• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Hôm sau, chi bộ Đảng Grêmiatsi Lốc họp riêng đã nhất trí thông qua nghị quyết tập thể hoá toàn bộ gia súc, cả lớn lẫn nhỏ, của nông trang viên. Ngoài gia súc ra, gia cầm cũng được đưa vào tập thể.

Lúc đầu, Đavưđốp kịch liệt phản đối việc tập thể hoá gia súc nhỏ và gia cầm, nhưng Nagunốp quả quyết rằng nếu hội nghị nông trang viên không ra quyết nghị tập thể hoá toàn bộ ngành chăn nuôi thì vụ gieo xuân sẽ đi tong, vì gia súc sẽ bị thịt sạch, và cả gia cầm nữa. Radơmiốtnốp ủng hộ ý kiến của anh, và Đavưđốp do dự một lúc rồi cũng đồng ý.

Ngoài ra đã quyết định và ghi vào biên bản hội nghị mở một chiến dịch tuyên truyền ráo riết chống việc giết hại gia súc, và để làm việc đó tất cả các đảng viên phải chia nhau đi các hộ ngay ngày hôm ấy để giải thích. Còn về những biện pháp trừng trị những ai can tội giết gia súc thì hội nghị quyết định chưa đem ra áp dụng với ai cả, mà còn đợi kết quả đợt tuyên truyền vận động này.

Nagunốp đút tờ biên bản vào cặp, hể hả nói:

- Có thế này thì mới giữ được gia súc, gia cầm. Bằng không thì sang xuân trong làng sẽ không còn nghe thấy một tiếng bò rống lẫn một tiếng gà gáy.

Hội nghị nông trang viên đã thông qua một cách thoải mái nghị quyết tập thể hoá toàn bộ gia súc, vì thực ra bò ngựa cày kéo và bò sữa đã tập thể hoá trước rồi, và nghị quyết này chỉ liên quan đến gia súc non, cừu và lợn thôi. Nhưng về chuyện gia cầm thì cuộc tranh luận kéo dài gay go. Các bà các chị phản đối hăng nhất, nhưng cuối cùng cũng xuôi. Và xuôi chủ yếu là nhờ Nagunốp. Anh đã phát biểu bằng một giọng thấm thía, hai bàn tay áp chặt lên tấm huân chương trên ngực:

- Các bà, các chị em ạ! Gà với ngỗng thì bám lấy làm gì? Cái nhà chẳng tiếc, tiếc gì cái cột? Cho nốt chúng vào nông trang đi. Sang xuân ta sẽ gửi mua một cái máy ấp, cái máy ấy chẳng cần cục ta cục tác gì cả mà sẽ cho ta hàng trăm chú gà con. Có loại máy như thế đấy, gọi là máy ấp trứng, nó ấp giỏi đáo để. Tôi xin bà con, bà con đừng khăng khăng như thế ! Thì rồi nó cũng là gà của bà con cả thôi mà, chỉ có khác là để ở chuồng nuôi tập thể thôi. Các mẹ, các thím ạ, không nên duy trì chế độ tư hữu gà qué! Mà bà con nuôi gà thì có lợi quái gì! Đằng nào thì mùa này nó cũng không đẻ. Còn sang xuân thì bà con vất vả với nó. Lúc thì nó, mụ gà mái ấy, nhảy vào vườn rau bới lung tung, lúc thì nó, cái con chết tiệt ấy lại đẻ lang quãng nào trong kho, mất toi trứng, lúc thì nó bị cáo vặn cổ… Thật là trăm thứ tội nợ! Và mỗi lần bà con lại phải chui rúc vào chuồng gà, sờ soạng xem ổ nào có trứng, ổ nào không. Chui rúc vào đấy, bọ gà bám đầy người. Vất vả với chúng chứ được gì. Còn như vào nông trang thì gà sẽ sống ra sao? Tuyệt! Chúng sẽ được chăm sóc chu đáo: ta sẽ giao cho một cụ nào goá vợ trông nom, như cụ Akim Bexkkhlépnốp đây chẳng hạn, và suốt ngày cụ chỉ có việc sờ nắn chúng, lần xem những chỗ gà đậu. Công việc vừa vui vừa nhẹ nhàng, đúng công việc tuổi già. Làm việc ấy thì chẳng bao giờ lo lao lực mà mang bệnh cả. Các mẹ, các chị đi tới đồng ý đi.

Các bà các chị cười chán, thở dài chán, tranh luận chán, rồi cuối cùng "đi tới đồng ý".

Ngay sau cuộc họp, Nagunốp và Đavưđốp đi một vòng các hộ. Ngay ở xóm đầu tiên đã thấy rõ là chẳng nhà nào là nhà không giết gia súc… Khoảng gần bữa chiều thì hai người rẽ vào nhà bác Suka. Nagunốp chân bước vào sân, miệng khẳng định:

- Cán bộ cốt cán đấy! Chính ông lão thường nói phải bảo vệ gia súc. Lão này thì chả mổ thịt đâu.

Ông "cán bộ cốt cán" đang nằm trên giường, cẳng co con tôm. Áo sơmi bác vén ngược lên đến tận chòm râu dê, và trên cái bụng xám ngoét lép kẹp bờm xờm một ít lông hoa râm, một chiếc nồi đất dung tích khoảng sáu lít được đặt úp ngược, cái miệng sắc cạnh cắn vào da bụng. Hai bên sườn lại thây lẩy hai ống giác bám chặt như hai con đỉa. Bác Suka chẳng buồn để ý tới khách mới vào. Hai tay bác bắt chéo trước ngực như tay người chết, cứ run lật bật. Đôi mắt bác, trợn ngược và dại hẳn đi vì đau đớn, cứ từ từ đưa đi đảo lại. Nagunốp có cảm tưởng nhà sặc mùi người chết. Bà lão Suka béo quay đứng bên lò sưởi, còn mụ lang Mamưitskha thì te tái bên giường người ốm, nhanh thoăn thoắt và đen như một con chuột chũi. Mụ nổi tiếng khắp vùng về nghề giác nồi chữa bệnh, nắn xương, thay máu và phá thai với kim đan bằng sắt và lúc này cũng lại chính mụ đang "phục vụ" ông lão Suka bất hạnh.

Đavưđốp bước vào nhà, và trố mắt lên:

- Chào bác Suka! Bác úp cái gì lên bụng thế kia?

- Lão đa..u..u! Đa...u..u bụng!.. - Bác Suka thều thào, ngắt từng tiếng. Rồi bỗng bác kêu lên nheo nhéo, rền rĩ như một con chó con: - B..b..ỏ..o cái nồi ra! Bỏ ra, con mụ phù thuỷ! Ối giời ơi, vỡ bụng mất! Ối, các anh ơi, cứu lão với!

- Cố một tí! Cố một tí! Nhẹ ngay bây giờ đây. - Mụ Mamưitskha vừa thì thào dỗ dành vừa cố hết sức gỡ miệng cái nồi đang mút chặt vào bụng bác.

Nhưng bỗng bác Suka gầm lên như một con sư tử, đạp cho mụ lang một cái và hai tay ôm chặt lấy cái nồi giác. Thấy vậy, Đavưđốp bước tới vội đỡ cho bác: anh gạt mụ Mamưitskha ra, vớ lấy thanh củi gõ mạnh một nhát vào đít nồi. Chiếc nồi vỡ tung, bắn văng ra từng mảnh. Bác Suka sôi bụng lên ùng ục, nhẹ hẳn người, thở gấp và dứt nốt hai ống giác ra một cách dễ dàng. Đavưđốp nhìn bụng bác với cái rốn thâm tím lồi lên to tướng dưới mảnh nồi vỡ, và buông người xuống tấm ghế dài, phá ra một trận cười rũ rượi. Anh cười chảy nước mắt nước mũi, rơi cả mũ, và mớ tóc đen xoà cả xuống mắt anh.

Bác Suka quả là loại người trời đánh không chết! Mụ Mamưitskha mới vừa kịp mở miệng than vãn tiếc cái nồi vỡ, bác đã kéo áo sơmi xuống, ngồi nhỏm dậy.

- Khổ cái thân tôi! - Mụ Mamưitskha mếu máo mồm loa mép giải. - Đập vỡ mất cái nồi của người ta rồi, đồ chết tiệt! Người ta chữa bệnh cho, nhưng lại không muốn yên lành.

Bác Suka trỏ ra cửa:

- Mụ xéo đi! Xéo ngay đi cho khuất mắt ông! Suýt nữa thì ông toi mạng với mụ rồi! Lẽ ra ông phải ghè cái nồi vào đầu mụ mới phải! Xéo đi, không ông giết! Ông điên lên thì không biết thế nào đâu!

Cánh cửa vừa sập lại sau lưng mụ Mamưitskha thì Nagunốp hỏi:

- Sao mà nên nông nỗi này thế bác?

- Ôi, các cháu ơi, không nói bỡn đâu, suýt chết! Hai ngày hai đêm không còn mò được đi đâu, tay lúc nào cũng ôm khư khư cái quần.. Té re cứ như tháo cống, không giữ được nữa! Chốc chốc lại són ra, như cái đít ngỗng con…

- Lại ních thịt vào phải không?

- Phải, thịt...

- Thịt mất con bò cái tơ rồi à?

- Ừ, đi đời con bò cái tơ rồi.. Nó hỏng rồi, chả còn được tích sự gì…

Maka đằng hắng một tiếng, hằn học nhìn bác Suka một cái từ đầu đến chân, rít răng lại nói:

- Khọm già! Úp lên bụng lão cái nồi thì chưa thấm gì, úp cái thống ba thùng nước mới phải. Để nó hút lòi hết ruột non ruột già lão ra! Được, sẽ tống cổ lão ra khỏi nông trang, rồi thì thao hồ mà tháo tỏng! Sao lại thịt nó đi?

- Mụ mẫm đầu óc rồi chứ sao hả anh Maka?.. Bà lão nhà tôi xui, cái giống chim cu gáy đêm ấy, nó toàn gáy điềm gở… Các anh thương lão làm phúc… Đồng chí Đavưđốp ơi! Anh với lão là chỗ bạn bè, xin anh đừng đuổi lão ra khỏi nông trang. Lão thế này cũng đủ khốn khổ khốn nạn rồi…

- Thế là hết nói với lão! - Nagunốp khoát tay mộtcái. - Ta đi thôi, anh Đavưđốp. Này, lão tháo cống kia! Lấy dầu lau súng pha tí muối vào mà uống, cầm đấy.

Bác Suka phát uất lên, run run đôi môi:

- Anh giễu lão đấy hả?

- Tôi nói thật đấy. Hồi ở quân đội Sa hoàng, chúng tôi đau bụng toàn chữa thế khỏi.

- Thế dễ ruột gan lão là sắt thép chắc, mà bảo lão lấy thứ tẩy gỉ cho súng để tẩy ruột? Không chơi! Thà chết dúi trong vườn quỳ chứ lão chẳng uống món dầu lau súng ấy đâu!

Bác Suka còn nặng nợ đời, chưa chết nổi. Hôm sau, bác đã tập tễnh đi khắp làng, và gặp ai cũng kể chuyện Đavưđốp cùng Nagunốp đến thăm lão, hỏi ý kiến lão về việc tu sửa nông cụ chuẩn bị cho vụ gieo và về một số công việc khác của nông trang. Kết thúc câu chuyện, lão ngừng lại hồi lâu, cuốn điếu thuốc hút, rồi thở dài:

- Lão mới chỉ mệt xoàng, ấy thế mà các anh ấy đã đến. Không có mình là không xong mà! Các anh ấy cứ giục uống thuốc. Các anh ấy bảo: "Thuốc thang đi cho khỏi, cố ơi, chứ nói gở mồm gở miệng, cố mà chết thì chúng tôi gay go to, biết trông cậy vào ai?" Và lạy Chúa, gay go thật ấy chứ. Động có chuyện gì là các anh ấy lại mời lên chi bộ xin ý kiến: được, để xem, và rồi lão góp với các anh ấy tí ý kiến. Lão ít nói, nhưng đã nói là cấm sai bao giờ. Lời lão nói đâu phải lời tào lao mà bỏ qua được!

Và lão ngước đôi mắt đục lờ, mãn nguyện nhìn người nghe, thăm dò xem câu chuyện mình kể đã gây tác động thế nào.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK