• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Quá nửa đêm một lúc lâu hội nghị mới giải tán. Bà con tỏa ra trên các đường ngang ngõ dọc, bước lững thững và bàn tán sôi nổi. Cổng nhà nào cũng cót két; tiếng then cửa lách cách nổi lên trong cái tịch mịch của đêm khuya; thỉnh thoảng đây đó vang lên một tiếng cười và, chưa quen với cảnh đêm khuya mà lại đông người và ồn ào như thế, lũ chó đang ngủ bị đánh thức dậy sủa loạn lên khắp làng.

Đavưđốp là một trong những người cuối cùng rời khỏi trường học. Ra khỏi cái phòng họp ngột ngạt, nồng nặc hơi người ấy, anh cảm thấy không khí ngoài trời mát lạnh, và trong lành đến ngây ngất. Thậm chí trong khi hít lấy hít để, anh cảm thấy trong gió như có hượng rượu bã nho.

Phía đằng trước anh có một đôi đang đi. Nghe tiếng nói, anh bất giác mỉm cười:

Bác Suka đang nói rất hăng:

- … Lão thật là ngu mà đi tin cái thằng điêu xoen xoét ấy nó bảo Kônđrát định xử tử lão vì lão đã phê bình tự phê bình anh ta. Lão hết cả hồn vía, nghĩ bụng: "Một lưỡi rìu ở trong tay Kônđrát thì không phải chuyện bỡn đâu! Hắn ta cũng hiền thôi, nhưng biết đâu đấy… Lúc nổi cơn cục lên, hắn lại không choảng cho mình một nhát, bổ đôi đầu mình ra như bổ quả dưa vậy!", làm sao mà lão lại có thể tin cái thằng quỷ sứ Agaphôn ấy được nhỉ? Hắn cứ đi một bước là lại bày ra một trò để bôi bác lão! Cái lưỡi hắn suốt đời lúc nào cũng ngó ngoáy như con lật đật. Chính hắn, cha đẻ ra con mẹ nó, đã dạy cho con Tơrôphim xông vào lão, húc bừa vào bất kể chỗ nào, chẳng đếm xỉa gì đến bệnh lòi rom của lão. Cái đó thì lão biết rõ đến tận chân tơ kẽ tóc! Chính mắt lão đã trông thấy hắn huấn luyện cho con Tơrôphim cái khoa thú vật ấy, nhưng hồi ấy lão nào có ngờ đâu hắn dạy con dê để chống lại lão và rút ngắn tuổi thọ của lão.

Nagunốp cất giọng rè rè khản đặc an ủi ông lão:

- Ông chớ tin hắn! Tuyệt đối không tin hắn một điều gì cả, và bao giờ cũng phải hết sức cảnh giác với hắn! Hắn có máu thích đùa dai, trẻ không tha già không thương, bạ ai cũng châm chọc.

Hai người cùng rẽ vào cổng nhà Nagunốp, vừa đi vừa tiếp tục câu chuyện hình như đã bắt đầu từ ở trường học ra. Đavưđốp định theo gót họ, nhưng nghĩ lại lại thôi.

Anh rẽ vào lối ngõ gần đấy, đi được mấy bước thì thấy Varia Kharlamôva đang đứng tựa bên một hàng giậu. Cô bước tới gặp anh.

Trăng cuối tuần chỉ chiếu sáng một cách dè xẻn, nhưng Đavưđốp vẫn nhìn thấy rõ trên môi cô nụ cười buồn buồn và bối rối.

- Em đợi anh mãi… Em biết anh về nhà bao giờ cũng đi lối này. Đã lâu lắm em không gặp anh, đồng chí Đavưđốp nhỉ…

- Ờ, Varia Hẩm hiu, quả là lâu rồi ta chưa gặp nhau! - Đavưđốp vui vẻ đáp.- Xa cô ít lâu mà nom cô lớn phổng lên, và xinh ra, thực tế thế! Thời gian qua cô biến đâu vậy?

- Lúc thì đi làm cỏ lúa, lúc thì đi cắt cỏ ngựa, rảnh thì làm việc nhà… Chả thấy anh lại chơi lần nào, chắc là anh quên đứt em rồi.

- Cô trách tôi ghê thật! Trách tôi làm gì hả cô, tôi cứ bù đầu, chả được lúc nào rảnh rỗi. Mùa màng đến nơi, cả tuần cạo râu được một lần, ngày ăn độc một bữa. Cô đợi tôi hả? Có việc gì vậy? Tôi không hiểu sao nom cô có vẻ buồn buồn thì phải? Hay là tôi nhầm?

Đavưđốp khẽ nắm lấy cánh tay tròn lẳn của cô, nhìn thẳng vào mắt cô với vẻ thông cảm:

- Cô có chuyện gì buồn hả? Thì kể đi tôi nghe!

- Anh về nhà bây giờ à?

- Khuya thế này cô bảo tôi còn đi đâu?

- Anh thiếu gì chỗ đi. Anh vào đâu mà chả là thượng khách… Nếu là anh về thì ta cùng đường. Hay là anh tiễn em về nhà nhá?

- Lại còn phải nói nhỉ! Cô đến là buồn cười! Có bao giờ một anh lính thủy, dù là phục viên chăng nữa, lại từ chối tiễn chân một cô gái đẹp không? - Đavưđốp làm ra vẻ bông phèng thốt lên, và khoác lấy tay cô. - Nào, đi đều… bước! Một, hây! Một, hây! Nhưng cô có chuyện gì buồn bực vậy? Thì cứ nói toạc ra. Chủ tịch là phải biết rõ mọi chuyện, thực tế thế! Tận chân tơ kẽ tóc!

Và Đavưđốp chợt cảm thấy dưới ngón tay anh cánh tay của Varia run run, chân cô bước loạng choạng, như bị vấp một cái, và liền đó anh nghe thấy một tiếng nấc nghẹn.

- Ô hay, chuyện gì mà buồn ghê thế, hả Varia? Cô làm sao thế? - Đavưđốp bỏ giọng bông phèng, lo lắng hỏi nhỏ. Anh dừng lại, dò nhìn vào mắt cô.

Varia úp luôn khuôn mặt đầm đìa nước mắt lên bộ ngực nở nang của anh. Đavưđốp đứng không cựa, lúc thì cau cau lại, lúc thì ngạc nhiên dướn đôi lông mày bạc nắng lên. Và anh nghe lõm bõm qua những tiếng nghẹn ngào:

- Nhà muốn gả em… cho Ivan Ốpnidốp… Mẹ em cứ nói ra rả, suốt ngày đêm: "Mày lấy nó đi! Nhà nó có của ăn của để!" - Và tất cả những nỗi đắng cay chồng chất trong trái tim cô gái, xem ra không phải mới ngày một ngày hai, bỗng nổ thành một tiếng kêu đau đớn: - Ôi, lạy Chúa, tôi biết làm thế nào bây giờ?!

Bàn tay cô vừa đặt lên vai Đavưđốp lại buông xuống, thõng thượt.

Quả thật là Đavưđốp hoàn toàn bị bất ngờ, và anh không hề bao giờ nghĩ rằng cái tin như thế lại có thể làm anh bối rối đến như vậy! Ngơ ngác, bàng hoàng không nói lên lời và trong lòng đau nhói, anh lẳng lặng nắm chặt hai tay Varia, và khẽ lùi lại, anh nhìn khuôn mặt đầm đìa nước mắt của Varia đang cúi xuống, không biết nói gì. Và chỉ đến lúc ấy, rốt cuộc anh mới vỡ nhẽ ra rằng anh tự dối lòng, chứ thực ra đã yêu Varia từ bao giờ rồi, yêu bằng mối tình rất mới lạ đối với một con người dãi dầu như anh, một mối tình trong trắng và không thể nào hiểu nổi, và đồng thời anh cũng thấy lù lù hiện ra hai bạn đường đáng buồn của bất cứ tình yêu chân chính nào: chia ly và mất mát…

Anh trấn tĩnh lại, cát giong hơi khàn khàn đi, hỏi:

- Vậy ý cô thế nào, hả con nai vàng của tôi?

- Em không muốn lấy hắn! Anh hiểu cho em, em không muốn!

Varia ngước lên anh đôi mắt giàn giụa và đôi môi vều lên của cô run run nom đến tội nghiệp. Và trái tim Đavưđốp rung động, như một tiếng đáp đồng điệu. Miệng anh khô đắng. Anh cố nuốt nước bọt, một thứ nước bọt bỏng rát, và nói:

- Nếu không muốn thì đừng lấy, thực tế thế! Ai ép được cô!

- Nhưng anh hiểu cho là nhà em có sáu chị em trong đó em là chị cả, mà mẹ em lại ốm quặt quẹo luôn, một mình em có làm đến vẹo xường sườn cũng không nuôi nổi một lô một lốc ấy! Anh ơi, chuyện ấy mà anh không hiểu sao?

- Thế nếu cô đi lấy chồng thì thế nào? Anh ta sẽ cáng đáng đỡ à?

- Giúp đỡ chị em em thì hắn ta chả tiếc cái gì! Hắn ta sẽ làm quần quật! Anh có biết hắn yêu em thế nào không? Hắn yêu em ghê lắm cơ! Có điều là em không cần đến hắn giúp, cũng chẳng cần đến hắn yêu! Em không yêu hắn tí ti nào! Em ghê tởm hắn. Khi hắn đưa hai bàn tay nhơm nhớp mồ hôi nắm lấy tay em, em cứ buồn nôn. Thà là em… Ôi, nói làm gì nữa nhỉ! Giá như thầy em còn sống thì chả phải lo nghĩ gì, và biết đâu bây giờ đã chẳng học hết cấp hai rồi…

Đavưđốp vẫn nhìn chằm chằm vào gương mặt đầm đìa nước mắt và nhợt nhạt ánh trăng của Varia. Hai nếp nhăn chua chát hằn xuống hai bên khóe đôi môi khóc sưng vều của cô, đôi mắt cô cụp xuống và đôi mi nom thâm quầng. Cô cũng đứng lặng thinh, tay vò vò chiếc khăn mùi soa nhỏ.

- Thế nếu tôi thu xếp được một sự giúp đỡ cho gia đình thì sao? - sau một phút suy nghĩ, Đavưđốp ngập ngừng hỏi.

Anh chưa kịp nói hết câu thì đôi mắt Varia dường như bỗng ráo hoảnh ngay đi, và long lanh, không phải vì nướcmắt, mà vì giận. Cô phồng lỗ mũi, thốt lên cục cằn như một người nam giới bằng một giọng nhỏ đanh:

- Tôi thèm vào sự giúp đỡ của anh! Rõ chưa?

Và lại im lặng một lát. Đavưđốp bị bất ngờ ngẩn người ra, rồi hỏi:

- Sao lại thế?

- Lại còn sao?

- Thì cứ nói xem nào?

- Tôi không cần anh giúp đỡ!

- Ai bảo cô là tôi giúp? Mà là nông trang giúp, theo chính sách giúp đỡ những bà mẹ góa bụa đông con. Cô rõ chưa? Tôi sẽ đặt vấn đề ra ban quản trị, rồi ra quyết định, Varia hiểu chưa nào?

- Tôi không cần nông trang giúp!

Đavưđốp hậm hực nhún vai:

- Cái cô này buồn cười thật, thực tế thế! Lúc thì rối lên cần được giúp đỡ và sẵn sàng vồ lấy bất cứ thằng cha căng chú kiết nào, lúc thì lại giãy nảy lên, không thèm sự giúp đỡ của ai… Tôi chả hiểu cô là thế nào cả! Cô với tôi, trong hai người phải có một người đầu óc đâm ra ngớ ngẩn rồi, thực tế thế! Rốt cuộc thì cô muốn cái gì?

Cái giọng lý sự, bình tĩnh của Đavưđốp - ít ra thì cũng là Varia thấy như thế - đã làm cô hoàn toàn thất vọng. Cô khóc nấc lên, hai tay ôm mặt, quay ngoắt lưng vào Đavưđốp, thoạt đầu bước đi bước một, rồi ù té chạy, người ngả dúi về đằng trước, hai bàn tay đầm đìa nước mắt vẫn ôm lấy mặt.

Đavưđốp đuổi theo ra đến đầu phố thì túm được vai cô, xẵng giọng nói:

- Varia, đừng giở trò nữa! Tôi hỏi cô nghiêm chỉnh: chuyện là thế nào?

Thế là cô Varia khốn khổ buông thả luôn cho cơn điên giận của một cô gái tuyệt vọng, oán hận kêu lên:

- Đồ ngốc! Đồ mù thảm mù hại! Không thấy gì cả sao? Tôi yêu anh, ngay từ dạo mùa xuân, thế mà anh… anh cứ như người bị bịt mắt vậy! Bạn bè con gái đứa nào cũng chế tôi, có lẽ cả làng này cười tôi! Anh phải mù mới không thấy! Tôi đã cạn hết nước mắt vì cái đồ chết giẫm nhà anh…, bao nhiêu đêm tôi không ngủ, thế mà anh chẳng thấy được cái chết tiệt gì cả! Tôi yêu anh, thế thì tôi nhận làm sao được sự giúp đỡ của anh hoặc sự bố thí của nông trang? Anh lại còn dám mở miệng nói với tôi thế hả, đồ trời đánh? Thà tôi chết đói nhăn răng còn hơn đi nhận một xu của các anh! Đấy, thế là tôi đã nói dốc hết ruột gan ra với anh rồi đấy. Thoả mãn chưa? Thôi bây giờ thì anh xéo đi, xéo đi với cái con Luska nhà anh, tôi không cần. Cái hạng người tim lạnh như đá, có mắt như mù, thì tôi không cần một tí nào?

Cô vùng ra khỏi tay Đavưđốp, nhưng bị anh giữ chặt. Anh giữ chặt cô, giữ khư khư, nhưng cứ nín thinh. Hai người đứng như thế vài phút, rồi Varia đưa góc khăn vuông lên chùi mắt, nói bằng giọng đã nguội lạnh, cái giọng nói thường ngày và mệt mỏi:

- Buông em ra, em đi về.

- Khẽ chứ, kẻo ai nghe thấy, - Đavưđốp khẩn khoản.

- Thì em vẫn nói khẽ.

- Phải biết giữ ý…

- Em giữ ý đã nửa năm nay rồi, em xin đủ, chả còn hơi sức đâu giữ mãi. Nhưng buông em ra! Sáng đến nơi rồi, em còn phải đi vắt sữa bò. Ơ hay, điếc à?

Đavưđốp vẫn đứng lẳng lặng, đầu cúi xuống. tay phải anh ôm chặt lấy đôi vai mềm mại của Varia, và anh cảm thấy dưới bàn tay anh cái thân thể trẻ trung của cô nóng hổi, anh hít thấy mái tóc cô thoang thoảng một mùi hương ngai ngái. Nhưng trong những giây phút này tâm trạng của anh sao mà lạ: chẳng bổi hổi bồi hồi, máu chẳng bốc lên, chẳng thèm muốn, chỉ thấy lòng man mác buồn, như phủ một màn sương, và không hiểu sao, thấy khó thở…

Rũ đi cơn bàng hoàng, Đavưđốp đưa tay trái đỡ lấy cái cằm tròn trĩnh của Varia khẽ nâng lên, mỉm cười nói:

- Cám ơn em! Em Varia Hẩm hiu của anh!

- Cám ơn cái gì cơ? - Varia thều thào không ra tiếng.

- Vì hạnh phúc mà em mang lại cho anh, vì em đã mắng mỏ anh là thằng mù… Nhưng em chớ tưởng anh hoàn toàn mù tịt! Em biết không, đôi lúc anh cứ nghĩ là hạnh phúc của anh, hạnh phúc riêng tư của anh, anh đã để lại nó đằng sau đuôi tàu rồi, nghĩa là để lại trong quá khứ… Mặc dầu là trong quá khứ nó đến với anh cũng chỉ nhỏ giọt…

- Em còn ít hơn thế! - Varia nói nhỏ. Rồi lớn giọng hơn một chút: - Hôn em đi, anh chủ tịch của em, hôn em lần đầu tiên và lần cuối cùng, rồi ta chia tay nhau, kẻo sáng rồi. Không nên để người ta thấy chúng mình đứng với nhau, ngượng lắm.

Cô kiễng lên như trẻ con, ngửa cổ, chìa môi ra. Nhưng Đavưđốp hững hờ hôn cô lên trán, như hôn trẻ nhỏ, và nói bằng giọng dứt khoát:

- Không lo, Varia ạ, rồi đâu sẽ vào đó! Anh không tiễn em về đâu, chả nên, thực tế thế. Mai ta sẽ gặp lại nhau. Em đã đặt ra cho anh một câu đố hóc búa… Nhưng đến sáng anh sẽ nhất định tìm ra câu giải đáp, thực tế thế! Sáng em hãy bảo mẹ ở nhà, đừng đi đâu, xẩm chiều anh sẽ đến nói chuyện, và cả em nữa cũng ở nhà. Thôi, chào con nai vàng của anh! Anh bỏ em về một mình, em đừng giận… Anh còn phải suy nghĩ về cuộc đời của em chứ, và cả của anh nữa. Có đúng không nào?

Anh không đợi câu trả lời. Anh lẳng lặng quay gót, và lẳng lặng đi về nhà, lững thững bước một như thường ngày.

Nếu họ cứ thế mà chia tay nhau thì giữa họ chẳng ra gắn bó, chẳng ra không. Nhưng Varia đã gọi giật anh lại, giọng thều thào không ra hơi. Đavưđốp miễn cưỡng dừng lại, hỏi nhỏ:

- Cái gì nữa thế?

Anh nhìn cô đang bước vội về phía mình mà trong bụng đâm lo: "Mới chia tay nhau chưa được một phút, con bé đã định giở trò gì nữa thế này? Nó đau khổ, nó có thể làm liều lắm, thực tế thế!".

Varia bước sấn tới, nép sát vào anh, thở vào mặt anh, thều thào sôi nổi:

- Anh yêu, anh đừng đến nhà em, đừng nói gì với mẹ em cả! Nếu anh muốn, em sẽ đi lại chung đụng với anh, nghĩa là… nghĩa là như Luska ấy! Ta sẽ đi lại với nhau một năm, rồi anh bỏ em cũng được! Em sẽ đi lấy Ivan. Dù em thế nào, dù là lấy thừa của anh nó cũng vẫn lấy! Hôm kia nó đã bảo em: "Dù cô thế nào tôi cũng vẫn yêu cô!". Anh bằng lòng không?!

Đavưđốp không còn kịp suy nghĩ gì nữa, phũ phàng đẩy Varia ra, mắng té tát:

- Đồ ngu! Ranh con! Lếu láo! Ăn nói cái kiểu gì thế? Cô hóa rồ hóa dại rồi, thực tế thế! Cô vứt ngay cái trò ấy đi, rồi về nhà đi ngủ. Nghe rõ chưa? Chiều tôi sẽ đến nhà, và cô đừng có nghĩ đến chuyện trốn mặt tôi! Cô có trốn đằng trời!

Nếu Varia giận dỗi im lặng bỏ đi thì đến đây là họ chia tay nhau, nhưng cô lại hỏi nhỏ, giọng hoang mang bối rối:

- Thế em biết làm thế nào, hả anh Xêmiôn thân yêu?

Và thế là một lần nữa, trái tim Đavưđốp lại rung động, nhưng không phải vì thương hại nữa, mà là đồng điệu. Anh ôm lấy Varia, đưa tay lên vuót vuốt mái đầu nghiêng nghiêng của cô, van xin:

- Em tha lỗi cho anh, anh đã quá nóng… Nhưng em cũng đến hay! Tự dưng em lại nghĩ ra cái trò nhẫn nhục kia… Thôi, về đi, em Varia ạ. Ngủ đi một tí, chiều tối ta sẽ gặp nhau, được không?

- Được ạ, - Varia ngoan ngoãn đáp. Rồi vùng ra, hốt hoảng: - Chết! Sáng toét ra rồi, lạy Chúa!...

Rạng đông lẻn đến lúc nào không biết, và bây giờ thì cả Đavưđốp nữa cũng như người vừa bừng tỉnh, và mới để ý thấy nổi lên rõ những nét đường viền của những ngôi nhà, những kho, những mái, những vòm cây xanh xẫm hòa lẫn với các khu vườn tịch mịch, và phía đằng đông, thoáng hiện ra lờ mờ cái dải bình minh màu đỏ thắm.

° ° °

Không phải vô cớ mà trong lúc nói chuyện với Varia, Đavưđốp đã buột miệng nói rằng hạnh phúc của anh, anh đã để lại "đằng sau đuôi tàu".

Nhưng trong cuộc đời nhộn nhạo của anh, anh đã từng có cái hạnh phúc ấy hay không đã chứ?

Nói thật ra là không, không có.

Sáng hồi lâu rồi mà anh vẫn cứ còn ngồi bên cửa sổ mở toang, hút liên chi hồ điệp hết điếu này đến điếu khác, lần giở lại trong ký ức những chuyện yêu đương xưa kia, và thực ra là đời anh tuyệt nhiên không có một chuyện gì làm anh bây giờ nhớ lại mà cảm thấy hàm ơn, hoặc buồn, hoặc thậm chí lương tâm cắn rứt… Đó chỉ là những cuộc trăng gió ngắn ngủi với những người đàn bà gặp gỡ tình cờ, không có một ai và không có một cái gì gắn bó cả, thế thôi! Hợp lại cũng dễ, và tan cũng chẳng khó khăn gì, chẳng đau khổ, chẳng một lời trách móc thở than, và một tuần lễ sau gặp nhau thì đã như người dưng nước lã, và nếu có trao đổi với nhau một nụ cười lạnh giá hoặc vài câu vô nghĩa thì chẳng qua cũng chỉ để cho phải phép mà thôi. Tình loài thỏ, chứ không phải tình của người! Ngồi nhớ lại chuyện xưa mà anh chàng Đavưđốp khốn khổ lấy làm xấu hổ lắm, và trong khi lần lại quãng đường yêu đương đã qua ấy, vấp phải đoạn đời như vậy là anh lại nhăn mặt ghê tởm, cố lướt vội cho qua đi những cái gọi là để tô điểm cuộc đời cũng giống như một vết dầu madút tô điểm cho một bộ quân phục lính thủy sạch tinh tươm mà thôi. Và để quên cái phiền muộn, anh bàng hoàng cuốn vội một điếu thuốc mới, nghĩ bụng: "Một bản tổng kết hay thật!... Độc những cái vô nghĩa và thối rích, thực tế thế! Tóm lại là anh lính thủy ơi, cho anh điểm số không, không thêm dấu cộng nào cả. Cũng đáng đời anh, chuyện trai gái của anh linh tinh lắm, không hơn gì một con chó!".

Và đến gần tám giờ sáng thì Đavưđốp đã hạ quyết tâm: "Thôi, ta sẽ lấy Varia! Anh lính thủy ơi, đã đến lúc phải chấm dứt cái cuộc đời trai không vợ của anh đi thôi! Thế có khi lại tốt. Mình sẽ thu xếp cho cô ấy đi học kỹ thuật nông nghiệp. Đi hai năm cô ấy sẽ về làm cán bộ canh nông của nông trang, và ta sẽ cùng nhau gánh vác. Rồi lúc ấy sẽ hay!".

Anh có thói quen một khi đã quyết định việc gì rồi thì không đút ngăn kéo để "ngâm cứu". Cho nên rửa mặt xong, anh đến ngay nhà Kharlamôva.

Anh gặp bà mẹ của Varia ở ngoài sân, lễ phép chào:

- Chào mẹ! Thế nào, mẹ có khỏe không?

- Chào anh chủ tịch! Cũng nhì nhằng, anh ạ. Có việc gì cần mà anh đến chơi sớm vậy?

- Varia có nhà không mẹ?

- Nó đang ngủ. Các anh họp hành gì mà đến sáng bạch nhật mới tan vậy!

- Ta vào nhà đi. Mẹ gọi cô ấy dậy. Con có tí việc muốn nói.

- Mời anh cứ tự nhiên.

Hai người bước vào bếp. Bà cụ lo ngại liếc nhìn Đavưđốp, nói:

- Anh ngồi chơi, để tôi vào gọi nó.

Varia ở trong buồng bước ra ngay. Xem chừng sáng nay cô cũng chẳng ngủ được. Đôi mắt cô khóc sưng húp, nhưng gương mặt cô vẫn mơn mởn tuổi thanh xuân, và dường như rạng rỡ ngọn lửa tình ấp ủ trong lòng. Cô nhìn Đavưđốp cái nhìn dò hỏi, đợi chờ, hơi có vẻ lườm lườm, và nói:

- Chào đồng chí Đavưđốp! Đồng chí chủ tịch mà cũng đến thăm mẹ con em sớm vậy.

Đavưđốp ngồi xuống tấm ghế dài, liếc nhìn lũ trẻ ngủ chen chúc trên chiếc giường ọp ẹp, nói:

- Không phải tôi đến thăm, mà đến có việc. Việc thế này, mẹ ạ…

Anh ngừng lại một phút, lựa lời nói năng ra sao đây, và đưa đôi mắt mệt mỏi nhìn bà lão.

Bà đứng bên bếp lò, tay vuốt vuốt lại những nếp chiếc áo cũ rích trên bộ ngực lép kẹp và vẻ băn khoăn.

- Việc thế này mẹ ạ, - Đavưđốp nhắc lại. - Varia yêu con, và con cũng yêu cô ấy. Chúng con đã quyết định thế này: con sẽ đưa cô ấy lên khu, học trường canh nông, hai năm nữa cô ấy sẽ trở thành cán bộ canh nông, về Grêmiatsi ta công tác. Và mùa thu năm nay, mùa màng xong, chúng con sẽ làm lễ cưới. Ngoài con ra còn có nhà Ốpnidốp cũng dạm hỏi Varia, nhưng ép dầu mỡ chứ chả nỡ ép duyên, đời cô ấy là do cô ấy tự quyết định, thực tế thế!

Bà cụ nghiêm sắc mặt quay sang con gái:

- Đúng không, Varia?

Nhưng cô chỉ còn đủ sức thều thào:

- Mẹ! - và lao bổ tới mẹ, cúi gục đầu xuống, lã chã những giọt nước mắt hạnh phúc, và nắm lấy hai bàn tay răn rúm sần sùi vì bao nhiêu năm lam lũ vất vả của mẹ mà hôn.

Đứng quay ra phía cửa sổ, Đavưđốp nghe thấy cô thều thào qua tiếng nức nở:

- Mẹ ơi, mẹ thương con! Con sẽ theo anh ấy đến tận cùng trời cuối đất! Anh ấy bảo sao con cũng làm. Đi học cũng được, lao động cũng được, cái gì con cũng làm!... Mẹ đừng bắt con lấy Ivan Ốpnidốp! Lấy hắn thì con chết mất…

Một phút im lặng, rồi Đavưđốp nghe thấy tiếng bà mẹ run run nói:

- Xem ra là hai anh chị đã đồng ý nhau cả rồi mà không cần hỏi ý kiến mẹ phải không? Thôi thì cũng cầu Chúa phù hộ cho hai anh chị. Con Varia nhà tôi, tôi không muốn nó khổ, nhưng anh bộ đội lính thủy ơi, xin anh đừng làm nhục đời con gái tôi! Tôi chỉ còn mình nó để trông mong nương tựa! Anh thấy đấy, nó là đứa con lớn trong nhà, nó sẽ phải quán xuyến tất cả, còn tôi, phần thì buồn khổ, phần vì con mọn, phần vì nghèo túng… Anh thấy đấy, tôi đâm ra thân tàn ma dại thế này… Chưa già mà đã lụ khụ! Lính thủy các anh, hồi chiến tranh tôi đã biết các anh thế nào rồi… Nhưng xin anh đừng làm tôi tan cửa nát nhà!

Đavưđốp quay ngoắt lại, nhìn chòng chọc vào mắt bà mẹ:

- Này mẹ, mẹ đừng nói động đến anh em lính thủy! Anh em lính thủy đã chiến đấu và tiêu diệt bọn nhãi ranh bạch vệ kôdắc như thế nào thì sử sách còn ghi, thực tế thế! Còn riêng về mặt danh dự và yêu đương thì anh em lính thủy chúng tôi đã là và sẽ là những người biết trọng danh dự và chung thủy bằng vạn lần bất cứ một thằng khốn nạn nào không phải lính thủy! Cho nên về Varia thì mẹ khỏi lo, không đời nào con lại làm hại đời cô ấy. Còn về chuyện hai chúng con, con chỉ đề nghị một điều thế này thôi: nếu mẹ đồng ý cho chúng con lấy nhau thì mai con sẽ đưa cô ấy đi Milêrôvô, xin cho cô ấy vào trường kỹ thuật, còn con, trong khi chờ ngày làm lễ cưới, con sẽ dọn đến ở trọ đây. Đối với con, như thế cũng thuận tiện hơn là ở nhà người ta. Nhưng còn có mặt khác: bây giờ con cũng phải giúp đỡ gia đình nhà ta thế nào chứ? Varia đi học, một mình mẹ xoay xở với lũ trẻ thì mẹ kiệt sức mất! Con sẽ đưa vai ra gánh vác việc nhà ta. Vai con rộng, mẹ cứ yên trí, nó gánh được, thực tế thế! Đó, việc ta sẽ thu xếp như vậy. Thế nào, mẹ đồng ý không?

Đavưđốp rộng cẳng bước tới và ôm lấy đôi vai gầy guộc của bà mẹ vợ tương lai, và khi bà đặt đôi môi ướt nhoèn nước mắt lên má anh, anh càu nhàu nói:

- Các bà đến là mau nước mắt! Kiểu này thì người lòng gang dạ sắt mấy cũng bị các bà làm mủi lòng. Thế nào, bà già ơi, liệu rồi ta sống được chứ hả? Nhất định sống được, con nói dứt khoát thế!

Đavưđốp hấp tấp rút trong túi ra một xấp tiền giấy nhàu nát, ngượng ngập dúi xuống chiếc khăn bàn tồi tàn, lúng túng cười, miệng ấp úng:

- Đây là tiền con tiết kiệm hồi làm ở nhà máy. Con cũng chỉ phải chi có món thuốc lá thôi… Rượu thì con ít uống. Mà nhà ta thì đang cần tiền chuẩn bị cho Varia lên đường và mua sắm cho bọn trẻ… Thôi, chuyện có thế thôi, bây giờ con đi, hôm nay con phải lên huyện. Chiều con về sẽ mang vali đồ lề lại đây, còn em, Varia, em chuẩn bị đi. Sáng mai tinh mơ là ta lên đường đi khu. Thôi, chào cả nhà. Đavưđốp dang rộng hai tay ôm choàng lấy Varia đang nép vào người anh và bà mẹ rồi quay gót bước dứt khoát ra cửa.

Bước chân anh đi chắc nịch, đầy tự tịn, vẫn cái bước chân lính thủy hơi chuệnh choạng của anh trước đây, nhưng ai đó đã từng biết anh thì có thể thấy trong cái chuệnh choạng ấy có một cái gì đó mới mẻ…

° ° °

Ngay hôm ấy Đavưđốp lên huyện, và được Nextêrenkô đồng ý cho phép lên gặp đảng ủy khu. Nextêrenkô dặn anh:

- Cậu đi mau mau về, đừng nấn ná trên ấy.

- Xong việc là tôi về luôn, chỉ nhờ anh gọi giây nói trước cho đồng chí bí thư khu ủy, đề nghị đồng chí ấy cho tôi gặp và giúp cho về việc đưa cô Kharlamôva vào trường.

Nextêrenkô nhăn mặt lại một cái hóm hỉnh:

- Này, anh lính thủy ơi, anh có định cho tôi hố với anh không đấy hả? Liệu hồn đấy, nếu anh đánh lừa tôi, không lấy cô ấy thì đừng có trách! Chúng tôi không tha thứ cho anh cái trò Đông Gioăng ấy một lần nữa đâu! Với cô Luska thì còn đỡ phức tạp, dẫu sao cô ta cũng là gái đã bỏ chồng, còn trường hợp này thì hoàn toàn khác!...

Đavưđốp cáu tiết nhìn Nextêrenkô, không đợi nghe hết câu, cắt ngang luôn:

- Đồng chí bí thư ạ, quái quỷ thật, đồng chí nghĩ về tôi tệ quá đấy, thực tế thế! Thì tôi đã bảo là tôi đã xin bà cụ hẳn hoi, ăn hỏi tử tế theo đúng tục lệ hôn nhân mà! Anh còn đòi gì nữa, và tại sao tôi nói anh không tin?

Nextêrenkô nhẹ nhàng hỏi:

- Hỏi cậu một câu cuối cùng nữa. Xêmiôn ạ, cậu đã ăn nằm với cô ta chưa? Nếu là rồi thì sao không cưới phăng đi trước khi cô ta đi học? Cậu có đợi ai ở Lêningrát về không, vợ cũ chẳng hạn? Đồ mặt nạc ạ, cậu nên hiểu cho mình lo lắng cho cậu là trên tình anh em, và nếu phải mất lòng tin ở đức tính anh đàn ông đứng đắn của cậu thì mình rất khổ tâm… Mình nhảy xổ vào chuyện riêng tư của cậu hoàn toàn không phải vì thóc mách mua vui đâu… Cậu đừng tự ái, hiểu không? Muốn hỏi cậu một câu chót này: cậu cho cô Kharlamôva đi học không phải để đánh tháo chứ? Tống đi cho rảnh tay… Liệu hồn ấy, chú em tôi ạ!

Đavưđốp mệt mỏi gập đôi cẳng chân đau nhừ vì phi ngựa nhanh, buông người ngồi phịch xuống chiếc ghế tồi tàn đặt đối diện với chiếc ghế bành Nextêrenkô đang ngồi. Anh bần thần nhìn đôi tay ọp ẹp của chiếc ghế bành đồ mây hàng mã, rồi vểnh tai nghe tiếng chiêm chiếp không ngừng của lũ chim sẻ trong khóm xiêm gai, và nhìn khuôn mặt vàng vọt của Nextêrenkô, nhìn những miếng mạng rất khéo trên chiếc áo varơi cũ kỹ của anh. Rồi nói:

- Thú thật là lẽ ra tôi không nên kết bạn thân tình với anh, khi làm quen anh trên ruộng cày vào mùa xuân vừa rồi… không nên bởi vì xem ra anh có cái thói không tin ai cả… Quỷ tha ma bắt anh đi, anh bí thư ạ! Hình như anh chỉ tin mình anh thôi thì phải, mà cũng chỉ tin vào những ngày nghỉ thôi, còn đối với mọi người khác, kể cả những người anh thề thốt là bạn thân, anh luôn luôn nhìn họ bằng con mắt nghi ngờ một cách ngu xuẩn… Tính anh thế thì anh làm thế nào mà lãnh đạo được huyện ủy nhỉ? Anh nên kiểm điểm mình đi đã, trước khi nghi ngờ người khác!

Nextêrenkô mỉm cười một nụ cười ốm yếu:

- Mình đã đề nghị cậu đừng tự ái, nhưng cậu vẫn tự ái hả?

- Tự ái hẳn đi chứ!

- Thế thì cậu xoàng lắm!

Đavưđốp đứng dậy, vẻ nom càng mệt mỏi tợn:

- Tôi đi đây, ngồi nữa thì khéo cãi nhau mất…

- Mình chả muốn thế làm gì, - Nextêrenkô nói.

- Tôi cũng vậy.

- Thế thì cậu nên ngồi lại dăm mười phút nữa, những điểm bất đồng ta thanh toán với nhau cũng xong thôi.

- Thì ở lại. - Đavưđốp lại ngồi phịch xuống ghế. - Tôi không có dã tâm gì đối với cô ta cả, thực tế thế! Cô ấy cần được đi học. Nhà đông con, cô ấy lại là chị nhớn phải gánh vác cả nhà… Anh hiểu chưa?

- Hiểu, - Nextêrenkô đáp nhưng vẫn nhìn Đavưđốp bằng đôi mắt nghiêm khắc lạnh như tiền.

- Chúng tôi sẽ cưới khi nào cô ấy được nhận vào trường xong xuôi đâu đấy, còn tôi thì thanh toán xong việc mùa màng. Tóm lại là gặt hái xong thì cưới, theo đúng phong tục nhà quê, - Đavưđốp cười chẳng vui vẻ tí nào. Và thấy Nextêrenkô hình như có dịu mặt đi và bắt đầu nghe chăm chú, anh nói tiếp bằng giọng đỡ miễn cưỡng hơn, tự nhiên hơn, và trong bụng không còn ngượng ngùng như lúc nãy nữa: - Tôi chả có vợ nào ở Lêningrát, hoặc ở bất cứ đâu cả. Bây giờ tôi mới liều một phen lấy cô Varia đây. Và cũng đến lúc rồi: sắp bốn mươi rồi còn gì.

- Từ ba mươi trở đi, mỗi năm cậu tính thành mười phải không? - Nextêrenkô mỉm cười.

- Anh không kể nội chiến à? Mỗi năm lăn lộn trong nội chiến không phải coi như mười năm hay sao?

- Thế thì hơi nhiều…

- Anh cứ nhìn vào anh đấy, rồi sẽ thấy thế cũng vừa.

Nextêrenkô đứng lên, đi đi lại lại trong phòng, xoa tay bị gió lạnh, đáp lững lờ:

- Chả biết thế nào mà nói… Vả lại đâu có phải chuyện ấy. Xêmiôn ạ, nghe cậu giải thích xong, mình rất mừng thấy không phải cậu định tái diễn cái trò với Luska, mà lần này có vẻ là thực sự đây. Chuyện đứng đắn thì mình ủng hộ thôi, và chúc cậu hạnh phúc!

- Thu này anh về dự cưới chứ? - Đavưđốp trong lòng hồ hởi lên, hỏi.

- Mình sẽ là ông khách số một! - Nextêrenkô đáp, và nụ cười của anh trở lại tươi tỉnh như trước, không có tí gì giả tạo, và đôi mắt đùng đục của anh lại ánh lên những ánh tinh nghịch: - Khách số một không phải trên ý nghĩa tước vị, mà là khách đến sớm nhất, trên tình thần ăn cỗ đi trước.

- Thôi, tôi đi đây. Anh nhớ gọi giây nói cho đồng chí bí thư khu ủy hộ tôi.

- Mình sẽ gọi ngay hôm nay. Cậu đi đi, và về cho sớm.

- Tôi sẽ vắt chân lên cổ!

Họ bắt tay nhau thật chặt.

Bước ra đến đường phố bụi bặm và nắng rát, Đavưđốp nghĩ bụng: "Không phải vô cớ mà tính nết anh ta như thay đổi hẳn! Nom ốm lắm! Da vàng khè, má hóp, như người chết rồi, và mắt thì đục… Có lẽ vì thế mà hôm nay anh nói với mình gay gắt như vậy chăng?..".

Đavưđốp đã ra tới chỗ con ngựa thì Nextêrenkô thò cổ ra ngoài cửa sổ gọi anh bằng giọng không được khỏe lắm:

- Xêmiôn ơi, quay vào đây tí đã.

Đavưđốp lại miễn cưỡng bước lên mấy bậc thềm ngôi nhà huyện ủy.

Nextêrenkô lúc này lưng càng còng hơn, nom như gục người xuống, nhìn Đavưđốp nói:

- Có lẽ mình đã hơi nặng lời với cậu một cách không cần thiết. Cậu bỏ quá cho mình, mình đang chán ghê lắm: đã sốt rét lại vớ thêm cái ho lao nữa, chả biết vớ phải ở đâu, và bây giờ nó đang hoành hành trong người mình một cách hết sức công khai. Hang hốc cả hai bên phổi. Mai mình đi điều dưỡng, khu cho đi. Mình không muốn đi trước mùa gặt, nhưng cũng đành vậy thôi, cứu bệnh như cứu hỏa mà. Nhưng mình sẽ cố gắng về dự cưới cậu. Cậu đừng nghĩ là mình muốn khóc lóc than thở với cậu, nhưng bị cái tai vạ nó trút lên đầu mình một cách bất ngờ như thế mà có bạn bè chia xẻ vài câu nó cũng đỡ…

Đavưđốp đi vòng bàn, lẳng lặng ôm chặt lấy Nextêrenkô, hôn lên đôi má nóng ran và xâm xấp ướt của anh. Rồi sau đó mới nói:

- Đi đi, anh ạ, đi chữa bệnh cho khỏi! Bệnh tật thì chỉ giết được những anh trai trẻ thôi, còn anh và tôi thì nó chả làm gì nổi.

- Cảm ơn cậu, - Nextêrenkô đáp nhỏ, gần như không thành tiếng.

Đavưđốp sải bước đi ra. Anh nhảy lên ngựa, và lần đầu tiên trong đời anh, anh thúc ngựa khởi hành bằng một cái roi quất mạnh. Lao ngựa qua phố huyện anh nghiến răng tức giận rít lên:

- Tiên sư đồ con lừa, suốt ngày ngủ!...

Đavưđốp về tới làng vào lúc sau giờ ăn trưa. Anh đến thẳng nhà Kharlamôva, xuống ngựa hai bên cổng, và lững thững bước một đi vào sân. Khi anh tới bên thêm, hai cẳng dạng háng ra bước khệnh khạng và mặt nhăn nhó vì bị phồng cả đít do không quen cưỡi ngựa đường trường, trong nhà chắc đã trông thấy anh, và bà mẹ vợ tương lai đã bước ra cửa đón anh với một vẻ khác hẳn, niềm nở, dường như nửa ngày là đã đủ để làm bà quen với anh con rể mới:

- Ô, sao thế hả con, đau bẹn hả? Vội về quá đấy mà! Từ đây lên huyện, rồi lại từ huyện về, có gần gì đâu cho cam! - Bà nói với giọng làm ra vẻ xuýt xoa. Nhìn anh con rể chính thức của mình vẫn vung vẩy cái roi ra vẻ oai lắm, trong thâm tâm chắc bà không nhịn được cười… Ai chứ một người phụ nữ kôdắc nhiều tuổi như bà thì còn lạ gì cái tài cưỡi ngựa của những "anh người Nga" ấy nữa!

Lộn ruột vì cái giọng xuýt xoa ấy, Đavưđốp đáp lại hơi xẵng:

- Thôi mẹ ơi, làm gì mà nhiều lời thế? Varia đâu rồi?

- Nó đi tìm thợ may, thì cũng phải chữa lại mấy cái đồ cũ chứ? Anh à, anh vớ được cô vợ chưa cưới thật là chán mớ đời! Ngoài cái váy cũ mặc trên người ra, không còn lấy cái chết tiệt gì nữa! Kén vợ gì mà lại kén thế?

- Sáng nay con đến đây hỏi lấy con gái cụ chứ không phải lấy cái váy, - Đavưđốp liếm đôi môi đi nắng khô nẻ, nói. - Nhà có nước lạnh uống không mẹ? Còn váy thì rồi sẽ kiếm ra được, cứ từ từ, vội gì! Varia đi bao giờ về?

- Nó đi thì có trời biết! Anh vào trong nhà! Thế nào, anh đã xin được cấp trên cho con Varia đi canh nông chưa?

- Tất nhiên là được. Mai chúng con đi khu, mẹ chuẩn bị cho cô ấy lên đường. Thế nào? Mới nói thế mà đã lại mưa rồi đấy hả mẹ? Đã muộn rồi đấy!

Quả là bà lão khóc thật, khóc cay đắng, nức nở, nhưng rồi bà cũng nén được ngay cơn yếu đuối ấy, cầm góc tạp dề không lấy gì làm sạch sẽ cho lắm chùi mắt, vừa thỉnh thoảng nấc lên một cái vừa nói bằng giọng chán chường:

- Khỉ gió nhà anh, thì cũng vào trong nhà đi chứ, việc quan trọng thế mà đứng ngoài sân bàn à?

Đavưđốp bước vào nhà, ngồi xuống tấm ghế dài, ném cái roi xuống gầm ghế.

- Còn bàn cái gì nữa hả mẹ? Việc đã rõ ràng và quyết định rồi. Bây giờ con đề nghị thế này, mẹ có đồng ý không: mấy ngày qua con mệt ghê lắm, mẹ cho con tí nước uống, rồi con nằm đây ngủ độ một tiếng, con ngủ dậy rồi ta sẽ nói chuyện. Còn ngựa thì mẹ bảo đứa nào nhà ta dắt ra chuồng ngựa nông trang cho con.

Bà mẹ đã tươi tỉnh lên, nói:

- Ngựa thì khỏi lo, bọn trẻ sẽ dắt, nhưng anh chờ tí đã, để mẹ đi lấy ít sữa lạnh cho mà uống. Xuống hầm lấy có ngay thôi mà.

Cơn mệt và mấy đêm liền không ngủ làm Đavưđốp lử cò bợ, chẳng còn đợi được nữa. Khi bà mẹ quay lại, rón rén bưng bình sữa đổ mồ hôi lạnh thì Đavưđốp đã ngủ rồi, nằm ngay trên chiếc ghế dài anh vừa ngồi, miệng he hé và cánh tay phải buông thõng xuống đất. Bà chẳng gọi anh dậy làm gì nữa. Bà khẽ nâng đầu anh lên, luồn chiếc gối nhỏ bọc áo xanh lơ vào.

Lả đi vì mệt và cái nóng hầm hập của gian nhà, Đavưđốp ngủ một mạch hai tiếng đồng hồ, rồi tỉnh dậy vì có tiếng trẻ con xì xào bên tai và có một bàn tay phụ nữ ấm áp vuốt ve mặt anh. Anh mở mắt và thấy Varia đang ngồi bên tấm ghế anh nằm, âu yếm mỉm cười nhìn anh, và vây quanh anh là cả lũ năm đứa trẻ nối dõi tông đường nhà Kharlamốp.

Đứa bé nhất, và xem ra cũng là đứa bạo nhất, tin cậy nắm lấy bàn tay to tướng của Đavưđốp trong hai bàn tay nhỏ xíu của nó, rồi nép vào người anh, rụt rè hỏi:

- Chú Xêmiôn ơi, có đúng là bây giờ chú đến ở nhà cháu không?

Đavưđốp thả hai chân xuống, mỉm cười với nó một nụ cười ngái ngủ:

- Đúng đấy, bé ạ! Nhất định phải thế rồi! Chị Varia sắp đi học xa, thế thì ai sẽ lo ăn lo mặc cho mấy đứa? Bây giờ là anh phải làm việc ấy đấy, thực tế thế! Và anh đặt tay lên cái đầu âm ấm và xoăn tít của thằng bé, ân cần như một người cha.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK