Từ rằng:
Bã vinh hoa miệng mồi ngon ngọt
Nhử đứa tham, được mất nịnh ghen
Hại sừng ốc nhỏ đua chen 1
Chẳng bao giờ hết đê hèn nhiễu nhương
Cơ duyên lại đưa đường dẫn lối
Rượu cừu thù miệng lưỡi gươm đao
Công danh ấy, công danh nào
Cao gò xương trắng, đầy hào máu đen.
Theo điệu "Thanh sam thấp"
° ° °
Lại nói Tần Thúc Bảo ở chùa Đại Hải lo chuyện chôn cất Trương Thông thủ cùng Kiến Uy, Vạn Nhẫn, lại làm thêm mấy ngày lễ cầu siêu chu tất, rồi mới cùng Đơn Hùng Tín, La Sĩ Tín lên đường tới Khang Thành hội họp với Huyền Thúy, Bá Đương, hỏi chuyện cũ, bàn việc mới, thật là đằm thắm. Thúc Bảo khuyên Huyền Thúy dùng lính khinh kỵ đánh úp Đông Đô, để lấy làm nơi cơ bản, rồi từ đó mà yên định bốn phương. Địch Nhượng nghe được kế này, liền làm ngay, lệnh cho đầu mục Bùi Tự Phương, đem theo một số tay chân lanh lợi, đi trước thăm dò đường lối, chỗ nào sông sâu chỗ nào núi cao cửa ải, cầu cống ra sao, binh mã triều đình thế nào. Không ngờ bị quân triều đình phát hiện, bắt được ba bốn người, biết rõ là gian tế của Địch Nhượng, liền giải ngay về phủ Binh Bộ của Vũ Văn Thuật để tra khảo, rồi đem chém đầu. Chỉ còn Tư Phương cùng ba bốn người khác trốn được về. Sau việc này, Đông Đô tăng cường phòng bị.
Còn Huyền Thúy cử ngay Thúc Bảo, đem theo Giảo Kim, Sĩ Tín, dẫn khinh binh lặng lẽ tập kích Dương Thành, lẻn qua Phương Sơn, thắng chiếm Thương Thành, Địch Nhượng, Huyền Thúy mới lục đục kéo đến sau. Cả một vùng Lạc Khẩu, chẳng mất một mũi tên, rơi vào tay Địch Nhượng. Huyền Thúy mở kho lương phát không cho trăm họ bốn phương, vì vậy xung quanh vùng, dân chúng đều đua theo về. Bọn sĩ đại phu Thời Đức Duệ, huyện lệnh Túc Thành Tổ Quân Ngạn cũng bỏ theo.
Đông Đô nghe báo chuyện này, Việt Vương Đồng liền sai Hổ bôn lang tướng Lưu Nhân Cung, Quang lộc thiếu khanh Phòng Tắc, dẫn hai vạn năm nghìn binh mã, cùng Hà Nam thảo bổ đại sứ Bùi Nhân Cơ trước sau tiến công, hội quân ở Thương Thành. Không ngờ mọi sự đã được Huyền Thúy định liệu từ trước, điều năm cánh tinh binh, đánh cho quân Tùy thua to. Lưu Nhân Cung, Phòng Tắc bỏ chạy thoát thân. Bùi Nhân Cung nghe tin cánh quân Đông Đô thua trận, cũng án binh bất động. Tiếng tăm Huyền Thúy càng ngày càng lớn rộng.
Địch Nhượng có một viên quân sư là Giả Hùng, thấy Huyền Thúy yêu người đãi sĩ, liền ngầm liên kết với Huyền Thúy. Khi Địch Nhượng muốn tự tập làm vua. Giả Hùng được sai gieo quẻ bói mấy lần, đều nhìn cách nói dối là quẻ không tốt, chỉ nên làm tay chân cho Huyền Thúy, lại viện cớ rằng:
- Huyền Thúy vốn đã được tước phong Bồ Sơn Công, còn tướng quân họ Địch, Địch cũng là đầm lầy, cỏ bồ gặp đầm lầy thì sinh 2. Số mệnh đã an bài thế rồi! Huống chi gần đây thấy có câu đồng dao:
Đào lý tử
Hoàng hậu lạc Lạc Dương
Quanh quẩn giữa vườn hoa
Đừng nhiều lời
Ai không nói!
"Đào Lý tử" nghĩa là "chạy về với con cái họ Lý", hai câu tiếp chỉ triều Tùy xuống Dương Châu rồi không còn về bắc nữa. Hai câu cuối chính là chỉ chữ "mật", tên riêng của Huyền Thúy 3.
Vì vậy Địch Nhượng bàn với chúng hào kiệt, tôn Huyền Thúy lên làm Ngụy Công, lập đàn lên ngôi, xưng hiệu là Vĩnh Bình nguyên niên, ban lệnh đại xá thiên hạ, tuyên cáo khắp cõi, đặt Nguyên soái phủ, bái Địch Nhượng làm Thượng trụ quốc tư đồ Đông Quận công, Từ Mậu Công làm Tả phiên vệ đại tướng quân, Đơn Hùng Tín làm Hữu phiên vệ đại tướng quân, Tần Thúc Bảo làm Tả vũ hầu đại tướng quân; Vương Bá Đương làm Hữu vũ hầu đại tướng quân; Trình Giảo Kim làm Hậu vệ tướng quân; La Sĩ Tín làm Phiêu ký tướng quân; Tề Quốc Viễn, Lý Như Khuê, Vương Đương Nhân đều làm Hổ bôn lang tướng, Phòng Ngạn Tháo làm Nguyên soái phủ Hữu trưởng sử; Giả Nhuận Phủ làm Tả tư mã; Liên Cự Chân làm Hữu tư mã, quan Tùy theo về, huyện lệnh Củng Huyện làm giám sát ngự sử.
Bùi Nhân Cơ tuy đóng ở Hà Nam nhưng lại không hòa thuận với giám sát ngự sử Tiêu Hoài Tĩnh. Hoài Tĩnh tìm đủ mọi cách để chèn ép Nhân Cơ, đến nỗi Nhân Cơ không thể nào chịu nổi. Nhuận Phủ vốn có quen biết cũ với Nhân Cơ, thường vẫn lén đến quân doanh thuyết phục Nhân Cơ cùng với con là Bùi Hằng Nghiễm giết Hoài Tĩnh, kéo toàn quân theo Nhuận Phủ đến hàng Ngụy Công. Ngụy Công lấy lễ đối xử rất ưu ái, phong cho Nhân Cơ làm Thượng trụ quốc, Hà Đông Công, Hằng Nghiễm làm Thượng trụ quốc, Giáng Quận công. Huyền Thúy dẫn quân lấy được Lạc Thương, Đông Đô vội làm văn thư cáo cấp về Giang Đô. Vua Tùy sai Giang Đô thông thủ Vương Thế Sung, kéo tinh binh vùng Giang Hoài về giữ Đông Đô, Huyền Thúy liền rút quân về, Thúc Bảo kéo quân đánh Vũ Dương. Vũ Dương quận thừa là Nguyên Bảo Tạng, nghe tin binh Thúc Bảo đến, vội gọi ngay ký thất Ngụy Trưng để bàn cách đối phó. Ngụy Trưng chính là Ngụy Huyền Thành, đạo sĩ ở Hoa Sơn vật. Ngụy Trưng thấy thiên hạ đại loạn, chính là lúc anh hùng đắc ý, bèn hoàn tục đến làm dưới trướng Bảo Tạng. Bảo Tạng hỏi:
- Huyền Thúy đang lúc tướng mạnh binh hùng, Thúc Bảo lừng tiếng. Bản quận đây có bao tinh binh thì đã phái đi cứu viện cho Đông Đô, làm thế nào mà chống giặc giờ?
Ngụy Trưng bàn:
- Huyền Thúy thế mạnh, Thúc Bảo anh hùng, lại thêm có tiếng hiền đức. Vũ Dương ta mà đối địch với họ, cũng chẳng khác gì lấy một hòn đất mà định ngăn dòng sông lớn vậy. Minh công nên chọn lấy kế hay, để bảo toàn lấy dân chúng, quan binh, thành quách.
Bảo Tạng đáp:
- Còn kế gì hay nữa bây giờ, chỉ có cách là theo hàng quách, giữ được yên ổn cả thành. Túc hạ hãy mau viết thư hàng, rồi thân đến quân doanh của họ một chuyến vậy.
Quân Thúc Bảo kéo đến, Ngụy Trưng đến gặp. Ba bạn cũ gặp nhau, mười phần hoan hỉ, Thúc Bảo cười nói với Ngụy Trưng:
- Tiểu đệ từ trước đã đoán tiên sinh chẳng mặc được bộ áo vàng của đạo sĩ suốt đời, nay quả nhiên như vậy.
Nhân hỏi đến tình trạng hiện thời của Vũ Dương, Ngụy Trưng đáp:
- Quận thừa Nguyên Bảo Tạng có đức độ biết thuận mệnh trời, nguyện đem toàn thành quy phục chẳng phiền cố nhân phải binh đao khó nhọc.
Thúc Bảo đáp:
- Đó chính là nhờ công dàn xếp của tiên sinh, xin hãy đến dưới trướng của Ngụy Công, trình hàng thư cho hợp lễ nghi vậy.
Rồi giữ lại trong quân doanh chuyện trò cho bõ những ngày xa cách: Thúc Bảo lại làm tờ trình, nói rõ Ngụy Trưng có tài giúp dựng nghiệp vương bá, trù liệu nơi màn trướng, Ngụy Công nên trọng dụng. Thấy được Thúc Bảo hết lòng tiến cử, Huyền Thúy liền cử Ngụy Trưng làm Nguyên soái phủ văn học tham quân ký thất, còn Bảo Tạng được giữ chức Ngụy Châu tổng quản.
° ° °
Nay nói chuyện Địch Nhượng, lúc đầu vốn là một tay vũ dũng vô mưu, cho nên khi còn ở giữa đám lục lâm nổi bật vẻ anh hùng, đến khi có bọn Huyền Thúy đều thuộc loại túc trí đa mưu, đánh thành chiếm đất, hoạch định mưu lược, thì sao theo nổi, lại nghe theo lời bọn Giả Hùng, Lý Từ Anh, nhường cho Huyền Thúy lên ngôi Ngụy Công, còn mình cam chịu phận dưới. Về sau nhiều người về theo, Huyền Thúy càng quyền thế, trong lòng càng sinh lòng không cam chịu. Lại có thêm người anh là Địch Hoàng, được phong là Thượng trụ quốc Vinh Dương Công, vốn cũng một phường thô lỗ, Địch Hoàng nói:
- Quyền bính của nhà ta, cớ gì lại rơi vào tay kẻ khác, để rồi lại phải đi hầu hạ dưới trướng bọn chúng nó.
Lại thêm bọn tay chân cũ, nay thấy tâm phúc Huyền Thúy quyền hành ngang dọc, còn mình bị bỏ rơi, nên càng bày vẽ, xúi giục nhiều chuyện càn rỡ. Người xưa đã từng nói: "Vật tiên hủ dã, nhi hậu trùng sinh", vật trước tiên phải thối nát đã, sau ròi bọ mới theo đó mà sinh. Lúc này mà có kẻ đứng ra dàn xếp, thì cũng chẳng có chuyện gì lớn. Hùng Tín dẫu có thân thiết cả hai bên, nhưng vốn là người thẳng tính. Bá Đương, Thúc Bảo, Giảo Kim vốn chỉ thân thiết với Huyền Thúy, Mậu Công thì dẫu có tài thao lược, nhưng lại sợ đứng ra đương đầu chẳng xong, chỉ tổ mang họa.
Một hôm, Địch Nhượng vòi tiền bạc của thứ sử Yên Long Thôi Thế Khu vừa mới quy hàng, rồi dọa bỏ giam ngục tối, Huyền Thúy sai người đến đòi Thế Khu, nhưng Địch Nhượng vẫn không chịu thả. Ký thất nguyên soái phủ là Hình Nghĩa Kỳ, được Địch Nhượng gọi đến đánh cờ, đến chậm, bị Nhượng đánh cho tám mươi roi. Phòng Ngạn Tháo đánh Nhữ Nam về, Nhượng đòi chia vàng lụa, nói:
- Tại sao ngươi dâng cho Ngụy Công mà không chịu dâng cho ta. Ngụy Công là do ta lập nên, còn chuyện sau này ra sao thì ta không thèm biết.
Do những việc này, Phòng Ngạn Tháo, Hình Nghĩa Kỳ, cùng tư mã Trịnh Đinh khuyên Huyền Thúy trừ Nhượng. Huyền Thúy nói:
- Nghĩ đến ban đầu tới đây, nhờ Nhượng mà thoát khỏi họa lớn, thực là công lớn. Nay định bức hại Nhượng, người ngoài nào biết ngang ngược, mà đổ cho ta bội nghĩa ghét tài, rồi đem lòng đố kị, không thể nào làm được.
Nhưng lại thầm nghĩ: "Nhượng là kẻ hảo hán, chỉ sợ lâu ngày bị bọn thủ hạ lôi kéo làm bậy, thì đúng là nuôi họa ngay bên nách vậy", Trịnh Đinh thưa:
- Rắn cắn, chất độc lan cả cánh tay. Tráng sĩ ngang dọc, anh hùng hành sự, không thể để ý đến hết những chuyện tiếng danh, nghĩa khí lặt vặt. Nay chỉ sợ chạm đến hư danh, mai kia sẽ thực chịu vạ chu di, lúc ấy thì dẫu có hối cũng quá muộn vậy.
Phòng Ngạn Tháo tiếp:
- Địch tư đồ là người hồ nghi, không quyết đoán, minh công có được ngày nay, mà cũng lại trù trừ như vậy, thì sợ rằng theo vết của tư đồ mất thôi. Minh công phải biết rằng, đã là một kẻ vô mưu, không thể nào bày mưu tính kế cho người, thì lại có gan làm những thủ đoạn tàn ngược.
Huyền Thúy đáp:
- Các ngài vì ta mà bày mưu hay, kế lạ, nhưng phải làm sao cho chu tất.
Ngày hôm sau, Huyền Thúy đặt tiệc rượu, mời Địch Nhượng, Địch Hoàng cùng Bùi Nhân Cơ, Hách Hiếu Đức. Huyền Thúy lệnh cho tướng sĩ phải ra ngoài cửa doanh chờ, chỉ giữ mấy kẻ tâm phúc của mình ở lại phục dịch. Tiệc rượu đã bày, Tư mã phủ Vương Nhu Tín cùng tay chân của Địch Nhượng vẫn chưa chịu ra. Phòng Ngạn Tháo tâu:
- Trời lạnh, những người theo hầu tư đồ, cũng xin mời tiệc rượu khao thưởng.
Huyền Thúy đáp:
- Hãy bày thêm rượu thịt ra!
Bọn này vẫn chưa chịu đi, Địch Nhượng lên tiếng:
- Nguyên soái đã khao thưởng, các ngươi cứ ra mà nhận phần của mình.
Bọn này mới lạy tạ đi ra, còn lại một tráng sĩ dưới trướng của Huyền Thúy, tên gọi Sái Kiến Đức, cầm đao đứng hầu bên. Huyền Thúy lên tiếng:
- Gần đây có kiếm được một cái cung rất tốt, bách phát bách trúng, xin được đưa ra để các vị xem thử.
Đầu tiên đưa cho Địch Nhượng xem, nói rằng nặng tám thạch,
Địch Nhượng cãi:
- Chỉ độ sáu thạch là cùng? Để ta thử xem?
Rồi rời ghế đứng dậy, giương cung như vành trăng, bị ngay Sái Kiến Đức chém một đao vào sau gáy, ngã lăn ra tức khắc, nhưng vẫn còn kịp rống lên một tiếng như trâu vậy. Thương thay, bậc anh hùng trăm trận, khoảnh khắc mạng gửi ba thước đất.
Lúc này Hùng Tín, Mậu Công, Quốc Viễn, Như Khuê, Nguyên Chân, năm người đang ngồi tiệc rượu ở dinh Giả Tử mã, đang đưa rượu lên miệng, thì thấy tiểu hiệu vào báo:
- Địch tư đồ bị nguyên soái chém chết rồi!
Hùng Tín nghe nói hoảng hồn, chén rượu dang cầm trên tay, rơi ngay xuống đất, than:
- Như thế là tại sao? Dẫu cho họ Địch có ngang ngược ít nhiều, cũng nên tha thứ, mà nghĩ đến buổi đầu cùng tụ hội ở Ngõa Cương này, mới có được ngày nay chứ!
Nguyên Chân tiếp:
- Tự xưa đã nói rồi: hai anh hùng khó chung đứng một nhà. Việc này tiểu đệ nghĩ thế nào cũng không tránh khỏi.
Mậu Công nhận xét:
- Trước mắt hành sự, ai là người có thể tự nhận thua kém người khác. Chỉ đáng tiếc...
Như Khuê hỏi:
- Đáng tiếc cái gì?
Mậu Công đáp:
- Không phải tiếc cho Địch Nhượng đâu, mà chỉ tiếc cho Lý đại ca thôi!
Nhuận Phủ gật đầu hiểu ý.
Đang lúc bàn luận, thấy thủ hạ vào thưa:
- Ngoài kia có người xưng là bạn cũ, xin gặp Lý tướng quân.
Như Khuê chạy ra đón, dắt tay một người vào, nói rằng:
- Đơn viên ngoại, xem Viên ngoại có nhận ra người này không?
Hùng Tín đứng lên nhìn kỹ, thì ra là Đỗ Như Hối, liền cùng mọi người chào hỏi. Như Hối nói với Mậu Công:
- Từ lâu đã nghe tiếng anh tài của Từ đại huynh, nhưng chưa được gặp, nay mới được thấy mặt, thật thỏa ước bình sinh.
Mậu Công đáp lời:
- Tiểu đệ trước khi lên Ngõa Cương này, gặp Lưu Văn Tĩnh, có nói tới tài văn chương, tế thế, thông minh mẫn tiệp, thiên hạ ít có của hiền huynh, tiểu đệ đáng ra phải lùi lại phía sau mà vái đúng ba vái vậy.
Hùng Tín nói:
- Đỗ đại huynh, từ chỗ Trương Công Cẩn ở Trác Châu lên thẳng đây sao? Lâu nay không được gặp mặt khiến bọn Hùng Tín này vẫn thường nhắc tới luôn. Không biết ngọn gió nào thổi được đại huynh tới đây?
Như Hối đáp:
- Tiểu đệ ngẫu nhiên có việc qua đây, muốn gặp Thúc Bảo đại huynh, không ngờ Thúc Bảo đã dẫn quân đi Lê Dương rồi, nhân thế biết Lý hiền huynh ở đây, nên tìm gặp nhau trò chuyện một phen. Không ngờ Đơn viên ngoại, cùng các vị hào kiệt, đều ở đây cả, cũng bởi thế mà Ngụy Công chẳng cần lâu la gì đã làm được nghiệp lớn như thế này. Quả là việc tên ghi gác khói, tượng truyền đài lân, các vị chiếm mất cả rồi!
Hùng Tín thở dài:
- Đời người ta lúc thịnh lúc suy chẳng thể nào mà lường trước được nói gì đến chuyện đài lân, gác khói ghi công nghiệp. Nghe nói đại huynh ra với triều đình, làm hiệu úy Ôn Thành, sao bị đuổi về vậy?
Như Hối đáp:
- Giữa buổi bốn phương loạn lạc, dính vào chuyện đấu gạo quan tiền, bị bọn nha lại làm trò chó ngựa, sao có thể nên nghiệp lớn cho được?
Cùng nhau chuyện vãn một hồi, rồi đứng dậy từ biệt. Như Khuê, Quốc Viễn kéo Như Hối về chỗ ở của mình, bày tiệc rượu khoản đãi.
Như Hối hỏi:
- Vừa rồi tiểu đệ có đi qua soái phủ, thấy tiếng người la hét ầm ĩ không hiểu có chuyện gì?
Quốc Viễn vốn thẳng tình, đáp luôn:
- Chẳng có chuyện gì lớn, chẳng qua là ở đó giết một người thôi mà!
Như Hối hỏi tiếp:
- Giết ai thế?
Như Khuê đành phải đem chuyện bất hòa giữa Huyền Thúy và Địch Nhượng dẫn đến việc vừa rồi kể lại, rồi tiếp:
- Ban đầu, ở Ngõa Cương này, Huyền Thúy, Đơn viên ngoại, Quốc Viễn cùng tiểu đệ đều được Địch đại huynh mời về, làm thành một bọn với nhau cả, nay có sự như thế này, ai nấy trong lòng đều có đôi chút ngần ngại.
Như Hối nói:
- Vừa rồi tiểu đệ xem Đơn viên ngoại có vẻ rầu rĩ, chán chường, thấy tiểu đệ có vẻ lạnh nhạt, tiểu đệ nghĩ viên ngoại đã làm quan rồi, thay đổi tâm tính cũng là chuyện thường, không ngờ là bởi tại có việc này vậy. Huyền Thúy mà đối đãi như vậy, càng thấy nhẫn tâm. Các vị khác nghĩ đến thân phận của mình, cũng đều như cá trên thớt cả hay sao?
Quốc Viễn đáp:
- Hai anh em chúng tôi ở đây, chẳng có gia quyến để trói buộc, trơ trọi một thân, thân thiết thì ở, chẳng ra sao thì lại đi, xem họ làm được gì mình nào!
Như Hối nói:
- Có một nơi rất dễ dung thân, chỉ sợ hai vị không bằng lòng đi mà thôi!
Cả hai đều hỏi:
- Ở đâu thế?
Như Hối đáp:
- Mùa xuân vừa rồi, tiểu đệ đến công đường của Lưu Văn Tĩnh ở Tấn Dương, gặp Sài Tự Xương, vốn quen thân với tiểu đệ. Tự Xương nói chuyện về Thúc Bảo cùng hai vị, dạo ở Trường An xem hội đèn nguyên tiêu, anh hùng hào kiệt thế nào, rất là khen ngợi, lại biết các vị đã quy tụ về đây liền nhờ tiểu đệ ngầm tới thăm, nhắn rằng mai kia lệnh nhạc Đường Công sẽ khởi đại sự, rất cần đến sự giúp đỡ của các vị. Không ngờ Thúc Bảo đã được phái đi công cán. Hai vị chẳng vừa lòng lắm với nơi này, hãy cùng tiểu đệ tìm đến Tự Xương, nghiệp lớn may thành, phú quý cùng hưởng. Lại thêm người em, con lệnh nhạc Đường Công là Lý Thế Dân, vấn khoan nhân đại độ, kính hiền, đãi kẻ sĩ, các vị vốn là chỗ quen biết cũ, nhất định được đối đãi đặc biệt.
Quốc Viễn đáp:
- Tiểu đệ cũng định đi quách, ở dưới tay người khác, chẳng bằng riêng mình làm đầu lĩnh một sơn trại.
Đang nói, một người từ bên ngoài đột nhiên chạy vào, túm chặt lấy ngực áo Như Hối, quát lớn:
- To gan thật? Người dám tới dây để làm thuyết khách cho kẻ khác sao? Ta phải lôi ngay tới soái phủ mới xong?
Như Hối sợ hãi, mặt mày xanh xám, Quốc Viễn nhận ra Hách Hiếu Đức, bèn nói:
- Nguy to rồi! Tất cả hãy rút kiếm ra!
Rồi rút ngay kiếm xông vào. Hiếu Đức vội bỏ tay, cười lớn, nói:
- Xin hai vị khoan khoan đã? Những điều các vị bàn bạc, tiểu đệ đã nghe rõ ràng cả. Ý tiểu đệ cũng chẳng khác gì hai vị ở đây. Nếu được cùng đi, sống chết cũng không dám nài. Tiểu đệ trước đây đã được nghe Ngụy Trưng dạy, trên đường lại gặp Từ Hồng Khách, đều nói chân chúa đã xuất hiện ở Thái Nguyên. Huyền Thúy khó mà làm nên công trạng gì. Việc vừa rồi, đối với Địch đại huynh còn như vậy, chúng ta nào khác gì đồ bỏ đi thôi!
Như Khuê tiếp:
- Hách hiền đệ bàn thật thẳng thắn, nhưng chúng ta đi như thế nào bây giờ?
Hiền Đức đáp:
- Cái này thì không có gì khó cả. Vừa rồi tiêu mã về báo, Vương Thế Sung vừa kéo quân lên Lạc Bắc, ngày mai Ngụy Công thế nào cũng phát binh, hai vị mặc chuyện thành bại, cứ lĩnh một cánh quân, theo lối Hộ Huyện mà đi, ai ra đó mà đuổi theo các vị.
Như Khuê khen:
- Hay lắm!
Hiếu Đức hỏi Như Hối:
- Đại huynh ở đây xong thì đi đâu?
Như Hối đáp:
- Giờ thì về chỗ nghỉ. Sang canh năm sẽ lên đường sớm để về Cảnh Dương!
Hiếu Đức lại hỏi:
- Đêm nay đại huynh nghỉ ở đâu?
Như Hối đáp:
- Nhà từ Hàm Huy ngoài cửa Nam.
Hiếu Đức liền vái chào đi ra. Như Hối thấy thế, trong lòng không khỏi nghi ngại, vội thêm vài câu dặn dò rồi cũng từ biệt ra cửa. Về đến nhà Hàm Huy, thì đã thấy Hiếu Đức cùng hai tay chân, yên cương, hành lý đầy đủ chờ sẵn, lấy làm kinh ngạc hỏi:
- Sao hiền huynh vội vàng thế?
Hiếu Đức đáp:
- Ngụy Công tính hay nghi ngờ, dùng dằng chỉ tổ sinh biến. Tiểu đệ biết soái phủ đã có lệnh, sang canh năm sẽ xuất binh, cho nên phải đi ngay lúc này mới hòng yên ổn!
Cả bọn sai chủ quán dọn ăn bữa tối, rồi thu thập hành lý lên đường đi ngay Cảnh Dương.
Đi được vài ngày, đến thôn Vũ Dương thuộc Sóc Châu, vào giữa một thôn lớn, gặp tiết trọng đông 4, hoa tuyết phơi phới bay, thấy trước mắt, lá cờ hiệu của quán rượu khẽ lay nhẹ. Hiếu Đức lên tiếng:
- Đỗ đại huynh. Chúng ta hãy vào quán rượu này làm vài chén, rồi hãy đi tiếp có nên không?
Như Hối đáp:
- Hay lắm, ta vào thôi!
Cả hai xuống ngựa, vào quán ngồi. Chủ quán bày rượu, thức nhắm ra. Ăn được mấy cái bánh bao, uống vài chén rượu nóng, thì bên tai vang tiếng búa đập đe chói tai, cả hai nghiêng đầu nhìn qua cửa sổ thì thấy cạnh quán, dưới gốc cây cổ thụ, có một lò rèn, ba bốn người đang xúm quay bể than đỏ rực, thay nhau giương búa tạ đập chí chát. Cạnh đó kê một cái bàn lớn, trên bàn bày một đĩa thịt bò, một đĩa ngỗng quay, một đĩa bánh bao lớn. Ngồi ngoảnh mặt về hướng nam là một người đàn ông to lớn, cao tới chín thước, hai vai rộng, râu đâm tua tủa, mặt đen như sắt, hai mắt sáng như sao, oai phong lẫm lẫm, khí phách hiên ngang. Hai bên là hai người nữa. Một người cầm bình rượu, một người nâng bát, rót rượu đầy đưa mời người to lớn ngồi giữa. Người này không từ chối, cầm lấy dốc cạn, xem như xung quanh không còn ai khác, cứ thế một mạch uống cạn mười bát, rồi vuốt râu cười lớn mà rằng:
- Người ta đi vay, đến nhà giàu mà vay, hai vị lại đòi kẻ cùng này phải đứng lên viết văn tự, thì thật là kỳ quặc.
Người ngồi ở bên phải lên tiếng:
- Không phải sợ đại huynh trả một hai ly bạc đâu, chỉ cần đại huynh viết cho mấy chữ, chính là đã cứu tính mạng chúng tôi rồi đấy!
Rồi lại vội vàng rót rượu tiếp. Người to lớn đáp:
- Nếu nói như thế, thì mau mang giấy mực ra, đặt trên bàn kia. Đợi ta viết xong sẽ uống tiếp. Nếu không, ta uống say, viết chẳng ra sao đâu!
Hai người này nghe nói, một người rút ngay trong ngực áo một mảnh giấy hoa tiên màu hồng, một người vào trong nhà đem nghiên bút ra bày cẩn thận trên bàn. Người ngồi bên trái vội vàng cúi lạy vị to lớn vội nói:
- Khoan hãy bái lạy, khoan hãy bái lạy! Đợi ta viết xong đã.
Rồi cầm lấy bút, giục:
- Bảo ta viết cái gì nào? Đọc to lên!
Người bên phải đáp:
- Chỉ cần viết: "Uất Trì Cung lấy ở kho bạc năm trăm lạng chẵn. Phiếu này làm ngày mùng hai, tháng giêng, năm thứ mười hai, niên hiệu Đại Nghiệp". 5
Người to lớn viết theo đúng như lời xong, vứt bút lên bàn, cười khà khà, rồi lại nâng bát rượu uống một hơi cạn sạch, cũng chẳng một lời cảm ơn, đi lại chỗ lò rèn cùng làm với mọi người. Chẳng bao lâu, thu thập mọi thứ linh tinh của mình, người to lớn bỏ đi về phía đông. Như Hối lúc này mới bước ra, chào hỏi hai người kia:
- Thưa hai vị, vị hảo hán vừa rồi là ai, tài đức ra sao, mà hai vị có kẻ kính trọng vậy?
Một người đáp:
- Ông ta họ Uất Trì, tên Cung, hiệu là Kính Đức, người ở Mã Ấp. Đôi tay của ông ta có thể nâng nổi hai ba nghìn cân, rất thạo dùng một cây roi sắt gọi là "Hỗn thiết đơn tiên", cũng đã từng học chữ nghĩa, đọc thi thư, từng đi thi, nhưng không muốn ra làm quan, tổ tiên lại vốn làm nghề thợ rèn, nhân nhàn rỗi, mở lò rèn ở đây làm qua ngày.
Như Hối lại hỏi:
- Vừa rồi hai vị nhờ họ Uất Trì viết mấy chữ để làm gì vậy?
Một người đáp:
- Việc này dài dòng lắm, không tiện nói ra, xin từ biệt thôi!
Như Hối thấy Uất Trì Cung đường đường hào kiệt anh hùng, mà vẫn chẳng ai dùng đến, nên định ở lại đây vài ngày, làm quen với Uất Trì, rồi tiến cử với Đường Công. Nhưng Hiếu Đức không chịu, cứ giục lên đường, Như Hối đành phải lên ngựa ra đi, trong lòng vẫn đinh ninh chuyện Uất Trì Cung.
Chính là:
Nhũng mong gặp mặt anh hùng
Rồi ra cách trở muôn trùng nước non!
° ° °
Lại nói chuyện Đường Công Lý Uyên từ ngày bị vua Tùy hắt hủi, kén được Sài Tự Xương làm rể, không tiếc ngọc vàng của quý, đi lại với bọn nịnh thần của Dượng Đế, để được về Thái Nguyên, tránh khỏi mọi tai họa, chẳng hề có ý tranh đoạt thiên hạ. Lý Uyên có bốn người con trai, con trưởng là Kiến Thành, là một công tử tầm thường, chỉ ham ăn mặc đẹp, cưỡi ngựa hay đắm say tửu sắc, con thứ ba là Huyền Bá, chết sớm, con thứ tư là Nguyên Cát, rất mực cơ mưu, giảo hoạt, nhưng cũng chẳng có tài vương bá gì cả. Chỉ có con thứ hai là Thế Dân, sinh ở chùa Vĩnh Phúc dạo nọ, lúc mới bốn tuổi, có một thư sinh trông thấy, lấy làm lạ nói rằng:
- Dáng vẻ rồng phượng, uy nghi thiên tử, chỉ cần đến lúc làm lễ đội mũ 6 là có thể "tế thế an dân".
Nói xong đi mất. Lý Uyên sợ những lời này truyền rộng, mới sai người đuổi theo thư sinh để giết đi, thì không tìm thấy đâu nữa, bèn nghĩ là bậc thần nhân, nên mới bớt câu "tế thế an dân" mà đặt tên là Thế Dân. Từ nhỏ đã thông minh như trời phú sẵn, kiến thức khác hẳn người thường, đúng bậc "tướng môn chi tử". Binh thư võ nghệ, là chuyện hàng ngày, lại thích đọc cả thư sử, ham kết giao bạn bè, con nhà đại gia, tiêu vàng như bùn, chỉ cần chiêu đãi khách khứa, bạn bè xa gần đều nức tiếng. Rất thân với một người có võ nghệ, thao lược họ Lưu, tên Văn Tĩnh, hiện làm huyện lệnh Tấn Dương, người này đầy một bụng mưu trí, tài kiêm văn võ. Lại thêm một người là Lưu Hoàng Cơ ở Trì Dương, lấy vợ là Trường Tôn Thuận Đức, cũng đều võ nghệ tuyệt luân, không phải như con cái phường khố lụa ngày nay, mà thấy chín châu đại loạn, cũng mong tìm được bậc chân chúa, vâng chịu mệnh trời như Hán Cao Tổ ngày xưa.
Lưu Văn Tĩnh từng quen thuộc với Huyền Thúy, nên khi Huyền Thúy khởi sự, Văn Tĩnh bị bắt bỏ ngục Thái Nguyên. Thế Dân một lần lẻn vào nhà ngục gặp, Văn Tĩnh mới nói để gợi chuyện:
- Nay thiên hạ đại loạn, phi tài của Vũ Thang Cao Quang, thì không dẹp nổi!
Thế Dân đáp:
- Không phải là không có những bậc đó, chứ khổ là không biết họ ở đâu thôi. Ta trông dáng nhà ngươi, không phải là hạng tầm thường, hãy nói cách thay đổi thời cuộc, bàn đại sự xem sao nào?
Văn Tĩnh thưa:
- Nay vua Tùy ngự du Giang Hoài, binh lính trấn giữ dọc sông, Lý Mật vây Đông Đô, các đám giặc cỏ khác chiếm giữ châu huyện, cát cứ các vùng đầm núi, kể có hàng vạn. Giữa lúc này, có một vị chân chúa xuất hiện, chỉ cần hô lên một tiếng, thì bốn biển sẽ yên ổn ngay. Nay ở Thái Nguyên, trăm họ đều chạy vào thành để trốn tránh giặc giã. Văn Tĩnh này đã làm huyện lệnh mấy năm, biết khá rõ các bậc hào kiệt anh hùng, một sớm mà thu nạp, sẽ được vài chục vạn trong tay, lúc ấy tôn Đường Công lên nắm giữ binh quyền, thêm vài vạn tinh binh nữa, một lệnh ban xuống, ai mà chẳng theo, rồi nhằm chỗ trống mà vào trung nguyên, ban lệnh khắp thiên hạ. Chỉ cần khoảng nửa năm, nghiệp đế dựng xong vậy.
Thế Dân cười đáp:
- Ngươi nói chính hợp ý ta?
Bèn tìm cách đưa vào hàng tân khách, giúp cho việc huấn luyện binh sĩ, chờ dịp sẽ cất nhắc cao hơn. Hơn tháng sau, Văn Tĩnh đàng hoàng ra khỏi ngục. Thế Dân định khởi sự, chỉ sợ phụ thân không nghe, bèn bàn với Văn Tĩnh. Văn Tĩnh bày kế:
- Đường Công vốn rất thân thiết với phó cung giám Tấn Dương cung Bùi Tịch, Bùi Tịch bày gì cũng nghe theo. Muốn Đường Công bằng lòng khởi sự, không có người này không xong đâu!
Thế Dân cũng biết chuyện này không thể dùng miệng mà nói không với Bùi Tịch. Vì biết rõ Bùi Tịch vốn nghiện rượu, hám tiền, có thế mới hết lòng lo việc cho mình, Thế Dân liền đem hàng vạn quan tiền, sai Cao Vũ Liêm, huyện lệnh Long Sơn cùng Bùi Tịch đánh bạc, giả vờ thua luôn mấy ván. Sau Bùi Tịch biết rõ ý định của Thế Dân, cả mừng, kết thân với Thế Dân. Thế Dân bèn đem chuyện nói rõ đầu đuôi Bùi Tịch sẵn sàng đứng ra làm, nói:
- Việc này cứ giao cả cho ta?
Ngày đêm nghĩ ngợi, tính toán, bỗng nảy ra một kế, vào thẳng cung Tấn Dương, gặp ngay Trương Phi cùng Doãn Phi đang ở dinh Khánh Vân thưởng ngoạn hoa mai tháng giêng. Thấy Bùi Tịch đến, cả hai đều cất tiếng hỏi:
- Ngươi tới có việc gì?
Bùi Tịch đáp:
- Thì cũng muốn bẻ hoa cho thêm vui vẻ.
Trương phu nhân cười:
- Hoa này là của các phu nhân trồng, có can hệ gì đến ngươi đâu?
Bùi Tịch đáp:
- Phu nhân nghĩ rằng đàn ông không biết trồng sao, lòng yêu thích, ham muốn ai mà không có. Nhưng hoa dẫu đẹp bao nhiêu, mà chỉ ngắm suông thì chỉ trang sức thêm ít nhiều, chẳng thể nào thay đổi được cảnh cô đơn của con người, lại cũng chẳng thể ngăn được sự hoạn nạn đang đến.
Doãn phu nhân cười:
- Người hãy nói cách chữa bệnh cô đơn ngăn được tai họa như thế nào.
Bùi Tịch đáp:
- Nhà Tùy hoang loạn, chúa thượng thì mãi ngự du Giang Đô, vui đến quên cả quay về. Thay vua coi sóc công việc, toàn một lũ tiểu nhân, trong nước vô chủ, bốn phương anh hùng nổi dậy như ong, kẻ xưng cô, người xưng quả rất nhiều. Gần đây có tin hiệu úy Chu Vũ ở Mã Ấp chiếm cứ Phần Dương cung, xưng làm Khả hãn, rất có lợi hại. Phần Dương cách Thái Nguyên chẳng bao xa, nếu đao binh lan tới đây thì ai ra mà ngăn. Thần dẫu có nhiệm vụ coi sóc nhưng tài hèn sức mọn, đến thân mình còn khó giữ, các phu nhân thì lấy đâu chỗ yên ổn mà tránh?
Hai phu nhân hoảng hốt:
- Thế thì làm sao bây giờ? Nếu đúng như lời, chị em chúng ta đều chết cả sao?
Bùi Tịch bàn:
- Nay thần có cách này, cùng xin bàn với hai phu nhân, không những có thể giữ mình, mà lại có thể mang lại phú quý nữa.
Doãn Phu nhân đáp:
- Phú quý thì sao còn dám mong, chỉ cần tránh được tai họa là đủ rồi!
Bùi Tịch chậm rãi:
- Lưu thú Lý Uyên ở Thái Nguyên này, trong tay có mười vạn binh mã, con trai là Thế Dân, anh hùng vô địch, chiêu nạp hào kiệt chín châu, khởi lo việc lớn, chỉ sợ Lý Uyên không nghe theo, cho nên không dám tự quyết. Thần tin rằng thiên hạ chẳng sớm thì muộn sẽ vào tay người này. Nay hai phu nhân suốt đời bị đày ra ly cung, sống buồn tẻ đã có hơn năm nay rồi, sao không nhân cơ hội này, tìm cách thờ Lý Uyên, thì có thể chuyển họa thành phúc, chẳng bậc tần phi, cũng bậc hoàng hậu, phú quý khôn người sánh, có phải hay biết bao nhiêu không?
Trương phu nhân nói:
- Chúng ta từ lâu cũng muốn gặp Đường Công một lần, nhưng phận đàn bà thật khó mà mở miệng như các ngươi. Chỉ sợ Đường Công vẫn ôm lòng trung nghĩa mà cự tuyệt chăng, rồi việc vỡ lở, thì còn gì là tính mạng?
Bùi Tịch đáp:
- Chỉ sợ hai phu nhân trong lòng chưa định hẳn, nếu dã quyết chí thì chẳng sợ gì việc không thành.
Hai Phu nhân nghe nói thế, lập tức mặt mày rạng rỡ:
- Nếu việc mà thành, ơn sâu của người, chị em chúng ta suốt đời không dám quên, nhưng không biết mưu kế tính sao cho tốt?
Bùi Tịch ghé tai hai phu nhân nói nhỏ:
- Chỉ cần như thế... như thế... chẳng thể nào lo Lý Uyên không mắc!
Hai phu nhân gật đầu bằng lòng.
Ngày hôm sau, Bùi Tịch bày tiệc rượu trong cung Tấn Dương, sai người mời Lý Uyên. Chẳng mấy chốc, Lý Uyên đến, vái chào xong xuôi, vào ngồi bàn tiệc. Bùi Tịch không một lời nói đến chuyện Thế Dân định khởi sự, chỉ một mực rót rượu mời Lý Uyên say khướt, Bùi Tịch tiếp:
- Rượu buồn khó cạn, có hai mỹ nhân muốn ra mời minh công một chén, liệu có được chăng?
Lý Uyên cười đáp:
- Cùng ngồi với tri kỷ, chỉ còn thiếu chuyện này nữa thôi, sao lại không được!
Bùi Tịch sai tả hữu đi gọi. Chẳng bao lâu, tiếng ngọc ngập ngừng, hương bay sực nức, hai mỹ nhân khoan thai bước vào, mười phần kiều diễm, Lý Uyên nhìn kỹ, chỉ thấy:
Liễu cợt hoa cười, xuân ghẹo xuân
Thâm cung kiều mị khéo ần khăn
Trần ai, ai đoán, ai thiên tử
Vân vũ Tương Vương, nợ đỉnh Thần.
Hai mỹ nhân đến trước tiệc rượu, ra mắt Lý Uyên, Lý Uyên đáp lễ. Bùi Tịch sai bày hai ghế nhỏ, ngồi hai bên. Lý Uyên lúc này rượu đã say mềm, cũng chẳng hỏi lai lịch, chỉ thấy mỹ nhân nghiêng thành, khoái chí uống mãi. Hai mỹ nhân lại biết cách chiều chuộng. Bùi Tịch giúp thêm một tay, Lý Uyên chẳng mấy chốc đã nghiêng ngửa. Bùi Tịch lặng lẽ đi ra, Lý Uyên vẫn còn uống mấy chén nữa, chân đã không vững, hai mỹ nhân dìu vào giường ngủ, tai mơ màng, cũng chẳng nhận ra là cung cấm hay phủ đường.
Chính là:
Hoa dễ lây cười, rượu dễ thân
Đôi mày uốn éo lại gần gần
Đừng chê lơ lẳng Tùy Dượng Đế
Thiên tử anh minh cũng chán lần!
Lý Uyên tỉnh dậy, nhớ lại chuyện đêm qua, trong lòng băn khoăn, lại thấy nằm trên long sàng, mình khoác hoàng bào, kinh hoàng hỏi:
- Hai người là ai?
Hai phu nhân cười thưa:
- Đại nhân đừng sợ, chúng thiếp chẳng ai khác lạ, vốn là Trương Phi cùng Doãn Phi vậy.
Lý Uyên hoảng hốt:
- Bậc quý nhân trong cung cấm, sao lại có thể cùng chăn gối cho được.
Vội vàng khoác áo ngồi dậy, hai phu nhân quỳ thưa:
- Chúa thượng ngự giá xuống miền Nam chẳng thấy về, anh hùng nổi dậy khắp nới. Bùi Tịch phó giám trông vào đại nhân, nên khuyên chúng thiếp lo thờ đại nhân, để mưu chuyện lâu dài sau này.
Lý Uyên cất tiếng than:
- Bùi Tịch làm lỡ việc ta rồi!
Rồi đứng dậy, bước ra tiền điện, Bùi Tịch ra đón, hỏi vờ:
- Trong cung vắng không có ai, việc gì phải dậy sớm vậy?
Lý Uyên đáp:
- Dẫu không người biết, nhưng thực trong lòng không khỏi hoảng sợ.
Bùi Tịch nói:
- Anh hùng vì cả thiên hạ mà làm, hơi đâu mà để ý đến những chuyện lặt vặt.
Rồi gọi tả hữu hầu Lý Uyên rửa ráy, chải dầu. Bùi Tịch lại sai bày tiệc rượu. Uống được vài chén, Bùi Tịch mới nói:
- Hiện nay, vua Tùy vô dạo, trăm họ khốn cùng, anh hào đều nổi dậy, ngoài thành Tấn Dương này đều là chiến trường. Minh công tay nắm quyền lớn, lệnh lang thì ngầm chiêu binh mãi mã, sao không nghĩ chuyện khởi binh phạt Nam cứu dân, xây dựng nghiệp vạn đời.
Lý Uyên hoảng sợ đáp:
- Ngài sao lại nói những lời như vậy, để đổ cái vạ tru di ba họ lên đầu ta hay sao! Lý Uyên này vốn một lòng với nước, chịu ơn sâu của triều đình, không có lòng nào khác?
Bùi Tịch nói.
- Nay kim thượng hình phạt hà khắc, phía dưới thì giặc giã như ong như kiến, minh công cứ lo giữ cái tiểu tiết, thì cái nguy lớn sẽ có ngày đến. Chi bằng theo lòng dân mà khởi binh, chuyển họa thành phúc, đó chính là trời trao mệnh cho minh công, xin đừng để lỡ.
Lý Uyên đáp:
- Xin ngài hãy cẩn trọng cho, mọi sự tiết lộ thì tội không lường được
Bùi Tịch cười:
- Hôm qua việc hai người riêng hầu minh công, những sợ minh công không nghe, nên phải cùng lệnh lang bàn bạc. Cũng chẳng qua vì sợ lỡ dịp tốt, để mọi chuyện vỡ lở thì đúng là không tránh khỏi vạ lớn cả bọn vậy.
Lý Uyên đáp:
- Con ta đâu có tính chuyện này, ngài sao lại bức người vào chuyện bất nghĩa này?
Nói chưa dứt lời, thì thấy cửa bên, một người bước ra, đội mũ kinh khôi, mặc áo bào hoa tròn lớn, cất tiếng:
- Bùi Công thực là biết rõ thời cuộc, phụ thân nên theo vậy!
Lý Uyên nhìn ra, thì là Thế Dân, sợ to tiếng thêm họa, đành nén giận mà nói:
- Phải trói mày lại để tránh cái họa này mới xong.
Thế Dân không chút sợ hãi:
- Dẫu có bắt trói con giải đi, chết cũng không dám từ. Nhưng rồi tội của phụ thân cũng không vì thế mà khỏi. Nếu không khởi sự, thì làm sao bây giờ?
Lý Uyên than:
- Tan nhà nát cửa, không giữ được toàn thân cũng là do mày, biến nhà thành nước cũng là do mày!
Lý Uyên bèn sai người ngầm đi Hà Đông, gọi Kiến Thành, Nguyên Cát về Thái Nguyên hội họp, để có thể yên tâm lo việc lớn. Lấy tiếng phế hôn quân, lập minh chúa, tôn đại vương Dương Hựu trấn thủ Trường An hiện nay làm Tùy Cung Đế, ít lâu sau làm lễ nhường ngôi cho Lý Uyên. Lý Uyên xưng hoàng đế, lên ngôi ở Thái Nguyên, lấy quốc hiệu Đường, cải niên hiệu là Vũ Đức nguyên niên, lập Kiến Thành làm Thái tử, phong Thế Dân làm Tần Vương, Nguyên Cát làm Tề Vương. Lệnh cho Tần Vương hưng binh diệt giặc, rồi tự mình kéo quân vào cửa ải.
Chính là:
Bóng nước ánh cờ lồng rực đỏ
Tuyết rọi gươm, thương chĩa sáng ngời
Cầu vồng dựng suốt một trời
Thiên binh thần tướng phơi phơi xuống trần.
--------------------------------
1"Nam hoa kinh": Ở hai đầu sừng của con sên, có hai nước, đánh nhau suốt năm này sang năm khác, gieo vạ không cùng cho dân chúng. 2Chữ "Địch", cũng đọc là "trạch", đồng âm với chữ "trạch" là đầm lầy. Bồ là một loại cỏ mọc ở đầm lầy, gần giống lác ở ta vậy. 3"Đào" là cây đào, đồng âm với "đào" là trốn là theo. Chữ "mật" có nghĩa là bí mật, giữ kín không nói cho ai biết, vì thế hai câu cuối hàm ý chữ "mật" vậy! 4Tiết trọng đông: giữa mùa đông, tháng theo âm lịch, là tháng mười một. 5Năm cuối của nhà Tùy, tức năm 616. Việt Nam đang thời Bắc thuộc, thuộc Tùy. 6Lễ đội mũ: lễ "gia quan", thời xưa, ở Trung Quốc, con trai nhà giàu, hai mươi tuổi thì làm lễ đội mũ.