Hệt như những kẻ tinh thần bị kích động do trước nay nghèo khổ nhưng sau một đêm bỗng phát tài, mấy ngày này, bọn trẻ trong hang luôn trong một trạng thái cực kỳ hưng phấn.
Kết quả của sự kích động chính là… đánh nhau.
Ngoài những lúc bắt cá ra thì việc ẩu đả trong hang xảy ra rất thường xuyên.
Lúc trước đánh nhau vì giành thức ăn, bây giờ lại đánh nhau để giữ thức ăn, thậm chí có lúc kéo chiến lợi phẩm về, đứa nào mà cầm nhầm cá là ngay lập tức không cần nói gì, lao vào đánh!
Bây giờ không phải là một đấu một nữa, sau khi Thiệu Huyền rót vào đầu chúng tư tưởng nhóm bắt cá chính là một hình thức khác của đội săn thì bọn trẻ này giờ lại tụ lại thành một nhóm năm đứa, đánh nhau đương nhiên sẽ là nhóm này đánh nhóm kia, còn ác liệt hơn lúc trước nữa.
Thiệu Huyền ngồi bên cạnh cúi đầu thở dài, đúng là tự tạo nghiệt mà!
Sau khi nhìn thấy một đứa trẻ lại vác nhầm cá dẫn đến việc hai nhóm đánh nhau, Thiệu Huyền quan sát cảnh tượng hỗn loạn trong hang rồi suy nghĩ, ánh mắt hướng vào bức tường đá nhẵn nhụi ở gần cửa hang.
Rất lâu trước đây, khi người trong bộ lạc còn sống trong hang đã từng mài bóng vách hang, còn khắc chữ lên đó nữa, sau này bọn trẻ đến đây thì vách tường hang cũng ít khi có thêm chữ, cho dù bọn trẻ trong hang có vì quá chán hoặc đột nhiên nổi hứng muốn vẽ thì cũng chỉ vẽ lên mặt đất ở gần đó, còn những vị trí hơi cao thì chỉ còn lại các dấu tích của nhiều năm về trước.
Do khác biệt thời gian nên cách vẽ và độ đậm nhạt của các bức tranh cũng khác nhau, có vài bức tranh màu được tạo ra từ sắc tố của cây cỏ, có vài bức lại dùng dao đá khắc vào, còn nhiều vết tích khác đã bị mờ, phai màu, không nhìn rõ hình thù gốc nữa, giữ lại thật lãng phí.
Thiệu Huyền bèn gọi bọn oắt con do quá kích động mà tràn trề sinh lực đó lại, bảo bọn chúng nhặt đá để bắt đầu mài vách hang.
Sâu trong hang có vài tảng đá to, chúng hợp lực đẩy ra ngoài, muốn mài những chỗ cao trên tường thì cần phải đứng lên mấy tảng đá đó, chỉ dựa vào chiều cao cơ thể là không đủ.
Có việc để làm, bọn trẻ này quả nhiên đã yên ổn hơn một chút, hơn nữa đây còn là lệnh của Thiệu Huyền nên không có ai phản đối, cho dù không muốn thì cũng phải cầm đá đi mài.
Do vách hang đã từng được mài, nên bây giờ chẳng qua chỉ cần mài bỏ đi các vết ở ngoài cùng thôi. Sau khi cảm thấy đã ổn, Thiệu Huyền mới cầm một cành cây đã hoàn toàn bị cháy thành than, bước lên một tảng đá rồi viết ra năm nhóm từ một đến năm lên vách tường, nhóm một có những ai, nhóm hai có năm đứa nào, tất cả đều nói rõ cho bọn trẻ, để đảm bảo, Thiệu Huyền còn ghi tên của từng thành viên ở bên dưới số thứ tự của nhóm.
Cứ cách một khoảng thời gian thì bộ lạc sẽ phái người đến hang dạy cho bọn trẻ vài thứ cơ bản, ví dụ như đếm số, rồi một số từ thường dùng… Thiệu Huyền nhờ vậy mà cũng biết đọc văn tự ở đây, nhưng bọn trẻ trong hang lúc trước lại không chịu nghe, chẳng học được bao nhiêu, mỗi khi có người đến thì chỉ có Thiệu Huyền là chăm chú ngồi nghe.
Trên cổ mỗi đứa trẻ trong hang đều có đeo một mảnh thẻ đá, trên thẻ đá có ghi tên của chúng, cho dù không biết viết chữ, cũng không đọc được bao nhiêu chữ, nhưng tên của mình thì chúng vẫn nhận ra được.
Tên đã viết xong, nhóm cũng chia xong, cá mang về cũng phải viết lên, ban đầu Thiệu Huyền chỉ định viết một con số để ghi lại xem mỗi nhóm bắt được mấy con cá, nhưng bọn trẻ ấy lại không chịu. Sau khi nhìn mấy con cá được treo trong hang, Thiệu Huyền bèn cầm cành củi vẽ lên tường một vạch đơn giản, tượng trưng cho cá, một con cá vẽ một vạch, nhìn ra được đó là cá là được rồi.
Lần này thì bọn oắt con ấy mới hài lòng, còn bảo đứa giỏi đếm số nhất trong nhóm kiểm tra lại lần nữa, để đảm bảo số lượng cá mà Thiệu Huyền vẽ trên vách hang bằng với số cá đang treo.
Mỗi con cá chỉ cần vẽ một vạch là được, tổng cộng số cá cũng chỉ có mấy chục con, nên không tốn bao nhiêu thời gian, dù gì cũng đang rảnh rỗi mà. Hơn nữa hang động rất lớn, vách hang rất rộng, có vẽ một ngàn con cá cũng không thành vấn đề.
Phía trên vách hang đối diện với nơi Thiệu Huyền vẽ cá vừa hay có một cái lỗ thông gió trên cao, ban ngày sẽ có ánh nắng chiếu vào, chiếu thẳng vào nơi bức tường vẽ cá, khiến mọi người có thể nhìn rõ những gì được viết lên đó.
Thế là, mỗi ngày ngoại trừ những lúc bắt cá ra, đám trẻ con này lại tụ lại thành nhóm năm đứa ngồi trong hang bện dây thừng cỏ, vừa bện vừa ngẩng đầu nhìn vách hang, đếm đi đếm lại số cá của nhóm mình, sau đó lại đếm số cá được treo trong “địa bàn” của mình. Cũng chính nhờ thế mà khả năng đếm số của đám trẻ này ngày một giỏi lên.
Từ những đứa trước đây có lấy gậy đá gõ vào đầu cũng không thèm đếm, giờ lại không cần ép buộc gì mà mỗi ngày đều đếm mười lần là ít.
“A Huyền, sau mười có phải là mười hai không?”
“Là mười một!”
“À… mười một, mười hai, mười ba, mười bốn…. không đúng rồi, A Huyền, nhóm của chúng tôi sao chỉ có mười bốn con cá? Trên tường vẽ mười lăm con cơ mà! Thiếu một con rồi! Ai cướp cá của chúng tôi rồi?” Vừa nói thằng nhóc đó vừa cùng với bốn đứa trong nhóm chộp lấy gậy gỗ và đá, quay sang nhìn những đứa trẻ khác trong hang bằng ánh mắt đằng đằng sát khí.
Thiệu Huyền hít một hơi rồi cầm cành cây chỉ lên tường: “Không nhìn thấy phía trên con cá đầu tiên này có một nét gạch sao? Có nghĩa là đã ăn mất rồi, tối qua chính các người đã ăn mất còn gì! Có muốn nôn hết mọi thứ trong bụng ra để xác nhận lại không? Tôi, có, thể, giúp, đấy!”
“…Hình như là thế.” Nghiêng đầu nghĩ một lúc, sát khí của thằng bé ấy dần mất đi, nó vứt cây gậy sang một bên, ngồi xuống tiếp tục bện dây thừng với bốn đứa kia, hệt như chưa từng xảy ra chuyện gì vậy.
“A Huyền, tôi nghe chú Cách nói ngày mai lại là một ngày đẹp, ngày mai chúng ta ra bờ sông được không?” Một đứa trẻ háo hức hỏi.
Bọn trẻ còn lại cũng vểnh tai lên, ánh mắt chăm chú nhìn vào Thiệu Huyền, dường như chỉ cần Thiệu Huyền nói một tiếng “không” là sẽ làm tan nát trái tim pha lê của chúng.
“Ừ, ngày mai như thường lệ.” Thiệu Huyền bước ra ngoài nhìn bầu trời rồi trả lời.
Hơn hai mươi đứa trẻ trong hang giờ đều đồng loạt hành động, chúng rất tham lam, chỉ hận không thể cả ngày ra bờ sông bắt cá, nhưng chúng cũng biết tốt nhất là phải cùng hành động với những người khác, đây là điều bắt buộc, lý do là vì, chúng không thể bắt được sâu đá.
Thiệu Huyền đã từng thử qua các loại sâu tìm thấy trong bộ lạc, chỉ có sâu đá là có hiệu quả bắt cá tốt nhất. Đối với những đứa trẻ nào không nghe chỉ huy mà chỉ thích tự mình hành động thì Thiệu Huyền sẽ không chia sâu đá cho chúng.
Không nghe lời mà vẫn muốn có sâu đá sao? Được, thế thì tự đi mà đào, không có Caesar thì có đào cả ngày cũng không được một con. Bọn sâu đá này khi hoạt động dưới mặt đất thì còn nhanh hơn cả giun đất, không tóm ngay khi vừa nhìn thấy chúng thì sẽ về tay không. Mấy hôm nay có hôm nào mà không nhờ Caesar giúp đào vài con sâu đá chứ?
Nguyên nhân thứ hai khiến chúng bắt buộc phải thống nhất hành động là vì: Chúng không làm ra được cái vật màu đen có thể nổi trên mặt nước kia, muốn làm ra được thứ đó thì phải bắt một con sâu sống ở đầm lầy đen, đáng tiếc, ngoại trừ Caesar ra thì tất cả đều không thể đến gần đầm lầy.
Chính vì thế mà địa vị của Caesar trong hang đã được nâng cao khá nhiều, ít nhất thì ánh mắt của bọn trẻ này nhìn Caesar đã không còn là ánh mắt thèm thuồng khi thấy thức ăn nữa, có vài đứa đầu óc linh hoạt còn học được cách nịnh nọt, lúc trước từng thấy Caesar gặm xương, thế là giờ liền ném xương cá cho nó, tiếc là Caesar lại không hề có chút hứng thú nào với xương cá.
Cho dù thế nào thì mối quan hệ giữa bọn oắt con này và Caesar cũng đã tốt lên rất nhiều, Thiệu Huyền không cần phải lo khi nào bọn chúng liên hợp lại bắt Caesar đem đi nướng nữa.
Hôm sau, Thiệu Huyền mới sáng sớm đã bị bọn trẻ gọi dậy, chạy ra bãi đá vụn để đào sâu đá. Caesar đào được con nào thì Thiệu Huyền liền chia con đó cho đội trưởng của mỗi đội săn.
Một con sâu đá có thể dùng từ hai đến ba lần, sau khi đào được thì chặt làm đôi, chỉ sau vài phút, cả hai mẩu bị đứt đó đều động đậy trở lại, biến thành hai con sâu riêng biệt, nếu cho chúng thêm chút thời gian nữa thì chúng hoàn toàn có thể trở lại hình dạng giống như lúc chưa bị chặt.
Sau khi chuẩn bị xong hết mọi thứ, Thiệu Huyền lại dẫn cả đám ra bờ sông.
Các chiến sĩ canh gác bên bờ sông đã đổi đợt người mới, nhưng cũng rất mau chóng quen với Thiệu Huyền, mấy ngày nay họ đều nhìn thấy Thiệu Huyền dẫn đám trẻ này đi bắt cá, mỗi ngày còn tặng cho họ một con, khiến ấn tượng của họ dành cho Thiệu Huyền dần tốt lên, ngay cả cái nhìn về bọn trẻ trong hang cũng thay đổi.
Nhìn thấy con sông, bọn oắt con trong hang không kiềm chế được, vội vàng móc mồi câu định bắt cá, nhưng đột nhiên lại bị Thiệu Huyền ngăn lại.
“Lùi lại! Tất cả lùi lại hết! Không được chạm vào nước! Cũng đừng ném mồi xuống!” Thiệu Huyền vội vàng kéo đứa trẻ đứng trên cùng lùi lại rồi chau mày nhìn về phía mặt nước.
Hôm nay có gì đó không ổn.