Thơ rằng:
Pháp lễ hai điều quý nhất đời
Thanh danh mà mất, thảy đều rơi
Đã lây nọc độc trong cung cấm
Còn tiếc thương chi cảnh ngự đàn
Việc nước thuở dài không tính liệu
Ý dân cổ ngắn chẳng quan hoài
Nghìn thu đừng tưởng gương không sáng
Dã sử, thư kinh chuyện dẫn dài.
Người ta ở đời, chuyện gặp gỡ, chia ly đều có số mệnh, dẫu cho có xảo trí mưu toan, đắn đo sự thể bao nhiêu, cũng chẳng thế nào lường hết mọi việc. Tiêu Hoàng hậu, từ lúc nhà Tùy mất, phó mặc theo triều nước dâng, để rồi được vui vẻ, náu nương ở trong cung nhà Đường, dù được lấy lễ mà đãi, nhưng nào có tự do. Nay may được Đường Thái Tôn để ý tới, nhưng thấy ngay thân phận mình.
Tùng xem biển cả khôn là nước
Chỉ ở non Vu mới thực mây.
Không thể nào sánh được với Vũ Mị Nương như hoa như ngọc đang được Thái Tôn sủng ái, liệu mình chẳng thể nào giảm đi hai ba chục tuổi, "phản lão hoàn đồng", thì may ra mới cạnh tranh nổi. Cho nên dẫu Thái Tôn một lần thương đến, nhưng rồi cũng nhạt ngay.
Sau đêm xem đèn, được cùng Thái Tôn thâu đêm suốt sáng. Vũ Mị Nương thấy Tiêu Hoàng hậu vẫn còn yểu điệu phong lưu, liền sinh lòng ghen ghét, tìm mọi cách nói xấu để Thái Tôn lạnh nhạt Tiêu Hậu, lại sai hai cung nữ truyền gọi Tiểu Hỷ vào hầu hạ Thái Tôn. Bởi vậy Tiêu Hậu dành nuốt giận, trong lòng lúc nào cũng buồn bực, của ngon vật lạ bày ngay trước mặt, cũng chằng buồn ăn, thanh ca nhã nhạc lại chán không nghe, không xem, thỉnh thoảng sai hầu gái gọi Tiểu Hỷ về chuyện trò to nhỏ. Vũ Tài nhân vô cùng giảo hoạt, bắt hai cung nữ tâm phúc theo sát, hễ đến lúc thở vắn than dài, thì cứ thế mà bắt Tiểu Hỷ đứng dậy về cung.
Tiêu Hậu đành một mình thân cùng bóng, ôm gối ôm chăn mà khóc, lâu ngày thành bệnh, chẳng bao lâu, thì mất ở trong cung. Vua Đường nghe tin, trong lòng rất thương xót, ra lệnh khâm liệm chu tất, ban chiếu cho phục tước vị cũ, tứ hiệu là "Mẫn" 1lệnh cho Hành nhân ty lấy lễ hoàng hậu, đưa linh cữu về dưới đài Ngô Công, hợp táng với Tùy Dượng Đế. Tiểu Hỷ xin được đi theo đến lăng mộ, nhưng Vũ Mị Nương không cho, đành phải quay về cung.
Vũ Tài nhân thấy Tiêu Hậu chết, mừng không nói đâu cho hết, tha hồ làm cho Thái Tôn điên đảo, thường uống đơn sa 2 luyện bằng bột vàng, bột đá. Gặp dịp Cao Sĩ Khiêm chết, Thái Tôn tới viếng, Trưởng Tôn Vô Kỵ, Chữ Toại Lương can rằng:
- Bệ hạ uống đơn sa, chỉ sợ không còn được làm tang ma, sao không nghĩ đến tôn miếu, xã tắc làm trọng.
Thái Tôn vẫn không nghe. Vô Kỵ phải nằm lăn giữa đường để can, nước mắt nước mũi chan hoà, Thái Tôn mới về, vào vườn Đông nhìn về phía nam mà khóc, nước mắt như mưa. Lệnh cho họa hình hai mươi tư công thần ở Lăng Yên các, kê rõ tên họ, phẩm tước, quê quán, chú cả tên thụy. Gặp lúc Từ Mậu Công ốm nặng, quan thái y nói phải có râu người đốt lấy tro mà uống thời mới khỏi, Thái Tôn liền tự cắt râu mình, cho về làm thuốc, Mậu Công dập dầu khóc mà tạ ơn. Thái Tôn lại thấy Viên Tử Yên mới chết, cơ thiếp rất ít, sợ không có người hầu hạ, định tuyển lấy cung nữ, ban cho làm bạn.
Mậu Công hai ba lần từ chối. Thái Tôn liền đáp:
- Trẫm vì xã tắc mà làm, không phải vì khanh đây, khanh chẳng cần phải từ tạ!
Ngay ngày hôm ấy, sai nội giám, tuyển hai cung nữ cao tuổi, ban cho Mậu Công. Bấy giờ sao Thái bạch mấy lần thấy rõ ban ngày. Thái sử lệnh xem thiên văn tâu rằng có điềm đàn bà nắm quyền trong triều đình, trong dân gian lại truyền câu sấm ký sau đây:
Ba đời Đường trước, Đường sau
Vũ Nương nữ chúa đứng đầu làm vua.
Một hôm, Thái Tôn vời bách quan ban yến ở trong cung, một lần được mời rượu, các quan phải xưng tên riêng có từ nhỏ. Tả Vũ vệ tướng quân Lý Quân Tiễn, xưng tiểu danh là Ngũ Nương, từ quan chức cho đến ấp phong lại đều có chữ "Vũ" 3 liền đưa đi làm sứ thử ở Hoa Châu, quan ngự lại tâu Quân Tiễn vẫn có mưu mô khác. Thái Tôn liền lệnh giết cả nhà. Nhân đó bèn ngầm hỏi Thái sử lệnh Lý Phong:
- Nhưng lời sấm truyền có nên tin không?
Thuần Phong thưa:
- Thẩn xem thiên văn, tính toán lịch số, kẻ này ở ngay trong cung của bệ hạ, từ nay trở đi khoảng ba mươi năm nữa, sẽ có thiên hạ giết gần hết con cháu nhà Đường, thì sấm ký mới nghiệm vậy!
Thái Tôn lại hỏi:
- Những ai nghi ngờ giết cả đi, có nên chăng?
Thuần Phong thưa:
- Mệnh trời đã an bài, người ta chẳng làm gì được, kẻ có mệnh làm chúa đời nào chết, chỉ tổ giết những kẻ không có tội. Phương chi từ nay đến lúc đó, còn những ba mươi năm, người này cũng đã già rồi, may ra chuyển thành nhân từ, họa chẳng đáng sợ nữa. Nay mà giết đến thế, sợ trời giáng họa càng lớn, thù oán càng chất chồng, sợ rằng đến con cái của bệ hạ chẳng còn ai nữa kia!
Thái Tôn nghe nói thế mới thôi, trong lòng vẫn nghi cho tài nhân họ Vũ, nhưng lại thấy Vũ Mị Nương tính tình thuận hòa, nhu mì. Lúc vắng mặt thì không sao, nhưng lúc thấy Mị Nương thì mọi lo âu lại tan biến hết, nên không thể nào một lúc mà dứt ra được, vì vậy tuy có nghi ngờ, nhưng cũng chưa làm được gì. Vũ Mị Nương nghe ngóng được ít nhiều lời dị nghị của các đại thần, xem ý tứ của Thái Tôn không đến nỗi gia hình, muốn tìm nơi ẩn náu ít lâu, nhưng chưa có dịp. Hôm ấy, Thái Tôn vì lo lắng nhiều, nên bệnh lại kéo đến, Thái tử Tân Vương sớm chiều phục dưỡng ra vào hầu hạ, thấy Vũ Tài nhân, không giấu được nỗi hãi hùng mà nghĩ: "Hèn chi mà phụ hoàng nổi bệnh, thì ra là tại người đẹp thế này ngay cạnh bên, đêm dài làm sao mà yên giấc được!". Rồi nảy ý muốn tư thông, nhưng chưa gặp cơ hội thuận tiện, nên chỉ lấy mắt đưa tình mà thôi.
Một hôm, Tân Vương đang ở trong cung. Vũ Tài nhân lấy chậu vàng bưng nước lại cho Tân Vương rửa tay, thấy mặt mày tài nhân đẹp đẽ, liền lấy nước rẩy vào mặt, ngâm đùa hai câu thơ:
Mộng hồn thoả nhớ giác Vu Sơn
Cách trở Dương Đài dạ héo hon.
Vũ Tài nhân cũng đọc hai câu đáp ngay:
Trướng gấm gió mây chưa gặp dịp
Chậu vàng mưa móc đã mang ơn.
Tân Vương nghe ra rất mừng, liền dắt tay Vũ Tài nhân, dẫn vào một chỗ kín ở hiên sau cửa hậu cung, Vũ Tài nhân nói:
- Bệ hạ mà biết ra, tội không nhỏ vậy!
Tân Vương cười đáp:
- Ta với khanh thật là duyên trời, ai mà biết được.
Vũ Tài nhân nắm áo ngự Tân Vương, khóc mà rằng:
- Thiếp dẫu hạ tiện, nhưng lâu nay hầu hạ đấng chí tôn, chiều theo ý của điện hạ, lại phạm phải tội tư thông. Mai kia điện hạ lên ngôi trời, liệu sẽ đặt thiếp ở đâu?
Tân Vương nghe thế, liền lấy mũi tên bẻ ra thành hai mà thề:
- Mai kia mà làm chủ thiên hạ, nhất định sẽ lập khanh làm hoàng hậu, nếu mà không tuân lời thề này, trời sẽ tuyệt cả dòng họ.
Vũ Tài nhân lạy tạ mà thưa:
- Tuy rằng nói như thế, nhưng hiện nay đình thần đang nghị dị đủ điều nếu mà chúa thượng làm tội đến thiếp, kế nào mà tránh cho được?
Tân Vương nghĩ ngợi một hồi rồi nói:
- Nếu hoàng thượng cật vấn đủ diều, cứ thế này... thế này mà nói, không những có thể tránh được tai họa, lại yên ổn để chờ ta.
Vũ tài nhân gật đầu. Tân Vương liền cởi đai ngọc cửu long, làm bằng da dê non tặng. Vũ Tài nhân liền cầm lấy rồi mỗi người mỗi ngã .
Lúc này trong Trường An mở khoa thi, nhưng chưa ra bảng, Thái Tôn lại đang bị bệnh, gọi Lý Thuần Phong vào hỏi:
- Năm nay mở khoa thi lấy nhân tài, chẳng biết trạng nguyên thuộc về tay ai. Khanh liệu có đoán được chăng?
Thuần Phong thưa:
- Tối hôm kia thần nằm mộng lên thiên đình, thấy bảng trời đã mở, thần có được xem hết, trên có treo một lá cờ, thêu một bài thơ.
Thái Tôn hỏi:
- Bài thơ ra sao?
Thuần Phong thưa:
- Thần vẫn còn nhớ như sau:
Ở đời sắc đẹp thật là ma
Ta vợ người, người lại vợ ta
Đắm đuối tà dâm thì mất vợ
Giật mình liệu hãy tránh cho xa.
Thái Tôn nghe xong, phán:
- Hai câu thơ sau, ý tứ quả không rõ ràng, chẳng biết nói ai họ tên gì, người ở đâu?
Thuần Phong thưa:
- Thánh thượng hồng phúc rất lớn, nay trong ba vị đậu đệ nhất giáp khoa này, đều là những bậc chính trực, bảng vàng bia đá mãi còn với xã tắc. Tên họ tuy thần đã biết nhưng không thể nói ra, sợ lộ thiên cơ, thượng đế nổi giận không lường. Xin bệ hạ cho thần vào trong phòng kín, viết rõ họ tên quê quán, niêm phong vào một hộp kín, đợi đến lúc nào phóng bảng, sẽ mở hộp ra xem thì thấy ngay thần nói có đúng không.
Thái Tôn sai thái giám lấy một cái hộp nhỏ, Thuần Phong viết xong tự bỏ vào trong hộp, Thái Tôn tự tay niêm phong một lần nữa, rồi cất vào hòm kín khóa lại. Thuần Phong bái chào ra khỏi cung.
Đến ngày theo bảng, Thái Tôn mở hộp lấy giấy của ThuầnPhong ra so sánh, thì trạng nguyên là Địch Nhân Kiệt, người Sơn Tây thuộc Thái Nguyên, bảng nhãn là Lạc Tân Vương, người ở Nghĩa Ô thuộc Triết Giang, thám hoa là Lý Nhật Trị, người Vạn Niên thuộc kinh đô đều giống nhau cả. Thái Tôn không giấu nỗi kinh hoàng, mới tin những lời Thuần Phong không phải là nói láo, cho nên ngay cả những lời Thuần Phong nói về sấm truyền cũng tất không sai, nên nghĩ ngợi: "Nay ta đã bệnh tật thế này, còn đeo lấy cái khổ nghiệt súc ấy làm gì, để họa cho con cháu. Liền nói với Vũ Tài Nhân:
- Ở ngoài triều đình, đang đồn ầm lên rằng khanh ứng với lời sấm truyền, khanh định tự phân xử ra sao?
Vũ Tài nhân khóc, quỳ xuống mà tâu rằng:
- Thiếp thờ bệ hạ hàng năm nay rồi, chưa từng có một lỗi lầm nào, nay vô cớ bệ hạ định bắt thiếp chết, khiến thiếp phải ngậm oan nơi chín suối, sao mà nhắm mắt cho được. Ban dầu cùng một trăm người được tuyển vào cung, tất cả đều đội ơn làm cung nữ, chỉ riêng mình thiếp dược làm tài nhân, ơn không ai sánh kịp. Nay chỉ vì lời đồn đại của trăm họ, xin bệ hạ hãy mở lượng hiếu sinh, cho thiếp được xuống tóc vào cửa Phật, ăn chay suất đời, để đọc kinh cầu cho thánh thượng đến tận kiếp sau cũng chưa hết ân nghĩa.
Nói xong khóc rống. Thái Tôn vốn cũng không muốn giết, nay thấy Vũ Mị Nương nguyện cắt tóc đi tu, thì rất mừng và phán:
- Khanh bằng lòng làm ni cô cũng là việc phúc lớn. Trong cung có gì riêng, mau mau hãy thu thập về nhà, gặp lại cha mẹ một lần, rồi lên kinh ngay. Trẫm ban cho làm ni cô tại chùa Cảm Nghiệp này!
Vũ Tài Nhân cùng Tiểu Hỷ tạ ơn, thu xếp ra khỏi cung.
Chính là:
Rồng thiêng đã thoát lưới sâu
Yêu đương hai chữ, dài lâu liệu còn
Vũ Sĩ Hoạch nghe tin Mị Nương ra khỏi cung làm ni cô, vội sai người đón về nhà cùng gặp gỡ. Gia nhân vâng lệnh, chẳng mấy ngày sau đã đến nhà. Mẫu thân Dương Thị thấy năm xưa Mị Nương tiến cung ra sao, nay lại trở về, không ngăn nổi giọt ngắn giọt dài, làm Tiểu Hỷ cũng nhớ tới cha mẹ, cho nên cũng nức nở khóc theo. Mị Nương cất tiếng hỏi:
- Phụ thân còn có cháu nuôi Tam Tư nữa, sao không thấy đâu cả?
Dương Thị đáp:
- Nó khác hẳn ngày xưa rồi, suốt ngày đàn đúm với bạn bè, học hành một chữ cũng chẳng xong, từ sáng chí tối chẳng thấy mặt, chỉ lúc nào say khướt mới mò về.
Mị Nương hỏi:
- Con cũng không nhớ Tam Tư năm nay bao nhiêu tuổi rồi!
Dương Thị đáp:
Lúc phụ thân con nhận về làm cháu nuôi, thì nó đã ba tuổi, đến nay cũng đã mười lăm tuổi rồi, trông người cũng to lớn, chẳng biết trong bụng có những gì? 4
Đang nhắc đến, thì thấy Vũ Tam Tư đã ngà ngà say bước vào.
Dương Thị nói:
- Tam Tư, cô mày đã về rồi đó, mau lại lạy chào đi?
Mị Nương cùng Tiểu Hỷ vội đứng dậy cùng Tam Tư chào hỏi.
Tam Tư nói:
- Cô đang ở trong cung được yêu thương đến thế, sao hoàng thượng lại nghe theo lời dị nghị của các quan, bắt cô xuất cung, để cắt tóc làm ni cô là thế nào. Nếu thế thì hoàng thượng cũng vô tình nhỉ, có thế hoàng thượng mới chẳng đoái hoài gì đến cô nữa chứ?
Mị Nương nghe nói thế lại không ngăn được nước mắt. Tam Tư lại tiếp:
- Cô chẳng việc gì phải buồn phiền, cháu thấy làm ni cô cũng thích chán, việc gì mà phải khóc lóc?
Mị Nương mới xuất cung, cũng buồn phiền, nay thấy mặt mày Tam Tư tươi tắn, ăn nói ngang tàng nên cũng khuây khỏa ít nhiều.
Cơm tối xong, Tam Tư thấy phụ mẫu cùng Tiểu Hỷ đã đứng dậy ra chỗ khác cả, mới lại bên Mị Nương, nửa say nửa tỉnh hỏi:
- Cô ơi! Cháu trông mái tóc cô dày xanh như thế này, mai kia nỡ nào cắt đi cho đang tâm?
Mị Nương cũng nhân coi như máu thịt họ hàng, lại thấy tuổi Tam Tư cũng còn ít, liền kéo ôm vào lòng. Tam tư hỏi:
- Cô ngủ ở đâu?
Mị Nương đáp?
- Ở trong phòng của mẫu thân.
Tam Tư nói:
- Cháu có rất nhiều chuyện muốn hỏi cô, đêm nay cô cho cháu ngủ chung với nhé!
Mị Nương đáp:
- Có chuyện gì cũng phải chờ mẫu thân ta ngủ đã, cháu mới vào phòng mà nói được.
Tam Tư dặn:
- Như vậy, nhất định nhớ đừng khóa cửa.
Mị Nương gật đầu lia lịa.
Đêm hôm ấy, Tam Tư chờ cho cha mẹ đã ngủ cả, mới rón rén đẩy cửa vào phòng Mị Nương làm thành một sự loạn luân như chim như gà. Mấy ngày sau, Vũ Sĩ Hoạch sợ chuyện vỡ lở, liền sắp sửa cho Mị Nương cùng Tiểu Hỷ lên đường. Tam Tư đưa tiễn đến một hai dặm. Mị Nương còn dặn nhỏ:
- Cháu ơi! Nếu cháu nhớ đến cô, lúc nào đến kỳ thi, thì cứ đến chùa Cảm Nghiệp mà tìm cô nhé!
Tam Tư nhận lời, gạt nước mắt mà quay về.
Đi đường mấy ngày, đến chùa Cảm Nghiệp. Sư trụ trì tên gọi Trường Minh, ra cửa đón Mị Nương cùng Tiểu Hỷ, thấy Mị Nương thiên kiều bách mị, mặt hoa da phấn lại thêm Tiểu Hỷ cũng chỉ mới hai mươi tư, hai lăm, phong tư yểu điệu khó mà giữ cho trọn vẹn, nên thầm nghĩ: "Phong lưu dài các thế này, làm sao mà xuất gia được?".
Rồi dẫn lên Phật đường, bốn năm đồ đệ đã dao kéo chực sẵn. Lão ni Trường Minh bảo Mị Nương làm lễ, cắt tóc cho, cả Tiểu Hỷ cũng theo vậy, xong xuôi, mới xuống làm lễ chào hỏi. Tiểu Hỷ nhìn thấy một người giống như tiểu ni cô vốn ở am Nữ Trinh thuở trước, nhưng cũng chẳng rõ ràng, nên không dám nhận. Lão ni lên tiếng:
- Đây chính là đồ đệ của ta cả!
Mị Nương từ đó yên tâm ở trong chùa chờ đợi.
Một buổi chiều, thấy Tiểu Hỷ cười cười nói nói đi vào, Mị Nương hỏi:
- Làm thân đàn bà mà phải cạo đầu làm sư, thì còn vui sướng gì mà cười nói thế kia?
Tiểu Hỷ thưa:
- Phu nhân không biết, vị đồ đệ kia, chính là Hoài Thanh, em của Lý phu nhân ở am Nữ Trinh, con đã nhận ra. Vừa mới ở phòng Hoài Thanh, hỏi rõ mọi chuyện nên thấy thật đáng cười.
Mị Nương hỏi:
- Lý phu nhân ở am Nữ Trinh là ai vậy?
Tiểu Hỷ đem chuyện thuở trước theo Tiêu Hậu về nam thăm lăng mộ Dượng Đế, đến am Nữ Trinh, gặp các phu nhân họ Lý, họ Hạ, họ Địch, họ Tần cùng Nam Dương công chúa, kể lại một lần. Mị Nương lại hỏi:
- Thế tại sao Hoài Thanh lại tới đây?
Tiểu Hỷ thưa:
- Bộc Châu mấy năm nay mất mùa, lại gặp cả dịch bệnh, các phu nhân họ Tần, họ Hạ, họ Lý lần lượt qua đời. Hoài Thanh bị một người học trò bắt theo về kinh sư, không ngờ dọc đường người học trò bị kẻ cướp giết chết. Hoài Thanh nhảy xuống sông, may được thuyền buôn cứu, đem về kinh sư, giờ xin ở tạm trong chùa Cảm Nghiệp này!
Mị Nương vẫn hỏi:
- Họ thường có ai tới thăm nom không?
Tiểu Hỷ thưa:
- Hoài Thanh kể có một người em họ Phùng, ở ngay Lan Kiều mở cửa hàng thuốc, thường hay đến thăm.
Một hôm Mị Nương đang ngồi trong Phật đường xem Hoài Thanh viết chữ, nghe có tiếng gõ cửa, gặp lúc lão ni dẫn đồ đệ đi làm lễ siêu độ cho khách không có ở chùa, Hoài Thanh ra hỏi:
- Ai đó?
Ngoài cửa đáp:
- Hoài Thanh, Phùng Tiểu Bảo đây!
Hoài Thanh vui mừng, vội mở cửa ra đón:
- Sao lâu nay không thấy đến?
Tiểu Bảo đáp:
- Nghe nói trong chùa có vị Vũ Tài nhân nào đó, triều đình đưa đến tu ở đây, nên không dám đến. Hôm nay thấy cửa chùa đóng, tưởng là mọi người không có ở chùa nên họ Phùng này mới lẻn tới gặp.
Hoài Thanh nói:
- Vũ Tài nhân đang ở trong Phật đường, có muốn gặp không?
Tiểu xảo cùng Hoài Thanh vào, thấy Mị Nương vẫn dựa vào bàn xem chữ của Hoài Thanh viết. Hoài Thanh lên tiếng:
- Vũ Tài nhân, người em họ đến thăm, xin dẫn lên chào Vũ Tài nhân.
Mị Nương quay lại nhìn.
Chỉ thấy:
Vóc người nho nhỏ
Mà dáng tinh nhanh
Mũi ngọc thanh thanh
Mắt thu lồ lộ
Mày không vẽ mực mà đa tình
Môi chẳng thoa son mà ửng đỏ
Tóc mượt mượt như khói biếc sau mành
Má hây hây tựa hoa đào trước gió
Lạc Thủy đêm khuya vào mộng điệp
Vu Sơn mơ sáng gặp mây mưa.
Mị Nương vội vàng đáp lễ:
- Có phải là em của Hoài Thanh chăng?
Gặp lúc Tiểu Hỷ đến tìm Mị Nương, Tiểu Bảo chào hỏi, Tiểu Hỷ nói:
- Xin được biết họ tên quý khách?
Hoài Thanh đỡ lời:
- Đây chính là họ Phùng đã kể chuyện hôm vừa rồi!
Tiểu Hỷ cười:
- Thì ra là em họ, quả là thất lễ!
Nói xong, Hoài Thanh đưa Tiểu Bảo về phòng mình, thấy Tiểu Bảo đến ngay bên bàn, lấy một tờ hoa tiên viết một bài tuyệt cú:
Cái giống si tình há ngẫu nhiên
Gặp nhau còn lạ đã thương liền
Cười ta như bướm quanh hoa kiểng
Hồng một bên rồi tía một bên.
Hoài Thanh cười nói:
- Thiếp cũng xin có một bài tuyệt cú tặng chàng.
Rồi cầm bút, viết vào mặt sau của tờ hoa tiên:
Mới thấy mà lòng đã vấn vương
Phong lưu nhàn nhã khác ai thường
Tử vi cung mệnh đào hoa chiếu
Chàng cũng thương mà thiếp cũng thương.
Viết xong Hoài Thanh xuống nhà bếp, dọn hoa quả, rượu lên, cùng Tiểu Bảo ăn uống vui đùa. Mị Nương trong phòng mình, nghĩ ngợi một hồi, rồi cùng Tiểu Hỷ đến trước cửa phòng Hoài Thanh lặng yên xem xét, thì thấy có tiếng gọi cửa, biết ngay là lão ni đã về. Mị Nương hèn về phòng, Tiểu Hỷ thì ra mở cửa. Hoài Thanh cũng trở ra. Lão ni cùng đồ đệ cắp kinh sách về, chào hỏi một vài câu, Tiểu Hỷ quay về phòng với Mị Nương, Mị Nương giở giấy hoa tiên ra viết rằng:
Bài l:
Hoa hoa bướm bướm sớm chiều chiều
Hoa thật đa tình bướm õng ẹo
Chắc hẳn phòng hương vui thú lắm
Khéo tu cho đến dứt dây lèo.
Bài 2:
Cái thú truy hoan khó kéo dài
Thoát thôi phấn nhạt lại hương phai
Hoa thần đòi hết bao nhiêu nợ
Giành lại mảy may kiếm chút hời.
Hai người đang xem thơ, thấy Hoài Thanh vào, nói:
- Vũ Tài nhân, mời Vũ Tài nhân cùng Tiểu Hỷ sang phòng nói chuyện cho vui.
Mị Nương đáp:
- Hoài Thanh có em trai ở đấy, ta không tiện lại chút nào.
Hoài Thanh vội vàng:
- Từ xưa đã nói: bốn biển đều là anh em, "Tứ hải chi nội, giai huynh đệ". Huống chi là Hoài Thanh này với Vũ Tài nhân...
Mị Nương nói:
- Nếu đã thế, hãy cùng đến phòng ta ngồi, ta sẽ lấy trà ngon ra tiếp ngay
Hòai Thanh rủ :
- Tiểu Hỷ cùng đi, kéo họ Phùng đến vậy!
Liền kéo Tiểu Hỷ đi, lát sau đem rượu, thức nhắm tới. Mị Nương hỏi Tiểu Hỷ:
- Ngươi cầm bài thơ của ta rồi sao?
Tiểu Hỷ đáp:
- Thơ vẫn trên bàn, chưa ai đụng đến. Con vừa ở bên kia, thấy trên bàn cũng có mấy bài thơ, con bỏ ngay vào ống tay áo, đem về cho tài nhân xem đây.
Mị Nương cầm lấy xem, thì ra là hai bài thơ xướng họa của Hoài Thanh cùng Tiểu Bảo 5.
Hoài Thanh cùng Tiểu Bảo đến, Mị Nương lặng lẽ giấu hai bài thơ đi , rồi nói:
- Hoài Thanh, ở chỗ chúng tôi chẳng có thứ gì đáng giá, sao quá hân hạnh!
Hoài Thanh vội đáp:
- Chẳng qua là mấy đĩa rau, mấy chén rượu nhạt, chỉ sợ vũ Tài Nhân cười cho.
Rồi đem đến đặt giữa bàn, xếp Tiểu Bảo ngồi quay mặt xuống nam, đối diện với Mị Nương. Tiểu Hỷ ngồi ngay cạnh, ai nấy thay nhau chuốc rượu, nói cười ngả ngớn, tha hồ vui thú. Chuyện không nói nữa.
° ° °
Tháng năm, năm thứ hai mươi ba đời Trịnh Quán, Thái Tôn bệnh nặng, triệu bọn Trưởng Tôn Vô Kỵ, Chủ Toại Lương, Từ Mậu Công đến bên long sàng, mà dặn:
- Trẫm cùng các khanh, quét sạch lũ hôi tanh, hao phí không biết bao tâm lực, mới được cuộc nhất thống ngày nay. Tứ phương yên tĩnh chính là lúc cùng các khanh vui hưởng thái bình, không ngờ mắc phải bệnh nặng thế này. Ngụy Trưng, Phòng Huyền Linh đã đi trước trẫm, gần đây thì trẫm lại mất thêm Lý Tĩnh, Mã Chu. Nay đến lượt trẫm vĩnh biệt các khanh. Cũng chẳng có điều dặn dò gì khác Thái tử vốn nhân hòa, kiệm ước đáng bậc con hiếu dâu hiền, các khanh hãy xúm tay mà giúp đỡ cho.
Nói xong khóc nức nỡ, bọn Vô Kỵ bái lạy mà thưa:
- Bệ hạ tuổi trời còn dài, chính là lúc nghĩ đến việc trị nước sáng suốt hơn cả, nay long thể dẫu có không khỏe cũng chưa đến lúc nói những điều không lành thế này.
Thái Tôn đáp:
- Trẫm đã biết trước, nên phải dặn kỹ thì vừa!
Cả bọn lui ra, đêm hôm ấy thì Thái Tôn qua đời. Thái tử lên ngôi, tức là Cao Tôn, ban chiếu khắp thiên hạ, lấy năm tới làm Vĩnh Huy nguyên niên.
Lúc này Vũ Tài nhân đang ở chùa Cảm Nghiệp nghe tin cũng khóc ròng. Nhân ngày lễ của Thái Tôn, Cao Tôn ngự giá đến Cảm Nghiệp dâng hương lại gặp ngay Phùng Tiểu Bảo đang ở trong chùa, lão ni không biết làm thế nào, đành cạo trọc ngay đầu Tiểu Bảo. Đến lúc Cao Tôn hỏi, xưng là cháu, đã xuất gia ở ngay bên miếu Thổ Địa, vừa mới lại thăm. Cao Tôn phán:
- Chùa Bạch Mã, ruộng đất rất nhiều, sư tiểu rất ít, trẫm sẽ cấp cho một tờ độ diệp, sáng ngày mai, người phải sang ngay trình sư trưởng chùa Bạch Mã.
Vũ Tài nhân thấy Cao Tôn bèn nức nở khóc, Cao Tôn cũng rớt nước mắt ân cần dặn dò lão ni Trường Minh búi tóc cho Vũ Tài nhân, sẽ cho người đến đón, rồi ra xe rồng về cung.
Chẳng biết sự thể ra sao, hãy xem hồi sau sẽ rõ.
--------------------------------
1Mẫn: xót thương, lo lắng. 2Đơn sa: thuốc luyện của các đạo sĩ, mong trường sinh! 3Võ: cũng đọc là "Vũ", "Vũ" và "Ngũ" phát âm gần như nhau nên Ngũ Nương, cũng có thể hiểu là Vũ Nương về mặt phát âm. 4Nguyên văn dùng "Quá kế" để chỉ Vũ Tam Tư. Quá kế là người con nuôi cháu nuôi để thửa kế. Những tài liệu khác, như Từ Hải, không thấy nói là cháu nuôi mà chỉ nói "Đường Vũ Hậu chi diệt", cháu của Vũ Hậu nhà Đường. Ở đây lại thấy Tam Tư xưng với Sĩ Hoạch, Dương Thị có lúc như con! 5Hai bài xướng họa này nguyên văn cùng vần, vì không thể glữ nguyên, phải dịch mỗi bài mỗi vần.