• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Từ rằng:

Bình phong đột hiện đủ tiên nga

Lộng lẫy chờn vờn, dáng thướt tha

Uốn lượn, vào ra, chân ảo biến

Xưng tên người, rùng rợn như ma

Mây kín đường xa

Cầu ô đưa đón lên tòa thiên không

Sáng ngày hoảng hốt mông lung

Trần gian mộng huyễn, trong vòng quẩn quanh

Theo điệu "Tương kiến hoan"

Từ xưa việc thần quái thường ít khi thấy, nhưng cũng không phải là hiếm, duy có bậc chính nhân quân tử, dẫu có thấy thần cũng không được lấy làm quái, thì thần cũng khó mà tác quái, như thế thì lòng ngay thẳng chính trực có thể thắng những chuyện quỷ thần vậy.

Khổng Tử không nói chuyện quái, cũng không nói chuyện thần, vốn là mang ý đã là quái thì không đáng nói, thần thì bất tất phải nói. Con người ta cứ đường chính tuần tự mà đi, tự nhiên yêu nghiệt không thể gây họa, tức là quỷ thần phải vâng theo mệnh của ta vậy, kẻ gian tà không thể nào bằng người có đức, có tình để mà cảm động được đến thế lực thần tiên cho được. Thế mà vẫn có một lũ phương sĩ, cao đàm khoát luận những thuật trường sinh, những phép thần thông, thì cuối cùng cũng là việc vô bổ, việc huyễn hoặc. Đời trước thì có Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế, đều đủ là những tấm gương tốt rồi còn gì!

° ° °

Hãy nói chuyện Dương Quốc Trung thừa cơ tống được An Lộc Sơn ra khỏi kinh sư, không còn ai tranh quyền đoạt lợi với mình nữa, trước mắt chỉ còn thua mỗi Lý Lâm Phủ, con người này thì khó mà lay đổ cho được. Y sinh ra vốn đã thâm hiểm, thiên tử hiện tại lại tin yêu mười phần, sủng quyến đến điều. Một ngày kia, giáng chỉ, sai trăm quan cùng duyệt đồ cống hàng năm chất ở Trung thư tỉnh, kiểm điểm xong về tâu lại, Huyền Tông ra lệnh đem tất cả đồ cống của năm đó, lấy xe chở ban tận nhà Lý Lâm Phủ, sủng ái đến như thế.

Con của Lâm Phủ là Lâm Tự, cũng làm quan trong triều, lòng rất lo lắng tới sự hưng vong của gia tộc mình, cùng Lâm Phủ dạo trong vườn hoa sau dinh thự, thấy một người phu dịch làm vườn, nằm ngủ ngay dưới gốc cây, nhân đó nói nhỏ với Lâm Phủ:

- Phụ thân nắm triều chính đã lâu, oán cừu đầy thiên hạ, mai kia bỗng hoạn nạn một sớm kéo đến, dẫu có muốn gối cao ngủ kỹ như người phu dịch kia, liệu được chăng?

Lâm Phủ yên lặng không đáp. Từ đó thường sợ có hiệp sĩ, thích khách ám toán, nên ra khỏi nhà, người ngựa hộ vệ có tới hơn trăm, ngoài ra còn đội lính đi trước mấy trăm bộ để dẹp đường, đuổi hết kẻ qua người lại. Ở thì qua mấy lần tường, lần cửa như chống giặc dữ, một đêm như thế, thay chỗ ngủ đến mấy lần, dẫu là gia nhân cũng chẳng biết chỗ nào.

Dương Quốc Trung thì ngược lại, vốn có thú vui ở chốn tiêu phòng, quan tước cũng đã đến tả thừa tướng ngôi cao, mặc sức kiêu xa, dâm dật, chẳng sợ ai ganh ghét, hãm hại, cũng chẳng đếm xỉa đến dư luận khen chê.

Lúc này là tiết thượng ty 1, Quốc Trung phụng thánh chỉ, cùng với em là Dương Tiêm và chị em các phu nhân, ra sông Khúc Giang làm lễ "Tu hễ". Cả năm nhà làm thành một đội, mỗi nhà mặc một sắc áo khác nhau, con hầu, tiểu đồng đi theo không kể hết, áo quần sặc sỡ lóa mắt, chẳng khác gì trăm hoa khoe sắc, cưỡi ngựa đi xe, không hề dùng tàn lọng che đậy gì cả, hai bên đường, người đứng xem như nước cuốn. Quốc Trung cùng Quắc Quốc phu nhân, cầm roi giật cương lấy làm trò cười, ai nấy vui chơi mãi đến tối mịt, thắp đèn đuốc lên mà về, rơi trâm, rơi hài đầy đường đầy ngõ. Đỗ Công Bộ có bài "Lệ nhân hành" tả rằng:

Mùng ba tháng ba khí trời trong

Người đẹp đất kinh chơi bên sông

Tính nết thùy mị, vẻ đượm nồng

Xương thịt đều đặn, da trắng mỏng

Áo là, xiêm vóc, ánh xuân lồng

Bạc đúc kỳ lân, vàng vác công,

Trên đầu có gì quý?

Cánh trả buông theo mái tóc cong

Sau gáy có gì đẹp?

Vạt châu lẫn gọn vừa lưng ong

Màn mây người họ ở tiêu phòng 2

Tần Quốc, Quắc Quốc, tước vinh phong

Trên bướu lạc đà chỗ xanh biếc

Trong mâm thủy tinh cá trắng bông

Đũa ngà ngán ngấy mãi chưa gắp

Dao loan thái nhỏ đành uổng công

Thị vệ phi ngự bụi không tung 3

Bát trân bếp ngự dâng lại dùng

Đàn sáo réo rắt, trống thì thùng

Khách mời chen chúc bạn vương công

Yên ngựa đến sau sao sượng sùng 4

Xuống ngay đệm gấm trước thềm rồng

Hoa dương 5 rắc tuyết dày lớp rong 6

Chim xanh bay lại ngậm khăn hồng

Hơ tay thấy nóng 7 Hách vô cùng

Ai ơi! Chớ xán gần bên trong!

Cụ lớn Thừa tướng 8 không bằng lòng. 9

Hôm ấy cả đoàn đi chơi vui vẻ, ngày hôm sau đều vào triều tạ ơn nhà vua. Huyền Tông lại ban yến ở nội điện. Quốc Trung tâu:

- Chúng thần vâng mệnh làm lễ "Tu hể", không hề có ý tìm vui thú, mà chính là vì thánh thượng cùng hoàng gia đón điềm lành, rước điềm phúc. Ra sông Khúc Giang, xe ngựa lộng lẫy, trăm họ đều trông vào dân chúng người người vui vẻ thật là cảnh tượng của thời thái bình, chúng thần thật muôn vàn đội ơn thánh chúa!

Huyền Tông rất vừa ý mà phán:

- Các khanh trong lúc vui chơi, mà vẫn không quên đấng bề trên, thì thật sự trung quân ái quốc rất đáng khen, lẽ nên trọng thưởng vậy!

Yến tiệc xong, ngày mai, lại xuất trong nội phủ đồ chơi bằng ngọc bằng vàng ban cho mọi người. Hàn Quốc phu nhân thì được "Chiếu dạ ngọc cơ", Quắc Quốc phu nhân ban cho bức bình phong "Tỏa tử trướng" , Tần Quốc phu nhân được ban mũ "Thất điệp quan", Quý Phi thấy thế tâu:

- Bệ hạ hôm trước đem bình phong quý mà ban cho thiếp, trên bình khắc mỹ nhân của các đời trước, để cùng sánh với thiếp, nhưng thiếp tự nghĩ hình dung xấu xí. Xin bệ hạ hãy chuyển mà ban cho anh thiếp Quốc trung liệu có được chăng?

Huyền Tông cười:

- Trẫm nghe Quốc Trung tỳ thiếp rất nhiều. Mỗi năm tới thu đông, tuyển những hầu gái vừa to vừa béo, đứng vây kín phía sau, làm thành một bình phong che gió bằng thịt. Nay đem bình phong này ra ban cho, hẹn có thắng được bình phong bằng thịt ở dinh chăng?

Nguyên là bình phong này có tên là "Hồng nghê bình" , vốn là vật cũ của triều Tùy còn lại, trên khác đủ người đẹp các triều đại, sinh động chẳng khác gì người sống, mỗi người cao khoảng hơn ba thốn, lấy thủy tinh làm nền, xung quanh là bằng đủ các loại ngọc đá quý mà khảm thành cực kỳ tinh xảo, chẳng khác gì có bàn tay của quỷ thần góp vào, chứ còn sức người, tài người không thể làm nên. Người đời sau có bài từ làm chúng:

Bức bình phong cầu vồng biến ảo

Bút mực trần thua khéo thua xinh

Chẳng dùng màu đỏ sắc xanh

Nghìn châu vạn ngọc chấp hình thuyền quyên

Nét trạm trổ rất nên tinh xảo

Này mặt hoa mày liễu cười tươi

Cứ tên mà gọi từng người

Ngàn xưa người đẹp ai nào thiếu ai. 10

Huyền Tông đem bình phong này ban cho Quốc Trung, lại nói rõ cả ý của Quý Phi bảo nội thị truyền lại. Quốc Trung tạ ơn mà nhận, đem bình phong đặt ở ngay hậu dinh trên lầu cao, thường cùng thân hữu, gia quyến ngồi ngắm, không ai là không ngợi khen, thật đáng là vật báu khó kiếm trên đời.

Một hôm, Quốc Trung ngồi một mình trên lầu đón gió mát, vừa ngắm người đẹp trên bình phong, thầm nghĩ: "Thế gian liệu ai có được những thứ quý như thế này. Ta mà được lấy một hai người, cũng thật vui sướng không gì sánh?". Đang nghĩ ngợi thế, thì thấy mệt mỏi, liền quay ra giường mà nằm, vừa mới ngã xuống gối, bỗng thấy những người đẹp trên bình phong đều nháy mắt khẽ lắc đầu, rồi chẳng mấy chốc, lần lượt bước xuống khỏi bình phong, người càng cao lớn dần đến mấy thước, hình dáng uyển chuyển chẳng khác gì người sống, bước thẳng lại trước giường, lần lượt xưng tên. Người thì nói là kẻ xé lụa, kẻ kể là người bước trên hoa sen vàng, cô thì rằng giặt lụa suối xưa hoặc kẻ trông lò rượu, người đeo ngọc, kẻ nhặt lông phỉ thúy, người là Hứa Phi Quỳnh, là Tiết Dạ Lai, là Đào Nguyên tiên tử, là Vu Sơn Thần nữ, rất nhiều, rất nhiều, kể ra không hết 11.

Dương Quốc Trung tuy mắt nhìn rõ ràng, nhưng toàn thân không thể động đậy, miệng không mở ra được. Các người đẹp đều kiếm chỗ ngồi, chỗ dựa, chốc lát, lại thấy mười cô gái lưng ong xinh đẹp ra dáng kỹ nữ, cũng từ trên bình phong bước xuống, tự xưng là đội ca nô Chương Hoa nước Sở, rồi xếp hàng nắm tay nhau mà hát, tiếng ca vừa nhẹ nhàng, vừa trong trẻo. Hát xong, tất cả đều đứng dậy, một người tự xưng là Thần nữ Vu Sơn chỉ mặt Quốc Trung mà mắng:

- Nhà ngươi nắm quyền tể tướng, nhưng thực chỉ là một đứa tiểu nhân hèn hạ, tại sao lại dám chơi trèo đến cả hạng chúng ta, những là cuồng vọng, thật là đáng cười thay, đáng ghét thay!

Những mỹ nhân khác vỗ tay cười mà rằng:

- Con Ngọc Hoàng này ngu ngốc, Tam Lang nghe theo những lời nó làm gì, hãy để cho "Hồng Nghê bảo bình" này chứng kiến cái nhục nhã của con tiện tỳ này. Mai kia nó chịu họa không nhỏ. Chúng ta đôi co với nó làm gì. Đi thôi! Đi thôi!

Rồi tất cả trở lại bình phong, Quốc Trung như tỉnh mộng, toát mồ hôi khắp cả người, vội vàng xuống lầu, sai người nhà, cất ngay tấm bình phong đi, khóa luôn cả cửa lầu lại. Từ đó mỗi đêm trăng sáng, gió trong lại nghe trên lầu phụ nữ lao xao cười nói, ca hát. Người trong nhà, đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, chẳng một ai dám lên lầu này nữa.

Dương Quốc Trung vào cung, đem chuyện này tâu riêng với Dương Quý Phi, chỉ giấu biệt chuyện bị các mỹ nhân chửi mắng. Quý Phi nghe chuyện quái dị này, lấy làm kinh hoàng, liền thưa với Huyền Tông, xin cho hủy bình phong này đi. Huyền Tông phán:

- Người đẹp trên bình phong, đều là những bậc có tên tuổi của các triều trước, lại có cả tiên nữ, thần nữ nữa, sao lại coi thường mà phá bỏ. Hãy để trẫm hỏi Thông Nguyên tiên sinh cùng Diệp tôn sư thì sẽ biết diễm phúc họa ra sao!

Đường Huyền Tông lâu nay vẫn mê chuyện thần tiên, từ ngày Đường Cao Tông tôn Lão huynh lên làm Huyền Nguyên hoàng đế, đến Huyền Tông cũng chuyên cầu lễ tượng Lý Lão Quân, mười phần kính tín, lệnh cho khắp chín châu đều lập miếu, mời người trụ trì lo hương khói phụng thờ. Vì vậy một lũ phương sĩ đua nhau mọc ra. Có người tiến cử phương sĩ Trương Quả, vốn là bậc thần tiên, Huyền Tông liền lấy lễ, mời về Trường An, bái phong làm Ngân Thanh Quang lộc đại phu, ban hiệu là Thông Nguyên tiên sinh.

Lại còn có người tiến cử phương sĩ Diệp Pháp Thiện có thuật lạ, giỏi bùa phép, niệm chú, Huyền Tông cũng làm lễ mời về kinh sư, phong làm tôn sư. Số phương sĩ tuy nhiều, duy chỉ hai người này là được kính nể hơn cả. Huyền Tông mới đem chuyện mỹ nhân hiện hình của Quốc Trung hỏi, Trương Quả thì thưa:

- Yêu quái là do người mà có, chuyện chẳng qua Dương tể tướng ngắm những người đẹp trong bình phong, sinh nghĩ dâm tà, vì vậy yêu nghiệt theo đó mà sinh, chỉ cần Diệp Tôn sư ra tay là xong.

Diệp Pháp Thiện thì thưa:

- Phàm các vật báu thì dễ sinh tinh yêu, huống chi lòng người lại tơ tưởng, tất hiện thành linh ứng. Thần xin dâng một đạo bùa, đốt ngay trước bình phong, đừng sinh tà ý, gặp tuần sóc vọng phải dùng hương hoa cúng lễ, tự nhiên sẽ chẳng có chuyện gì đáng sợ nữa.

Huyền Tông bèn mời Pháp Thiện tự tay vẽ một đạo bùa "Chính ất linh phù , rồi sai nội thị đem ban cho Quốc Trung, nói lại cả lời của hai thầy phù thủy, Quốc Trung nghe nói yêu tà là do người tưởng niệm mà sinh ra, thì tự nhiên chân lông, chân tóc dựng sởn cả lên, lên ngay lầu, bày bình phong ra, đem đạo bùa ra mà hóa, khoảnh khắc thấy khắp lầu ánh chớp sáng lòa. Từ đấy về sau, trên lầu yên ổn, không còn nghe thấy tiếng người nữa. Chỉ đến ngày sóc, ngày vọng, khi làm lễ hương hoa, thì lạ thay những người đẹp trong bình phong lung linh phát sáng chói mắt, nhưng nhìn phong thái từng người đẹp trên bình phong, thì vẫn đoan trang hiền thục, so với trước kia thì khác hẳn.

Chính là:

Chính thì thắng tà

Tà thì thua chính

Lấy chính sửa tà

Thì tà thành chính.

Huyền Tông nghe tâu, càng thêm tin pháp thuật của Diệp Pháp Thiện. Một hôm hỏi riêng Pháp Thiện:

- Trương Quả tiên sinh đạo đức cao diệu, trẫm thường hỏi chuyện đời, tiên sinh chỉ cười mà không đáp là tại sao?

Pháp Thiện tâu:

- Bình sinh Trương Quả vốn là bậc thần tiên nên cũng không biết thế nào mà nói cho chắc chắn. Chỉ biết ngay từ thời Đường Nghiêu 12 từng làm quan thị trung, còn lai lịch ra sao, chỉ riêng thần biết, ngoài ra thì chẳng ai hiểu ra sao cả đâu.

Huyền Tông khẩn khoản:

- Xin tôn sư thử nói cho nghe!

Pháp Thiện thưa:

- Thần chỉ ngại tai họa, nên không dám trình chúa thượng.

Huyền Tông phán:

- Tôn sư là bậc thần tiên, phúc họa nào còn đáng sợ nữa, xin đừng giữ ý quá thế?

Pháp Thiện trầm ngâm thưa:

- Bệ hạ chẳng cần giục thần nói. Thần mà nói tất không sống được một khắc. Xin bệ hạ hãy thương thần, triệu Trương tiên sinh vào không ngại ở ngôi thiên tử, hạ mình mà cầu, để thần được sống vậy!

Huyền Tông bằng lòng. Pháp Thiện xin cho tả hữu lui ra, mật tâu rằng:

- Trương tiên sinh lúc trời đất còn hỗn độn chưa phân, vốn là tinh của loài dơi trắng vậy!

Nói chưa dứt lời miệng đã thổ đầy máu tươi, nằm hôn mê ngay mặt điện. Huyền Tông lập tức lệnh nội thị, truyền chỉ bằng lời, triệu ngay Trương Quả vào cung kiến giá.

Trương Quả chống gậy vào, Huyền Tông xuống ngai đón, mà rằng:

- Diệp tôn sư đắc tội với tiên sinh, chính lỗi là ở trẫm, trẫm xin thay lời, tiên sinh hãy nể mặt mà tha cho!

Nói xong, định quỳ gối mà lạy, Trương Quả vội vàng nâng dậy mà tâu:

- Sao lại dám để bệ hạ cúi mình vàng. Nhưng tội uốn lưỡi thì quả là không đáng tha vậy!

Liền cầm trượng, liên tiếp đánh vào người Pháp Thiện mà rằng:

- Sao không biến ngay đi!

Pháp Thiện bỗng tỉnh táo, đứng dậy ngay, sửa sang áo khăn lạy tạ Huyền Tông rồi quay ra tạ tội Trương Quả. Trương Quả cười:

- Gậy của ta không dễ được đâu!

Pháp Thiện hai ba lần lạy tạ, Huyền Tông cả mừng, ban cho hoa quả.

Mấy ngày sau, có sứ từ vùng biển tới, dâng một loại cỏ rất độc, người vùng biển vẫn nói rằng, dẫu là bậc thần tiên cũng không dám ăn loại cỏ này. Huyền Tông liền sai Pháp Thiện hỏi rõ, rồi ngầm bỏ loại cỏ này vào trong rượu. Triệu Trương Quả vào nội điện ban yến, trước tiên là cho uống rượu ngon. Huyền Tông hỏi:

- Có thể triệu đến đây chăng?

Trương Quả đáp:

- Thần xin gọi!

Liền ngửa mặt lên không mà tâu rằng:

- Đạo đồng hãy mau tới kiến giá.

Chưa dứt lời, bỗng thấy một đạo đồng, từ trên nóc điện bay xuống, tuổi khoảng mười bốn, mười lăm, đầu nhỏ bụng nhỏ, khăn áo mặt mày trang nghiêm, bái lạy trước điện. Huyền Tông ngạc nhiên, sai lấy một đấu lớn đổ đầy rượu ban cho. Đạo đồng tạ ơn, đỡ lấy đấu rượu uống một hơi cạn. Huyền Tông thấy đạo đồng uống rất khoái ý, liền lệnh cho uống một đấu nữa, đạo đồng lại bưng lấy uống, nhưng mới được hai ba hớp, thì xương cổ, xương sườn đã nổi cả lên. Trương Quả cười:

- Nó tửu lượng có hạn, không thể uống hơn.

Liền nhặt một hột đào mà ném, tiểu đồng theo tay Trương quả ngã ngay xuống, rượu tuôn ra đầy nền điện, nhìn kỹ lại thì chẳng thấy đạo đồng đâu cả mà là một cái hồ lô đựng được khoảng một đấu rượu. Huyền Tông cười ha hả mà rằng:

- Tiên sinh làm trò vui như thế này, thì thật đáng mặt thần thông quảng đại. Xin hãy uống ngay một chén nữa.

Liền ra mật hiệu, nội thị dâng rượu có bỏ cỏ độc lên rót mời. Trương Quả không từ chối, uống một hơi cạn. Lát sau, thấy Trương Quả cúi đầu, nhắm mắt rồi ngủ ngay trên ghế ngồi. Huyền Tông lệnh cho nội thị không được ồn, để mặc Trương Quả ngủ. Hồi lâu Trương Quả tỉnh dậy, đứng lên cười mà tâu:

- Loại rượu này không tốt, nếu kẻ khác uống, thì chẳng bao giờ tỉnh nữa.

Lấy trong ống tay áo ra một cái gương, Trương Quả soi kỹ mà rằng:

- Rượu độc làm đen cả răng thần rồi!

Huyền Tông nhìn, xuýt xoa thán phục mãi không thôi.

Chính là:

Đùa đem cỏ độc thử thần tiên

Chỉ thấy tiên ông ngủ tít liền

Tỉnh dậy thân hình nguyên vẹn cả

Riêng hàm răng mới, trắng thành đen.

Từ đó, Đường Minh Hoàng lại càng tin chuyện thần tiên.

Đêm thượng nguyên, Huyền Tông sai kết lầu cao, giăng đầy gấm lụa ở nội cung, treo đèn, bày yến tiệc, chẳng gọi đình thần yến ẩm, chẳng triệu phi tần mà đòi Trương Quả, Diệp Pháp Thiện vào. Trương Quả có việc nên chưa đến ngay, Pháp Thiện vào trước. Huyền Tông cho ngồi đầu bàn tiệc, nâng chén cùng uống, một lát sau, trăng đèn cùng sáng, ca nhạc cùng nổi, mười phần vui vẻ. Huyền Tông rượu say, chỉ những đèn gấm mà phán:

- Những cái đèn này quả là đẹp, ở các nơi khác liệu có thứ này chăng?

Pháp Thiện đưa mắt, nhìn khắp bốn phía, tay chỉ hướng Tây mà thưa:

- Ở phủ thành Tây Lương, đêm nay treo đèn cũng rất nhiều, chẳng thua gì ở Trường An này.

Huyền Tông phán:

- Trẫm không thấy gì cả?

Pháp Thiện thưa;

- Bệ hạ muốn thấy cũng chẳng khó gì!

Huyền Tông vội hỏi:

- Tôn sư nếu có pháp thuật, làm cho trẫm cũng có thể trông thấy cảnh đẹp sao?

Pháp Thiện thưa:

- Thần xin bệ hạ cưỡi gió mà tới, vừa đi vừa về chẳng hết bao lâu.

Huyền Tông vội đứng ngay dậy. Cao Lực Sĩ đứng ngay bên cạnh, lại phủ phục dưới đất mà tâu:

- Diệp tôn sư tuy có diệu pháp, nhưng chúa thượng há nên thử những chuyện như thế này. Xin chúa thượng không nên xem thường.

Huyền Tông đáp:

- Tôn sư tất không lừa trẫm, khanh đừng nhiều lời, trẫm cũng chẳng cần khanh đi theo. Khanh hãy cứ ở đấy đợi trẫm.

Cao Lực Sĩ không dám nói nữa, cung kính lui về phía sau.

Pháp Thiện xin Huyền Tông tạm ngừng yến tiệc, thay áo, cùng với hai nội thị, cũng thay y phục, ra đứng ở sân điện, tất cả cùng nhắm mắt lại. Bỗng thấy hai chân bay bổng như đang đi trên mây cao, khoảnh khắc, chân đã chạm đất, bên tai nghe tiếng người huyên náo, đều là thổ âm vùng Tây Lương. Pháp Thiện lớn tiếng bảo mở mắt. Huyễn Tông thấy ngay vô số đèn lồng hoa gấm rực rỡ hàng suốt mấy dặm, người xem đi lại đông nghịt, trong lòng vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ, lẫn lộn cùng đám đông, đi khắp nơi xem, khẽ hỏi Pháp Thiện:

- Đây là chuyện mộng hay là chuyện thật vậy tôn sư?

Pháp Thiện thưa:

- Bệ hạ nếu vẫn chưa tin cuộc dạo chơi đêm nay, xin hãy thử một chút xem sao?

Bèn hỏi hai nội thị:

- Các ngươi trong người có mang theo vật gì không?

Nội thị thưa:

- Chỉ có ngọc như ý mà hoàng thượng hay cầm chơi thôi!

Pháp Thiện liền cùng Huyền Tông vào một quán rượu, gọi rượu uống, xong xuôi lấy viên ngọc như ý tạm gạ tiền rượu, xin Huyền Tông viết ngay một tờ thư chiếu, hẹn ngày sai người tới chuộc, rồi ra khỏi quán đi bộ ra ngoài thành, lại bảo mọi người nhắm mắt lại, khoảnh khắc sau, bay bổng trên mây, rơi ngay xuống sân điện. Cao Lực Sĩ ra đón, cúi đầu chúc mừng.

Nhìn trên yến tiệc, ngọn nến "Kim liên bảo chúc" vẫn cháy chưa hết một nửa.

Huyền Tông còn đang kinh ngạc, thì tả hữu thưa Trương Quả đến. Huyền Tông mời ngay vào. Trương Quả thưa:

- Thần có việc xuất du, chưa thể vâng mệnh triệu đến ngay. Xin bệ hạ hãy tha tội cho?

Huyền Tông phán:

- Tiên sinh chẳng khác gì hạc nội mây ngàn, sao lại chịu trói buộc bởi chức phận thần tử cho được, nên nào có tội gì cho cam. Nhưng không biết vừa rồi tiên sinh đi đâu?

Trương Quả thưa:

- Thần đi Quảng Lăng thăm một đạo hữu, không ngờ bệ hạ triệu, cho nên tới chậm.

Huyền Tông phán:

- Quảng Lăng với kinh sư xa lắm. Tiên sinh đi về sao mà nhanh vậy?

Trương Quả cười thưa:

- Sáng sớm chơi ở Bắc Hải, chiều ngự ở bến Thương Ngô, là chuyện thường của nhà tiên, huống chi Tây Lương với Quảng Lăng, chẳng đến một bước chân!

Rồi hỏi Pháp Thiện:

- Hội đèn ở Tây Lương ra sao?

Pháp Thiện đáp:

- Cũng gần như Tây Kinh vậy thôi!

Huyền Tông hỏi:

- Tiên sinh vừa ở Quảng Lăng về, hội đèn ở Quảng Lăng có vui không?

Trương Quả thưa:

- Hội đèn ở Quảng Lăng cũng đông vui lắm, lúc này là lúc đang náo nhiệt nhất.

Pháp Thiện tâu:

- Thần không dám mời bệ hạ, nếu còn thích thì hãy đi xem luôn thể, cũng là một dịp để lưu chút tình với bệ hạ vậy.

Huyền Tông hoan hỷ phán:

- Thế thì hay lắm!

Rồi hỏi Trương Quả:

- Tiên sinh có cùng đi chăng?

Trương Quả thưa:

- Thần xin theo hầu ngự giá. Cuộc đi này chẳng cần phải cưỡi mây vượt gió, cũng chẳng phải từng bước trên đường làm gì. Thần có một thuật nhỏ, khiến bệ hạ chẳng phải lên trời, cũng chẳng cần xuống đất, xin bệ hạ thử một lần cho vui.

Huyền Tông đáp:

- Như thế càng tốt, xin tiên sinh hãy thi thố diệu thuật.

Trương Quả đáp:

- Xin mời bệ hạ thay áo, mang những mũ áo thật đẹp vào.

Bảo Cao Lực Sĩ cũng thay y phục thật rực rỡ, lại chọn trong đám Lê Viên tứ đệ mấy người nhanh nhẹn, đều áo gấm thêu hoa lóa mắt. Trương Quả cởi thắt lưng lụa trên người ra, vứt lên không, liền hóa thành một cây cầu bằng lụa, một đầu cầu ngay trước sân điện, mà vút lên mãi từng mây cao tít chẳng thấy rõ đầu cầu bên kia. Hình dáng cầu thế nào, có bài từ "Tây Giang nguyệt" sau đây làm chứng:

Cầu lát ngọc làu làu không gợn

Lơn can hồng uốn lượn đôi bên

Dao đài sáng lạn tiếp liền

Mây năm sắc tỏa dưới trên Ngân Hà

Thẳng bước chớ dùng dằng quay lại

Cứ ung dung đừng ngại ngùng chi

Trên cao nhìn cảnh thật kỳ

Thực hư, may mắn được chơi thiên đường!

Trương Quả cùng Pháp Thiện đi trước dẫn đường, Huyền Tông thong thả bước lên cầu, bọn họ Cao cùng Lê Viên tử đệ theo sau, được dặn kỹ là không quay đầu nhìn lại, cứ nhìn phía trước mà đi. Khoảng vài trăm bước, Trương Quả, Pháp Thiện đã đứng lại nói:

- Xin bệ hạ hãy dừng chân, đã tới đất Quảng Lăng rồi!

Trong thành đèn treo rất nhiều, quang cảnh rộn ràng chẳng kém gì Tây Kinh. Bỗng thấy trên không một đám mây đủ năm sắc xuất hiện, đưa tới đội mỹ nhân quần áo thướt tha xanh đỏ đủ màu, chẳng khác gì một đoàn tiên nữ, cũng đứng trên không mà lạy chào. Huyền Tông cùng mọi người đứng bên cầu, ngửa mặt nhìn trời cao, trăng sáng như ban ngày, cúi xuống thì thành Quảng Lăng đèn hoa lấp lánh, lấy làm hân hoan bội phần. Pháp Thiện bảo bọn Lê Viên tử đệ dạo "Nghê thường vũ y khúc". Nhạc xong, Trương Quả cùng Pháp Thiện dẫn Huyền Tông cùng mọi người trở về.

Vừa mới xuống khỏi cầu, Trương Quả phất tay, cầu đã chẳng thấy đâu. Trong tay Trương Quả lại cầm chiếc thắt lưng lụa, thắt vào người như cũ.

Cao Lực Sĩ cùng bọn Lê Viên tử đệ không giấu vẻ kinh ngạc.

Huyền Tông thì không ngớt lời khen:

- Tiên sinh thần thông quảng đại, thật là tài vậy!

Trương Quả tâu:

- Đây chẳng qua chỉ là một trò chơi nhỏ của nhà tiên, chẳng đáng để bệ hạ thán phục nhiều.

Huyền Tông lại lệnh thay chén để ban rượu, mãi đến sáng rõ, mới bãi yến ra về.

Đời sau có người làm thơ than rằng:

Tiên ông bày vẽ chuyện thần thông

Khiên được vua bay bổng giữa không

Đang bậc chăn dân tôn quý thế

Nỡ cho phượng sĩ hứng rồi tung!

Ngày hôm sau Huyền Tông mật sai người đến Tây Lương phủ, tìm đến tửu điếm mà Huyền Tông đã cầm ngọc như ý, đem theo chiếc nhẫn bạc để chuộc lại. Sứ giả đi mấy ngày, quả nhiên chuộc được về, nên Huyền Tông lại càng tin rằng cuộc đi chơi tối hôm thượng nguyên là thật, không phải hư.

Mấy tháng sau, quan sở lại tâu về triều: "Đêm mười lăm tháng giêng sau canh hai, trên trời bỗng thấy hàng vạn đóa mây ngũ sắc. Trong mây ẩn hiện hàng đoàn tiên nữ, từng từng lớp lớp rất rõ ràng. Lại có nghe cả tiếng nhạc du dương, không phải là thứ nhạc ở trần gian. Những điều này rõ là điềm thái bình thịnh thế. Vậy nên tâu rõ thánh thượng biết". Huyền Tông xem xong lấy làm kỳ lạ, nhưng cũng không nói gì, chỉ ngự phê vào bản tâu.

Nguyên là điệu "Nghê thường vũ y khúc", là do ở năm Khai Nguyên thời Huyền Tông, Huyền Tông thường mơ chơi cung trăng, thấy khoảng mười tiên nữ, mặc áo trắng rộng, tiếng bảo ngọc khẽ lung linh, vừa hát vừa múa trong cung Quảng Hàn, thanh điệu thánh thót, ở nhân gian không hề nghe bao giờ. Huyền Tông bèn cất tiếng hỏi:

- Khúc nhạc này có tên gì?

Bầy tiên nữ thưa:

- Gọi là "Nghê thường vũ y khúc".

Huyền Tông trong giấc mộng nhưng vẫn nhớ thanh điệu, lúc tỉnh dậy vẫn không quên, liền truyền cho nhạc công, tập thành khúc điệu quả là không phải điệu khúc của nhân gian vậy!

Huyền Tông càng thêm tin hai vị đạo sĩ, lại nghe Trương Quả mỗi lần ra khỏi cửa, thường cưỡi một con lừa trắng, đi nhanh như bay, đến khi trở về vẫn con lừa ấy, tay phẩy mấy cái lừa thành hình giấy, đem cất vào trong tráp, lúc nào muốn cưỡi lại đem ra lấy nước phun vào, nghiễm nhiên thành lừa trắng. Huyền Tông càng thán phục, nhân đó muốn kết nhân duyên họ hàng, định đem Ngọc Châu công chúa gả cho Trương Quả. Trương Quả tâu rằng:

- Thần có biệt thự dưới chân dãy Vương Ốc Sơn, trước đã từng bỏ ra ba mươi vạn tiền để cưới con gái họ Vi ở Thái Bình, nay liệu có nên thay chăng. Huống nữa, thần dã tính chẳng đổi, chẳng màng vinh lộc, vào kinh sư đã lâu, lòng nhớ núi xa, xin bệ hạ gia ân cho trở về, thực lấy làm may mắn.

Huyền Tông phán:

- Tiên sinh không bằng lòng thờ chúa, trẫm cũng chẳng dám nài, nhưng sao đã vội bỏ trẫm mà đi. Tiên sinh cùng với Diệp tôn sư phải luôn có ở bên trẫm, hai người không thể thiếu một, để sớm hôm chỉ giáo cho trẫm. Xin đừng nghĩ tới chuyện bỏ đi vội.

Trương Quả cảm lòng thành, bèn cùng Pháp Thiện ở lại Trường An.

Pháp Thiện trước kia từng ở Tùng Dương, đánh bạn với thứ sử Lý Ung, Lý Ung vốn nhiều tài, vừa giỏi văn vừa tài viết chữ. Pháp Thiện từng nhờ viết giùm một bài văn bia cho ông tổ của một người thân, rồi được triệu về kinh sư. Lý Ung cũng được thăng làm quan ở kinh sư, trong lòng không thích Pháp Thiện quảng hành thuật pháp, sợ sẽ làm huyễn hoặc lòng Huyền Tông. Pháp Thiện đã đem bài văn bia mà Lý Ung đã làm cho, đến xin Lý Ung viết luôn cho. Lý Ung nhất định không chịu, nói thẳng luôn rằng:

- Ta đã hối vì ngài mà viết bài văn rồi, nay lại còn viết cả chữ nữa sao?

Pháp Thiện cười:

- Ngài đã vì bần đạo mà viết bài văn, nay lại không vì bần đạo mà cho chữ sao? Việc không thể ép được, xin sẽ liệu cách khác vậy thôi!

Rồi lặng lẽ cười mà cáo biệt.

Đêm hôm ấy, Pháp Thiện ngồi một mình trong phòng kín, bày đủ giấy mực, bút nghiên, tới canh ba, bèn chống kiếm, chỉ đủ mười phương, rồi đốt một đạo bùa, miệng niệm thần chú lẩm nhẩm, vỗ vào bài lệnh, bỗng thấy Lý Ung từ trong tường đi ra. Pháp Thiện không một lời chào hỏi, chỉ lấy kiếm mà sai khiến, Lý Ung đem giấy bút ra viết bài văn bia, còn đạo đồng thì mài mực, cắt nến, chẳng mấy chốc bài văn viết xong. Pháp Thiện lại đốt đạo bùa thứ hai, miệng lại niệm chú, giơ kiếm chỉ, rồi quát lớn một tiếng. Lý Ung đã không thấy đâu nữa.

Thì ra ban ngày Lý Ung viết chữ chẳng xong, nên nửa đêm Pháp Thiện chiêu nhiếp hồn phách Lý Ung đến viết. Sáng ngày hôm sau Pháp Thiện thân tới nhà Lý Ung mà tạ ơn, đem cả giấy viết tối qua ra cho xem, mà rằng:

- Đây chính là ngài viết trong mộng tối hôm qua!

Lý Ung xem qua, trợn mắt há miệng ngạc nhiên, mồ hôi toát như tắm. Pháp Thiện tiếp:

- Cũng bởi quý trọng văn ngài, lại cũng không muốn mất hết chữ tài hoa của ngài, không muốn có chữ của kẻ khác thay vào, nên phải cố cầu đại bút. Nhưng vì ngài đã chẳng chịu nhận lời, cho nên phải giở trò đùa một chút, cũng biết là đáng tội, xin ngài tha thứ cho tội vô lễ này vậy?

Lý Ung vừa sợ vừa giận, không nói một lời. Pháp Thiện lại mang ra một lễ rất hậu, coi như là nhuận bút. Lý Ung nhất định không chịu nhận.

Huyền Tông nghe chuyện này, kinh ngạc mà than rằng:

- Chuyện thần tiên là chuyện không nên chống cự vậy?

Tấm bia mà Lý Ung viết, người đương thời gọi là "Truy hồn bia". Từ đó triều đình ngày càng tin chuyện thần tiên, số phương sĩ cũng nhờ vậy ngày càng tăng nhiều. Một hôm, ở vùng Ngọc Châu, thứ sử dâng sớ tiến phương sĩ là La Công Viễn, quảng địa thần thông, có nhiều thuật lạ, về kinh ra mắt hoàng đế.

Trong triều tiên cũ chưa đi

Ngoài kia tiên mới dắt dây dẫn vào

Đừng chê tiên lấy đâu nhiều

Vì vua hôn muội, tin điều viển vông.

Muốn hiểu sự thể ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ.

--------------------------------

1Thượng ty: tiết đầu tháng ba âm lịch, người xưa thường ra bờ sông làm phép tế rảy nước trừ tà ma, tiệc rượu cũng coi như một lễ hội vui chơi, gọi là "Tu hễ" hay "Phất hễ", nếu làm vào thượng ty thì còn gọi là "Xuân hễ", làm vào mùa thu gọi là "Thu hễ". (Từ điển Thiều Chửu" 2Nơi Dương Quý Phi ở. 3Chỉ bọn quan thị. 4Chỉ Dương Quốc Trung. 5Dương Hoa, người đời Nam Bắc Triều, thông gian với Ngụy Thái hậu, sợ tội, trốn sang nước Lương. Ngụy Thái hậu tưởng nhớ mà làm ra bài "Hoa bạch dương". Ám chỉ việc Dương Quốc Trung tư thông với Quắc Quốc phu nhân. 6Dương Quốc Trung vốn là con Trương Dịch Chi, làm con nuôi họ Dương, cũng ví như hoa dương đã rụng xuống, trà trộn trong đám rau tàn. (Bản dịch thơ là "lớp rong") 7 Nguyên văn: " Chích thủ khả nhiệt", một thành ngữ chữ Hán, như câu phương ngôn của ta "Đặt lửa lửa đỏ, đặt cỏ cỏ cháy", ý nói người có quyền thế, hách dịch. 8Chỉ Dương Quốc Trung. 9Bản dịch thơ của N.T. chú thích thuộc bài thơ, theo "Thơ đường", tập I, có thay vài ý. 10Không thấy nói theo điệu gì. 11Số người đẹp đây kể rất nhiều, đa số không rõ lý lịch, chỉ biết: Người xé lựa là Bao Tự, đời Chu U Vương. Người bước trên hoa sen vàng là Phan Phi, vợ Đông Hôn Hầu nước Tề. Người giặt lụa là Tây Thi nước Việt. Người trông lò rượu là Trác Văn Quân đời nhà Hán. Hứa Phi Quỳnh, người đời Hán. Vu Sơn Thần nữ thì đã nhắc nhiều. Đào Nguyên tiên tử là người tiên gặp Lưu Thần Nguyễn Triệu người đời Hán. 12Tức Đào Đường, triều đại của vua Nghiên, 2357-2256 trước công nguyên. Thế là cách Đường Minh Hoàng khoảng trên 3000 năm!

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK