Có một bức mật thư, bọc trong sáp ong, thời đó gọi là lạp thư, được một thủ hạ của phò mã Thân Cảnh Phúc là Nùng Tông Đản cưỡi ngựa suốt đêm ngày từ biên thùy đất động Thất về kinh đô Thăng Long. Thư gửi thẳng cho nhà vua triều Lý. Nhưng vua cho đòi Lý Thường Kiệt và nhiếp chính Ỷ Lan vào thương nghị. Lá được bóc khỏi vỏ sáp vàng. Thư được viết trên một vuông lụa bạch. Trong thư viết rằng: “Tiên đế của đại vương là người Man Bách Việt. Tôi nghe nói các công hầu khanh tướng người Giao chỉ nhiều người cũng có gốc tích từ đất Bách Việt. Bá Tường này tài lược không kém người, nhưng không được vua Tống trọng dụng. Vậy xin quay đầu giúp đại vương. Bá Tường nay ở trong lòng đất Tống, nghe biết vua quan nhà Tống đang ráo riết tụ quân tích lương thảo để phát binh đánh diệt Giao Chỉ. Chẳng lẽ Giao Chỉ nằm yên như con mồi chờ thợ săn đến đánh bắt giết chết ư?”
Lúc ấy, vua Nhân Tông đã xấp xỉ mười tuổi và đã tỏ ra là một cậu bé có khí chất thiên tử. Nghe đọc thư, cậu vỗ tay reo lên:
- Thế thì ta xuất quân đánh ngay thôi… còn chờ gì nữa nào.
Ỷ Lan phu nhân đưa mắt nhìn Lý Thường Kiệt, như để dò hỏi xem điều con mình nói có thể thực hiện được hay không. Tiết chế lắc đầu tâu rằng:
- Muôn tâu hoàng thượng, tâu lệnh bà nhiếp chính, lá mật thư này nói đến cái điều mà ta biết từ trước rồi. Vì từ lâu người Tống vẫn có ý định tràn quân sang cướp nước ta… biến cả vùng Hoa Hạ thành kho lương thảo rộng lớn, đủ sức chu cấp cho đạo quân vài chục vạn người vài vạn ngựa… Chúng còn tìm cách chia rẽ các thủ lĩnh sách động ở vùng núi rừng biên thùy hai nước… Ta đã phá được một phần nào mũi dao thứ hai chém ngang lưng ta. Vùng sách động nào từ lâu có quan hệ mật thiết với ta đã trở thành phên giậu của triều đình ta… Còn quân giặc tụ lương trong vùng Hoa Hạ ta biết nhưng chưa đến lúc tính… Lá thư nói đến một điều các thám tử của ta đã cho ta biết khá đầy đủ, thật không có giá trị gì… Còn chuyện mà y xui giục thì… ta cũng đã đôi lần nghĩ đến, nhưng còn phải cân đi nhắc lại xem có nên hay không… Lại nữa, việc ý tự xưng mình có tài trí hơn người và hứa hẹn nội ứng thì càng phải xét kỹ xem sao đã… Xin bệ hạ cứ giao việc này cho khu mật viện trù tính tùy cơ mà định liệu…
Nhà vua còn ít tuổi, tuy có chí, nhưng thấy vị tể tướng trình bày rắc rối vòng vo thì cũng đành ừ theo. Lý Thường Kiệt bèn sai cơ mật viện cử thám tử dò xét thêm về tình hình Hoa Hạ và bản thân cái con người có tên là Từ Bá Tường…
Thế là kể từ ngày tiến quân lên Siêu Loại chủ trương việc giành quyền phụ chính vương triều đến nay đã hơn hai năm. Hai năm Lý Thường Kiệt canh cánh nỗi lo hàn gắn tấm áo giáp ngoại biên tái phương bắc và sức hung hăng của Vương An Thạch cùng Tống Thần Tông trong giấc mộng nam chinh. Tay chân viên tể tướng bị buộc phải từ chức còn đầy trong triều và tỏa khắp nơi nhất là vùng biên thùy Hoa Hạ. Ở đây ngày ngày chúng đưa những tin kích động về triều để nuôi cho Tống Thần Tông không thể nguôi được khát vọng xuất binh về phương nam. Vào tháng ba năm Giáp Dần (1074), sau cái vụ con kỳ lân một sừng đi cặp đôi tấn công vào triều đình nhà Tống, thì tay chân của Vương An Thạch đưa tin về triều báo rằng: Theo tin của thám tử và khách thương người Trung Hoa ra vào nơi Thăng Long thì năm nay, Giao Chỉ tụ binh muốn phạm đất ta…
Tống Thần Tông lo lắng bảo các thượng thư lục bộ rằng:
- Trẫm sợ các biên thần không biết lượng sức mình, không liệt định được sức giặc mà đưa quân ra xa thành trại, ham đánh bắt có khi mang vạ… Vậy các người phải cấp báo cho viên quan coi thành Ung Châu là Tô Giàm biết rõ. Và phải dặn rằng nếu quân man dám phạm đến ngoại vi thành Ung, thì phải kiềm quân mà cố thủ. Chớ có tham lập công mà khinh địch.
Tay chân Vương An Thạch là Lưu Di, tuy chủ của mình buộc phải rời ngôi tể tướng, nhưng ra biên ải vẫn trung thành với các chính sách của chủ. Y xin nhà vua mở kho lúa gạo, không những thế, vào năm Giáp Dần vùng biên thùy hạn hán lớn, Lưu Di đã xin với triều đình hoãn thuế cho khắp các miền khê động thuộc Hoa Hạ. Vua đã y theo. Được cái thế với dân, Lưu Di lấy tiền mộ quân và dân lưu tán mở nhiều đồn điền. Tung tước lộc và lúa gạo để phủ dụ, vỗ an lòng dân man động, tìm cách chia rẽ các khê động nằm trong phạm vi ảnh hưởng của triều Lý…
Tình hình biên thùy phương nam biến động, vua Tống Thần Tông bối rối vì tể tướng Vương An Thạch đã vắng mặt gần mười tháng trời. Phe cựu thần không có phương cách gì gỡ đám rối do tể tướng họ Vương đã tung ra, và các tay chân còn lưu lại trong triều ngoài ải càng ráo riết làm cho rối thêm. Đó là áp lực giúp Tống Thần Tống có điều kiện triệu Vương An Thạch ra giữ chức cũ, vào tháng hai năm Ất Mão. Vừa nắm lại chính quyền, Vương An Thạch đã quyết đoán việc phương Nam. Họ Vương chủ trương nhường đất cho Liêu Hạ, để tránh phải dồn quân giao tranh phía bắc, rồi tập trung sức lực đánh lấy vùng đất rộng lớn phía nam. Đánh nước yếu để dọa nước mạnh vẫn là phương sách cố hữu của Vương An Thạch. Tống Thần Tông có một chút chần chừ, thì Vương An Thạch tâu ngay:
- Muốn lấy thì trước phải nhường cho… Muốn bắt cá phải mất mồi câu… Câu cá to thì mồi phải là con cá nhỏ… Lưỡi câu có sắc mấy, nhưng không thể bắt được cá nếu không mắc mồi vào lưới câu.
Cái mồi mà Tống Thần Tông phải chấp nhận theo ý của Vương An Thạch là bảy trăm dặm đất Hà Đông phải cắt ra để biếu nước Liêu. Thật là cực chẳng đã. Nhưng đổi lại là biên thùy phía bắc tạm yên. Rảnh tay bắc thùy, Vương An Thạch lệnh cho Lưu Di tụ binh tụ lương gấp rút. Vương An Thạch thác mệnh vua viết chiếu bắt miền Hoa Hạ thay thế quân thường thủ già yếu bằng thổ binh bảo giáp. Cứ ba đinh bắt một. Nhưng Lưu Di ở miền biên tái sợ rằng quân chưa đông nên không những bắt thêm quân lại còn giữ lại đám quân thường thủ không cho về như lệnh của tể tướng vì y nại cớ rằng: “Bản chức tiếp tin mật từ xứ Man cấp báo, vì sợ có nguy cơ chúng tràn lên cướp phá”. Tình hình biên thùy trở nên cháy bỏng vì những hành động ráo riết của Lưu Di. Tô Giàm từ thành Ung Châu thấy thế nguy của một cuộc động binh nên đã vội viết thư khuyên can Lưu Di rằng: “Ta tụ quân ở bên này, ắt người Giao Chỉ tụ quân ở bên kia. Nạn binh đao khó tránh. Nay, xin đại nhân xem xét lợi hại, và phải bỏ ngay ba việc đang làm là rèn tập binh sĩ, đóng chiến thuyền thủy trấn, cấm chợ quan ải đóng cửa bạc dịch trường, để cho người Giao Châu nếu có muốn cất quân cũng không tìm được danh nghĩa nữa”.
Ỷ thế nâng đỡ của Tể tướng Vương An Thạch, Lưu Di viết lệnh hặc Tô Giàm, trách viên coi thành Ung Châu này can tội bàn ngang nói nhảm. Và đe rằng nếu Tô Giàm còn bàn việc biên sự nữa thì sẽ bắt về đến tận triều đình để tể tướng tâu vua trị tội. Tống đang dụ binh tuyển ngựa, và chia ngựa cho các thổ đinh và động đinh nhận bảo giáp nuôi. Lý Thường Kiệt nghĩ ra một phương kế hữu hiệu nhất là sai lái buôn Lý Chăm xuất quỹ tung tiền mua ngựa. Công khố sẵn sàng mở rộng, nhưng Lý Chăm lắc đầu:
- Bẩm tướng công tiền của ta không sánh được với tiền của vua quan nhà Tống tung xuống miền Hoa Hạ này… và tướng quan hẳn chưa quên rằng miền biên tái hai nước có nhiều mỏ kim sản, nhiều bạc vàng và đồng để đúc tiền hay sao… Ta mở công khố làm sao mua xuể ngựa để phá được chính sách bảo mã của tể tướng họ Vương.
Lý Thường Kiệt quắc mắt:
- Thế ta đành bó tay hay sao?
- Bẩm tướng công… Lý Chăm này đã cất hàng thì phải lãi chứ đời nào chịu bó tay ạ…
- Thế nhà ngươi có phương kế gì?
- Dạ, tôi chợt nghĩ đến chuyện mang muối đổi ngựa…
- Mang muối… sao ta lại cấp muối cho chúng nó… Ngươi nên nhớ rằng muối ở miền sơn cước còn quý hơn cả máu…
Lý Chăm cười lớn:
- Chăm này nhớ lắm chứ… nhớ lắm chứ… nhưng xin tướng quân cứ bình tâm để Chăm này phân giải tường tận… Trước đây mười phần muối dùng cho khắp miền Hoa Hạ thì bảy tám phần là muối do lái buôn Giao Chỉ mang lên chu cấp trao đổi… Nhưng nay vì chính Lưu Di nghe lệnh Vương An Thạch cấm chợ nên ải đóng bạc dịch trường, thì cái bảy tám phần muối ấy mất đi… Hơn nữa việc tụ lương tích cốc của các quan tướng của Tống ở Hoa Hạ cũng tích cả muối làm sự khan hiếm muối lại càng tăng… Đã thế, Lưu Di theo cách của Thẩm Khởi bắt thuyền chở muối thuyền buôn tập thủy trận, vì lẽ ấy việc chở muối ngược lên các sách động lại càng cản trở… Nghe nói muối bên kia đã nặng bằng sức nặng của đồng khối, nghĩa là một cân muối nặng bằng một cân đồng… sắp sửa nặng bằng bạc khối… Dân ở các sách động đang đói muối… nay ta chở muối lên đổi, dân các sách động phía bắc thùy bên kia sẽ đều hướng vào ta và với muối ta có thể làm tán loạn đàn ngựa bảo giáp của chúng… Xin tướng quân cứ cho Lý Chăm này lo liệu việc lớn này…
- Được, ta sẽ mở quốc khố cấp vốn cho nhà ngươi, cho nhà ngươi tùy nghi sử dụng…
Thế là hàng trăm thuyền đinh chở muối được chở ngược từ miệt đồng chiếng ngược lên miền giáp ranh biên ải, trữ sẵn ở Thất. Phò mã Thân Cảnh Phúc thân đem quân từ động Kép lên đóng ở đó để bảo vệ, và cho các dũng sĩ dũng cảm thân tín đi xuyên vào châu Quảng Nguyên để tìm tù trưởng Lưu Kỷ. Tù trưởng Lưu Kỷ vốn là một chúa động ở vùng Quảng Nguyên và trước đây đã từng là một thủ túc của Nùng Trí Cao. Khi Trí Cao bại, Lưu Kỷ nổi lên thúc ước một số sách động tiếp tục chí của người chủ tướng cũ, nhưng việc làm có ý biệt lập này làm cho cả hai bên nam bắc thùy không ưa. Vì thế mà Lưu Kỷ lúc ngả bên này lúc ngã bên kia, có khi chạy sang hẳn phía Tống nhưng bên Tống cũng không thu nạp… Lúc này mà không thu nạp thì nhất định bị đói muối to… Biết lẽ ấy, và lại biết Lưu Kỷ vốn người động Thất lưu tán đi, mà dân động Thất là dân nuôi ngựa và buôn ngựa nổi tiếng khắp mọi vùng, nên Lý Chăm bàn với Thân Cảnh Phúc lôi kéo Lưu Kỷ đến kho muối lớn. Táo gan đến như Lý Chăm cũng không dám ở lại kho muối với đám lính tráng và mã phu của mình, ông ta phải yêu cầu phò mã Thân Cảnh Phúc cử đại binh canh giữ. Vì cái bọn đói muối bên kia có thể liều chết mà đánh cướp rất táo tợn.
Khi Lưu Kỷ được biếu muối và mời sang, cũng là lúc Kỷ đang ở cái thế tuyệt vọng nhất. Vì thế, Kỷ sang ngay. Lý Chăm mang muối gạ đổi ngựa. Kỷ đổi ngay. Lý Chăm dẫn Kỷ đi xem kho muối lớn và gạ Kỷ mang muối đổi ngựa hộ cho mình… Muối là vàng mà ngựa cũng là món hàng một vốn bốn lời, rất sở trường của Lưu Kỷ và những tay chân thuộc hạ của mình, vì thế Lưu Kỷ nhận lời ngay… Thế là những thủ hạ thân tín của Lưu Kỷ chia nhỏ từng mươi mười lăm người thồ muối đi xuyên vào nội địa các động giáp Hoa Hạ đổi muối lấy ngựa. Đàn ngựa bảo giáp suy suyển, rung động… Đám tay chân thủ hạ vốn là những tù trưởng cũ như Hoàng Trọng Khanh, Lư Báo táo tợn hơn, tiến sâu hẳn vào các động giáp thành Ung, thành Khâm để phá đàn ngựa bảo mã dựng trong quân. Vì ở đó tình cảnh đói muối vô cùng khủng khiếp… Việc này làm Lưu Di bối rối. Để kiềm chế Lưu Kỷ và đám bộ hạ, Lưu Di chưa dám động binh mà chỉ sai mấy tên tù trưởng khê động giữ chức đô bảo giáp ngăn cản việc buôn bán phá đàn ngựa bảo mã theo tân pháp của Vương An Thạch. Con đường buôn muối đổi ngựa của Lưu Kỷ phải tất yếu xuyên qua động Quí Hóa. Nùng Trí Hội vốn là con Trí Cao, nhưng đã đầu hàng quân Tống và chịu qui phục. Được lệnh Trí Hội cản con đường Lưu Kỷ buôn ngựa. Từ phía sau động Thất, phò mã Thân Cảnh Phúc giúp Lưu Kỷ vũ khí lương thực và giáp mã kén đủ ba ngàn quân tiến lên đánh vào động Quí. Trí Hội cùng con là Tiền An cũng được Lưu Di cử quân các động giáp khác nằm trong số quân đội bảo giáp hỗ trợ cự lại…
Từ kinh đô, Lý Thường Kiệt lên tận sông Như Nguyệt để điều hành mọi việc. Thấy việc tiến quân chưa lợi, Lý Thường Kiệt bảo công chúa Thiên thành viết thư thả theo cánh chim nhắn phò mã Thân Cảnh Phúc hối thúc việc lui binh của Lưu Kỷ. Ngầm ý của Lý Thường Kiệt không muốn việc này động đến tận cung đình nhà Tống. Vì lẽ đó ông cố giữ quy mô của việc xô xát gươm đao như một vụ xô xát gươm đao bình thường giữa các giáp động biên thùy.
Nhưng Lưu Di đã tâu ngay việc này với triều, coi như một triệu chứng bắt đầu có biến động giữa hai phía Tống Lý ở biên thùy. Riêng về việc Nùng Trí Hội thì Lưu Di lại tâu thêm rằng: Thật ra Trí Hội chưa theo hẳn ta, nên để hai bên cứ đánh nhau như thế, thua được đều có lợi cho triều đình.
Lúc này tại Biện kinh, Tống Thần Tông nôn nóng phát binh nam tiến lắm rồi, nên nhà vua không thể chịu được cách cư xử có vẻ dửng dưng đối với những tướng tiên phong như cách cư xử của quan kinh lược Hoa hạ Lưu Di. Nhà vua hạ chiếu khiển trách rằng: “Sao nhà ngươi lại nói thế. Nếu ta không dung kẻ theo ta, thì kẻ không theo ta được đắc chí. Bày phương kế như thế là bậy”.
Tể tướng Vương An Thạch phụ họa theo:
- Quả thực hoàng thượng chí phải. Chí phải. Nếu quả thật Nùng Trí Hội chưa thật bụng theo ta như lời Lưu Di nói, thì cũng nên nhân cơ hội này mà mua chuộc dỗ dành nó… Vả nay Càn Đức còn nhỏ. Nếu Lưu Kỷ đánh được Trí Hội, rồi thừa thắng quay lại đánh lấy Giao Chỉ, thì đó lại là cái họa cho ta. Nay ta nên giúp Trí Hội để khắc chế Lưu Kỷ…
Thế là Lưu Di được lệnh mở kho Hoa Hạ cấp lương bổng và tiền bạc cho Trí Hội rất hậu, và chuyển cho con trai Trí Hội là Tiến An giữ chức Tây đầu cung phụng tướng quân. Đồng thời chiếu chỉ của vua Tống Thần Tông được truyền đi khắp các khê động biên thùy phải gấp rút mộ đinh tráng, sẵn sàng gươm giáo cung tên để làm thanh viện cho Nùng Trí Hội. Vua lại hẹn rằng sẽ trọng thưởng cho các tù trưởng khê động nào có công giúp Trí Hội đánh giặc. Mặt khác vua Tống Thần Tông sai Lưu Di sửa sang đường sá trên các trục đường từ Trung Nguyên nhằm xuống Giao Chỉ gấp rút, kiểm điểm các kho lương thảo vũ khí dọc đường… Cả biên thùy phía bắc rung động vì những cuộc diễu võ giương oai ráo riết của các động giáp thuộc sự khống chế của triều Tống. Các động đinh, thổ đinh trong các khê động bị điểm thành lính tráng tràn sang cướp phá biên thùy. Trong khi ấy thì các kho đụn dọc các tuyến đường tấn công từ trung châu xuống biên thùy phía nam đầy ắp quân lương. Thành Ung, thành Khâm, thành Liêm trở thành những cứ điểm quân sự đông đặc lính tráng.
Lúc đó trong cung điện Thăng Long, Thái phi nhiếp chính ngày đêm vắt của trong quốc khố và dân gian để dựng đủ bẩy mươi hai ngôi chùa lớn nhỏ và một ngôi chùa vô cùng nguy nga để thờ những người bị chết trong cung Thượng Dương. Tiền bạc đổ vào như nước lũ làm hao tán ngân sách triều chính không ít. Nhưng không ai có thể can được việc này, kể cả vua và Tiết chế Lý Thường Kiệt. Thấy bà Thái phi nhiếp chính chìm đắm trong việc cầu nguyện, Lý Thường Kiệt hết sức lo ngại. Ông càng tìm hết cách để tập trung quyền hành cho mình. Vua bằng lòng và phong thêm cho ông là Đôn quốc thái úy, đại tướng quân, đại Tư đồ thâu tóm cả việc triều chính việc quân sự, kiêm việc văn việc võ. Người đời sau nói rằng, ông trong thì nắm đại chính, ngoài thì coi sư lữ, dốc một lòng lấy sự yên xã tắc làm vui… Nhưng lúc ấy xã tắc như đang nấu nung trên ngọn lửa của chiến tranh. Phía nam thì Chiêm Thành đang quật khởi nhăm nhe đánh vào biên thùy, phía bắc thì quân Tống đang tụ khắp cả miền Hoa Hạ chuẩn bị tràn xuống…
Lý Thường Kiệt xin vua trao chức Thái phó bình chương quân quốc trọng sự cho viên tể tướng bị biếm chức trong châu Hoan là bậc đại nho Lý Đạo Thành. Việc này làm bà Thái phi nhiếp chính Ỷ Lan giật mình kinh hãi. Bà Thái phi vội can ngăn:
- Khanh không nhớ Lý Đạo Thành là kẻ thù của ta, kẻ thù của con ta ư?
Lý Thường Kiệt lắc đầu:
- Tâu lệnh bà, tôi rất nhớ… nhưng càng nhớ càng phải cố mà quên, tìm mọi cách để không những mình quên mà mọi người đều quên. Quên cái mối thù riêng để lo đến thù chung của nước.
- Nhưng liệu Lý Đạo Thành có chịu quên không?
Lý Thường Kiệt trừng mắt:
- Không quên cũng không được… không được…
Bà Thái phi lo lắng:
- Nhưng ngộ nhỡ người ta cố tình không chịu quên… Trong khi khanh bận việc chinh chiến ở ngoài cõi, người ta có manh tâm làm phản thì làm sao bây giờ…
Lý Thường Kiệt nghiến răng:
- Đã đến nước ấy, thì việc không thể dùng lưỡi mà nói điều phải trái với nhau, thì cũng đành phải dùng đến lưỡi gươm… Lệnh bà cứ yên tâm, vì sự an nguy của xã tắc, vì ngai vàng của chúa, tôi không bao giờ dám rời tay kiếm… Nhưng lệnh bà cũng chớ nên quá lo xa… Tôi vẫn tin ở đức ông Lý Đạo Thành. Đức ông là một bão thần, đã trọn đời giúp giập ba đời vua triều Lý ta. Tấm lòng trung quân ái quốc của người vằng vặc sáng như vầng nhật nguyệt… Tuy đức ông vì câu nệ chuyện danh nghĩa mà chống lại ta, nhưng cũng là vì giường mối xã tắc mà phải làm như thế chứ đâu phải vì một chuyện yêu ghét riêng tư… Việc đức ông bị biếm ở châu Hoan cho đến nay vẫn âm ỉ gây mầm chia rẽ trong triều ngoài nội. Các bậc nho giả vốn trọng đạo thánh hiền vẫn ngoảnh đầu về phương ấy chưa thực bụng theo ta. Lúc này xã tắc ở thế ngàn cân treo sợi tóc… ta phải tìm mọi cách mà kết thành một mối. Tự tôi, tôi sẽ thân hành mang đại quân vào kinh lý nam thùy rồi đón rước bậc đại nho được tất cả sĩ phu ngưỡng vọng về triều để ngưỡng vọng của trăm họ đều hướng cả về ta…
Trước khi cử đại binh để gây thanh thế vỗ yên biên thùy ở phía Nam, Lý Thường Kiệt xin nhà vua Nhân Tông hạ chiếu cầu hiền, tuyển những người tài giỏi còn ở trong dân gian ra giúp nước và đặt định lệ mở khoa thi đầu tiên về nho học trong nước ta. Lý Thường Kiệt mang kiệu cánh phượng vào tận đất châu Hoan để rước vị đại nho nguyên tể tướng ra đứng tên chủ khảo cho kỳ thi quan trọng này.
Sau hơn hai năm ẩn thân suy ngẫm về lẽ hưng vong của triều vua và đất nước, vị đại nho đã ngoài tám mươi tuổi nhìn viên quan hoạn đắc thời hiện nắm trọn quyền triều chính lại chịu bỏ thân đến trước mình với con mắt khác… Tuy cái oán, cái thù riêng vẫn khó có thể xóa mờ được, nhưng ngọn lửa chiến tranh ngùn ngụt trên bắc thùy đã làm cho bậc đại nho giàu lòng yêu nước kia nén lại nỗi niềm riêng.
Vị đại lão thần bị biếm run run hỏi:
- Quan đại tư đồ nghĩ gì mà giữa lúc nạn binh lửa đang lan tràn phương bắc lại đứng ra lo việc thi cử ở giữa kinh đô?
Lý Thường Kiệt cúi đầu thưa rằng:
- Nước càng trong nguy cơ đại loạn, nhân tài càng phải liên kết, tất cả những người tài trí trong nước phải được mời ra để giúp vua cùng ghé vai gánh vác gánh nặng giang sơn…
Vị đại nho gật gù:
- Quan tư đồ nghĩ thế cũng chí phải… nhưng liệu binh lửa ngút trời có còn thời gian mà làm được việc hệ trọng đến là nhường ấy hay không…
- Chỉ cần lão trượng vén tay bước lên kiệu về kinh thành Thăng Long… mọi việc cứ để kẻ hậu sinh này lo toan chu tất.
Khoa thi đầu tiên của đất nước Đại Việt được tổ chức giữa những ngày nước sôi lửa bỏng ấy. Nhà vua mới vừa mười tuổi. Hàng vạn thạch lương thảo của nhà Tống đang tụ tập lại ở thành Ung Châu, Khâm Châu, Liêm Châu chuẩn bị cho hàng chục vạn quân tràn xuống cướp phá Thăng Long, và biên thùy phương bắc đang ngút lửa của các cuộc dấy loạn giao tranh vùng giáp ranh hai nước… Vốn đức thận trọng, vị đại nho Lý Đạo thành vẫn bình tĩnh chấm từng quyển văn bài của các thí sinh, lấy đỗ bọn nhà nho trẻ tuổi là Lê Văn Thịnh… Và chọn Thịnh vào cung dạy vua học hành… Các người đỗ khoa ấy là những người được tuyển chọn đều được cử gấp rút đi trị nhậm các cung viện và các phủ huyện châu động trong nước…
Khi Thăng Long tưng bừng mở khoa thi dưới quyền chủ tọa của vị Thái phó bình chương quân quốc trọng sự Lý Đạo Thành thì viên Tể chấp đại tư đồ Lý Thường Kiệt dẫn quân lên sông Như Nguyệt…
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK