• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Đất mọng nước mưa, và khi gió xua tản mây ra, đất ngây ngất dưới ánh nắng chói lọi và toả một làn khói lam. Sáng sáng, sương mù dâng lên từ một con ngòi, từ vùng trũng bùn lầy nước đọng. Sương trôi như sóng cuộn qua ấp Grêmiatsi Lốc, lao ra ngoài đồi núi thảo nguyên và ở đó tan ra thành một lớp khói xanh lam mịn màng; và trên cành lá, trên những mái nhà, mái kho lợp sậy, cho đến tận trưa đâu đâu cũng la liệt những hạt sương nặng nom như những hạt đạn ghém đỏ rực, đè trĩu ngọn cỏ.

Ngoài thảo nguyên cỏ băng mọc cao hơn đầu gối. Phía bên kia bãi chăn thả, cây ngạc ba đang ra hoa. Hương hoa ngọt ngào chiều chiều toả vào khắp làng làm xao xuyến trái tim các cô gái. Lúa vụ đông trải ra đến tận chân trời như một bức tường xanh biếc, lúa xuân thì lên đều san sát nom đến là vui mắt. Những khoảnh ruộng cát xám tua tủa những ngọn ngô non nom như muôn ngàn mũi tên.

Tới thượng tuần tháng Sáu, thời tiết đã đẹp đều, trời không gợn bóng mây, và thảo nguyên nở hoa sau những trận gội mưa phơi mình ra lộng lẫy dưới ánh nắng. Giờ đây, thảo nguyên nom như một thiếu phụ đang nuôi con bú, xinh đẹp lạ thường, một vẻ đẹp lắng dịu, hơi mệt mỏi và rạng rỡ, nụ cười xinh tươi hạnh phúc và trong sáng của tình mẹ con.

Sáng nào cũng vậy, mặt trời chưa mọc, Iakốp Lukits đã khoác lên vai tấm áo măngtô vải thô đã sờn, ra đồng ngắm lúa. Lão đứng hồi lâu bên bờ ruộng, nơi bắt đầu trải ra những đợt sóng triều của lúa đồng xanh rờn và long lanh hạt sương đêm. Lão đứng lặng, đầu rủ xuống, như một con ngựa già mệt mỏi, và nghĩ miên man: "Nếu trong thời gian lúa ngậm đòng không có gió đông nam, nếu lúa không bị trụi đi vì đợt gió nóng thì thằng nông trang ba lần trời đánh kia sẽ vớ bẫm thóc! Cái chính quyền xôviết khốn kiếp này thật là vận đỏ! Hồi làm ăn riêng lẻ, bao nhiêu năm liền mưa gió thất thường, thế mà bây giờ cứ như mong sao được vậy! Và được mùa, giá trị ngày công cao thì có mà kích được bọn nông trang viên chúng nó chống lại chính quyền xôviết khối ra đấy! Đừng hòng! Thằng đói thì như con chó sói trong rừng, đâu cũng sục, thằng no thì như con lợn trong chuồng, chỉ nằm ì bị thịt ra đó. Ngài Pôlốptxép còn nghĩ gì, đợi gì nữa, mình thật chẳng hiểu! Bây giờ lật nhào chính quyền xôviết đi thì đúng lúc quá, thế mà họ cứ lừng khừng…".

Iakốp Lukits, chờ mãi cuộc đổi đời mà Pôlốptxép đã hứa, phát ngán mà phán bậy thế thôi. Lão thừa biết Pôlốptxép chẳng lừng khừng tí nào và hoàn toàn chẳng khoanh tay ngồi đợi. Hầu như đêm nào cũng có những người liên lạc từ những làng ấp xa xôi, từ những quận khác cưỡi ngựa băng tới dọc theo bờ dốc đứng chạy từ núi tới tận sát vườn nhà Ôxtơrốpnốp. Chắc họ để ngựa lại khu rừng đầu dốc, đi bộ tới. Nghe mật hiệu gõ nhẹ, Iakốp Lukits ra mở cửa cho họ, không lên đèn, đưa họ vào gian phòng xép gặp Pôlốptxép. Gian phòng xép cửa sổ đóng im ỉm ngày đêm, bên trong lại còn buông màn dạ xám dày kín mít. Ngay những ngày trời nắng trong phòng cũng tối xâm xẩm, như dưới hầm chứa, và cũng như dưới hầm, phòng hôi mùi ẩm mốc của những nơi bí hơi. Ban ngày cả Pôlốptxép lẫn Liachépxki không thò ra khỏi nhà. Một thùng thiếc đặt lọt trong cái lỗ khoét dưới ván sàn dùng làm bô vệ sinh cho hai tên tù tự nguyện.

Những kẻ lén lút tới ban đêm ấy, lúc đưa họ vào tới phòng ngoài Iakốp Lukits bao giờ cũng đánh que diêm thoáng xem mặt từng người, nhưng lão chưa lần nào nhận ra một bộ mặt nào quen; tất cả đều là người lạ và xem chừng từ xa đến. Một lần lão đánh bạo hỏi nhỏ một trong những người liên lạc ấy:

- Đồng bào ở đâu đến đấy?

Ánh lửa le lói của que diêm soi sáng dưới chiếc mũ trùm khuôn mặt rậm râu nom vẻ hiền lành của một anh kô- dắc đã đứng tuổi. Iakốp Lukits trông thấy một đôi mắt nheo lại và một nụ cười chế giễu của hai hàm răng trắng nhởn.

- Từ thế giới bên kia, đồng bào ạ! - Người kia đáp lại cũng thì thầm như thế. Và nói tiếp bằng giọng ra lệnh: - Dẫn vào gặp thượng cấp mau lên, và tò mò vừa vừa chứ!

Và hai ngày sau, người kô- dắc rậm râu ấy lại đến, dắt theo một anh kô- dắc khác trẻ hơn. Họ vác vào một vật gì nặng, nhưng bước nhẹ chân, hầu như không phát ra tiếng động. Iakốp Lukits đánh diêm, trông thấy người rậm râu ôm một đôi yên ngựa sĩ quan, vai vắt những bộ cương nạm bạc; người thứ hai thì vác trên vai một bọc dài nom không ra hình thù gì, cuộn trong một tấm áo khoác đen lông xù.

Người rậm râu nháy mắt với Iakốp Lukits như với một người quen biết từ lâu, hỏi:

- Có nhà không? Cả hai ông chứ? - Và chẳng đợi trả lời, hắn bước thẳng tới gian phòng xép.

Que diêm tàn đốt bỏng tay Iakốp Lukits. Đi mò trong tối, người rậm râu vấp phải cái gì, khẽ vặc một tiếng.

- Đợi tí, có đây, - Iakốp Lukits nói, tay lóng ngóng móc que diêm trong bao ra.

Pôlốptxép đích thân ra mở cửa, khẽ nói:

- Vào đi. Vào đi chứ, lần chần gì đấy? Iakốp Lukits, cả anh nữa, vào đây. Tôi có việc cần đến anh. Khe khẽ chứ, tôi châm đèn đây.

Y châm cây đèn bão "Con dơi", nhưng trùm chiếc áo varơi lên trên, chỉ để hở một khe sáng chênh chếch rọi xuống ván sàn sơn màu gạch.

Hai người mới tới kính cẩn chào, đặt xuống bên cửa những đồ họ mang tới. Người rậm râu tiến lên hai bước, rập gót giày, rút trong người giơ ra một phong thư. Pôlốptxép bóc thư, ghé sát vào ngọn đèn xem lướt qua một lượt, nói:

- Nói với ông Bạc đầu là tôi cám ơn. Không có thư trả lời đâu. Tôi đợi tin ông ấy muộn nhất là đến ngày mười hai. Thôi về đi! Có tới kịp trước sáng không?

- Kịp chứ ạ. Ngựa chúng tôi tốt. - Người rậm râu đáp.

- Đi đi. Cám ơn anh em.

- Tuân lệnh!

Hai người làm động tác đằng sau quay đều rắp, rập gót giày đi ra. Iakốp Lukits phục lăn, nghĩ bụng: "Đúng là dân lão luyện! Trông biết ngay là quân nhân chuyên nghiệp già đời!... Nhưng sao họ không gọi ông ấy theo quân hàm nhỉ?...".

Pôlốptxép bước tới, đặt bàn tay nặng chịch lên vai lão. Iakốp Lukits vô tình cũng ưỡn thẳng người đứng nghiêm, tay ruỗi thẳng theo đường nẹp quần. Pôlốptxép cười khe khẽ:

- Trông thấy hai con đại bàng ấy rồi chứ? Họ sẽ không quay quắt đâu. Họ sẽ theo tôi nhảy vào lửa, chứ không như mấy quân chó má non gan bên ấp Vôixkôvôi đâu. Nào xem họ mang đến cho ta những cái gì nào…

Pôlốptxép quuỳ một gối xuống, thoăn thoắt cởi những sợi dây da không thuộc trăng trắng bó nhằng nhịt ngoài tấm áo, giở ra, và lôi ra một khẩu súng máy tháo rời và bốn băng đạn tròn ánh lên đùng đục bọc trong một tấm vải dầu. Rồi y thận trọng kéo ra hai thanh kiếm. Một là thanh kiếm lính kô- dắc đút trong chiếc bao trải qua bao phong trần đã sờn, thanh kia là kiếm võ quan với cái nuốm bạc gắn sâu vào chuôi kiếm, cái dải huân chương Ghêorghi đã xỉn màu, và cái bao dát bạc cài vào chiếc thắt lưng đen kiểu Cápcadơ.

Pôlốptxép quỳ hẳn cả hai gối xuống, nâng thanh kiếm trên hai lòng bàn tay giơ thẳng, ngửa đầu như chiêm ngưỡng cái ánh sáng bạc mờ mờ. Rồi y áp thanh kiếm vào ngực, nói giọng run run:

- Em thân yêu của ta, giai nhân của ta! Người bạn gái trung thành của ta! Em sẽ còn dịp giúp ta, trung thành, một lòng một dạ!

Cái hàm dưới to bạnh của y mấp máy run run, khoé mắt y sôi lên hai giọt lệ giận dữ và ngây ngất, nhưng y cố trấn tĩnh lại, quay sang Iakốp Lukits một bộ mặt méo xệch, xám nhợt và nói oang oang:

- Có nhận ra nó không, Iakốp Lukits?

Iakốp Lukits nuốt khan ừng ực, lặng lẽ gật đầu: lão nhận ra rồi, lão đã trông thấy nó lần đầu tiên hồi năm 1915, tại mặt trận Áo, trong tay viên quan hai Pôlốptxép trẻ măng và hiên ngang…

Liachépxki từ nãy vẫn nằm dài trên giường lặng thinh và mặt lạnh như tiền, ngồi dậy, buông thõng hai bàn chân để trần, vặn người kêu răng rắc, lừ nhìn bằng con mắt độc nhất long lanh, khàn khàn nói:

- Một cuộc hội ngộ cảm động! Có thể nói là một bản tình ca phiến loạn! Mình chúa ghét những cái trò lãng mạn với cái giọng thống thiết thối rích ấy!

- Này thôi đi! - Pôlốptxép gắt.

Liachépxki nhún vai:

- Sao lại phải thôi? Và thôi cái gì nhỉ?

- Tôi yêu cầu anh thôi đi! - Pôlốptxép nói rất nhỏ, vừa nói vừa đứng dậy, rồi từ từ, như rón rén, bước tới bên giường.

Bàn tay trái run run của y cầm thanh kiếm, còn tay phải thì giằng cởi khuy cổ chiếc áo cao cổ màu xám. Iakốp Lukits kinh hãi thấy cơn điên đã làm đôi mắt y nhít vào giữa sống mũi và khuôn mặt húp híp của y xám đi như màu áo y mặc.

Liachépxki thản nhiên từ từ ngả lưng nằm xuống giường, đưa hai bàn tay lót sau gáy. Hắn nói, miệng mỉm cười mỉa mai, con mắt độc nhỡn nhìn lên trần:

- Trò mần tuồng! Những trò ấy mình đã thấy, và thấy mãi rồi, ở những rạp hát tỉnh lẻ khai nồng khai nặc. Ngấy lắm rồi!

Pôlốptxép dừng lại cách hắn hai bước, đưa tay lên lau mồ hôi trán trong một cử chỉ vô cùng mệt mỏi; rồi cánh tay y buông thõng xuống, bải hoải và mềm nhũn.

- Thần kinh… - Y nói ấp úng, lưỡi như líu lại, và một cơn co giật tưởng đâu như một nụ cười kéo mặt y méo xệch.

- Cái ấy nữa mình cũng nghe thấy nhiều lần rồi. Thôi cái trò đàn bà ấy đi, anh Pôlốptxép ạ! Phải tự chủ được chứ!

Pôlốptxép lắp bắp:

- Thần kinh… Thần kinh rối loạn… Mình cũng chán ngấy sống trong bóng tối, trong nấm mồ này rồi…

- Bóng tối là bạn hiền của người quân tử. Nó thuận lợi cho những suy tưởng triết lý về cuộc sống, còn thần kinh thực tế chỉ có ở những cô nường thiếu máu, mặt đầy trứng cá, hoặc ở các bà có bệnh đau đầu và bệnh đa ngôn. Đối với một võ quan thần kinh là điều nhục nhã, đáng xấu hổ! Thực ra thì anh cũng chỉ giả vờ thế thôi, anh Pôlốptxép ạ, anh làm quái gì có thần kinh nào, chỉ gàn dở thôi! Tôi không tin anh đâu! Lấy danh dự võ quan, tôi không tin!

- Anh đâu phải võ quan, mà là con vật!

- Cái ấy nữa tôi cũng nghe anh nói nhiều lần rồi, nhưng dẫu sao tôi cũng sẽ chẳng thách anh đi đấu kiếm làm gì, quỷ tha ma bắt anh đi! Trò ấy cổ và lỗi thời rồi, đang phải làm những công việc quan trọng bằng mấy. Hơn nữa, anh thừa biết đấy, anh bạn hảo hán ạ, là người ta đấu nhau bằng gươm chứ không phải bằng thứ dao thái thịt của cảnh sát mà anh đang ôm vào lòng một cách cảm động và âu yếm đến thế. Là người lính pháo binh kỳ cựu, tôi coi khinh cái của làm cảnh ấy. Còn một lý do nữa để tôi không thách anh đấu kiếm: anh dòng dõi dân đen, còn tôi dòng dõi quý tộc Ba Lan thuộc một gia đình thế phiệt đã từng…

- Này, quý tộc cái con c…! - Pôlốptxép ngắt lời hắn một cách thô bỉ, và giọng hắn nói bỗng trở lại rắn rỏi như bình thường, sang sảng giọng chỉ huy: - Mày dám chế giễu một thanh bảo kiếm mang huân chương Ghêorghi hả? Mày còn mở mồm nói một câu nữa thôi, tao sẽ chém mày chết tươi như chém một con chó!

Liachépxki bật ngồi dậy trên giường. Miệng hắn biến đâu mất tăm cái nụ cười mỉa mai vừa mới đây thôi. Hắn nói, giọng nghiêm trang và giản dị:

- Cái ấy tôi tin! Giọng anh biểu lộ rõ những ý định chân thật và tốt lành của anh, cho nên tôi sẽ im.

Hắn lại nằm xuống, kéo tấm chăn dạ cũ lên tới cằm. Pôlốptxép đứng bên giường, nghiêng nghiêng đầu như một con bò mộng, khăng khăng nói tiếp:

- Tao vẫn sẽ cứ giết mày! Với chính lưỡi kiếm này đây, tao sẽ chặt đôi một con vật quý tộc, làm thành hai con; và bao giờ, mày có biết không? Bao giờ lật đổ được chính quyền xôviết ở miền sông Đông này.

- A, nếu vậy thì tôi có thể yên trí sống cho đến lúc già cốc đế. Và biết đâu tôi lại chẳng bất tử nhỉ? - Liachépxki cười gằn, nói, rồi văng ra một câu chửi đổng, quay mặt vào tường.

Iakốp Lukits đứng bên cửa đổi hết chân nọ sang chân kia, cứ như đang đứng trên đống than hồng. Mấy lần lão cứ định chuồn thì Pôlốptxép lại giơ tay ra hiệu đứng lại. Cuối cùng không chịu nổi nữa, lão khẩn khoản:

- Bẩm lạy quan, cho phép con lui! Sắp sáng đến nơi rồi, con còn phải ra đồng sớm…

Pôlốptxép ngồi xuống ghế, đặt thanh kiếm lên đầu gối, cúi gục xuống, hai tay tỳ lên bao kiếm, im lặng hồi lâu. Chỉ còn nghe thấy tiếng y thở hổn hển, khò khè, và tiếng tích tắc chiếc đồng hồ quả quýt to tướng của y để trên bàn. Iakốp Lukits tưởng Pôlốptxép đã thiếp đi, nhưng bỗng y dựng phắt cái thân hình nặng nề, chắc nình nịch của y đứng dậy, và nói:

- Iakốp Lukits, anh vác đôi yên, còn lại tôi vác. Ta đi xem có chỗ nào chắc chắn, khô ráo, cất giấu tất cả những cái này. Có lẽ giấu trong cái…, ờ… cái gì nhỉ… cái kho anh chất phân khô ấy mà?

- Thưa, chỗ ấy tốt đấy ạ, ta đi thôi! - Iakốp Lukits muốn cút ngay khỏi nơi này, vội đồng ý luôn.

Lão đã nhấc một chiếc yên lên thì Liachépxki nhảy phắt từ trên giường xuống như bị lửa đốt đít, đôi mắt long lên sòng sọc, miệng rít:

- Làm cái trò gì thế này? Tô hỏi anh: chứ anh định làm cái vớ vẩn gì vậy?

Pôlốptxép đang cúi xuống tấm áo bọc, đứng thẳng lên, lạnh lùng hỏi:

- Gì? Gì mà ngậu lên thế?

- Anh không hiểu sao? Mấy cái yên và cái đồ sắt gỉ này anh muốn giấu đâu mặc anh, nhưng khẩu súng máy và mấy băng đạn thì để lại đây cho tôi! Anh đâu phải về nghỉ mát quê bạn, và khẩu súng máy này ta có thể cần đến nó bất cứ lúc nào. Điều tôi nói, tôi mong là anh nghe thủng rồi chứ.

Pôlốptxép ngẫm nghĩ qua một lát, đồng ý:

- Nói có lý đấy, ông con quý tộc đẻ hoang ạ. Đã thế thì để lại tất cả đây. Cho anh ra, Iakốp Lukits, đi ngủ đi.

Thế mới biết cái men đời lính có sức sống dai thật! Iakốp Lukits chưa kịp nghĩ gì cả thì hai bàn chân đi đất của lão đã vô tình tự nó làm động tác "đằng sau quay", và hai gót chân chai nẻ của lão khẽ rập vào nhau hầu như không phát ra tiếng động. Thấy vậy, Pôlốptxép khẽ nhếch mép cười, còn Iakốp Lukits đi ra, khép cửa xong mới thấy mình hố. Lão ngượng ngùng đằng hắng một tiếng, nghĩ bụng: "Cái con quỷ rậm râu ấy cứ bày trò, làm mình mụ mẫm cả đi!".

Lão nằm đến tận sáng bạch nhật hai mắt chong chong. Lòng lão phân vân đôi ngả giữa niềm hy vọng vào thắng lợi của cuộc nổi dậy với nỗi lo thất bại và sự hối hận quá muộn màng đã dại dột ràng buộc số phận mình vào hai kẻ vô lại là Pôlốptxép và Liachépxki kia. Lão thầm than thở: "Chà, mình hấp tấp quá, thật đúng như con gà mái nhảy bổ vào nồi nước sôi! Già mà dại! Đáng lẽ mình phải đứng ngoài đợi xem thế nào đã, chưa chi đã nhận vớ nhận vẩn với lão Alếchxanđrơ Anhiximôvits ấy. Khi nào họ lật nhào được bọn cộng sản, cỗ bày sẵn ra, mình tham gia vẫn vừa. Chứ thế này thì họ có thể dắt mũi mình xuống lỗ như chơi, như dắt mũi một thằng mù… Xét đi thì cũng xét lại: nếu như mình đứng ngoài, người thứ hai cũng vậy, người thứ ba cũng thế nốt, thì rồi sẽ đi đến đâu? Cứ cõng cái chính quyền xôviết trên lưng suốt đời hay sao? Cũng không ổn! Bảo là nó tự ý tụt từ trên lưng mình xuống thì đừng hòng! Mong sao cho bằng cách nào đó mà sớm chấm dứt đi… Alếchxanđrơ Anhiximôvits hứa hẹn nào là nước ngoài sẽ đổ bộ vào, nào là miền Kuban sẽ hỗ trợ. Nghe thì ngon đấy, nhưng rồi sẽ được xơi cái gì thì có trời biết! Thế ngộ nhỡ quân đồng minh co vòi lại, không đổ bộ thì sao? Họ sẽ gửi sang cho ta quân phục lính Anh, như hồi năm mười chín, còn bản thân họ thì ngồi lì nhà nhấm nháp cà phê và hú hí với vợ, lúc ấy chỉ với quân phục của họ thôi thì ta còn biết là cái trò khỉ gì? Để lấy vạt áo lau máu mồm, máu mũi, có vậy thôi. Bọn bônsêvích sẽ giã cho ta một trận, lạy Chúa, như trời giáng. Việc ấy thì chúng thạo lắm. Lúc đó những ai đứng ra chống lại chúng sẽ bỏ mẹ ráo. Đất sông Đông này sẽ biến thành tro bụi!".

Nghxi đến đấy, Iakốp Lukits buồn rứt và thương thân đến muốn phát khóc. Lão hết thở dài lại rên rỉ, lẩm nhẩm đọc kinh, rồi một lần nữa đầu óc luẩn quẩn lại quay trở lại chuyện thế gian: "Không hiểu sao Alếchxanđrơ Anhiximôvits và cái lão Ba Lan chột mắt kia lại không ăn ý với nhau nhỉ? Sao họ cứ cắn xé nhau hoài thế? Đang việc tày đình như vậy mà họ sống với nhau cứ như hai con chó cái nhốt chung một cũi. Nhất là cái lão chột, cứ kiếm chuyện nhảy xổ vào người ta, nói này, nói nọ. Thằng cha thật đáng ghét, mình không tin hắn lấy một mảy may. Phương ngôn nói cấm sai: "Chớ tin thằng còng là một, thằng chột là hai, con vợ là ba". Alếchxanđrơ Anhiximôvits sẽ giết hắn chết toi mất thôi, lạy Chúa, thế nào cũng giết! Thôi thì mặc xác hắn, hắn đâu phải người bổn đạo".

Với ý nghĩ tự an ủi ấy, Iakốp Lukits cuối cùng đã thiếp đi được chốc lát trong một giấc ngủ nặng nề.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK