đánh tiếp thì rõ là nguy hiểm khôn lường. Nhưng cung đã lên giàn không thể không bắn, hắn nghiến răng bỏ Thạch Ngư vào trong chéo áo, giương kiếm lên cười khanh khách:
- Đông Đảo Trương Thiên Ý xin thỉnh giáo cao chiêu của Địa Mẫu!
Thu Đào để lộ tên tuổi cốt muốn cho hắn biết khó mà lui, nào ngờ kẻ này tính tình ngu dốt, cố chấp đến cùng, bà ngán ngẫm thở dài:
- Nói hay lắm!
Trương Thiên Ý bày ra kiếm quyết, bất động không ra tay; Thu Đào thì chỉ lo vân vê hòn đất sét, chẳng thèm liếc mắt đến hắn. Nhạc Chi Dương và Chu Vi đứng xem một bên, trống ngực cả hai đều đập thình thịch. Nhạc Chi Dương giật giật ống tay áo Chu Vi, ra hiệu nên thừa cơ đào tẩu, Chu Vi lại lắc lắc đầu, siết chặt trường kiếm đứng yên không nhúc nhích. Nhạc Chi Dương ngẫm nghĩ rồi chợt đoán ra, Thu Đào vì hai người mà lộ diện, nếu chuồn đi như vậy chẳng phải là không có tí nghĩa khí nào ư? Nhưng nói đi nói lại, kiếm thuật của Chu Vi không tầm thường còn có thể trợ giúp được một tay, bản thân gã cứ đứng đực ra ở đây thì quả là một tấm bia hứng kiếm lý tưởng.
Gã từng chính mắt trông thấy Trương Thiên Ý giết người, vì vậy đối với kẻ này hết sức ái ngại, thêm vào việc trở lại cái nơi rùng rợn thế này, nghĩ đến cảnh người chết la liệt ở đây, nhất định sẽ lẩn khuất không ít oan hồn lệ quỷ. Nghĩ thế, sống lưng gã trở nên lạnh toát, bèn đưa mắt dáo dát dòm xung quanh nhưng không gian vẫn một mực im lìm vắng vẻ, nhờ đó bụng dạ gã mới dần vững tâm hơn, thầm nghĩ mọi người nơi đây đều bị tên quỷ đòi nợ kia tàn sát, nếu thật sự có ma quỷ quấy phá thì cũng nên đi tìm Trương Thiên Ý mà báo oán, canh ngay lúc hắn giao thủ, đẩy lệch đi mũi kiếm của hắn, bắt hắn ăn no đòn mà chẳng thể nào chống cự lại.
Đang rủa xả trong đầu, gã chợt nghe Trương Thiên Ý khẽ hừ một tiếng, trường kiếm xuyên qua không khí đâm ra loác xoác sáu kiếm. Thu Đào chả buồn ngẩng đầu lên, thân thể như hoa mềm liễu yếu, ung dung tránh khỏi lưỡi kiếm, eo lưng mềm mại, bước chân uyển chuyển, căn bản là không giống như một bà lão đã ngoài năm chục tuổi. Mớ đất sét trong tay lại lặng lẽ biến hóa thành một chiếc gậy mềm tựa như rắn thần, lúc tấn công thoắt đầu thoắt đuôi luân phiên ứng đối, chốc chốc lại ra đòn bất ngờ. Lúc thì đầu gậy chậm rãi, rụt rè không tấn công, đuôi gậy lại như sấm giăng chớp giật, nhanh đến mức không trông rõ hình dáng; lúc thì đuôi gậy thụ động như một chú rắn con biếng nhát rụt rè, nhưng đầu gậy thì lại bừng bừng sôi sục, duỗi ra nhanh như chớp. Trương Thiên Ý hết sức e sợ luồng kình lực ếm trên đất sét, trường kiếm vừa đâm đến liền rút đi không dám va chạm cùng chiếc gậy mềm ấy.
Bà lão từng bước một dồn ép Trương Thiên Ý, chân khí dồn vào trong đất sét, khối đất ấy càng lúc càng phình ra, thoáng chốc hóa thành một cây thương ngắn màu trắng, thoáng sau lại biến ra một thanh nhuyễn kiếm phủ sương. Trương Thiên Ý thấy bà lão giở ra kiếm pháp, trong bụng cười thầm, trộm nghĩ bà già đúng là múa rìu qua mắt thợ, dám đấu kiếm với mình chẳng khác nào chuốc nhục vào thân. Hắn đang tập trung hóa giải kiếm pháp, thình lình nhuyễn kiếm hóa dài, biến thành một quả chùy to cỡ trái dưa hấu bay xẹt đến, kéo theo sau là một chuỗi xích dài ngoằn. Lạ ở chỗ sợi xích bằng đất ấy liền lạc mềm dai hệt như bên trong có luồn vào một cọng dây thừng vậy.
Biến hóa hết sức đột ngột, Trương Thiên Ý ứng phó không kịp, quả chùy đất đã bay vòng trở lại quất mạnh vào sống lưng của hắn. Trương Thiên Ý chỉ cảm thấy một cơn đau thấu buốt qua ngực, ngụm máu tươi chực tràn lên nơi cổ họng. Hắn cố gắng nhẫn nhịn, huơ kiếm chặt về phía sợi thừng đất, ngờ đâu đất sét co lại cực nhanh, lưỡi kiếm lướt sượt qua chỉ cắt được một mảnh to cỡ bàn tay. Hắn trố mắt nhìn theo, khối đất sét rút về trong tay cùa bà lão bỗng hóa thành một cây gậy mềm hình đuôi hổ, nửa nhanh nửa chậm đập bổ lên đầu hắn.
Trương Thiên Ý cố sức nhảy đi, nhưng chỉ kịp tránh phần đầu, bả vai không thoát được liền ăn trúng một gậy, tức thì đau đến thấu xương cốt. Trương Thiên Ý lần này hết chịu nổi, một bún máu tươi phun vèo ra khỏi miệng. Thu Đào thấy hắn ói máu thì khẽ ngây ra rồi kêu lên:
- Ôi chao, nhà ngươi bị thương à?
Trương Thiên Ý thầm nghĩ nếu còn nấn ná lại thì hôm nay khó mà toàn mạng, trong lúc khẩn cấp bèn vung tay lên, Dạ Vũ Thần Châm liền xuất hiện trên đầu ngón tay. Sau trận chiến ở Tử Cấm Thành, số kim châm của hắn còn lại không nhiều, vì vậy nếu không phải cùng cực bất đắc dĩ thì hắn nhất quyết không dễ dàng tung ra, bằng không thì Chu Vi và Nhạc Chi Dương sớm đã trúng phải độc thủ của hắn. Lúc này đây, tính mạng của hắn bị đe dọa, trường kiếm nơi tay phải chớp lên, Thu Đào định vung gậy ngăn cản, bất chợt tay trái Trương Thiên Ý giơ cao, kim châm hóa thành một màn mưa bắn vèo vèo về phía đối thủ.
Chu Vi đứng bên trông thấy thế, trái tim muốn tọt lên khỏi cổ họng. Nói thì chậm, khi ấy sự việc diễn ra rất nhanh, đất sét trong tay Thu Đào biến hóa, ngay lập tức nở ra thành một tấm khiên hình dạng như bánh đa, kim châm bắn líu chíu vào trong tấm khiên ấy đều bị đất sét nhốt chặt lại.
Trương Thiên Ý cũng không trông mong gì đắc thủ, vì thế hắn vừa bắn châm xong thân thể vội rút về sau, chớp mắt đã xông đến bên Chu Vi. Chu Vi chỉ lo để ý an nguy của Thu Đào, vốn dĩ quên mất cảnh giới cho bản thân. Lúc này Trương Thiên Ý tiến sát đến gần, cô mới giật mình nhận ra, mắt thấy ánh kiếm ập vào mặt, theo ý thức liền nhảy về sau, hai chân còn chưa đứng vững chợt nghe tiếng kêu thảng thốt phát ra từ phía Nhạc Chi Dương.
Chu Vi nghe tiếng kêu ấy thì rung bắn người, mặt cắt không còn hột máu. Cô đưa mắt nhìn sang, Nhạc Chi Dương đang bị Trương Thiên Ý bóp chặt lấy cần cổ rồi xách lên khiến cho hai mắt gã trợn trừng, lưỡi thè ra ngoài.
Hóa ra Trương Thiên Ý đâm kiếm về phía Chu Vi cũng là hư chiêu, trước sau hắn tung ra hai chiêu giả liên tục cốt chỉ muốn bắt cho bằng được Nhạc Chi Dương, đơn giản là vì trong ba người ấy, Nhạc Chi Dương là kẻ dễ đối phó nhất, cho nên trước tiên hắn ép cho Thu Đào dựng khiêng phòng thủ, sau đó chĩa kiếm bức lùi Chu Vi, cô vừa lui đi thì Nhạc Chi Dương sẽ tức khắc bị cô lập, Trương Thiên Ý nhẹ nhàng vung tay chộp ra liền tóm ngay được gã.
Thu Đào rút tấm khiên đất về rồi biến ra gậy mềm như trước, nội kình vừa truyền đến, kim châm lần lượt bị dồn lên đầu gậy, từng mũi nhọn tua tủa đâm ra ngoài trở thành một thanh lang nha bổng mềm mại. Nhưng cho dù có vũ khí lợi hại trong tay, Thu Đào vẫn hết sức ngập ngừng, ánh mắt lấp lánh chăm chú nhìn Trương Thiên Ý. Chu Vi thì mặt mày xám ngoét, thân hình lảo đảo như chỉ cần chạm nhẹ vào thôi cũng có thể ngã quỵ.
- Địa Mẫu thần thông, Trương mỗ đã bội phục rồi! - Trương Thiên Ý ho khan hai tiếng, khóe miệng lại ứa ra dòng máu: - Theo như ta biết, quý Bộ lấy từ bi làm chủ trương, nhất định không lạm sát người vô tội, Địa Mẫu nương nương thân lại là chủ của một Bộ thiết nghĩ cũng sẽ không ngoại lệ đâu nhỉ!
Thu Đào nhíu mày không đáp, Trương Thiên Ý vừa nói vừa rút lui, dần dần đã tiến sát đến bên góc tường. Chu Vi cũng không còn kiên nhẫn nữa, cô tung người xông đến, giơ kiếm muốn đâm ra. Trương Thiên Ý mỉm cười, nắm lấy lưng áo Nhạc Chi Dương giơ trái lắc phải, bất kể Chu Vi xuất kiếm thế nào, mũi kiếm cũng đều chĩa vào người thiếu niên. Chu Vi vừa đâm kiếm đến lại gấp rút thu về, lòng dạ càng thêm quýnh quáng, vành mắt dần dần đỏ lựng, nhưng cô nhất quyết không chịu bỏ cuộc, chỉ đành cắn chặt răng liều mạng xuất kiếm, mong muốn tìm ra sơ hở để mà đâm trúng Trương Thiên Ý ở đằng sau.
Đôi tay của Trương Thiên Ý chuyển động nhưng hai mắt thì không hề chớp, trước sau vẫn ngó lom lom Thu Đào. Bỗng thấy lão bà ấy như có tâm tư, khối đất sét trong tay dần dần rũ xuống rồi đặt sát mặt đất. Trương Thiên Ý trong lòng chột dạ, bất ngờ bước lùi về sau, bật người nhảy lên cao, trường kiếm đâm xuyên vào vách tường, thân thể đột ngột phóng vụt lên. Cũng trong khoảnh khắc ấy, tại mặt đất nơi hắn vừa đứng, đất sét chợt đùn lên hệt như rồng rắn uốn lượn, men dần đến tận góc tường, một vết nứt chẳng rõ từ đâu thuận theo vách xẻ dọc lên đến đầu tường. Lúc này, Trương Thiên Ý vừa nhún người lên cao, thoáng cái đã vượt qua bờ tường rồi rơi tọt vào con hẻm ở đằng sau.
"Chu Lưu Thổ Kình" của Thu Đào có thể theo đất sét mà chuyển phát, vốn muốn ra tay bất ngờ để khống chế đối phương từ bên dưới lòng đất, ngờ đâu Trương Thiên Ý hết sức lanh lẹ, không đợi cho kình lực ập đến đã vượt tường bỏ trốn ngay lập tức. Thu Đào dùng "Khôn Nguyên" tấn công từ xa nên chẳng có cách nào đuổi theo kịp, trong lòng vô cùng rầu rĩ.
Chu Vi giặm chân một cái, nhảy vọt lên đầu tường, chỉ thấy ngõ nhỏ sâu hun hút, chẳng rõ Trương Thiên Ý đã đi về phương nào. Cô vội vã rời khỏi con hẻm, chạy đến trước miếu Phu Tử, ngoảnh đầu nhìn bốn phía chỉ thấy nam thanh nữ tú quần là áo lượt dập dìu trên đường, nhưng ngóng mãi vẫn chẳng thấy bóng dáng Nhạc Chi Dương nơi đâu.
Chu Vi sống mũi cay cay, nước mắt giàn dụa, cô xông vào giữa đoàn người xô trái dạt phải, thảng thốt gọi to ba chữ "Nhạc Chi Dương" như phát cuồng. Hiềm nỗi cô mặc trang phục đàn ông, giọng nói hết sức quyến rũ, khiến cho người đi đường nghe thấy không khỏi ghé mắt dõi theo.
Chu Vi chạy đến bờ sông Tần Hoài thì mặt mày đã đẫm lệ, dòng nước xào xạt nơi xa hắt bóng vô số đình đài lầu gác trên mặt sông; thuyền bè ngược xuôi mỗi lúc một nhiều, chốc chốc lại vọng đến tiếng đàn tiếng sáo. Nghe thấy tiếng sáo, Chu Vi run bắn cả người, khẩn thiết nhìn về phía đám thuyền bè ấy, cô biết rõ người thổi sáo chẳng phải là Nhạc Chi Dương nhưng trong đáy lòng cô lại luôn mong mỏi điều kì tích xảy đến. Cô thét gọi về phía đám thuyền bè, tiếng kêu thê lương thảm thiết, dọa cho đám kỹ nữ và khách làng chơi trong các con thuyền ấy lần lượt ló đầu nhìn ra.
Chu Vi tuyệt vọng cùng cực, hai chân mềm nhũn, ngã gục xuống bến Tần Hoài. Nghĩ đến lần này Nhạc Chi Dương lành ít dữ nhiều, cô vừa thẹn vừa hận, hận không thể chết quách đi cho xong. Thiếu nữ hai tay bưng mặt, không ngừng nghẹn ngào khóc nấc. Đang lúc thổn thức, có ai đó bỗng vỗ lên đầu vai của cô, cô vội nhảy lên la lớn:
- Nhạc Chi Dương...
Đến khi nhìn rõ lại, Lãnh Huyền nửa người đầm đìa máu, đang đứng đực ra ở đằng sau cô.
- Lãnh công công! - Trong lòng nhen nhóm lên một tia hy vọng, Chu Vi nắm chặt lấy lão hét lên: - Ông mau đi cứu Nhạc Chi Dương đi... Chàng... Chàng bị Trương Thiên Ý bắt đi mất rồi...
Nói chưa dứt lời, cổ tay Chu Vi chợt bị siết mạnh, Lãnh Huyền bấu lấy mạch môn của cô, trầm giọng giục:
- Mau trở về cung kẻo không kịp!
Chu Vi vừa ngạc nhiên vừa giận dữ, giãy nẩy hét lên:
- Lãnh công công, ta không về đâu, Nhạc Chi Dương chàng...
Một luồng khí lạnh tuôn ra từ lòng bàn tay Lãnh Huyền, nửa thân người của Chu Vi mềm oặt, không tự chủ được đành buông xuôi theo lão đi về phía trước. Thiếu nữ ngoảnh đầu trông lại, bờ sông Tần Hoài đã trở nên nhòa nhạt, trời và đất đượm màu thê lương, cùng lúc đó hai mắt cô tối sầm đi rồi chìm vào vô thức.
Trương Thiên Ý chạy suốt một đoạn đường bỗng cảm thấy có người đang bám đuôi, quay đầu nhìn lại, bóng hình Thu Đào cứ thoắt ẩn thoắt hiện ở đằng sau. Trương Thiên Ý nghĩ ra một cách, cố tình chọn những nơi tường cao nhà lớn mà bỏ chạy. "Long Độn Thuật" của hắn chuyên về bay nhảy, lại thêm móc sắt trợ lực, võ công Thu Đào dẫu cao hơn hắn một bậc thì khinh công so ra vẫn kém đôi phần, lại thêm thiếu hẳn móc sắt, chưa hết thời gian một tuần trà bà đã bị bỏ tít lại phía sau.
Nhạc Chi Dương bị chế ngự huyệt đạo, miệng không thể nói, tay không thể cử động, mắt thấy những dãi phòng hai bên cứ trôi qua vùn vụt, núi xanh sông biếc cứ liên tiếp hiện ra, đường đi càng lúc càng hoang sơ vắng vẻ. Nhạc Chi Dương xác định xung quanh, đột nhiên nhận ra Trương Thiên Ý đã rời khỏi kinh thành mà chạy thẳng đến vùng ngoại ô Tương Sơn. (TG chú: nay thuộc Tử Kim Sơn, Nam Kinh)
Đến Tương Sơn, đi hết một đoạn đường núi, trông thấy một ngôi miếu nhỏ, Trương Thiên Ý bèn quay đầu lại quan sát kỹ càng, sau khi xác định là không có người bám theo mới tiến vào cửa miếu rồi quăng phịch Nhạc Chi Dương xuống đất, báo hại gáy của gã nện lên nền sân đau điếng.
Kêu lên một tiếng mới nhận ra huyệt đạo đã được giải, gã vội ngồi bật dậy, phát giác tòa miếu này sớm đã bị bỏ hoang, tượng đá nằm lăn lóc trên sân cũng chẳng rõ là thờ phụng thần thánh phương nào. Phía trước mái hiên có một vại nước to, vành mép đã sứt mẻ, bên trong chứa hơn nửa vại nước mưa.
Trương Thiên Ý không thèm ngó ngàng gì đến gã mà chỉ lo xếp bằng ngồi im, nhắm mắt điều tức. Nhạc Chi Dương cố nín thở, rón ra rón rén định bước ra khỏi cổng lớn, ngờ đâu khớp gối bỗng nhói lên một cái, chân trái liền mất đi cảm giác. Gã ngã quỵ xuống đất, quay đầu nhìn lại, chỉ thấy một viên đất to cỡ móng tay đã bắn trúng vào yếu huyệt sau đầu gối của gã.
Trương Thiên Ý ngồi ở nơi đó, sắc mặt vàng vọt tái mét, quần áo tả tơi như giấy, đôi mắt khép hờ hờ, nét mặt như cười như không, cái nét quỷ quyệt chết chóc ấy làm gã liên tưởng tới loài quỷ vô thường trong miếu Thành Hoàng. Nhạc Chi Dương không dám manh động, nửa ngồi nửa quỳ, mồ hôi tuôn ướt đẫm, cái cảm giác quỳ gối chờ chết này thật sự còn khó chịu hơn bất cứ hình phạt nào trên đời.
Gã cứ nửa ngồi nửa quỳ như thế giằng day cũng hết bẵn một nén nhang, Nhạc Chi Dương thấy hắn ta không nhúc nhích, can đảm lại nổi lên, bèn chống tay xuống đất định bò lê ra ngoài, chợt nghe người phía sau cười gằn:
- Tiểu súc sinh, ngươi mà có thể trườn ra khỏi cửa được thì ta sẽ tha mạng cho ngươi, thấy thế nào?
Nhạc Chi Dương quay đầu nhìn lại, Trương Thiên Ý đang mở to mắt ngó gã, nhe răng cười lạnh. Nhạc Chi Dương chẳng còn cách nào khác, đành ngồi lại xuống đất.
Trương Thiên Ý liếc mắt nhìn trần miếu, bỗng cất tiếng:
- Tiểu súc sinh, thương tật trên người ta đều do một tay ngươi ban cho, ngươi đã biết tội hay chưa?
Nhạc Chi Dương ổn định tinh thần, miễn cưỡng nở nụ cười giả lả:
- Trương tiên sinh phước lớn mạng lớn, bị thương có chút tẹo thì nhằm nhò gì?
Trương Thiên Ý liếc mắt nhìn gã, cười lạnh:
- Sao, ngươi sợ rồi à?
Nhạc Chi Dương đáp:
- Cũng không hẳn là sợ, Trương tiên sinh là đại cao thủ của Đông Đảo, còn ta chỉ là một kẻ lưu manh ở bến Tần Hoài. Ngươi có giết ta thì cũng chẳng vẻ vang gì, ngược lại còn làm bẩn tay mình, rước thêm nhục vào thân. Còn nếu không giết ta, ta nhất định sẽ đi khắp nơi tuyên dương ngươi, nói ngươi lòng dạ quảng đại từ bi!
Trương Thiên ý thấy gã chết đến nơi rồi mà còn dám liều mạng nói ba xàm ba láp, bất giác bật cười:
- Tiểu súc sinh, ngươi tâng bốc nhầm người rồi, bốn chữ "quảng đại từ bi" với Trương mỗ trước nay không hề có duyên!
Nhạc Chi Dương nghe vậy thì nổi tính ương ngạnh, lớn giọng bảo:
- Nếu đã như thế, giết thì cứ giết, nói nhiều làm gì!
Trương Thiên Ý hừ lạnh một tiếng, thầm nghĩ thằng nhóc này ba lần bảy lượt gạt mình, nếu không mang nó ra lột da xẻo thịt thì thật khó mà tiêu được mối hận trong lòng. Chỉ là "Xài vật xài hết mức, dùng người dùng hết sức", trước tiên dọa cho nó sợ để nó giúp mình làm xong công việc, sau đó sẽ tính sổ với nó cũng chưa muộn. Suy tính đến đây, hắn cười bảo:
- Tiểu súc sinh, ta có một việc nhờ ngươi, nếu làm tốt ta sẽ miễn cho ngươi tội chết, thậm chí còn rút thần châm trong người của ngươi ra. Còn nếu làm tầm bậy, hừ, ngươi tự mình hiểu rõ!
Nhạc Chi Dương vốn đinh ninh mình sẽ chết chắc, chợt nghe thấy một cơ hội sống liền nhoẻn cười:
- Việc gì vậy, nói ra nghe nào?
Trương Thiên Ý lặng im một lúc, đoạn lôi ra Linh Đạo Thạch Ngư. Hắn xa cách Thạch Ngư đã nhiều năm tháng, giờ phút này cầm lại trong tay, cõi lòng không khỏi bồi hồi kích động, miệng bật ho sù sụ, nhiệt huyết cũng sôi sục trào dâng. Hắn không muốn tỏ ra yếu đuối trước mặt người khác bèn cố nuốt lại ngụm máu loãng, rít giọng hỏi:
- Dòng chữ ghi trên vảy cá này thật sự là nhạc phổ à?
Nhạc Chi Dương đáp:
- Hình như là vậy!
Trương Thiên Ý phát cáu:
- Cái gì mà hình như?
- Hán phổ Quy Từ ta có thấy bao giờ đâu à. - Nhạc Chi Dương vừa ngẫm nghĩ vừa nói: - Phải dịch văn tự ghi trên Thạch Ngư sang chính âm của Trung Hoa, sau đó thổi lên một lượt mới xác định được.
Trương Thiên Ý trừng mắt nhìn Nhạc Chi Dương, trong lòng không khỏi nghi hoặc: "Thằng nhóc này quỷ quyệt gian xảo, ngoài mặt thì nói là phiên dịch nhạc phổ, biết đâu chừng là đang kéo dài thời gian? Thu Đào bị ta cắt đuôi, nhất định là rất mất mặt, hẳn giờ này bả đang sục sạo ở khắp nơi. Hồi nãy tỉ thí sức chạy, ta đã dốc hết lực rồi, giờ đây trọng thương yếu ớt, lỡ như gặp lại thì chẳng những tính mạng khó giữ mà Thạch Ngư cũng sẽ rơi vào tay bả mất..." Hắn nghĩ đi nghĩ lại, trong bụng hết sức mâu thuẫn. Nhạc Chi Dương thấy vẻ mặt của hắn biến chuyển cũng hồi hộp lo lắng vô cùng, chỉ sợ hắn nổi cơn thay đổi chủ ý thì toi.
Trương Thiên Ý suy nghĩ một lúc chợt bảo:
- Được, tiểu súc sinh, ngươi phiên dịch nhạc phổ đi, hạn cho nhà ngươi trong một khắc(*) phải dịch xong, lố qua một phút ta chặt một ngón tay, chặt hết hai bàn tay thì sang hai chân, tay chân xong hết sẽ đến phiên cái đầu của ngươi!
(ND chú: 1 khắc cỡ mười lăm phút hiện nay)
Nhạc Chi Dương mặt mày tái mét, cười gượng:
- Ngươi tính giờ bằng cách nào chứ?
Trương Thiên Ý hừ một tiếng, rút ra một cái đồng hồ cát nho nhỏ, bảo:
- Cát chảy hết là nửa khắc đồng hồ!
Nhạc Chi Dương nhịn không được bật kêu ca:
- Sao cát chảy nhanh dữ vậy?
Trương Thiên Ý lạnh lùng thốt:
- Xem như nhà ngươi xui xẻo!
Nhạc Chi Dương lầu bầu:
- Thật không công bằng mà...
Trương Thiên Ý hầm hừ, một tay ném Thạch Ngư đi, một tay lật úp đồng hồ cát, cát vàng rào rào trút xuống như bay.
Nhạc Chi Dương giật mình, vội vã chụp lấy Thạch Ngư, nỗ lực nhận diện văn tự ghi bên trên thân cá. Gã có trí nhớ hơn người, giai điệu nào nghe thoáng qua cũng đều thổi được, nhạc phổ nhìn lướt sơ đều ghi nhớ kỹ, cho dù Hán phổ Quy Từ có khó nhằn đến đâu, Chu Vi vừa giảng qua một lượt gã đã khắc ghi trong lòng. Bảy điệu của Quy Từ đối ứng với bảy điệu cung thương của Trung Hoa, phiên dịch thì không khó mấy, cái khó chính là Thạch Ngư không được rõ ràng đâu ra đấy như trang giấy, phải bắt đầu từ đâu trên thân cá chi chít văn tự chính là một vấn đề nan giải.
Ngó nghiêng một hồi, ánh mắt Nhạc Chi Dương tập trung vào phần trên hai mắt cá, thầm nghĩ Thạch Ngư có đầu có đuôi, Linh đạo nhân khắc ghi nhạc phổ chắc cũng theo thứ tự đầu trước đuôi sau, trên đầu cá ngoại trừ đôi mắt ra, ở nơi khác không hề có văn tự, như vậy ký tự đầu tiên trong nhạc phổ này phải bắt đầu từ đôi mắt. Tuy nhiên, cá có đến hai con mắt, nên bắt đầu ở mắt trái hay mắt phải đây? Mắt trái có khắc một chữ "Sa" có lẽ là chữ đầu của "Sa thức", mắt phải có khắc một chữ "Kê", có lẽ là chữ đầu của "Kê thức". Trong hai chữ trên nhất định phải chọn ra một!
Vầng trán Nhạc Chi Dương mướt mát mồ hôi, gã ngẩng đầu nhìn sang, mới có tí chút thời gian thôi mà cát đã chảy hết một phần tư, còn gã thì vẫn chưa dịch xong nổi một chữ. Thế chảy của dòng cát ấy vùn vụt như tên, từng mũi một găm vào trong trái tim gã. Nhạc Chi Dương xốc lại tình thần, chợt nảy ra một ý: tạm thời không để ý bên trái bên phải nữa, trước tiên cứ dịch nhạc phổ bên mắt trái, kế đó dịch đến nhạc phổ bên phải rồi đem kết hợp cả hai lại, xem xem bắt đầu từ bên nào sẽ nghe thanh thoát êm tai hơn.
Nghĩ rồi gã lập tức rút thanh Không Bích xuống, vạch lên mặt đất bản dịch chính âm của Trung Hoa. Vảy trên Thạch Ngư đan liền san sát, chữ viết rất nhiều, nhưng một đường thông thì xuôi trăm nẻo, lúc Nhạc Chi Dương dịch ra nhạc phổ nơi mắt trái thì cát mới chảy hơn một nửa, dịch xong nhạc phổ bên mắt phải, dòng cát vẫn chưa chảy xong. Nhạc Chi Dương thở phào một hơi, trong đầu nhẩm dò giai điệu vừa dịch, nhưng bất kể là lấy "Sa thức" làm khởi đầu hay đem "Kê thức" lên trước thì khúc nhạc này đều không hợp lý chút nào. Nếu lấy "Sa thức" làm khởi đầu, cùng lắm tiết tấu sẽ trở nên kỳ quái mà thôi, nhưng nếu đem "Kê thức" lên trước tiên, đoạn kết hợp cùng nhau thật sự là trật khớp. Nếu lấy tiêu chuẩn của một khúc nhạc ra bình luận, thì khúc trước cùng lắm chỉ nghe phô và lạ, còn khúc sau thật sự là loạn điệu sai cung, hoàn toàn không phù hợp nhạc lý trong âm nhạc.
Đang ngần ngừ, Trương Thiên Ý chợt bảo:
- Hết giờ rồi!
Nhạc Chi Dương nghe tiếng bật dậy, hét lên:
- Ta dịch ra rồi!
Trương Thiên Ý híp mắt nhìn gã, lạnh lùng giục:
- Được lắm, thổi lên nghe nào!
Trái tim Nhạc Chi Dương đập loạn xà ngầu, gã quét mắt xuống bản dịch trên nền đất, hít sâu vào một hơi, thổi lên một khúc nhạc bắt đầu bằng "Sa thức".
Khúc nhạc vô cùng khó thổi, lắm đoạn khi nới khi chặt cứ lặp đi lặp lại. Nhạc Chi Dương một hơi chẳng thể thổi hết, phải qua mấy lần đổi hơi mới có thể ngắc ngứ tấu xong, chưa kể bên trong lại trúc trắc vô cùng, lỡ mà bất cẩn thì điệu cung sẽ trở thành biến cung, điệu trưng sẽ hóa thành biến trưng. Nhạc Chi Dương thổi ra một khúc nhạc như vậy, quả là vừa thẹn vừa tủi, hận không thể tìm một cái lỗ chui trốn cho rồi.
Gã một bên thổi sáo, một bên trộm quan sát sắc mặt Trương Thiên Ý. Kẻ nọ ngồi yên vững vàng, vẻ mặt tăm tối không trông thấu. Đến khi Nhạc Chi Dương thổi dứt, Trương Thiên Ý trầm ngâm hồi lâu, bất chợt hỏi:
- Xong rồi à?
Nhạc Chi Dương đáp:
- Xong rồi!
- Nghe như rắm! - Trương Thiên Ý nhe răng cười lạnh: - Đây là cái thứ dở ương gì thế? Vừa khó nghe vừa vô dụng, hoặc là ngươi đã phiên dịch sai, hoặc là ngươi đang giở trò gạt người. Hừ, mau ngoan ngoãn đưa tay qua đây, ta tiện sạch bàn tay của nhà ngươi trước!
Nhạc Chi Dương mặt mày rầu rĩ thốt:
- Chặt đứt ngón tay rồi thì chẳng thổi sáo được nữa đâu.
Trương Thiên Ý thấy gã còn có gan đôi co mặc cả, lửa giận trong lòng càng bốc cao:
- Mặc xác nhà ngươi, ta đếm ba tiếng, ngươi mà không qua ta sẽ tự đến!
Nhạc Chi Dương thầm cảm thấy tuyệt vọng, trong bụng lầm rầm khấn vái một lượt liệt tổ liệt tông của Linh đạo nhân, ngoài miệng thì nói:
- Trương tiên sinh đừng gấp, khúc nhạc này có hai cách thổi, vừa rồi chỉ là cách đầu tiên, tiếp theo đây là cách thứ hai...
Trương Thiên Ý nổi sùng:
- Bớt nhăng cuội đi, mau qua đây chịu tội...
Nhạc Chi Dương thở dài:
- Trương tiên sinh, một khúc nhạc thôi đâu có tốn bao nhiêu thời gian, hầy dà, khúc nhạc này mà vô dụng nữa thì ngài chém đầu ta cũng được mà!
Trương Thiên Ý thấy gã tràn trề tự tin, trong lòng thầm sinh nghi: “Thằng nhóc này chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, lẽ nào vừa nãy nó cố tình giấu giếm? Như nó vừa nói, chặt đứt mười ngón tay rồi sẽ không thổi sáo được nữa, nên chi bằng ta nghe thử thêm một lần này xem nó còn bày ra được trò gì.”
Nghĩ đến đây, hắn lạnh lùng bảo:
- Thôi được, lần này mà không xong thì ta sẽ lấy mạng của ngươi!
Lòng bàn tay Nhạc Chi Dương rịn ướt mồ hôi, trong bụng hoàn toàn chẳng có chút tự tin nào, khúc nhạc sau còn í ẹ hơn cả khúc nhạc đầu, có điều thổi hết bài tóm lại cũng có thể kéo dài đôi chút thời gian, chỉ mong sao ơn trên phù hộ cho tiểu công chúa và lão thái bà đến kịp lúc.
Gã nghiến răng, vắt sáo lên môi định thổi bậy bạ một khúc, nhưng nghĩ thầm nếu như thổi theo nhạc phổ , đến lúc vạn bất đắc dĩ còn có thể để cho Trương Thiên Ý so từng chữ đối chiếu để chứng minh gã không giả bộ, còn nếu cứ thổi bừa lung tung thì khi ấy có trăm cái miệng cũng không biện bạch nổi.
Chẳng còn cách nào khác, gã đành phải thổi y theo nhạc phổ. Hai khúc nhạc này phần trước phần sau cơ bản là giống nhau, chỉ là nửa sau của khúc nhạc nếu đem gắn vào phần trước, thay đổi đi trật tự, giai điệu kết hợp đều sẽ xảy ra biến hóa, nốt cao sẽ thành nốt thấp, nốt thấp vọt lên thành nốt cao, tựa như có một nguồn sức mạnh nào đó vây chặt lấy ngọn sáo khiến cho người ta không thể điều khiển theo ý mình muốn. Tài nghệ sáo của Nhạc Chi Dương không hề tầm thường nhưng lúc này gã cũng phải thổi đến mức đỏ mặt tía tai, dốc cả sức lực ra để vận dụng.
Trương Thiên Ý nghe mà nhíu mày liên tục, cơn thịnh nộ ngày thêm tích tụ trong lồng ngực, hắn ngấm ngầm siết chặt chuôi kiếm, chỉ đợi cho Nhạc Chi Dương thổi hết là tặng gã một nhát xuyên tim.
Khúc nhạc thổi đến phân nửa, Trương Thiên Ý chợt cảm thấy trong lòng nhộn nhạo, khí huyết như mất kiểm soát, bị tiếng sáo dẫn dắt làm cho chảy dọc ngang tán loạn khắp cơ thể. Hắn giật mình, vội vàng vận công trấn áp khí huyết, đang tính quát dừng thổi thì đột nhiên trong miếu vang lên những tiếng động rền rền. Trương Thiên Ý nhìn quanh nhìn quất chẳng thấy một ai, tập trung nghe kỹ bỗng nhận ra thanh âm ấy vọng đến từ chính viên Thạch Ngư nọ.
Trương Thiên Ý mừng như điên, không ngờ trong Thạch Ngư quả nhiên có ẩn chứa điều thần kỳ. Chìa khóa mấu chốt của vấn đề chính là nhạc phổ trên Thạch Ngư. Nghĩ đến đây, hắn bỏ qua ý định cắt ngang Nhạc Chi Dương, thế nhưng tiếng sáo tựa thủy triều cứ xô dồn vào tai hắn, khiến cho máu huyết trong người hắn nhốn nháo cả lên, nội thương trước đây mắc phải đều bị khơi lại, ngũ tạng lục phủ đau đớn nóng rát như bị hành hạ trên vạc dầu.
Cảm giác này thật quái lạ làm sao, Trương Thiên Ý trước sau vô cùng khó xử, một mặt sợ ngắt ngang tiếng sáo không thể phá giải được bí ẩn trên Thạch Ngư, mà để mặc cho tiếng sáo véo von thì thể nào khí huyết của hắn cũng rối loạn, nội thương càng thêm trở nặng. Nhưng võ công của Linh đạo nhân có sức hấp dẫn quá lớn, Trương Thiên Ý khổ luyện biết bao năm, võ công tại Đông Đảo cùng lắm chỉ xếp vào loại làng nhàng hạng hai , muốn tăng tiến thêm một bậc đúng là khó như lên trời, nếu có thể học được võ công của Linh đạo nhân nói không chừng có thể tháo bỏ những rào cản bó buột mà đạt đến một trình độ hoàn toàn mới.
Tiếng rền rền ngày một gấp gáp, Thạch Ngư cộng hưởng cùng tiếng sáo, lúc thì xoay quanh một chỗ, có lúc lại phập phều trải ra. Trương Thiên Ý còn chưa kịp vui mừng bỗng cảm thấy tiếng sáo thổi càng lúc càng cao, tựa như một ngọn đao liên tục đục khoét bên trong "Thủ Thiếu Âm Tâm Kinh". Trương Thiên Ý choáng váng ngất ngư, cổ họng phát ngọt, biết rõ nếu cứ tiếp tục trì hoãn thì nhất định không thể cứu vãn, đang tính ra lệnh ngừng thổi, nhưng vừa há miệng bỗng phát giác nói không ra hơi, hắn toan động thủ thì cả một ngón tay cũng nhấc lên không nổi.
Khúc nhạc thổi đến hồi kết, mọi biến hóa của Thạch Ngư đều nằm gọn trong tầm mắt Nhạc Chi Dương, cõi lòng gã vừa kinh ngạc vô cùng, vừa nôn nóng hết sức. Miệng gã tuy thổi tấu nhạc khúc nhưng ánh mắt chốc chốc lại quét về hướng cửa miếu, bên ngoài cây cối ngút ngát um tùm, sắc trời đương độ sáng sủa nhưng lại vắng hoe chẳng có lấy một bóng người.
Nhạc Chi Dương trong lòng chợt hiểu ra, bí ẩn trong Thạch Ngư một khi được phá giải thì bản thân mình cũng chẳng còn tác dụng nữa. Nghĩ đến đây, gã đưa mắt liếc lại, chỉ thấy Trương Thiên Ý đang nhắm nghiền hai mắt, trên gương mặt toát ra vầng khí đen, một dòng máu đỏ rịn khỏi mép môi chảy xuôi theo cằm xuống thấm ướt vạt áo.
Đến nước này, Nhạc Chi Dương chẳng còn cách nào khác, đành thổi qua loa hai đoạn biến điệu để kết thúc khúc nhạc. Tiếng sáo vừa ngưng, viên Thạch Ngư cũng ngừng rung động, trong miếu lặng lẽ như tờ, im ắng đến mức khiến lòng người ớn lạnh.
Qua một lúc sau Trương Thiên Ý vẫn chẳng hề ừ hử, Nhạc Chi Dương đâm lạ, không nhịn được liền cất tiếng gọi:
- Trương tiên sinh!
Tiếng gọi vang lanh lảnh khắp ngôi miếu nhưng chẳng có ai đáp lời, Trương Thiên Ý vẫn ngồi im bất động, sắc mặt từ đen chuyển thành trắng, lộ ra một màu xám ngoét đáng sợ.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK