• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

"Dưới đèn nghe truyện cũ,

Lệ bất giác tuôn rơi."

Hà Nội năm 2013, di chỉ Hoàng Thành Thăng Long.

Trưa, ánh mặt trời thiêu đốt nung đỏ cả thành phố, dìm vạn vật trong lò lửa. Vào thời tiết này, ngoại trừ nhóm sinh viên khoa khảo cổ học của trường Đại học Quốc Gia đang cố gắng đào bới tìm kiếm những mảnh vụn lịch sử đã bị thời gian phủ bụi thì không một ai muốn ra đường cả.

Nguyễn Hạ Thạch là một trong số những sinh viên ưu tú nhất của khoa khảo cổ, hiện tuy có một số người vì không chịu nổi công việc đào bới giữa trưa mà lui vào nơi râm mát nghỉ tạm nhưng anh ta vẫn hì hục làm việc. Luận án này anh nhất định phải làm cho xong, phải chứng minh cho mọi người thấy lịch sử Việt Nam rất đáng tự hào, cho dù có trải qua bao biến cố đi chăng nữa thì nền văn hiến rực rỡ nghìn năm qua sẽ mãi mãi được tiếp nối và kế thừa bởi lớp trẻ! Một tay cầm chiếc xẻng nhỏ nhẹ nhàng gạt từng centimet đất, một tay lau mồ hôi trên trán, Nguyễn Hạ Thạch chú tâm tìm kiếm những hiện vật đang ngủ yên trong lòng đất mẹ.

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn liền với lịch sử kinh thành Thăng Long, bắt đầu từ thời tiền Thăng Long qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh dưới các thời Lý, Trần, Hồ, Lê và trở thành Hà Nội vào triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được xây dựng và mở rộng trong từng giai đoạn lịch sử, là nhân chứng từng chứng kiến bao thăng trầm bể dâu.

Xét ra cũng có điểm buồn cười, hàng ngàn năm trước, Cao Biền ngắm gió ngó mây, lại cưỡi diều giấy bay khắp xứ nam nhỏ bé hòng phong ấn long mạch. Ấy vậy mà khi mới đắp xong La Thành, sáng sớm dạo mát ở cửa phía đông thành, gặp phải mây ngũ sắc của thần nhân phương Nam đã tái mặt cho là loài yêu quái bèn lập đàn, đúc tượng đồng mà yểm lại. Bất quá Biền ta cũng chỉ thuộc hàng kém cỏi, kế mới thi hành mà đã bị thần nước nam doạ cho sợ mất mật, muốn chạy về nước. Không rõ y đã giở bao trò yêu thuật trên đất ta, chỉ biết nơi La Thành này đã trở thành thiên đô Thăng Long che chở cho hàng ngàn thế hệ người việt.[1]

Nhớ tới tích xưa, Nguyễn Hạ Thạch khẽ cười, phần nào xua tan đi nét mệt mỏi trên khuôn mặt.

Đang lúc đào bới thì chiếc xẻng nhỏ trong tay Nguyễn Hạ Thạch chạm phải thứ gì đó nghe "cạch" một tiếng. Âm thanh đó vang lên một cách khô khốc khiến anh giật nảy người. Nguyễn Hạ Thạch bới nhanh hơn một chút, đôi đồng tử ngày một giãn rộng ra, hơi thở dồn dập cuộn trong lồng ngực. Trước mắt anh dần hiện ra một góc hộp gỗ màu đen, cuối cùng, "chiếc hộp" hiện nguyên hình là một cỗ quan tài khá lớn. Lúc này, mọi người đều đã đi nghỉ trưa, trong khu di tích chỉ còn một mình Nguyễn Hạ Thạch. Anh cúi xuống thở dốc, cẩn thận cầm chổi chuyên dụng quét nhẹ nắp quan tài, quan sát hoạ tiết hoa mai được khắc bên trên cùng với hai dòng chữ Hán được viết song song nhau:

"Phu thê chi tình: Phạm Bảo Lâm, Đào Thiên Lang đồng táng".

---

Ngoại thành Thăng Long - Chốn kinh đô phồn hoa nổi lên tựa viên dạ minh châu giữa sông núi tươi đẹp của Đại Việt - Núi Thanh Phong quanh năm mây mù che phủ, không khí tinh sạch mát mẻ, sản sinh ra những loại kỳ hoa, dị thảo, cũng là nơi sinh sống của các loài độc vật, độc thảo hiếm thấy trong thiên hạ. Đặc biệt, khi xuân sang, núi rừng Thanh Phong đương lúc ảm đạm dường như thay da đổi thịt trước sự xuất hiện của Chúa Xuân, rùng mình một cái, lập tức khoác lên chiếc áo trắng muốt dệt từ trăm vạn đoá hoa mai trắng. Cảnh tượng này đã thấy một lần thì mãi mãi không quên, quả là kỳ quan của tạo hoá!

Rải rác dưới chân núi là một vài nhà dân, khói bếp cuộn lên, lảng bảng trong gió tạo cảm giác ấm cúng, trong không gian lất phất vài hạt mưa khiến khung cảnh có phần thơ mộng nhưng cũng làm đắng lòng kẻ tha hương. Quả là: Ngắm cảnh đẹp lòng thoáng chua xót, ngoảnh đầu tự hỏi đâu là nhà?

Lại nói, hơn ba mươi năm về trước, có một lão nhân áo trắng đã tìm tới chốn này với khuôn mặt tràn ngập ưu tư. Đứng dưới chân núi, ngước mắt nhìn non cao một ngày một đêm, chừng như suy nghĩ rất lung, cuối cùng ông thở dài một hơi, ung dung lên núi, sống trong sơn động, quên đi thế tục bên ngoài, biến bản thân thành một lão đạo sĩ.

Sáng sớm hôm nay, cũng giống như mọi khi, ông lại mang theo một chiếc gùi nhỏ, ra ngoài thu thập thảo dược. Nhìn ông bước từng bước dài thoải mái, dứt khoát, thử hỏi ai dám bỏ kinh thành phồn hoa, lánh khỏi những tham, ái, sân, si?

Lão nhân đó cất giọng, hát vang bài " Bảo kính cảnh giới" của quan Hành khiển Nguyễn Trãi với sự kính ngưỡng in sâu trong tâm tưởng thể hiện qua chất giọng hào sảng, mang hơi thở của một thời khí phách, không khỏi khiến trời cao nhỏ lệ.

" Rồi, hóng mát thuở ngày trường,

Hoè lục đùn đùn tán rợp giương.

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.

Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

Dắng dỏi cầm ve lầu tịnh dương,

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,

Dân giàu đủ khắp đòi phương"

Từng câu, từng chữ vang lên một cách hào sảng, thanh thoát cơ hồ hoá thành một làn hương mỏng thấm vào huyết quản, khắc sâu vào dòng sông lịch sử nghiệt ngã.

- Dân giàu đủ khắp đòi phương! - Lão nhân kia hát xong bèn ngừng lại, lẩm nhẩm câu thơ cuối cùng, lắc đầu cười khổ - Thói đời được cá quên nơm, thương thay cho tấm lòng trung. Nguyễn Trãi đại nhân, cả một đời ngài lo cho dân cho nước. Vậy mà lại bị vu oan là bất trung với Vua, cả gia tộc bị thảm sát... - Giọng nói của ông nghẹn lại, lệ nóng đã dâng ngập mi mắt.

Rồi, dường như quá xúc động mà ông phẫn nộ ngẩng đầu nhìn trời xanh, khoé mắt đỏ hồng, thở dài một hơi:

- Thói đời là vậy, thương thay cho Ức Trai!

Nhưng liệu trời cao có nghe được lời của ông hay không? Bản thân đã đi đến phía bên kia đỉnh dốc của đời người, sao ông không thấu được nỗi oan khiên của quan Hành Khiển! Đã hơn mười năm rồi, gia tộc họ Nguyễn vẫn chưa được rửa oan. Cũng ngần ấy thời gian đất nước chìm trong biển máu dưới sự tàn sát điên cuồng của Tuyên Từ Hoàng thái hậu, người đàn bà đó đang lo sợ. Khi con người lo sợ thì họ sẽ có hai cách để phản ứng, một là im lặng, hai là nổi giận. Thái hậu quả nhiên chọn cách thứ hai.

Ông cười lạnh, cúi xuống cẩn thận ngắt nhánh cỏ Liên Hoa. Thời thế sắp thay đổi, chỉ e Đại Việt rồi đây sẽ nhuốm máu tươi trong ván cờ quyền lực này.

Nhánh cỏ Liên Hoa vừa cầm trên tay thì tấm lòng nặng trĩu của lão đã nhẹ bớt. Cỏ Liên Hoa vốn là kì độc trong thiên hạ, rất khó kiếm, nhưng không hiểu sao năm nay lại mọc rất nhiều. Lão nhân áo trắng mỉm cười, đưa mắt nhìn khắp hoang sơn, khẽ thở dài. Kỳ thực, ông ẩn cư tại nơi này cũng đã ba mươi năm, hẳn nhiên không muốn gặp người ngoài. Nhưng nay ngẫm lại thì bản thân cũng đã già, lẽ nào tài năng của ông sẽ không có ai kế thừa hay sao? Càng nghĩ càng bi ai, ông bèn lắc lắc đầu, trút bỏ phiền muộn, bỏ nhánh cỏ quý vào gùi rồi nhanh tay hái một cành Trúc Đào trước khi mặt trời lên quá đỉnh đầu.

Đúng lúc đó, trong không gian đột nhiên xuất hiện một quầng sáng xanh lam, gió lớn quật khởi cuốn tung những cánh hoa mai trắng lên cao, bụi thốc mịt mù. Vị lão nhân kia không kìm được mà đưa tay lên che mắt tránh khỏi đám bụi. Chỉ thấy quầng sáng xanh lam co lại, co lại, sau đó tụ lại thành hình người rồi rơi thẳng xuống, "thứ đó" nằm ngay trước mắt lão nhân áo trắng làm ông thiếu chút nữa thì đứng tim.

Trên mặt đất, một người nằm xấp hình chữ đại, thân phủ một lớp cánh hoa mỏng, cơ thể bị va đập mạnh nên chấn thương khá nặng, không thể nhìn rõ khuôn mặt. Lão nhân áo trắng chầm chậm bước đến, ngồi xổm xuống, lật người kia lên. Người này mày rậm mặt tròn, hai mắt nhắm nghiền, không rõ nhãn thần. Nhìn xuống : trang phục quái dị, chỉ mặc quần dài và một chiếc áo dài tay khá mỏng, giữa tiết trời này, sao có thể chịu nổi giá lạnh?

Lão nhân kia có chút hoảng sợ, tỉ mẩn đánh giá kẻ đang nằm trên mặt đất, kỳ thực làm sao lại có chuyện trùng hợp như vậy được? Ông vừa mong muốn bản thân có người kế thừa y thuật thì Trời cao lập tức gửi tới một thiếu niên. Càng nghĩ càng kỳ quái, trong khi đó hơi thở của người kia càng ngày càng mỏng, ông vội đưa tay kiểm tra động mạch nơi cổ tay của y, chân mày thoáng chau lại, lại nhìn khuôn mặt kia một lần nữa, bèn khe khẽ lắc đầu.

Cuối cùng lão nhân áo trắng đứng lên, cảm khái ôm quyền bái lĩnh trước Hoá Công:

- Quả nhiên trời xanh có mắt, đã ban cho Thanh Sơn Lão Nhân ta một đồ đệ tốt!

Nói rồi, cái người tự xưng là Thanh Sơn Lão Nhân ngay lập tức đưa thiếu niên đó về sơn động để chữa trị, đồng thời chuẩn bị kế hoạch rèn luyện cho vị đồ đệ mới thu nhận ngay cả quyền từ chối cũng không có kia. Là phúc hay hoạ cũng thật khó đoán.

***

Hương mai trắng thơm mát truyền từ thung lũng bên cạnh tràn ngập không gian, từng phân tử hương thơm đập vào vách đá rồi tập hợp lại với nhau sau đó vỡ bung ra càng khiến không khí thêm lạnh. Ngoài kia, gió man mác trêu đùa vài tán cây cổ thụ khiến chúng thẹn thùng thoáng run lên. Ánh sáng mặt trời yếu ớt lọt vào trong, dội tới chiếc gương đồng lớn treo cao trên đỉnh sơn động làm rực sáng quang cảnh bên trong.

Chỉ thấy nằm trên chiếc giường làm từ gỗ hoè trên có phủ nệm mỏng kia là một người thân hình gầy yếu, mi mắt mỏng manh nhắm chặt, khuôn mặt bị cào xước đôi chỗ, trên cánh tay phải đặt ở bên ngoài cắm đầy kim bạc, những ngón tay bầm dập xanh tím hơi động đậy. Bên cạnh, Thanh Sơn Lão Nhân đang cẩn thận rút từng mũi ngân châm trên cơ thể người đó ra, cất trở lại cuộn vải đựng kim châm cứu, kê cao chiếc gối dưới đầu, sau đó nâng bát nước lô căn[2], dùng thìa gỗ múc từng muỗng nhỏ đút cho nàng.

Một luồng khí nóng chạy dọc theo huyết mạch, đối nghịch hoàn toàn với không khí lạnh giá khiến Bảo Lâm bừng tỉnh. Nàng chỉ cảm thấy các khớp xương như sắp long ra đến nơi, toàn thân đau buốt như bị đuôi cá đuối quất phải, không kìm được mà khẽ than một tiếng.

Thanh Sơn Lão Nhân thoáng giật mình, cặp lông mày trắng hơi rướn lên, khoé môi đọng nét cười, thở phào nhẹ nhõm:

- Cuối cùng cũng tỉnh rồi.

Bảo Lâm chầm chậm ngoảnh đầu, hướng mắt về phía phát ra âm thanh. Hình ảnh người kia rất mơ hồ, nàng chỉ có thể nhìn thấy bộ trường bào trắng toát cùng chòm râu bạc phất phơ. Bảo Lâm mở miệng định hỏi xem nơi đây là đâu nhưng cổ họng lại khô khốc, nhất thời không thể cất lời đành cố gắng cựa quậy đôi chút.

Thanh Sơn Lão Nhân bỗng chốc dấy lên trong lòng nỗi thương cảm. Ông đứng dậy, nâng mâu nhìn khoảng trời cao xanh qua cửa động, lắc đầu oán thán:

- Trời cao, cho dù ngài có muốn ban cho ta một học trò ngoan thì cũng nên nhẹ tay với nó một chút! Ngài thử nhìn xem, thân nữ nhi mà bị hành hạ ra thế này thực là đáng thương.

Một cơn gió buốt giá quật tới, Bảo Lâm chỉ cảm thấy toàn thân lạnh toát, thần trí càng ngày càng mơ hồ, những lời độc thoại của ông lão trước mắt ngày một nhoè dần, cuối cùng thân thể nàng chìm xuống, mặc cho bóng tối bao phủ lấy mình. Có một số chuyện mà con người ta vĩnh viễn không muốn nó xảy ra, sau này khi nhìn lại quá khứ, Phạm Bảo Lâm nguyện năm đó không tỉnh lại.

---

Thẫn thờ ngồi trên tảng đá bằng ngoài cửa động, một tay Bảo Lâm cầm cuốn Thanh Vực Y Kinh do chính sư phụ thảo ra, tay còn lại thả xuống để cho con rắn vàng quấn lên. Kể từ khi nàng bị ném về cái thời chả biết là thời đại nào tính đến nay cũng quá nửa năm. Mặc dù Thanh Sơn Lão Nhân - Theo như lão ấy tự xưng - đã cho nàng biết về niên hiệu của anh già đương kim hoàng thượng, nhưng nếu lấy kiến thức lịch sử đáng thương của nàng ra để nói thì bản thân hoàn toàn mù tịt.

Năm Diên Ninh thứ tư?[3] Cái gì? Nếu nói đến niên hiệu Thuận Thiên[4] thì mình còn có chút ấn tượng, tốt xấu gì bản thân cũng đã xem qua " Huyền sử thiên đô", ít nhất mình cũng còn nhớ được niên hiệu của vua Lý Thái Tổ. Haizzz... Còn nữa, phim truyền hình lịch sử Việt Nam lại ít đến đáng thương, thay vào đó các bộ phim lịch sử, kiếm hiệp Trung, Hàn thi nhau oanh tạc trên tất cả các kênh truyền hình. Khiến cho giới trẻ Việt Nam bây giờ quan tâm cũng như thuộc sử họ nhiều hơn sử ta. Đáng hận, đáng hận! Năm Diên Ninh thứ tư rốt cuộc là năm nào? Ai da! - Đây là luồng suy nghĩ luôn dằn vặt Bảo Lâm ngay từ khi biết mình lâm vào tình huống dở khóc dở cười mang tên "vượt thời gian" này.

Nhưng tạm thời gạt bỏ vấn đề lịch sử và thời đại sang một bên, vì hiện tại tâm lí của Bảo Lâm đang bị đả kích nặng nề, cực khổ và vất vả hơn cả những công nhân vệ sinh làm việc ngoài trời vào mùa đông.

Sau khi vết thương lành lại, mỗi ngày, vào lúc trời còn chưa sáng, không khí lạnh đến thấu xương, Bảo Lâm đã bị vị sư phụ bỗng nhiên mà có lôi từ trên giường xuống, bắt ra ngoài phân biệt độc trùng, độc thảo. Hồi đầu nếu không cẩn thận nhìn đường thì ngay lập tức sẽ bị lũ rắn độc, bọ cạp tấn công bất ngờ rồi ngồi đó mà khóc. Xong xuôi, nàng cùng sư phụ lại quay lại hang động luyện tập kĩ năng chẩn bệnh, châm cứu, chế dược... Tóm lại là học và thực hành tất tần tật những gì liên quan tới y thuật và độc thuật.

Đến khi kết thúc buổi học thì mặt trời đã treo quá ngọn sào, nói vậy cho khoa trương chứ tại nơi mà nàng ở không khí vốn âm u, lạnh lẽo, đi ra thấy rắn, đi vào thấy bọ cạp, khác hẳn so với thung lũng Bạch Mai tràn ngập sinh khí bên cạnh. Cho nên, may mắn lắm, Bảo Lâm mới có thể thấy một vài tia sáng mặt trời leo lét rọi qua tán cây.

Dùng xong bữa trưa, sư phụ lại dẫn Bảo Lâm xuống tầng hầm, lên lớp môn học thứ hai. Lại nói thêm, lớp học này ngay buổi đầu tiên đã doạ cho Bảo Lâm sợ chết khiếp! Khi mới đặt chân xuống đây, đập vào mắt nàng là một đống hổ lốn những chân, tay, đầu, cổ bị cắt rời. Xin đừng hiểu lầm, lão sư phụ của nàng hoàn toàn không phải là kẻ sát nhân. Cái đống hổ lốn kia chỉ là những cơ quan được làm từ tre, gỗ. Kì thực, đây là nơi kì dị nhất mà Bảo Lâm từng thấy trong thời đại phong kiến Việt Nam - Một nơi chuyên chế tạo con rối có - thể - cử - động như người bình thường.

Nhiệm vụ của Bảo Lâm là nghe sư phụ giảng giải về đặc tính, cấu tạo và cách liên kết của từng bộ phận, cuối cùng là lắp ghép chúng lại với nhau, lắp đặt cơ quan nghe hiệu lệnh (xin đừng hỏi cách chế tạo bộ phận cảm biến có một không hai này, bởi vì chính nàng học mãi mà không thể hiểu nguyên lí của nó) sao cho trở thành một con rối hoàn chỉnh. Nhưng nói ra thì thật là xấu hổ, mấy con rối mà nàng làm lại có vẻ bề ngoài vô cùng có lỗi với con mắt thẩm mỹ của quần chúng nhân dân, con thì méo mặt như trúng gió, con lại lệch người như mang vác quá sức. Bảo Lâm lại chỉ dùng một loại ám hiệu, nên khi nàng vừa lắc lắc cái chuông đồng thì mấy con rối đã quay sang quậy tung gian hầm. Thanh Sơn Lão Nhân vừa liếc qua bèn vung tay đốt đám rối đó đi, bắt nàng làm lại. Thật là khổ không kể sao cho hết.

Đến khi trời vừa tối, Bảo Lâm lại bị lôi đi phân biệt thảo dược và độc dược, bắt mạch chẩn bệnh cho sư phụ. Sau khi thao diễn vọng, văn, vấn, thiết giống như Kim Kiền[5], Bảo Lâm lại phải đốt đuốc xuống tầng hầm, ở đó sư phụ đã chuẩn bị sẵn một con rối hỏng, bị thiếu một bộ phận liên kết nào đó khiến nó không thể hoạt động bình thường, Bảo Lâm cần tìm ra bộ phận đó và lắp ráp lại.

Cuối cùng, trước khi đi ngủ, nàng còn phải khêu đèn học chữ Nho - Một loại ngôn ngữ tượng hình mà vừa nhìn thấy thôi, Bảo Lâm đã cảm thấy hoa mắt chóng mặt, nhức đầu vô cùng! Nghĩ cũng thật là mất mặt, nàng đường đường là một người tương lai, đã trải qua mười mấy năm giáo dục tiên tiến, thế mà giờ lại bị coi là đứa đần, đến chữ cũng không biết. Sỉ nhục, thật là sỉ nhục quá đi!

Tóm lại, chỉ sau một thời gian ngắn, cơn ác mộng về đám số má quái dị sau kỳ thi tốt nghiệp đại học của Bảo Lâm đã chấm dứt, thay vào đó là nỗi ám ảnh về rắn độc, thảo dược và đống cơ quan làm rối chất ngập trời. Còn cái thân hình gió thổi cũng bay của nàng đã nhanh chóng biến đổi, trở nên gầy như que củi, người ngoài nhìn vào chắc cũng nghĩ nàng là một cậu thiếu niên chưa phát triển đầy đủ.

Bảo Lâm đáng thương, thậm chí đến cơ hội bỏ trốn cũng không có, đám rối của Thanh Sơn Lão Nhân rải rác khắp núi, chúng có thể tìm ra nàng bất cứ lúc nào. Cho nên đau đớn vô cùng, nàng chỉ có thể tỏ lòng cùng trời xanh.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, ngày tháng dần trôi. Sau một thời gian vất vả học tập, nàng bỗng cảm thấy những kỹ năng mà mình được học rất thú vị, đặc biệt là công việc chế tác rối. Ngẫm lại ở thời hiện đại xin việc khó khăn, nay nàng có được chút bản lĩnh xem như cũng dễ dàng kiếm kế sinh nhai sau này. Thế nên Bảo Lâm cuối cùng tĩnh tâm lại, chăm chỉ học tập. Nhờ vậy mà y thuật, độc thuật và khả năng chế tạo rối ngày một tiến bộ, khiến cho Thanh Sơn sư phụ vô cùng vui mừng.

Nghĩ tới đây Bảo Lâm thở dài, nhìn vầng triêu dương rực rỡ dâng lên đằng đông, gỡ con rắn vàng xuống. Nàng nhét y kinh vào người, đứng lên chỉnh lại áo quần, xoay lưng rời gót đến phòng sư phụ chuẩn bị theo người ra ngoài làm công việc phân biệt thảo dược quen thuộc. Vừa bước vào phòng, nàng đã thấy Thanh Sơn Lão Nhân đã đợi mình từ trước. Sau khi hành lễ, Bảo Lâm ngạc nhiên khi nhìn thấy trên bàn có một bộ trang phục của nam giới, nhìn lên thì thấy Thanh Sơn Lão Nhân ung dung uống trà, dường như không hề có ý muốn ra ngoài, bèn lên tiếng:

- Sư phụ, đây là?

Thanh Sơn Lão Nhân thấy Bảo Lâm hỏi thì vuốt râu, khuôn mặt tràn ngập ý cười, đẩy bộ y phục trên bàn về phía trước:

- Con mau về phòng thay y phục, hôm nay sư đồ ta sẽ xuống núi.

- Dạ? - Bảo Lâm kinh ngạc, trong lòng thầm nghĩ: Lão sư phụ này muốn xuất sơn? Lạ nha, chẳng phải lão ấy từng nói không muốn tranh đấu với đời, chỉ muốn sống ở chốn hoang sơn cùng cốc này hay sao?

Thấy học trò kinh ngạc nhìn mình, Thanh Sơn Lão Nhân bèn hắng giọng, nói:

- Đồ nhi, con sống ở đây đã nửa năm. Nơi đây thanh vắng, lẽ nào con không cảm thấy buồn chán hay sao?

- Cũng có chút chút... - Bảo Lâm nhướng mắt nhìn Thanh Sơn Lão Nhân, kéo dài giọng nói, lại nghĩ: Chút chút? Phải nói là rất rất buồn chán ấy chứ!

Nghe vậy, Thanh Sơn Lão Nhân liền đứng lên, chắp hai tay sau lưng, bước ra ngoài:

- Vậy thì con mau về phòng thay đồ rồi theo ta xuống núi.

- Sư phụ, người thực sự muốn xuống núi? - Bảo Lâm cao giọng hỏi lại.

Thanh Sơn Lão Nhân dừng chân, khẽ gật:

- Chúng ta có chuyện phải làm.

Nghe xong câu này, Bảo Lâm cảm động vô cùng: Vậy là mình đã được xuống núi, không phải là mơ chứ? Như vậy mình sắp được tiếp xúc với nhịp sống thời cổ đại sao? Tương lai rộng mở, tương lai rộng mở!

Quỳ rạp trên đất một cách vô cùng oanh liệt, Bảo Lâm hô to:

- Đồ nhi đa tạ sư phụ!

Thanh Sơn Lão Nhân xua xua tay, rảo bước, trong chốc lát đã không thấy bóng dáng đâu.

__o0o___

Chú thích:

[1] Lĩnh Nam Chích Quái có viết:

Đời Đường, Cao Biền sang đóng ở nước ta, chiếm phủ, xưng vua, đắp thêm La Thành. Vừa đắp xong, một buổi sáng sớm, Biền dạo xem phía ngoài cửa đông thành, bỗng nhiên trời nổi mưa to gió lớn, thấy mây ngũ sắc từ dưới đất dâng lên, ánh sáng lóe mắt. Một dị nhân mặc áo màu sặc sỡ, trang sức trông kỳ vĩ, cưỡi con rồng đỏ, tay cầm giản vàng, lơ lửng trong mây khói, khí thế ngùn ngụt, bay lên lượn xuống hồi lâu mới tan. Biền kinh ngạc, cho là ma quỷ, muốn thiết đàn để cúng. Đêm ấy, mộng thấy có thần nhân đến nói rằng: "Xin ông đừng có bụng nghi ngờ, ta không phải là yêu khí đâu. Ta chính là Long Đỗ Vương chính khí thần, vì muốn xem kỹ thành mới mà hiện ra đó thôi!" Biền tỉnh dậy. Sáng hôm sau họp quần thần, than rằng: "Ta không khuất phục được người phương xa chăng? Đến nỗi để cho loài ngoại quỷ dòm ngó điều không hay của mình ru!". Có người khuyên lập đàn, và dùng nghìn cân sắt đúc tượng theo hình dạng thần nhân để làm bùa yểm. Biền y theo kế đó. Vừa đọc thần chú bỗng trời đất mù mịt ngày đêm, mưa gió giật đùng đùng, tượng sắt nát vụn ra mà bay lên không. Biền sợ hãi, có ý muốn về phương Bắc. Người đời lấy làm lạ, bèn lập chùa ở mạn phía đông kinh thành. Về sau, Lý Thái Tổ dời đô ra đây, xây dựng phủ thành, lại mộng thấy thần nhân tới chúc mừng.

Vua nói: "Người chắc được hương lửa trăm năm chăng?" Đáp: "Mong thánh thượng được trường thọ ức vạn năm, thần đâu há chỉ được hưởng trăm năm hương lửa!". Vua tỉnh dậy, sai giết súc vật để tế, lại phong làm Thăng Long thành hoàng đại vương. Thời ấy, ở cửa đông có mở chợ buôn bán, đền thần kéo liền một dãy phố dài. Phố thường bị hỏa hoạn, gió dữ thổi cháy rất nhiều, duá có đền là vẫn y nguyên không bị lửa bén tới. Vua lại gia phong cho hưởng lộc, các buổi lễ nghênh xuân đều cử hành tại đây. Ba lần hỏa tai mà vẫn không bị cháy. Đời Trần phong làm Thuận Dụ tự ứng đại vương. Chùa ở phường Hà Khẩu huyện Thọ Xương nay gọi là đền Bạch Mã.

[2] Còn gọi là rễ cây sậy, vị ngọt, tính lạnh, có tác dụng bồi bổ ngũ tạng, cũng có tác dụng dưỡng âm và dưỡng thân rất tốt.

[3] Tức năm 1458.

[4] Thuận Thiên tức niên hiệu của vua Lý Thái Tổ.

[5] Nhân vật chính trong tiểu thuyết "Nam Nha ký sự" của Âu Dương Mặc Tâm.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK
Chương trước
Chương trước
Chương sau
Chương sau
Về đầu trang
Về đầu trang