Chương 4: Vạn chuột vái mộ
Tôi chen qua đám đông nhìn vào, quả nhiên là ba tôi!
Chỉ thấy hai mắt ông ấy nhắm chặt, hai tay khoanh trước ngực, trên người lại mặc áo liệm màu xanh!
Thoạt nhìn, ông ấy giống y hệt ông nội tôi lúc được chôn cất!
Thế nhưng điểm khác biệt là trên chân ba tôi mang một chiếc giày vải màu đen, đây là đôi giày thọ dành cho người chết, chiếc kia lại là giày giải phóng kiểu cũ. Đó là đôi giày ba tôi đã đi đêm qua, chiếc còn lại vẫn đang nằm ở chỗ bác cả tôi.
Tại sao ba tôi lại nằm trong quan tài của ông tôi? Nhiều người như vậy cùng đào mới mở được nắp quan tài, ba tôi vào đó bằng cách nào? Điều quan trọng nhất là nếu như ba tôi đang nằm trong quan tài thì ông nội tôi ở đâu rồi? Xác ông tôi đã đi đâu?
“Khiêng người ra ngoài!” Ngài Trần ra lệnh. Mọi người cùng nhau nâng ba tôi lên và đặt ông ấy xuống đất. Tôi nhào tới, òa khóc gọi ba nhưng dù tôi có la hét cỡ nào, ba tôi cũng chỉ nằm yên trên mặt đất, không hề nhúc nhích hệt như đã chết thật. Trong giây phút đó, tôi cảm thấy thế giới quay cuồng, dường như bầu trời đang sụp đổ.
Ngài Trần nhận lấy chiếc giày bác cả tôi nhặt được đêm qua từ tay ông ấy, đưa cho tôi, để tôi đổi lại cho ba.
Tôi bước đến và ngồi xổm bên cạnh chân ba tôi, ngài Trần ngồi bên cạnh tôi, dặn tôi thay giày chậm một chút, trong lòng nhớ đọc thầm mười tám lần, ba ơi về thôi.
Tôi vừa lẩm nhẩm trong lòng vừa thay giày cho ba tôi. Tôi nghe thấy ngài Trần ngồi bên cạnh cũng thì thầm, giống như đang nói: “Giày có trái phải, đường có âm dương, người chết đi đường âm, người sống đi đường dương, nếu đi lạc hay nhanh chóng quay về!”
Ngài Trần nói rất chậm, hơn nữa giọng điệu rất kỳ lạ, giống như đang hát. Chờ đến khi tôi lẩm nhẩm xong mười tám lần, đổi giày lại, ngài Trần cũng vừa nói xong chữ ‘về’. Vừa dứt lời, ông ta duỗi tay vỗ mạnh lên trán ba tôi.
Nói cũng lạ, ngài Trần vừa vỗ xuống một cái này, ba tôi đã ngồi bật dậy khiến bà con xung quanh hoảng sợ lùi về sau mấy bước.
“Mọi người nhìn tôi làm gì thế?” Đây là câu đầu tiên ba tôi nói sau khi tỉnh lại.
Nghe vậy, tôi không nhịn được nữa, nhào tới ôm chầm lấy ba .
Kể từ sau khi lên trung học, tôi không còn ôm ba nữa, bởi vì cảm thấy xấu hổ. Không ngờ giờ sắp tốt nghiệp đại học rồi, tôi lại ôm chặt ông ấy như vậy. Lúc đó tôi nghĩ bản thân nên dành nhiều thời gian hơn cho ba mẹ khi vẫn còn cơ hội, đừng để đến khi họ xuống đất rồi mới thấy hối hận.
Sau khi giải quyết chuyện của ba tôi xong, ngài Trần không vội vàng dẫn mọi người về mà kêu mọi người lấp mộ lại.
Bác cả và bác hai tôi đều rất lo lắng, vội vàng ngăn cản. Bác cả tôi hỏi có phải nên đợi tìm được xác ông nội tôi đem đi chôn cất rồi mới lấp mộ không? Ngài Trần lắc đầu thở dài một tiếng, nói nơi này không thể chôn cất người chết.
Bác cả bảo: “Đây là nơi ông cụ nhà tôi tự chọn khi còn sống, lúc nào cũng dặn sau khi ông cụ chết thì nhất định phải chôn ở nơi này. Bây giờ ông nói không thể chôn ở đây, vậy phải làm sao?”
Tôi nhìn ra được bác cả rất tín nhiệm ngài Trần, ông ta nói nơi này không thể chôn cất, thật ra bác cả tin đấy. Hơn nữa ông nội đã trèo ra mộ hai lần, bây giờ còn không tìm được xác, sự kiên trì lúc trước của bác cả càng lung lay.
Thế nhưng những lời dặn dò của ông nội trước khi qua đời khiến ông ấy rất mâu thuẫn. Tôi chưa bao giờ thấy một ông già sắp sáu mươi tuổi lại bày ra biểu cảm không biết làm sao như vậy. Ông ấy cầm tẩu thuốc ngồi xổm trên mặt đất, hai tay ôm đầu, bất lực như một đứa trẻ.
Nhưng dù vậy, thái độ của ngài Trần vẫn rất cứng rắn, nói rằng nơi này không thể chôn cất thì không được chôn.
Vì vậy dưới sự hướng dẫn của ngài Trần, mấy người đàn ông kia lại vội vàng lấp mộ. Lần này, động tác của bọn họ khá nhanh nhẹn, không lâu sau đã hoàn thành.
Lúc này mặt trời đã lặn, trời cũng tối dần đi, ba tôi ở bên cạnh quan sát tất cả những chuyện này. Dường như ông ấy vẫn chưa lấy lại tinh thần sau trải nghiệm kinh hoàng đêm qua, vẫn đang cố nhớ lại những gì đã xảy ra trong khoảng thời gian ông ấy hôn mê.
Khi những nắm đất cuối cùng được đắp lên ngôi mộ, ngài Trần mang chiếc giày thọ màu đen mà ba tôi đi lúc trước vào chân của mình, sau đó ông ta đi đến ngôi mộ, dùng chân mang giày thọ giẫm mạnh lên phần đất trên mộ ba lần. Ông ta vừa giậm chân vừa lẩm bẩm trong miệng, có điều khoảng cách hơi xa, giọng lại nhỏ nên tôi không nghe rõ ông ta nói cái gì.
Sau khi ngài Trần giậm chân, ông ta đặt áo liệm ba tôi mặc trước đó lên mộ rồi dùng lửa đốt.
Tôi vốn cho rằng đến đây xem như kết thúc, thế nhưng ngài Trần lại gọi mọi người, kêu bọn họ dựng ngược bia ông nội tôi lại. Lần này, bác cả, bác hai và cả ba tôi đều không đồng ý.
Bia chỉ lên trời, hồn lên thiên đàng; bia chỉ xuống đất, hồn xuống địa ngục.
Đây là câu tục ngữ trẻ con trong thôn ai ai cũng biết, bây giờ ngài Trần lại muốn lật ngược bia của ông nội, đừng nói đến mấy người bác cả, ngay cả tôi cũng không muốn. Như vậy chẳng khác nào đang nguyền rủa ông nội tôi? Tuy rằng ông nội nhiều lần leo ra khỏi mộ nằm cạnh tôi khiến tôi sợ hãi nhưng dù sao ông cụ cũng không hại tôi. Hơn nữa ông cụ là ông nội tôi, sao tôi có thể cho phép chuyện này xảy ra? Dù tôi là sinh viên đại học nhưng sau khi trải những chuyện này, tôi đã vô cùng kính sợ mấy câu tục ngữ dân gian này.
Thái độ của ngài Trần vẫn kiên quyết như cũ, nói nếu không lật ngược bia, sau này xảy ra chuyện gì thì đừng có gọi Trần Ân Nghĩa này nữa.
Tất cả mọi người đều có thể nhận ra mức độ nghiêm trọng trong lời nói của ngài Trần, hoàn toàn không thể thương lượng.
Thế nhưng bên kia là ông nội tôi, bác cả và cha tôi có tư tưởng phong kiến khá nặng, vẫn không chịu để mọi người ra tay. Ngay lúc này, bác hai của tôi đứng dậy: “Hay là nghe lời ngài Trần đi, trời sắp tối rồi, mau làm cho xong chuyện này, nếu không đợi đến khi trời tối hẳn, sợ rằng lại xảy ra tai nạn khác. Lại nói, ông cụ cứ bò ra khỏi mộ mãi, anh không sợ, chẳng lẽ Tiểu Thiên không sợ?”
Bác hai nhắc tới tôi, bác cả và ba tôi liếc mắt nhìn tôi, không nói gì, chỉ cúi đầu, coi như đồng ý.
Ngài Trần vội vàng gọi người đến ra tay, bia vốn không lớn, ba bốn người là đủ rồi
Lúc bia mộ dựng ngược lên, rõ ràng bầu trời tối sầm đi.
Tôi thấy ngài Trần cởi hai chiếc giày dưới chân mình ra, mỗi tay cầm một chiếc, giơ lên cao, sau đó đập mạnh xuống chân tấm bia (lúc này chân bia đã chỉ ngược lên trời). Sau khi ông ta đập ba cái thì ngửa đầu nhìn trời kêu lớn: “Mồ yên mả đẹp, bén rễ xuống đất!”
Ngay khi ngài Trần vừa nói xong, tôi nghe thấy xung quanh mình vang lên tiếng sột soạt, lúc đầu âm thanh này rất nhỏ và xa vời nhưng chỉ trong chốc lát, âm thanh đó dần trở nên lớn hơn, hơn nữa càng ngày càng gần.
Không chỉ mình tôi nghe thấy, tất cả mọi người đều nghe thấy, chắc hẳn trước đây không có ai từng nghe thấy âm thanh kỳ lạ này nên đều hơi sợ hãi. Mấy người đàn ông kia nắm chặt cuốc trong tay, nhìn bọn họ như thể sẽ chiến đấu bất cứ lúc nào.
Cỏ xung quanh bắt đầu chuyển động, giống như có thứ gì đó sắp chui ra. Tôi liếc ngài Trần, phát hiện nét mặt ông ta xoắn lại như sắp vắt ra nước, ngón cái không ngừng bấm tới bấm lui bốn ngón còn lại như đang tính cái gì.
Âm thanh càng ngày càng lớn, trong đám đông đã bắt đầu có người luống cuống. Bác hai tôi và bí thư hét lên đừng hoảng sợ, mọi chuyện đã có ngài Trần.
Bụi cỏ bị đẩy ra, mọi người có thể nhìn thấy là gì: Chuột! Hàng trăm con chuột!
Chúng nhào tới từ bốn phương tám hướng, không hề sợ hãi chạy xuyên qua dưới chân chúng tôi, sau đó dừng lại bên mộ, vây chặt ngôi mộ hết vòng này đến vòng khác, kín kẽ đến mức không lọt một giọt nước.
Bạn có thể tưởng tượng ra khung cảnh đó không? Tất cả những con chuột đen như mực phủ kín mặt đất, chúng không gây ra bất kỳ tiếng động nào, cứ như vậy nằm yên trên mặt đất. Sự im lặng khiến lông tơ trên lưng tất cả mọi người dựng hết lên.
Đột nhiên, toàn bộ lũ chuột đứng lên! Đúng vậy, đứng lên! Chúng nó dùng hai chân sau chống đỡ cơ thể, đứng thẳng dậy. Hai bàn chân trước không ngừng vuốt chòm râu từ dưới lên trên. Bộ râu kia nhìn qua giống y như ba cây hương sừng sững giữa trời đất. Động tác của bọn chúng thành kính và thống nhất, lặp đi lặp lại, không biết mệt mỏi! Tất cả mọi người đều chết lặng! Ở đây chưa có ai từng gặp qua hình ảnh như vậy cả!
Ngài Trần bỗng vô cùng hoảng sợ ‘a’ một tiếng, cả người bắt đầu run rẩy, run rẩy kêu lớn: “Vạn chuột thờ mộ, không có đường sống! Chạy! Chạy mau! Chạy mau!”