Trước khi đi, thầy cứ dặn tới dặn lui tôi không được bỏ cữ ăn. Bữa trưa trên trường, lo mà đi kiếm mấy cái nhà hàng xung quanh vô ăn cho no bụng, để có sức mà học cữ chiều. Sữa nung phải uống đủ và không được quên uống thuốc bổ. Ở nhà ngoan ngoãn đi đến nơi về đến chốn, đừng đi lung tung lỡ xảy ra chuyện gì là thầy không có ở đây đâu. Hoặc có việc gì cấp bách thì gọi cho mẹ thầy liền để nhờ giúp đỡ, vì số điện thoại hôm bữa gặp mặt bà đã cho tôi rồi. Xa có 3 ngày thôi, tôi bắt đầu cảm thấy nó dài dăng dẳng rồi đó!
Chiều ấy, tôi trở về nhà và vẫn qua bên căn hộ của thầy để xem có gì dọn dẹp không. Nhà cửa trống trơn giờ có mình tôi đi tới lui mà thấy lạnh lẽo ghê gớm, khiến tôi muốn ứa nước mắt bật khóc vì nhớ đến thầy quá trời. Lúc này trên ghế salon, tôi đang ôm gối sụt sùi thì chiếc điện thoại Iphone của Apple, mà thầy đã mua cho tôi từ lâu báo có cuộc gọi đến, và là số điện thoại từ Đài Loan gọi về. Tôi vội khịt mũi và bắt máy:
- Alo!!!
- Nǐ hǎo bǎobèi nǐ zài zuò shénme?
Trời ơi, giọng của ông thầy giờ có nói tiếng Miên tôi cũng vẫn nhận ra, còn bày đặt ghẹo tôi, nói với tôi bằng mấy câu tiếng Tàu nữa chứ. Mà tôi thề tôi có hiểu ổng nói cái gì đâu. Nên tinh nghịch trả lời lại:
- Cảo su hù lăng lủng trẻo!!!
Bên đầu dây kia, ông giáo ngớ người dăm ba giây trong điện thoại, nhịn không nổi phải nói tiếng Việt hỏi lại tôi:
- Ủa em nói cái gì vậy? Tôi nghe không ra!
Tôi bật cười khanh khách, tự nhiên nghe được giọng của thầy mà cảm thấy đang bơ vơ bỗng chốc con tim được sưởi ấm liền. Thầy xổ tiếng Hoa còn tôi đây xổ tiếng Bông cho thầy nghe nè. Tôi hắng giọng và lém lỉnh trả lời:
- Sao mà thầy dịch được ngôn ngữ này chứ! Cảo su hù lăng lủng trẻo nghĩa là: củ su hào treo lủng lẳng đó...haha!!!
- Ôi trời, thiệt là!
Ông giáo chặc lưỡi rồi cũng bật cười theo, và tôi cũng vội lên tiếng hỏi:
- Thầy đã đến nơi chưa???
- Tôi đến nơi lâu rồi, mới giải quyết được xíu việc. Em ăn cơm chưa vậy? Không có tôi em có ăn uống đâu đó đàng hoàng không?
- Hic...thầy...
Tự nhiên được nghe giọng ổng hỏi han và quan tâm, vừa nãy tôi đang nín khóc để nghe máy. Tự nhiên giờ xúc động lại nhịn không nổi, bèn oà lên như 1 đứa trẻ bị rời xa phụ huynh của mình. Mới hôm qua còn tỏ tình với thầy đây, mà hôm nay đã phải xa ổng rồi. Huhu, chịu hổng có nổi!!!!
Qua loa điện thoại, nghe tôi cà hức cà híc, tiếng thầy hốt hoảng vang lên hỏi tôi:
- Em bị sao vậy? Ở nhà đã xảy ra chuyện gì rồi?
- Thầy ơi!...hic...Em nhớ anh....
Tôi vừa sụt sịt mũi, vừa đè giọng nói rồi lại khóc bù lu bùa loa lên. Ông giáo già nghe tôi rấm rức thế này chắc cũng đang xoắn hết ruột gan rồi. Bên kia, giọng thầy trầm ấm vội dịu dàng dỗ dành bé mầm non của mình:
- Bé Phương của anh ngoan! Anh sẽ tranh thủ để trở về thật sớm với em mà. Đừng khóc nữa, anh cũng nhớ em nhiều lắm ốc tiêu!
———————
Sáng ngày hôm sau, tôi được chú Cường tài xế chở đến trường. Lâu rồi không được nhai bánh mì nên tự nhiên tôi thấy thèm quá, bèn ghé vô mua 1 ổ mang vào trường ăn. Tiết học buổi sáng thấm thoát trôi đến giờ nghỉ trưa, tôi định bụng xuống sảnh trường kiếm gì đó ăn đại thì lúc này, lần đầu tiên, màn hình điện thoại của tôi hiện lên dòng chữ: “ Ba đang gọi...”
Lúc trước khi lên trên Sài Gòn để học, ông từng cho tôi danh thiếp của mình và nói rằng, nếu trên đây cần gì giúp đỡ thì gọi cho ông 1 tiếng. Nội khuyên tôi cứ lưu số của ông vào đi, vì dù gì ông ấy cũng là ba của tôi mà. Nhưng tôi đã tự hứa trong lòng mình, sẽ ráng làm sao đó để không bao giờ nhờ vả đến ba tôi nữa. Ông đã giúp tôi có chỗ ở tốt lành như thế này rồi, nên tôi cũng cảm thấy vậy là quá đủ. Sợ phiền hà ba tôi nhiều, mất công vợ của ba tôi biết chuyện lại thêm phiền toái thôi.
- Dạ alo, con nghe ạ!
Và ngày hôm nay, chính xác là ngày buồn nhất trong cuộc đời của tôi, từ lúc tôi được sinh ra đến nay, khi tôi nghe ba mình thông báo rằng:
- Nội con chết rồi Phương, con chuẩn bị về nhà để chịu tang đi!
Tôi không biết mọi người xung quanh đang làm gì hay nói gì cả. Vì cảm giác xung quanh mình, bốn phía chỉ toàn là màu trắng xoá và có 1 mình tôi đứng giữa không gian này. 2 lỗ tai tôi nghe lùng bùng những âm thanh hỗn lọan muốn choáng váng. Điểm tựa tinh thần duy nhất của tôi, giây phút này, như bị bứng ra khỏi người tôi khiến tôi muốn ngã quỵ. Nội tôi mất rồi, không thể như thế được, nội tôi bỏ tôi đi rồi....
Nhớ đến chiều hôm qua, tôi còn nói chuyện với bà rất vui vẻ. Nội kể dưới nhà mình, trong cả tháng nay, vị ân nhân hứa lo cho tôi ăn học đã sửa sang lại toàn bộ nhà cửa, lẫn tu bổ thêm rất nhiều đồ, nên giờ trông đẹp và khang trang lắm. Còn gắn máy nước nóng và máy lọc nước để nội tắm không bị lạnh và có nước lọc uống không cần cất công đun nấu nữa. Đã thế còn có máy giặt, máy massage để nội không phải giặt đồ bằng tay và khi đau nhức chân tay, đã có cái thay tôi đấm bóp dùm rồi.
Tôi vui mừng lây cho nội, và bấy lâu nay cảm thấy biết ơn ông giáo già vô cùng. Tự nhiên ổng lo cho gia đình tôi nhiều quá, nên tôi thấy mình mắc nợ thầy không sao đền đáp được. Nhưng, trước khi kết thúc cuộc nói chuyện vào hôm qua, nội lại nói điềm gở với tôi rằng:
- Người ta hứa lo cho con đầy đủ, và sẽ thay nội chăm sóc con ở nơi xứ người rồi! Thôi, vậy tao có chết cũng đã yên lòng. Phương à! Lỡ nội có bề gì, con nhớ ráng sống cho tốt và phải thật mạnh mẽ nghe hông con!
Lúc ấy tôi còn mắng nội là nội không được bỏ tôi đi, khi tôi còn chưa cầm tấm bằng tốt nghiệp về khoe nội. Rồi cũng chưa gửi những đồng lương đầu tiên về để báo hiệu cho nội mà. Nội mà cứ nói quở hoài như vậy, là tôi giận nội luôn cho coi!
Thế mà hôm nay, nội đã bỏ tôi ở lại thật mà không có lấy lần gặp mặt cuối cùng. Bởi nội lặng lẽ ra đi trong chính giấc ngủ của mình với nỗi cô đơn và sự hiu quạnh vây lấy xung quanh. Đến khi gần trưa, bà cô thứ 3 ghé vào nhà thì mới phát hiện là nội đã chết cứng người từ lâu rồi. Và cuộc gọi tối qua, cũng chính là những lời nói cuối cùng mà bà cháu tôi đã truyền đạt với nhau. Tại sao lại quá đường đột như thế này, tại sao lại sống nay chết mai, tại sao người thân duy nhất của tôi, cũng đã bỏ rơi tôi rồi. Tôi không muốn tin vào tai mình, bước chân cứ vô thức đi ra ngoài cổng và nước mắt trực trào tuôn rơi.
Trên suốt quãng đường ngồi trên xe Grab ra bến xe để mua vé về Đà Lạt cấp tốc, tôi cứ khóc suốt, nín rồi lại khóc. Chú xe ôm nhịn không được phải lên tiếng hỏi thăm tôi:
- Con đang gặp chuyện gì buồn sao?
Vừa nấc vừa sụt sùi, tôi cố gắng nói với chú:
- Bà con mất rồi chú ơi! Bà bỏ con đi rồi!
Đến nỗi chú ấy cũng phải ngậm ngùi theo tôi và không nỡ lấy tiền tôi chuyến xe ấy, để tôi có thể mau chóng book vé trong nhà xe mà trở về quê mình cho kịp.
Archimede đã từng nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng quả đất lên". Và điểm tựa của tôi từ lúc tôi chỉ là 1 cục máu đỏ, rồi nuôi tôi lớn đến ngần này đã mất vĩnh viễn rồi. Thế nên, tinh thần của tôi coi như đã sụp đổ hòan toàn. Tôi chả còn tha thiết bất cứ điều gì trên đời này nữa.
Ngay khi tôi về đến căn nhà gỗ thơ mộng trên Đà Lạt, nơi mà tuổi thơ tôi đã gắn bó bên nội, lúc này trời cũng đã quá tối. Tiếng nhạc đám ma vọng lại từ xa mà ruột gan tôi quặn thắt. Tôi bước vào cổng nhà, chẳng 1 ai để ý đến tôi cả, họ nhìn tôi rồi lướt mắt đi nơi khác, coi như tôi là kẻ vô hình. Tôi cũng chẳng quan tâm gì về họ, chỉ có ba tôi đến và nói với tôi:
- Ra thắp nhang và nói với bà mấy lời cuối đi, mai bà được đưa đi thiêu rồi!
Trời ơi sao mà gấp gáp quá vậy, tôi mới về đây mà mai bà đã bị đưa đi hoả thiêu rồi ư? Quan tài cũng đã đóng kín nắp, không kịp để tôi nhìn mặt lần cuối. Tôi đưa mắt nhìn lên ảnh thờ của nội được đặt trước linh cửu, như đang nhoẻn miệng nhìn tôi cười và chào đón tôi trở về. Không gian khắp nhà tràn ngập nhang khói “mờ nhân ảnh”. Sao chẳng có 1 ai khóc thương cho người mẹ già, đã 1 thân 1 mình nuôi bao nhiêu con người này khôn lớn, và dựng vợ gả chồng đàng hoàng không bỏ sót ai. Mấy bà cô còn đang nói chuyện cùng nhau vui đùa nữa chứ, “hạnh phúc của 1 tang gia” là đây sao? Một người mẹ mà bao nhiêu năm qua, chưa hề ngửa tay xin bất cứ người con nào chu cấp, dù chỉ là 1 đồng cắc bạc. Cứ lầm lũi sống cuộc đời của mình hết ngày này qua ngày khác, tháng này qua năm nọ. Chắc ông trời thương tình đưa bà đi 1 cách chóng vánh êm đẹp, không để bà bị liệt hay nằm 1 chỗ trông chờ vào những đứa con này hầu hạ hay săn sóc cũng nên.
Tôi ngồi co ro bên góc nhà cho tới khi mọi người đã đi ngủ hết, để sáng mai còn đưa bà đi mai táng. Do thấy tôi ở đây ngồi canh quan tài rồi, nên mọi người an tâm ai nấy tản ra trở về, hoặc đi tìm chỗ ngủ đâu đó trong nhà. Có vài ba ông dượng ngồi nhậu ở ngoài cổng đến giữa khuya, rồi cũng trải chiếu ra giữa sân ngủ ngáy khò khò từ lâu. Tôi ngồi trong góc cứ đưa mắt lên nhìn ảnh thờ của nội không rời, đôi mí đã sưng húp và con ngươi cũng đã đỏ ngầu. Cổ họng khàn rát cũng khóc không thành tiếng nổi nữa.
Cứ nhang vừa cháy hết cây, là tôi lại ngồi dậy ra đốt cây khác rồi cắm lại, để linh cửu của nội lúc nào cũng có hơi ấm. Vừa thút thít, tôi vừa nói trong lòng mình rằng:”Nội ơi! Giờ nội đi rồi, con sẽ sống làm sao đây?” Mãi cho tới khi tôi gục mặt ngủ quên do đã quá mệt mỏi, bụng cũng xẹp lép chưa có bất cứ món gì bỏ vào người suốt từ trưa đến giờ. Trong cơn mê man nửa mê nửa tỉnh, tôi cảm nhận rõ có 1 bàn tay xoa lên đầu tôi, và giọng nói thân quen của nội thoang thoảng bên tai nửa xa nửa gần:
- Bé Phương của nội hãy ráng mạnh mẽ sống nha con! Sẽ có người thay thế nội yêu thương và chăm sóc con sau này!