Cha ả, hội đồng Cao như thường lệ mới vừa hửng trời đã ra đồng thăm ruộng, đây là sự cẩn tắc của người làm chủ và cũng là thói quen khó bỏ kể từ khi ông rời nghề thầy giáo cưới con gái Đốc phủ và được chia ruộng đất khai khẩn để bắt đầu nghiệp điền chủ.
Mờ trời, má ả còn ngủ say trong buồng, bọn gia nhân thì chạy đôn chạy đáo lúp xúp như mấy con vịt lo chuyện cơm nước quét dọn cửa nhà. Xếp bằng ngồi trên bộ ngựa gỗ đỏ, ả nhâm nhi tách cà phê sữa nóng thơm lừng đăng đắng, tận hưởng cái khí trời trong trong dịu dịu. Ngó ra bên ngoài, đằng Đông đã ẩn hiện mấy tia sáng đầu tiên thấp thoáng sau bóng dừa lêu nghêu, chim chóc ríu rít chuyền cành, ôi cái quang cảnh ban mai làm lòng người ta khoan khoái đến lạ.
Con bé ba đứng kế phản phe phẩy quạt, chốc chốc lại ngáp ngắn ngáp dài, mùa này đương độ vào Hè nên tiết trời oi ả, sáng sớm sương còn chưa tan mà không khí chẳng lấy gì làm lạnh lẽo, dù ả đang khoác khăn lụa nhưng vẫn muốn bé ba đứng quạt cho mình. Phận tôi tớ tội nghiệp, nó buồn ngủ gần chết, cảm tưởng như mí mắt có thể sụp xuống bất cứ lúc nào mà vẫn phải đứng đó hầu cô, đôi khi con nhỏ hay than thở âm thầm rằng "Giá như mình cũng được sanh ra trong nhà quyền quý thì chắc bẳm sẽ sung sướng giống như cô hai, được ăn no mặc đẹp, chăn ấm nệm êm, không lo thức khuya dậy sớm chực chờ." nhưng cái 'giá như' của nó có bao giờ mà thành hiện thực được đâu...
"Dạ thưa cô hai đói chưa để con biểu mấy đứa nó làm cơm đem lên?"
Khổ thân bé ba, nó dậy sớm theo chủ, vừa buồn ngủ vừa đói muốn rã ruột mà không dám đi lục cơm nguội lót dạ, bởi lẽ có lý nào tôi tớ mà lại ăn cơm trước chủ bao giờ? Thường bữa nó phải đợi cô hai ăn xong, dọn dẹp tươm tất, chờ khi cô hai đã yên vị đọc tiểu thuyết trong buồng rồi mới tới lượt mình ra đằng sau chái bếp động đũa.
Thường ngày, nó không dám mở lời hỏi chủ trước đâu nhưng sáng nay nó đói quá rồi đành liều mạng buộc miệng hỏi dò.
"Tao chưa đói, mày đi ra ngoài cổng ngó xem con Nam Sa tới chưa?"
"Nam Sa là ai vậy cô hai?"
Ả tặc lưỡi, nghĩ bụng bé ba không biết cũng phải...
"Mày cứ ra ngoài cổng ngóng coi, có con nào da trắng tóc vàng bận đồ nâu thô là nó đó."
Bé ba khó hiểu, nhiều chuyện hỏi thêm.
"Da trắng tóc vàng? Giống như mấy người Tây mình gặp trên Sài thành đó hở cô? Ủa mà, không lẽ nào...cô hai...!?"
Như chợt hiểu ra điều gì đó, con bé ba tá hỏa tròn mắt nhìn ả, khắp miệt xứ này ai mà chẳng biết có một con nhỏ lai Tây tai tiếng ngập đầu, không lẽ Nam Sa mà cô hai nó nói tới chính là nhỏ này ư? Nếu vậy thì ông hội sẽ đánh nó chết mất nếu biết rằng nó thông đồng cùng cô hai nhà này đưa hạng nghiệt chủng ấy bước chân vào nhà!
Con bé ba thu vai rụt cổ co ro, nó sợ cô hai thì vẫn sợ, nhưng lại càng sợ ông hội hơn, nghe lời ông thì bị cô đánh mà nghe lời cô thì bị ông đập, sao đường nào nó cũng tan xương nát thịt hết vậy? Biết tính làm sao đây?
Thu hết can đảm, bé ba ngập ngừng thưa.
"Dạ, cô ơi...con nhỏ đó với mẹ nó là gia đình tai tiếng, bị đàm tiếu không biết bao nhiêu mà nói, cô cho nó vào nhà là ông rầy chết..."
"Câm miệng, mày dám trả treo với tao hả!? Mau đi ra coi con Nam Sa tới chưa."
Vừa sợ vừa sầu, sầu muốn thúi ruột, nhưng ý chủ là ý trời, nó làm sao dám chống đối? Đành lê chân nặng nhọc như có ngàn cân trì kéo đi ra ngoài cổng phục mệnh, nó rầu tới độ suýt đụng trúng mấy người gia nhân khác ngang qua mà cũng chẳng hay.
Ai ở xứ này mà không biết về câu chuyện oan nghiệt ấy? Câu chuyện về một thôn nữ mồ côi mồ cút lại dây dưa cùng viên sĩ quan người Pháp, kẻ mà năm đó đã ra tay sát hại đày ải không biết bao nhiêu tá điền để cướp đất cướp lúa trắng trợn. Rồi ngày hắn rời đi khỏi làng, để lại nàng thôn nữ với đứa con còn chưa tượng hình, dân chúng đã trút hết nỗi phẫn hận lên người hai má con họ, tội tư thông quốc tặc sanh ra nghiệt chủng, ôi cái tội lỗi dù có trầm mình xuống dòng sông Hậu cũng không thể rữa sạch nhuốc nhơ.
Con bé ba âm thầm khấn vái, nó vái trời vái đất xui khiến cho Nam Sa đừng bao giờ tới, bằng không thì hậu quả thật sự khôn lường, cơn thịnh nộ của ông hội đồng Cao tuy chẳng mãnh liệt sôi trào như cô hai Dạ Lý, thế nhưng lại xâu xé đay nghiến đọa đày tâm hồn người ta không bao giờ dứt ra được. May thay ông hội ít khi nào nổi giận, hầu như chẳng thấy ông giận, chỉ là nếu lần đó chính mắt nó không chứng kiến sự việc kia thì...mà thôi, bỏ đi...
...
Ông trời chẳng toại lòng người, dẫu ngàn lời van vái thì Nam Sa rốt cuộc vẫn xuất hiện khi mặt trời đã lên hẳn, nắng rọi xuống mặt đất ủ mềm nâng đỡ đôi chân trần nàng nhấc bước. Nam Sa vẫn vậy, vẫn áo thô vải thường, nhưng đầu nàng đội khăn che kín tóc tai mặt mũi, nhìn dáng bộ cao ráo mới thoáng trông qua làm người ta cứ ngỡ là chàng thanh niên nào nhưng xem kĩ lại mới thấy vóc người thon thả mảnh mai đích thị là một thiếu nữ đương độ thanh tân.
Thực ra, đây mới là lần đầu bé ba được diện kiến đứa trẻ tai tiếng trong lời kể rủa nguyền của xóm giềng, nó trố mắt ngỡ ngàng nhìn nàng con gái đối diện, ngây ngẩn mất mấy giây mới hoàn hồn.
"Cô, cô hai chờ chị từ sớm..."
"Làm phiền cô hai đợi rồi, nhờ em dẫn chị vô thưa chuyện với cô hai nghen?"
Không biết nó có nhìn lộn hay không nhưng hình như bé ba vừa thấy nàng cười, con búp bê sứ trắng nõn nà này vừa cười với nó? Thánh thần thiên địa ơi...
Bé ba còn chẳng dám đáp lời, nó chỉ gật nhẹ rồi dẫn nàng qua cổng vào trong.
Đôi bàn tay nàng thon thả đan lại với nhau kính cẩn đặt ở trước bụng, đầu hơi cúi thấp, nhịp bước đều đều băng qua khoảng sân trám lán, xung quanh hai bên toàn là kiểng quý, vườn tược ngạt ngào hương thơm. Trên cành, mấy con se sẻ chuyền cây hót vang líu ríu, chúng nó là đang đón chào nàng hay đang ngăn cản nàng chớ đừng khờ dại tiến vào nơi trầm luân khổ ải?
Ngang qua bàn thờ ông Thiên, đi vô sân chánh lót gạch mát rượi, lúc bước lên bậc tam cấp, nàng len lén ngẩng đầu nhìn, thấy không gian sang quý vô ngần, nhà cao cửa rộng chạm lộng cửa võng ô học đều tinh tế, trên đỉnh đầu là bức hoành phi cẩn xà cừ đề mấy chữ Tàu mà nàng không sao đọc được.
Nhà họ Cao được xây dựng theo lối kiến trúc Thảo Bạt, trong cổ ngoài tân, bên trong gian chính có một không gian thờ tự với tranh thờ bàn thờ và tủ thờ đều được cẩn ốc quét dọn sạch sẽ, lúc nào cũng nhang khói đủ đầy uy nghiêm. Bâu lam chạm trỗ tứ linh, tứ thời, lại có thêm liểng đối ở hai bên sơn son thép vàng sắc sảo.
Sự đồ sộ của một cơ ngơi khiến cho người ta vô thức phải choáng ngợp, càng ngập ngừng thêm khi bước qua ngạch cửa tiến vào gian chánh nơi có cô hai Dạ Lý đang ngồi bên bộ ngựa đợi chờ.
Bé ba dắt nàng tới trước mặt ả, theo phép tắc lễ độ, nàng vẫn như lần đầu khoanh tay cúi người thưa chào. Đọc 𝐭𝗋𝓾𝐲ệ𝐧 ha𝐲, 𝐭𝗋𝓾𝐲 cập 𝐧ga𝐲 { 𝒯𝗋Um𝒯𝗋𝓾 𝐲ệ𝐧.𝒗𝐧 }
"Dạ em thưa cô hai, con mới qua."
Một bên khăn lụa đã trễ xuống buông lơi bên bờ vai tự lúc nào không hay không biết, ả cũng chẳng mảy mai chỉnh lại, chỉ nheo mắt quan sát Nam Sa lúc này đang đứng ngay trước mặt.
"Mày để tao đợi."
"Thưa, con đi từ sớm, mà do đi bộ lại phải qua đò nên hơi lâu, xin cô hai bỏ lỗi cho."
Ngó mắt nhìn xuống tách cà phê sữa đã cạn từ lâu, ả nhàn nhạt liếc mắt ý bảo bé ba đi pha tách mới, liền đó nó vội răm rắp làm theo. Còn lại mỗi Nam Sa và ả ở trong gian này, bọn người hầu đã rúc ra sau bếp làm cơm cả rồi, giờ có chút yên tĩnh.
"Mày trốn ai mà trùm kín mít vậy?"
Ả cợt nhả bộ dạng lúc này của nàng.
"Con sợ người ta thấy con rồi khó chịu."
"Cởi ra."
"Dạ?"
Nàng dạ ngọt xớt.
Sau lớp khăn trùm, ả thấy mắt nàng như hai hòn bảo ngọc đang long lanh kinh ngạc.
"Tao kêu mày cởi ra."
"Cởi, cởi cái gì cô hai? Ban, ban ngày ban mặt..."
"Ha? Tao kêu mày cởi cái khăn trùm đầu mắc chướng đó ra, chứ mày nghĩ cởi cái gì? Đồ đầu óc bã đậu mà."
Thoáng qua, dường như ả nghe thấy tiếng nàng thở phào thì phải? Chợt, ả nhớ lại cảnh tượng trưa hôm qua, gương mặt ấy, làn da ấy, sự lõa lồ tuyệt đẹp của một đứa con lai ngay trước mắt ả, da thịt nàng trắng trong như hạt gạo trời, liệu nó có mát rượi bàn tay khi chạm vào không nhỉ? Ả tự hỏi.
Nàng nghe lời, mà nàng cũng không có quyền từ chối, cởi xuống chiếc khăn trùm vướng víu, mái tóc bạch kim hiển lộ ra dưới nắng ban mai, nó óng ả rũ mềm như tơ đàn, đôi mắt xanh biếc vẫn giống như thu hết cả thinh không vào trong làm cho tim ả thoáng giây khắc khoải.
"Thật là đẹp..." Ả thầm nghĩ, một ý nghĩ hết sức buồn cười, tuy lướt qua như cơn gió xuyên mành nhưng đủ để đọng lại một chữ 'đẹp' thẳm sâu.
Vốn ả cũng đẹp, nét đẹp của gái Phương Đông với làn da màu phù sa mướt mát, tuy mắt không xanh nhưng lay láy đưa tình, vóc dáng nhỏ nhắn mà đài các, đủ khiến bất cứ bóng tùng quân nào cũng phải khát khao được vươn tay chở che cho người ngọc. Ả ý thức được mình rất đẹp chứ, ả tự hào vào nhan sắc bản thân chứ, nhưng khi đối diện trước nàng, ả lại cảm thấy nàng đẹp như một pho tượng Vệ Nữ ở triển lãm Phú Lãng Sa trên Sài thành, một nét đẹp kỳ quặc khiến người ngẩn ngơ dẫu bị phong ấn bởi lam lũ bần hàn.
Một nét đẹp mà ả không muốn mình mang nhưng lại muốn sở hữu nó trong vòng tay...
"Cô hai, cô hai, cô nhìn gì vậy?"
Khi nàng vẫy vẫy bàn tay trước mặt cùng cái miệng không ngừng khẽ gọi thì mới làm cho ả giật mình sực tỉnh khỏi dòng suy tưởng.
"À ừm, nhìn gì kệ tao!"
Thẹn quá, ả làm bộ quát lên cho đỡ thẹn.
"Dạ, vậy không biết hôm nay cô hai kêu con qua nhà là có việc gì để sai biểu?"
Nàng vò vò góc khăn, coi bộ có vẻ lo lắng.
"Mày mất trí nhớ rồi à? Đêm qua tao kêu mày nghỉ mần ở xưởng, về đây làm con hầu cho tao, mày nghe không rõ?"
"Nhưng mà cô hai ơi, hoàn cảnh con như vầy, sao mà làm được?...Người ta dị nghị cô hai thì con mang tội nặng lắm."
Ả vân vê chiếc kiềng vàng trên cổ, lại nhàn nhạt đáp, lời lẽ ngông ngênh thấy rõ.
"Ai dám bàn ra tán vào tao cắt lưỡi đứa đó!"
"..."
"Mày chịu làm con hầu cho tao hay không? Tao hỏi ý mày, không phải hỏi ý lũ dân đen kia, tiền lương mỗi tháng dĩ nhiên hơn ở xưởng gạo rất nhiều, việc cũng càng nhàn hạ hơn, mỗi năm cấp cho mày hai bộ đồ mới, chưa kể nếu làm tao vui, hầu hạ tao cho tốt thì không biết chừng sẽ cho mày thêm vài tờ Đông Dương về sắm sửa nuôi má."
Đãi ngộ này dĩ nhiên vừa nghe qua thì vô cùng tốt, nhất là đối với hoàn cảnh của Nam Sa hiện tại, nhưng đêm qua nằm với nhau má nàng đã dạy rằng cơm nhà giàu ăn không dễ, vừa nuốt sẽ vừa khóc, tiền nhà giàu dùng không an, một khi đã nhận tiền thì sẽ phải trả lại cái khác tương xứng hoặc gấp nhiều lần hơn. Má đã kêu nàng phải lựa lời từ chối, nghèo đói cách mấy thì má con đùm bọc lay lắt qua ngày chứ tuyệt nhiên đừng dại dột bán thân cho nhà người làm tôi đòi, cả đời ngóc đầu lên không nổi.
"Thưa cô hai, con biết cô hai thương con nên mới kêu con về hầu cho đỡ cực khổ, nhưng mà..."
Lời còn chưa dứt, từ đằng sau rèm đã có một giọng phụ nữ thình lình cất lên chen ngang.
"Dạ Lý, con lại bày trò gì nữa rồi?"
...
Vén rèm bước ra là một phụ nữ bận áo bà ba màu hổ phách, quần lụa phi đen bóng loáng, cổ đeo đầy dây chuyền, tay xỏ nhẫn hột xoàn. Bà này gương mặt đầy đặn có nét phước tướng, tay như nải chuối xiêm đang bốc trầu bỏ vô miệng nhai, lừa qua lừa lại bởi vậy giọng nói cũng lựa nhựa theo, đi đằng sau bà là bé ba đang bưng tách cà phê sữa và một dì trạc tuổi trung niên đang ôm khay trầu, lưng đeo ống nhổ.
Này là bà hội đồng Cao, tên thời con gái là Nguyễn Thị Quý, út nữ của ông Đốc phủ sứ tỉnh này, Nguyễn Thị Quý vốn còn một chị gái tên là Nguyễn Thị Sang, từ khi cả hai gả đi thì đã chẳng còn mấy dịp tạn mặt nhau nữa, dẫu vậy nhưng tình cảm gia đình thiêng liêng dễ gì phai lợt, bà...vẫn còn tưởng niệm lắm...
Bà hội Cao thong thả qua ghế bên bàn trà ngồi rút một chân lên ngó dòm con mình, cư nhiên chẳng hề liếc mắt nhìn tới Nam Sa dù chỉ một lần, chắc bà cho rằng không đáng.
Thấy má mình như vậy, ả cũng đi qua ngồi phía đối diện, bé ba lập tức bưng tách cà phê đặt xuống trước mặt, ả cầm chiếc muỗng bạc khuấy khuấy cho tan sữa đặc, biểu cảm cũng không lấy gì làm dè dặt.
"Dạ con thưa bà hội đồng."
Nam Sa lững thững đi lại, đứng khép nép sau lưng ả khoanh tay.
Bà hội Cao không nhìn tới, miệng vẫn đều đặn nhai trầu.
"Má, con nhỏ thưa má kìa."
Nam Sa kiên nhẫn lặp lại.
"Dạ con thưa bà hội."
Sau một khoảng lặng, chỉ có tiếng lá xạc xào ngoài song đáp lời thì rốt cuộc bà hội Cao mới chịu lên tiếng.
"Ừ, đứa nào đó bây?"
"Dạ thưa bà, con là Nam Sa, con của má Lệ, vụ mùa trước có mượn lúa nhà bà đó ạ."
Bà hội Cao ngó qua, làn bộ thản thốt.
"Ủa? Vậy đó đa, con gái của bà Lệ đây sao? Nghe tiếng đó giờ mới biết mặt bây, ai cha...coi bộ ngày lớn giống cha dữ đa."
Biết chứ, nàng biết mình đang bị mỉa mai khi dễ, nhưng nàng không có quyền lên tiếng ở đây, chỉ có thể đứng đó khoanh tay cúi đầu kiềm nén tủi thân.
Cợt nhã xong, bà hội Cao mới hỏi con mình.
"Nãy má nghe loáng thoáng con nói muốn thuê nó về hầu hạ?"
"Dạ, con muốn."
"Không được."
"Tại sao, thưa má?"
"Con thừa biết tại sao, đừng để má phải nói thẳng ra cho mang nghiệp ác mồm độc miệng."
Ả mỉm cười, cũng không hề có ý rút lại quyết định.
"Không lẽ má quan tâm đến mấy lời gà vịt của bọn dân đen đến vậy? Đây là đất nhà mình, tụi nó phải thuê ruộng mướn đất nhà mình để sinh sống, mình đuổi là tụi nó chết đói, không muốn chết đói thì phải bán vợ nợ con năn nỉ ỉ ôi để mình cho con đường sống. Mình cầm cán dao thưa má, mình không cần phải e dè trước lời đàm tiếu của quân khố rách áo ôm nào cả, tụi nó dám hó hé, con cắt lưỡi hết!"
Đây không phải là lần đầu tiên bà nghe thấy những lời độc địa này từ chính miệng đứa con gái cành vàng lá ngọc của mình, nhưng đôi khi bà hội đồng Cao vẫn bị rợn người lạnh gáy bởi chính sự tàn ác kia, bà biết con mình cũng không phải chỉ nói cho suông làm dữ, mà nó thực sự từng đã...
Thở dài, bà nhẫn nại khuyên ngăn.
"Cha con sẽ không đồng ý sự xuất hiện của nó trong gia trang này."
"Con là con gái mà cha yêu thương nhất, niềm vui của con cha sẽ không bao giờ từ chối, má yên tâm."
Lại ngẩng đầu nhìn sang Nam Sa đang đứng sau lưng thấp thỏm, ả hỏi.
"Mày đồng ý làm con hầu cho tao không?"
"Con xin lỗi...con..."
Chưa kịp dứt lời, một cái trừng mắt của ả đã khiến Nam Sa nuốt xuống câu từ chối.
"Tao hỏi lại, mày, đồng ý, làm con hầu cho tao, không?"
Ả gằng từng tiếng bức người, rõ ràng đây không phải hỏi, mà đây chính là ra lệnh buộc nàng phải nói lời tuân theo.
Bằng tiếng gọi của nỗi sợ, Nam Sa vô thức đáp lại một câu khiến số phận của nàng từ đây chính thức rẽ sang một hướng đời hoàn toàn mới.
"Con...đồng ý..."
...
Không hiểu sao ngày hôm nay trời tối thật mau, mới chớp mắt mà đã mù trời, suốt một ngày tròn trỉnh má chưa chịu nói với nàng câu nào mặc kệ nàng có buồn rầu nài nỉ cỡ nao.
Thắp lên ngọn đèn dầu leo loét, chụm xong bó lá xông muỗi mà má vẫn vậy, lạnh lạnh nhạt nhạt làm lòng nàng thật thê lương.
"Má ơi má, má còn giận con sao? Con xin lỗi, tại lúc đó con sợ quá..."
Vẫn không có lời hồi đáp.
"Má ơi..."
Nàng mon men tới gần bà Lệ, người đang ngồi trên chiếc chõng tre bện lá cho kịp tới ngày mai đem giao.
"Má ơi, Nam Sa biết sai rồi, má thương Nam Sa, má tha lỗi cho Nam Sa nha?..."
Ngập ngừng, nàng thút thít khóc nói tiếp.
"...Thà má bắt con cúi xuống đánh mấy roi cho nhẹ lòng má, còn hơn là im lặng làm ngơ con, con đau lòng lắm..."
Bà Lệ, người phụ nữ gầy gò với nét mặt đã đượm màu thời gian lam lũ, tuổi không quá lớn, chừng đâu cũng cỡ trạc má Dạ Lý thôi nhưng búi tóc bà đã sớm điểm hoa râm vì đời cơ cực. Nghe con nói mà lòng dạ xót xa. Bà nào đan tâm giận hờn con mình, chỉ là sầu muộn vì con khờ chưa thấu được lòng người đa đoan trăm mưu ngàn kế, nay vì một lời sợ hãi mà thốt ra lại phải giữ lấy qua nhà họ làm người hầu kẻ hạ, biết rủi hay may tương lai đầy nhiễu sự...
Bà thở dài, vươn bàn tay chai sần theo năm tháng vuốt tóc con thơ, giọng trìu mến như hòng xoa dịu.
"Má không giận, má chỉ lo lắng thôi, ngày mai con phải sang nhà hội đồng Cao rồi, cả ngày trời ở bên đó tới chiều tối mịt mới về, má không an tâm."
Nam Sa dụi dụi gò má trắng hồng vào lòng tay mẹ, nàng thỏ thẻ những lời trấn an.
"Sẽ không sao đâu má, cô hai tốt lắm, cô hai không ác như người ta đồn đãi đâu, con làm việc chăm chỉ kiếm thật nhiều tiền về lo cho má đỡ cực, má khỏi làm mấy việc này nữa, con lo cho má!"
Chạnh lòng trước sự ngây thơ của đứa con gái nhỏ, bà chỉ biết ôm lấy nó vào lòng, để nó gối đầu lên đùi mình mà vỗ về vuốt ve.
"Chỉ biết nói leo là hay, cô hai tốt như vậy thì con đã không sợ tới mức líu lưỡi thốt lời đồng ý rồi..."
Ôi những đêm Hè như thế này biết có bao giờ trở lại? Với tiếng dế kêu rả rít sau hè, tiếng muỗi vo ve và ển ươn thì réo rắt gọi nhau ngoài bụi cỏ, ánh đèn dầu in hằn bóng dáng mẹ con lên vách lá nghiêng che, bấy giờ còn trọn vẹn quá, trọn vẹn trong cái cảnh đìu hiu.