- Thằng Don anh Phong ơi! Nó chết rồi!
Bây giờ nghe tin thằng Don chết thì Trần Phong không còn cảm thấy bất ngờ nữa, từ nãy giờ thần hồn hắn đã nhảy lên nhảy xuống mấy lần rồi, mặc dù còn chưa tận mắt thấy nhưng những gì hắn vừa trải qua thì hắn cũng chắc đến 9 phần là thằng Don đã chết, thậm chí còn chết rất thảm. Nhưng gương mặt của thằng Don vừa rồi trên thằng Đôn vẫn ám ảnh Trần Phong. Hắn vô thức nhìn người kia như tìm kiếm một sự bảo vệ, chỉ thấy người đó gật đầu, tay vuốt vuốt tí râu lún phún mọc dưới cằm ra điều: “Cứ yên tâm, không sao đâu” thì Trần Phong mới dám để thằng Đôn lại gần. Quanh xóm làng có mấy anh em chơi với nhau, chúng nó tuy nghịch ngợm nhưng cũng tình cảm lắm, không cái gì là thiếu mặt nhau cả, từ bắt giun bắt dế ngoài đồng, câu trộm cá, vặt trộm ngô về cũng chia cho anh Phong một tí, mặc dù anh Phong lớn tồng ngồng rồi. Nhưng có ai biết đâu Trần Phong lại là thằng đứng sau chỉ đạo bọn nó.
Hành động vỗ vào đầu vừa rồi của người kia cũng là giữa chốn đông người, tuy rằng ít người để ý nhưng cũng bị những ánh mắt hiếu kỳ dò xét. Lúc này mới thấy bác Diển từ cửa hàng anh Cường vàng mã đi bộ tới và nói:
- À! Bà con! đây là ông thầy pháp tôi quen từ lâu, cũng giúp gia đình tôi nhiều việc, nay đang chơi ở nhà tôi thì làng mình xảy ra chuyện này, nên cũng tới đây xem có giúp gì cho người nhà nạn nhân được không.
Bác Diển vừa nói xong, người đó cũng lên tiếng luôn, giờ Trần Phong mới để ý giọng người đó hơi lơ lớ, như giọng người Tàu:
- Chào bà con, ngổ là chỗ bạn bè lâu năm với bác Diển a, gần nhà cô Hến, cũng có gặp qua cô Hến vài lần, nay nếu như nhà cô ấy xảy ra cớ sự này, ngổ cũng xin góp chút công sức, cho cháu nó yên nghỉ à.
Vừa nói xong, thì có đoàn người từ trong khu mỏ khiêng cáng đi ra, thi thể trên cáng che vải trắng, cô Hến đi bên cạnh vừa đi vừa khóc, mẹ Trần Phong vốn làm ở trạm y tế xã, cũng vào hỗ trợ đội pháp y, đang dìu cô Hến đi ra. Như thế này thì đúng là thằng Don rồi.
Thấy Trần Phong đang đứng ở cổng, mẹ hắn quát:
- Ngó cái gì mà ngó, về đi học đi, sắp thi đến nơi rồi.
Hình như cũng biết giọng điệu không phù hợp với hoàn cảnh cho lắm, mẹ hắn nhẹ giọng:
- Xong chiều về sớm, sang thắp cho em nó nén nhang.
Lần này thì đích xác lắm rồi, mặc dù biết chắc thằng cu Don đã chết, nhưng Trần Phong nãy giờ vẫn tự dối lòng mình, vẫn cố níu kéo một tia hi vọng nhỏ nhoi, nhưng giờ thì hi vọng đã hoàn toàn bị dập tắt. Hắn lặng lẽ quay về cửa hàng nhà anh Cường, bác Diển và ông thầy tàu kia cũng đi cùng hắn về, anh Cường từ xa cũng đã trông thấy mọi việc, anh thở dài nói với bác Diển:
- Thôi, để cháu chuẩn bị cho em nó ít quần áo với tiền giấy để đốt, anh em cùng làng cũng xã với nhau, cháu cũng chẳng lấy tiền đâu.
Bác Diển đang định tiếp lời, thì nhìn liếc qua ông thầy Tàu, hình như ý định của bác nói ra còn chờ ông thầy Tàu kia đồng ý, thấy ông thầy Tàu gật đầu, bác mới nói:
- Vậy bác cũng làm gấp cho thằng bé cái quan, quan thì có sẵn rồi, chỉ sơn sửa lại một chút thôi, bác cũng cho nhà nó thôi chứ không lấy tiền.
Xong rồi bác quay sang nói với ông thầy Tàu:
- Phiền thầy giúp tôi một tay vậy.
Ông thầy Tàu gật đầu đồng ý, cũng ngồi xuống tự rót chén chè, giờ Trần Phong mới nói:
- Vâng! Anh với các bác mỗi người một tay giúp cu Don vậy, chứ nói thật em quý nó lắm nhưng cũng chỉ là hàng xóm, nghỉ học mẹ em mắng em chết. Không thì tối nay em thức phụ nhà nó trông rạp vậy.
Nói rồi Trần Phong đạp xe đi, chắc có đến lớp cũng chỉ cho có lệ thôi chứ hắn cũng chẳng thể học được gì nổi lúc này, mới có khoảng vài tiếng thôi mà quá nhiều sự kiện quỷ dị xảy ra với hắn, quá nhiều câu hỏi trong đầu khiến đầu óc hắn xoay mòng mòng thì làm gì có con chữ nào chui nổi vào đầu nữa.
Vậy là một cái chết thương tâm đã xảy ra ở làng quê yên bình ấy, còn gì đau lòng hơn người đầu bạc tiễn người đầu xanh. Con mất bố mẹ thì thành mồ côi, vợ mất chồng thì ra quả phụ, chồng mất vợ thì gọi là quan phu, nhưng còn bố mẹ mất con, biết gọi là gì? Dân gian ta ngàn đời nay vẫn không có câu trả lời, bởi vì, có lẽ câu trả lời hợp lý nhất, đó là không có một từ ngữ nào đủ để miêu tả về nỗi đau đó cả, không một từ nào...
“Phụ bất bái tử” (cha không lạy con), con chết trước cha mẹ là nghịch cảnh, là bất hiếu, con chưa kịp báo hiếu cha mẹ đã trốn nợ đời, chẳng những cha mẹ không để tang con mà khi khâm liệm con còn phải quấn trên đầu tử thi một vòng khăn trắng. Nếu là đàn bà mà tứ thân phụ mẫu còn cả thì phải quấn đến hai vòng, có nghĩa là ở dưới cõi âm cũng để tang báo hiếu sẵn cho cha mẹ đang ở trên dương trần.
Còn gì đau hơn khi nghịch cảnh người chết để tang cho người con sống, còn người sống thì đang khóc tang cho người chết cơ chứ. Nhất là thằng cu Don, bố mẹ nó từ tận miền biển Tiền Hải – Thái Bình tới vùng này sinh sống, không họ hàng thân thích, sinh nó ở đây, bố mẹ nó không muốn nó quên đi quê hương, nên đặt tên nó là Don, để nó luôn ghi nhớ quê gốc mình ở đâu. Nó còn chưa kịp có em, nên cái tang lễ của nó cũng không một người bái tử, chỉ có vòng hoa trắng, tiếng nhị kéo, tiếng kèn thê lương vang vọng.
Khoảng 3h chiều, vì lớp học ôn thi đại học một buổi chỉ học một môn nên chiều nay Trần Phong được về sớm, vừa về đến nhà, hắn vất cặp sách sang bên rồi chạy thẳng sang nhà thằng cu Don, mẹ hắn không có nhà, chắc là cũng sang bên ấy hộ. Vừa sang tới nơi thì anh Cường vàng mã, đang giúp mấy bác trong thôn dựng cái rạp nên gọi hắn vào phụ.
- Ê! Phong, lại hộ anh cái, ối mẹ nó nặng quá!
Trần Phong chạy tới đỡ, rồi hỏi dồn:
- Giờ tình hình thế nào anh, cần em phụ những gì?
- Chú đứng ở đây giữ cho anh cố định cái rạp, xong lát nữa đi cùng anh ra quán, xách hộ anh ít đồ mã cho nó…
Trần Phong phụ mọi người dựng rạp, trong lúc đó cũng nghe loáng thoáng được mấy bà đang ngồi làm bếp buôn chuyện nên cũng hóng được vài điều.
Bác Trai, bố thằng Don đang công tác ở trụ sở chính công ty thì nghe tin con mình bị nạn, lập tức từ Hà Nội bắt xe về, họ hàng nhà nó ở Thái Bình cũng đang qua. Chỉ có cô Hến là vừa mới được công an thả về. Đúng vậy, được công an thả về để lo tang sự cho thằng cu Don, vì cô Hến hiện đang là tình nghi số một về cái chết của nó. Trần Phong cũng không khỏi ngỡ ngàng, hắn cố dỏng tai lên để nghe cho tròn câu chuyện.