Tỉnh Bắc Ninh có ba cái rừng. Hay là, nói cho đúng hơn, có ba tên đất kèm trên một tiếng rừng: rừng Bán ở làng Đình Bảng, rừng Vải ở làng Đại La, rừng Cói ở làng Du Lâm. Cớ sao giữa đất đồng bằng, giữa những cánh đồng - có khi là đồng chiêm, nghĩa là đồng thấp lắm - giữa những cánh đồng thẳng cánh cò bay mà lại có cái tên rừng là tên chỉ có thể có ở vùng núi, ở mạn ngược. Ít ra nữa thì rừng cũng phải đi đôi với một quả đồi con như núi Chè, núi Niềm, núi Hằng. Thế mà núi Chè, núi Niềm, núi Hằng chỉ là ba ngọn đồi trọc, bao chung quanh những ruộng lúa bạt ngàn. Ở Du Lâm, Đại Lai, Đình Bảng không có núi non gì cả, trừ ra nếu, theo nhà phong thủy học, cao nhất xích giá vi sơn, ta gọi tạm những gò là núi. Không có trai mà có gái, không có cá mà có nước, không có núi mà có rừng, âu cũng là một sự lạ. Ba rừng ấy, rừng Báng là hết sạch cả cây; rừng Vải còn dăm ba cây; rừng Cói còn một vùng cây chừng ngót mười mẫu. Bây giờ, một khu ruộng hàng mấy chục mẫu chiếm chỗ rừng xưa ở Đình Bảng; một vài cây nhãn còi còn đánh dấu di tích rừng ở Đại Lai; một khu ngót mười mẫu sơ sài còn được gọi là lăng bên cạnh lũy Du Lâm.
Các rừng ấy vốn có một lịch sử.
Vua nhà Lý - nhất là từ vua Cao Tông trở xuống - hay đi chơi trong dân gian. Vua không mấy khi ở trong cung. Hay đi chơi đâu, nhà vua cho làm ly cung đến đó. Cạnh ly cung, nhà vua mở ngự uyển, cây cối thật rậm rạm để tăng thêm vẻ nhã thú, u tịch những chốn nghỉ chơi. Vìa vua Lý quê ở Bắc Ninh nên tỉnh ấy nhiều ly cung và ngự uyển hơn cả.
° ° °
Cạnh những làng Trùng Quán, Yên Thường, Lã Côi, Tiểu Lâm, bây giờ người ta còn thấy từng khúc đầm dài. Đó là vết sót lại của cái ngự câu đời Lý để thuyền rồng vua Lý ngự từ Ứng Thiên Phủ, (tức là làng Cổ Pháp cổ, bây giờ là làng Đình Bảng) đến ngự uyển và ly cung ở thôn Hoa Lâm. Cái ngự câu ấy trước đền Lý Bát Đế bây giờ, vòng theo con đường đi Phù Đổng, men quanh các làng Đại Linh, Phù Luân rồi lại vòng về phía đông mà qua làng Phù Ninh Trùng Quán, rồi lại quặt theo hướng Tây nam mà men quanh các làng Yên Thường, Lã Lôi, Tiểu Lâm, trước mặt thôn Nội làng Du Lâm.
Nguyên trước cả vùng tổng Hội Phụ bây giờ chỉ là một bãi đất nửa hoang phế. Vua Lý dựng xong ly cung, đắp xong ngự uyển mới lấy dân đinh ở mọi trấn đến làm viên đinh (phu coi vườn). Viên đinh ở tụ thành sáu xóm, gọi là Hoa Lâm lục thôn. Sáu thôn ở vòng quanh, ngự uyển và ly cung ở giữa. Sáu thôn ấy là: Thái Đường, Lộc Hà, Mai Hiên, Đông Trù, Cự Trình, Du Lâm. Những tên ấy, một vài tên còn nhắc lại di tích cũ. Thái Đường là xóm có cái nhà thờ của họ ngoại vua Lý. (Không dùng chữ Thái Miếu vì sợ lộng nên mới dùng chữ đường), Lộc Hà là xóm được hưởng lộc cúng. Mai Hiên nhắc tên một cái nhà của vị thi nhân nào hồi đó: Mai Hiên, Trúc Hiên, Tùng Trai... chẳng hạn. Đông Trù là chỗ nhà bếp (trù) cho Thái Đường mà ở về phía đông... Sáu xóm sau đẻ thêm mãi ra thành mười hai xóm, rồi thành mười hai làng, họp thành tổng Cối Giang. Đến đời chúa Triết Vương Trịnh Tùng, vì ghét chúa Trịnh Cối nên bỏ một chữ Mộc đi mà gọi là tổng Hội Giang, sau lại vì kiêng tên của Uy Nam Vương Trịnh Giang mà đổi là Hội Phụ. Nhưng cái tên tổng Cói, cái tên nôm đã đẻ ra chữ Cối Giang, hãy còn dùng cho tới ngày nay. Trong mười hai làng tổng Cói, làng Du Lâm có tên nôm là "Cói Ao Dài" vì cái "ao dài", vết cũ của cái ngự câu chạy dọc theo sát lũy làng cho đến Lăng là ngự uyển cũ của nhà Lý. Ngự uyển ấy, nguyên trước rộng đến hơn ba chục mẫu và trồng đủ các thứ cây. Đến hồi đầu Trần còn dùng làm chỗ tụ họp của con cháu họ Lý, vì đó là nơi thờ hết thẩy các Hoàng hậu nhà Lý. Trần Thủ Độ muốn diệt nhà Lý, liền mời những người cừ khôi của họ Lý đến đó làm lễ tế tiên hậu. Tế xong, họ hàng nhà Lý, theo lệ thường, xuống cái cung xây ngầm dưới đất để dự tiệc. Trần Thủ Độ đã dự bị sẵn sàng cả. Dưới đương đàn địch thì trên rút máy, sập cả nóc cung xuống. Rồi ở trên lại lấy đá ném lấp cả đi, chôn sống hơn 70 tông thất nhà Lý và hàng trăm cung nga thể nữ theo xuống hầu rượu.
Vì cái chuyện thảm ác vô cùng ấy, hoa viên không ai dám nhìn tới. Bỏ lâu ngày cây cối mọc loạn hàng thành một cái rừng con bao bọc một đống đá. Năm 1910, đê sông Thiên Đức (sông Đuống) vỡ, lăng đã mất nhiều thứ cây quý. Xong trận vỡ đê ấy, chính phủ đắp lùi con đê mới vào trong để nhường sức nước, làng Du Lâm, Thái Đường, lăng nhà Lý bị bỏ ra ngoài đê, năm năm bị nước sông ngâm đến bốn tháng. Từ ngày ấy đến nay, một phần phù sa bồi mãi đất cao lên, đống đá mồ chung kia cũng bị chôn dưới hai ba thước đất phù sa; một phần cây cối bị tàn phá, chết héo, lăng chỉ còn một ít cây vô dụng. Bây giờ chỉ còn là một khu cây mọc thưa thớt và loạn hàng mà dưới gốc cây, phẳng lì một màu đất đỏ. Tôi còn nhớ độ còn để trái đào, thường ra lăng kiếm nhãn, vải, bứa, ổi, lê xanh về ăn; và còn lấy đống đá trên mồ làm ngọn núi Trường Bạch sơn, lấy cái đầm trước lăng là sông Áp Lục, tự lấy mình làm Đại San Nham, với trẻ con cùng lứa, chơi trò Nhật - Nga chiến tranh.
Một trăm bốn mươi sáu năm trước đây, nghĩa là năm 1793, niên hiệu Cảnh Thịnh năm đầu đời vua Tây Sơn thứ hai.
Ở xóm tây, xóm gần Lăng, làng Du Lâm, trong một ngôi nhà gỗ lợp rơm, một vị quan cũ nhà Lê đương quằn quại trên giường bệnh. Bên cạnh giường, hai người ngồi trên hai cái ghế gỗ. Một người tuổi ngoại sáu mươi, một người tuổi ngoài hai mươi. Gian bên cạnh, một người đàn bà tuổi trạc tứ tuần. Mọi người đều yên lặng nghiêm mà buồn, cái yên lặng thường có ở những giờ lâm chung của nhà nho.
Hai người ngồi cạnh giường vẫn ngồi đó để đợi những lời nói sau cùng của bạn và của cha vì hai người ngồi đó không ai khác là một người bạn chí thân và người con trưởng của người nằm trên giường. Dưới ánh sáng chập chừng của ngọn đèn thổ hà, người ta nhận thấy nét mặt rất bình tĩnh của người nằm và, như phản nét mặt ấy, nét mặt rất lo lắng đăm chiêu của người bạn và người con. Một lúc, người nằm thò tay cầm tay người bạn. Người bạn vội cúi xuống để nghe. Bàn tay người ốm lại gạt đi:
- Không, ông cứ ngồi ngay ngắn. Tôi còn đủ sức nói to cho cả ông và cháu nghe.
Tôi sống đến ngày nay là sống thừa sống nhục thêm mất tám năm. Đáng lẽ thì ông cũng phải sắm cho tôi cỗ quan tài và chôn sống tôi như quan nghè Vân Canh năm xưa rồi.
Ngừng một lúc, ông ngâm dằn từng tiếng:
Đỗng... khốc... thiên... nan... vấn...
Thê... lương... sự... dĩ... phi...
..........................
Sinh... tàm... Lý... học... sĩ...
Nhất... tử... độc... như... quy...
Bài thơ ấy nguyên của Phạm Quí Thích khóc ông Lý Trần Quán, khi tự chôn mình để chết theo chúa Đoan Nam Vương. Tại sao ông lại đọc đến? Vì bài ấy không những nó tả cái tâm sự của tác giả mà nó lại tả hết cả tâm sự những ai cùng một cảnh ngộ, cùng một hành chỉ như tác giả. Trong số những ai ấy thì người vừa ngâm lại bài ấy là một. Mà hai chữ "sinh tàm" (sống thẹn) nó lại chua chát gay gắt, lại làm người ấy nhớ lại cả gia thế, cả địa vị, cả bản phận, cả cử chi hành động của mình.
Muốn hiểu cái chua chát ấy, tưởng phải rõ con người ấy là ai và có những hành chỉ gì từ trước đến nay.
Người nằm đấy là Nguyễn Đường, con trưởng Nguyễn Thưởng. Chúa Đoạn Nam Vương Trịnh Khải vì trọng Nguyễn Đường nên cất nhắc ông lên chóng lắm. Năm ông bốn tư tuổi đã làm đến Hiến Sát Sứ, dẫu rằng chỉ đỗ có nho sinh trúng thức.
Năm Bính Ngọ, ông đương chịu tang mẹ ở nhà, được cử làm Tuần Duyệt Sứ ở huyện nhà. Kịp khi Tây Sơn lấy tiếng phù Lê diệt Trịnh, đem quân ra Bắc, chúa Đoan Nam Vương có lệnh triệu, ông đem quân bản huyện về Thăng Long. Trận Ngũ Long Lâu, ông cùng ngồi voi với chúa. Đến lúc quân đổ, ông đưa chúa chạy. Giữa đường, tôi chúa lạc nhau. Rồi kế đó, em ruột ông, Nguyễn Noãn mưu với Nguyễn Trang bắt chúa nộp cho Tây Sơn. Học sĩ Lý Trần Quán, thầy học Trang, can Trang không được, sợ rằng thanh nghị ghép tội mưu lừa phản chủ, liền tự chôn chết theo để tỏ lòng ngay thẳng với trời đất và thiên hạ. Ông tuy ngay thẳng nhưng chúng nghị sao có tin hẳn ông? Dẫn chúa đi rồi đánh lạc, rồi em ruột bắt chúa. Bằng ấy việc xảy ra giữa lúc loạn ly, nghĩa là lúc người ta dễ ngờ nhau, khiến ông mắc một cái tiếng oan. Tiếng oan ãy, tuy không ai nói ra, nhưng nó vẫn ngấm ngầm trong bọn lương gia tử đệ, trong bọn học trò.
Đó, cái nỗi khổ tâm nó làm cho ông băn khoăn đến lúc chết, mặc dầu nét mặt ông vẫn bình tĩnh như thường.
Đọc xong thơ, ông lại nắm tay chủ nhân:
- Cụ thượng sinh ra được tôi và ba thằng em tôi. Thằng em hai tôi chẳng may phạp tự [1] thằng em ba tôi thì dính vào chuyện tuần Trang rồi chết nhục nhã, không con; còn thằng em tư tôi thì nay đây, mai đó, không trông mong gì được. Nối dõi tông đường hồ như trông vào một tôi. Vì thế tôi phải nuốt tủi ngậm nhục mà sống đến ngày nay. Ngày nay, Ngụy Tây trộm giữ ngôi báu, thiên hạ chưa biết bao giờ đã an. Tôi chết đi, ông khá vì tôi mà săn sóc hộ việc nhà. Nhất là ông giữ thằng con tôi, đừng cho nó ra mối nguy mà chết không có đất chôn có ngày. Cố chịu khó mà an bần ở nơi thôn dã.
Rồi ông quay lại người con:
- Con năm nay đã hai mươi bốn, con phải biết nghĩ lắm. Chú con làm càn, điếm nhục gia thanh, con càng phải giữ. Em con từ ngày loạn lạc đi mất chưa biết bao giờ về. Năm đời khanh tướng, việc thờ tự nay trông vào có một con, con phải kính sợ lo lắng từng ngày.
Người con trai ngồi chịu lời giối giăng ấy là Nguyễn Án, tác giả bộ Tang Thương Ngẫu Lục, bộ Vũ Trung Tùy Bút Lục và bộ Phong Lâm Minh Lại Thi tập, bạn thân với ông Phạm Đình Hổ tức Chiêu Hổ và đồng thì với Hồ Xuân Hương. Ba người ấy người đời gọi là Tam Tài Tử.
Sau khi cha mất, Án cùng mẹ ra ở Thăng Long, bên cạnh hồ Hoàn Kiếm dạy học kiếm ăn. Vì thế có hiệu là Kiếm Hồ Ngư Ẩn. Kiếm Hồ Ngư Ẩn ẩn ở đó hơn mười năm. Chắc các anh sắp nói rằng: Ở Thăng Long sao gọi là ẩn? Phải, ẩn lắm: trước là vì thành Thăng Long bấy giờ không phồn hoa mầu mỡ như ngày nay; sau là chữ ẩn không có nghĩa là chúi ở một xó mà chỉ nghĩa là không thèm vẽ hề bôi nhọ với đời, không màng danh lợi.
Ở giữa nơi thành Hà Nội phồn hoa bây giờ mà còn có ông nhà nho kia viết câu đối đề chỗ ngồi chơi để nói chí mình rằng: Trắc thân yên thị không huề kiếm, hồi thủ hầu môn dục toái cầm (nghĩ lại cửa hầu đàn muốn đập, lẩn mình thành trị kiếm xuông đeo) thì Kiếm Hồ Ngư Ẩn nói được rằng mình ẩn lắm chứ!
Ông chỉ đọc sách ngâm thơ cùng đi chơi sơn thủy với bạn là ông Phạm Đình Hổ, con trai quan Tham Tri Chính Sự Phạm Đình Dư. Hai người chơi với nhau, một là vì cái duyên văn tự, hai là vì cùng một cảnh ngộ, cùng là con hai người cố thần nhà Lê. Trong thì kỳ chơi cùng nhau, hai người cùng nhau làm sách, ghi chép những điều mắt thấy tai nghe trong buổi tang thương của nhà nước cùng trong sách vở người xưa.
Khi ấy có một nữ kiệt, tên là Hồ Xuân Hương thường cũng năng lui tới. Song những lời ăn tiếng nói, những cử chỉ hành vi của người đàn bà lãng mạn quá đối với thì đại kia, khiến Kiếm Hồ Ngư Ẩn không chịu nổi. Hồ cũng biết thế nên chỉ chơi với Chiêu Hổ chứ không chơi với Ấm Án.
Song vì chơi với Chiêu Hổ, Ấm Án phải gặp mặt nàng Hồ luôn. Và chỉ một cái gặp mặt luôn ấy, ông đã lấy làm khó chịu. Ông thường gọi là Yêu Hồ. Muốn trêu ông bạn "chân chỉ hạt bột", Chiêu Hổ lại càng cố lãng mạn già hơn một từng nữa.
Vì thế Kiếm Hồ Ngư Ẩn sau đến tuyệt giao cùng Chiêu Hổ vì ông cho là chơi bời nhảm nhí, mất sĩ hạnh và có tội với danh giáo.
Như thế được mấy năm.
Đến năm Nhâm Tuất (1802) vua Gia Long nhất thống nam bắc, dựng cơ nghiệp mới. Năm Gia Long thứ tư (1805) nhà Nguyễn mở khoa thi đầu tiên ở Trường Thi cũ nhà Lê ở Hà Nội. Ấm Án ứng thí, đỗ cống sinh. Năm Gia Long thứ bảy, bổ đi làm Tri huyện Tiên Minh. Năm ấy tiên sinh đã ba mươi chín. Chiêu Hổ bấy giờ mới được dịp báo thù. Ông viết cho bạn một bức thư, lời lẽ thật là thống thiết chua cay, đại ý rằng: "Tôi chỉ đùa bỡn với một con đàn bà mất nết, cái đó cho rằng có mất thể thống một con nhà thi lễ đi nữa thì nó cũng chưa tệ bằng cái việc bác ra thi khoa đầu, bác con cháu một nhà đời đời chịu lộc nhà Lê. Ít bữa nay, tôi thấy thiên hạ truyền tụng hai câu thđ: Nhất đội Di, Tề hạ Thủ Dương, cộng ngôn vi khổ bất kham thường [2]. Tưởng như người bạn có tội với danh giáo của bác may ra được ra ngoài lời trào phúng đó..."
Về chuyện đó, hai người đều quá cả. Một người quá câu chấp, một người quá khắc nghiệt. Kiếm Hồ tiên sinh chưa đỗ với nhà Lê thì làm với Nguyễn cũng được chứ sao! Một nước đã có thể đôi vua thì trăm họ đâu phải ngu trung với một họ?
Nhưng thôi, ta bỏ câu chuyện khí tiết lại đó mà nói nốt câu chuyện của ta. Cái duyên nợ họ ấy đối với con đường Bãi Cỏ cầu Giấy và cái lối quẩn quanh đi đi lại lại của việc đời.
Khoa thi vừa nói mới rồi, thi ở trường thi cũ nhà Lê, nghĩa là vào khoảng Trung Ương Thư Viện và trại Hiến Binh. Con đường hồi, thế là đi được quá nửa, sắp trở về chỗ cũ, chỗ Bãi Cỏ rồi. Đó là một việc quẩn quanh. Việc thứ hai là: con cháu họ Lý lại trở về đất Hoa Viên cũ của nhà Lý: làng Du Lâm.
Nhưng chắc các anh sốt ruột muốn nghe đến đoạn cuối cùng rồi, đoạn họ ấy lại một lần nữa hiển hách ở đất Bãi Cỏ.
Hãy khoan! Truyện phải có đầu đuôi. Quãng gần đuôi lại càng phải biết rõ hơn. Mặt trời mọc rồi mặt trời phải lặn. Lúc trời xế bóng, nóng lại gay gắt hơn lúc đứng bóng. Lúc ở chân trời phía tây, mặt trời đẹp không kém lúc mới mọc ở phía đông. Vậy, tôi kể nốt:
Kiếm Hồ tiên sinh làm quan được bảy năm thì mất, thọ 46 tuổi, để lại bảy con trai, nhưng chỉ có ba người là có con cháu còn bốn người phạp tự. Ba người ấy là:
Người con cả, tên Nguyễn Siêu Tông, đỗ Cử nhân, làm tới Tri huyện;
Người con thứ hai, là Nguyễn Chí Quản, cũng đỗ Cử nhân, làm tới Hình Bộ Lang Trung;
Người con thứ ba, tên Nguyễn Phương Oánh, đỗ hai lần tú tài, không làm gì cả.
Nguyễn Thì Quản, sinh được năm con:
Cả là Đức Hiến đỗ giải nguyên, làm tới Đốc Học; hai là Đình Thể, đỗ hai lần tú tài, không làm gì cả; ba là Đình Lâm, đỗ tú tài, không làm gì cả, tư là Văn Phú, đỗ Nhị Giáp Tiến Sĩ, làm tới Thượng thư; Năm là Năng Ái, đỗ Cử nhân làm tới Tri phủ.
Người thứ tư, Văn Phú, cần phải nói kỹ hơn vì là người trùng hưng cái hiển hách của họ ấy và là người mà đời có quan hệ đôi chút đến việc nước ta sau này.
__
[1] Không có con.
[2] Một lũ Di, Tề bỏ Thú Dương. Miệng kêu vi đắng nuốt nào trôi.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK