Ngay hồi còn đang vụ gieo, Luska, cô vợ cũ của Nagunốp, một gái chồng bỏ, một cô ả vui vẻ trẻ trung và đĩ thoã, đã bắt đầu ra đồng làm. Ả được phân về đội ba, và rất vui lòng đến ăn ở tại lán của đội. Ban ngày ả dong bò cho Aphanaxi Kraxnôcutốp, còn đêm đến thì quanh túp lều cỏ dã chiến ả ở, lại vang lên tiếng đàn balalaika ríu rít, tiếng thở dài của những cây đàn trầm, tiếng phím trầm thánh thót của phong cầm, trai gái đàn hát nhảy múa thâu đêm đến sáng; và cầm đầu cái hội ăn chơi tưng bừng ấy là Luska.
Đối với ả, thế gian bao giờ cũng tươi sáng và đơn giản, không có một vết nhăn lo âu hoặc ưu phiền nào trên gương mặt vô tư lự của Luska. Ả đi qua cuộc đời chân bước nhẹ tênh tênh, tin tưởng, đôi lông mày tình tứ dướn lên chờ đợi, cứ như ả đang mong mỗi phút lại gặp được một điều gì vui sướng. Về Maka thì hôm trước li dị hôm sau ả đã quên phắt, chẳng nghĩ đến anh nữa. Chimôphây Mũi toác đang ở xa xôi phương nào, nhưng Luska đâu phải là người để mà thương tiếc người thân đã thất tán? "Đời tôi thì giống chó dái ấy lúc nào cũng có cả đàn", - ả khinh khỉnh nói với các bà các cô nào nhắc đến cảnh dở dang của ả.
Và quả là ả có cả một đàn thật. Các anh kô- dắc đã có vợ và các cậu đội ba thi nhau lăn xả vào tranh đoạt tình yêu của Luska. Đêm đêm bên lều ả ở, dưới ánh trăng mờ xanh, đế giày đế ủng của các cô cậu kô- dắc cứ long răng rắc, bay vèo đi, trong các điệu vũ "kracôviác" và ponka nện gót". Nhưng giữa đám anh em thợ cày, thợ bừa, thợ gieo đến nhảy nhót và ve vãn Luska đã luôn luôn xảy ra những vụ to tiếng dẫn đến những trận ẩu đả quyết liệt. Và tất cả vì Luska. Số là ả xem có vẻ dễ lơn quá, hơn nữa cả làng ai cũng biết chuyện tằng tịu dơ dáng của ả với thằng Chimôphây con lão Mũi toác. Cho nên anh chàng nào cũng hí hửng muốn được thay cái chân mà thằng Chimôphây bị bắt buộc phải từ bỏ và Nagunốp đã tự nguyện từ bỏ.
Agaphôn Đúpxốp đã lựa lời khuyên nhủ Luska, nhưng anh đã bị một cú thảm hại:
- Tôi làm việc không ai chê trách được, còn chuyện yêu đương nhảy múa thì không ai cấm được tôi. Này, bác Agaphôn ạ, bác đừng rắc rối nữa, trùm kín áo dipun lên, và đi ngủ đi. Còn nếu như bác thèm và muốn tham gia tí tỉnh với chúng tôi thì cứ đến. Rỗ hoa chúng tôi cũng nhận. Nghe nói, dân rỗ hoa yêu rất ác! - Luska vừa nói nỡm như vậy vừa cười khanh khách.
Có dịp về Grêmiatsi Lốc, Agaphôn đã đến gặp ngay Đavưđốp, phàn nàn hậm hực:
- Đồng chí Đavưđốp ạ, đồng chí có cái lối sắp đặt đến là lạ đời! Tống xuống đội của Liubiskin lão Suka, rồi lại tống cho tôi cô ả Luska… Đồng chí cho họ xuống đội để làm gì, để họ phá phách hả? Bữa nào tối khuya, đồng chí hãy xuống đội tôi mà xem. Con Luska đã làm các cậu đội tôi hoá rồ hoá dại ráo cả rồi. Cậu nào nó cũng cười tình, hứa trời hứa đất, và thế là các cu cậu choảng nhau vì nó, như gà chọi vậy. Và đêm đêm chúng nó nhảy nhót đến rung cả đất, rụng cả bánh chè: chúng nó phí hoài cả cuộc đời, không biết tiếc! Khoảnh đất quanh lều như bị chúng nó lấy vồ nện chặt. Chòm sao Kim ngưu tàn rồi mà lán chúng tôi vẫn cứ ầm ầm, như chợ vỡ… Hồi chiến tranh Nga - Đức, tôi bị thương có nằm nhà thương Kharkốp. Để động viên chúng tôi, chị em y tá có dẫn chúng tôi đi xem opêra… Và ở rạp đã diễn ra một cuộc điên loạn kinh khủng: người thì rống lên như bò, kẻ thì nhảy cẫng, kẻ thì kéo đàn như điên! Đàn hát gì mà đến nỗi phải bịt chặt hai lỗ tai lại! Bây giờ ở chỗ chúng tôi cũng rứa: hát gào lên, đàn địch loạn xị, múa may quay cuồng… Như một đám cưới chó vậy! Họ lồng lộn cho đến thanh thiên bạch nhật thế thì ban ngày còn làm lụng được cái gì nữa! Vừa đi vừa ngủ gật, rồi thì lăn kềnh dưới bụng bò mà ngủ… Đồng chí Đavưđốp ạ, hoặc là đồng chí hãy cho con Luska chết dẫm ấy cút đâu khỏi đội tôi, hoặc là đồng chí hãy bảo nó phải đứng đắn, cho ra là một người đàn bà có chồng chứ.
Đavưđốp nổi khùng lên:
- Anh coi tôi là cái gì? Dễ tôi là vú già cho con bé ấy đấy phỏng?... Xéo ngay cho khuất mắt!... Chuyện thối thây gì cũng dẫn xác đến đây là thế nào? .. Dễ tôi phải đi lên lớp cho nó cách ăn ở ý nhị đấy phỏng? Nó làm việc không ra gì thì cứ đuổi cổ nó đi, có thế thôi! Lối đâu như vậy: hơi tí lại chạy lên ban quản trị! "Báo cáo đồng chí Đavưđốp, lưỡi cày gẫy!", "Báo cáo đồng chí Đavưđốp, con ngựa cái ốm!". Bây giờ lại đến chuyện này. Một con mụ nó ngứa trôn thì theo anh cũng lại đến tôi đi dạy bảo nó phỏng? Đừng hòng! Cày hỏng à? Mang ra lò rèn! Ngựa ốm á? Đi tìm thú y! Bao giờ các anh mới rèn được tinh thần chủ động? Tôi cứ còn phải làm hộ các anh cho đến bao giờ nữa? Thôi, xéo đi!
Agaphôn ra về, tức Đavưđốp anh ách. Anh ta ra về rồi, Đavưđốp đóng sầm cửa lại, cài then chặt, rồi hút liền một lúc hai điếu thuốc lá.
Câu chuyện Đúpxốp kể đã làm Đavưđốp hậm hực. Anh nổi khùng lên và quát tháo không phải vì các đội trưởng không làm tròn chức trách cứ quấy rầy anh, chuyện lặt vặt gì cũng đến yêu cầu anh giải quyết, mà là vì Luska, theo lời Đúpxốp, "với cậu nào cũng cười tình, hứa trời hứa đất".
Sau lần anh chạm trán với Luska ở gần trụ sở nông trang, chuyện trò ỡm ờ vài câu với ả, và ả giấu một nụ cười ranh mãnh dưới đôi hàng mi rủ xuống đề nghị anh tìm giúp hộ "một anh chàng nào ế xưng ế xỉa", rồi sau đó gạ anh lấy ả, Đavưđốp đã thay đổi thái độ với ả lúc nào anh cũng chẳng biết. Thời gian gần đây, càng ngày anh càng thấy mình cứ hay tơ tưởng đến người đàn bà bản chất đĩ thoã và quá đỗi tầm phơ tầm phào ấy. Nếu như trước đây anh nhìn ả bằng con mắt thờ ơ và thương hại pha chút ghê tởm thì bây giờ đây, anh cảm thấy hoàn toàn khác hẳn… Và Đúpxốp đến phàn nàn vớ vẩn về chuyện Luska chỉ là cái cớ đơn thuần bề ngoài cho Đavưđốp văng ra mà thôi.
Anh đã phải lòng Luska, và vào lúc nào chẳng phải, lại đúng vào lúc thời vụ gieo căng thẳng nhất. "Cảnh đi tu", - như Anđrây Radơmiốtnốp vẫn nói đùa, - mà Đavưđốp đã sống trong suốt một mùa đông chắc hẳn đã là mảnh đất thuận lợi cho cái tình cảm mới nẩy nòi ấy. Và có thể là mùa xuân nữa cũng kích thích trái tim đã chai lại của ông chủ tịch nông trang Grêmiatsi, người chủ tịch gương mẫu, không ai chê trách được điều gì, và đã hoàn thành băng băng mọi cuộc vận động chính trị và sản xuất.
Càng ngày anh càng hay nửa đêm vô cớ tỉnh dậy, giở thuốc ra hút, trán cau lại một cách đau khổ, tai lắng nghe tiếng hót líu lo và tiếng vỗ cánh rộn ràng của hoạ mi. Rồi anh giận dữ đóng sập cánh cửa sổ lại, kéo chăn trùm kín đầu, nằm cho đến sáng bạch không chợp được mắt, đè sấp lên gối bộ ngực nở nang trổ xăm của mình.
Và mùa xuân 1930, một mùa xuân rạo rực và đến sớm, đã đưa về các vườn tược và lùm cây lắm chim hoạ mi đến nỗi tiếng hót vang vang của chúng không những làm nhộn nhạo cả đêm trường thanh vắng mà đến sáng ngày vẫn chẳng chịu lắng đi. Đêm xuân ngắn ngủi không đủ thoả mãn xuân tình của đám hoạ mi kia. "Lũ ôn vật, chúng nó thay nhau hót chắc!", sáng ra, Đavưđốp lầm bầm như vậy, người mệt rũ sau một đêm đánh vật với cái mất ngủ.
Luska sinh hoạt ở đội hết vụ gieo, nhưng đội vừa gieo xong thì ả đã trở về làng, và ngay tối hôm ấy đến chơi Đavưđốp.
Ăn tối xong, anh đang nằm khoèo trong gian buồng nhỏ của mình đọc báo "Sự thật". Có tiếng ai ở phòng ngoài khẽ cào cào vào cửa, như tiếng chuột lạo xạo, rồi một giọng nữ nhỏ nhẹ:
- Em vào được không ạ?
- Cứ vào!
Đavưđốp nhảy tót trên giường xuống đất, khoác vội chiếc áo.
Luska bước vào, nhẹ nhàng khép cửa lại. Tấm khăn vuông đen làm khuôn mặt rám gió của ả nom già đi. Những nốt tàn nhang dày li ti hiện lên càng rõ trên đôi má sạm nắng của ả. Nhưng dưới bóng mái khăn vuông úp sụp, đôi mắt ả cười và nom càng long lanh hơn.
- Em đến thăm anh…
- Cô ngồi.
Ả đến, Đavưđốp trong lòng vừa ngạc nhiên vừa mừng. Anh kéo chiếc ghế đẩu, cài khuy áo lại, ngồi xuống tấm phản.
Anh ngồi nín thinh, chờ đợi, ngượng ngịu và trong bụng hơi lo lo. Còn Luska thì thoải mái bước tới bên bàn, kín đáo khép vạt váy lại (cho khỏi nhàu mà), và ngồi xuống.
- Anh chủ tịch nông trang khoẻ chứ?
- Cũng khá.
- Có buồn không?
- Thì giờ đâu, và buồn cái quái gì mới được?
- Thế không nhớ em à?
Đavưđốp, con người không bối rối bao giờ, lúc này đỏ dừ mặt và sa sầm xuống. Luska làm ra vẻ khép nép cụp hai hàng mi xuống, nhưng khoé miệng ả mấp máy một nụ cười không nén được.
- Cô này ăn nói đến hay, - Đavưđốp đáp lại bằng một giọng không lấy gì làm vững dạ lắm.
- Thực anh không buồn à?
- Buồn gì mà buốn! Cô đến có việc gì?
- Có tí việc… Báo chí có gì mới không anh? Cách mạng thế giới nghe ra sao rồi? - Luska chống khuỷu tay lên bàn, làm ra bộ mặt nghiêm trang cho hợp với câu chuyện đang nói. Cứ dường như trên đôi môi kia không hề thoáng bóng cái nụ cười ranh ma vừa rồi.
Đavưđốp lên gân:
- Báo viết thiếu gì chuyện… Cô cần việc gì?
Chuyện trò của họ, hẳn là bà chủ nhà đang rình nghe lỏm đây. Đavưđốp như ngồi trên đống than hồng. Tình thế của anh thật là kẹt, ớn không tả được! Mai bà chủ nhà sẽ đi kể vung tứ linh khắp làng là cô vợ cũ của Maka đêm nào cũng thì thụt đến phòng anh, và thế là đi tong cái tiếng thơm không chút gợn của Đavưđốp! Các mụ chuyên môn ngồi lê đôi mách đứng đầu đường cạnh giếng sẽ đơm ra lắm chuyện, và bà con nông trang viên gặp anh sẽ cười kháy. Radơmiốtnốp sẽ giở giọng châm chọc anh bạn ăn phải bùa mê của cô nàng Luska, rồi lại đến tai huyện, và trên nông hội huyện người ta sẽ lại đặt điều ra, nói: "Hắn để mãi đến mồng mười mới gieo xong là vì gái cứ mò đến nhà hắn luôn. Rõ rành rành hắn lo tiếp gái hơn là lo việc gieo hạt!". Và không phải vô cớ mà đồng chí bí thư khu uỷ trước khi cho anh em đoàn Hai vạn rưởi về huyện, đã dặn dò: "Về nông thôn, các đồng chí cần phải giữ cho uy tín của giai cấp công nhân, đội tiên phong của cách mạng, được trong như ngọc trắng như ngà. Phải hết sức cảnh giác. Không phải chỉ trong những việc lớn mà thôi đâu, mà ngay cả trong sinh hoạt lặt vặt hàng ngày cũng phải thận trọng. Ở nông thôn anh uống một xu rượu thì chuyện sẽ thành nhậu nhẹt ăn hối lộ một bữa trăm rúp…".
Đavưđốp thậm chí còn toát mồ hôi hột ra khi thoáng nghĩ đến tất cả những hậu quả của chuyện Luska đến chơi anh và ăn nói dấm dớ với anh. Rõ ràng trước mắt, anh có nguy cơ bị tai tiếng. Luska cứ ngồi đó, và hoàn toàn chẳng để ý gì đến những dằn vặt của Đavưđốp. Và anh chàng, giọng hơi khàn đi vì xúc động, hỏi lại, lần này thì với một vẻ nghiêm nghị:
- Cô đến có việc gì? Nói đi, rồi về đi, tôi không thì giờ đâu ngồi nói chuyện vớ vẩn với cô, thực tế thế!
- Thế anh có nhớ hôm nào anh đã bảo gì em không? Em đã chẳng xin phép anh Maka, nhưng em thừa biết, anh ấy phản đối…
Đavưđốp đứng bật dậy, xua quầy quậy:
- Tôi đang bận! Để khi khác! Để khi khác!
Lúc này anh chỉ muốn lấy tay bịt chặt cái miệng đang nhoẻn nụ cười kia, sao cho ả im đi.
Ả hiểu và khinh khỉnh nheo nheo đôi lông mày:
- Ôi giào, thế mà lại còn… Thôi được. Cho tôi mượn tờ báo, tờ nào hay hay ấy. Ngoài ra thì tôi cũng chả có việc gì khác cần hỏi anh. Xin lỗi đã đến quấy rầy anh…
Ả ra về, và Đavưđốp thở dài nhẹ nhõm. Nhưng một phút sau anh đã ngồi bên bàn, vò đầu bứt tai: "Mình lố bịch không để đâu hết, chán cái mớ đời! Thiên hạ nói gì thì đã quan trọng thế cơ à! Sao, phụ nữ đến chơi mình không được sao? Dễ mình là thầy tu hẳn? Và lôi thôi gì đến ai? Mình thích cô ta, vậy thì mình có thể ngồi nói chuyện gẫu với cô ta được lắm chứ… Miễn sao không ảnh hưởng đến công tác là được rồi, còn chuyện gì gì nữa cũng cần đếch gì! Giờ thì cô ta sẽ chẳng đến nữa đâu, thực tế thế! Mình ăn nói với cô ta thô bỉ quá, và cô ta thừa thấy mình cũng hơi hoảng… Chà! Cha tiên nhân anh, anh thật là thối không tả được!".
Nhưng anh đã lo hão: Luska hoàn toàn không phải là loại người dễ dàng từ bỏ mưu đồ của mình. Và mưu đồ của ả là chinh phục Đavưđốp. Thực tế thì ả tội gì đem cuộc đời của mình ràng buộc với cuộc đời một gã dân Grêmiatsi Lốc? Để làm gì cơ chứ? Để chết già chết héo bên bếp lò và suốt đời luẩn quẩn ngoài thảo nguyên với con bò đi trước cái cày đi sau hay sao? Mà Đavưđốp lại là một anh chàng giản dị, lưng dài vai rộng, có duyên, khác hẳn với Maka là người đã cằn cỗi đi trong công tác và trong sự chờ đợi cách mạng thế giới, khác hẳn với Chimôphây… Anh ta chỉ có một khuyết nho nhỏ: anh sứt, mà lại sứt ở chỗ lộ liễu nhất, sứt cái răng cửa. Nhưng Luska cũng tự an ủi được ngay về cái khuyết nho nhỏ trong vẻ ngoài của người ả đã chọn. Với kinh nghiệm của cuộc đời còn ngắn ngủi nhưng dạn dày từng trải của mình, ả hiểu rằng trong việc đánh giá một người đàn ông thì cái răng cái tóc không phải là góc con người.
Hôm sau, trời sẩm tối ả lại đến, lần này thì diện ác và điệu bộ càng khêu gợi tợn. Cớ để đến chơi là chuyện báo chí.
- Tôi mang trả anh tờ báo… Mượn nữa có được không? À, anh có quyển sách nào đọc được nhỉ? Tôi muốn mượn quyển hay hay, về chuyện yêu đương ấy.
- Báo đấy, nhưng sách thì không có, tôi đâu phải thủ thư.
Luska chẳng đợi mời, ngồi xuống và nghiêm trang gợi nói đến chuyện gieo hạt ở đội ba, chuyện những thiếu sót ả phát hiện thấy ở trại chăn nuôi bò sữa mới thành lập tại Grêmiatsi Lốc. Với một vẻ ngây thơ thật thà, ả tìm cách ăn giọng với Đavưđốp, nói về những chuyện ả cảm thấy nó là cuộc sống của anh.
Đavưđốp lúc đầu còn nghi nghi hoặc hoặc ngồi im nghe ả nói. Nhưng rồi anh bốc lên theo câu chuyện, kể lể với ả những dự định của mình về tổ chức trại bò sữa, tiện mồm nói sang những thành tựu mới ở nước ngoài trong kỹ thuật chế biến sản phẩm sữa. Và cuối cùng nói bằng một giọng có chút nào ngao ngán:
- Ta cần một món tiền khá lớn. Ta phải mua một số bò cái tơ thuộc giống cho nhiều sữa, phải tậu một con bò đực giống… Tất cả những cái đó cần thực hiện càng sớm càng hay. Vì việc nuôi bò sữa làm được tốt sẽ đem lại thu nhập lớn! Chính là bằng cách này mà nông trang sẽ giải quyết được vấn đề quỹ. Thế mà hiện tại nông trang ta có cái gì? Độc một chiếc máy đánh kem cũ rích không đáng ba xu, không tài thánh nào thanh toán được lứa sữa xuân. Biđông cũng chẳng có lấy một chiếc, và sữa thì cứ đổ vào bình theo lối ngày xưa. Làm ăn thế thì còn ra cái gì? Đấy, cô bảo là sữa bị chua. Vậy vì sao nó chua? Chắc là vì họ trút sữa vào bình bẩn chứ sao.
- Các bà ấy sấy bình không khô, do đó sữa bị chua.
- Tôi cũng bảo thế: đồ đựng không sạch. Cô phụ trách lấy việc này đi, và chấn chỉnh nó lại. Cần làm thế nào, cô cứ làm, ban quản trị sẽ giúp cô. Còn cứ cái kiểu này thì sẽ ra sao? Sữa sẽ hỏng mãi nếu không kiểm tra cẩn thận đồ đựng, nếu chị em vắt sữa cứ vắt sữa theo kiểu tôi thấy hôm nọ: ngồi dưới bụng bò, vú bò chẳng rửa ráy gì cả, đầu vú dính toàn những bùn, những phân… và chính tay người vắt cũng chẳng rửa. Có trời biết, trước khi vắt sữa các bà ấy đã sờ mó cái gì mà ngồi dưới bụng bò tay bẩn đến thế. Tôi không có thì giờ lo đến việc này. Nhưng thế nào tôi cũng phải lo! Còn cô, cái thì giờ đánh phấn bôi son làm đỏm giá cô để mà chăm lo cái trại sữa ấy thì có hơn không nhỉ? Chúng tôi sẽ chỉ định cô là phụ trách, cử cô đi học, cô sẽ học cho biết cách quản lý công việc một cách khoa học, và sẽ trở thành một nữ cán bộ chuyên môn.
Luska thở dài:
- Tôi chịu thôi, cứ để các bà ấy làm. Chẳng có tôi thì trại cũng chẳng thiếu người để chấn chỉnh. Mà tôi cũng chẳng thích làm phụ trách. Và cũng chẳng thích đi học. Lấn bấn lắm. Tôi muốn làm việc nhẹ, sống cho thoải mái vung vinh, tội gì!.. Ai ngốc thì mới ham công tiếc việc.
- Cô lại ăn nói linh tinh rồi! - Đavưđốp hậm hực nói, nhưng cũng chẳng thuyết phục nữa làm gì.
Lát sau Luska đứng dậy ra về. Đavưđốp tiễn chân ả. Họ đi bên nhau trong ngõ tối, chẳng nói chẳng rằng một quãng dài, rồi Luska đoán biết được một cách nhạy bén lạ lùng tất cả những điều bận tâm của Đavưđốp, hỏi:
- Hôm nay anh có ra xem lúa Kuban không?
- Có.
- Lúa thế nào?
- Xấu! Nếu trong tuần này không mưa… tôi e sẽ hỏng mất. Và mả mẹ nó, cô có biết rồi sẽ ra cái nông nỗi nào không? Mấy bố già bữa nọ đến xin phép tôi cho làm lễ cầu đảo, sẽ tha hồ đắc chí, thực tế thế! Họ sẽ bảo: "Đấy, hắn không cho làm lễ, thế là Chúa phạt, không làm mưa!". Ông Chúa của các bố ấy thì hoàn toàn bất lực trong chuyện này một khi phong vũ biểu vẫn đứng chết ở điểm "thời tiết bất thường". Nhưng họ thì cứ bám khư khư lấy cái mê tín hủ lậu của họ. Khổ thật cơ, thực tế thế! Và chính bọn tôi phần nào cũng có sai… Đáng lẽ phải mặc mẹ nó những ruông dưa bở và một phần ruộng mầu đấy để gieo lúa mạch cho được sớm thì mới phải. Sai là ở chỗ ấy đấy ! Về chuyện lúa "mêliônôpux" cũng như vậy: tôi đã chứng minh rõ ràng cho cái cậu ba bị Liubiskin ấy thấy rằng theo những thông số nông học thì giống lúa ấy thích hợp với điều kiện hoàn cảnh của ta nhất…
Đavưđốp lại bốc lên và, được gãi đúng chỗ ngứa, đáng lẽ anh còn nói nhiều, nói sôi nổi, nhưng Luska ngắt lời anh, sốt ruột ra mặt:
- Thôi đi, anh ơi, thôi cái chuyện lúa má ấy đi! Ngồi xuống kia chơi một tí còn thích hơn, - và ả trỏ bờ một con rãnh mờ mờ xanh dưới ánh trăng.
Họ đi tới. Luska khép vạt váy lại, đề nghị một cách thiết thực:
- Hay là anh trải cái áo ngoài của anh ra, không em sợ nhàu mất cái váy. Váy diện của em đấy…
Và khi họ ngồi bên nhau trên tấm áo trải rộng, ả ghé sát vào bộ mặt thoáng vẻ giễu cợt của Đavưđốp gương mặt trở thành nghiêm trang và xinh đẹp lạ thường của ả, và nói:
- Chuyện lúa má và chuyện nông trang thế là đủ rồi! Bây giờ chả nên nói chuyện ấy nữa… Anh có ngửi thấy mùi lá non trên cây dương kia không?...
… Thế là tiêu tan hết mọi sự do dự của Đavưđốp trong lòng vừa chết mê chết mệt Luska vừa sợ đi lại với ả sẽ mất uy tín…
Một lát sau, khi anh đứng dậy và dưới chân anh mấy cục đất sét khô lạo xạo lăn xuống rãnh, Luska vẫn nằm ngửa đo, hai tay dang rộng, mệt mỏi lim dim mắt. Họ lẳng lặng một phút. Rồi bỗng ả ngồi phắt dậy, hai tay bó gối, toàn thân rung lên trong một trận cười không ra tiếng. Ả cười như bị ai cù.
Đavưđốp hoang mang đẫy, tự ái hỏi;
- Em… sao thế?
Nhưng Luska đã nín bặt một cách cũng đột ngột như thế, ruỗi thẳng chân ra, rồi lấy tay xoa hai bên hông, xoa bụng, mơ màng nói, giọng hơi khản lại và sung sướng:
- Lúc này em thấy người cứ nhẹ tênh tênh!...
- Chắp cánh vào khéo bay được đấy nhỉ? - Đavưđốp nói kháy.
- Khô- ô- ô- ông. Anh kháy em… làm quái gì. Lúc này bụng em tự nhiên cứ nhẹ bỗng… rông rỗng thế nào ấy, nhẹ như bấc. Vì thế mà em cười. Thế dễ thường em phải khóc sao, vớ vẩn anh lắm! Ngồi xuống đây đã, nhẩy cẫng lên đi đâu?
Đavưđốp miễn cưỡng ngồi xuống. "Giải quyết ra sao với cô nàng bâygiờ đây? Đến phải chính thức hoá cách nào đó, kẻo bất tiện, cả đối với Maka, cả đối với chung… Đang bình yên vô sự, tự nhiên mua thêm chuyện!" - anh nghĩ bụng và đưa mắt liếc nhìn gương mặt Luska biêng biếc ánh trăng xanh.
Ả uyển chuyển đứng dậy, tay không đụng đến đất, và đôi mắt lim dim, mỉm cười hỏi:
- Em xinh không? Hả?
- Biết nói thế nào…- Đavưđốp trả lời lơ mơ, ôm quàng lấy đôi vai mảnh dẻ của Luska.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK