Nói xong, nàng mất đi ý thức, thầm nghĩ bản thân không qua khỏi. Độc tính của hương mỹ nhân mạnh như vậy, thân thể nàng yếu ớt đã lâu, sao có thể chịu đựng nổi?
Nhưng chẳng ngờ, không biết qua bao lâu, nàng lại tỉnh dậy!
Khi thức giấc, nàng thấy mình đang nằm ngủ trên chiếc giường êm ái. Ánh mặt trời nhè nhẹ chiếu vào phòng, xung quanh còn đốt trầm hương mùi hoa lan, mùi hương khi còn trẻ nàng yêu thích nhất.
Nàng mơ mơ màng màng mở hai mắt liền nghe một tiếng gọi khẽ vô cùng thân thuộc từ phía xa truyền đến, “Điện hạ, người tỉnh rồi ạ?”
Lý Dung nghe thấy giọng nói đó liền quay đầu sang nhìn. Trong tầm mắt nàng bây giờ chính là một gương mặt tươi cười hiền lành, điềm tĩnh. Gương mặt ấy không thể nói là xinh đẹp nhưng cũng tính là thanh tú. Nhìn qua người đó khoảng hai lăm, hai sáu tuổi, trầm ổn đoan trang, giống hệt trong kí ức của nàng.
Nàng khó hiểu gọi một tiếng, “Tịnh Lan?”
Đối phương mỉm cười đưa tay đỡ nàng dậy rồi nhẹ nhàng nói, “Hiện đã là giờ Tỵ*, Bệ hạ vừa hạ triều. Ngài ấy cho người phân phó nói trưa nay muốn dùng bữa với Công chúa. Nô tỳ vốn đang muốn gọi Người dậy, chẳng ngờ Người đã tỉnh rồi”
(*9 - 11 giờ sáng)
Lý Dung nghe Tịnh Lan nói thế liền quan sát xung quanh một lượt, trong lòng không khỏi có chút chấn kinh.
Lý Dung tùy ý để Tịnh Lan đỡ mình dậy, vừa rửa mặt nàng vừa đánh giá xung quanh. Khi mọi thứ hoàn tất, nàng mới có thể khẳng định, đây chính là cung Trường Lạc.
Cung Trường Lạc là nơi nàng sống trước khi xuất giá. Năm đó Tịnh Lan là nha hoàn thiếp thân của nàng, luôn hầu hạ bên cạnh đến tận khi nàng lấy chồng, sau này cũng chính là quản sự ở phủ Công chúa.
Lúc còn trẻ, Lý Dung chẳng thích Tịnh Lan mấy vì cảm thấy nàng ấy quá quy củ, cứng nhắc, nói chuyện thì không được lòng nàng. Nàng vốn thích Tịnh Mai hơn, nhưng do mẫu hậu rất thích Tịnh Lan nên sau khi phủ Công chúa xây xong, Tịnh Lan liền nắm chức quản sự.
Đến tận năm ba mươi tuổi, khi Lý Dung bị hành thích, Tịnh Lan vì giúp nàng chắn một kiếm mà chết ngay trước mặt nàng, lúc đó nàng mới hiểu được, có một số người im lặng làm việc không có nghĩa là không có công lao gì.
Nhìn Tịnh Lan vẫn sống sờ sờ trước mắt mình, còn có cung điện ngày xưa mình sống khi còn trẻ, Lý Dung nhanh chóng điều chỉnh lại tâm trạng, cuối cùng chấp nhận việc nàng đã trọng sinh.
Hơn nữa còn quay về lúc nàng đang ở tuổi niên thiếu.
Nàng muốn nhanh chóng xác định bây giờ là khoảng thời gian nào, nhưng lại không muốn người khác phát giác được. Vì thế Lý Dung vừa rửa tay vừa nhớ lại lời Tịnh Lan nói ban nãy, dò xét hỏi, “Hoàng thượng truyền ta dụng bữa, ngươi có nghe ngóng được là vì lý do gì không?”
Vị Phụ hoàng này, tưởng chừng như vô cùng sủng ái nàng nhưng lại hiếm khi gọi nàng dùng bữa. Mỗi lần được gọi đến đều như Hồng môn yến, tiêu biểu là ngày chỉ hôn năm đó, ông cũng bảo nàng dùng cơm cùng mình.
“Nô tỳ cũng không biết”, Tịnh Lan nói, sau khi suy nghĩ hồi lâu, nàng lại bổ sung một câu, “Nhưng nghe bảo mấy ngày gần đây, Bệ hạ có bảo các quan lại trình lên chân dung các thanh niên trong nhà đến tuổi lập thất ạ!”
A, quả nhiên là bữa cơm chỉ hôn đó!
Lý Dung tiếp khăn từ tay Tịnh Lan, sau khi lau khô tay, nàng giang hai tay lên để thị nữ thay y phục cho mình. Lúc mọi thứ đã xong xuôi, nàng cầm cây quạt vàng nhỏ màu vàng bên cạnh và cất bước ngồi lên kiệu nâng, nhanh chóng đi về phía điện Thái Thanh.
Để nhớ lại những kí ức kiếp trước có chút khó khăn, nhưng trong tiếng kẽo kẹt của cỗ kiệu, chúng dần dần trở nên rõ ràng.
Lý Dung nhớ trước năm mười tám tuổi, tình cảm giữa nàng và Phụ hoàng Lý Minh rất tốt. . Truyện Khoa Huyễn
Nàng là đại Công chúa do chính cung sinh ra, là đứa con đầu lòng của Lý Minh. Từ nhỏ Lý Minh đã đối xử với nàng rất tốt, thậm chí còn tốt hơn cả Thái tử Lý Xuyên, đệ đệ của nàng.
Nàng rất trân trọng tấm lòng của Lý Minh, bởi lúc còn trẻ không biết vì sao nàng bỗng lóe lên một suy nghĩ, nếu một đế vương nguyện ý đối tốt với mình thì đó là chuyện vô cùng hiếm có, cũng vô cùng trân quý. Vì thế nàng tận lực lấy lòng Lý Minh.
Thật ra nàng vốn mạnh mẽ ngang bướng, nhưng vì Lý Minh từng nói, nữ tử thì phải nhã nhặn, đức hạnh nên nàng cố gắng áp chế tính cách thật của mình, giả vờ làm một Công chúa “nhã nhặn đức hạnh”.
Lý Dung càng giả vờ tốt bao nhiêu, Lý Minh càng khen ngợi nàng bấy nhiêu. Ông thường bảo nàng chính là đứa giỏi nhất trong đám con nối dõi của mình, nếu không vì thân nữ nhi, nàng sớm đã có thể gánh vác xã tắc rồi.
Năm đó, khi nghe Lý Minh khen nàng như thế, nàng càng cố gắng nỗ lực hơn. Chỉ đến tận sau này nàng mới hiểu cái gì gọi là “giết người bằng lời khen”.
Nàng có một niềm tin vô điều kiện với Lý Minh.
Thông thường một Công chúa khi đến tuổi mười lăm sẽ được an bài hôn sự, sau đó theo lẽ thường mà thành thân, xuất cung, có đất phong và xây phủ Công chúa.
Nhưng vào năm Lý Dung mười lăm tuổi, Lý Minh bảo không nỡ để con gái xuất giá, muốn để nàng ở cạnh thêm mấy năm và nàng đã tin vào mấy lời như thế.
Thời gian cứ trôi, đến năm nàng mười tám tuổi, mẫu hậu bắt đầu đổ bệnh, Lý Minh rốt cục cũng quyết định chỉ hôn cho nàng. Ông mang đến bốn bức vẽ của bốn vị công tử cho nàng chọn, những người này đều có thân phận cao quý, mặt mũi thanh tuấn. Nàng hết nhìn trái lại nhìn phải, cuối cùng quyết định chọn người tuấn tú nhất là Bùi Văn Tuyên.
Đợi đến khi quay về điều tra, nàng mới bị thân thế của Bùi Văn Tuyên làm cho chấn kinh.
Người tên Bùi Văn Tuyên này vẻ ngoài thật ra nhìn cũng không tồi.
Tướng mạo tuấn mỹ, tính tình ôn hòa, lại còn là trưởng tử do chính thất sinh ra. Hắn thậm chí có thể so sánh với Tô Dung Khanh, đệ nhất công tử của Hoa Kinh.
Nhưng vấn đề là hắn không có phụ thân.
Nghe bảo hắn mười bảy tuổi đã đỗ Trạng nguyên, song đúng lúc này, phụ thân Bùi Lễ Chi lại đột ngột sinh bệnh qua đời. Sau đó, hắn bị nhị thúc Bùi Lễ Hiền lấy danh nghĩa thủ hiếu mà đuổi về quê ở Kim Lăng. Ba năm tuy không dài nhưng cũng chẳng ngắn, đợi khi hắn thủ hiếu quay lại, trên dưới Bùi gia đều là người của nhị thúc. Ông ta tùy tiện cho hắn một chức quan bát phẩm nho nhỏ trông chừng nhà lao ở Hình bộ. Chỉ cần ai có mắt liền thấy được ngày tháng sau này của Bùi Văn Tuyên sẽ không dễ dàng gì.
Thậm chí thân phận đích tử cũng chẳng giúp hắn sống thêm được bao lâu.
Điều này giống với một quý tộc sa sút. Phải gả cho dạng người như Bùi Văn Tuyên, Lý Dung đương nhiên cũng chẳng dễ chịu gì.
Vì thế nàng nhanh chóng đi điều tra về ba ứng cử viên khác.
Ba người này lần lượt là thế tử của Ninh quốc hầu Lư Vũ, thứ tử của Dương nguyên soái Dương Tuyền và Tân khoa Trạng nguyên Thôi Ngọc Lang.
Không điều tra thì thôi, điều tra rồi lại khiến người ta giật mình.
Cái tên Lư Vũ kia nghe bảo sinh ra đã ngu ngốc, chỉ là mẹ hắn che giấu quá tốt. Một khi Ninh Quốc hầu mất đi, cái chức thế tử đó sớm muộn gì cũng chẳng còn.
Cái tên Dương Tuyền thì lại là một kẻ điên, từ nhỏ đến lớn luôn đắm mình trong quân doanh. Bảy tuổi đã cầm đao giết người, tính tình hung bạo, những nô tỳ bên người hắn không một ai còn sống.
Về phần Thôi Ngọc Lang, hắn xuất thân hàn vi, theo lý thì đây cũng chẳng phải khuyết điểm gì lớn nhưng vấn đề là người này bình sinh thích nhất dạo thanh lâu, viết thơ tặng cho các cô gái ở đó. Y không xấu nhưng lại sống phóng túng, như thế sao có được tiền đồ trên quan trường?
Trong danh sách chọn Phò mã của Lý Dung, không một ai không phải “bề ngoài sáng sủa, bên trong thối nát” cả. Không biết Phụ hoàng đã tốn bao nhiêu "công sức” mới có thể “tuyển chọn” được một danh sách trượng phu tệ hại nhất nhân gian này cho nàng.
Khi biết rõ gia cảnh của cả bốn người họ, lòng nàng liền lạnh giá. Đêm đó nàng đi tìm mẫu hậu, vốn nghĩ sẽ hồi lại hôn sự với Bùi Văn Tuyên, ai ngờ câu đầu tiên mẫu hậu nói lại là, “Con nhất định phải gả cho hắn”
Lúc đó Lý Dung nhất thời ngẩn người, nhưng lại nghe mẫu hậu bình tĩnh nói, “Thế lực của Thái tử trong triều hiện nay quá lớn, thêm việc nhà ngoại chúng ta quá mạnh, Phụ hoàng con đã đủ nghi kị rồi. Nếu còn gả con cho một nhà có quyền có thế, e rằng Phụ hoàng con sẽ không đồng ý”
“Cho nên con phải gả cho hắn, sống với hắn. Đợi đến khi đệ đệ con đăng cơ, con chính là Trưởng công chúa. Lúc đó, con đồng ý hòa ly thì hòa ly, nếu không, con cảm thấy thích thì nuôi thêm vài nam sủng cũng chẳng thành vấn đề”
Những lời của mẫu hậu khiến Lý Dung bàng hoàng. Từ nhỏ đến lớn, đây là lần đầu tiên có người nói với nàng, nuôi vài tên nam sủng chẳng vấn đề gì. Mẫu hậu đưa tay ra, nhẹ nhàng vuốt ve mặt nàng, ôn hòa nói, “Con gái à, tất cả nữ nhân trên thế gian này đều khổ cả và chỉ có một cách để thoát khỏi cảnh ấy. Đó không phải là cố gắng trở nên hiền lương thục đức mà chính là tay nắm đại quyền”
“Con phải đi tranh, đi cướp, thu hết quyền lực vào tay. Con không thể hy vọng vào số phận so người khác mang đến, cho dù đó là Phụ hoàng, trượng phu hay huynh đệ, con cũng không thể trông mong gì”
“Con tuổi cũng không nhỏ nữa”, ánh mắt mẫu hậu bình tĩnh nhưng thê lương, “Ta cũng không còn nhiều thời gian để bảo vệ con. Con từ nhỏ đã thông minh, gả cho Bùi Văn Tuyên, hắn có tốt hay không thì đã sao? Chỉ cần con ổn là được. Cái con cần không phải là hắn, cái con cần chính là một cuộc hôn nhân để tránh họa”
“Nếu con không gả, Phụ hoàng con sẽ không tha cho con đâu”
Chính vì thế Lý Dung gả cho Bùi Văn Tuyên.
Sau khi gả cho Bùi Văn Tuyên, nàng vốn nghĩ sẽ trực tiếp không màng đến cái tên nhu nhược ấy và tự mình trở thành Trưởng công chúa. Nhưng ai ngờ sau khi thành hôn, nhìn thấy nam nhân tính tình dịu dàng, yếu ớt, tùy lúc đều có thể bị người trong gia tộc trừ khử trong truyền thuyết ấy, nàng mới hiểu được cái gì gọi là “nham hiểm”, “trong ngoài bất nhất”.
Lý Dung có được một đồng minh tốt, bọn họ lợi dụng nhau, tương trợ nhau, nghi kị nhau. Nàng trở thành Trưởng công chúa, hắn thì thành Tể tướng, hôn nhân của bọn họ chính là khế ước mạnh mẽ nhất, là lời thề hợp tác trên triều đường.
Bọn họ là sự kết hợp hoàn hảo và điều đó khiến nàng có chút vui vẻ. Lúc đầu, Lý Dung thậm chí từng có suy nghĩ, có lẽ bọn họ sẽ trở thành một cặp phu thê thật sự, sống với nhau, sinh hài tử và cứ thế đến già.
Đến tận một ngày, nàng bất ngờ phát hiện, thì ra trong lòng hắn vốn đã có người khác.
Điều này cũng không thể trách Bùi Văn Tuyên. Bởi họ cưới nhau vốn là chuyện thân bất do kỉ, nàng sao có thể cưỡng ép đối phương một lòng một dạ?
Không thể nói nàng thích Bùi Văn Tuyên, chỉ là do từng có hy vọng nên khi vỡ lở mới có chút thất vọng.
Con người nàng vốn cao ngạo, không chấp nhận được việc hôn nhân của mình có nửa phần không trong sạch. Nếu đã cưới nhau, thì hai người phải thề nguyện một lòng một dạ với nhau, ai cũng không được có tâm tư khác.
Nếu Bùi Văn Tuyên nay đã có tâm tư khác vậy cuộc hôn nhân này cũng không nên là hôn nhân nữa mà chỉ là một hiệp ước đồng minh.
Vì thế, từ giây phút đó, nàng trở thành Trưởng công chúa Lý Dung, còn Bùi Văn Tuyên, trong lòng nàng, đã vĩnh viễn trở thành Bùi đại nhân.
Bùi Văn Tuyên có người thương trong lòng, hắn cẩn thận bảo vệ nàng ta suốt một đời.
Mà nàng cũng tìm thấy thú vui của chính mình, thưởng nhạc, chơi thấu nhân gian. Sau này khi Tô gia gặp nạn, Lý Dung liều chết cứu thiếu niên thuở trẻ mình ngưỡng mộ là Tô Dung Khanh ra khỏi ngục, an bài trong phủ Công chúa. Sau đó, nàng sở hữu người đứng đầu trong miệng người đời cũng là vị “Khách Khanh” độc nhất.
Bọn họ tự ai sống cuộc đời của người nấy, cuộc hôn nhân này không có những ngày phong hoa tuyết nguyệt, nhưng lại chứa đầy đao quang kiếm ảnh, không ngừng chém giết trên triều.
Bắt đầu ở triều đường, kết thúc cũng ở triều đường.
Khi Lý Dung vẫn đang ngẩn ngơ suy nghĩ thì kiệu đã hạ xuống. Nàng nghe thấy tiếng Tịnh Lan từ bên ngoài truyền vào, “Điện hạ, đã đến nơi”
Nàng nắm quạt vàng trong tay, nâng mắt nhìn lên tấm bảng “Điện Thái Thanh”.
Hiện nay, mọi thứ lại tái diễn….
Nàng nghĩ, lần này nàng vẫn nên chọn Bùi Văn Tuyên chăng?
♪Tác giả có lời muốn nói♪
Lý Dung 18 tuổi, đầu đội mũ phượng, người khoác áo bào, giây phút bước khỏi cung điện liền kiêu ngạo nói với phụ hoàng rằng, “Từ nay về sau, nữ nhi Lý Dung của người đã chết. Trước mặt người bây giờ chính là Nữu Cổ Lộc Lý Dung!”
♪Góc tám nhảm♪
Thể loại cả hai cùng trọng sinh khá hiếm, hoặc nói đây là lần đầu Tây gặp nên rất hứng thú. Thể loại cung đấu không phải là thể loại sở trường của Tây nên dịch có gì sơ suất các bạn góp ý thêm nha