Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Hồi đầu nhà Trần, nước ta bị rợ Mông Cổ sang lấn đất, định biến giang san mình thành một hành tinh của đế quốc Mông Cổ. Khi ấy, nhờ lòng người cố kết, trên dưới một lòng, nên ta đuổi nổi kẻ thù ra ngoài cõi, giữ vững nền độc lập, mặc dầu quân Mông Cổ là quân đã chinh phục được từ Đông Á đến Tây Âu, từ đồng tuyết Tây Bá Lợi Á đến bờ sông Hằng Hà, mặc dầu quân ấy ba lần thiên binh vạn mã kéo sang ta, mặc dầu ở nước ta có nhiều kẻ phản.

Mặc dầu bên ta có nhiều kẻ cam tâm thờ giặc. Chỗ mặc dầu này quan hệ lắm, ta nên xét kỹ hơn. Lúc quân Mông cổ lấn cõi, chiếm hồ hết đất nước ta, từ Ninh Bình đến cửa Nam Quan, từ đèo Hoàng Mai vào đến Nghệ Tĩnh, lúc ấy ai còn tin rằng ta có thể đuổi được quân giặc. Thói thường vẫn thế, tin vào cái thế có thể có được chứ không ai tin vào cái thế nghìn mất một còn. Đại biểu cho cái tâm lý ấy là bọn Trần Ích Tắc, Trần Kiện Lê Tắc. Trần Ích Tắc là chú ruột vua Trần Nhân Tông, anh ruột Trần Nhật Duật. Trần Kiện là cháu vua Trần Thái Tông. Lê Tắc là gia thần Trần Kiện. Trần Kiện khi ấy trấn Nghệ An. Đáng lẽ y phải hợp sức với Trần Quang Khải chống với quân Toa Đô ở Chiêm Thành ra, y lại bàn với gia thần của y là Lê Tắc rằng:

- Nước nhỏ không địch được nước lớn, kẻ yếu không đương nổi kẻ mạnh. Đời xưa, Vi Tử đầu nhà Chu là phải lắm. Ta đây là con cháu vua nước Nam, ta không thể để cho nước ta tiêu diệt.

Bằng cái giọng nói rửa mặt vô lý và phản quốc ấy, y đem cả gia quyến cùng ba vạn quân dưới quyền y ra hàng Toa Đô.

Câu ấy phát biểu một cách rõ rệt cái tâm lý của kẻ "chỉ trông mong ở sự mạnh yếu một thì mà không có lòng tin là sức mạnh muôn thuở".

Câu ấy, phản bội một cách rõ rệt và về đủ các phương diện đối với câu của Trần Thủ Độ và Trần Quốc Tuấn: "Đầu tôi còn thì bệ hạ đừng lo" - "Bệ hạ chặt đầu Tuấn trước rồi hãy nói chuyện hàng".

Các anh có xem thi kéo dây bao giờ không? Hễ mà đôi bên còn ngang sức nhau thì bên nào bên ấy còn cố sức cả, kẻ đứng xem cũng không thiên vị bên nào. Hễ một bên nghe chừng đuối thì lòng chán nản đã bắt đầu có ở người kéo dây bên đuối, lòng thiên vị đã bắt đầu nảy nở ở kẻ đứng xem. Đuối lắm, thiên vị lắm, chán nản lắm, có khi người ta thấy kẻ kéo bên đuối bỏ phe mình mà qua kéo bên khỏe, kẻ đứng xem ồ vào giúp bên khỏe. Kẻ đương đầu thì cục là người kéo dây, dân chúng là lũ người xem kia. Hồi nhà Trần chống rợ Nguyên, lũ Trần Ích Tắc Trần Kiện là đứa kéo dây bỏ đầu dây bên này sang đầu dây bên kia. Còn ra biết bao nhiêu kẻ đã hoặc ngấm ngầm hoặc công nhiên hàng giặc. Những tráp thư tín vãng lai với giặc, sau khi quân Mông Cổ ra khỏi cõi, chính phủ đã bắt được cả. Giá truy nguyên ra thì triều đình nhà Trần có thể làm tội được mấy ngàn kẻ nữa. Nhưng vua Nhân Tông, một là vì bụng khoan hồng nhân hậu, hai có vì hiểu thấu tâm lý của kẻ bình thường nên đã đem đốt hết, không thèm xem. Thật thế bọn tầm thường ấy chỉ có cái tâm lý của kẻ vỗ tay vào chỗ an vui, lảng xa những nơi hiểm trở. Giặc Nguyên lấn cõi thì phản bội, nhưng sau trận Bạch Đằng thì bụng họ lại cố kết với Trần ngay. Trong chục triệu con người mấy ai có cái gan quyết đánh, quyết thắng, quyết tìm cả ở những lúc mà công việc trước mắt khiến gan nào cũng mềm, chí nào cũng núng, tin nào cũng lung lay? Hồi Đại cách mệnh ở Pháp, dân chúng đã hoảng sợ muốn lùi rồi. Danton gào ở Viện: "Hỡi đồng bào! Tiếng súng đồng bào nghe đó, chẳng phải tiếng súng cấp cứu đâu mà là tiếng súng quân ta bắn giặc. Phải quả cảm, phải quả cảm, rồi Tổ Quốc sẽ thoát khỏi hiểm nghèo!". Có lẽ sự thật là tiếng súng cấp cứu, nhưng Danton nói ra như thế để giữ lòng tin đã trùng, quả cảm đã lung lay!

À mà thôi, tôi kéo dài mãi thì lại sắp nói đến cả lịch sử thế giới bây giờ. Tôi quay lại chỗ đương nói, chỗ những người phản nhà Trần ra đón quân Nguyên. Về chỗ ấy Sử lại chép rằng: Dân hai làng Bằng Hà, Ba Điểm, cả làng theo giặc. Cả hai làng theo giặc, cái đó có khiến các anh nghĩ ngợi gì không? Sự phản bội khi đó nhiều lắm, nhưng đều là hành động của cá nhân cả. Nhiều người phản, nhưng ở mỗi người đều là cách cư xử riêng. Đây ta thấy cả hai làng phản, ta thấy một cái hành động nhất trí của một đoàn thể. Cả đoàn thể phản? Cái đó, chúng ta phải nghĩ ngợi lắm. Từng người phản cái cớ phản chỉ là lợi riêng chứ không phải vì mối gì chung. Cả làng phản, cái đó khiến ta phải tìm một cái cớ chung. Tại làm sao mà cả làng lại phản. Tôi nói một cái thí dụ gần hơn cho các anh nhận ra ý tôi muốn nói. Thí dụ như ở trường này. Ở lớp nào cũng có học trò hỗn, hay nói chuyện, nhưng đó là những việc cá nhân và rời rạc, cái đó ông hiệu trưởng cùng cả trường không đáng chú ý. Nhưng ví phỏng ở một lớp, lớp này chẳng hạn, hốt nhiên cả lớp cứ làm rầm trên trước mặt tôi, không thèm nghe, không thèm học nữa, thì trước hết là tôi đây, sau đến ông hiệu trường phải lấy làm lạ, phải tự nghĩ hay tìm xem vì cớ gì mà cả lớp hơn năm chục người mà lại có cử chỉ nhất trí ấy...

Học trò nhao nhao vừa nói vừa cười:

- Bẩm không thể được ạ, bẩm không khi nào ạ...

- ... Tôi biết rồi, không khi nào các anh lại thế. Nhưng ví phỏng có khi nào thì có phải là có một cái cớ chung hay không? Cái cớ đó đã khiến cả lớp cách mệnh ông thầy, các anh có hiểu không?

- ... Bẩm vâng.

- ... Thế thì được rồi. Dân hai làng Bằng Hà, Ba Điểm phản nhà Trần, đón hàng quân Mông Cổ ngay lúc đầu tiên, việc đó chắc phải có một cớ gì to hơn tư lợi, to hơn sự yên vui riêng. Chuyện đầu đuôi như thế này. Nhà Trần cướp ngôi nhà Lý, những con cái nhà Lý, những thần bộc, những người đã chịu ơn nhà Lý nhiều, cố nhiên là thù ghét họ Trần. Việc thù ghét ấy bùng ra kịch liệt sau việc Trần Thủ Độ chôn sống hơn bảy mươi người trong họ nhà Lý ở cái ngự uyên riêng của vua Lý tại làng Hoa Lâm tĩnh Bắc Ninh. (Chỗ này rồi sau tôi sẽ nói lại). Thủ lĩnh việc chống lại nhà Trần là Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn và Lý Quang Bật. Trần Thủ Độ trước hết muốn dụ bằng lời. Trong cách dụ bằng lời, Thủ Độ có lợi dụng lòng mê tín của dân gian đặt ra một câu sấm. Theo mê tín của người đời bấy giờ thì sấm là một lời tiên tri có tính cách thần bí mà hai ngôi sao Huỳnh, Hoặc đã xuống trần dạy dân gian để dân gian truyền đi như truyền một mệnh của trời. Bài văn sấm Thủ Độ sai người đặt ra, trong có câu:

Trời Đông A soi đến bực hè,

Ba con đóm nọ lập lòe làm chi?

Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn và Lý Quang Bật, nhất là Lý Quang Bật, không phải là người có thể lừa dối dễ dàng như thế. Theo sau họ, bao nhiêu là tông thất nhà Lý, bao nhiêu là con cháu các cựu thần. Nhưng sau, vì cưỡng lại thì thế, vì tài của những người trong họ nhà Trần, sau một hồi binh đao kịch liệt, họ đều thua và cả ba người đành hy sinh tính mệnh cho chủ cũ. Trần Thủ Độ bấy giờ mới đứng trước một vấn đề khó giải quyết. "Ba con đom đóm" không lập lòe tranh sáng cùng vừng thái dương họ Đông A (Họ Đông A là họ Trần) chiếu bức đến bực hè Thái Miếu họ Lý nữa, nhưng đối với bọn ngót vạn người đi theo ba con đom đóm ấy biết xử trí ra sao? Giết đi ư? Thì có lẽ lại nổi một phen phản kháng nữa, một phen gươm giáo nữa, vì bọn ấy chết đi sẽ hun lòng người cho nóng thêm, hăng hái thêm. Tha cả cho ư? Thì cũng ngại rằng họ sẽ tụ tập lần thứ hai để trả thù cho chủ cũ. Tóm lại, giết đi chẳng tiện mà thả lỏng thì chẳng đành, để thì buồn, cắt thì đau, theo câu tục ngữ của ta. Nghĩ mãi, Thủ Độ mới tìm ra một cách giải quyết là đem bọn ấy lên chỗ giáp địa đầu, cho ở tụ vào hai làng. Hai làng ấy, một làng ở gần cửa ải Kỳ Cấp, triều đình đặt tên là Bằng Hà; một làng ở cửa đèo Lai thuộc châu Hữu Lũng, đặt tên là làng Ba Điểm. Băng Hà là chữ trong Luận Ngữ: Bạo hổ băng hà nghĩa là bắt hổ tay không, lội qua sông rộng, nghĩa là những việc táo tợn một cách ngu dại và vô ích. Ý Thủ Độ cho việc của bọn kia là ngơ nghếch. Còn làng thứ hai tên là Ba Điểm, tên Nôm là làng Ba Đóm là chỉ ba người hiệp sĩ Đoàn, Nguyễn, Lý kia. Đặt tốp người ấy lên chỗ địa đầu là chỗ xung phong đầu tiên một khi có giặc Bắc lấn cõi là Thủ Độ có ý ấn họ vào chỗ chết nay mai và lại có ý bảo ngầm họ rằng: "Đấy, chúng mày hay hung hăng sằng, thì đấy, rồi quân giặc Bắc sang, ta thử xem cái dũng khí của chúng mày!".

Thế rồi, quân Mông Cổ kéo sang. Cả hai làng đều nhất loạt phản cả. Sau khi đuổi được quân Mông Cổ ra ngoài cõi, vua nhà Trần cho dẫu rằng nhân từ tới đâu cũng không thể dong thứ được dân hai làng ấy nữa. Cả hai làng đều phải đồ làm lính, không được thi cử hoặc làm quan làm tư gì cả. Số phận làng Băng Hà không biết sau ra làm sao, nhưng làng Ba Điểm thì thiên về Nam. Dân họ Nguyễn làng ấy (tôi quên chưa nói là nhà Trần lên làm vua bắt họ Lý đổi làm họ Nguyễn, một là vì tổ nhà Trần tên là Lý; hai, là vì muốn lòng người không còn nhớ đến nhà Lý nữa), dân họ Nguyễn làng ấy đều là tông thất nhà Lý, đều là dân học được. Học được mà phải chung thân, phải truyền đời làm lính, thì ai mà không muốn tránh. Vì thế, họ ấy dời sang cánh đồng xa tỉnh thành, ở nhờ mộ miếng đất giữa cánh đồng làng Ông Mặc Kim Thiều. Trước còn dời sang một hai nhà, sau dần dần dời sang hết. Trước còn là một xóm người ngụ cư, sau thành hẳn một làng riêng. Tuy dời đi chỗ khác, nhưng tên vẫn còn giữ đối với dân vùng ấy.

Vùng ấy vẫn gọi là "xóm Kẻ Đóm". Sau thành làng, lấy tên chữ là Vân Điềm, nhưng tên Nôm Kẻ Đóm kia vẫn còn.

Lẽ tự nhiên là người Kẻ Đóm cũng chưa thi cử ngay, chưa tìm cách tiến thân ngay, vì bước đầu chưa phải là bước tiến thân mà mới là bước ẩn thân. Hồi ấy, chỉ cần nhất là chôn tên giấu họ, chôn hẳn lai lịch của mình giữa triều nhà Trần, dân nhà Trần. Như thế trong hơn một trăm năm, nghĩa là phỏng độ từ khoảng năm 1300 đến khoảng năm một nghìn bốn trăm có lẻ. Trong một trăm năm cầy sâu cuốc bẫm, theo việc làm ruộng nhà quê thì bao nhiêu dấu vết ở trong và ở ngoài, ở cử chỉ và tâm tính thuộc tính cách vương gia đế thất cũng mất dần dần mãi đi, hay là, nói theo giọng lưỡi người đời nay, đều bình dân hóa mãi đi, cho đến thành một họ quê đặc, bình dân đặc như trăm nghìn họ bình dân khác trong nước. Cũng quần nâu áo vải, cũng cơm độn ngô khoai, cũng đi sớm về trưa, cũng cổ cày vai bừa, cũng sống y như nhà nông dân khác. Câu chuyện nói cũng không ngoài trồng ngô trồng cà, lúa chim lúa mùa, trời mưa trời nắng, như trăm nghìn câu chuyện chốn thôn quê.

Nhưng mỗi người đều có một câu chuyện khác người phải nói là được nghe một lần ở đời. Trong họ ấy, người nào cũng thế, khi gần tắt nghỉ cũng dặn con cháu một lần cuối cùng: "Họ ta là một cành vua Lý. Nhà Trần bắt ta đổi làm họ Nguyễn, nhưng chúng ta phải nhớ rằng ta vốn là dòng dõi Lý Bát Đế. Tổ ta, cụ Trung Liệt Lý Quang Bật là con thứ sáu Nghĩa Nam Vương Lý Hùng Tích, con thứ ba Lý Thánh Tông hoàng đế, vì chống lại họ Trần mà tuyệt mạng. Ngày kia, trời tựa, ta phải trừ nòi giống quân phường chài Hải Ấp". Quân phường chài Hải Ấp tức là họ Trần, vốn làm nghề đánh cá.

Câu ấy mấy đời sau, nó chỉ còn là một câu sáo vô nghĩa, mặc dầu nó còn giữ nguyên cả cái vẻ thần thánh của nó. Cha nói cùng con khi chết như là người đọc văn khấn một cách thuộc lòng, con nghe lời cha cũng như nghe một câu văn khấn chữ nho không hiểu nghĩa. Tóm lại, câu ấy sau chỉ còn là một tập truyền thiêng liêng của một họ, tựa như những câu văn hèm của dân thổ mán đường ngược. Cung kính mà làm, nhưng chẳng hiểu rõ nghĩa lý của cái việc làm, đó là tính cách của hết thảy những lễ nghi lớn hoặc nhỏ. Câu nói kia, thoạt kỳ thủy là câu truyền một mệnh lệnh, tuyên một lời thề bằng máu, trải bốn năm đời thì thành một trò "hưng bái, bình thân".

Cứ như thế, truyền được bảy đời.

Rồi đến đời thứ tám là Nguyễn Bồn.

Đến Bồn, họ Nguyễn suy đã được hai đời. Một họ trước kia gồm hàng trăm đinh mà cứ chết mòn, cứ thêm người vô hậu mãi mãi cho đến thành họ độc đinh. Ông Bồn là con một, cha Bồn cũng là con một, đến Bồn cũng lại là con một nốt. Nguyên là một họ có ruộng làm, từ đời ông Bồn, thành một họ đi-ở-cày. Sau khi chịu lời dặn cuối cùng của cha, Bồn lại đi ở cày như cha. Bồn đi ở cày với một nhà giàu trong làng, nhà một ông Nội thị về hưu. Nội thị là chức quan không to không nhỏ đời Lê. Không to vì hàm có tam phẩm mà không nhỏ vì là tay hầu trong, gần gụi vua hơn. Nội thị là những kẻ được vua yêu nhưng không trọng. Người hầu khéo thì yêu, thì sai khiến chứ vua không trọng, không cho dự vào việc triều chính, trừ ra khi vua là một vị hôn quân. Lúc ông này làm nội thị là lúc nhà Lê gần mất, lũ nội thị được dùng ngoài việc nội thị. Ông Nội thị này biết tài mình chẳng tranh quyền cướp nước gì được, nên ông chỉ lợi dụng cơ hội mà làm giàu.

Khi lui về nghỉ ở quê, ông dùng tiền ấy làm nhà làm cửa tậu ruộng tậu vườn. Vốn là dân ngụ cư, bây giờ ông thành tiên chỉ làng Vân Điềm. Ruộng nương nhà cửa của ông tức là ruộng nương nhà cửa của họ Bồn trước. Tòa nhà ông ở bây giờ vốn là nhà thờ họ Bồn mà người trưởng họ đã gạt nợ cho ông rồi thì tuyệt tự, truyền lại cả một tổ truyền, cả một huyết thống cho ông Bồn là người cành thứ. Chiếm hết ruộng nhà một họ rồi lại nuôi giọt máu của họ ấy làm đứa ở cày, trò bể dâu thật đã hoàn toàn triệt để. Là người có học thức, có tâm huyết ra thì Bồn cũng lấy làm tủi nhục lắm. Song Bồn bẩm sinh tính người chất phác hồn hậu lại không được học hành gì nên cũng vui vẻ đi ở cày, coi đó là việc trời muốn thế. Bồn rất chăm chỉ cần cù, thật thà ngay thẳng, vui vẻ nên ông Nội thị rất mến rất thương. Một túp lều tranh, non sào vườn cỏ, một mụn con trai, đó là tất cả gia tài Bồn, tất cả cái sót lại của một họ đã dựng nên làng Vân Điềm. Trong nhà, gian giữa kê một cái giường thờ bằng tre, trên để một bát hương, đó là nơi thờ tiên tổ. Bài vị cũng không có nữa, vì khi trao việc thờ phụng tổ tiên và nối dõi tông đường cho ông Bồn, người trưởng họ đã đánh nát mất bài vị.

Ông nội thị, ngoài việc làm ruộng lấy thóc, cho vay thóc lấy lãi ra, còn mê một nghề nữa là nghề địa lý. Suốt ngày suốt tháng ông chỉ bận việc đi tróc long tầm hổ.

Một dạo ông đón được ông thầy Tàu về. Hai người cả ngày đi lang thang ngoài đồng. Về tới nhà thì chỉ nói chuyện kiểu đất, con mộc, con kim, con thủy, con hỏa...

Một hôm hai sư chủ ra đồng xem đất, khiến Bồn vác cuốc đi hầu. Ra đến Gò Cấm, hai sư chủ cùng lên gò, ngoảnh mặt về phía tây ngắm nghía. Ông thầy Tàu nói:

- Đấy ông xem. Thẳng mặt đây chừng bốn năm dặm, tuyệt nhiên không vướng một cái cây, một bụi tre, một mô đất nào. Lại xem từ đây trở đi, đất cứ thấp dần thấp dần. Thủy đã rộng chưa: một vùng năm sáu dặm vòng tròn bắt cong vòng nam bắc... Con thủy này thì lộc hưởng đến vài trăm năm.

Ông Nội thị nói:

- Phải rồi, sai một li đi một dặm, nhận huyệt cho thật đúng, đó là cái thần diệu ở kiểu đất này. Cứ ý tôi thì chính huyệt ở kia, phía bên hữu gò kia.

Hai người cùng sang phía hữu. Ông thầy Tàu đứng lên một chỗ, ngắm nghía kỹ chung quanh, dịch đi nữa bước rồi chân giậm đất, miệng nói:

- Đây, huyệt đây! Huyệt đây!

Ông Nội thị, đứng lên chỗ ấy ngắm:

- Không phải! Cứ ý tôi huyệt ở giữa gò kia.

- Giữa gò cũng có huyệt song là huyệt thứ hai. Đây mới là huyệt chính kết.

Cả hai người lại sang giữa gò. Ông thầy Tàu đứng lên một chỗ ông Nội thị chỉ, ngắm nghía một hồi thật lâu rồi nói:

- Đích thị như tôi sở kiến. Huyệt này là phó huyệt; huyệt bên mới là chính huyệt.

Đôi bên, bên nào cũng giữ ý bên ấy, không ai chịu ai. Sau cùng, ông thầy nói:

- Bây giờ làm thế này thì đỡ cãi nhau vô ích. Hai huyệt đều kết cả, cái đó tôi với ông xem đều đúng cả. Chỉ có huyệt nào là chính kết thì ta còn phân vân. Nay trời tà chiều rồi, bứt hai cành lá tươi, cắm vào hai huyệt. Sáng mai, cành nào tươi là chính huyệt, cành nào khô là phó huyệt.

Ông Nội thị sai Bồn đi cắt hai cành lá cắm vào hai huyệt. Bồn cười thầm, cho là chuyện lao. Đêm về, Bồn cứ nghĩ một mình: "Hòn đất mà biết nói năng, thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn! Khốn nhưng hòn đất nó không biết nói, nên thầy tha hồ mà ba hoa! Cành lá ngày mai thì chết rũ hết chứ tươi làm sao được!" Tuy Bồn không tin - mà cái lẽ đầu để chàng không tin là chàng không để ý vì chàng chẳng bao giờ lại có ý tìm đất cho nhà mình, nhà mà giời đã bắt làm thân phận tôi đòi - nhưng Bồn cũng tự nhiên cứ để ý đến, rồi thì bỗng nẩy ý tò mò muốn xem. Canh tư, Bồn dậy ra đồng xem thì lạ quá, quả nhiên cành ở giữa héo, cành ở bên tươi. Tuy thế, Bồn vẫn không tin và tự nghĩ: "Chà! Cành của thằng thầy cắm vào men gò, chỗ thấp nước tụ, sương tụ, khí ẩm thấp tụ nên tươi. Cành của chủ ta cắm giữa gò, chỗ cao, đất khô nên héo; chứ có ai thánh tướng gì! Nhưng sao ta lại để cho chủ ta thua cuộc!" Rồi, do cái ý trung hậu ấy, Bồn nhổ cả hai cành lên, cắm đảo lại. Tang tảng sáng hôm sau, hai sư chủ lại cùng ra: ông Nội thị được cuộc.

Đêm hôm ấy, ông thầy Tàu không ngủ được vì tức rằng mình thua cuộc. Trời đã khuya rồi mà ở dưới nhà ngang, ông còn chong ngọn hoàng lạp xem sách. Vừa xem ông vừa lẩm bẩm: "Quái lạ! Mình thua cuộc thì lạ quá! Rõ ràng huyệt mình ngắm tọa Trấn hướng Đoài hợi ré giáp canh ba li. Thế mà thua, tức thật. Phen này đập la bàn đi thôi! Lại thua đến An Nam nữa!"

Lúc đó Bồn ngồi vặn chổi ngoài hè vì Bồn phải thức để hầu ông thầy xem ông có sai bảo gì không. Nghe thấy ông nói thế và cũng thương tình ông bực rọc, Bồn vào nói:

- Thưa thầy, thầy đưộc cuộc chứ không thua. Cái đó là tại con.

Rồi Bồn kể hết đầu đuôi câu chuyện.

Ông thầy nghe đến đâu mặt mũi tươi tỉnh đến đó và cứ ngắm nghía Bồn thật kỹ. Bồn kể xong, ông nói:

- Thôi thế là phúc nhà chú. Ta vẫn ngờ ngợ về cái chỗ phúc đức nhà chủ này. Đất thì đất to mà ta xem ra phúc đức nhà chủ không xứng. Thôi, thế cũng là việc trời. Ta cho chú ngôi chính kết đó. Nhưng chú phải kín, để rồi ta liệu cho. Nhưng ta nói cho chú biết cái thế đất ấy nó phát ra thế nào.

Trước hết, đất này "đắc địa rồi mới sinh nhân", vậy chú không được hưởng. Đất này phát khí chậm, vậy chú cũng không được trông thấy. Đời cháu chú mới phát, nghĩa là đời thứ tư của cái nắm xương nằm dưới mả. Đại khái đất phát như thế này: đời đời có người đỗ đại khoa làm đến khanh tướng, nối nhau được hơn ba trăm năm, trong nhà, trong họ khoa hoạn không khi nào dứt. Đinh nhiều, thọ cũng nhiều nhưng tiền của thì chỉ phong lưu chứ không giàu vì thủy không tựu. Có giàu cũng chỉ được một đời rồi ngay mà sau khi tan thì người ấy, cành ấy kém đinh, kém quý hiển. Làm nên Tể tướng cũng vẫn không tụ tiền, cũng vẫn thanh bạch. Tóm lại đất phát quý, phát đinh chứ không phát phú. Đó là những cái tốt của ngôi đất; còn những cái xấu ta cũng nói nốt: Một là mỗi đời phải có một người chết đuối, hai là con trưởng, cành trưởng bắt lợi trừ nhà con một. Đất này phát chậm là chậm những điều tốt, còn những điều xấu, phát ngay, thí dụ như việc chết đuối thì ứng vào chú đầu tiên, rồi đến con chú.

Sáng hôm sau, nhà chủ bàn với thầy về việc cất mộ vào đất Gò Cấm. Thầy nói:

- Vâng, mai ngày lành tháng tốt ta làm ngay. Ông thế mà sành hơn tôi, vậy việc phân kim xin ông làm lấy. Tôi đã không bắt trúng huyệt thì việc phân kim tôi cũng chẳng dám làm. Nhưng tôi muốn xin ông cái phó huyệt cho tên Bồn. Huyệt ấy chỉ phát tới hương khoa huyện lệnh và cũng có đinh tài. Chủ huyệt chính thì đầy tớ huyệt phó.

- Vâng, tôi cũng định cho nó.

Thế là, sáng hôm sau hai đám bốc mộ. Ông Nội thị và Bồn đều đưa hài cốt cha vào hai huyệt chính phó Gò Cấm.

Khi ông thầy về Tàu, Bồn tiễn chân ra đến quan lộ, ân cần hỏi tên họ và hiệu ông để ngày sau con cháu cúng tế. Ông gạt đi:

- Thôi! Bất tất. Cái đó là trời cho chú chứ có công gì ở tôi. Tôi xem được đất còn cho đất là việc trời. Ông Thị ngắm huyệt tinh lắm. Phen này là trời không muốn cho mà làm mờ mắt ông đó. Trời cho chú cho nên xui chú tinh nghịch đổi cành lá.

Từ trước đến giờ không tin, bấy giờ Bồn bỗng tin, Bồn nhẩm lại trong bụng câu cha truyền cho lúc lâm chung. Câu ấy lúc nghe lần đầu, Bồn không hiểu gì cả, nay bỗng nghĩ lại hơi ràng rạng trong lòng: "Ngày kia trời tựa, ta phải trừ nòi giống quân phường chài Hải Ấp? Hay là trời tựa từ nay? Nhưng trừ phường chài Hải Ấp là trừ cái gì? Làm sao con cháu Lý Bát Đế lại phải trừ phường chài? Cái này lôi thôi lắm, phải có chữ nghĩa mới hiểu được. Ta luống tuổi rồi, không học được nữa. Nhưng sau này ta có con, quyết cho con đi học".

Hai năm sau Bồn thôi đi ở cầy, về nhà lấy vợ. Vợ chồng nhờ trời làm ăn cũng khá. Mấy năm sau nữa, sinh được một đứa con trai, nhờ thầy đồ trong làng đặt tên cho là Vĩ. Chàng cùng vợ con mở một ngôi hàng nước ở đường cái quan, làm ăn ngày càng phát đạt. Vợ chồng lại cứ đến mùa viêm nhiệt nấu nước để ở ngã ba cầu, quán để khách đi đường, thợ gặt, thợ cấy có nước uống không phải uống nước lã vì không mất tiền. Nấu cháo bố thí, cúng chúng sinh, săn sóc kẻ nghèo hơn, dễ dãi và tử tế với mọi người, bằng ấy nết ăn ở khiến người quanh vùng kính trọng. Họ kính trọng vì nhà bác cu Vĩ cũng gọi là đủ ăn, không lấy gì làm giàu có. Cu Vĩ lớn lên bác cho đi học ông đồ trong làng. Học ngay ông đồ dạy học ở nhà cụ cố Thị. Bây giờ con trai ông Thị đã đỗ cống sinh nên ông lên làm cụ cố. Thằng cu Vĩ học sáng dạ lắm, cả nhà cố Thị vẫn khen là đất sỏi có chạch vàng. Vĩ học hết tứ thư ngũ kinh thì tuổi vừa hai mươi mà bác Bồn tuổi ngoài bốn mươi. Cố Thị bấy giờ, thấy con mình đỗ, mà nhà bố cu Vĩ vẫn thường thường, ngợ là mình đã để sai huyệt, nhưng không dám cải táng lại nữa vì lẽ hai huyệt đều là huyệt phát mà đào huyệt phát lên thì tú khí tiết hết, sau dẫu có để huyệt tốt hơn cũng vô hiệu. Vì vậy, người hàng xứ thì lấy làm mừng thay cho nhà cụ mà riêng cụ lại buồn rằng đã vồ chượt cái huyệt chính kết cho con cháu.

Cậu cống nhà cụ cố Thị đỗ được một năm thì bác Bồn một hôm đi chơi làng Thu Hồng huyện Thiên Phúc tắm sông rồi chết đuối, ứng với lời tiên tri của ông thầy khách. Khi đó Vĩ mới hai mươi hai tuổi. Vì bác Bồn mất một cách không ngờ và đột nhiên như thế, nên cái câu giối giăng truyền tám đời đến nay bỗng mất.

Lớn lên Vĩ vẫn theo nghiệp học vì nhà cũng khá giả một chút. Theo học được đến năm hai mươi hai thì Vĩ nghỉ học rồi lấy vợ. Vì là con nhà hiếm nên mẹ Vĩ không cho Vĩ đi thi cử vì sợ đỗ đạt nên thì phải đi làm quan xa, mẹ con lại xa nhau. Vả nhà cũng có bát ăn, cứ sống ở nhà quê, quan bất phiền nha bất nhiễu, có phải lại hơn không. Vì thế sau Vĩ làm nghề ông đồ, vừa dạy trẻ ở làng ở tổng vừa làm người thư ký chung cho hết thảy ai muốn xin bài văn câu đối. Đời ông đồ xứ quê, ai ai cũng nể vì kính trọng, Vĩ lại ưa hơn cái đời bôn tẩu lợi danh vì cũng như cha mẹ, Vĩ tính tình đạm bạc. Được mấy năm, mẹ Vĩ cũng mất. Khi sắp thở hơi cuối cùng, mẹ Vĩ dặn vợ chồng Vĩ:

"Cả họ trông vào có một mình con, mà số con lại muộn mằn quá. Nhưng không lẽ trời đóng cửa nhà ta. Con cứ ăn ở cho phải đạo thì rồi trời cũng tựa".

Đến năm ba mươi tuổi, Vĩ mới sinh con đầu lòng. Người con ấy sinh giữa năm Quang Bảo thứ hai đời vua Mạc Tuyên Tông (tên là Mạc Phúc Nguyên). Nhà Lê khi đó nhờ Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm đã trung hưng lên ở Thanh Hóa. Năm ấy đương vào năm Thuận Bình thứ bảy đời vua Lê Trung Tông (lịch Tây vào năm 1555).

Đứa con ấy, đồ Vĩ đặt tên là Thật [1]. Vì là người biết chữ, nên theo phép Tàu, ông đồ Vĩ lại đặt cả tự cho là Phác Phủ. Thật sinh ra là đứa trẻ đĩnh ngộ khác thường, tính chất đoan hậu. Lên bốn tuổi, cha mẹ đã cho đi học. Lên bảy tuổi đã làm được bài đoạn, mười hai tuổi đã làm được thơ. Năm mười hai tuổi, Thật lại mồ côi cha: Ông đồ Vĩ, ứng với kiểu đất, lại chết đuối khi qua một chuyên đò ngang.

Gia biến ấy đã làm cho cái gia tài thường thường kia phải lệch. Được mấy năm nữa thì nhà sa sút, ngày tháng phải kiếm ăn lần hồi, bữa tối lo bữa sáng, bữa sáng lo bữa chiều, nhưng còn là may mắn vì còn lo được, chưa đến nỗi sờ ra không ra, rà không thấy.

Khi ấy ở làng Ông Mặc, cùng huyện và giáp với làng Vân Điềm có ông Đàm Cư, đỗ nhị giáp tiến sĩ năm Đại Chính nhà Mạc, làm quan với nhà Mạc đến Thượng thư, tước phong Thế Quận Công. Đó là ông đầu văn thân hàng huyện là ấp thái phong của ông. Năm Sùng Khang thứ bảy đời Mạc Mậu Hợp, Thế Quận Công làm phủ đệ riêng ở làng, bắt dân sung vào làm phu đổ đất, thợ mộc, thợ nề. Thật bấy giờ cũng phải bắt ra làm phu. Thật chỉ khóc chứ không biết làm gì cả nên người ta khiến đội đất đổ nền nhài. Một hôm Đàm công về quê thăm nhà, nhận thấy Thật hình dong tuấn tú, không phải là con nhà thợ thuyền mà lại phải đội đất, bèn gọi đến hỏi:

- Con bao nhiêu tuổi người làng nào?

- Con người làng Vân Điềm, năm nay 18 tuổi.

- Ta trông con ra dáng một người học trò chứ không phải thằng phu đội đất. Vậy chứ con là con cái nhà ai và có học hành gì không?

- Con vốn là con nhà học trò. Con có được học và hiện vẫn đọc sách. Vì nhà con nghèo không có tiền chuộc nên phải di đội đất vậy.

- Càng hay! Vậy con đối câu này ta nghe thử: "Thập bát lực năng đảm thổ" 2

Thật không nghĩ ngợi gì, ứng khẩu đối:

- Cửu ngũ long phi tại thiên.

Đàm công khen hay và lập tức tha cho không phải đội đất nữa. Lại thưởng cho mấy quan tiền và truyền lệnh cho huyện tuần miễn dịch hẳn cho. Đàm công nói với người quen thuộc rằng: "Thằng ấy ngày sau sự nghiệp tất phi đằng, ta không thấm vào đâu đâu". "Ta không thấm vào đâu đâu"? Đàm công đã đỗ đến nhị giáp tiến sĩ, quan đến Thượng thư Bộ Lại, Chưởng Lục Bộ, Chưởng Viện Hàn Lâm, hàm Đông Các Đại Học Sĩ, cung hàm đến Thái phó, tước đến Quận công thì còn gì hơn nữa mà công nói: "Ta không thấm vào đâu"? Có lẽ trong trí Đàm công cho rằng sau đây Thật làm đến Thiên tử chăng? Có lẽ lắm, vì theo sự tin của nhà nho thì câu đối có khẩu khí Thiên tử kia là cái triệu gần như chăc chắn. Cửu ngũ long phi tại thiên là chữ liền trong kinh Dịch. Trong kinh Dịch mỗi một quẻ có sáu hào, hào dương bắt đầu bằng chữ cửu vì chín là thiên số; hào âm bắt đầu bằng chữ lục vì sáu là địa số. Quẻ kiền gồm sáu hào dương, vì thế hào thứ năm gọi là cửu ngủ hào từ là, long phi tại thiên, lị kiến dại nhân. Theo nhà thuật số thì hào ấy là tượng vua, vì thế ngôi vua gọi là cửu ngũ. Nghĩa đen chữ một hào từ ấy là: chín năm, rồng bay lên trời, lợi thấy người kẻ cả. Khi Thật đối câu đối, bản tâm chỉ là gò chú cửu ngũ cho đối với chữ thập bát, chữ thổ đối với chữ thiên, có thế mà thôi chứ chẳng phải cố gò cho có khẩu khí Thiên tử, địa vị mà chẳng bao giờ đời một anh học trò đội đất dám nghĩ tới. Nhưng Đàm công thì cứ cho là ứng điềm Thiên tử. Công tin thế cũng có cớ vì gia thế và vì thì thế lúc bấy như giờ nữa. Hỏi kỹ ra, Công rõ rằng Thật là con cháu Lý Bát Đế. Thế thì nhà Thật có mả làm vua là đích rồi. Vả chăng đất bát diệp làng Cổ Pháp biết đâu đã là hết? Biết đâu không có cơ trùng hưng? Vả lại, bấy giờ nhà Mạc đã suy, nhà Lê đã trung hưng ở Thanh Hóa, họ Trịnh lại nắm cả quyền, họ Nguyễn thì lùi về Nam, tóm lại bấy giờ là cái thế mà nhà nho gọi là "lũ anh hùng đuổi một con hươu" (quần hùng trục lộc) thì biết đâu con hươu chẳng về Thật, người có khẩu khí "cửu ngũ", dòng dõi vua Lý cũ của nước nhà?

Vì thế nên, không những Công tha cho không phải làm phu, mà Công lại cấp tiền cho mà ăn học nữa. Thật học trường quan Nghè Nguyễn ở làng Kim Thiều. Khi đó chúa Mạc Mậu Hợp đương làm vua, giữ từ Ninh Bình trở ra, vua Lê chúa Trịnh từ Thanh Hóa trở vào. Quan Nghè Kim Thiều nhiều lần khuyên Thật ra thi với nhà Mạc. Thật trước còn kiếm cớ từ chối cho qua. Sau thầy học giục mãi, Thật mới phải nói thật tình:

- Đệ tử không muốn thi bây giờ. Bản triều tuy được quốc chính đã ngót sáu mươi năm, nhưng lòng người còn tưởng nhớ họ Lê nhiều lắm. Đệ tử có lẽ vào Thanh thi với nhà Lê thôi. Đệ tử vào Thanh mà đắc chí thì có ngày kia cùng thầy và các anh đây gặp nhau ở chốn cương trường. Đệ tử nghĩ đến lấy làm buồn lắm, nhưng cái nghĩa như thế...

Quan Nghè cười:

- Hay lắm, anh có chí ấy thì hay lắm. Nhưng sau đây anh có gặp thì gặp các em, chứ thầy già rồi, còn gặp anh được đâu. Đến lúc ấy anh lấy gì giả nghĩa thầy?

- Dạ, sau đây con có đắc chí, ngộ gặp các anh ở cương trường con cũng không dám tránh, đó là để báo nghĩa ông thầy đã dạy con phải tận trung tận hiếu, phải tận tâm vương sự.

Nguyễn tiến sĩ trong bụng lấy làm khâm phục vô cùng. Nhưng, làm tôi nhà Mạc, lẽ tất nhiên ông củng phải trung với nhà Mạc. Mà đã trung Mạc thì khi nào ông lại vui lòng cho một người có tài như Thật về với vua Lê để chống với chúa Mạc. Song ngăn một người có chí khí như Thật cũng là việc khó. Sau cùng ông bàn với Đàm công quyết lấy sợi chỉ buộc chân voi, xui Đàm công đem cái dây thắm mà hãm chí tang bồng của người tráng sĩ.

- Quan lớn ạ, tôi muốn quan lớn cho anh ta một cô. Anh ta đã chịu ơn sâu của quan lớn, nay tình riêng lại là cha con nữa thì cái chí vào Nam của anh ta, lần là ta có thể ngăn từ từ lại được.

Đàm công liền theo kế của Nguyễn tiến sĩ và hỏi ướm ba con gái xem ai bằng lòng lấy Nguyễn Thật. Hỏi cô lớn nhất.

- Người ấy lưng dài, dùng làm thợ cưa thì được. Hiềm vải bấy giờ khí đắt.

Hỏi cô thứ hai.

- Người ấy vóc rộng, dùng làm phu đội đất được. Hiềm vì mùa này đất khô, việc thổ đấu không tiện.

Thế thì hai người chê Thật và mỉa mai Thật vì Thật chỉ có một tội: Nhà nghèo phải nhờ Đàm công mới có tiền ăn học.

Hỏi đến người thứ ba.

- Phận con làm gái biết đâu mà lựa chọn, cha mẹ đặt đâu thì con xin ngồi đấy.

Thế là một tháng sau, Đàm thị Thành, con gái út quan Đông Các Đàm Cư về làm dâu bà đồ Vĩ làng Vân Điềm.

Song cái chỉ chỉ buộc được chân voi chạy vào Thanh chứ không lôi nổi chân voi vào nhà Mạc. Từ ngày lấy vợ, qua bốn khoa thi Nhâm Ngọ (1582), Ất Dậu (1585), Mậu Tử (1588) và Tân Mão (1591), Thật đều không đi thi. Khoa Ngọ lấy cớ là vợ ốm, khoa Dậu thì cáo là mình ốm, khoa Tử thì nói là mới đẻ con, khoa Mão thì cáo là mẹ đã già.

Thật ra thì ông có ý định đợi nhà Lê ra Bắc. Một hôm ngồi tụ cùng năm sáu ông cống sinh và sinh đồ nhà Mạc, người ta gợi đến chuyện chờ Lê của Thật.

- Anh Thật cũng khéo cố chấp quá. Năm nay anh đã ngoài ba mươi rồi. Anh định đợi nhà Lê đến bao giờ nữa? Đến lúc xuống hố à?

- Nếu anh thật trung với họ Lê thì anh trèo đèo lặn suối vào xứ Thanh mà thi, việc gì lại ở nhờ đất này? Mà đã quyến luyến đất này thì ra mà thi quách. Bản triều đã hơn hai mươi khoa thi rồi. Anh làm như thể mấy trăm ông trạng, ông nghè, ông cống là người mất tiết tháo cả không bằng!

- Nước ta đổi họ làm vua bao lần. Đó cũng là sự thường. Cứ theo ý anh thì chẳng ai trung nữa trừ có anh. Mà anh nữa thì đã trung gì? Sao anh chẳng trung với nhà Lý?

- Vì anh ấy không chịu ơn gì nhà Lý.

- Thì anh ấy chịu ơn gì họ Lê? Anh ấy đẻ ra, mệnh giời đã về Mạc rồi, người gầy dựng cho anh ấy cũng là người chịu ơn bản triều. Làm như thế, có khi anh là người vong ân phụ nghĩa nữa cũng có.

Thật lúc bấy giờ mới lên tiếng:

- Các anh hiểu lầm tôi cả. Tôi chẳng có ý đợi họ nào cả. Tôi chỉ không thiết chuyện khoa danh mà thôi! Tội gì, nhờ giời cũng đủ bát ăn, cứ nằm tốt mà nay nhờ vợ, mai nhờ con có ổn hơn không?

Cả bọn phá lên cười:

- Hay đó! Bé thì nhờ mẹ nhờ cha, lớn lên nhờ vợ, về già nhờ con! Hay đó, hay đó! Chúng mình ra dại cả...

Thật ra thì ông vẫn tin là nhà Lê trung hưng, nhà Mạc khí số sắp hết. Làm quan với một nhà khí số sắp hết thì nó dở dang mình và con cháu mình ra. Thi, may ra đỗ; đỗ thì làm quan; thế là danh nghĩa đã rõ. Đến khi vận nhà ấy hết thì phận mình ra sao? Chi bằng hãy cố đợi. Mình đợi chẳng kịp thì con mình kịp. Hoặc giả có kẻ cười ta là khôn quá, không dám theo Lê hẳn mà cũng chẳng theo Mạc. Ai cười mặc. Ta cứ giữ đạo thường. Đứng quân tử cứ ăn ở dễ dàng như thường để chờ mệnh trời.

Ông lại càng vững lòng đợi nữa là vì ba việc mà ông không ngỏ cùng ai.

Việc thứ nhất là việc nằm mộng ở đền núi Chân Lại. Năm trước đây, ông cùng em vợ là Đàm Nhĩ đến nằm ngủ ở đền Chân Lại, để cầu mộng về sắp đến khoa thi. Ông nằm suốt sáng không thấy mộng mị gì cả. Đàm Nhĩ thấy thần đọc cho bốn câu thơ:

Ngôn đàm ngọc nhĩ mộng tường minh

Đệ nhất khai khoa đệ nhất danh

Phụ quý, tử quý, tôn hựu quý

Tử tôn thế thế xuất công khanh

Đàm Nhĩ thì tin rằng triệu ứng vào họ Đàm. Nhưng ông, ông chỉ để tâm đến bốn chữ "đệ nhất khai khoa". Nếu nhà Mạc vẫn chủ xã tắc thì sao lại hợp bốn chữ "đệ nhất khai khoa", là chữ dùng chỉ một khoa thi đầu của một nhà mới dấy nghiệp hoặc mới trung hưng lên.

Việc thứ hai là việc chính ông nằm mộng. Ông thường mộng thấy tên mình viết ở một cái bảng treo ở dưới gốc cây thông mà khi đó cầm quyền trong Nam là Trịnh Tùng. (Tùng là cây thông). Tên ông ở dưới gốc thông thì hoặc là Trịnh Tùng cất nhắc ông đỗ.

Việc thứ ba là việc ông thầy thuật số nói về ông. Có lần ông đi xem ở một ông thầy giỏi có tiếng hồi đó ở huyện bên cạnh, ông thầy bảo ông rằng:

- Số ông, ngoài bốn mươi mới đỗ mà đỗ cao đỗ to. Không những thế ông lại còn là ông tổ thủy phong cho một họ rất to, nối nhau đỗ, làm quan đến vài trăm năm. Bao giờ thi ở Bến Cỏ thì ông đỗ, lại bao giờ con cháu ông có người nổi danh ở Bến Cỏ thì họ ông tắt. Sau đây ra Kẻ Chợ, ông thử đi con đường từ Bến Cỏ, qua Giám, rồi theo bức tường nam thành Đại La cũ đến chỗ bến sông Tô Lịch, chỗ giáp giới các phường Dịch Vọng mà xem. Đó, họ nhà ông, con cháu ông. Sau này thân thế chỉ ở tả hữu đầu đuôi con đường ấy mà thôi. Bắt đầu hiển hách ở Bến Cỏ rồi, chạy theo con đường ấy cho tới Bến Dịch Vọng, rồi lại chạy về cho tới khi lại đến Bến Cỏ mà hiển hách lần cuối cùng. Từ đó về sau, thiên hạ đổ đồng, không có quý tộc nữa, không có thế tộc nữa.

Thế rồi; luôn luôn quân Trịnh Tùng đánh vùng Sơn Nam. Thế nhà Lê đã đổi thủ ra công, nhà Mạc đã phải đổi công ra thủ; Mạc chúa Mậu Hợp lại đắm say tửu sắc, khiến năm Tân Mão (1591) Trịnh Tùng nhân Mạc triều có chỗ không ra sao, đem quân ra đánh Thăng Long; năm Nhâm Thìn (1592), Trịnh Tùng khôi phục Thăng Long; cuối năm ấy Mạc Mậu Hợp bị bắt ở Phượng Nhãn. Cơ nghiệp nhà Mạc bắt đầu tan vỡ.

Năm Ất Vị (1595) Trịnh Tùng vâng chỉ vua Lê Thế Tông mở khoa thi hội đầu tiên ở Thăng Long.

__
1 Chữ thật có hai nghĩa là: phần thực vật mà hoa kết thành (quả); trái với hư. Sau đây vì kiêng tên bà Hoàng hậu vua Minh Mệnh mới đọc trạnh là thiệt hoặc thực và nhất định phải dùng chữ thực thế vào. Chữ thực có một đôi chỗ nghĩa như chữ thật thôi. Nay quen đi, ta vẫn nói: ngay thực, bộ thực lục, sự thực thay cho ngay thật, bộ thật lục, sự thật mà không biết là kiêng nữa.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK