Tuyết tan lửa diệt, khói còn bay,
Bình minh ló dạng, ai đã mù?
Mặt trời gió xuân nồng vũ trụ,
Rọi đỏ tro xương, thổi nhiệt tàn.
Ai bảo chiến chinh là sai đúng?
Hơn thua tham giận, bản tính người,
Còn sống còn người còn tranh đấu,
Chỉ mỗi vong linh thấy thái bình.
(P/s: Không phải sáng tác mà là đạo ý tưởng của Plato,
“Only the dead see the end of war” = chỉ có người chết mới nhìn thấy chiến tranh kết thúc)
- ------------
Ất Sửu năm 185 công lịch, giữa lúc chiến sự căng thẳng, tiết chế của chiến trường Hà Nam là Hoàng Phủ Tung nhận lệnh từ đế đô Lạc Dương, trao cờ tiết chế cho Trung Lang tướng Trương Ôn, còn bản thân thì chỉ huy Tiền, Hậu, Nam, Bắc, 4 doanh Tây Viên cả thảy hơn 2 vạn người, chủ yếu là hàng quân, lên đại doanh Hà Bắc, tiếp nhận thông soái không cờ tiết chế.
Tiền nhiệm tiết chế của chiến trường Hà Bắc là Đông Trung Lang tướng Đổng Trác lui xuống làm phó soái, chuyển đến Hà Nội quán xuyến hậu cần, kiêm phòng giữ nam Tịnh châu và bắc Quan Trung trước đe dọa xâm phạm từ liên quân Khương-Hung Nô-Tiên Ti mới thành lập.
Những tưởng chiến sự ở Hà Bắc sẽ vô cùng căng thẳng khi có sự tham gia của các bộ tộc du mục thảo nguyên, thế nhưng chiến hỏa đã không nổ ra trên chiến trường Ký Châu bởi vì phái đoàn đặc sứ của triều đình Lạc Dương đã đến doanh trại Khăn Vàng nghị hòa ngay khi Hoàng Phủ Tung vừa chào tiền nhiệm tạm biệt Đổng Trác.
Đứng đầu phái đoàn nghị hòa là tân nhiệm Tây Viên Trung Lang tướng kiêm tân nhiệm Đông Cung Đại học sĩ, Hoàng Hùng.
Trương Giác yêu cầu phái đoàn ở lại doanh trại Khăn Vàng trong thời gian nghị hòa để chứng minh thành ý của Lạc Dương.
Không thể phủ nhận, lực lượng Khăn Vàng ở Hà Bắc vẫn còn quá mạnh so với phía Hoàng Phủ Tung, người chỉ tiếp nhận được một phần tàn binh bại tướng sau thất bại của Đổng Trác vào đầu mùa đông năm trước.
Nửa đêm, lửa bổng nổi lên ở rìa ngoài doanh trại Khăn Vàng, tiếng la ó hòa cung tiếng giáo gươm va chạm nhau chấn vang trời, thanh thế cực lớn.
“Giết!”
“Tấn công!”
“Báo thù!”
“Phải chém tận giết tuyệt bọn loạn tặc Khăn Vàng!”
Ấy là một nhanh quân Tây Viên từ Nam doanh lợi dụng màn đêm và sự mất đề phòng của Khăn Vàng đã tập kích phóng hỏa.
Thế nhưng ngay lúc này, Đại Hiền Lương Sư và Hoàng Hùng đang ngồi đối diện nhau qua bàn cờ, liên tiếp nhau hạ nước, dùng lối đánh nhanh mãnh thay vì đắn đo suy nghĩ nhiều.
“Cạnh!”
Cờ trắng thắng!
Chủ cờ đen nhìn bàn cờ chăm chú một hồi rồi não nề nói:
“Lại thua!
Ngươi không nhường một chút được sao?”
Chủ cờ trắng ôn tồn đáp:
“Đen đi trước không phải sao?
Vả lại Đại Hiền Lương Sư còn cần nhường sao?”
Trương Giác nghe thế nhoẽn miệng cười:
“Tốt!
Chờ mấy ngày nữa đánh tiếp.
Đến lúc đó đã không còn Đại Hiền Lương Sư gì ráo”
Hoàng Hùng hiếm hoi mở giọng châm chọc:
“Trương đại cô nương còn cần nhường sao?”
“Ngươi!”
Trương Ninh Nhị tặng người đối diện một trừng mắt, hất bàn cờ nói lẩy sang chuyện khác:
“Bước kế tiếp làm thế nào?”
Hoàng Hùng lắc đầu:
“Không biết.
Phía trên đã an bài sẵn.
Nhưng nhìn tình hình này thì hẵn là có người sống không nổi nữa”
Trương Ninh Nhi hừ lạnh một tiếng thì thầm:
“Nam nhân đều là rắn độc.
Cha ta và ngươi cũng vậy, Lưu Hoành càng hơn thế.
Vì bài trừ phản đối mà tình nguyện kéo dài chiến tranh.
Chẵng lẽ không biết ở ngoài kia còn có bao người chờ đợi cứu tế hay sao?”
Hoàng Hùng nghe tiếng muỗi vo ve ấy không cười nổi, chỉ yên lặng thu dọn bàn cờ.
Hắn quả đoán tin tưởng con đường minh đi là đúng, đồng thời cũng thừa sức chứng minh mình vô can trong mưu tính lần này của Lưu Hoành.
Hắn sớm đã bí mật mang theo đầu của Trường Giác đến Lạc Dương nhưng Lưu Hoành lại được nước làm tới, cắn chết không bỏ.
Có lẽ với Lưu Hoành thì mưu tính của thế gia lần này đã là mở dâng miệng mèo, bỏ thì tiếc.
Về phần thứ gọi là đớn đau của lê dân bách tính có quan trọng với Lưu Hoành hay không thì khó mà nói được.
Nghe nói và tận mắt chứng kiến là 2 việc hoàn toàn khác nhau, 1 bên tối cao đạt đến tin tưởng, còn 1 bên thì gây ấn tượng xúc cảm khắc sâu vào tâm hồn.
Ví như cái chức vụ phụ gia nghe kêu mà vô dụng Đông Các Đại học sĩ chính là Lưu Hoành mượn cớ nhà họ Hoàng ‘thi ân rãi đức’ trong mùa đông vừa rồi để ban thưởng cho Hoàng Hùng.
Nghe thân kiêm 2 chức thì thấy sang nhưng kỳ thực là cảnh cáo, bởi vì xưa nay chỉ có thân kiêm các chức thực quyền ví như Trung Lang kiêm Thái thú, hay Xa Kỵ kiêm Tể Tướng, chứ làm gì có thân kiêm 2 chức đều là hư quyền như Hoàng Hùng.
Đây là trần trụi khinh thường trí thông minh của người khác, đem một vài thứ vô dụng hét giá cao để thay thế cho phần thưởng thực tế.
Thậm chí việc Lưu Hoành đem Hoàng Hùng ném lại vào doanh Khăn Vàng làm đặc sứ phục vụ mưu đồ của mình mà không thông báo cặn kẽ kế hoạch cũng là đang coi thường tính mạng của thuộc cấp.
Lưu Hoành rất rõ ràng Trương Giác đã chết, cũng không biết sự tồn tại của Trương Ninh Nhi, chỉ cho rằng có một đệ tử đang giả trang làm Trương Giác, hoàn toàn không có một điều kiện nào đảm bảo an toàn cho Hoàng Hùng cả.
Có thể nói đây là trắng trợn vắt chanh bỏ vỏ, khả năng cao là Lưu Hoành cảm thấy địch nhân đều đã bị trấn áp, bắt đầu có xu hướng chuyển đầu mâu sang những thuộc hạ có năng lực mạnh.
Cũng may, nội doanh Khăn Vàng không có Huyền Kính Ty trà trộn vào được, Lưu Hoành tính nát trời cũng thành công cốc.
Ờ quên, cũng không đến nổi đó, …
Để lần nữa ‘đạt được sự tin cậy của Khăn Vàng Hà Bắc’ thì hơn 30 mạng người của Thuần Vu thị chủ tộc cũng được đem ra tế cờ, bao gồm cả Thuần Vu Quỳnh, người bị Bắc Doanh Giáo Úy Tào Tháo trực tiếp vào doanh bắt giết.
(P/s: dù gì cũng không có trận Quan Độ giữa Tào và Viên nên anh Quỳnh bay màu sớm cũng không ảnh hưởng nhiều)
Toàn bộ Nam doanh bị đồ sát để thực thi mưu kế [thà giết lầm còn hơn bỏ xót] của Lưu Hoành nhằm loại bỏ tất cả các thành phần ‘có hại’, ‘liên quan đến thế gia’, tham dự trong sự kiện phá rối nghị hòa.
Chức vị Tây Viên Nam doanh giáo úy cũng rời bỏ thế gia mà quay lại vào tay Lưu Hoành, nghe nói tân nhiệm sẽ là Thập Thường Thị đời 2, họ Kiển, có lẽ là để bù đắp cho ‘anh dũng trung thần hi sinh vì nước’ Kiển Thạc, Kiển Trung Lang.
Vì một sự kiện cỏn con này mà hoạt động cứu tế ở Hà Bắc bị kéo chậm lại 1 tháng, khiến cho việc di chuyển người đồng ý chiêu an kéo mãi đến sát mùa thu.
Giữa tháng 6 âm lịch thì những đoàn thuyền cuối cùng chở người di cư mới rời bến Tương Dương hướng xuống Trường Giang.
Ngoài vấn đề thời tiết mùa hè khắc nghiệt ra thì chuyến hành trình di dân này cũng không gặp phải vấn đề gì lớn, vật tư nhu yếu phẩm, trạm dừng vận chuyển đều được Hoàng Hùng và Hoàng Thừa Ngạn chuẫn bị đầy đủ từ sớm.
Về mặt tuyên truyên tư tưởng thì Lưu Hoành thậm chí từ bỏ tuyên dương công tích, coi như chưa từng nhận được đầu của Trương Giác, công bố thiên hạ phong Trương Giác làm Thái Bình Thượng Tiên.
Nhưng cũng không thể nói ‘đầu của Trương Giác’ vô dụng bởi nếu không xác định chắc chắn rằng Trương Giác đã chết thì Lưu Hoành khó mà an tâm đem trăm vạn người ném xuống phương nam cho nhà họ Hoàng nuôi hộ được.
Như đã nói ở trên, trấn áp xong địch nhân, họ Lưu bắt đầu nổi lòng nghi kỵ với thuộc hạ, thậm chí còn ‘vô tình’ đề xuất chế độ quân điền và giải phóng nông nô với tương lai Bình Nam tướng quân Hoàng Hùng.
Nói cũng hài, chính Hoàng Hùng cũng có ý làm vậy, hắn đồng dạng không hy vọng tình trạng [thế gia độc đoán sức mạnh chính trị, đàn áp các tầng lớp khác của Trung Nguyên] xảy ra ở phương Nam.
Tạm rơi xa vòng xoáy chính trị, đến với tình hình chiến sự dân sinh ở Trung Nguyên.
Trương Ninh Nhi đã dỡ xuống gánh nặng của lớp da ngoài ngàn vạn cân để sống cho cuộc đời của riêng nàng, hai người Trương Lương và Trương Bảo cũng lặn mất tăm sau nghị hòa, phần lớn Khăn Vàng xuất thân bình dân cũng đồng ý chiếu lệnh chiêu an xuôi nam.
Đám cao tầng chủ chiến quá khích trong nội bộ Khăn Vàng hoặc bị bí mật giết chết, hoặc bị bức bách rời đi.
Nhưng ở địa phương lại không phải vậy, gần như tất cả đám cừ soái và tướng lĩnh thực quyền đều không chịu bỏ xuống đồ đao.
Bọn họ dẫn theo bầy tặc phỉ đầu trâu mặt ngựa dưới trướng lẫn trốn vào nơi hoang dã, khoanh rừng quây đầm, chiếm núi dựng trại, xưng vương xưng thánh.
Tiêu biểu có:
Hắc Sơn Đại Vương Phi Thiên Thần Tướng Trương Yến hô hào rằng bản thân được Thiên Đạo Tướng Quân trao cho tiên pháp, dưới trướng thống lĩnh 30 vạn “lực sĩ khăn vàng”,
Và Đông Hoa Thánh Đế Quan Hải Đại Thần Quản Hợi tự xưng kế thừa Cửu Lê Tổ Vu di chí, nắm giữ vu pháp thông thần, dưới trướng thống lĩnh 30 vạn “đại vu lực sĩ”.
Ngoài ra còn có một bộ phận tướng lĩnh Khăn Vàng tuy dưới trướng chỉ có vài trăm đến vài ngàn người nhưng cũng dám tuyên bố gặp được Trương Giác vân du bổ nhiệm làm cừ soái, như:
Cổ Dương Cừ Soái Chu Thương, nghe nói là phó tướng dưới trướng cừ soái Mã Nguyên Nghĩa ngày xưa, trong tay có một bộ phận Thái Bình Thiên Thư truyền thừa,
Bạch Ba Cừ Soái Dương Phụng, dưới trướng thống lĩnh 6-7 vị tự phong cừ soái khác, giang hồ đồn rằng phía sau có Tịnh châu thế gia chống lưng, mục đích là mượn đao Khăn Vàng để cướp bóc khách thương và phòng vệ trước liên minh Khương-Hung Nô-Tiên Ti.
Vậy nên lửa lớn dù tắt, lửa nhỏ lại không ngừng, tình hình Hà Bắc khiến Hoàng Phủ Tung sứt đầu mẻ trán.
Từ việc sa lầy ở Dự Châu sau khi chiến thắng Trường Xã có thể thấy Hoàng Phủ Tung chỉ giỏi đánh mạnh công thẳng nhưng không thành thạo việc thu thập tàn cục.
Phó soái của hắn thì ngược lại, sau nhiều thùng vàng bạc châu báu chuyển đến Lạc Dương thì Đổng Trác cũng thành công chấp chưởng chiến sự phía Tây, đã bắt đầu tiến quân ra khỏi Đồng Quan, chuyển thủ thành công.
Tây Bắc có Đổng Trác gia nhập chưa biết thế nào, kiêu hùng như gã liệu có thể Lương Châu thứ sử sống yên?
Đông Bắc thì đúng là loạn, thứ sử U Châu đã lên bàn thờ ngồi, tân nhiệm Liêu Đông tiết độ sự cũng mất tích sau khi Nhạc Lãng lần nữa rơi vào tay quân khởi nghĩa Triều Tiên.
Xung đột quân sự giữa Ô Hoàn và quân sự thế tộc đất U Yến là Công Tôn thị cũng ngày một leo thang, sứ giả gọi hòa của Lạc Dương cũng biến mất không tăm hơi, đồn rằng đã bị ngựa trắng Liêu địa Công Tôn Toản giả dạng ngựa hồ thiết kế chặn giết.
Lưu Hoành giận lắm nhưng làm sao Hoàng Phủ Tung bị tàn dư Khăn Vàng nhất là Trương Yến kiềm chế, thực lực yếu không dám manh động.
Tình hình Ích Bắc cũng không khá hơn, Ngũ Đấu Mễ dựng cờ Khăn Vàng công chiếm Nam Trịnh rồi trắng trợn tuyên truyền giáo nghĩa, ép buộc thế gia Hán Trung theo đạo, mở đường cho học trò Trương Giác là cừ soái Mã Tương dẫn quân vào Ba Trung.
Một tù trưởng người Ba là Giả Long cũng mượn cơ hội này kêu gọi khởi nghĩa, liên minh với Mã Tương đánh đuổi rất nhiều Thái Thú và Huyện Lệnh người Hán, thanh thế cực lớn, lấn át cả Thứ Sử Ích Châu Khước Kiệm.
Trong khi đó, ở Hà Nam, dưới sự chỉ huy của Trương Ôn, lực lương cát cứ của các cừ soái Khăn Vàng nhanh chóng tan rã thu hẹp, lẫn khuất vào núi rừng, chủ yếu là chạy đến Thanh Châu, nơi còn nằm hoàn toàn trong sự kiểm soát của Khăn Vàng.
Bởi có Thái Sơn cách trở, Trương Ôn lựa chọn trước hết bình định Dự Từ nhưng lại đạt được mật thư của Lưu Hoành khuyên ‘dĩ hòa vi quý’ nên chỉ có thể quay sang chuyên tâm an bài hàng binh và lưu dân, tiến hành cứu tế cứu nạn.
Giặc cướp nhỏ yếu chui rúc trong rừng núi, không dám nhảy ra múa rìu trước mặt Trương Ôn khiến giao thông đã an ổn hơn.
Mỗi ngày có hàng ngàn hàng vạn người nối đuôi nhau đi về phía Tây Nam vào Kinh Châu, hoặc đi xuống Lư Giang để ngồi thuyền sang Dương Ngô, song song với đó là dòng ngựa xe vận lương thảo cứu trợ lên phia Bắc.
Thế nhưng nước xa khó cứu lửa gần, vây quanh dấu chân nạn dân và vết bánh xe lương cứu tế là tiếng than khóc của u hồn, nạn đói và bệnh dịch bắt đầu trổi dậy như một thế lực mạnh mẽ không thua kém gì nạn binh đao năm trước.
Xác chết la liệt khắp Trung Nguyên, chôn không xong, liệm không hết, mầm bệnh theo gió thổi thành ôn, không chỉ nhiễm người còn ám vật, côn trùng sâu bọ nước độc khí độc sao mà nhiều, phá hoại ngăn cản quá trình khôi phục sản suất.
Vòng tuần hoàn đói-bệnh-chết cứ thể được nối tiếp và phóng đại.
Thú hoang ăn thịt người nhiều thành thử hung tính bạo phát, những câu chuyện như ưng diều quặp bắt trẻ con, hổ báo sài lang xuống đồng bằng, mãng sà rết độc vào nhà dân nổi lên bốn phía nhưng không còn là chuyện bịa chuyện hù vào những đêm trăng gió nữa mà đã hóa thành sự thật giữa ban ngày.
Đi kèm với đó là sự nổi lên của những anh hùng đánh bổ bắt sói trong chốn dân gian
Ví như ở Tiếu Huyền có Hứa thị Hứa Chử tập hợp hương tráng bảo vệ quê nhà, đơn đao cưỡi trâu xông trận chém Khăn Vàng cừ soái Lưu Tích, hù chạy tặc phỉ lui quân bỏ chạy, bởi thế mà được võ lâm xưng hiệu Hổ Si.
Ví như ở Trần Lưu có Tây Viên cựu binh Điển Vi gặp phụ mẫu bị hổ dữ ăn thịt mà giận dữ vứt bỏ tiền đồ nguyện làm đào binh, cầm một đôi thiết kích độc xông rừng sâu đuổi đánh hổ dữ qua 2 ngọn núi, tạo thành điển tích đuổi hổ qua khe.
Cảnh tượng lầm than của lê dân hiển nhiên không đã động được Lưu Hoành, bởi hắn không thấy mà chỉ nghe nhiều lời càm ràm nhức đầu từ bây nho sĩ.
Tiếng vọng của đám Trương Yến, Quản Hợi, Hứa Chữ, Điển Vi mới nổi trong dân gian cũng chỉ đạt được sự chú ý từ những kiêu hùng chư hầu tương lai như bọn Tào, Viên.
Nói đến cũng khó mà trách Lưu Hoành tai điếc mắt mù, bởi Huyền Kính Ty vốn đã nát như tương, nhất là hiện giờ khi thế gia và hoàng quyền đi vào giai đoạn lật mặt.
Ở chính trường và phương diện quân sự tuy chưa nổi can qua nhưng trong nội bộ Huyền Kính Ty thì 2 phe hoàng quyền-thế gia đã giao đấu tóe lửa, việc hãm hại đâm chém đầu độc lẫn nhau diễn ra mỗi ngày, thậm chí xuất hiện tình huống tử sĩ kéo bè công khai đuổi tận giết tuyện phe đối phương.
Huyền Kính Ty trong thiên hạ chỉ còn mỗi ở phương nam là vận hành an ổn nhưng ở trong mắt Hoàng Thừa Ngạn thì đám này không khác gì cởi truồng nhảy nhót giữa chợ, gia phả 3 đời đều nằm gọn trong tay ổng, sáng ăn gì tối ngủ ở đâu cũng không thoát được giám sát của Nhân Dân Tự Vệ Quân.
Những ngày này Lưu Hoành càng nhớ đám người Tả đạo nhân, Tào Tháo và Hoàng Hùng.
Năm nay Tả đạo nhân bận bịu phụ giúp đạo môn vào Trung Nguyên, Lưu Hoành cũng hi vòng chèn ép bầy nho nói nhiều nên không ngăn cản.
Tào Tháo thì khỏi phải nói, công biến thành tư, vừa mới xin chỉ thị đi quận Thái Sơn hỗ trợ Trương Ôn kiềm giữ Quản Hợi đông tiến, ý đồ quá mức rõ ràng chỉ một người ngơ ngáo không hiểu, lực lượng Huyền Kính Ty thuộc quyền Tào Tháo đều nhằm phục vụ cho kế hoạch tương lai của kẻ kiêu hùng.
Còn phần Hoàng Hùng thì vừa lĩnh ấn Bình Nam, đang bận rộn an trí dòng người di dân.
Nói đến việc này, ấn Bình Nam Tướng Quân được cấp cho Hoàng Hùng với mục đích bình dẹp Bách Việt và người bản xứ để cướp đất đai của người bản xứ cho di dân từ Trung Nguyên tới, vừa phục vụ công cuộc đồng hóa, vừa suy yếu lực lượng phản đối Lạc Dương ở phương Nam.
Đấy là chiêu trò thường gặp của Hán triều, nhất là từ sau đời Lưu Tú.
Lưu Hoành vốn không sợ man di Hoàng thị trở thành Viên thị thứ 2 nhưng lại sợ Hoàng Hùng học theo Hàn Toại liên hợp Bách Việt làm phản Lạc Dương, vậy nên mới ban ấn Bình Nam Tướng Quân này đồng thời chỉ lệnh phân tán di dân Trung Nguyên vào Ích Nam, Dương Ngô và Lĩnh Nam Âu Lạc.
Trắng trợn mượn công vụ để ép nhà họ Hoàng trở mặt với đồng bào.
Ý nghĩ của họ Lưu quả là ‘vi dịu’, nhưng cũng khó trách hắn bởi hắn có biết quái gì về tình hình kinh tế phương nam đâu, ăn đồ thừa đồ vứt mà không hề biết những ‘cao lương mỹ vị’ như vậy ở phương nam đều là hàng bình dân, những hộ trung nông thỉnh thoảng cũng sẽ mua cho con cái ăn bồi bổ.
Công nghệ canh tác và sự đa đang ngành nghề ở phương Nam có thể bao tiêu toàn bộ di dân từ Trung Nguyên thêm 5 lần và sẽ chỉ càng nhiều theo thời gian với tốc độ phát triển kinh người nền khoa học kỹ thuật.
Phương nam hiện giờ chỉ thiếu nguồn lao động chứ không hề thiếu đất đai, lương thực hay thiếu việc làm!
Nhưng phải nói thật là Hoàng Hùng muốn nói cảm ơn Lưu Hoành.
Có ấn Bình Nam trong tay, chờ an trí xong di dân, Hoàng Hùng có thể bắt tay vào huấn luyện quân đội, chuẫn bị xử lý Ô Giang hội.
Ngoài ra thì với chức vị Bình Nam Tướng Quân, Hoàng Hùng đã chính thức bước ra khỏi Trung Ương, không còn liên quan gì đến công việc báo cáo thu chi và nhất la thống kê nhân khẩu này nọ nữa.
Tình hình Trung Nguyên sau chiến tranh bao nát, chỉ là Lưu Hoành còn ăn sung mặt sướng lại chưa tiếp xúc số liệu cụ thể nên chưa cám cảnh mà thôi.
Đợi đến lúc đọc, à nhầm, nghe xong báo cáo thì ai không biết chứ Lưu Hoành dám nổi khùng chém đầu quan báo cáo lắm!
Mặc niệm nửa giây cho kẻ xui xẻo nào đó, hi vọng kẻ ấy có thể đổi trắng thành đen sống qua một mạng, Hoàng Hùng lại hướng về phía viện nghiên cứu chế tạo công nghệ mới nơi hắn cần gặp một người quan trọng, …
Ô Vũ!
Số là dù thoát nạn làm báo cáo tế ‘trời xanh’ nhưng Hoàng Hùng lại khó mà bứt ra khỏi vòng xoáy chính trị Lạc Dường bởi vì Hoàng Uyển còn ngồi chức Tư Đồ.
Tháng 7 mưa ngâu rã rích, một mùa Trung Thu nữa lại sắp đến, hội nghị giữa năm của 3 minh hội tiến càng gần thì tiếng vọng của Hoàng Hùng lại càng lớn.
Từ nửa năm trước vào hội nghị đầu xuân thì Hoàng Thừa Ngạn đã chính thức tuyên bố sẽ thoái vị, cũng bắt đầu tạo thế cho đứa cháu.
So với uy vọng và danh tiếng nhân nghĩa của nhà họ Hoàng ở phương Nam thì chức vị Bình Nam Tướng Quân tựa như dệt hoa trên gấm.
Chức Bình Nam ấy ngoài trừ hợp pháp hóa việc huấn luyện và điều động quân đội để tấn công tiêu diệt tàn dư Hứa Chiêu, Ô Giang hội thì cũng không có tác dụng gì mấy cho việc đoàn kết và gia tăng sức mạnh của khối đồng minh phương nam.
Bởi thế nên giang hồ phương Nam cũng không gọi Hoàng Hùng là Hoàng Bình Nam hay Hoàng Tướng Quân mà đã bắt đầu truyền ra ngôn luận rằng Hoàng Hùng sắp trở thành ‘thủ lãnh’ phương nam.
Hai chữ ‘thủ lãnh’ này kỳ thực cũng không có gì to tát, bọn sơn tặc thổ phỉ, bang chủ chưởng môn trong giang hồ dùng đầy, ở trong thương trường và bách gia cũng không hề hiếm.
Nhưng vấn đề ở chỗ phương nam hiện giờ được Lưu Hoành coi như hậu phương, sân sau, là trại nuôi lính kiêm vựa lúa tư nhân của hắn.
Đột nhiên nhảy ra một vị ‘Hoàng thủ lãnh’ là ý gì?
Hoàng Hùng đối với việc này cũng đau đầu không thôi.
Làm sao sự việc đột xuất không lường trước, tiếng vọng của quần chúng nhân dân không thể cản, mà gặp khi Lưu Hoành đã nghi kỵ thì càng cãi lại càng đen.
Nhẹ thì mất chức Bình Nam cũng không sao chỉ hơi rắc rối, nhưng nặng thì sẽ ảnh hưởng đến tính mạng Hoàng Uyển cũng như rất nhiều thành viên Giang Nam 3 minh hội còn ở Trung Nguyên.
Vả lại, tuy Hoàng Hùng không cho rằng lực lượng quân sự dưới tay Lưu Hoành có đủ sức xâm lấn phương nam, nhưng sau khi nhìn thấy hậu quả của khởi nghĩa Khăn Vàng thì Hoàng Hùng cảm thấy chiến tranh nếu có thể tránh được vậy nên tránh.
Mới tối qua, khi đang bàn về chuyện này thì Hoàng Hùng nghe Lý Năm nói rằng Ô Vũ khen hắn hiện giờ giống như một ‘lãnh tụ’ của phương Nam.
Đây là một từ rất mới lạ chưa từng xuất hiện ở thời đại này, Lý Năm quen tính Ô Vũ nên chỉ hỏi qua loa nhưng Hoàng Hùng thì đoán chắc rằng từ ‘lãnh tụ’ ấy thuộc về dòng lịch sử của một thế giới khác.
Có điều là nếu dựa trên ý nghĩa mặt chữ thì có lẽ nó sẽ là chìa khóa mở ra giải pháp cho vấn đề ‘thủ lãnh’ trước mắt.
Hoàng Hùng cảm thấy hắn cần một buổi nói chuyện sâu sắc với Ô Vũ.
Hôm nay, tiểu Vũ của chúng ta, cao thủ chuyên nghiệp trong ngành cơ khí điện máy kiêm hacker, được dịp bốc phét về ngôn ngữ học và lịch sử.