A Hoành trở nên ít nói hơn trước, gặp ai cũng chỉ mỉm cười hiền lành. Bà Uẩn Nghi sắm thêm cho cô rất nhiều đồ ăn, quần áo, đồ giải trí, lần nào đi siêu thị cũng mang túi lớn túi nhỏ về nhà. Tình yêu này không biết là kết quả của bao nhiêu đêm dài trằn trọc, vừa áy náy vừa phải đấu tranh tư tưởng.
Thế nhưng đáng buồn là, mỗi lần nhìn thấy Tư Nhĩ, A Hoành luôn tỏ ra rụt rè, e ngại, không thể thân mật được. Trong mắt Tư Hoán, e rằng đó là do cô có tật giật mình.
Không biết tự lúc nào, Ngôn Hi tỏ ra thân mật hẳn với cô, coi cô như chỗ anh em thân thiết. Cô vui vẻ đón nhận ý tốt này, cảm thấy cuộc đời sến hơn cả trong phim ảnh.
Không biết có phải là do mùa xuân đã đến hay không, cứ cuối tuần là cô thèm ngủ, cả ngày ở lì trong phòng là chuyện bình thường. Về chuyện phòng ở, cô chủ động xin phép ông chuyển sang phòng cách cầu thang xa nhất, mở cửa sổ ra là thấy cây ngô đồng. Đúng hôm cô chuyển sang, cây ngô đồng ra cành non mới đầy sức sống.
Con Kho Tộ rất thích phòng mới của cô, sấm tối nào cũng loanh quanh trước cửa sổ, đậu trên cành ngô đồng kêu "quác quác", nói chuyện với cô bằng ngôn ngữ đặc biệt. Nó nói từ "kho tộ, kho tộ" nghe rất giống chủ nhân của nó. Còn cô thì đọc bài ngữ văn cho nó nghe, tiếng phổ thông vẫn chưa hề có sự cải thiện.
Mỗi lần đọc đến câu cuối cùng trong bài Xuất sư biểu(*): “Trước lúc ra đi, nước mắt lưng tròng, không biết phải nói gì.” Nhìn đôi mắt ngây thơ, đen láy của Kho Tộ là cô lại phì cười.
(*): Xuất sư biểu là tên gọi hai bài biểu Tiền xuất sư biểu và Hậu xuất sư biểu Gia Cát Lượng viết ra để dâng lên Thục Hán Hậu chủ Lưu Thiện trước khi ông thân chinh dẫn quân đi Bắc phạt lần thứ nhất và lần thứ hai vào các năm 225 và 226 thời Tam Quốc. Với lời văn thống thiết, Tiền xuất sư biểu và Hậu xuất sư biểu sau đó trở nên nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc như là đại diện xuất sắc của thể loại biểu và là tượng trưng cho lòng trung thành trong thời phong kiến.
Bà Trương thắc mắc lắm, thở ngắn than dài tự hỏi: “Con bé này làm sao vậy nhỉ? Vốn đã ngờ nghệch rồi, không biết có phải bị tẩu hỏa nhập ma hay không nữa.”
Tư Nhĩ ngân ngấn nước mắt, nói: “Tất cả là tại tớ.”
A Hoành chỉ cười, vờ như không nghe thấy.
Cậu mắc lỗi vào giờ nào, phút nào, giây nào, chỗ nào, lỗi nào chứ? Cô chỉ mong mình được làm người quân tử, thờ ơ trước tất cả, chỉ tiếc rằng thế gian này vẫn có người cam tâm tình nguyện hất nước bẩn vào mình.
Cuối tuần nào A Hoành cũng đến ngõ Mạo Nhi, tiện thể mang ít canh ngon đi theo. Nhìn điểm số của Tép ngày một tiến bộ, mặt cũng bầu bĩnh, hồng hào hơn, cô cảm thấy rất vui.
Cậu bé rất thích đếm các món cậu thích ăn, kể tội bạn nọ bạn kia ở lớp đáng ghét thế nào, bắt nạt cậu và bị cậu dọa lại ra sao. Cậu không hể coi cô là người ngoài, mà làm nũng đủ trò.
“Cậu cứ như đang nuôi con mọn ấy nhỉ, khá đấy, sau này chắc chắn sẽ là mẹ hiền vợ đảm.” Tân Đạt Di trêu cô.
Cô đỏ bừng mặt, ấp úng không nói được câu nào. Sau đó nghĩ con gái ai chẳng phải lấy chồng, sinh con, làm mẹ hiền vợ đảm được là điều tốt. Cô liền cười, đáp: “Hơ hơ, cậu nói quá chuẩn!”
Đạt Di phì cười. “Cái con nhỏ này, mới tí tuổi đầu đã nghĩ đến chuyện lấy chồng, không biết ngượng à!”
A Hoành lườm anh chàng một cái rồi nghĩ bụng: Được, chúc nhà ngươi cả đời không lấy được vợ, không có con, muốn làm cha hiền chồng đảm cũng chẳng có cơ hội!
Nhiều năm sau, câu chúc của A Hoành đã trở thành sự thật!
Sớm biết thế này thì hồi đó đã chúc mình mua xổ số, dù là xổ số cào hay xổ số kiến thiết, mua vé nào trúng vé đó, lúc ngủ cũng bị tiền Euro đập trúng đầu!
Những lúc rỗi rãi, Ngôn Hi luôn tìm cớ đến nhà A Hoành chơi, thấy cô chơi game rất giỏi, bèn nhận cô làm đệ tử. Chỉ tiếc là hậu sinh khả úy, A Hoành luôn đánh cho đội quân Ngôn Hi chạy tan tác, khiến anh chàng giận tím mặt. May mà anh chàng là người dễ dỗ, chỉ cần một bát mì sườn đã lập tức cười như nông dân được mùa.
Dạo này dây thần kinh ngôn ngữ của Thịt Kho Tộ bị chập, nó không còn léo nhéo gọi “Kho Tộ, Kho Tộ” nữa mà bắt đầu giả vờ trầm tư, cánh kẹp chặt lại, thở ngắn than dài: “Không biết phải làm sao, không biết phải làm sao!”
A Hoành không biết làm thế nào, đành bế con Kho Tộ với đôi mắt ngấn lệ lên tay an ủi một hồi.
“A Hoành, đừng chiều nó lại sinh hư, con nhỏ không yếu đuối như vậy đâu.” Ngôn Hi nhướng mày, nói.
A Hoành mỉm cười, đáp: “Không yếu đuối mà cũng chẳng cứng rắn.” Chú chim bé bỏng đó rất cần một bàn tay chăm sóc cẩn thận.
Ngôn Hi liền bĩu môi. “Loài gián cũng nhỏ mà có bao giờ tiêu diệt được đâu!”
A Hoành cười khúc khích, về lí sự cùn thì cô không thể đấu nổi Ngôn Hi. Chợt Ngôn Hi nhìn cô chằm chằm, khiến cô sởn gai ốc, rồi anh khẽ nói: “Ui da, tội nghiệp con nhỏ, dạo này trông gầy quá, có phải lười ăn, chỉ nghĩ về đấu pháp với Tư Nhĩ nên mới tuyệt thức, tự hành hạ mình, đúng không?”
A Hoành vừa mỉm cười vừa liếc xéo anh chàng.
“Để bày tỏ sự cảm thông, bản thiếu gia quyết định...” Ngôn Hi dừng lại một lát rồi tỏ vẻ nghiêm trọng. “Mời em uống rượu!”
Không hiểu đây là lối tư duy sao Hỏa gì nữa!”
A Hoành liền cười, gật đầu đồng ý.
Tranh thủ lúc cụ Ngôn bận tiếp khách, chú Lý thì ngủ gật, Ngôn Hi lén kéo A Hoành xuống tầng hầm.
“Tối quá!” A Hoành kêu lên.
“Suỵt, nói nhỏ thôi, đừng để mẹ Lý biết!” Ngôn Hi thì thầm.
“Sao, không cho uống rượu à?” A Hoành thắc mắc. Trước đây ở Ô Thủy, cô thường ngồi nhâm nhi vài chén vói cha nên tửu lượng cũng không tồi.
“Con nhỏ này, em đang là vị thành niên mà!”
Trong bóng tối, có một bàn tay ngập ngừng một lát rồi vỗ nhẹ lên đầu cô như vỗ đầu một chú cún nhỏ.
“Ờ.” A Hoành gật đẩu, cũng không biết trong hầm rượu tối như hũ nút, Ngôn Hi có nhìn rõ không.
Thực tế chứng minh, anh chàng này đã ăn vụng thành quen, sau một hồi sột soạt sục sạo đã ôm được bình rượu đi ra.
Mắt cô dần quen với bóng tối trong hầm rượu, hầm rất rộng, để rất nhiều rượu, hầu hết đều được dựng trong các bình sứ. Cô có cảm giác như đang lạc giữa xưởng rượu nào đó thời phong kiến.
Lúc này, Ngôn Hi đã khoan chân ngồi dưới đất.
“Này.” Ngôn Hi vô cùng hào phóng, giữ lại cho mình một chai và đưa cho A Hoành một chai.
“Uống thế này thôi hả?” A Hoành tần ngần hỏi, ít ra cũng phải có cốc chứ?
“Nếu không thì uống làm sao?” Ngôn Hi cười. “Yên tâm đi, ở đây nhiều rượu lắm, không phải tiết kiệm cho ông cụ đâu.”
A Hoành thực sự bó tay, cô thấy mình và Ngôn Hi luôn gặp trở ngại khi chuyện trò với nhau, nhưng nhìn vẻ phởn chí của anh chàng, cô lại thấy mình hơi để ý quá, dù gì thì trong đời người cũng chỉ có vài dịp vui mà thôi. Thế là cô liền mò mẫm mở nút chai, uống một ngụm, cay cay, tê tê, rất đã. Ngôn Hi nhìn cô, đôi mắt đen sâu thẳm trong bóng tối tựa như viên ngọc sáng ngời.
"Rượu Phần(*) hả?"
(*): Một trong bốn loại rượu nổi tiếng của Trung Quốc
Ngôn Hi gật đầu, đưa chai rượu đang cầm trong tay cho cô. "Nếm thử loại này xem sao."
A Hoành mím môi, vị cay sặc lên mũi, nhưng vào đến miệng lại mát mát, ngọt ngọt.
"Rượu Dương Hà à?"
Mắt Ngôn Hi sáng lên. "Sao em biết?"
Hoành đỏ rần. "Hồi nhỏ, cha em mua rượu, em hay uống trộm. Rượu mua lẻ nên rất rẻ, mặc dù không được ngon lắm."
Ngôn Hi lẩm bẩm: "Sao trước đây mình không phát hiện ra là báu vật nhỉ?"
Báu vật? A Hoành sững lại một lát rồi cười bẽn lẽn. Chắc không chỉ có Ngôn Hi mới nói như vậy.
Có nhiều tiếng nói chung với anh chàng, khi chưa đóng nắp quan tài thì chưa biết là điều tốt hay điều xấu.
Hôm đó, ánh hoành hôn đỏ thẫm bao trùm cả sân vườn, chỉ có hai kẻ trốn trong hầm rượu tối thui chén tạc chén thù.
Lúc chui ra, mặt Ngôn Hi đã đỏ gay.
“A Hoành, nhỡ người lớn hỏi thì mình nói sao nhỉ?” Anh chàng đã ngà ngà say, một tay che mắt, hỏi cô.
“Uống nước hoa quả, với Ngôn Hi, ngon lắm.” A Hoành mỉm cười, thần sắc không có gì thay đổi, mặt không bị đỏ, mùi thơm của rượu thoang thoảng trong hơi thở của cô.
“Ngoan lắm.” Ngôn Hi vỗ đầu cô lần nữa rồi nở nụ cười ngây thơ như trẻ con.
“A Hoành à, lần sau có thời gian bọn mình lại uống nước hoa quả nữa nhé!” Ngôn Hi cười rồi đưa ngón tay thon dài ra, cười hiền lành, nói: “Ngoắc tay nhé.”
A Hoành cười, đưa ngón trỏ ngoắc với Ngôn Hi, sau đó liền buông ra ngay. “Vâng.”
Mọi lời hứa đều được cô nghiêm túc thực hiện, đây là một sự theo đuổi kiên trì, và cũng là điều hết sức đáng sợ. Và thế là cô đã làm bạn “nước hoa quả” cố định của Ngôn Hi, sau này trở thành bạn rượu của anh.
Lúc chí thân là như thế. Lúc chí sơ, cũng là như thế.
Đầu tháng Sáu, tiết trời đã rất nóng bức, hệ thống điều hòa trong nhà bắt đầu hoạt động. Nhiệt độ trong phòng được điều chỉnh ở mức 26 độ C, không nóng không lạnh, dễ chịu đến mức khiến A Hoành cảm thấy có gì đó hơi bứt rứt.
Cô không thích quá nhàn hạ nên cuối tuần có thời gian, cô đều đến nhà Tép. Người lớn ai cũng bận rộn, sau giờ tan học, ở nhà thường chỉ có Tư Hoán và Tư Nhĩ.
Từ nhỏ sức khỏe tư Nhĩ đã không được tốt, mọi người trong nhà ai cũng thương chiều nên cho cô đi học muộn một năm, vì thế năm nay cô mới vào cấp ba. Để chuẩn bị cho kì thi vào cấp ba, Tư Hoán dốc hết sức phụ đạo cho Tư Nhĩ, như thể không vào đươc trường Tây Lâm thì quyết không chịu đầu hàng.
Loáng cái đã đến thứ Hai, A Hoành thường ngày vẫn tự dậy đúng giờ, nhưng hôm nay cô lại bị một hồi chuông chói tai đánh thức. Vén rèm cửa sổ nhìn thỉ thấy dưới cây ngô đồng có anh chàng áo hồng đang đứng dựa vào chiếc xe đạp cũ kĩ, tươi cười rạng rỡ, ngửa mặt nhìn cửa sổ, tay ra sức bấm chuông.
“A Hoành, em coi này!” Anh hào hứng gọi.
“Gì vậy?” A Hoành dụi mắt.
“Yo girl, see, see, quả xa Tây có khung của anh này!” Ngôn Hi có vẻ rất phấn chấn.
A Hoành liền cười. “Anh kiếm đâu ra vậy?”
Ngôn Hi thao thao bất tuyệt: “Hôm qua anh kiếm được trong nhà kho, là của ông già trước đây hai đi, đồ cổ hai mươi năm rồi, giờ kiếm khó đấy, người bình thường anh cũng chẳng cho nhòm đâu!”
A Hoành liền thở dài. “Anh ăn sáng chưa?”
“Một bát sữa đậu nành, một bát súp cay, ba cái bánh bao có được gọi là ăn rồi không nhỉ?” Ngôn Hi cười vui vẻ.
Cô chống tay ên bậc cửa sổ, mỉm cười. Từ trước đến nay, bữa sáng Ngôn Hi ăn rất ít,cùng lắm là một bát sữa đậu nành,xem ra hôm nay anh chàng có vẻ rất cao hứng.
“Anh đạp quanh sân một vòng nhé, em xuống nhanh lên, lát nữa anh chở đi học!”
Lúc cô đang chăm chú ăn sáng thì lại có người gõ cửa dồn dập.
Bà Trương ra mở cửa thì thấy Ngôn Hi, mặt mũi, tay chân đều lem luốc vết đen.
“Sao vậy?” Tư Hoán tặc lưỡi hỏi.
“Chưa đi được nửa vòng thì tuột xích, không lắp được nữa!” Ngôn Hi ngồi phịch xuống, thở mệt.
“Xích nào?” Tư Hoán ngơ ngác hỏi.
A Hoành liền cười. “Mặt nhọ kìa.”
Ngôn Hi hậm hực chạy vào nhà vệ sinh. A Hoành bỏ chiếc bánh bao xuống rồi xách thùng đựng dụng cụ sửa xe ra. Một chiếc xe đạp đang vứt chỏng chơ dưới đất.
Cô cau mày nhìn phần xích với thâm niên còn hơn cả tuổi mình bỏ đồ nghề ra rồi bắt đầu ngồi sửa.
Cạch cạnh, cạch cạch một hồi.
A Hoành nhìn chiếc xích sau một hồi uốn éo đã trở lại vĩ trí ban đầu, cảm thấy mình đúng là nhân tài, hôm nào phải hỏi xem ông cu Tép có thiếu thợ hay không...
“Sao lại lắp vào được vậy?” Ngôn Hi sửng sốt hỏi.
A Hoành trầm ngâm giây lát, không biết giải thích thế nào, lúc ngẩng đầu lên thì thấy Ngôn Hi đang cười.
A Hoành biết chắc chắn mặt mũi mình cũng không sạch sẽ hơn mặt Ngôn Hi ban nãy là bao, bèn nghiêm mặt giấu đi vẻ ngại ngùng. “Em nghĩ, anh nên, cảm ơn em.”
Ngôn Hi cũng nghiêm mặt nói: “Anh nghĩ, em nên, để ý đến tâm trạng của người thích xem hài kịch.”
A Hoành không kìm được nữa, bèn bật cười.
Ngôn Hi cũng cười, đưa ngón tay trỏ lên quệt vết nhọ ở đầu lông mày cho cô, nói: “Hôm nay tôi được đi quả xe Tây này là phải cảm ơn đài truyền hình trung ương CCTV, cảm ơn MTV, cảm ơn ban nhạc The Rolling Stones, cảm ơn hãng Sony, cảm ơn A Hoành, thế đã đủ chưa?”
A Hoành cố gắng nhịn cười.
A Hoành ngồi trên chiếc xe đạp Ngôn Hi đèo, lắc lư, nghiêng ngả như người ta rước kiệu hoa trên ti vi.
Quả xe tồi tàn chạy lắc lư với vận tốc rùa bò, đi đến nửa đường thì gặp Tân Đạt Di. Anh chàng tỏ ra thích thú, hào hứng nghiên cứu một hồi. Ngôn Hi bực bội quay đầu, đâm thẳng vào Tân Đạt Di. Mặc dù quả xe tồi tàn nhưng vẫn có thể làm người ta bị thương. Ngôn Hi nhìn Tân Đạt Di với ánh mắt coi thường, lăn bánh xe vào ống quần anh chàng tạo thành một vết dài với vẻ đắc ý, sau đó điềm nhiên bỏ đi.
Cả quãng đường đi, mặt A Hoành đỏ bừng, cô lấy tay che mặt, cố gắng để người khác không nhìn thấy mình. Đến cuối cùng, cô cũng cùng Ngôn Hi đi hết con đường đó, nhưng phải rất nhiều năm sau, Ngôn Hi mới ý thức được sự đồng hành này đáng quý biết nhường nào.