Chỉ có một mình Radơmiốtnốp ra tiễn chân Đavưđốp đi xuống đội hai. Đavưđốp đi ghé chiếc xe chở lương thực thực phẩm từ kho nông trang cho thợ cày, các gia đình cũng gửi kèm cho chồng con quần áo lót và ít quần áo ngoài tập tàng.
Đavưđốp ngồi trên xe, buông thõng hai chân đi đôi bốt vẹt gót đã gả màu nâu, lưng gù xuống như một ông già và mắt hờ hững nhìn quanh. Dưới chiếc véttông khoác vai, góc nhọn đôi xương bả vai anh nhô hẳn lên. Đầu anh lâu rồi chưa cắt tóc và từ dưới chiếc mũ cátkét hất ngược ra sau gáy, những mớ tóc đen bò lan xuống cái cổ mập mạp đen xạm và cổ áo véttông cáu ghét của anh. Có một vẻ gì ơn ớn và thảm hại toát ra từ toàn bộ dáng dấp của anh…
Radơmiốtnốp nhìn anh, nhăn mặt lại như đau quặn, và thoáng nghĩ: "Con Luska nó làm cho cu cậu tả tơi đến ghê! Chà, cái con ranh con! Nó bỏ bùa cu cậu, mà lại là một cậu cứng cựa chứ bỡn đâu, thế nào mà đến nỗi người ta phát ngán không muốn nhìn nữa! Đó, tình yêu dẫn cánh ta đến nông nỗi ấy đó: đang là người biến thành cái xác ve".
Hơn ai hết, Radơmiốtnốp có đầy đủ thẩm quyền để hiểu rõ "tình yêu dẫn ta đến nông nỗi nào". Anh nhớ đến Marina Pôirkôva, đến vài chuyện tình tang khác, và thở dài chua chát, nhưng rồi lại mỉm cười vui vẻ, rảo bước đi đến trụ sở xôviết. Nửa đường anh gặp Maka Nagunốp. Vẫn với cái vẻ như thường lệ, khô khan, ngực ưỡn, hơi có tí phô trương cái điệu bộ nhà binh rất chính quy của mình, anh lẳng lặng chìa tay cho Radơmiốtnốp, và hất hàm chỉ về phía chiếc xe ngựa đang chạy đi dọc theo đường cái.
- Có trông thấy bộ dạng cha Đavưđốp không?
- Nom có gầy đi tí, - Radơmiốtnốp trả lời đánh trống lảng.
- Mình, khi mình ở tình cảnh như hắn, mình cũng rộc đi trông thấy. Nhưng hắn thì quá lắm, hèn yếu! Đút vào sáu tấm đi cho rồi! Hồi hắn ở nhà mình, hắn đã biết con mụ ấy là cái loại súng máy ác liệt như thế nào, đã tai nghe mắt thấy mình đấu tranh với cái giống phản cách mạng đầu gối tay ấp ấy như thế nào rồi, ấy thế mà đùng một cái, hắn chết thẳng cẳng! Hôm nay mình nhìn hắn và nói không ngoa, tim mình ứa máu: gầy tọp, nom như người chịu tội, mắt lấm la lắm lét, mà quần thì, khổ cái thân đời hắn, chả biết nó bám vào chỗ nào trên người hắn. Hắn đang chết dần chết mòn trước mắt chúng ta! Cái con vợ cũ của mình, hồi mùa đông đáng lẽ ta phải liệt nó vào loại kulắc và tống cổ đi cùng với thằng Chimôphây của nó đến vùng băng giá mới phải. Ở đấy nhiệt độ của nó may ra mới hạ được tí nào chăng.
- Cậu cũng biết chuyện à, mình không ngờ đấy…
- Hà! "Không biết"! Cả làng ai cũng biết, mà mình lại không biết sao? Mắt mù hay sao mà không biết? Đối với mình, nó lằng nhằng với thằng nào thì mình mặc mẹ nó, nhưng này, đồ đĩ rạc, đừng có đụng vào Đavưđốp của tao, đừng có hại người đồng chí thân thiết của tao! Đấy, vấn đề đặt ra lúc này là như thế đó!
- Giá cậu ngăn chặn trước đi. Sao cậu lại cứ im?
- Nhưng mình ngăn chặn thì không tiện tí nào! Biết đâu cậu ấy lại chẳng nghĩ mình can cậu ấy là vì ghen, hoặc vì cái chết tiệt gì khác. Nhưng cậu, cậu là người ngoài cuộc, sao cậu cũng lại im? Sao không nghiêm khắc cảnh cáo hắn?
- Cảnh cáo ghi lý lịch hả? - Radơmiốtnốp mỉm cười.
- Thế nào cũng có ngày hắn bị ghi lý lịch, nếu hắn vẫn cứ rũ rù rù thế. Nhưng hai chúng ta, Anđrây ạ, ta không thể trù trừ được nữa. Con Luska là một con rắn độc, dính vào nó thì cậu ấy sẽ chẳng kéo nổi đến cách mạng thế giới đâu, mà sẽ chết toi lúc nào không biết. Hoặc chả mấy bữa mà chuốc vào mình bệnh ho lao, hoặc cái bệnh giang mai lậu kén gì đó! Mình, khi cắt đứt với nó, mình thật cứ như được tái sinh: không còn nơm nớp mắc bệnh hoa liễu gì nữa, học tiếng Anh cứ băng băng, chẳng cần thầy, chỉ độc bằng đầu óc mình thôi mà vẫn đạt kết quả tốt; công tác của Đảng mình làm đâu ra đấy, mọi công việc khác mình cũng chẳng nề hà. Nói tóm lại, cảnh sống độc thân, mình được chân tay tự do, đầu óc sáng sủa. Còn trước kia sống với con ấy, rượu vốtka mình chẳng uống mà ngày nào cũng choáng váng như say. Đối với chúng ta, những người cách mạng, thì đàn bà, anh bạn ạ, đúng như thuốc phiện đối với nhân dân! Như mình thì mình sẽ ghi câu danh ngôn ấy vào điều lệ bằng chữ đậm, để mỗi đảng viên, mỗi người cộng sản thực sự, mỗi người cảm tình Đảng, mỗi ngày phải đọc lại ba lần trước khi đi ngủ và sáng dậy lúc bụng đói. Đến lúc ấy sẽ không còn thằng bố khỉ nào rơi vào cái cảnh khốn nạn như anh chàng Đavưđốp nhà ta bây giờ nữa. Cậu nhớ lại mà xem, Anđrây ạ, có biết bao nhiêu người tốt hẳn hoi đã bị điêu đứng vì cái giống đàn bà khốn kiếp ấy! Không sao đếm xuể! Vì bọn chúng mà xảy ra biết bao nhiêu chyện biển thủ, tham ô, biết bao nhiêu người biến thành rượu chè be bét, biết bao nhiêu anh em tốt bị kỷ luật Đảng, biết bao nhiêu anh chàng phải ngồi rũ tù. Thật đúng là cái giống tà ma ác quỷ!
Radơmiốtnốp trầm ngâm suy nghĩ. Họ bước đi lẳng lặng một lát, đắm mình vào những ký ức gần xa, nhớ lại những người đàn bà họ đã gặp trên quãng đường đời của mình. Maka Nagunốp phồng mũi lên, mím chặt đôi môi mỏng và bước đi như hành quân trong đội ngũ, vai ưỡn thẳng, chân bước đều, nom như hiện thân của sự sắt đá. Còn Radơmiốtnốp thì vừa đi vừa lúc thì mỉm cười, lúc thì khoát tay một cái tuyệt vọng, lúc thì vân vê bộ ria mép quăn quăn màu vàng hoe, mắt lim dim như một con mèo đã no nê thoả mãn. Và có lúc, chắc hẳn do nhớ lại một chuyện tình duyên đặc biệt đẹp đẽ nào với một cô này, cô nọ, anh cứ rên lên như người vừa làm một chầu vốtka thoải mái và, xen kẽ với những quãng im lặng kéo dài, thốt lên những lời nghe chẳng ra đầu đũa gì:
- Chà, chà! Ôi, cái mụ ấy! Ác liệt! Em ơi, em trời đánh thánh vật!...
° ° °
Grêmiatsi Lốc đã rớt lại phía sau đâu đó, khuất sau một cồn đất, và thảo nguyên mênh mông tít tắp đã nuốt chửng Đavưđốp. Hít căng lồng ngực mùi hương ngây ngất của cỏ và đất ẩm, Đavưđốp nhìn ngắm hồi lâu dẫy đồi mộ phía xa. Những ngọn đồi xanh xanh đằng xa ấy có cái gì phảng phất gợi anh nhớ đến những đợt sóng cồn của biển Bantích và, không cưỡng nỗi một nỗi buồn dìu dịu bất thần dâng lên trong lòng, anh vừa thở dài đánh sượt một cái vừa đưa đôi mắt bỗng dưng rơm rớm nhìn ra chỗ khác… Rồi cái nhìn thẫn thờ ngơ ngác của anh bắt gặp một điểm nhỏ lờ mờ trên nền trời. Oai hùng đường bệ trong cảnh cô đơn, một chú đại bàng đen thảo nguyên - dân thường trú của xứ đồi mộ - đang bay liệng trên bầu trời xanh lạnh lẽo, từ từ đĩnh đạc và mỗi vòng lại hạ độ cao xuống tí chút. Đôi cánh rộng, tày ở hai đầu và giang ra bất động đã dễ dàng đưa chim lên đến tận chín tầng mây, và ngọn gió thổi ngược đã tha thiết vuốt ve và áp sát bộ lông đen ánh lên một ánh đùng đục vào thân thể có khung xương rắn chắc của chim. Khi chim khẽ nghiêng cánh lượn vòng lao về phương đông thì ánh mặt trời chiếu ngược vào chim từ dưới lên, và lúc ấy Đavưđốp thấy hình như mặt dưới trăng trắng của cánh chim loang loáng những ánh bạc khi chợt loé lên khi vụt tắt.
… Thảo nguyên mênh mông, bát ngát. Những đồi mộ cổ kính trong làm khói lam. Con đại bàng đen bay trên nền trời. Tiếng xào xạc êm ái của đám cỏ nghiêng mình trước gió… Đavưđốp cảm thấy mình bé nhỏ và chìm nghỉm trong cảnh trời đất bao la ấy, đưa con mắt buồn rầu nhìn bao quát thảo nguyên mênh mông vô tận đến nao nao lòng người. Trong những giây phút này, mối tình của anh yêu Luska, cái đau khổ của tan vỡ, ước mong không được thoả mãn về một cuộc gặp mặt lại, tất cả đối với anh sao mà nó nhỏ nhoi, vô nghĩa. Cảm giác cô đơn, cảm giác bị rứt ra khỏi cuộc sống nặng nề xâm chiếm lấy hồn anh. Xưa kia anh đã từng có cảm giác na ná như vậy khi đêm đêm đứng vọng tiêu trên mũi tàu chiến. Chà, sao mà đã xa lắc xa lơ! Cứ như một giấc chiêm bao lâu ngày lắm rồi hầu như đã quên…
Ánh nắng đã nóng lên rõ rệt. Ngọn gió nam hây hẩy đã mạnh lên. Đavưđốp gục đầu xuống và thiu thiu đi lúc nào không biết, người khẽ lắc lư khi xe xóc trên những ổ gà và những chỗ mấp mô trên đường xá thảo nguyên hoang vu.
Đavưđốp gặp phải một đôi ngựa còm nhom và một bác xà ích ít nói, bác nông trang viên Ivan Argianốp mà dư luận hàng xóm cho là có tí cám hấp. Bác hết sức gượng nhẹ đôi ngựa bác mới được giao, và vì vậy hầu như suốt dọc đường tới lán của đội chúng chỉ đi lững thững bước một êm ru đến nỗi nửa đường Đavưđốp sực tỉnh dậy đã không nén nổi và nghiêm giọng hỏi:
- Sao thế, hả bác Ivan, bác chở bát đĩa đi chợ bán hay sao vậy? Sợ vỡ hẳn? Sao cứ bước một suốt mãi thế này?
Bác Argianốp chẳng buồn đáp, cũng chẳng buồn quay lại. Một lát sau bác mới trả lời bằng giọng the thé:
- Chở "bát đĩa" gì thì lão biết chứ! Chú là chủ tịch nông trang thật đấy những cũng không bắt được lão phải cho ngựa chạy đại lên vô tích sự đâu. Chú đừng ấm ớ!
- Thế nào là "vô tích sự"? Nhưng ít ra thì lúc xuống dốc bác cũng phải cho chạy rảo lên tí chứ! Xe chở có nặng lắm đâu, có thể coi như chạy không, thực tế thế!
Im lặng một lúc lâu bác Argianốp mới miễn cưỡng đáp:
- Con ngựa tự nó khắc biết lúc nào nên đi bước một, lúc nào nên chạy.
Đavưđốp bắt đầu phát cáu lên thực sự. Chẳng giấu cái bực mình, anh kêu thốt lên:
- Hay nhỉ! Thế bác thì để làm cái tích sự gì? Giao cho bác tay cương làm gì? Đặt bác ngồi trên cái ghế này để làm trò gì? Thôi, đưa cương đây tôi!
Bác Argianốp đáp lại với giọng rõ ràng đã bớt miễn cưỡng:
- Nông trang giao cho lão giây cương để đưa ngựa tới nơi cần đến, chứ không phải tới nơi không cần đến. Nhưng nếu chú không thích ngồi bên lão, không thích lão ngồi đây, thì lão có thể xuống đi bộ cạnh xe, nhưng giây cương thì lão không giao cho chú được đâu, chú đừng ấm ớ!
- Sao lại không giao được? - Đavưđốp hỏi, cố nhìn thẳng vào mặt bác xà ích đang cố tình lảng đi không nhìn vào mặt anh.
- Thế chú có chịu giao cương của chú cho lão không?
- Cương nào? - Đavưđốp chưa hiểu ý, hỏi.
- Còn cương nào nữa! Chú cầm cương nảy mực toàn nông trang, được nhân dân giao phó cho chỉ đạo công việc của nông trang. Chú có chịu giao cương ấy cho lão không? Chả đời nào! Chắc chú sẽ bảo: "Bố già ơi, đừng ấm ớ!". Thì lão cũng vậy! Lão có đòi cương của chú đâu? Vậy chú cũng đừng đòi cương của lão!
Đavưđốp vui vẻ cười phá lên, không còn tí dấu vết nào của cơn bực vừa rồi.
Anh hỏi với cái vẻ thú vị đợi câu trả lời: - Này, thế nếu nói giả dụ, làng có cháy, bác chở nước cứu hoả cũng vẫn cứ lững thững cái tốc độ nhục nhã này sao?
- Chở nước cứu hoả thì chả ai cử những người như lão…
Và đến lúc ấy, nhìn nghiêng vào mặt bác Argianốp, Đavưđốp mới thấy ở dưới gò má rám gió nứt nẻ của bác những vết nhăn li ti của một nụ cười kín đáo.
- Vậy theo bác, người ta cử ai?
- Cử những người như chú với chú Maka Nagunốp.
- Sao lại thế?
- Vì trong làng chỉ có hai anh đi cũng chỉ thích đi nước đại, và sống cũng như ngựa phi nước đại…
Đavưđốp cười một trận ra cười, tay vỗ đầu hối đôm đốp, đầu ngửa ra sau mà cười. Chửa kịp lấy lại hơi sau trận cười ấy, anh đã hỏi:
- Thế nghĩa là, nếu có cháy thật thì chỉ có tôi với Maka có nhiệm vụ chữa cháy thôi ư?
- Không, sao lại thế! Chú với Maka thì chỉ chở nước thôi, các chú sẽ quất ngựa chạy bò rạp đất, bọt sủi đầy mồm bắn tung toé tứ phía, còn dập tắt đám cháy sẽ là bà con nông trang viên chúng tôi, người thùng, người câu liêm, người rìu… Còn đứng chỉ huy chữa cháy thì không ai bằng Radơmiốtnốp…
"Thế mà bảo cám hấp đấy!", - Đavưđốp nghĩ bụng, thực sự ngạc nhiên. Sau một phút im lặng, anh hỏi:
- Tại sao bác bảo chỉ huy chữa cháy thì nhất Radơmiốtnốp?
Lần này thì bác Argianốp cười một cách tự nhiên hơn, đáp:
- Chú khôn mà không tinh. Ai sống như thế nào thì khi chữa cháy phải được giao nhiệm vụ như thế ấy chứ, tóm lại là theo bản tính người ấy. Chú với anh Maka sống cứ như ngựa phi, ngày đêm chẳng lúc nào yên, thành thử chỉ có hai chú là sẽ chở được nước khẩn trương nhất, vì các chú là người nhanh nhẹn xông xáo nhất: không có nước thì có trời chữa được cháy, đúng thế không? Còn cái chú Anđrây Radơmiốtnốp thì sống như ngựa chạy nước kiệu, không giơ roi ra thì không chịu dấn lên, không chịu đổi bước… Nghĩa là, với cái lối ataman của chú ấy thì còn có việc làm gì khác ngoài cái việc tay chống nạng, hô hét quát tháo, làm rối tinh xoè và quẩn chân mọi người? Còn chúng tôi, nghĩa là nhân dân, thường ngày sống thủng thẳng bước một thế thôi, và chúng tôi phải từ từ dập tắt đám cháy, không lộn xộn, không rối rít lên…
Đavưđốp vỗ đốp một cái vào lưng bác Argianốp, quay ngang người bác về phía mình và bắt gặp một đôi mắt đang mỉm cười hóm hỉnh trên khuôn mặt xồm râu và hiền lành phúc hậu của bác. Anh khẽ mỉm cười, bảo:
- Ông nội ơi, ông cáo lắm!
- Thì anh cũng vậy, anh Đavưđốp ạ, cũng nhất hạng cáo già! - Bác Argianốp vui vẻ đối đáp lại.
Họ tiếp tục lê đi bước một, nhưng Đavưđốp yên chí một bề là có nói mấy cũng vô ích nên thôi không thúc bác Argianốp nữa.
Thỉnh thoảng anh lại nhảy xuống đi bộ bên xe. Chuyện trò về công việc nông trang và linh tinh đủ thứ chuyện, Đavưđốp mỗi lúc một thấy rõ bác xà ích già chả có tí gì lẩm cẩm cả; chuyện nào bác cũng xét đoán một cách chí lý, chính xác, hiện tượng nào bác cũng có một cách đánh giá riêng, độc đáo, ít thấy.
Khi đằng xa đã hiện ra dãy lán của đội và bên cạnh đó làn khói bếp mảnh khảnh uốn khúc cuộn lên, Đavưđốp hỏi bác xà ích:
- Này, bác Ivan ơi, tôi hỏi thật, suốt đời bác lúc nào cũng cho ngựa đi lững thững thế này sao?
- Đúng vậy.
- Sao bác không bảo tôi biết trước cái lối lạ đời ấy của bác? Tôi sẽ chả đi xe bác đâu, thực tế thế!
- Việc gì lão phải vỗ ngực khoe khoang nhỉ? Cứ để tự mắt anh thấy kiểu đi củalão. Anh đi với lão một lần, rồi anh kệch đến già.
Đavưđốp cười nụ: - Tự đâu mà bác sinh ra cái kiểu ấy?
Bác Argianốp không trả lời câu hỏi, kể sang chuyện khác:
- Ngày xưa lão có ông hàng xóm làm thợ mộc, rượu bét nhè. Tay vàng tay ngọc, chỉ phải cái tội bét nhè. Lão ta cố nhịn, cố nhịn, nhưng rồi cứ động đánh hơi thấy mùi rượu là luý tuý càn khôn luôn! Có cái gì trên người là lão cởi bán uống hết sạch, không còn lấy manh khố.
- Rồi sao nữa?
- Rồi đến đời con lão ta thì chỉ độc uống nước lã.
- Bác kể loanh quanh thế làm gì?
- Đâu mà loanh quanh. Ông cụ lão hồi còn sống là một tay đi săn táo tợn, và cưỡi ngựa lại còn táo tợn hơn thế nữa. Hồi còn tại ngũ ông cụ chiếm tất cả những giải nhất trung đoàn về đua ngựa, đấu kiếm và nhào lộn trên lưng ngựa. Giải ngũ về, năm nào cụ cũng giật giải đua ngựa hàng xã. Cụ là bố đẻ ra lão thật đấy, nhưng nói trộm vong linh cụ, cụ là một tay phá hoại. Cụ là một anh kô- dắc có tính thích giương vây, chơi trội… Thường là sáng nào cụ cũng nướng một cái đinh vào bếp lò để uốn ria mép. Cụ thích làm bảnh với bà con dân làng, nhất là với các bà các cô…. Và cụ phóng ngựa nom mới ghê! Thật là kinh hồn bạt vía! Nói giả dụ cụ có việc phải lên phố, cụ vào chuồng dắt con ngựa chiến ra, đóng yên cương vào, và thế là phóng luôn! Một hai vòng sân, cho ngựa nhảy phốc qua rào, rồi thì chỉ còn thấy bụi mù sau lưng cụ. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ cụ không hề biết đến nước kiệu hoặc đi bước một. Từ làng lên đến phố quận là hai mươi tư véxta, cụ làm một lèo, và khi về cũng vậy. Cụ thích chơi ngông, phóng ngựa đuổi theo thỏ rừng. Thỏ rừng nhá, chứ không phải sói đâu! Cụ xua con thỏ nấp trong đám cỏ ra, đuổi nó ra khỏi bụi rậm, rượt theo, rồi hoặc là vung roi quật chết, hoặc là cho ngựa xéo chết. Đã bao nhiêu lần ông cụ phi ngựa ngã om xương, nhưng vẫn không chịu thôi cái trò ấy. Và ngựa của nhà, ông cụ cho đi đời hết. Lão nhớ, có sáu con bị ông cụ hành cho: con thì què, con thì chết. Ông cụ đã làm mẹ con lão sạt nghiệp! Chỉ trong vòng một mùa đông, cụ đã cho toi hai con ngựa. Vấp một cái giữa lúc đang phi, lộn cổ xuống đất đóng băng, thế là đi đứt một con! Mẹ con thấy ông cụ lủi thủi đi bộ về, vai vác bộ yên. Bà cụ khóc gào lên như nhà có người chết, còn ông cụ cứ phớt tỉnh nhân sự! Cụ nằm liệt giường ba ngày, mồm rên hừ hừ, nhưng những vết thâm tím trên người chưa kịp tan, cụ đã tấp tểnh đi săn rồi…
- Quần chết ngựa mà sao cụ vẫn sống nguyên được nhỉ?
- Con ngựa nó nặng xác lắm. Đang phi mà ngã thì nó lộn cổ ba vòng trong không khí rồi mới rơi xuống mặt đất. Còn ông cụ ấy à, ông cụ nhả luôn bàn đạp ra và bay khỏi lưng ngựa như một con én. Rồi rơi bịch xuống, nằm bất tỉnh nhân sự, đủ cái thời gian cần thiết để lai tỉnh, rồi lổm ngổm bò dậy, hành quân cuốc bộ về nhà. Gan thật là gan cóc tía! Và đúng là xương đồng da sắt!
- Bợm đấy nhỉ! - Đavưđốp phục lăn, nói.
- Bợm thì đúng là có bợm, nhưng ở đời có kẻ lại còn bợm hơn…
- Sao?
- Cụ đã bị đám kô- dắc trong làng giết toi mạng.
- Vì sao vậy? - Đavưđốp cuốn điếu thuốc hút, tò mò hỏi.
- Anh cho lão xin một điếu.
- Tưởng bác không hút chứ, bác Ivan?
- Lão có hút đâu, nhưng đôi lúc cũng muốn làm một hơi. Với lại, ngồi nhớ lại chuyện ngày xưa, không hiểu sao thấy khô khô và đắng miệng… Anh hỏi tại sao họ lại giết cụ hả? Nghĩa rằng là cũng đáng kiếp thôi…
- Đáng kiếp là thế nào?
- Chuyện nhân tình nhân ngãi ấy mà. Cái bà này có chồng rồi. Và anh chồng nghe phong thanh biết chuyện. Một chọi một với ông cụ thì anh ta ngại: cụ không cao lớn lắm, nhưng khoẻ kinh người. Thế là anh chồng cô nhân tình của cụ mới đem chuyện bàn với hai tay em. Câu chuyện xảy ra vào ngày lễ cầu Đức bà. Đêm hôm ấy ba anh em hắn rình ông cụ ở bờ sông… Lạy Chúa, họ nện cho ông cụ một trận nhá! Cứ đòn xóc mà quật, và còn thanh sắt gì nữa… Sáng hôm sau khi người ta khiêng ông cụ về nhà thì ông cụ vẫn còn bất tỉnh nhân sự và xám ngoét như chì. Suốt một đêm nằm bất động trên mặt băng giá đâu có phải là chuyện bỡn, phải không? Trên mặt băng cơ mà! Một tuần sau ông cụ bắt đầu nói được và nghe ai nói gì thì hiểu được. Tóm lại là cụ hồi tỉnh. Nhưng cụ nằm liệt giường mất hai tháng, thổ ra huyết và nói thì chỉ lí nhí, lí nhí. Lục phủ ngũ tạng cụ bị đánh dập hết mà. Bạn bè đến thăm hỏi cứ căn vặn cụ: "Đứa nào đánh anh, hả anh Phêđo! Nói đi, chúng tôi sẽ…". Nhưng cụ cứ nín thinh, khẽ nhếch mép cười, và khi đưa mắt nhìn thấy bà cụ đã ra ngoài mới thều thào nói: "Anh em ạ, tôi không nhớ mà. Những anh chồng đã bị tôi làm hại thì nhiều lắm".
Còn bà cụ thì không biết bao nhiêu lần đã quỳ xuống bên giường ông cụ mà van: "Phêđo mình ơi, ít ra thì cũng xin mình nói cho tôi biết: đứa nào đã hại mình? Mình nói đi, lạy Chúa, nói đi để tôi còn biết đường cầu Chúa trừng phạt ai!". Nhưng ông cụ đặt bàn tay lên đầu bà cụ, vuốt tóc như vuốt ve một đứa nhỏ, và bảo: "Tôi chả biết là ai cả. Trời tối lắm, tôi không đoán ra là ai mà. Họ nện tôi từ đằng sau lưng, đánh ngã quay lơ, tôi cũng có kịp nhận ra đứa nào cho tôi ăn đất đâu…". Hoặc cũng vẫn ôn tồn như thế cụ mỉm cười bảo cụ bà: "Mẹ nó cứ thích bới chuyện cũ ra làm gì? Ác giả ác báo đấy thôi…". Nhà mời cha đạo đến làm lễ ban thánh thể, nhưng ông cụ chẳng hở ra điều gì với cha đạo cả. Người gan thế mới là gan!
- Sao bác biết cụ không nói gì với cha đạo?
- Lão rúc dưới gậm giường, nghe trộm mà. Cụ bà bảo: "Này, Ivan, mày chui xuống gậm giường, nghe xem có khi thày mày nói cha biết những đứa nào đã giết thày đấy". Nhưng ông cụ chả nói gì về họ cả. Năm lần bảy lượt bị cha căn vặn, cụ đều nói: "Thưa cha, con là kẻ có tội", rồi hỏi lại cha: "Thưa cha Mitơri, chẳng hay ở thế giới bên kia có ngựa không cha?". Cha đạo nghe thế xem chừng phát hoảng lên, lắp bắp nói: "Ơ hay, Phêđo con ơi, con chiên của Chúa! Làm gì có chuyện ngựa nào ở thế giới bên kia! Con hãy lo đến chuyện cứu vớt linh hồn con!". Cha đạo khuyên giải ông cụ hồi lâu, ông cụ vẫn cứ nín tinh, rồi nói: "Cha bảo ở đấy không có ngựa à? Chán nhỉ! Giá có thì con sẽ xin cái chân dạy ngựa… Nhưng đã không có thì con cũng chả biết làm gì ở cái thế giới bên kia ấy cả. Thế thì con sẽ chả chết nữa đâu, thế thôi cha ạ". Cha đạo làm ù cho xong lễ ban thánh thể rồi ra về, trong bụng rất khó chịu, tức đến lộn ruột. Lão kể lại cụ bà nghe đầu đuôi, cụ bà oà khóc và bảo: "Thày con sống là một kẻ tội lỗi, chết cũng sẽ là một kẻ tội lỗi mất thôi!".
Sang xuân - lúc ấy tuyết đã tan - ông cụ ngóc dậy được, đi đi lại lại trong nhà hai ngày, rồi sang ngày thứ ba, lão thấy cụ khoác áo bông vào, đội mũ bông vào, rồi bảo; "Này, Ivan, đi đóng yên con ngựa cái cho thày". Hồi ấy nhà chỉ còn độc con ngựa cái ba tuổi. Cụ bà nghe thấy ông cụ nói, và thế là giọt ngắn giọt dài: "Phêđo, bây giờ mình còn cưỡi ngựa sao được nữa mà đòi cưỡi! Đứng còn không vững kia mà! Mình chả thương thân thì cũng phải thương vợ con tí chứ!". Cụ ông cười xoà và bảo: "Mẹ nó à, cả đời tôi chả đi ngựa bước một bao giờ. Trước khi tôi chết, mẹ nó cho tôi được lên yên một lần nữa thôi, đi bước một quanh sân một tí. Hai vòng thôi mà, rồi vào ngay".
Lão đi đóng yên con ngựa, dắt đến trước thềm. Bà cụ dìu ông cụ ra. Hai tháng trời cụ không cạo râu, và trong nhà tối quá không thấy thời gian qua cụ đã thay đổi ghê đến thế nào… Ra chỗ thanh thiên bạch nhật, lão nhìn ông cụ, và trong lòng nóng bỏng rơi nước mắt! Hai tháng trước râu tóc cụ đen như bồ hóng, thế mà bây giờ râu cụ đã hoa râm, ria cũng vậy, còn tóc hai bên thái dương thì bạc phơ, trắng như tuyết… Giá như cụ không mỉm một nụ cười đau khổ thì lão cũng chả khóc đâu, nhưng thế này thì lão không kìm nổi… Cụ cầm lấy cương ở tay lão, víu lấy bờm ngựa, trong khi cánh tay trái cụ bị đánh gãy chỉ vừa mới liền xương thôi. Lão định đỡ cụ, nhưng cụ không cho. Người kiêu đâu mà kiêu lạ! Chỉ cái chuyện mình yếu thôi cũng đã làm cụ xấu hổ rồi. Chắc hẳn cụ muốn, cũng như xưa, bay lên lưng ngựa như một con chim, nhưng không được… Cụ đặt chân lên bàn đạp dướn mình lên, nhưng cánh tay trái cụ đã phản lại cụ, ngón tay rã rời ra, và cụ ngã ngửa, lăn chổng kềnh xuống đất… Mẹ con lão khiêng cụ vào nhà. Trước cụ chỉ ho khạc ra máu thôi, bây giờ mồm cụ ộc máu ra như cái vòi rồng. Cho đến tối bà cụ không lúc nào rời khỏi cái chậu giặt, không sao giặt kịp những khăn lau đỏ lòm máu. Nhà lại kêu cha đạo tới. Đến đêm cha đạo làm lễ ban thánh thể cho ông cụ, nhưng cụ thật là gan lạ gan lùng! Mãi đến ngày thứ ba sau khi chịu lễ ban thánh thể, vào lúc xẩm tối, cụ mới bắt đầu rên rỉ, vật vã trên giường một lúc, rồi nhảy xuống đất, nhìn bà cụ bằng đôi mắt đục lờ nhưng tươi cười, và nói: "Nghe nói chịu lễ xong thì không được giẫm chân xuống đất, nhưng tôi muốn đứng thế một tí… Cái đất này bao lâu nay tôi xéo lên nó, cưỡi ngựa trên nó, nay phải rời bỏ nó lòng tôi đau như cắt… Mẹ nó ơi, đưa tôi nắm bàn tay bé bỏng của mẹ nó, cái bàn tay trên đời này đã vất vả trăm chiều…".
Bà cụ xích gần tới, nắm lấy tay ông cụ. Ông cụ ngả lưng nằm xuống, im lặng một lát, rồi thều thào: "Còn nước mắt thì vì tôi bàn tay mẹ nó cũng đã phải lau biết bao nhiêu bận…" - cụ quay mặt vào tường rồi qua đời sang thế giới bên kia chăn ngựa cho đức thánh Vlaxi…
Chắc hẳn bồi hồi trước chuyện xưa gợi lại, bác Argianốp im lặng một hồi lâu. Đavưđốp hắng giọng, hỏi:
- Này, bác Ivan à, nhưng sao bác lại biết kẻ đánh cụ là anh chồng của… ờ, nghĩa là của cái bà kia... và anh em nhà hắn? Bác phỏng đoán thế thôi chứ gì? Nghi thôi hả?
- Nghi là thế nào! Chính cụ đã bảo lão biết thế, một ngày trước khi nhắm mắt.
Đavưđốp ngạc nhiên nhổm người lên:
- Thế nào, cụ bảo à?
- Phải, đúng là cụ bảo. Sáng hôm ấy bà cụ đi vắt sữa bò, lão ngồi bên bàn học nốt bài trước khi cắp sách ra trường, lão nghe thấy tiếng cụ thều thào; "Ivan, lại đây con!". Lão lại. Cụ thều thào: "Cúi thấp xuống đây". Lão cúi xuống. Cụ nói lí nhí: "Con ơi, con sắp mười ba rồi, thày chết đi con sẽ là chủ gia đình, con hãy ghi nhớ điều này: kẻ đánh chết thày là thằng Avêrian Arkhipốp và hai thằng em nó, thằng Aphanaxi và thằng Xergây mắt chột. Nếu như chúng nó đánh thày chết ngay lúc ấy, thày đã chả mang lòng thù oán chúng đâu. Hôm ấy, ở bờ sông, lúc còn tỉnh, thày đã xin chúng giết thày chết ngay đi. Nhưng thằng Avêrian đã bảo thày; "Mày không được chết nhẹ nhàng như thế đâu, đồ sâu bọ! Mày phải sống què sống quặt, mày phải nuốt máu mày ừng ực, chán chê mê mỏi đã rồi mới chết nổi cơ!". Đấy, vì thế thày mới oán thằng Avêrian. Thày đã chết đến cổ rồi, nhưng bụng vẫn oán giận! Bây giờ con còn bé, nhưng một ngày kia con lớn, con hãy nhớ những nỗi đau đớn của thày và giết thằng Avêrian đi cho thày! Những điều thày nói đây, con đừng nói với ai cả, cả mẹ, cả bất cứ ai trên đời. Con thề sẽ không nói với ai đi!". Lão thề, hai mắt ráo hoảnh và hôn chiếc thánh giá cụ đeo trước ngực…
- Chà, hệt như chuyện dân Tserkex ở Cápcadơ ngày xưa vậy! - Đavưđốp bồi hồi trước câu chuyện bác Argianốp kể, kêu thốt lên.
- Thế dễ chỉ dân Tserkex mới có tim gan, còn người Nga thì có hòn đá thay cho tim sao? Chú nó ơi, người ta ai cũng như ai.
- Rồi sao nữa? - Đavưđốp nóng ruột nghe tiếp, hỏi.
- Chúng tôi mang cụ đi chôn. Ở nghĩa địa về, lão vào phòng, đứng tựa lưng vào bậu cửa, lấy bút chì đánh dấu quãng đỉnh đẩu. Tháng tháng lão đo xem mình cao lên đến đâu: lão muốn mau mau lớn để giết thắng Avêrian… Lão đã thành chủ gia đình, và lúc ấy lão mới mười hai tuổi, và ngoài lão ra, bà cụ lão lớn nhỏ còn bảy đứa nữa. Từ ngày ông cụ mất, bà cụ ốm đau luôn, và lạy Chúa, nói sao cho hết những cay đắng cùng cực mẹ con lão đã phải cắn răng chịu! Ông cụ bậy bạ thật đấy, nhưng ông cụ biết chơi thì cũng biết làm. Đối với những ai đó thì cụ là con người xấu xa, còn đối với mẹ con lão thì cụ là máu mủ: từ mùa xuân đến mùa thu cụ còng lưng ngoài đồng kiếm cho mẹ con lão có bánh ăn, có áo mặc, có giày đi… Lúc ấy vai lão còn hẹp, lưng lão còn mềm, thế mà lão đã phải gánh vác tất cả gia đình và làm việc như một người lớn. Còn mồ ma ông cụ, nhà có bốn anh em đi học, cụ chết đi thì tất cả phải bỏ học. Con bé Nhiurka, lên mười tuổi, lão giao cho nó bếp núc và vắt sữa bò thay cho bà cụ, những thằng em nhỏ thì đỡ lão công việc đồng áng. Nhưng tháng tháng lão vẫn không quên tựa lưng bậu cửa đo người. Hiềm nỗi năm ấy lão lớn xoàng quá: đau khổ và đói rách làm lão cọc người đi. Còn thằng Avêrian thì lão vẫn theo dõi như một con sói con rình con vịt trong bụi cói. Hắn đi đâu một bước lão cũng biết, đi bộ, hay đi ngựa, lão biết tất…
Những ngày chủ nhật, thường là đám trẻ lứa tuổi lão tụ tập lại vui chơi, còn lão chả có thì giờ đâu, lão là ông chủ gia đình. Ngày thường, chúng đi học, còn lão thì đi dọn chuồng bò… Lão uất phát khóc lên với cái cuộc sống mòn mỏi! Dần dần lão xa lánh đám bạn cùng lứa tuổi, sống cô đơn, lầm lì như cục đất, chẳng muốn gặp ai… Thế là làng xóm người ta bắt đầu nói về lão, bảo là thằng Ivan Argianốp có tí lẩn thẩn, cám hấp. Lão nghĩ bụng: "Cha tiên nhân chúng bay! Đặt chúng bay vào địa vị tao xem! Cuộc sống điêu đứng như tao đây sẽ làm cho chúng bay thông minh chán ra đấy!". Và thế là lão đâm ra căm ghét tất cả dân làng, không muốn nhìn mặt ai!... Chú nó ơi, cho lão xin điếu thuốc nữa.
Bác Argianốp lóng ngóng cầm lấy điếu thuốc. Ngón tay lão trông rõ run lẩy bẩy. Lão loay hoay mãi mới mồi được lửa ở điếu thuốc Đavưđốp, rồi nhắm mắt, trề môi ra một cách ngộ nghĩnh, miệng chem chép.
- Còn thằng Avêrian thì thế nào?
- Thằng Avêrian hả? Hắn sống nhởn nha, theo ý hắn thích. Hắn không tha cho vợ cái tội phải lòng ông cụ nhà lão, đánh đập mụ chí chết, chỉ một năm sau là mụ xuống lỗ. Sang thu, hắn cưới một cô vợ khác, gái tơ trong làng. Lúc ấy lão nghĩ bụng: "Được rồi, Avêrian ơi, mày sẽ chẳng sống bao lâu với con vợ trẻ này đâu…".
Lão bắt đầu giấu bà cụ, dành dụm ít tiền, rồi mùa thu, lão bỏ không đi chợ huyện gần đấy, một mình mang một xe ngựa lúa mạch đi chợ Kalátsơ bán, mua luôn khẩu súng một nòng với mười ba viên đạn. Trên đường về, bắn thử súng, lão tiêu mất ba viên. Súng với ống chán kinh: cò mổ yếu quá, ba viên thì xịt hai, viên thứ ba mới nổ. Về đến nhà lão giấu khẩu súng trong kho thóc, dưới dầm nhà, không hé răng nói với ai về việc mua bán này. Và từ đó lão bắt đầu rình thằng Avêrian … Mất bao nhiêu lâu chẳng được tích sự gì. Lần thì đông người quá, lần thì vì một lý do nào đó lão thấy không nên nổ. Nhưng đợi mãi rồi cũng đến lúc lão vớ được! Điểm chính là lão không muốn giết nó trong làng, gay là ở chỗ ấy! Một hôm, vào ngày đầu lễ xá tội, hắn đi chợ huyện, một mình một xe, không có con vợ. Nhìn rõ hắn đi có một mình, lão liền làm dấu, chả là vì nếu không thì lão đến phải giết cả hai vợ chồng chúng nó. Hai ngày một đên lão không ăn, không uống, không ngủ nấp ở cái khe bên đường. Ngồi dưới khe, lão hết lời cầu nguyện Chúa, xin Chúa làm sao cho thằng Argianốp đi chợ trở về một mình, không có bà con dân xóm nào đi cùng. Và Chúa lòng lành đã nhận lời cầu nguyện thơ ngây của lão! Xẩm chiều hôm sau lão nhìn thấy đúng thằng Avêrian kia rồi - nó đi một mình. Cho đến lúc ấy, đã có biết bao nhiêu xe diễu qua trước mắt lão, biết bao nhiêu lần tim lão đập thình thình khi tưởng trông thấy đôi ngựa thằng Avêrian đang chạy đằng xa trên đường… Khi nó tới ngang chỗ lão, lão liền từ trong khe nhảy ra, quát: "Nhà bác Avêrian kia, xuống xe ngay, và cầu Chúa đi!". Hắn tái mặt đi, bệch như cái tường vôi, và dừng ngựa lại. Hắn là một lão kô- dắc to và khoẻ, nhưng hắn làm gì nổi tôi? Vì tay tôi lăm lăm khẩu súng mà. Hắn quát lão; "Mày giở trò gì thế, đồ ếch nhái kia?". Lão bảo hắn: "Xuống xe ngay, và quỳ xuống. Trò gì thì mày biết ngay bây giờ đây". Quân khốn kiếp ấy, nó to gan thật! Nó nhảy trên xe xuống và hai tay không xông vào lão… Lão để cho nó đến gần, còn khoảng cách từ đây đến cái bụi kia thì lão nổ súng bắn chết tươi…
- Thế ngộ đạn xịt?
Bác Argianốp mỉm cười:
- Chậc, thì nó sẽ cho lão đi theo ông cụ sang chăn ngựa ở thế giới bên kia.
- Chuyện rồi sao nữa?
- Nghe tiếng đạn nổ, đôi ngựa lồng lên chạy, còn lão thì không sao nhúc nhích được khỏi chỗ. Chân tay lão rụng rời, toàn thân run như tàu lá trước gió. Thằng Avêrian nằm ngay kia, nhưng lão không sao bước nổi một bước đến chỗ nó, nhắc chân lên là lại rơi thõng xuống, chực ngã. Hoảng đến thế đấy! Nhưng rồi cũng loay hoay trấn tĩnh lại được, bước tới nó, nhổ toẹt cho nó một bãi vào mặt và lục túi quần, túi áo nó. Lão móc cái túi tiền của nó ra. Trong túi có hai mươi tám rúp tiền giấy, một đồng năm rúp tiền vàng và hai ba rúp tiền lẻ. Chỗ còn lại trong số tiền nó mang đi chắc là nó đã vung hết vào việc sắm sửa cho con vợ nó… Cái túi rỗng lão quẳng bên đường, rồi nhảy xuống khe, chuồn thẳng! Chuyện lâu lắm rồi, nhưng lão nhớ rành mạch, cứ như mới xảy ra hôm qua. Súng và đạn lão chôn dưới khe. Ngay trận mưa tuyết đầu tiên, nửa đêm lão ra đào lên, mang về làng, đem giấu trong hốc cây liễu già bên nhà hàng xóm.
- Sao bác lại lấy tiền của hắn? - Đavưđốp hỏi, giọng gay gắt.
- Thì sao?
- Tôi hỏi bác, sao bác lại lấy tiền?
- Vì lão cần, - bác Argianốp đáp lại thản nhiên. - Hồi ấy cái đói hút sạch máu của mẹ con lão, quá chấy rận.
Đavưđốp nhảy xuống đi bộ theo xe, lẳng lặng hồi lâu. Bác Argianốp cũng lẳng lặng. Rồi Đavưđốp hỏi:
- Chuyện thế là hết à?
- Không, chú nó ạ, chưa hết. Các nhà chức trách đến điều tra, sục sạo, tìm bới… Rồi cũng tiu nghỉu về không. Ai dám ngờ là lão? Và ít lâu sau, thằng Xergây mắt chột, là em thằng Avêrian, đi đốn rừng về cảm lạnh, ốm rồi chết: nó bị sưng phổi. Thế là lão đâm lo: ngộ nhỡ cả thằng Aphanaxi nữa cũng lại chết bình thường như vậy nốt, thì bàn tay lão mà ông cụ đã trao phó cho nghĩa vụ rửa thù, sẽ thành vô dụng mất! Lão vội vàng…
- Khoan, - Đavưđốp ngắt lời bác. - Ông cụ chỉ dặn bác về thằng Avêrian, sao bác lại định làm cả ba?
- Cụ nói nhưng biết bụng cụ thế nào… Và cụ có ý của cụ, lão có ý của lão. Và thế là lão vội vàng tranh thủ… Lão đã bắn chết thằng Aphanaxi qua cửa sổ, khi nó đang ăn tối. Tối hôm ấy lão tựa lưng bậu cửa đo mình lần cuối cùng, rồi lấy giẻ lau sạch những vết đánh dấu. Còn súng đạn thì lão ném xuống sông; những của ấy lão chả cần làm gì nữa… Lão đã làm tròn ý nguyện cụ dối dăng. Không bao lâu sau, bà cụ ngắc ngoải. Một đêm bà gọi lão đến bên, hỏi: "Ivan, con giết chúng đấy hả?". Lão nhận: "Con đấy, mẹ ạ". Cụ chẳng nói chẳng rằng, chỉ nắm lấy bàn tay phải lão đặt lên ngực cụ…
Bác Argianốp giật nhẹ cương. Đôi ngựa bước rảo hơn, và bác đưa đôi mắt xám, sáng như mắt trẻ con, nhìn Đavưđốp hỏi:
- Bây giờ anh có còn căn vặn lão tại sao cứ cho ngựa đi thủng thỉnh nữa thôi?
- Rõ rồi, - Đavưđốp đáp. - Này, bác Ivan ơi, phải giao cho bác đánh xe bò chở nước mới phải, thực tế thế!
- Chuyện ấy lão đã năm lần bảy lượt đề nghị với Iakốp Lukits rồi, nhưng hắn không đồng ý. Hắn muốn hành lão cho đến cùng mà…
- Sao vậy?
- Hồi bé lão đã đến ở làm công cho nhà hắn một năm rưỡi.
- Ra thế!
- Thế đấy, chú nó ạ. Thế chú không biết lão Ôxtơrốpnốp suốt đời có người ở làm công trong nhà à? - bác Argianốp nheo nheo mắt một cách hóm hỉnh: - Có, chú nó ạ, có đấy… Cách đây bốn năm, bắt đầu bị bóp thuế, lão ta đã dẹp lại, thu mình như con rắn độc chuẩn bị vồ mồi, nhưng bây giờ thử không có nông trang và thuế má nhẹ đi xem, Iakốp Lukits sẽ ra tay ngay, anh cứ yên trí! Lão ấy là một tên kulắc gian ác bậc nhất, và anh đã nuôi ong tay áo…
Đavưđốp im lặng hồi lâu, rồi nói:
- Chuyện ấy ta sẽ sửa, sẽ làm cho ra ngô ra khoai, nhưng này, bác Ivan, kể ra bác cũng có tí ngồ ngộ.
Bác Argianốp cười nụ, đôi mắt mơ màng nhìn ra xa xa:
- Ngồ ngộ hả, biết nói với anh thế nào… Có một cái cây anh đào cành lá tua tủa. Lão đến, bẻ một cành con làm cái roi, - cành anh đào làm roi thì nhất hạng, - cái cành xinh xinh ấy, nó cũng có tí ngồ ngộ: mắt này, lá này, dáng này. Thế rồi lão đem gọt nó đi, và bây giờ nó thế này… - lão rút cái roi dưới gầm ghế ra, giơ cho Đavưđốp xem cái tay roi mà nâu nâu vỏ ngoài khô đét. - Nó thế này đây! Nom không ra cái mã gì! Con người ta cũng vậy: không có tí ngồ ngộ thì con người cũng trơ trẽn, thảm hại như cái roi thôi. Đấy như Nagunốp thì học một cái thứ tiếng gỉ tiếng gì ấy chẳng phải tiếng ta - ngồ ngộ đấy; lão Kramxkốp hai chục năm nay cứ ky ca ky cóp vỏ diêm - cũng ngộ; chú thì tằng tịu với con Luska Nagunôva - cũng ngộ; anh chàng say rượu thất thểu ngoài đường, vấp dúi vấp dụi và cà lưng vào hàng rào - cũng ngộ nốt. Ông bạn thân mến ơi, ông chủ tịch, nếu bây giờ chú lại tước mất của con người ta cái ngồ ngộ ấy đi thì người ta nom sẽ trơ trẽn, vô duyên như cái roi này thôi.
Bác Argianốp chìa cái roi cho Đavưđốp và, vẫn cứ cười mơ màng, nói:
- Cầm thử nó một tí, và ngẫm nghĩ xem, đầu óc anh sẽ sáng sủa ra…
Đavưđốp cáu kỉnh gạt tay bác Argianốp đi:
- Quỷ tha ma bắt bác đi! Tôi cần gì phải có cái roi của bác mới biết đường ngẫm nghĩ và xử sự ở đời!
… Rồi, suốt dọc đường, cho đến tận lán của đội sản xuất, cả hai người đều nín thinh…
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK