Giám ti lẻn về nhà nằm đắp chăn rên ư ử. Một tiếng xịch cửa rất nhẹ, tiếng gió lay rèm trúc, thậm chí tiếng chân chó nhón bước ngoài thềm, cũng làm cho hắn giật mình. Lúc nào hắn cũng nơm nớp lo sợ người ta đến bắt giải hắn đi. Hắn nhẩm trước những lý lẽ để biện bạch khi phải ra đứng trước tào hình viện. Một là tả hình và hắn từ lâu không có mối hận thù gì với nhau. Hai là khi xảy ra xung đột, tả hình là người khởi đả trước, đương nhiên hắn phải có hành động chống đỡ để bảo mạng. Ba là... Bốn là... Tất cả những lý lẽ của hắn đều nhằm bào chữa rằng việc hắn húc chết tả hình là không may ngộ sát chứ không phải cố sát. Tuy nhiên, tự biện bạch thế nào, hắn thấy mình vẫn là kẻ phạm tội giết người. Mạng đổi mạng, khó lòng thoát nổi phen này! Người hắn trông mong cầu cứu được nhiều nhất là thái hậu thì chắc chắn lần này lại là người trị tội hắn thẳng tay nhất. Bởi vì giết tả hình tức là xúc phạm đến thái hậu, chặt cụt mất một cánh tay của thái hậu...
Càng nghĩ hắn càng sinh quẫn, càng rối trí. Hình như có một bàn tay ma quỷ nào vừa đặt vào hộp sọ của hắn những tầng ong. Hắn cố trấn tĩnh để tìm ra một kế gì sáng sủa hơn mà đầu óc cứ u u... o... o không ra làm sao cả. Giữa lúc tâm thần đang hoảng loạn như vậy thì có tin Lạng Sơn vương Nghi Dân muốn vời hắn đến tư thất để đàm đạo riêng.
Bình nhật, giám ti và Lạng Sơn vuong ít đi lại với nhau, nhưng giám ti vốn biết Nghi Dân là kẻ cơ mưu, nằm ẩn đợi thời, dù bị giáng chức không được làm thái tử nữa, vẫn là một trong những kẻ có vây cánh trong triều.
Xưa nay, Nghi Dân chưa từng giúp đỡ ai một cách khẳng khái. Nhưng giám ti lúc này cần gì biết điều đó. Hắn đang chết đuối, miễn là vớ được cọc, hãy bám ngay vào cọc cái đã. Hắn lồm cồm ngồi dậy, khăn áo chỉnh tề, đi thẳng đến nhà người con trai trưởng của vua Thái Tông.
Vừa gặp mặt Lạng Sơn vương, hắn đã được nghe những lời vỗ về phấn khích:
- Ông giám ti đã "có gan ăn muống, phải có gan lội hồ", Nếu ông tin ở tôi, tôi sẽ giúp ông cái kế biến nguy thành an, biến bại thành thắng...
Tên giám ti mừng rơn, tay vái lia lại, miệng nói liến thoắng:
- Trong cơn hoạn nạn này, cha mẹ đẻ ra tôi, tôi cũng không tin, k quý bằng người giải nguy cho mình. Tôi đã thực bụng đến cửa vương, dám xin vuơng mở lòng chỉ giáo.
- Xin đừng dạy quá lời, - Lạng Sơn vương xua tay – nhưng cũng phải tin nhau như thế mới được. Chúng ta đều đang cần đến nhau cả mà.
Nghi Dân lưu khách ở lại bên mình, suốt đêm trao mưu bày kế. Khi cáo biệt, giám ti không trở về nhà nằm đợi lệnh bắt, y nhờ gia nhân của Nghi Dân trói tay mình lại rồi tự dẫn thân đến trước toà hình viện.
Hai tuần trăng sau, khi bản án chính thức loan bố, nhiều ngưòi có chức quyền bắn tin đến tào hình viện: “...Đành rằng cũng là dáng đời tả hình Tạ Thanh, nhưng tội giám ti như vậy mà xử hắn chỉ có sáu năm phạt giam thì quá nhẹ. Trong khi mang án, lại cho hắn thỉnh thoảng được tự do ra vào cung cấm, như thế còn gì là luật pháp của hoàng gia nữa!”.
Chẳng những họ mà cả thái hậu cũng không hiểu nổi rằng trong vụ án này có bàn tay của Lạng Sơn Vương thò vào.
Tin Lạng Sơn Vương Nghi Dân giết vua, cướp ngôi loan đi khắp nước, bay về Côn Sơn. Sự thật ghê rợn quá! Các bị bô lão đi đón sắc chỉ vua mới, xấu hổ, phải lấy quạt che mặt, nước mắt ướt dầm vạt áo. Không, chắc chắn là các cụ không khóc Trần Nhân Tông, không xót thương thái hậu Nguyễn Thị Anh mà khóc cho nước, cho nhà, khóc vị vua Thái Tổ, vì quan thừa chỉ. Chao ôi, bao nhiêu năm trời gội mưa dầm gió, máu đổ xương phơi mới dựng lại được tôn miếu... Gió nức nở trên cánh đồng xơ xác. Mười hạt có đến chín hạt lép, đang giữa vụ gặt mà cánh đồng vắng lặng như tờ. Lành ít, dữ nhiều, đã lo cái đói cầm tay, lại hốt hoảng vì những tin đồn đại: Lạng Sơn vương Nghi Dân mới làm việc bất nhân, vô đạo, cũng tấp tểnh phái sứ giả sang nhà Minh cầu phong, cũng học đòi xuống chiếu đại xã thiên hạ! Chính sự triều chế thay đổi như bóng mây mà giọng lưỡi kẻ bạo ngược thì bao giờ nghe ra cũng đầy nhân nghĩa. Lời văn đại xá bố cáo khắp nơi càng thêm ngán ngẩm lòng người.
Ở Côn Sơn mấy ngày nay người ta xá rách, vứt bỏ có tới hàng chục tờ cáo có ấn của "nhà vua". Quan sở tại trông thấy đành phải làm ngơ. Chỉ có dân Côn Sơn mới dám táo tợn như thế. Họ nói trắng ra rằng: "Nghi Dân có nhiều tham vọng nhưng lại là kẻ tài đức hèn mọn nhất trong những người con của vua Thái Tông". Đó là chuyện của người lớn. Còn lũ trẻ mục đồng thì cứ cưỡi trên lưng trâu là cỗ tay đánh nhịp hát xai xải:
Xúc xắc, xúc xẻ...
Ai đẻ ra ngươi?
Đội lốt con trời
Thác lời thằng Cuội
Việc làm ám muội
Gây tội, kết bè
.......
Lửa nổi tứ bề
Rồi người biết nhẽ
Xúc xắc, xúc xẻ...
Ấy thế mà lời lẽ bài cáo cứ trâng trâng: "Trẫm nhờ trời mến yêu, tổ tông giúp đỡ, các vương hầu và các đại thần cùng các quan văn cõ trong, ngoài suy tôn xin trẫm lên nối dại thống. Hai ba lần khuyên mời, không thể dừng được, ngày mồng bảy tháng mười năm nay, trẫm phải lên ngôi vì phúc ấm trăm họ..."
Tờ cáo này xé đi, tở cacó khác lại hiện lên...Người dân Côn Sơn nhìn thấy nó như nhìn thấy vết chàm xấu xí làm vấy bẩn gương mặt quê hương. Không thể để như thế này được! Đây là đất anh llinh của các bậc trung liệt, đất của Trần Hưng Đạo, của Nguyễn Trãi...Ở quán nước gốc đa đêm nay lại có cuộc hội kiến của dân làng. Một trai đinh vừa trở về sau mấy ngày đi kinh sư dò xét tình hình, đang kể lại với mọi người những điều tai nghe, mắt thấy. Thì ra những tin đồn đều đại để có thật.
Nhân một đêm mưa gió, Nghi Dân được tên giám ti và bọn mưu phản trong toà hình viện làm nội ứng, đã cho hai tên hung đồ là Phạm Đồn, Phan Ban dẫn cho hơn trăm đao phủ bắc thang đằng phía cửa đông hoàng thành, lén vào cung cấm giết vua Nhân Tông và thái hậu. Cùng một lúc, bọn quan tuỳ tùng trong phe cánh đến trợ lực buộc quan đô quản phải ra lệnh cho cấm binh không được chống cự lại quân phiến loạn. Do đó bọn Đồn, Ban chiếm được thành trì, cung điện một cách dễ dàng và tôn Nghi Dân lên ngôi vua..."
Không khí cuộc họp sôi lên phút chốc rồi lại lắng hẳn xuống. Có ai đó vừa thắp mấy nén nhang. những vòng khói thơm lởn vởn quanh những mái đầu nặng trĩu. Chưa có người nào muốn bày tỏ ý kiến mình đầu tiên. Cụ chủ quán húng hắng ho mấy lần rồi nói ra một điều không ai lường trước được:
- Có lẽ ta nên phái người đi mời quan thân tuỳ Lê Đàm về đây thôi bà con ạ! Ngưòi tín nghĩa mà sống cùng với bọn sói lang e có khi bị hại. Chi bằng cứ trở về nơi lều cỏ, nước suối...
Một giọng nói gay gắt cướp lời:
- Cứ ai cũng đi tìm lều cỏ, nước suối cả thì lấy ai cứu nạn cho nước, cho dân? Mà chắc đâu đi ẩn đã thoát. Lão trượng quên mất rằng quan thừa chỉ xưa kia chẳng có thời ẩn dật đó sao? Thói đời, lúc không thịnh trị thì người trung thực, tài ba ở đâu cũng khó thoát nổi con mắt soi mói, ghen tị tò mò của bọn tiểu nhân đắc thế? Cháu mà như ông Đàm ấy à, thì cứ về đây cũng được, nhưng về không phải để ở ẩn mà cốt dạy võ nghệ cho chúng ta, rồi chóng chầy tất cả kéo thẳng lên kinh, trị cho bọn chúng một mẻ...
Một bác trung niên ngồi bên cạnh vội vàng ngăn lại:
- Ấy chết! Ấy chết! Càn rỡ... Càn rỡ... Nói liều như vậy có khi mất mạng cả người nói lẫn người nghe.
Ngưòi nói đang đà hăng, nổi xung:
- Đừng có doạ! Đây không sợ, không sợ đâu nhé!
Cụ chủ quán phải lựa lời dàn xếp:
- Thôi, các chuyện đại sự ấy không phải do bọn ta quyết định ở đây được. Nhiều vị cao minh có công dựng nước từ thời tiên đế hãy còn sờ sờ ra đấy!
Người trai tráng vừa nêu ý kiến ban nãy có phần dịu bớt nóng nhưng vẫn tỏ ra sốt ruột:
- Nhưng mà các bậc cao minh cứ để cho bọn lộng quyền che mắt vua, vua lại dựa vào bọn lộng quyền thì làm thế nào biết được ý dân, mà thẩu hiểu được nỗi khổ cực của đám đầu đen, máu đỏ chúng ta. ý cháu, nghĩa là ta cứ phải ra tay một phen...
Bỗng có một bàn tay nhẹ nhàng kéo anh ta ngồi xuống. Mọi người quay lại và cùng ồ lên một tiếng; sư Nhuệ!
Từ bao giờ không ai biết, sư Nhuệ đã có mặt, và nhà sư đã lắng nghe hết mọi chuyện. Cảm thấy cần nói với dân làng, sư Nhuệ khoan thai:
- Thưa cùng bà con... Đất Côn Sơn chúng ta được vinh hạnh là quê hương của quan thừa chỉ và các bậc trung liệt. Chúng ta nguyện suốt đời noi theo gương sáng tiền nhân, giữ bằng được khí tiết trung tín nhân nghĩa. Nay kẻ bạo nghịch lừa ngoài, dối trong, manh tâm giết vua đoạt ngôi, việc làm đó không thể gọi là "nối đại thống", không thể coi là "vì phúc ấm của trăm họ". Nhưng sự thể đã đảo điên như vậy, một mình bản hạt ta với một nhóm dân đinh cũng không cứu nguy nổi cho xã tắc!
Sư Nhuệ đưa mắt nhìn mọi người như dò xét rồi nói tiếp:
- Theo ý bần tăng, chúng ta hãy cùng nhau làm tờ trình đệ lên các bậc đại thần nói rõ gan ruột của chúng ta, đưa trước cho quan thân tuỳ Lê Đàm xem qua. Lê vốn là người nghĩa khí, có tài thao lược, tuy không nắm vân mệnh bá quan nhưng vẫn là người tin dùng dưới trướng thân vương, có thể nhìn xa thấy rộng, biết được cơ trời vận nước để mách bảo chúng ta. Đến lúc cần phải ra tay thì gần xa, trên dưới một lòng, "nhất hô vạn ứng", bây giờ dân Côn Sơn chúng ta sẽ cắp giáo đi đầu giành lại thịnh vượng cho nước tổ. Bà con thấy thế nào?
Gian nhà bỗng huyên náo hẳn lên. những hàng chữ của tờ trình cứ như được soạn sẵn từ trước, lời theo lời tuôn ra. Ai cũng muốn cho văn khí bộn lộ được hết tâm huyết của mình. Đến tận cuối canh ba, văn bản mới thảo xong. Người chấp bút là Cao Nhuệ, còn người xướng đọc là cụ chủ quán. Tiếng rằng đọc lên cho bà con cùng nghe, cùng bàn, nhưng xem chừng không có một ý nào phải sửa chữa. Cuối cùng những người có mặt trong cuộc họp nhất tề cử su Nhuệ lên kinh sư gặp Lê Đàm. Sự lựa chọn ấy là chí phải. Bởi vì họ Cao là người tu hành, việc đi lại dễ che mắt bọn gian nịnh. Mà đối với quan thân tuỳ, trong lớp đồng môn, có lẽ Cao cũng là người tâm phúc nhất.
° ° °
Từ sau cuộc biến binh, cảnh vạt ở kinh sư lạnh lùng như khoác màn tang. Sau buổi chầu, các quan ai ở nhà nấy. Đám cung nữ không dám ló đầu ra khỏi hoàng cung. Phố xá đóng cửa im ỉm. Mấy quán nước cửa Đông xưa ồn ã là thế mà giờ này chỉ thấy mấy cấm binh vũ khí lăm lăm lảng vảng tuần tra. Thỉnh thoảng, một con ngựa trạm tung bờm cuốn vó trên đường quốc lộ làm bốc lên một dải bụi mù, rồi tất cả lại khuất vào im ắng.
Khó khắn lắm, Cao Nhuệ mới tìm được chỗ ở mới của phủ Bình Nguyên vương Lê Tư Thành. Thì ra, sau khi cướp ngôi Nhân Tông, để kiềm chế các thân vương, Nghi Dân tuy phong cho Lê Tư Thành làm Gia vương nhưng lại bắt Gia vưong phải vào ở bên cạnh nội điện của mình. Lúc này triều chính nằm ở trong tay Phạm Đồn, Phan Ban. Các đại thần không ai muốn bước chân tới sân rồng. Buổi thiết triều đầu tiên vắng ngắt. Nghi Dân lo sợ cuống cuồng. y vội vàng cho tay chân đến tận nhà các quan Đinh Liệt, Nguyễn Xí, Lê Niệm...thuyết dụ, nhưng các quan đều thoái thác xin cáo chầu. Đồn, Ban nổi giận tâu với Nghi Dân:
- Muôn tâu bệ hạ, chúng ta cần gì phải vời bằng được mấy lão già ương bướng ấy mới trị được nước? Vua vừng thì nước thịnh! Theo ý bọn ngu thần, bệ hạ cứ thẳng tay trị tội một lượt cho cái đám ngông nghênh kia không dám khinh nhờn và phải chịu uy của bệ hạ.
Sợ cả nước oán hận, Nghi Dân chưa dám động đến các bậc lão thần, nhưng cũng từ hôm ấy, y không với các quan cũ vào chầu nữa. Được thể, bọn Đồn, Ban cùng bè lũ chia nhay nắm hết quyền hành, tự tiện lấy tìên trong ngân khố ra dùng, âm mưu trừng trị những người không ăn cánh với chúng. Bệ rồng trở thành nơi tụ hội của một bầy dói lang thang mới cũng không kém phần hung ác so với lũ đầu trâu mặt ngựa Tạ Thanh trước đây...
Sư Nhuệ tìm được vương phủ Lê Tư Thành thì trời đã đã về chiều. Khẩn khoản mãi với hai người lính canh cổng, nhà sư mới được đẫn vào gặp Lê Đàm. chỉ mới thoáng nghe tiếng, Lê Đàm đã vội vàng bỏ dở công việc, lật đật chạy ra đón tận hành lang.
- Cao huynh! Cao huynh! Sao anh thượng kinh mà không hề tin trước cho em hay? Em không kịp báo với anh chỗ ở mới, thật là có lỗi lớn. ôi chao! Có phải vì mới đi đường xa hay vì ăn chay khổ hạnh mà trông anh võ vàng hơn lần gặp trước nhiều lắm? Thế cụ chủ quán và bà con anh em cũ ở bên Côn Sơn vẫn được yên bình cả đấy chứ anh? Chà! Em và Anh Võ ở trên này nóng ruột và nhớ bà con dưới ấy biết chừng nào!
Chàng vừa nắm vạt áo cà sa hăm hở mời sư Nhuệ về tư thất vừa luôn miệng hỏi han làm cho nhà sư không khỏi bối rối cảm động. Khi hai anh em đã ngồi đối diện bên khay trả, sư Nhuệ mới khẽ hỏi Lê Đàm:
- Chú Lê, liệu chừng ở đây chúng ta có thể tự do bàn luận được không?
Lê Đàm cưòi vui vẻ:
- Anh cứ yên lòng. Bọn phản nghịch lúc này còn đang chuyên tâm vào những việc hệ trọng hơn ở nơi khác. Nhưng ở đâu chẳng tai vách mạch rừng, ta cứ đề phòng, nói vừa đủ nghe thôi.
Cao Nhuệ đổi giọng, thì thầm:
- Sau cuộc đại biến vừa rồi, dân tình các nơi nhao nhác. Kẻ sĩ thì nôn nóng, thấp thỏm trông chờ... Tôi phải gác mõ xáp kinh bước ra khỏi nơi rừng xanh núi đỏ mà về đây. Sao tôi cảm thấy ở đây trầm lặng thật là khó chịu, thật là khó thở. Không hiểu ở bên trong, ý của Gia vương và các bậc huân cựu, những bậc đồng triều, đồng liêu xưa của thầy ta ngầm tính như thế nào? Tôi cho rằng đây là lúc rối ren nhất nhưng cũng là thời cơ có một không hai để báo nợ nước, trả nghĩa thầy. Cách đây không lâu, người nghĩa khí chưa phải tốn một giọt máu mà tên nội quan Tạ Thanh rồi đến cả ổ nhà mụ ác phi Nguyễn Thị Anh đều đã bị trừ khử. Tuy nhiên thầy ta chắc chưa thể ngậm cười được nơi chín suối. Ngôi thiên tử và lộc nước lại rơi vào tay một lũ thát đức bất tài. Không nhân lúc này mà dẹp yên bọn chúng thì kỷ cương triều đình sẽ đổ nát, dân chúng rồi sẽ lầm than gấp bội, và những người thân thích còn sống sót của thầy ta cùng với linh hồn ba họ nhà thầy chưa biết đến đời nào mới được minh oan. Tôi trộm nghe Gia vương Lê Tư Thành là người nhân đức, thông tuệ khác thường, có bao giờ chú Lê nghĩ rằng con nguời ấy sẽ lên nối nghiệp tiên đế, cầm cương thiên hạ không? Lê Đàm cúi đầu chăm chú nghe không bỏ sót một lời, hồi lâu mới ngẩng lên nhìn Cao Nhuệ, tỏ vẻ biết ơn và dè dặt đáp:
- Việc lớn, để rồi em xin bàn kỹ với anh sau. Chỉ mừng là anh đến với em lúc này quả là một sự dun dủi đúng lúc....
Nhà sư gật đầu hiểu ý, nói lảng sang chuyện khác. Ngước nhìn quanh gian phòng xếp đầy sách, nhà sư để ý thấy trên giá trước mặt có mtộ cuốn sách gáy trông rất quen thuộc. Lại gần, Cao Nhuệ sửng sốt reo lên:
- Ô... chú cũng dám chứa sách của thầy cơ à? Cuốn "Quân trung từ mệnh tập" này, chú kiếm được ở đâu mà còn nguyên vẹn thế này?
- Đố anh biết đấy? - Rồi không đợi cho Cao Nhuệ phải hỏi thêm nữa, Lê Đàm hạ giọng: - Chính Gia vương tìm thấy ở trong bí thư các, mang về bảo em giữ lấy mà đọc rồi có dịp bàn luận thêm với vương. Của quốc cấm nhưng nhận từ tay vương thì cũng không sợ. Mà điều này mới lạ nữa chứ anh Cao! Vương rất thích nghe thơ của thầy. Hôm nọ em vờ ngẫu hứng đọc lên một đoạn bâng quơ trong bài "Phú Chí Linh", không ngờ vương cứ xoắn xuýt bắt em đọc cho nghe lần nữa và còn bảo em chép lại mà em chưa dám làm.
- Ờ... văn chương của thầy còn cảm hoá được quân địch nữa là người như Gia vương... Chính vì vậy, bao năm nay bọn đắc thế mới cấm ngặt lưu trữ các di cảo của thầy như vậy. Tôi muốn nói thêm một điều nữa: Gia vương Lê Tư Thành là nguời có khí phách, nhưng tôi khuyên chú phải hết sức ý tứ trong khi nhắc đến văn từ của thầy, kể cả lúc chỉ có một mình chú với Gia vương.
Lê Đàm vội thưa:
- Em xin lĩnh ý.
Cao Nhuệ lại hỏi sang việc học hành của Anh Võ và tin tức Phạm phu nhân ở Bồn Man.
Lê Đàm bùi ngùi nói:
- Cách đây không lâu, em được bác quản tượng báo cho biết phu nhân hồi này gầy sút, già yếu đi nhiều, nhưng khi nghe nói Anh Võ từ ngày về nước được vô sự và văn bài tấn tới, phu nhân mừng rơi nước mắt. Anh ạ, thường mỗi lần gửi thư sang bên đó, những chuyện buồn phiền em đều giấu kín, thế mà phu nhân vẫn biết rõ chuyện bác Cao xấu số...
Nhà sư nén một tiếng thở dài. Ngày ông già họ Cao tự tử trên thân cây mộc lan, vì không muốn để cái chết của ông liên luỵ đến những người thân thích, chôn cất may chay cho ông xong, Lê Đàm mới tin cho sư Nhuệ, lúc nhà sư lai kinh thì cỏ trên mồ bá phụ đã bén rễ xanh ngọn. Cảnh ngộ Cao Nhuệ ai biết đến mà không xót xa ái ngại! Những bất hạnh khủng khiếp kế tiếp nhau, tang cha, tang thầy, rang bác, như ba quả núi đau thương đè lên số mệnh. Ấy thế mà Cao ít khi lộ vẻ buồn nản. Cao thường tâm sự với Lê:
- Cho dù đi tu, - trừ những kẻ trốn việc quan ở chùa - con người ai cũng phải chọn một mục đích cho cuộc sống của mình. Mục đích của tôi là mượn cửa Phật để suốt đời thắp sáng bó đuốc ĐẠI NHÂN ĐẠI NGHĨA của thầy.
Vì mục đích ấy, Cao sẵn sàng chịu đựng mọi nỗi khổ riêng và tìm nguồn an ủi trong cuộc đời bằng những việc làm có ích. Đi gặp Lê Đàm lần này, ngoài cái trọng sự vì đại nghĩa của dân làng giao phó, nhà sư còn muốn biết tường tận về tình hình Anh Võ. Uống cạn tuần trà, Cao Nhuệ mới hỏi Lê Đàm:
- Thế việc nuôi giấu Anh Võ, bây giờ chú định liệu như thế nào? Tôi e vương phủ lúc này không phải là nơi dung thân cho con thầy học chúng ta...
Ngần ngừ giây lát rồi Lê Đàm quả quyết:
- Nếu bại lộ thì Anh Võ dù ở đâu cũng nguy hiểm cả. Anh cứ yên tâm, ở đây không sao hết. Vì Gia vương rất tin em, từ lâu, vương và gia nhan chung quanh đều nghĩ rằng Võ và em là anh em ruột thịt.
- Vâng thì tuỳ chú, tuỳ chú. Tôi biết không bao giờ chú phụ ơn thầy, phụ lòng ủy thác của anh em đồng môn, chỉ ngại chú bận, lỡ có khi...
Câu chuyện đang dở thì có lính hầy vào báo Gia vương Lê Tư Thành cho mời quan thân tuỳ đến bình văn. Lê Đàm vội vã tạm biệt Cao Nhuệ.
° ° °
Mặt trời chiều hè lặn từ lâu mà màu nắng nhạt vẫn còn vương trên các lùm cây. Từ xa, một luồng gió thổi về mát rợi, xua tan nhanh chóng khí oi bức của hồ Dâm Đàm. Thời tiết này, đầm này dễ được mùa cá, nhưng triều đính cấm ngặt thường dân không được phát tiếng động và ánh sáng ban đêm nên không có bóng một chiếc chìa buông câu hay gõ nhịp. Trời sao chi chít không làm bớt vẻ cô quạnh bí ẩn của không gian. Chung quanh vương phủ và dọc theo hoàng thành, từng tốp, từng tốp lính canh vác giáo đứng giới nghiêm như phỗng đá, mắt đăm đăm nhìn về khoảng tối xa xa... Tiếng đàn hát từ trong nội điện vọng ra nghe mơ hồ lạc điệu. Sư Nhuệ đi đi lại lại bên song cửa ngắm trời sao, lòng dạ cứ như gửi nơi đâu. Lê Đàm đi bình văn ở phủ Kinh Diên vẫn chưa về. Những dòng chữ tâm huyết của dân làng giấu kín trong tay áo cà sa lúc nào cũng như muốn bốc lửa... Tình cờ sư Nhuệ cao hứng ngâm:
Bất nhân vô số nhà hào phú
Của ấy nào ai từng được chầy
Chợt nhận ra mình sơ ý, nhà sư thở dài rồi im bặt. Nhưng lời văn của thầy cứ làm sôi động tim gan:
Làm người mà cậy khi quyền thế
Có thủa bàn cờ tốt đuổi xe
Đến tận đầu canh hai, Lê Đàm mới về, thấy Cao Nhuệ vẫn còn thức đọc sách, đợi mình. Hai anh em đêu giục nhau đi ngủ. Kỳ thực lúc đã tắt đèn lên giường nằm cạnh nhau, bấy giờ họ mới thổ lộ những điều quan trọng. Càng nghe Lê Đàm nói, Cao Nhuệ càng vỡ lẽ. Nhà sư không đến nỗi phải thất vọng vì cáci "trầm lặng thật là khó chịu, thật là khó thở". Đó chỉ là cái cảm giác ban đầu. Ở đây - nơi đã từng chứng kiến bao cuộc phế hưng của bao nhiêu triều đại - cái trầm lặng đối với lịch sử và con người văn vật đất kinh sư là cái trầm lặng có ý nghĩa. Nhà sư muốn biết nhiều hơn nữa về Gia vương Lê Tư Thành...
Con người ấy có một đặc tính hiếm có, là hết sức ham học. Khác hẳn với những người anh cùng cha khác mẹ, từ lúc lên bốn, lên năm, Thành đã nhớ nhập tâm nhiều bài thơ trắc vận. Lớn lên, biết cảnh ngộ mẹ con mình bị vua cha hắt hủi, Thành lại càng yêu mến sách. Trên đời, Thành chỉ tôn thờ hai thứ: Mẹ và sách thánh hiền. Đã có người nói đến tai bà phi Nguyễn Thị Anh: "Lê Tư Thành tương mạo trông khôi ngô, nhưng sự nghiệp sau này, bất quá cũng trở thành một ông quan văn là cũng. Đáng lý "con nhà tông không giống lông, cũng giống cánh", đằng này chỉ ru rú bên mẹ, vùi đầu vào chồng sách, chả quan thiết gì đến chính sự, chẳng đoái hoài gì đến cảnh sống của một bậc vương giả!"
Bấy giờ Thành đã mười bốn tuổi. Nghe những lời đàm tiếu đó, bà phi Nguyễn Thị Anh lại mừng thầm trong bụng. Bà đã thật sự an tâm cho rằng mẹ con Ngô Thị Ngọc Dao không có ý định nhòm ngó chiếc ngai vàng của vua Nhân Tông là đứa con ruột thịt của bà. Còn đối với Thành, ai bình phẩm mặt ai, vương vẫn giữ nguyên nết cũ. Đúng là vương không ham đua ngựa, không thích rượu chè, không mê hát xướng, không muốn đàm luận về việc triều chính, nhưng chỉ một câu thơ hay cũng đủ làm vương mất ngủ, thao thức suốt đêm. Một buổi chiều, vương đang dạo gót trên lầu, vừa nghe lọt vào tai một giọng ngâm không hay nhưng tứ thơ đầy cảm khái, vương lẩm nhẩm thuộc ngay. Đó là một bài thơ "bát cú" thể thủ vĩ ngâm:
Góc thành Nam, lều một gian
No nước uống, thiếu cơm ăn
Con đòi trốn, dễ ai quyến
Bà ngựa gầy, thiếu kẻ chăn
Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá
Nhà quen xuế xoá ngại nuôi vằn
Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải
Góc thành Nam, lều một gian.
Vương chạy bổ đi tìm thử xem ai vừa ngâm bài thơ đó. Xuống lầu, vương chỉ thấy người lính canh cửa quen thuộc. Té ra cái giọng ồ ồ kia là giọng anh này. Vương muốn nghe lại một lần nữa xem mình nhớ có đúng không nhưng anh ta trả lời lau láu bằng một câu hình như đã nhẩm sẵn từ trước:
- Tôi đứng canh đói bụng, nghêu ngao mấy câu thơ cho khuây khoả, cũng chả biết là thơ của ai làm và mình vô tình thuộc từ bao giờ. Xin Gia vương tin rằng tôi nói thật...
Lê Tư Thành cố gạn hai ba lần đều vô hiệu, người lính một mực từ chối. Đến khi hỏi Lê Đàm, vương mới biết đó là thơ của Nguyễn Trãi được truyền tụng trong dân gian từ hồi giặc Minh còn chiếm đóng thành Đông Quan. Từ đó hình ảnh Nguyễn Trãi thường lởn vởn trong đầu óc vương. Nhân một buổi được phép đến thăm vương mẫu Ngô Thị Ngọc Dao, Gia vương Lê Tư Thành đánh bạo hỏi:
- Thưa mẹ, ngày trước có bao giờ mẹ gặp thừa chỉ Nguyễn Trãi không? Nghe nói ông ta làm thơ hay lắm, đến bây giờ những kẻ thất học cũng nhớ làu làu...
Lời nói động đến mọt vết thương sâu trong lòng, Ngọc Dao lặng lẽ quay đi, giấu giọt nước mắt lăn trên gò má. Sợ hãi, vương vội quỳ xuóng:
- Cúi xin mẹ tha tội cho con! Phải chăng con đã làm cho mẹ buồn phiền. Con hứa với mẹ sẽ không bao giờ nhắc đến kẻ đã giết cha con...
Ngọc Dao vội đỡ con dậy. Bà lau khô nước mắt, định nói ra điều giấu kín từ lâu nhưng rồi bặm môi suy nghĩ, bà lại thôi. Bà lấy tay che mặt, ấp úng:
- Không! Không! Con của mẹ không có lỗi gì. Trong việc này chính mẹ mới là người có lỗi... có lỗi với cả...thiên hạ. Mà thôi.. cũng đừng nên... đúng đấy con ạ... chưa phải lúc nhắc đến chuyện cũ. Sao hôm nay mẹ thấy chóng mặt thế này...
Lê Tư Thành xếp mọi chuyện, lật đật đỡ mẹ đi nằm. Suốt buổi, vương ở lại hầu hạ chăm sóc, chờ cho mẫu thân thật sự bình phục rồi mới dám ra về. Lòng vương đầy thắc mắc.
Từ sau khi lập được võ công hiển hách, rồi được tiến cử vào làm chức thân tuỳ ở phủ Bình Nguyên vương, càng ngày Lê Đàm càng được Lê Tư Thành yêu mến vị nể. Nói đúng ra thì cả hai bên đều yêu lẫn nhau vì tài, vì nết. Họ đều là những người hiếu học, cương trực, thảo hiền. HỌ đều có tâm hồn phóng khoáng, cao thượng. Từ chỗ tâm đắc với nhau trong thơ văn, họ càng nhích lại gần nhau trong những cảm nghĩ về tài năng, về cuộc đời. Một hôm tại phủ Kim DIên, nhân đọc lại những sách binh pháp của các triều đại vua trước, Bình Nguyên vương lựa lúc vắng người, bảo nhỏ quan thân tuỳ:
- Ta vãn phục ông có trí nhớ tốt mãnh liệt. ông sống đồng thời với thừa chỉ Nguyễn Trãi, ông có thể đọc riêng cho ta nghe một đoạn thơ của thừa chỉ về phép trị dân, dựng nước được không? ông đừng ngại, ở đây chỉ có ta với ông.
- Thưa Bình Nguyên vương, tôi sợ rằng những lời văn của kẻ mang tội phản nghịch khó lọt tai vương. Mà lỡ có ai nghe thấy đem chuyện thóc mách thì lại phiền cho cả vương và tôi. Còn thuộc thơ Nguyễn Trãi thì dân chúng thiếu gì người thuộc.
Bình Nguyên vương im lặng một lát thở dài:
- Rủi cho ta, giá phải ta sinh ra đã là con nhà thường dân thì có phải ta biết được nhiều điều hơn không. Tiếc thay...
Lê Đàm chợt thấy khoé mắt vị vương trẻ tuỏi long lanh ươn ướt. Cảm kích trước tấm lòng ái mộ đó, Lê Đàm không nỡ để cho vương phật lòng.
- Thưa Bình Nguyên vương... nếu vương thể tất cho, Đàm này xin đọc hầu vương một đoạn trong bài "Phú Chí Linh" vậy. - Rồi Lê Đàm đọc luôn:
Nhiều hoạn nạn là nền dựng nước
Lắm lo toan là gốc trị vì
Biến cố trải nhiều thì suy nghĩ sâu
Mọi việc lo trước thì thành công kỳ...
Giọng đọc dù rất trầm, lời phú vẫn toát ra khí phách hào sảng làm âm vang cả phủ vắng. Vương sững sờ kêu lên:
- Trời ơi, ta như vừa được trông thấy đức Thái Tổ Cao hoàng đế và các tiên vương thuở hàn vi, ăn cơm hẩm, uống nước suối, đang ngồi trên tảng đá trong rừng sâu, chụm đầu nhau bàn việc nước. Ta lại trông thấy biển cả sóng cồn, bọt tung trắng xoá... lúc ta còn là cái thai trong bụng mẹ, mẹ đã từng phải ôm dạ quặn đau bên bờ cát trắng... Mà hình như vừa có tiếng voi lồng ngựa hí đâu đây... một rừng cung nỏ đang mai phục trong ta, chờ một lệnh truyền và chỉ cần một lệnh truyền... Khoan, hãy chờ đến lúc đó ba quân mới được xung trận. Trời ơi! Lời văn chân chất mà sắc hơn giáo gươm, mạch văn đĩnh đạc mà ý tứ sâu xa, bao quát. Sao con người ấy... quan thân tuỳ! Cổ nhân có dạy rằng: "Xem văn ắt biết người". Đúng như Trãi đã viết nên những lời văn này, có lẽ nào Trãi lại là quân phản nghịch, bất trung?
Nhìn thẳng vào mắt Lê Đàm, vương khẩn khoảng:
- Quan thân tuỳ hãy nói cho ta nghe, muốn đọc thơ của Trãi thì ta tìm ở đâu? Trong bí thư các chỉ vẻn vẹn còn sót lại một cuốn "Quân trung từ mệnh tập"... Các di cảo khác thì đã bị bọn hoạn quan vô học đốt hết sạch rồi!
Lê Đàm nhìn quanh tứ phía, chần chừ vì chưa tìm được câu trả lời thích hợp. Gian phòng phảng phất mùi trầm và mùi mực thơm mà hai người đều cảm thấy nghẹt thở. Bình Nguyên vương sốt ruột:
- Quan thân tùy còn sợ ta sao? Sống với ta bao năm rồi, ông chưa đủ hiểu lòng dạ của ta hay sao?
Lê Đàm không chủ động được nữa. Chàng quỳ xuống nắm lấy hai bàn tay vương:
- Tôi xin nhận tội chét vì mãi đến lúc này mới dám nói thật... Tôi... trước đây... là một môn sinh nhỏ bé của thừa chỉ Nguyễn Trãi. Thấm nhuần đạo lý những năm đèn sách, tôi cũng chỉ dám nhắc lại như điều vương vừa mới nói vừa rồi. Tôi không thể tin rằng thầy học của tôi là một kẻ phản nghịch, bất trung. Dù có phải ném vào vạc dầu sôi hay quỳ trên bàn chông sắt, tôi cũng không dứt bỏ khỏi đầu óc những ắn văn bất hủ của thầy.
Nói đến đây, hai hàng nước mắt Lê Đàm tự nhiên chan chứa.
Bình Nguyên vương cũng không nén nổi xúc động. Đỡ Lê Đàm đứng dậy, vương nói giọng run run:
- Không sao cả! Từ nay... ta càng hiểu nhau hơn...
Qua lời trần thuật của Lê Đàm, Cao Nhuệ như vừa được soi tỏ hơn những nhận định của mình về Gia vương Lê Tư Thành. Nhưng Lê Đàm vẫn chưa đả động gì tới thái độ của vương đối với bọn phản loạn Nghi Dân. Nhà sư tìm cách gợi chuyện:
- Chú Lê này, Gia vương có biết thỉnh thoảng chú vẫn lui tới nhà các quan á quận hầu đó không?
- Có chứ!
- Gia vương có hay hỏi han gì đến các vị ấy không?
- Cũng chỉ là những lợi hỏi thăm sức khoẻ mà thôi.
- Thế các vị cựu thần có nhắc nhở gì đến Gia vương không.
Lê Đàm nở một nụ cuời hóm hỉnh, tự nghĩ "Cao huynh ghê thật! Anh ấy đã dồn ta đến mức phải nói..." Lê bấm cổ tay Cao ra hiệu:
- Sự việc đã xếp đặt đâu vào đấy cả rồi. Các đại thần đã bàn kín việc quyết định số phận bọn phản loạn, và nhắm vào... Anh Cao đoán khá đấy, nguời cầm cuơng thiên hạ sẽ là Gia vương...
Lê Đàm còn nhớ như in và kể lại nguyên văn lời đàm nghị của các quan hôm ấy cho Cao Nhuệ nghe. Nghiêm khắc nhất là ý kiến tự chỉ trích của các quan nội hầu Lê Nhân Khoái, điện tiền đô chỉ huy Nguyễn Đức Trung, nhập nội đại hành khiển Lê Vĩnh Tường, Lê Yên, Lê Giải như sau:
"... Bọn chúng ta là bề tôi huân cựu, mắt trông thấy việc ấy mà chịu bó tay, đáng phải chết theo với xã tắc; thế mà lại ở dưới kẻ bội nghịch, đứng trong triều kẻ cướp ngôi giết vua, vậy là đáng tội với muôn đời, còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở suối vàng nữa?".
Cao Nhuệ hả lòng hả dạ reo lên:
- Có thế chứ! Có thế chứ! Cả trời, đất, thần, ngừơi trông vào các vị ấy, chẳng lẽ các vị ấy lại cứ bưng tai bịt mắt? Thế còn chú Lê, trong kế sách chuẩn bị và hành sự, chú được các đại thần giao cho việc gì?
- Em ấy à? - Lê Đàm mỉm cười khiêm tốn. - Lúc hữu sự, em sẽ nhận làm một tên quân vác giáo đi đầu, còn bình nhật thì đeo gươm quan thân tuỳ nhưng thực chất là nguời lính trạm liên lạc giữa dân chúng và nội điện chỉ huy bí mật của triều đình.
Cao Nhuệ sung sướng ngồi nhổm dậy:
- Vậy thắp đèn lên ngay! có tin liên lạc của dân chúng với nội điện chỉ huy của triều đình đây!
Cao Nhuệ nhanh nhẹn rút tờ trình ra khỏi tay áo. Dưới ánh sáng hồn, những hàng chữ giấy trắng mực đen hiện lên thành hình ảnh đoàn quân rùng rùng gươm giáo. Đó là những người nghĩa binh Côn Sơn, dẫn đầu là cụ chủ quán, đang tiến về phía kinh sư, và họ lại diễu qua lối Tràng An, nơi mà cách đây gần hai chục năm trong bọn họ đã có nguời gội sương đội nắng chôn chân ngoài trời mấy ngày đêm để đòi nha vua trả thi hài Nguyễn Trãi. HÌnh ảnh hùng tráng này lại gợi cho Cao Nhuệ là Lê Đàm nhớ tới câu thơ của thầy trong bài "Quan hải"
Lật thuyền mới rõ dân như nước...
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK