• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Từ rằng:

Vận nước đang nghiêng ngửa

Trời khiến anh hùng tháo gỡ

Nhiệt tâm dường bỡ ngỡ

Khăn đẫm mồ hôi

Áo hoen máu đỏ

Bạn bè mái tóc pha sương

Cùng lo chống đỡ sửa sang mối giường

Gian hùng chật ngõ đầy đường

Ghét ghen nham hiểm, trăm phương bạo tàn .

Trương Lộc sang Tần 1

Ngũ Viên bỏ Sở 2

Điện các sạch bóng yêu ma

Ruộng vườn xanh tốt, cỏ hoa tươi màu.

Theo điệu "Phẩm lệnh"

Chuyện oan cừu thế gian, nếu gặp được sự đại lượng của người quân tử, hoặc tấm lòng của bậc hào kiệt, thù hằn thanh toán, ân oán rõ ràng, chỉ cần một lời. Nhưng nếu ở kẻ tiểu nhân, thì dẫu trăm lời nghìn lẽ, cách này phương khác, hiềm khích vẫn còn. Trừ khi vàng nhiều bạc lớn, sắc đẹp khuynh quốc, may ra yên được ngoài mặt, bởi vậy Vũ Văn Thuật chẳng bao giờ nghĩ trách con mình dâm ô ác độc, mà chỉ ghi xương khắc cốt mối thù với Tần Thúc Bảo.

° ° °

Nay hãy kể tiếp chuyện Đơn Hùng Tín, về hậu trại cùng chị dâu, vợ con gặp gỡ. Thôi Thị đem những chuyện vừa qua, kể lại tĩ mĩ, Hùng Tín thấy cả gia quyến đều có mặt ở Ngõa Cương yên ổn, nên cũng chẳng biết nói gì hơn, liền tìm Lý Huyền Thúy nói:

- Hiền huynh thi hành tuyệt kế, thật là hay, là giỏi, nhưng chỉ có điều khiến cho Hùng Tín này chẳng còn nhà nữa mà về thôi!

Từ Mậu Công nói:

- Đơn nhị ca chẳng cần phải nói diều ấy làm gì. Đã lo việc thiên hạ thì phải quên việc nhà thôi. Giờ nhị ca còn nói đến gia quyến của mình, mai kia có cả nhà lớn, thì làm sao lại nói là không nhà được?

Tiệc rượu đã dọn xong đâu đấy. Địch Nhượng nâng chén mời Hùng Tín ngồi ghế chủ trì, Hùng Tín đáp lời:

- Địch dại huynh nói sai rồi. Nay Hùng Tín này đã tới đây cùng các vị cùng là người một nhà cả rồi, thì phải tuân theo trật tự tôn ty vốn đã sẵn của trại, để khỏi phải bàn luận lôi thôi. Hùng Tín này dẫu là một lão già quê mùa đi nữa, nhưng cũng ít nhiều hiểu biết văn lễ đấy chứ!

Địch Nhượng lên tiếng tiếp:

- Sao Đơn nhị ca lại nói thế. Nay anh em đây may nhị ca không bỏ, đến cùng tụ nghĩa, ở nơi "Chấn Nghĩa hảo đường" này, nhị ca chủ trì là xứng đáng lắm. Ghế thứ hai, xin mời Lý Huyền Thúy đại huynh.

Huyền Thúy cười lớn:

- Đại huynh nói điều này hơi lạ đấy. Tại sao lại xếp như thế?

Địch Nhượng đáp:

- Xin các vị nghe tiểu đệ nói đây. Hôm nay là ngày tốt, chúng ta làm lễ cưới cho Lý đại huynh, đây chính là tiệc mừng, cho nên Lý đại huynh lẽ nên ngồi ghế thứ hai.

Quốc Viễn cũng góp vào:

- Địch đại huynh nói rất đúng. Hôm nay là tiệc mừng Lý đại huynh, tiệc gặp gỡ của Đơn viên ngoại, xin hai vị đừng chối từ nữa.

Mậu Công cũng nói:

- Cũng chẳng nên nói thế. Nếu đã là tiệc mừng Lý đại huynh, thì nên mời Vương lão trượng ra ngồi ghế chủ trì là hợp hơn cả.

Địch Nhượng nghe ra, bèn nói:

- Từ đại huynh nói đúng lắm, tiểu đệ vốn quê mùa, thật thiếu sót.

Rồi sai thủ hạ vào hậu trại mời Vương ông cùng Đương Nhân.

Vương ông cùng Đương Nhân ra. Địch Nhượng nâng chén mời Vương ông ngồi vào ghế chủ trì, Vương ông ba bốn lần chối từ không được, đành ngồi vào ghế thứ nhất. Ghế thứ hai định mời Đương Nhân, nhưng Bá Đương cất tiếng:

- Như thế không được. Vương lão trượng ngồi trên, sao Đương Nhân lại có thể ngồi kề được. Lại thêm Đương Nhân vốn lên đây tụ nghĩa với chúng ta, sao lại có thể vượt lên ngồi trên các vị cho được!

Mậu Công lên tiếng hỏi:

- Tiểu đệ xin có ý như thế này, các vị nghe xem có được hay không?

Mọi người đồng thanh:

- Từ đại huynh phân xử, đều rất hợp lý, xin cứ nói ngay cho.

Mậu Công nói:

- Vừa rồi Bá Đương đại huynh có nói, hiền huynh Đương Nhân không thể vượt lên cũng đúng. Nay anh em chúng ta tụ tập ở đây, đều để giương cao việc nghĩa khí. Nhưng muốn làm được việc lớn này, thì lại không thể nói đến chuyện ai khách ai chủ cho được, mà trước tiên cần phải định rõ thứ tự tôn ty, để rồi từ nay về sau còn ra lệnh, nghe lệnh, đâu ra đấy, nào phải là cuộc tiệc rượu bình thường, ai muốn ngồi đâu thì ngồi.

Nghe nói thế, mọi người đều đồng thanh:

- Nói đúng lắm!

Mậu Công tiếp:

- Cứ như ngu kiến của tiểu đệ. Ghế thứ hai nên là Địch đại huynh. Tại sao lại như thế. Địch đại huynh vốn là chủ trại, anh em chúng ta phần lớn đều do Địch đại huynh mời lên đây, chằng ai là không phải nghe theo sự điều khiển của Địch đại huynh, cho nên ngồi ghế thứ hai là hợp lý rồi. Ghế thứ ba thì xin mời Lý đại huynh.

Huyền Thúy vội thưa:

- Có mặt Đơn nhị ca ở đây, tiểu đệ đâu dám ngồi lên trước.

Mậu Công đáp:

- Địch đại huynh ghế chánh, Lý đại huynh ghế phó, diều đó thì chẳng nên thay đổi nữa, ghế thứ tư sẽ là Đơn nhị ca.

Hùng Tín nói:

- Xin cho Hùng Tín này nói một lời. Người khác thì không hiểu hết được tài trí của Từ hiền huynh, Hùng Tín này đi lại thân thiết, nên hiểu rất rõ. Đặt Địch hiền huynh cùng Lý hiền huynh trông coi mọi việc là đúng rồi. Nhưng cai quản công việc trong trại chu đáo, cẩn thận, thì phải trông cậy vào tài tính toán, trù liệu của Từ hiền huynh. Việc tùy cơ ứng biến, trù hoạch cơ mưu, không thể thoát tay Từ hiền huynh được đâu. Hùng Tín này mà ngồi trên thì thực không xứng, nên xin cáo thoái, tìm nơi thiên nhai hải giác nào đó mà lập nghiệp thôi.

Bá Đương lên tiếng:

- Mậu Công hiền huynh, Đơn nhị ca vốn rất thẳng tính, đã nói như thế, hiền huynh cũng chẳng cần phải quá khiêm nhường, mà nghe theo lời nhị ca là hay hơn cả.

Mậu Công không còn cách nào, đành lên ngồi ghế thứ tư, ghế thứ năm là Hùng Tín, ghế thứ sáu là Bá Đương, ghế thứ bảy là Nguyên Chân, ghế thứ tám là Như Khuê, ghế thứ chín là Quốc Viễn, Đương Nhân ngồi ghế thứ mười. Trừ Vương ông ra, thế là còn chín đầu lĩnh. Yên vị rồi, pháo lớn nổ hàng loạt, nâng chén say sưa. Hùng Tín hỏi Mậu Công:

- Trong trại hiện nay binh mã được bao nhiêu, lương thực nhiều

Mậu Công đáp:

- Binh mã chỉ khoảng bảy tám nghìn, nhưng không đáng lo ít, chỉ cần chiếm được nơi nào đó, thì lập tức sẽ có rất nhiều người ngựa theo ngay, lương thực thì theo đất mà lấy. Nhưng chỉ vì anh em ta còn ít, chưa thể phá được các quận huyện, mà vẫn còn phải cố thủ một nơi, nếu chiếm giữ quận huyện cần phải có nhiều tay hào kiệt cự địch. Nay mới chín mười anh em đây, thật vẫn chưa đủ. Cho nên mấy hôm trước đây, tiểu đệ đã nhờ Liên Cự Chân, đến Đoái Châu phủ, tìm mời hai hào kiệt họ Vưu, họ Trình ở Vũ Nam trang, khoảng mai mốt cũng sẽ về thôi.

Thì ra Cự Chân cũng phạm tội buôn muối lậu, sợ bị bắt nên cũng tìm đến Ngõa Cương với Địch Nhượng từ trước.

Bỗng thấy tiểu hiệu vào thưa:

- Liên đầu lĩnh đã về!

Địch Nhượng nói:

- Mau mời vào trong này.

Cự Chân vào, cùng mọi người hỏi chào, rồi ngồi vào ghế sau Bá Đương. Mậu Công hỏi:

- Liên hiền đệ! Hai vị Vưu, Trình có bằng lòng không?

Cự Chân đáp:

- Tiểu đệ đến Vũ Nam trang, trước tiên tìm bái yết Vưu viên ngoại, thấy cửa đóng mấy lần, chẳng một bóng người. Hỏi láng giềng, mới biết vì việc ở rừng Trường Diệp, có vẻ khó giữ yên, quan lại sở tại đòi viên ngoại phải chi năm nghìn lạng, cho nên viên ngoại cùng với gia quyến bỏ trốn sang huyện Đông A. Tiểu đệ lại vội sang Đông A, tìm Trình Giảo Kim, thì Giảo Kim cùng Vưu viên ngoại chiếm hang Đậu Tử ở Thất Lý cương làm sào huyệt, Tiểu đệ lại tìm đến cùng hai người chuyện trò trọng tại, đem thư của Địch đại huynh cho hai vị xem, Giảo Kim hỏi: "Đơn viên ngoại đã lên tụ nghĩa chưa?". Tiểu đệ trả lời là Địch đại huynh cũng đã viết thư mời Đơn viên ngoại, nhưng viên ngoại còn bận hộ tống con gái Đậu Kiến Đức về Nhiêu Dương, lúc trở về sẽ đến Ngõa Cương ngay. Vưu viên ngoại bèn nói: "Chuyện này sợ chưa chắc đã nên. Đậu Kiến Đức cũng đang thiếu bạn bè giúp đỡ, đời nào chịu để Đơn viên ngoại về Ngõa Cương!".Giảo Kim lại hỏi đã đi mời Tần Thúc Bảo chưa. Tiểu đệ đáp, bao giờ Đơn viên ngoại tới, thì lẽ đương nhiên là sẽ đi mời Thúc Bảo, Vưu viên ngoại liền nói: "Thúc Bảo đại huynh hiện cùng Trương Thông Thủ đem sức tài phò tá triều Tùy, chẳng chịu lên Ngõa Cương để làm cường đạo đâu . Giảo Kim liền tiếp: "Nếu Đơn viên ngoại cùng Thúc Báo đại huynh đều không có ở Ngõa Cương, thì chúng ta lên đó làm gì?". Rồi Vưu viên ngoại viết thư phúc đáp. Tiểu đệ tức tốc trở về.

Cự Chân lấy thư đưa cho Mậu Công, Mậu Công xem xong rồi nói:

- Không tới cũng xong! Ta sẽ tìm cách khác vậy.

Cự Chân tiếp:

- Tuy không đưa được hai vị họ Vưu, họ Trình về, nhưng trên đường đi, tiểu đệ nghe được một tin, xin nói để các vị nghe.

Ai nấy đều hỏi:

- Tin gì thế, nói ngay xem nào?

Cự Chân đáp:

- Trước hôm về, tiểu đệ vào trọ một đêm ở hàng cơm thôn Hạnh Hoa, thấy một viên quan cùng hai gã công sai đã vào quán từ trước. Một gã công sai, nghe giọng nói như cùng quê với tiểu đệ, vì vậy ngồi trò chuyện hỏi đi đâu. Nó trả lời ở Đông Kinh đến, hiện đang về Tế Dương để bắt người. Tiểu đệ bèn để ý. Đêm đó mua rượu thịt cùng hai gã chén chú chén anh. Hai gã rượu vào rồi, mới thực kể:

"Vụ án Dương Huyền Cảm, có bốn trọng phạm trốn thoát, một người họ Lý, một người họ Bính, một họ Vi, một họ Dương. Hai ngươi họ Lý, họ Bính không biết đi đường nào, còn hai người họ Vi, họ Dương thì mới bị bắt lại hôm trước. Hình quan tra tấn, liền xưng ra có một người là Bá Đương quê ở Vương Gia tập, thuộc Tế Dương dùng thuốc mê bỏ vào rượu để lừa công sai ở quán rượu Trần gia ở thôn Bạch Tửu, để cứu thoát cả bốn tên trọng phạm. Vì vậy mới sai hai chúng tôi theo quan nhân đây đến Vương Gia tập Tế Dương, lệnh cho quan nha sở tại, bắt kỳ được Bá Đương. Thực chính vì chuyện này, mà tiểu đệ phải ngày đêm về trại ngay.

Mậu Công hỏi Bá Đương:

- Gia quyến của Vương hiền huynh hiện có ở quê không?

Bá Đương đáp:

- Dạo tiểu đệ ở nhà ra đi, thì tiện nội ở nhà người em vợ họ Bùi, giờ không biết đã quay về nhà chưa. Tối nay, tiểu đệ sẽ xin về xem sao.

Mậu Công nói:

- Không cần hiền huynh phải đi.

Rồi nói với Cự Chân:

- Hiền huynh hãy vì anh em, phải chịu khó nhọc một phen nữa thôi. Chờ Vương hiền huynh viết cho gia quyến một lá thư, xin luôn một vài chữ của Đơn viên ngoại nữa, cùng Đương Nhân, Quốc Viễn hai người, giả đóng làm người bán hàng tạp hóa, về cửa Tây thành Tế Châu, tìm đến cửa hàng yên cương ngựa của Giả Nhuận Phủ nghỉ ngơi, nhờ Nhuận Phủ tùy cơ ứng biến, để đưa được gia quyến Bá Đương lên Ngõa Cương. Nếu hiền huynh thuyết phục được Nhuận Phủ cùng lên tụ nghĩa thì càng hay, con người như Nhuận Phủ cũng không phải dễ kiếm đâu. Địch đại huynh, Đơn viên ngoại cùng Nguyên Chân lĩnh ba nghìn quân, đến Lộ Châu vào phủ đường vay một ít lương thực, xem lại nhà cửa ở Nhị Hiền trang ra sao, cũng là để trị cho bọn quan nha tham lam, gian ác một chuyến. Tiểu đệ sẽ cùng Bá Đương, Như Khuê lĩnh binh theo sau tiếp ứng.

Huyền Thúy hỏi:

- Còn tiểu đệ?

Mậu Công cười đáp:

- Đại huynh tuy không phải là phường hiếu sắc như Lã Phụng Tiên 3, nhưng đêm nay là đêm hợp cẩn, chỉ còn đại huynh thay Địch đại huynh coi giữ trang trại, rồi về sau mới dám phiền đến đại huynh.

Mọi người đều đứng lên lo sắp xếp công việc, sáng hôm sau, Cự Chân cùng Đương Nhân, Quốc Viễn canh năm đã lên đường, theo đường tắt, chẳng mấy ngày, đã tới cửa Tây thành Tế Châu.

° ° °

Lâu nay Nhuận Phủ cũng vì thời cuộc nhiễu nhương, cũng chẳng mở hàng buôn bán. Cự Chân gõ cửa, Nhuận Phủ đỡ hành lý đón vào nhà, cùng ba người chào hỏi xong xuôi. Cự Chân giở thư của Hùng Tín ra, đưa cho Nhuận Phủ xem, Nhuận Phủ mới dẫn vào gian phòng kín phía trong, mời ngồi đâu đó, lấy trà nước cùng uống, Nhuận Phủ mới hỏi Cự Chân:

- Hiền huynh có biết đường tắt về Vương Gia tập ở Tế Dương chăng?

Cự Chân đáp:

- Đường tắt này thì tiểu đệ đã từng di, nhưng chưa từng đến nhà Bá Đương bao giờ cả. Tuy đã có thư, nhưng sợ gia quyến Bá Đương vẫn lưỡng lự, nên phải cần cả Giả Liễu hiền huynh cùng đi cho, thì mới yên ổn. Nhưng chẳng biết bọn công sai đến lúc nào, cho nên phải nhanh chóng lên đường ngay, thì mới khỏi lỡ mọi chuyện.

Nhuận Phủ nói:

- Cũng không cần vội vàng. Nếu đi đường lớn mất ba ngày. Nếu đi theo đường Điệp Tử cương, xuyên qua Tà Mai lĩnh, qua bãi Tiểu Hà, thì chỉ mất một ngày, đã đến Vương Gia tập rồi.

Vừa nói vừa sai dọn cơm rượu. Nhuận Phủ hỏi anh em trên trại có những ai, người ngựa nhiều ít. Ba người kể lại tỉ mỉ. Cự Chân cũng hỏi:

- Hiền huynh nay không mở cửa hàng nữa, ngày tháng rỗi rãi, sợ tiêu ma cả tráng khí của bậc trượng phu chăng?

Nhuận Phủ thở dài:

- Làm gì có chuyện thanh nhàn tự tại, thôi thì chuyện củi đuốc, chuyện cơm gạo cho từng ấy miệng ăn, lấy đâu ra cho đủ bây giờ. Vừa rồi Tấn đại huynh viết thư về, cũng có nói tới chuyện ra giúp đỡ đần Tần đại huynh ít nhiều, vừa là nêu danh phận cho mình. Nhưng tiểu đệ nghĩ có đến hai ba chục nơi nổi dậy như hiện nay, làm thế nào mà dẹp cho hết. Mà dẫu có làm nên chuyện gì, thì nhà vua hôn ám đến thế, bọn gian thần cầm quyền, có công cũng chẳng được thưởng, có vinh cũng chẳng được hường đâu. Cứ xem như lão tướng họ Dương, thì đáng là tấm gương cho người đời sau vậy thôi!

Cự Chân xác nhận:

- Đúng lắm!

Đương Nhân tiếp:

- Sao đại huynh không đến quách chỗ chúng tôi, mai kia Địch đại ca, Lý đại ca khởi sự, thì sẽ hơn hẳn mọi nơi ngay.

Nhuận Phủ đáp:

- Địch đại ca thì chưa biết như thế nào. Còn Lý đại ca thì đúng là người biết tiếng, lại nhún mình thờ kẻ sĩ, sự nghiệp sau này, nhất định khác người. Tiểu đệ muốn chờ đợi ít lâu, xem xét kỹ càng rồi cũng sẽ lên với anh em thôi.

Cự Chân hỏi:

- Ngày mai lúc nào thì đi Vương Gia tập?

Nhuận Phủ đáp:

- Canh năm thì vừa!

Rồi tất cả dọn dẹp đi nằm.

Canh năm, cả bốn người dậy, ăn uống xong xuôi, lên đường đi Tế Dương. Đến ngày thứ ba, chiều tối đã tới Vương Gia tập. Nơi đây vốn là một phố nhỏ, khoảng gần ba chục nóc nhà. Nhuận Phủ cùng các bạn tìm gặp ngay người em vợ họ Bùi, họ Bùi vốn là tay anh chị, võ vẽ vài đường thương bổng. Cự Chân đưa thư của Bá Đương ra cho họ Bùi, nhờ cầm sang cho chị. Cũng may nhà Bá Đương không có người già, không trẻ nhỏ, chỉ có vợ con Bá Đương, cùng hai vợ chồng người đầy tớ. Bùi Tự Phượng cũng tình nguyện đưa chị, cháu đi. Cơm rượu dọn ra, giục chị xếp đặt hành trang, thuê một chiếc xe nhỏ cho hai người đàn bà ngồi, rồi lặng lẽ đóng chặt cửa nhà, lên đường.

Nhuận Phủ nói với Cự Chân:

- Tiểu đệ không thể đi được, các vị lên đường cẩn thận!

Mọi người nhằm hướng tây mà đi, riêng Nhuận Phủ đi về hướng đông.

Cự Chân mới đi được một đoạn, nói với Đương Nhân:

- Tiểu đệ quên một cái này rồi, các vị cứ đi trước, tiểu đệ sẽ đuổi kịp.

Nói rồi đi mau về hướng đông, ai nấy đều lấy làm nghi ngờ, thì lại đã thấy Cự Chân quay lại. Quốc Viễn hỏi:

- Hiền huynh quên cái gì thế?

Cự Chân cười:

- Tiểu đệ chẳng quên cái gì cả, tiểu đệ quay lại nhà Bá Đương, cứ làm thế này... thế này... chư huynh bảo có hay không?

Đương Nhân đáp:

- Hay thì có hay. Nhưng cũng phải có một người, đi theo Nhuận Phủ mà giúp một tay, thì mới xong việc.

Cự Chân nói:

- Chưa cần vội đến phía trước, có chỗ nào tốt, gửi tạm gia quyến Vương hiền huynh, chúng ta sẽ đi xem sao.

Chính là:

Đùng lo tung tích khó dò

Cánh bèo dạt, lại có cơ trùng phùng

° ° °

Lại nói Vũ Văn Thuật, vì bị mất chức quan, bèn cầu cứu Hà Điều Vũ làm một chiếc xe "Như ý", lắp tới ba mươi sáu bức bình phong bằng đồng đem dâng lên Dượng Đế. Giữa lúc Dượng Đế vừa cho xây xong lầu ngắm trăng "Mê lâu nguyệt quan", nên rất vừa ý, lập tức Thuật lại được phục hồi nguyên chức. Vi Phúc Tự cùng Dương Tích Đức rơi vào tay Thuật. Thuật liền lệnh dùng cực hình tra tấn, phải khai ra Vương Bá Đương ở Vương Gia tập, Tế Dương liền sai quan đem công văn tới Tế Quận, cho Trương Thông thủ lệnh đi bắt.

Hôm ấy, Trương Thông thủ đang làm việc trên công đường, thấy môn lại vào thưa:

- Có công văn của Viện cơ mật Đông Kinh, sai quan mang đến.

Sai quan tiến lên công đường, cùng Trương Thông thủ chào hỏi, đưa công văn. Thông thủ mở ra xem, sai quan nói:

- Việc này là việc của Viện cơ mật, xin lưu ý đại nhân bắt ngay cho.

Thông thủ đáp:

- Ta biết rồi!

Rồi quay sang hỏi môn lại:

- Từ đây đi Vương Gia tập đường xa gần ra sao?

Môn lại thưa:

- Hơn hai trăm dậm!

Thông thủ sai phái tay chân, điểm ba trăm quân, đem theo bốn năm ngày lương thực, lập tức lên đường. Vốn công đường của Trương Thông thủ cách phủ Ung Dương của Thúc Bảo không xa. Thúc Bảo đang cùng Sĩ Tín chuyện trò, thì nghe có sai quan ở Đông Kinh tới, đem theo lệnh bắt người ở Vương Gia tập, Thúc Bảo kinh sợ nghĩ thầm: "Vương Bá Đương vốn quê ở Vương Gia tập, chẳng lẽ chuyện của Bá Đương ở Bạch Tửu thôn phát giác rồi sau?". Đang lo nghĩ vẩn vơ thì thấy bên ngoài có lính canh vào báo bạn cũ họ Liên đến thăm.

Thúc Bảo chạy ngay ra đón, thì ra là Cự Chân, chào hỏi xong, kéo Cự Chân vào thư phòng phía sau, hỏi ngay:

- Lâu nay hiền đệ đi biệt những đâu. Đã được tha chưa, sao lại tới đây có việc gì?

Cự Chân lặng lẽ đáp:

- Tiểu đệ đã về Ngõa Cương với Địch Nhượng lâu nay. Nghe theo lệnh của Đơn viên ngoại, mang thư gửi Nhuận Phủ, nhờ Nhuận Phủ đem gia quyến Bá Đương lên sơn trại. Nay quan sai sẽ về tìm bắt phạm nhân, nhưng làm sao tìm ra ai nữa. Chỉ sợ có kẻ nào lỡ mồm lỡ miệng, Trương Thông thủ trở về, tìm đến Nhuận Phủ, vì vậy tiểu đệ phải đến đây báo tin. Đại huynh nghĩ lại tình thân lâu nay giữa bạn bè, tức tốc sai người báo tin này cho Nhuận Phủ, khuyên Nhuận Phủ phải trốn ngay, làm được thế, tiểu đệ phải đi Lộ Châu có việc khác.

Thúc Bảo hỏi kỹ chuyện anh em trên trại. Cự Chân trả lời đâu đó, rồi đứng dậy cáo từ. Thúc Bảo lưu lại không ở, liền đưa ra cửa, rồi quay vào bàn bạc với Sĩ Tín, bảo Sĩ Tín cưỡi ngựa ngay vào thành, báo cho Nhuận Phủ biết.

Sĩ Tín vốn biết cửa hàng yên cương của họ Giả, nhưng lại chưa biết mặt, xuống ngựa trước cửa rồi, Sĩ Tín vào gõ cửa. Thấy Sĩ Tín, Nhuận Phủ kinh ngạc. Sĩ Tín vội hỏi:

- Đại huynh có phải Giả Nhuận Phủ chăng?

Nhuận Phủ đáp:

- Đúng vậy!

Nhuận Phủ nhận ra Sĩ Tín, liền hỏi:

- La hiền huynh tới đây, có điều gì mách bảo?

Sĩ Tín kéo Nhuận Phủ ra phía sau, rồi ghé tai nói nhỏ:

- Đại huynh đem gia quyến tên phản nghịch Vương Bá Đương đi trốn, giờ mà quan Thông thủ trở về, thế nào cũng sẽ đến bắt đại huynh. Đại huynh phải trốn cho mau.

Nói xong ra cửa lên ngựa phóng như bay. Nhuận Phủ đóng chặt cửa nghĩ ngợi: "Đêm ấy ở Vương Gia tập ra đi, đến ma quỷ cũng chẳng biết, thì ai là người tiết lộ mọi chuyện cho được. Việc Sĩ Tín đến đây báo tin, nhất định là do Tần đại huynh sai đi, rõ ràng là xác thực rối. Nay mà không lo chạy, còn chờ đến bao giờ. Thôi thì tất cả cơ ngơi này cũng đành bỏ vậy, chỉ còn mỗi một con người, đành phải đi ngay thôi?" Vội nói với vợ, thu thập tế nhuyễn, sai hai người làm công cho năm sáu con ngựa trong tàu ăn thật no rồi dắt ra, đàn ông, đàn bà, cùng kéo nhau lên Ngõa Cương.

Đi đến địa đầu Tế Châu, có hai đường đều về Ngõa Cương, một đường lớn, một đường nhỏ, Nhuận Phủ tính toán: "Theo đường lớn, dễ gặp quan quân đuổi bắt. Theo đường nhỏ, thì sợ gặp cướp núi". Đang trù trừ, thì thấy ở gốc cây lớn bên đường, trên một tảng đá, hai người đàn ông khỏe mạnh nằm ngủ. Bỗng thấy một người vùng dậy, la lớn:

- Hay lắm! Tới rồi!

Nhuận Phủ ngồi trên yên ngựa, hoảng hồn, chăm chú, nhìn kỹ, nhận ra Quốc Viễn, vội nói:

- Các vị kéo tới đây để định đưa Nhuận Phủ này vào cũi lớn chăng?

Đương Nhân gạt đi:

- Thôi không nói chuyện linh tinh nữa, gia quyến Bá Đương đều ở quán rượu phía trước, nhanh lên chúng ta hợp thành một đoàn cùng đi cho tiện.

Quán rượu phía trước, vốn của một đầu mục Ngõa Cương trông coi, tên họ Triệu Đại Bàng, mở quán rượu này, để làm tai mắt xem xét người qua lại cho sơn trại. Nhuận phủ nghe thấy thế, mừng rỡ giục mọi người đi nhanh, theo Đương Nhân đến quán rượu Đại Bàng, cùng đi với gia quyến Bá Đương về Ngõa Cương. Đúng như lời:

Đời loạn dân không chúa

Ải xa khách nặng sầu.

° ° °

Lại nói Trương Thông thủ đem lính tráng cùng sai quan tới Vương gia tập bắt gia quyến Vương Bá Đương, đi suốt ba ngày, đến tận nơi xem xét, thì thấy cửa lớn đóng chặt, sai tay chân phá vào lục lọi thì chỉ còn một ít đồ đạc nhà bếp, chẳng một bóng người. Tra hỏi bốn bên láng giềng, đều khai là canh năm đêm trước đã ra đi. Trương Thông Thủ liền phát niêm phong, sai nha lại tới đóng chặt cửa nhà Bá Đương, dán niêm phong cẩn thận, bắt bốn bên láng giềng về phủ đường, dùng cực hình tra tấn. Trong số này có một người họ Triệu thưa:

- Đêm ấy, lúc tiểu nhân mở cửa đi giải, nghe ngoài cửa có tiếng người nói: "Giả Nhuận Phủ, hiền huynh về nhé. Chúng tôi đi đây!". Vợ con Bá Đương đi về thường xuyên, nên tiểu nhân đâu biết được đó là lũ tội phạm.

Trương Thông thủ hỏi nha lại, có biết ai là Giả Nhuận Phủ, tất cả đều chối không biết, chỉ có một người thưa:

- Ở cửa Tây, có người mở cửa hàng yên cương ngựa, tên là Giả Nhuận Phủ, chẳng biết có phải người này không?

Người họ Triệu vội thưa:

- Thế thì đúng rồi, tối hôm ấy, tiểu nhân nghe ra là về cửa Tây nữa kia!

Trương Thông thủ vội dẫn lính đi bắt, thì thấy viên lại trực ngoài cổng đường vào thưa:

- Lưu Vũ Chu cùng Tống Kim Cương dẫn mấy nghìn lâu la, kéo qua gò Bác Vọng vào huyện Bình Nguyên, xin đại nhân đem quân cùng tiễu trừ bọn này.

Trương Thông thủ cho người mời Thúc Bảo đến. Chẳng mấy chốc đã thấy Thúc Bảo vào chào. Trương Thông thủ đem văn thư của Viện cơ mật, kể lại lời khai của họ Triệu, rồi nói:

- Ta phải ra quân ngay để cùng diệt bọn Lưu Vũ Chu, phiền Tần tướng quân đi bắt ngay Giả Nhuận Phủ, đem về tra khảo thật sự vào thì sẽ biết ngay họ Vương hiện đang ở đâu.

Thúc Bảo trong lòng nghĩ ngợi: "Nhuận Phủ thì ta đã sai Sĩ Tín báo cho biết tin, tất nhiên là đã chạy thoát rồi. Nhưng nếu còn ở nhà, thì làm thế nào bây giờ". Liền thưa với Trương Thông Thủ:

- Bọn giặc kéo tới cướp phá sở tại, xin để hạ quan dẫn binh tiễu trừ. Còn việc này là việc trọng đại, đại nhân nên thân hành trông coi thì hơn!

Trương Thông Thủ đáp:

- Tướng quân không nên từ chối, hãy đi ngay kẻo lại lỡ việc?

Thúc Bảo không còn cách nào, đành lên ngựa, cùng mấy tên gia đinh và bọn sai quan, rầm rộ kéo đến cửa hàng họ Giả, thấy cửa đã đóng chặt, sai người phá cửa vào, trong nhà tịnh không bóng người. Tra hỏi hàng xóm, họ đều khai rằng:

- Cửa nhà đã đóng từ ngày hôm trước, nhưng chẳng rõ người thì đi từ bao giờ.

Sai quan bèn thưa:

- Giả Nhuận Phủ đem cả nhà đi trốn, thế thì nhất định là cùng một bọn với Bá Đương rồi. Nhưng rõ ràng chạy chưa xa được, xin Tần tướng quân mau đuổi theo bắt ngay cho.

Thúc Bảo đáp:

- Ta biết đường nào mà đuổi bây giờ, hơn nữa; ta còn phải đi tiễu trừ bọn giặc cỏ với Trương Thông Thủ nữa kia.

Nói rồi lên ngựa đi mất, sai quan chẳng còn cách nào khác chỉ còn cách về trướng Trương Thông Thủ xin văn thư, trở về Đông Kinh.

Vũ Văn Thuật xem văn thư, đến đoạn hàng xóm khai ra tên Giả Nhuận Phủ, sai quan lại trình rõ chuyện cùng Thúc Bảo đi bắt Nhuận Phủ ra sao, lập tức Vũ Văn Thuật nghĩ đến thù xưa, liền nói với Hóa Cập:

- Tần Quỳnh hiện vẫn còn ở đây. Dạo ấy ta chưa hại được nó, cũng bởi Lai Hoạch Nhi quấy rối. Nay hãy làm đủ giấy tờ, ghép vào cùng một bè đảng với Dương Huyền Cảm. Rồi thương lượng với Vi Phúc Từ bảo y khai tội cho Tần Quỳnh, đi lại với bọn Bá Đương, Huyền Thúy, nay lại vẫn còn núp dưới chức quan ở Sơn Đông để mưu tiếp điều phản nghịch. Một mặt lại làm công văn, cho người đem đi giao tận tay Trương Tu Đà, lệnh cho bắt Tần Quỳnh giải về kinh, thì thù kia đã báo xong.

Hóa Cập thưa:

- Kế của cha tuy hay thật, nhưng Trương Tu Đà vừa dũng vừa mưu, Tần Quỳnh hung hãn khác thường. Lỡ may mà không bắt được nó, nó sẽ bỏ ngay theo bọn cường đạo, hay một mình đứng ra khởi sự, thì họa không nhỏ. Chi bằng bắt giam gia quyến, giải từ Tế Châu về kinh, nó thấy người thân trong tay ta, nhất định không dám làm dữ, có như thế mới khỏi lo mọi chuyện.

Vũ Văn Thuật khen:

- Con bày mưu tính kế thật chu toàn.

Bàn luận xong xuôi, Vũ Văn Thuật làm đầy đủ mọi giấy tờ, vu cho Thúc Bảo cùng bè đảng với Huyền Thúy, rồi sai hai gia tướng, một tới Trương Thông thủ, một tới phủ đường Tế Châu, lệnh bắt kỳ được phạm nhân cùng gia quyến, không được chậm trễ. Lúc này Sĩ Tín thì ở Tế Quận phòng ngừa giặc cướp, còn Trương Tu Đà cùng Thúc Bảo vẫn còn ở Bình Nguyên để tiễu trừ giặc cướp. Nhưng cũng bởi binh thì ít, giặc thì nhiều, nên chúng bỏ chạy, rồi lại nhóm lại, tụ lại tan, bên này dấn lên thì bên kia rút về, chẳng thể nào trừ cho thật hết, cho nên cả ba đều lao đao vất vả.

Ở Bình Nguyên, hôm ấy Trương Thông thủ đang cho mời Thúc Bảo bàn chuyện chiêu tập dân lưu tán để tìm cách giữ đất, thì thấy một sai quan đến trình, có văn thư của Cơ mật viện bộ Binh. Trương Thông thủ mở ra, xem bỏ ngay vào bao đặt lên bàn. Sai quan thưa:

- Vũ Văn đại nhân có dặn hạ quan trước khi đi, nhắc tướng quân thi hành ngay cho, sợ phạm nhân có thì giờ trốn mất.

Trương Thông thủ đáp:

- Ta biết rồi, ngày mai sẽ có đủ giấy tờ để nhà ngươi về phúc trình.

Trương Thông Thủ về hậu dinh, dưới đèn viết một tờ trình, thanh minh cho Thúc Bảo, không hề có dính dáng gì đến bọn Huyền Thúy, không thể nào nghe theo tụi gian nịnh, hãm hại kẻ trung thần, rồi sai một thư lại tin cẩn sao lại, kèm theo với văn thư trả về Viện Cơ mật.

Hôm sau, đang lúc xếp đặt để sai quan về kinh, thì Thúc Bảo cũng di phủ dụ dân lưu tán trở về, vào giao lại cờ xí. Sai quan thấy Thúc Bảo về, vào giục thấy Trương Thông Thủ ngồi nói chuyện rất vui vẻ với Thúc Bảo. Thúc Bảo vừa đứng dậy, sai quan sợ Thúc Bảo đi mất, vội chạy vào thưa:

- Xin cho lĩnh giấy tờ về trình lại Viện Cơ mật!

Trương Thông Thủ đáp:

- Không việc gì phải vội vã!

Rồi sai thư lại đem giấy tờ giao lại. Thấy vậy, sai quan vội hỏi:

- Hạ quan được lệnh tới đây để bắt giải phạm nhân, xin tướng quân hãy cho trói ngay để kịp giải về kinh đô.

Trương Thông Thủ đáp:

- Mọi chuyện ta đã nói rõ trong văn thư, ngươi cứ việc cầm về trình là được rồi?

Sai quan thưa:

- Lúc ra đi Vũ Văn đại nhân có dặn cẩn thận, nếu chưa bắt được phạm nhân, thì chưa được trở về. Nay phạm nhân đang còn kia xin tướng quân ra lệnh bắt ngay cho, để hạ quan còn về trình lại.

Trương Thông Thủ to tiếng:

- Ngươi thật là một sai quan đa sự, ta đã nói rõ trong văn thư, ngươi cứ thế cầm về là tốt hơn cả !

Sai quan cũng là kẻ táo tợn, vẫn cứ khăng khăng:

- Có tướng công ở trên, việc này quan hệ đến sự phản loạn, hạ quan đã trình hết mọi nhẽ, không phải như những chuyện bình thường khác. Nếu không bắt phạm nhân, sợ rằng không chỉ tội ở hạ quan che chở cho đảng nghịch, mà còn liên lụy đến cả tướng công nữa kia?

Thúc Bảo thấy vậy, chẳng rõ chuyện gì, nhưng thấy sai quan có vẻ giận dữ, vội tới khuyên giải:

- Sứ quan, phản loạn ra sao, nếu đúng sự thực, thì xin sẵn sàng giúp sứ quan một tay.

Trương Thông thủ cười gạt đi:

- Chẳng có chuyện gì đâu!

Sai quan chẳng biết làm thế nào, cực chẳng đã, liền nói tuột:

- Được lệnh bắt phạm nhân là Tần Quỳnh, mà lại cùng Tần Quỳnh ngồi chuyện trò vui vẻ. Thế là dám chống lại nghiêm lệnh tróc nã trọng phạm.

Thúc Bảo nghe xong, vội lùi mấy bước, quay về phía Trương Thông Thủ hỏi gấp:

- Đại nhân! Tần Quỳnh có tội gì với triều đình, mà lại có lệnh bắt, nếu đúng như vậy, Tần Quỳnh này xin đi, không dám để liên lụy đến đại nhân.

Trương Thông Thủ vốn chỉ muốn tự mình yên lặng dàn xếp, không muốn cho Thúc Bảo biết, đến giờ thì không thể giữ kín nữa, đành nói:

- Hôm vừa rồi, binh Bộ gửi văn thư tới, nói có một trọng phạm thuộc bè đảng Dương Huyền Cảm bỏ trốn là Vi Phúc Tự, khai ra là tướng quân cùng Vương Bá Đương tìm cách đánh tháo, che giấu cho Lý Mật, cho nên sai bắt giải về Đông Kinh ngay. Viên sai quan này, ỷ thế Cơ mật viện, nên định lớn tiếng hạch sách vậy thôi?

Thúc Bảo thưa:

- Thật giả rồi sẽ rõ ràng, xin cứ giải Tần Quỳnh này về kinh, sẽ tự mình tìm cách minh oan. Rõ ràng là do không tìm bắt được Lý Mật nhân đem chuyện này khoác lên cổ Tần Quỳnh, nếu như Tần Quỳnh này không đi, chỉ sợ tội lỗi đại nhân lại phải gánh chịu vậy.

Thúc Bảo gọi gia đinh chuẩn bị hành lý, cởi bỏ y quan để về kinh. Trương Thông Thủ can:

- Tướng quân chẳng nên làm thế. Nay một dải Sơn Đông, Hà Bắc, đều dựa vào sức tướng quân với ta, nếu không có tướng quân, ta cũng chẳng đứng nổi một mình. Kẻ trượng phu ở đời, không chết thì thôi, chết cũng phải có ích gì cho giang sơn, làm nên sự nghiệp oanh liệt nêu danh sử sách. Đừng cố chấp tiểu tiết, chỉ vì bọn cai ngục hạ độc thủ, dựng chuyện để làm hại kẻ trung thần cho được?

Nói xong sai thư lại, đem tờ trình cho Thúc Bảo xem, rồi ngay trước mặt Thúc Bảo dán kín, niêm phong cẩn thận. Sai một kỳ bài quan bày hương án, bái lạy kính cẩn. Cấp lộ phí cho kỳ bài quan, lại thưởng cho sai quan mười lạng bạc. Sai quan thấy làm dữ cũng không xong, đành phải trở về không.

Thúc Bảo vái tạ ơn Trương Thông Thủ, họ Trương đáp:

- Tướng quân không phải tạ ơn, việc này chẳng qua ta làm là vì quốc gia, vì vùng này, chứ đâu phải chỉ vì tướng quân. Chỉ cần ta với tướng quân, cùng lòng cùng sức, trừ sạch lũ giặc cỏ, vỗ yên trăm họ, vì quốc gia mà gắng sức hết lòng là hơn cả.

Từ đó Thúc Bảo nặng ơn Trương Thông Thủ, một lòng gây dựng công nghiệp, một là để báo quốc, hai là để đền đáp tri kỷ. Nhưng không ngờ được rằng ở nhà lại xảy ra chuyện rắc rối khác.

Chính là:

Cũng bởi gian hùng trò hiểm độc

Cho nên trung nghĩa nổi phong ba.

--------------------------------

1Trương Lộc: Phạm Tuy thời Xuân Thu, giúp việc cho Tu Giả ở nước Ngụy, bị Tu Giả làm nhục đuổi đi, Phạm Tuy đổi tên là Trương Lộc bỏ sang Tần, làm đến chức tướng quốc nước Tần, là một nước lớn nhất lúc ấy... (Sử Ký). 2Ngũ Viên: xem chú thích hồi thử chín, hồi ba mươi sáu. 3Tức Lã Bố, một võ tướng nổi tiếng thời Hán, nhưng hám tài, hám sắc. Bị Vương Doãn dùng Điêu Thuyền, khiến Lã Bố giết bố nuôi là Đổng trác, để được Điêu Thuyền ... (Tam Quốc diễn nghĩa)

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK