Vài năm trước, sau khi nhận được kết quả chẩn đoán của anh, gã giận dữ ném hồ sơ xuống đất và thốt lên với luật sư: "Một con đàn bà ngu si sinh ra một thằng con đần độn, tại sao tôi phải dính líu với chúng nó chỉ vì quan hệ pháp lý chứ!"
Lúc đó, Thẩm Hi Quang chưa biết 'ngu si' và 'đần độn' cùng trường nghĩa với 'ngu dốt'.
Nhà họ Úc lắm con cháu nhưng Úc Trầm chỉ có một đứa em gái độc nhất là mẹ của Thẩm Hi Quang. Gã chèo chống trên thương trường bấy lâu, thủ đoạn và khôn khéo có thừa, song bụng dạ lại hẹp hòi. Gã từng gian lận giấy tờ hòng tống anh vào nhà tình thương nào đó nhưng thất bại.
Có một chỗ kỳ lạ là Úc Trầm thường chỉ mắng mẹ chứ không nhắc gì tới cha anh. Mỗi khi nghe người khác hỏi, gã chỉ cười khinh khỉnh.
Giống như hiện tại.
Vừa đặt chân tới là Úc Trầm liền gọi cho Giám đốc bệnh viện giải quyết chuyện tiêm thuốc. Cười nói một hồi thì đổi giọng chèn ép, sau lại cười hờ hững, xong gã ngả lưng ra ghế, vắt chân đọc báo cáo.
Cả tiếng đồng hồ sau Úc Trầm mới xếp tài liệu lại, bảo: "Mày coi tình hình đi. Sắp tới mày sẽ xuất viện để kịp chương trình học phụ đạo trong hè này."
Không nghe tiếng trả lời, gã đàn ông nhăn mày, nhoài người về trước tóm lấy một tai của Thẩm Hi Quang, khiến anh nhìn thẳng vào gã: "Mỗi khi tao nói chuyện thì mày phải làm sao?"
Thẩm Hi Quang cố gắng cạy ngón tay gã khỏi vành tai, trong lòng không khỏi hận móng tay bị cắt ngắn, miễn cưỡng đáp: "Vâng."
Úc Trầm buông tay ra, đứng dậy nhìn đồng hồ: "Đừng để tao phải dùng biện pháp mạnh với mày."
"Chờ đã." Anh che tai nói: "Tôi muốn chuyển ban."
Úc Trầm quan sát anh giây lát rồi gật đầu: "Lần cuối đấy, liệu hồn mà học cho đàng hoàng."
...
Vào buổi họp định kỳ để bầu đội trưởng cho đội bóng rổ, có mấy đứa lớp dưới xích mích. Ở trước mặt giáo viên nên tụi nó không làm gì, nhưng Bộ Thư vô ý nghe thấy chúng giao hẹn cuối buổi sẽ ra ngõ sau trường giải quyết.
Con trai ở tuổi này dễ nóng máu, luyện tập xong thì cả người càng hừng hực chứ khó mà nguội cái đầu. Chuyến hẹn này e là lời thì ít mà ẩu đả thì nhiều.
Chờ mấy đứa đó rời khỏi, Bộ Thư lủi khỏi phòng thay đồ, bá cổ Lữ Gia: "Đội trưởng, chút nữa chia cả đội thành hai nhóm, tập ném quả ba điểm."
Lữ Gia chả hiểu mô tê: "Hả? Tớ mới lên chức mà, phải tranh thủ xây dựng hình ảnh kiểu mẫu chứ. Tớ ném quả ba điểm có tốt đâu, trượt lưới nhiều quá thì bị cười cho thối mũi."
Bộ Thư vò vò đầu cậu ấy: "Để tớ lên làm mẫu."
Lữ Gia bán tín bán nghi đồng ý.
Bộ Thư đeo băng cổ tay, vừa nhồi bóng vừa nhìn Lữ Gia chia đội thành hai hàng đứng phía sau vạch ba điểm. Mấy đứa lớp dưới vừa cãi cọ cũng tách thành hai phe rõ ràng.
Cậu rê bóng ba bước rồi vươn một tay ném bóng thẳng tắp vào rổ. Cả đội trầm trồ nhìn lên. Cậu lấy một quả bóng khác, cười nói: "Bây giờ chúng ta đấu thử một trận ném bóng, phe nào vào lưới nhiều hơn thì được ra về, phe kia thì ở lại với anh tập thêm hai tiết."
"Thôi mà anh Thư!"
Cậu bỏ ngoài tai, chuyền bóng cho mỗi hàng: "Bắt đầu! Ném xong thì tự chạy đi nhặt bóng! Vừa chạy vừa nhồi bóng! Chạy nhanh lên, phe ít điểm sẽ phải ở lại với anh!"
Lữ Gia ngồi xổm đập bóng nhìn cái cảnh này, cảm khái: may mà Bộ Thư không làm đội trưởng.
Lúc cả hai xách balo ra khỏi nhà thi đấu, cuối trời đã rạng sắc xanh đen. Các lớp văn hóa trong hè thưa thớt lên đèn ở tòa nhà khối 10 và 11. Tòa nhà khối 12 chìm trong bóng tối.
Tuy trời oi bức nhưng mồ hôi lấm tấm trên da thịt tiếp xúc với cơn gió vẫn toát lên cái mát lạnh. Tóc mái của Bộ Thư bết vào trán, băng cổ tay ẩm ướt nắm trong lòng bàn tay. Cậu ngước nhìn tòa nhà khối 12: "Tầng 01, 02, 03 là ban Tự nhiên, tầng 04 là ban Xã hội phải không?"
Học kỳ trước Thẩm Hi Quang học lớp C, tức là ở tầng 01.
"Ban Xã hội toàn là con gái, sao nhà trường không xếp lớp ở tầng dưới để các bạn nữ dễ di chuyển nhỉ?" Lữ Gia lẩm bẩm.
Bộ Thư nhún vai, đi ngang qua bảng thông báo thì dừng lại: "Phụ đạo hè?"
"'Các lớp phụ đạo dành cho khối 12 năm sau'." Cậu dò ngón tay lên một tờ danh sách: "Thẩm Hi Quang, lớp 12C..."
Lữ Gia vô tâm nói: "Ồ, anh ta còn đi học à?"
Bộ Thư nhìn qua bản phân công bên cạnh danh sách. Trong đó ghi: 'Lớp Xã hội 03 chuyển xuống tầng trệt' - hai chữ cuối bị gạch đi, viết lại bằng mực đỏ: 'phòng đầu tiên, tầng 01'.
Sau khi đã về nhà, Bộ Thư vẫn còn cảm thấy bất ngờ: anh sắp xuất viện sao?
Anh sẽ đi học lại sao?
Tại sao năm ngoái anh học ban Tự nhiên mà năm nay lại học Xã hội?
Ba câu hỏi này quấn lấy tâm trí Bộ Thư, làm lòng dạ cậu bối rối và mờ mịt. Cậu cảm thấy mình vẫn chưa sẵn sàng với một điều gì sắp xảy đến - mặc dù cậu cũng không biết nỗi lo này từ đâu ra.
Bộ Thư ngồi dậy kéo sách vở của Thẩm Hi Quang ra khỏi hộc tủ, anh sắp đi học lại rồi, phải trả tập vở lại cho anh. Nhưng cậu có chút do dự, lo rằng anh sẽ đọc được các lời khó nghe viết bậy bên trong.
Sớm tinh mơ Bộ Thư liền bật dậy, tranh thủ lúc Bộ Khanh còn chưa tỉnh mà ôm chồng sách vở rời khỏi nhà.
Buổi sáng ở bệnh viện khá vắng vẻ, cậu đi lên tầng, ghé mắt vào ô kính trên cánh cửa xem anh ngủ dậy chưa. Bỗng nhiên nghe tiếng nói, "Nhìn lén người khác là thú vui của cậu sao?"
Bộ Thư giật nảy cả mình quay lại, thấy Thẩm Hi Quang chống đôi nạng đứng phía sau. Không rõ do đâu mà anh di chuyển chẳng phát ra tiếng động gì.
Có lẽ vì chống nạng và khom vai nên anh thấp hơn cậu nửa cái đầu. Đôi con ngươi đen kịt đảo lên nhìn cậu, đường viền trái cổ lồi ra như một quả hạch vướng ở đó.
"Nếu cậu không tính mở cửa thì tránh ra." Anh thờ ơ.
Bộ Thư vội mở cửa, né ra cho anh vào. Thẩm Hi Quang chầm chậm lê bước ngồi xuống giường, ném hai cây nạng lăn dưới đất. Anh chống hai tay về sau nhìn cậu, ống tay áo nửa xắn nửa tuột.
"Chào buổi sáng, đàn anh." Bộ Thư mỉm cười, nhìn quanh thì thấy chiếc ghế thường đặt trong phòng đã biến mất.
Trên kệ có một lọ hoa huệ tây trắng muốt.
"Thứ gì kia?" Thẩm Hi Quang chỉ cái bọc trong tay cậu.
"Đây là sách vở anh để lại trên lớp. Lớp trưởng lớp anh nhờ em đưa cho anh."
Anh phì cười, khinh miệt: "Thế bọn nó còn chưa xé nát đống rác đó à." Rồi bảo, "Cho cậu đấy. Đem bán hoặc lúc nào khó chịu trong người có thể lôi ra xé chơi."
Sức nặng trong tay Bộ Thư chợt hóa hư không. Cậu nói: "Em thấy anh sắp đi học lại... những sách vở này vẫn hữu ích cho anh."
Anh vẫn cười dửng dưng: "Nhưng mà tôi không cần."
Bộ Thư đành phải đặt sách vở qua một bên. Vì không có ghế nên cậu hơi bối rối khi cứ phải nhìn xuống anh. Cậu sẽ thoải mái hơn khi hai người ở vị trí ngang hàng.
Thẩm Hi Quang không có vẻ phiền khi phải ngước nhìn một đàn em, ánh mắt từ trên vừng trán chạy dần xuống cẳng tay Bộ Thư. Bỗng, anh nắm lấy nó.
Bộ Thư bất ngờ đến quên cả nói.
Tay của cậu gầy mà chắc, bên ngón tay trắng nõn có vết chai sạn, đường gân mảnh nổi lên rõ ràng.
Thẩm Hi Quang rủ mắt nhìn chăm chú, tay trái giữ dưới bắp tay, tay phải thì chậm rãi men theo đường viền, dò theo gân xanh chạy lên trên cánh tay của Bộ Thư. Hơi lạnh từ anh làm Bộ Thư nổi da gà. Cậu lúng túng quá, tới khi anh sắp dò vào trong tay áo thì mới vội vàng gọi tên anh: "Anh Hi Quang!"
Người con trai khựng lại, như bừng tỉnh khỏi giấc mộng giữa ban ngày, trừng mắt nhìn cậu: "Cậu vừa gọi tôi là gì?"
Bộ Thư muốn rút tay về.
Thẩm Hi Quang bóp chặt cổ tay cậu: "Cậu vừa gọi tôi là gì?"
Cậu cảm thấy mặt mình nong nóng, lần lữa trả lời: "Anh... Hi Quang."
Anh buông cậu ra, cơ thể chợt lung lay như mảnh vải ngã bật về sau. Bộ Thư theo bản năng thót tim, vươn tay kéo anh lại.
Thẩm Hi Quang ngã 'phịch' ra giường, đầu ngửa ra ngoài lề, cười lên hả hê: "Sao mà cứ hoảng hốt thế kia? Cho dù tôi có té từ đây xuống thì cũng có chết đâu. Tin người quá thể!"
Anh híp mắt nhìn gò má phớt đỏ của Bộ Thư, giật tay lại: "Tôi vui rồi. Cậu về đi."
Bộ Thư đi nhanh như chạy trốn khỏi anh, bỏ lại bọc sách vở. Không rõ có phải vì nắng quá nóng hay không mà lồng ngực cậu cứ bừng bừng mãi không hết.
...
Để có thể đi học trở lại, từ ba ngày trước Thẩm Hi Quang bắt đầu chịu uống thuốc. Ảnh chụp não bộ cho thấy các thay đổi tích cực.
Tính khí Thẩm Hi Quang dần khá hơn. Anh thường tìm các trò tiêu khiển lành mạnh hoặc chống nạng đi dạo ngoài sân.
Nhưng Tần Cố biết rõ: thuốc men không thể chữa khỏi bệnh cho Thẩm Hi Quang - việc dùng thuốc chỉ duy trì anh ở trạng thái ổn định.
Đây là mặt hạn chế của bác sĩ tâm thần. Các bác sĩ tâm thần thường điều trị cho người bệnh bằng thuốc mà khó lòng tìm ra căn nguyên, gốc rễ vấn đề để can thiệp trị liệu cho người bệnh. Việc can thiệp trị liệu thuộc về các nhà tâm lý học.
Uống thuốc thì có thể phải uống suốt cả đời. Cái cốt lõi của điều trị tâm bệnh là tìm ra và giải quyết nguồn ngọn vấn đề.
Y tiến lại gần người đang tỉ mẩn phác mũi chì than, hỏi: "Cậu đang vẽ gì vậy?"
Trên trang giấy là một cánh tay rất thực. Thực đến từng nếp gấp nơi khe hở giữa các ngón và mạch máu ẩn dưới da thịt. Đường nét không thô như đàn ông, nhưng cũng không thon thả như nữ giới.
Thẩm Hi Quang đáp: "Chân dung."
"Chân dung của ai vậy?"
"Niềm vui." Anh mỉm cười.