Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Hôm nào đi chơi Gô Đa các anh thử đến đứng ở đầu phố Paul Bert, ở nhà đại lý các xe ô-tô Peugeot rồi trông thẳng ra nhà Hát Tây. Anh lại tưởng tượng rằng trước mặt anh, theo chiều từ chỗ nhà thờ Đạo Dối (Eglise des Protestants) đến chỗ bán ét-xăng của hãng ô-tô Ford, chỗ góc hai đường Bobillot và Rialan, có một con đê chạy dài. Đê ấy là đê Đinh Nhĩ, Trần Thủ Độ khiến đắp từ tuần Bạch Hạc ra đến cửa Luộc. Đê ấy không cao, không to lắm như đê bây giờ đâu. Nó chỉ bằng cái be con chạch người ta đắp phụ hết mặt đê những năm nước to quá. Anh lại tưởng tượng rằng anh trèo lên đê đó rồi trông ra sông. Trước mặt anh, là một bãi cỏ phẳng lì. Hết bãi cỏ rộng ấy, nước Hồng Hà đỏ ngẩu cuồn cuộn chảy. Ngoài bãi, một chiếc đò ngang cắm sào đợi khách. Đó là Bãi Cỏ, hoặc Bến Cỏ mà một lối mòn cỏ nối với mặt đê và đường cái. Lối mòn cỏ thật nhỏ, đôi bên mép cỏ mọc chồm ra che gần lấp vết chân đi, chừng rằng bến này họa hoằn mới có người qua lại.

Năm 1594, vua Lê Thế Tông dời hẳn ra đóng đô ở Thăng Long là đô cũ. Muốn trả lời nguyện vọng thiết tha của sĩ phu đất Bắc, nhà vua mở ngay khoa thi năm sau. Sau hai cuộc hạ Thăng Long, sau mấy trận binh hỏa, các nơi thi cũ bị tàn phá, chưa thể sửa sang ngay làm trường thi được. Vả, một là nhà chúa không muốn văn trường để ngay trên tàn phá của chiến trường hôm qua; hai là nhà vua muốn lấy cái bến xưa kia vua Lý Thái Tổ mới dời đô ra Thăng Long, đỗ thuyền rồng ở đó, muốn lấy cái bến dấu vết đầu tiên của đứng anh quân khi mới định nơi này làm quốc đô; muốn lấy nơi đó làm trường thi để mở một thời thịnh trị âu ca mới. Vì mấy lẽ đó, bãi cỏ ở Bến Cỏ được chịu một tên bằng chữ hán là Thảo Tân, được chọn làm nơi mở khoa thi hội đầu tiên ở Bắc của nhà Lê mới trung hưng.

Các anh đứng lên đê Đỉnh Nhĩ mà xem, xem bằng tưởng tượng. Đó, chỗ bồn trồng hoa trước nhà hát ấy, đứng đấy mà nhìn thẳng vào rạp hát. Ngay bực hè lên, một cái cổng to mới dựng bằng gỗ lá, trên nóc kết rơm thành hai con rồng chầu mặt trời. Trước cổng, một bức gấm vàng đề ngang mấy chữ: Thiên Hạ Văn Minh. Hai cột đồng trụ giả hai bên dán đôi câu dối tán dương cái vẻ sáng sủa của một triều đại mới trùng hưng và cái võ công văn trị của một họ mới phá thiên hoang trên lịch sử. Bốn chữ trên, chính tay vua Lê Thế Tông ngự thư, câu đối dưới chính chúa Trịnh Tùng nghĩ và viết. Vì khoa ấy là khai khoa, nên cho phép tất cả học trò được thi, không cứ là có cống sinh hay không, theo như thường lệ.

Khoa ấy, tất cả hơn hai trăm danh sĩ đến thi mà xong ba kỳ hội, một kỳ đình, lấy có sáu người đỗ tiến sĩ. Nhất Giáp tiến sĩ không lấy người nào, Nhị Giáp khoa ấy là đình nguyên mà người hưởng cái danh dự ấy là Nguyễn Thật. Cái nhà truyền lô, tức là nhà quan khâm mệnh vua ra đứng xướng tên các ông tân khoa, phỏng chừng đứng vào khu giữa nhà hát tây bây giờ. Lời thầy số, vậy là, đúng được một đoạn đầu.

Bây giờ, tôi muốn nói các anh biết qua cái bước hiển hách của ông đình nguyên đầu tiên, cái ông ứng triệu "đệ nhất khai khoa đệ nhất danh", triệu "tên trên bảng treo dưới gốc thông" kia.

Hiển hách nhất cho ông là ông vừa là tiến sĩ khai khoa, lại vừa là công thần khai quốc, vừa có sự nghiệp sĩ hoạn thường lại vừa có sự nghiệp một người bầy tôi bách chiến. Và hiển vinh hơn nữa, ông được đi sứ Tàu. Thật là đúng với lời nguyện ước của kẻ sĩ thuở trước: đỗ Tiến Sĩ, làm Thượng thư, đi Sứ. Nhưng để tôi nói cho có đầu đuôi thứ tự.

Năm Canh Tý, niên hiệu Thận Đức năm đầu đời vua Lê Kính Tông (lịch Tây vào năm 1600), nghĩa là năm năm sau khi ông đỗ, Mạc Chúa Kính Cung đem quân phạm Thăng Long, ở Đại An, bọn Phan Ngan, Ngô Đình Nga, Bùi văn Khuê làm phản; Trịnh Tùng sợ bốn mặt giặc kéo đến thì cơ sự khôn lường, liền rước vua lùi tạm về Thanh Hóa. Tháng tám, ông theo đạo quân ra khắc phục Thăng Long. Vì công ấy, được thăng Hồng Lô Tự Khanh, phong tước Khánh Xuyên Tử. Năm Hoằng Đình thứ sáu (1606) được sung vào bộ Sứ sang cống nhà Minh bên Tàu (1606). Ông làm Chánh Sứ. Sang Yên Kinh, ông cùng Sĩ đại phu bên Trung Quốc xướng họa. Rồi ông hưởng hồ hết cái thú làm tôi, làm cha. Con ông, Nguyễn Nghi, đỗ Tam Giáp tiến sĩ giữa lúc ông làm Hình Bộ thượng thư. Ông Nguyễn Nghi thi ở trường thi mới, gần Giám bây giờ, tức là trường thi của nhà Lý cũ.

Tuy thế ông Nguyễn Thật vẫn nhũn nhặn, vẫn giữ được đức khiêm nhượng của anh học trò. Năm Vĩnh Tộ thứ năm đời vua Lê Thần Tông, ông được thăng Lễ Bộ thượng thư, hàm Đông Các Đại Học Sĩ, tước Phương Lan Hầu. Khi đó, Hình Bộ thượng thư là Mỹ Khê Hầu. Theo lệ khi đó thì khi chầu vua, ông đứng đầu vì ông là đầu triều. Nhưng ông cố nhường Mỹ Khê Hầu là thầy học ông. Cũng năm ấy, chúa Trịnh Bình An Vương Tùng đau, hội các quan lại, giao binh quyền cho con trưởng là Trịnh Tráng và cho con thứ là Trịnh Xuân làm phó. Trịnh Xuân không bằng lòng, đem binh làm loạn, đốt phá kinh thành. Bình An Vương thấy biến, thảng thốt rước vua Lê chạy về xã Hoàng Mai vào nhà Trịnh Đỗ. Phương Lan Hầu (từ đây tôi dùng tước mà gọi cho đúng như cách gọi lúc bấy giờ) đương đêm đến yết kiến Bình An Vương:

- Xin vương thượng giả cho lệnh triệu Xuân đến trao bình quyến cho. Tôi đem binh phục bắt giết đi.

Bình An Vương dùng dằng không nỡ. Hầu nói:

- Vương thượng coi con hơn hay phép nước hơn?

Rồi Hầu ra thẳng về thành gọi Xuân. Xuân vốn tin Phương Lan Hầu là người đôn hậu, liền hớn hở đi ngay. Khi đến, Bình An Vương kể tội mắng một hồi rồi cho ra. Phương Lan Hầu bảo Bùi Sĩ Lâm bắt lại, đem chặt một chân rồi vào tâu:

- Vương thượng vì tình cốt nhục không nỡ; tôi đã vì xã tắc chặt chân đứa con bất hiếu, bề tôi bất trung rồi.

Được mấy hôm, Bình An Vương mất ở chùa Thanh Xuân. Khi bấy giờ Mạc Kính Khoan còn giữ đất Thái Nguyên Cao Bằng. Nghe thấy ở Thăng Long có biến, chúa Thanh Đô Vương mới lập, đảng Trịnh Xuân có nhiều, còn làm loạn, mà Trịnh Tráng sợ điều bất trắc đã đưa vua về Tây Đô (tức Thanh Hóa), Mạc Kính Khoan liền đem quân xuống tụ ở Gia Lâm, Đông Dư, Thổ Khối, định lấy lại Đông Đô (tức Thăng Long).

Trước đó, và ngay sau khi chặt chân Trịnh Xuân, Phương Lan Hầu cùng Mai Quận Công Phùng Khắc Khoan, vâng mệnh triều đình lên Nam Quan đợi sắc mệnh của nhà Minh đưa sang. Khi về gặp quân nhà Mạc ngăn lại. Phương Lan Hầu muốn cho chánh sứ là Mai Quận Công thoát nạn để mang sắc dụ của vua Minh về, liền tự hứng lấy nạn mà bảo quân Mạc rằng:

- Ta là sứ triều đình, chúng mày có bắt thì bắt ta. Còn lão này là thầy lang, không can dự gì đến việc nước, để cho người ta về với vợ con người ta.

Bọn lính liền bắt Phương Lan Hầu về nộp. Tướng Mạc biết Hầu là người giỏi, dùng hết kế hết lời dụ hàng, Hầu không nghe nên bị giam chặt chẽ. Hầu nhịn ăn luôn hai ngày rồi giả tảng mắc bệnh lị, mỗi đêm xin đi ra ngoài đến vài mươi bận. Ngục tốt tưởng là mắc bệnh thật, không để ý. Khi đó, Hộ Bộ thượng thư nhà Mạc là Trần Phi Chiếu ở nhà không theo Mạc chủ. Chính Trần phải coi sóc Hầu. Trần vốn người cùng huyện với Hầu, mà vẫn mộ tiếng là người có nghĩa khí, ý muốn cứu. Một đêm, đêm thứ mười lăm từ ngày bị giam, Trần đi qua chỗ giam nói to một mình lên rằng: "Trời sắp sáng rồi!" Hầu biết ý liền giả đi ngoài rồi trốn biệt. Đến sáng, quân Mạc cho một đạo quân đuổi theo. Hầu đi gần đến tổng An Thường, thấy quân đuổi gần tới, liền đi tắt lũy tre vào nhà một người quen.

Người ấy vốn mộ Hầu, liền đem giấu Hầu ở một hố đất, trên để một cái cóng nước che khuất đi. Bọn quân Mạc, có người giỏi phép độn, độn một quả rồi bảo tướng đem quân đi đuổi theo, rằng - "Cứ quẻ độn thì người ở dưới nước, hiện còn sanh khí". Quân lính liền mò hết ao, ngòi, hào lãnh nhưng không thấy, chúng đành bỏ ra về. Lúc Hầu ngồi dưới hố Hầu nghe quân lính Mạc rao rằng: "Ai bắt được Hầu thì thưởng thật hậu". Khi quân Mạc đi rồi, Hầu ra bàn với chủ nhà, thay quần áo, quẩy một gánh bấc đi bán để khỏi lộ tung tích. Hầu theo lối bờ sông đi về phương Nam. Bến lang Bài Giang (nay thuộc phủ Khoái Châu tỉnh Hưng An, khi đó thuộc trấn Sơn Nam) thì người đội trưởng giữ đồn cho chúa Mạc, gọi về nhà mua bấc. Hầu nghi hoặc, nhưng không biết làm thế nào, đành phải theo về. Về đến nhà, Hầu thấy tên đội trưởng đem vợ con ra lạy mừng và dâng cơm rượu. Hầu nửa mừng nửa sợ, hỏi cớ làm sao mà biệt đãi thế. Người kia nói:

- Tướng công quên con rồi ư? Hồi tướng công làm phủ lệnh ở đây, con có việc đi kiện. Khi đó lý con đuối, con lấy tiền hứa với tướng công để được kiện. Tướng công không nhận hối lộ mà cứ phép công. Khi đó, bụng con lấy làm tức lắm, nhưng sau con nghĩ kỹ ra vẫn phục vô cùng, thế mà tướng công quên con rồi đó.

Hầu đem sự tình ra nói. Người kia tỏ ý muốn theo. Hầu liền nhờ người ấy mộ quân thêm và thông tin về nhà cho con Hầu là Nguyễn Nghi biết. Hầu có quân, liền sang sông cùng quân Mạc đánh một trận thật to ở Châu Cầu (nay là tỉnh lỵ Hà Nam, tức Phủ Lý; xưa là trấn lỵ trấn Sơn Nam). Xong trận ấy, Hầu hợp cùng đạo quân của con, tiến quân lên họp cùng quân của triều đình, cùng con là Nghi và cháu đích tôn là Nguyễn Sủng tiến sang sông đánh quân Mạc, lại thu phục lại Đông Đô.

Năm Ất Sửu (1625), vì có công ấy, Hầu được gia phong Dực Vận Tán Tri Công Thần, tức Lan Quận Công. Con cháu đều được làm quan to cả. Sung sướng nhất cho Công là năm Canh Ngọ, niên hiệu Long Đức thứ hai đời vua Lê Thần Tông. Năm ấy, Công đương làm quan đầu triều; con Công thì Nguyễn Nghi làm Lễ Khoa Đô Cấp Sự Trung, tước Thọ Lĩnh Bá và đang sung sứ bộ sang Tàu; cháu đích tôn là Nguyễn Sủng đương là Tán Thị Công Thần, và mới đỗ cống sinh; hai cháu thứ là Nguyễn Khuê, Nguyễn Sĩ cùng đỗ tiến sĩ một khoa.

Năm Quý Dậu, niên hiệu Long Đức thứ năm (1633), Công đã 79 tuổi, xin về trí sĩ. Biểu dâng lên bốn lần, mãi đến năm sau mới được về. Nhà vua gia cho làm Thái phó, Thượng Trụ Quốc Thượng Trật, Quốc Lão và cho về trí sĩ nhưng vẫn cho dự việc triều đình, được bất thì triều kiến (nghĩa là lúc nào vào triều cũng được, không phải xin trước) vua Lê và chúa Trịnh.

Công làm to như thế mà ở quê không làm nhà cửa lộng lẫy. Chỗ gọi lịch sự là phủ đệ chỉ là vài cái nhà gạch rất thường và vài sào vườn trồng hoa. Lại tuyệt nhiên không có vợ lẻ con thêm, hầu trai hầu gái gì. Về quê Công cư xử như một ông lão nhà quê. Được ba năm Công mất, thọ tám mươi ba tuổi. Đương thì người ta vẫn ca tụng nhà Công là nhà "nhất cử đăng hoàng giáp, toàn gia vô bạch đinh" (thi một lần đỗ hoàng giáp, cả nhà không ai chân trắng).

Từ nãy đến giờ mải kể chuyện Lan Quận Công, tôi quên mất một người. Người ấy là Lan Quận Phu Nhân, Đàm Thị, người bạn tóc tơ của Công từ thuở hàn vi đến giờ. Quận Phu Nhân tính cần kiệm và chất phác. Tuy rằng là con ông quan to, vợ ông quan to, mẹ ông quan to, bà ông quan to, nhưng Phu Nhân vẫn nhũn nhặn hòa bình như một người thường. Lúc Công đương hiển hách mà dân hàng huyện thường vẫn thấy Phu Nhân đi chợ, dệt vải, ươm tơ. Có người bảo Phu Nhân:

- Phu Nhân - giá bây giờ thì phải nói: bẩm Cụ Lớn, hai ba lần lớn - Phu Nhân tội gì mà lại cứ khó nhọc mãi. Trời cho hưởng, cũng nên hưởng một chút cho nó sướng.

Phu Nhân khẽ đặt ống ươm tơ xuống, cười:

- Trời cho hưởng, lại càng phải giữ gìn. Ngồi rỗi, ăn không mà hưởng lộc giời, thì sớm chầy giời cất lộc đi. Tôi chịu khó nhọc là biết sợ mệnh giời và gây lộc cho con cháu sau này.

Lời nói ấy bây giờ có lẽ các anh cho là gàn, nhưng nếu đời này mà có được người gàn như thế thì tôi đây xin đến lạy sống, thờ làm mẹ suốt đời. Dân hai hạt Đông Ngàn, An Phong vẫn truyền rằng khi còn ở nhà với bố mẹ, phu nhân một hôm đi coi thợ cây, giữa lúc ấy Đàm công đi chầu về qua đường, Phu Nhân cứ việc coi thợ cấy như thường. Lại cái ngày Lan Quận Công đỗ. Khi tin mừng về tới làng tới phu nhân đương coi gặt lúa. Phu Nhân cứ việc thường. Người nhà năm bảy lượt ra thúc gọi cô hoàng mới về nhà. Phu Nhân cứ thung dung đợi cho xong việc đồng rồi mới về. Khi về, người nhà trách:

- Gớm! Làm cô hoàng mới, thì hãy nghỉ một buổi coi gặt, hay về sớm một buổi đã nào! Còn chán lúc làm.

Phu Nhân chỉ cười:

- Nhà tôi có nghỉ buổi học nào đâu mà tôi dám nghỉ một buổi làm? Về chậm thì có mất chút cô hoàng nào đi đâu?

Tôi lại quên mất một điều nữa chưa nói. Điều ấy tức là cái duyên nợ nhà họ Nguyễn ở Vân Điềm với con đường từ Bến Cỏ đến Cửa Ô Cầu Giấy.

Khoa đầu, tôi đã nói rồi, thi ở trường thi Bến Cỏ. Khoa thứ hai, đối với họ ấy, tức là khoa Nguyễn Nghi, con Lan Quận Công đỗ, thi ở trường thi cạnh Giám. Khoa thứ ba, thứ tư vẫn thi ở đây. Đến khi thứ năm là khoa cháu năm đời ông, thì ở đầu con đường Bến Cỏ Cầu Giấy. Nhưng trước khi nói đến khoa thi ấy, tôi cần phải nói cho các anh biết một điều đổi mới từ phủ chúa Trịnh ban bố ra.

Nguyên ta vẫn phải dùng giấy, mực và sách in của Trung Quốc, nên cho đến cả những cái khí cụ để phụng sự học thuật, mình cũng thuộc Tàu.

Giấy, dùng giấy Tương Dương, Hồ Nam; mực, dùng mực Tùng Tư, Huy Châu; bút, dùng bút Giang Tô, Triết Giang; sách học dùng sách in sẵn ở Tàu mang sang. Quan hệ nhất trong các thứ ấy là sách và giấy vì dùng nhiều nhất và cần thiết nhất. Xưa kia, đường giao thông ta với Tàu không tiện, thành ra chỉ một vài nhà có người sang sứ Tàu là mua được sách lạ sách quý về. Thành ra cái học cao chỉ có con nhà thế gia vọng tộc được có.

Đến đời chúa Chiêu Tổ Khang Vương Trịnh Căn (1682-1709) ta mới bắt đầu in sách và làm giấy. Khang Vương thấy con nhà dân ít người học được, nói rằng:

- Vương hóa là để phổ cập cả thiên hạ chứ có phải là phần riêng cho một vài cố gia thế gia trong nước đâu. Ta lấy điều ấy làm chẳng vừa lòng chút nào.

Nói là làm. Khang Vương liền phái người sang Tàu học cách làm giấy, làm mực. Lại sai các quan các tỉnh phải xét xem ở nước ta, có thứ thực vật có thể làm giấy được thì khải lên và dâng lên. Khi đoàn đi học trở về, chúa liền biến một phường trong ba mươi sáu phường của thành Thăng Long làm nơi chế giấy. Phường đó là phường An Thái. Phường Liễu Chàng thì biến làm xưởng khắc bản in và in các sách vở. Nguyên chúa định in hết sach vở Trung Quốc, nhưng sau vì thói cầu an, chỉ cầu lấy được việc trước mắt, nghĩa là việc đi thi, người ta chỉ khắc bản in các sách cần dùng cho việc thi cử. Phường Liễu Chàng xưa kia ở cạnh chỗ trường đua ngựa bây giờ, sát cạnh con đường đi từ phường An Thái đến phường Dịch Vọng.

Vì thế nhà chúa cho mở trường thi ở chỗ góc hai con đường từ Ô Cầu Giấy đi Hà Nội và cửa Ô Cầu Giấy đi Ngã Tư Khâm Thiên. Từ đó, sĩ tử thi ở đó. Thế là họ Nguyễn Vân Điềm: lần thứ nhất hiển hách ở Bãi Cỏ, lần thứ hai thứ ba và thứ tư ở cạnh Giám, lần thứ năm ở đầu kia con đường. Đó là lối "khứ". Còn lối "hồi" nữa.

Hồi, từ khoa thứ sáu, khoa người cháu đời thứ sáu Lan Quận Công thi đỗ, khoa sau khoa thứ nhất của họ ấy trăm năm mươi chín năm, sau khoa thứ năm của họ ấy bốn mươi tám năm. Nhưng chuyện phải có đầu đuôi, tôi lại phải quay lại chuyện họ đó đã.

Họ ấy, sau khoa thứ năm, khoa người cháu huyền tôn của Lan Quận Công và cháu tằng tôn của Dương Quận Công Nguyễn Nghi thi đỗ thì thôi không ai đỗ đại khoa nữa mà chỉ nối nhau đỗ trung khoa (nghĩa là cống sinh hoặc cử nhân) thôi. Các ông cống nhà ấy đều đỗ ở trường thi Dịch Vọng, nghĩa là trường thi gần Cầu Giấy. Tôi có cần nói về ông Nguyễn Nghi, tức Dương Quận Công, con Lan Quận Công không? Tôi tưởng không cần, vì nói ra thì như nhắc lại chuyện Lan Quận Công vì ông con cũng đủ chức tước, điện hàm, cung hàm và các hiệu khác như ông bố. Có lẽ tôi cần nói đến những người con của Dương Quận Công hơn, vì từ đó, nhà này mới thành một họ to về đinh, sau khi đã to vì danh vọng.

Dương Quận Công sinh được năm con trai.

Con cả tên là Sủng, đỗ nho sinh trúng thức [1] làm Hộ Bộ Đô Cấp sự trung, tước Xuân Trường bá;

Con thứ hai tên là Đậu, đỗ nho sinh trúng thức, làm Binh Bộ Tư Vụ Lang;

Con thứ ba tên là Hoành, làm Thừa Chính Sứ Hữu Tham nghị xứ Hải Dương;

Con thứ tư tên là Tào, đỗ nho sinh trúng thức làm Nội thị, tước Tông Nham bá;

Con thứ năm tên là Thể, làm Thừa chính xứ Sơn Nam.

Trong năm cành thì chỉ có cành thứ nhất và cành thứ hai là phồn thịnh nhất. Bắt đầu phồn thịnh là cành thứ nhất. Những ông tiến sĩ thứ ba thứ tư và thứ năm, cùng hồ hết các ông nho sinh trúng thức, cống sinh là ở cành thứ nhất cả. Cành thứ nhất rực rỡ cho đến khoảng năm Cảnh Trị [2] là bắt đầu thời kỳ phát đạt của cành thứ hai.

__
1 Đời Lê, con cháu nhà quan thi hương đỗ, gọi là nho sinh trúng thức, khác với con nhà thường, gọi là cống sinh.
2 Từ năm 1663 đến năm 1671, đời Lê Huyền Tông, Trịnh Dương Vương Tạc.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK