Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Vậy Lý Chăm là ai?

Hình tích con người này như thế nào? Có đúng như lời khai ghi trong tín bài hay đó chỉ là lời khai man trá. Tại sao với cái tín bài ấy, người họ Lý tên Chăm kia có thể vượt qua những mắt lưới thám tử Tống triều dầy đặc đi suốt chiều ngang vùng Hoa Hạ. Mãi cho đến quan ải cuối cùng này thám tử nhà Tống mới mò ra hình tích và phát lệnh truy nã.

Lý Chăm đúng là tên thật của một khách thương kẻ Cời. Tên đó có ghi trong sổ đinh, sổ hộ, sổ đại hoàng nam lưu ở lộ Đông Ngàn. Đất Giao Châu xưa, thì hạt Đông Ngàn vẫn nổi tiếng là phong lưu, bạt thiệp. Bởi chưng đất này là đất cửa ngõ của chốn Kẻ Chợ đô hội nối với cả vùng núi rừng khê động mênh mông giàu có. Cũng là cái cửa ngõ của dân các động về chốn kinh kỳ. Hơn nữa đường này lại là đường giao thương chủ mạch từ đất Giao Chỉ sang đất Trung Nguyên. Đường này là con đường muối từ biển Đông ngược lên các khe động sang tận đất Hoa Hạ. Con đường này cũng là con đường buôn trâu từ các đồng cỏ cao nguyên về cấp cho dân đồng bằng cày cấy. Kẻ Cời từ lâu nằm trên đường giao lưu huyết mạch ấy. Nó không những là trạm nghỉ của những đàn trâu rời rừng về xuôi, mà cũng là những trạm đổi vai của những thuyền buôn muốn ngược ngàn của lái buôn. Bởi lẽ đó dân Kẻ Cời nổi tiếng là dân buôn sành sỏi. Rời cái cày cái cuốc trên mảnh ruộng hẹp hương hỏa ven sông, là cái làng Cời kẽo kẹt mua chợ gần bán chợ xa, còn trai làng Cời kẻ giong buồm vào Hoan Diễn, kẻ xuôi mái chèo ra Vân Đồn, lại có kẻ gài gươm ngang hông vỗ đàn ngựa thồ vượt đèo lội suối ngược lên buôn bán tận các khê động với các tù trưởng, hay sang đất Hoa Hạ cất hàng…

Kể từ ngày nhà Lý kên ngôi, nhất thống cả nước, lập đô tại đất Thăng Long, biến đất này thành đất phát tích căn bản, thành thang mộc ấp của triều đình, nên dân ở đây nhất là lái buôn thuộc đất kẻ Cời, kẻ Thổ, kẻ Lim, kẻ Từ…lại càng được ưu đãi. Mà ưu đãi cũng phải, vì chính họ biết lấy muối cất từ phía Đông, phía Nam mang đi đổi sắt để triều đình có vật liệu đúc binh khí, ngược lên mỏ đồng Tụ Long đổi đồng để quan ngân khố mở trường đúc đồng, đầu tiên đúc đồng tiền Thuận Thiên đại bảo, đồng tiền đầu tiên của nhà Lý. Cũng chính những lái buôn này đã mua các thứ đồ quốc dụng ở bạc dịch trường vùng biên thùy nước Tống bằng cách đổi chác buôn bán để cho triều nhà Lý cũng huy hoàng tráng lệ chẳng kém gì triều đình nhà Tống đóng đô mãi tận Biện Kinh. Từ thủa bé, mới nứt mắt làm người cậu bé Lý Chăm đã được cha dẫn theo phường buôn kẻ Cời xuối phía Nam lấy muối, đóng thành sọt đan bằng tre lót lá gồi, bọc lá nón. Cứ mỗi sọt hai mươi lăm cân ta. Các sọt muối đóng lên thuyền chống, ngược lên thượng nguồn. Tại đây các sọt muối được cất lên lưng ngưạ thồ. Mỗi con ngựa thồ, chất được bốn sọt muối, vị chở được một tạ muối; muối ở vùng khê động quý hơn cả máu người. Muối đổi lấy trầm hương, xương hổ, ngà voi, sa nhân, cùng các thứ sản vật quý khác. Nếu tiện đường thì lại chở sản vật về kinh kỳ Thăng Long bán lấy lời. Còn nếu thuận đường thì lại đóng lên ngựa thồ vượt cửa ải quan vào đất Hoa Hạ, tìm đến các bạc dịch trường để đổi lấy những sản vật hiếm của đất Trung Nguyên mang về Thăng Long bán. Một quan tiền vốn bỏ ra mua một sọt muối ở phía nam, qua một năm lưu lạc gian truân, vào sống ra chết, đã có thể biến thành những lạng nhân sâm quý hơn những nén vàng, những tấm lụa Tô Châu, vóc Ba Thục, mỗi tấm đáng trăm quan tiền. Cái câu: “Một vốn bốn lời, nhất bản vạn lợi” có lẽ vì thế mà sinh ra.

Ngay từ bé, Lý Chăm đã được cha dìu dắt nhận biết được điều đó. Cũng vì được theo cha xông pha giang hồ khắp núi rừng khê động, nên cậu bé Lý Chăm cũng hiểu những phút nguy gặp cơn bão rừng, gặp đàn thú dữ, và nhất là gặp những toán lục lâm, dữ như cọp beo, hùm sói. Cái chế luôn luôn như thanh gươm kề cổ những người lái buôn liều mạng. Nhưng hiểm nguy không làm chùn bước cậu bé ngỗ ngược thông minh. Lớn lên cậu theo đòi nghề của làng, nghề của cha, quanh năm giang hồ tứ xứ, nay kinh kỳ, mai biên ải với cái nghề bấp bênh mạo hiểm, lúc gặp thời trong tay có đến ngàn lạng vàng, nhưng thua lỗ hoặc bị cướp bóc, hoặc bị đắm thuyền, giữ được tính mạng thì hai bàn tay trắng… Rồi lại thu góp vay lãi làm lại từ đầu… Gian truân không kỳ quản… Nhưng đúng vào lúc gieo neo nhất, khi lái buôn Lý Chăm rơi vào cảnh trắng tay một lần nữa, mà không cào cấu đâu ra chút vốn liếng nhỏ nhoi về mạn chợ Cồn cất muối, ngược lên động Giáp, động Đặc Ma đổi trâu; Lý Chăm lang thang hết phường Hà Khẩu đến phường Bạch Mã để chạy vạy giật gấu vá vai… Không ngờ có một người từ nội cung ra tìm. Cái cảnh lái buôn không một xu ở hầu bao, dưới tay không có một chút hàng gì mà được khách vời, hơn nữa lại là loại khách quyền úy, hào phóng thì có còn thảm nào thảm hơn nữa. Lý Chăm vuốt bụng thở dài. Nhớ lại những lần cất được mẻ hàng lớn từ bạc dịch trường Đặc Ma, Vính Bình về, lại được nơi cung cấm vời vào, thì đúng y như trời cho của.

Các cung nữ, các bà phi, đua nhau ném tiền ra mua hàng như mưa rào mùa hạ. Hàng càng quý, càng đắt tiền, họ càng tranh nhau mua. Giá đặt cao bao nhiêu cũng không ai kỳ kèo thêm bớt… Nếu lần này lại có hàng, thuyền từ bạc dịch trường Châu Khâm về không bị cơn sóng thần đột ngột nổi lên cuốn sạch, có phải bây giờ bốc ngàn vàng làm giàu trong giây lát không? Nghĩ cám cảnh cái thân lái buôn cạn vốn cùng đường, Lý Chăm đã toan vuốt bụng thở dài từ chối không vào hầu trong nội cung. Nhưng từ thời các vua Lý đầu tiên lập nghiệp, thể chế triều đình mới định, các phép luật không còn xuề xòa như thời các sứ quân, thời vua Ngô, vua Đinh… Vì thế các khách thương có ý biết sợ, không còn dám nhu nhơ như trước, như cái hồi triều đình mới bắt đầu kén cung tần mỹ nữ lập nội cung. Rập theo thể chế nhà Tần, nhà Đường… Đời các vua trước, các triều trước tuy có khi xưng đế lúc xưng vương, nhưng còn mải lo chinh chiến chống thù trong giặc ngoài, nên thể chế cung đình chưa định liệu chu đáo. Vua Lê Đại Hành còn đi guốc tiếp sứ, nơi hậu cung vài ba bà hoàng hậu đối đãi như hai ba bà vợ của các tù trưởng lớn, chưa có sự cách bức với dân chúng nhất là với khách thương. Quanh các bà cũng mới chỉ có vài mươi tỳ thiếp, dăm bày nữ tù nhân bắt được sau những cuộc chinh chiến… Đến nhà Lý, việc xưng đế đã thành, nhà Tống bận việc động binh thôn tính các chư hầu và chống nhau với các bộ tộc Liêu Hạ, lại vì nhụt chí sau chiến bại trước vua Lê Đại Hành, nên vùng đất Đại Việt thoát cảnh binh đao. Các vua Lý có thời gian để định lại triều cương dựng nền đế chế. Trong các việc tạo dựng kinh đô, các vua bắt đầu dựng nên khu nội cung, tuyển cung tần mỹ nữ, kén quan thị. Việc nội cung và triều đình bắt đầu phân cách từ đó. Nội cung thường có quyền thế đôi khi lấn lướt cả các quan đại thần. Lệnh của nội cung đòi không thể nào lần chần được. Vì thế lái buôn Lý Chăm phải tất tả theo viên thị vệ vào chầu.

Lý Chăm ngạc nhiên vì không thấy có một bà phi nào hỏi mua hàng mình cả, mà người tiếp mình lại là một viên tướng trong nội cung. Viên tướng này, tạng người tuấn tú quắc thước, da trắng như mặt thư sinh, mắt đen sâu tròn như mắt cọp, môi đỏ nhưng môi mỹ nữ. Dáng điệu khoan thai trầm tĩnh. Lý Chăm giật mình. Như thế là thế nào nhỉ? Rõ ràng đây là hậu cung. Nơi hậu cung cấm kỵ tất cả đàn ông lai vãng tới. Vì đây là nơi ở cấm cung của các cung tần mỹ nữ, các bà tiệp dư, các bà nguyên phi, các bà hoàng hậu, hoàng thái hậu… Sao lại có người đàn ông tuấn tú như thế này lẩn quất trong hậu cung. Hơn nữa lại là một võ tướng dũng mãnh.

Việc này có uẩn khúc chi đây. Thôi khôn hồn thì mình nên áp dụng thượng sách nhất trong ba mươi sáu kế sách của binh thư. Chứ biết đâu viên tướng này lọt vào hậu cung làm chuyện kinh thiên động địa, dây vào chỉ có chết oan ba họ chứ chẳng chơi đâu. Thôi chi bằng tìm cớ thoái thác cho nhanh. Nghĩ thế Lý Chăm vừa sụp lạy vừa định kể nguồn cơn bĩ cực của một lái buôn trắng tay. Nhưng chưa kịp tâu bày, vị võ tướng oai phong kia đã mỉm cười truyền rằng:

- Ta đã biết cả rồi…bất tất ngươi phải giải bày dây cà dây muống nữa… Có đúng nhà ngươi đang trắng tay, lưng vốn không còn một đồng chữ hay không?...

Khi nghe tiếng cất lên, Lý Chăm dần cảm thấy yên trong dạ. Đúng là tiếng nói của viên võ tướng này có điều khác lạ. Người có vóc dáng kỳ vĩ, oai phong nhưng tiếng nói lại trong như tiếng chuông ngân nga. Trong giọng nói như lanh lảnh tiếng bạc tiếng vàng. Đúng là không phải tiếng nói của một vị dũng tướng. Bằng sự thông minh, lịch lãm, Lý Chăm cố nhìn tận mặt vị tướng này, và anh ta vỡ lẽ ra ngay: trên mặt vị tướng không thoáng một sợi râu nào. Lý Chăm đã hiểu ra sự tình… Và yên tâm ngay. Không cần để mắt vị tướng cũng nhận ra cái nhìn khác lạ của người nói chuyện với mình. Mặt vị tướng chợt biến sắc một chút. Nhưng giọng nói của ông vẫn nhẹ nhàng thong thả:

- Chắc hẳn nhà ngươi đang chạy vạy để vay vốn buôn… nhà ngươi cần bao nhiêu thì đủ?

À ra thế… Lý Chăm bụng bảo dạ, thì ra viên tướng trong ngạch hoạn quan này muốn cho vay nặng lãi hoặc hùn vốn buôn bán đây. Mình bây giờ là con bạc khát nước, vừa thua một canh cháy túi, trắng tay. Mình cần tiền. Cần có vốn ấm lưng để gỡ lại. Nếu bây giờ đến quỷ sứ hiện về hứa cho vay tiền mình cũng nhắm mắt vay liều chứ nói gì đến cái ông quan thị này. Nhưng Lý Chăm băn khoăn tự hỏi không biết cái ông quan thị này có thể cho mình vay được bao nhiêu, để liệu bề mà nói cho khỏi hớ… Phân vân giây lát, Lý Chăm chọn nước đôi để nói:

- Dạ đi buôn là cái nghề cần vốn, nhưng hỏi cần bao nhiêu vốn là đủ thì thật là khó trả lời…

- Nhưng nhà ngươi đang trù tính buôn gì?

- Bẩm quan lớn, nếu chạy được ít vốn tôi tính buôn muối ở Sơn Nam, ngược khê động đổi muối lấy trâu mang về bán ở vùng đồng ruộng lúa ạ…

- Buôn muối đổi trâu thì nhà ngươi cần lưng vốn là bao nhiêu?

- Dạ có một trăm quan thì buôn nhỏ, có một ngàn quan thì buôn lớn. Mèo nhỏ thì chỉ bắt đượt chuột nhắt thôi ạ…

Vị võ tướng mỉm cười:

- Hóa ra cái chí của nhà ngươi chỉ muốn làm đến con mèo to thôi ư…

Lý Chăm nổi máu hào hùng lắc đầu:

- Bẩm đại quan, cái chí của khách thương cũng chẳng khác gì cái chí của kẻ anh hùng, lúc cùng cũng phải biết thu mình giữ thế, lúc gặp thời cũng có thể nuốt nổi sao Đẩu sao Ngưu, khuynh đảo thiên hạ… Tôi gặp cơn khốn quẫn đành làm con mèo, nhưng mọc đủ vuốt nanh tôi sẽ làm con hổ con báo trên đại ngàn…

Vị tướng cười hiền hậu:

- Ta chỉ thử cái chí của nhà ngươi xem nhà ngươi có đúng là con hùm còn thiếu vuốt hay là con chồn con cáo quanh quẩn trong hang tối. Nếu là con hùm thiếu nanh vuốt thì ta chắp cho để làm hùm. Còn là con cầy, con cáo thì ta khuyên nhà ngươi lại lủi vào hang tối. Ta biết, ngay người đi buôn làm nghề khách thương cũng có kẻ có hùng tâm tráng chí… Ta đang cần tìm kẻ đó…

Lý Chăm không thể ngờ được là lần gặp gỡ bất ngờ đó thay đổi cả cuộc đời giang hồ của người khách thương chỉ biết làm giầu. Và đến lúc đó Lý Chăm mới biết đến một võ quan cao cấp trong đội quân thị vệ của triều đình mang họ Lý tên là Thường Kiệt. Lúc bấy giờ sự nghiệp của Thường Kiệt còn khép kín trong cung cấm, chưa có công trạng gì vang dội ngoài triêu, nên chưa ai biết mấy. Lúc này Thường Kiệt đang giữ chức đô tri quân thị vệ trong cung thất. Thời đó là thời vua Lý Thánh Tông. Chức đô tri là chức đứng đầu các võ quan trong cung thất, trong coi tất cả mọi việc trong nội cung của nhà vua. Vua Lý Thánh Tông là một nhà vua có chí tự cường. Ngay từ khi lên ngôi đã lập tức xưng đế. Đặt lại quốc hiệu là Đại Việt. Tôn các vị vua sáng lậ ra triều Lý là Thái Tổ, Thái Tông. Mở rộng bờ cõi, thu nhập các man động ngoại biên làm chư hầu, kiềm chế sự bành trướng về phương nam của nhà Tống. Ngăn Chiêm Thành không cho theo nhà Tống để ép vào biên thùy phía nam của nước mình. Bắt Chiêm Thành phải theo mình. Với mưu đồ lớn lao ấy, Lý Thánh Tông cần người thân tín. Nhà vua đã chọn tể tướng là Lý Đạo Thành. Cất nhắc viên võ tướng hiện giữ chức đô tri trong cung cấm là người tài đức được tin cẩn lên làm tướng kiêm giữ cả việc nội cung lẫn việc triều chính, với chức Tổng hành quân hiệu úy. Ngày đêm lưu lại trong cung bàn việc quốc sự. Lý Thường Kiệt dâng nhiều mưu kế tự cường hợp ý Lý Thánh Tông, và tỏ ra người có nhiều mưu lược tài trí, Lý Thánh Tông cất lên chức kiểm hiệu thái bảo, là một trọng chức trong triều nhưng vẫn giữ trong nội cung. Tuy vậy Lý Thường Kiệt vẫn chưa nổi tiếng trong dân gian, vì thế mà đến ngay một người giang hồ tứ xứ, ăn mòn bát mòn đũa tại kẻ Chợ vẫn chưa biết rõ.

Nhưng Lý Thường Kiệt là người có chí lớn, làm việc không cần cầu tiếng tăm danh vọng. Trong bóng tối âm thầm của nội cung ông ta âm thầm cắt cử mọi việc chuẩn bị. Lý Chăm là người được ông sai tay chân thân tín theo dõi, xem xét qua nhiều lần vào cung cấm buôn bán các thứ vật phẩm quý giá sau những chuyến viễn thương gian lao hào hùng. Con người này ông cần. Và ông cho gọi đến… Sau cuộc gặp gỡ đó ông cấp cho Lý Chăm một số vốn rất lớn, mở quốc khố của triều đình xuất ra những báu vật quý giá; lại sai đô thủy quân và các thợ giỏi của xưởng đóng thuyền, đóng cho Lý Chăm những thuyền mành rất lớn có sức bền chịu được sóng gió bể cả, sức buồm có thể thu gió lớn vượt đại dương, cắt những thủy binh vũ dũng sung vào hàng thủ hạ lo việc chèo lái. Trong khi thuyền đang nằm trên đà ở công xưởng, thì Lý Chăm bị giữ lại trong một cái am thờ Phật bà Quan Âm ở ngay giữa vòng cấm thành. Tại đó, ngày ngày Lý Chăm phải đọc các sách binh thư, xem các họa đồ các kiểu thành, các kiểu thuyền chiến, các loại vũ khí nhất là các loại máy bắn đá… Kiểm hiệu thái bảo Lý Thường Kiệt để mắt tới việc học của Lý Chăm hàng ngày. Sau đó, ông lại sai một cung nữ người Chàm đến dạy Lý Chăm học tiếng Chàm.

Và khi ngọn gió bấc đầu tiên thổi lạnh con đường hòe dẫn ra bến Chương Dương, thì lái buôn Lý Chăm âm thầm bước lên thuyền, ra lệnh cho các thủy thủ kéo buồm ra khơi.

Lần đầu tiên lái buôn Lý Chăm vượt hàng ngàn dặm biển vào tận kinh thành Phật Thệ, kinh đô Đồ Bàn, vào tận xứ Thủy Chân Lạp đầy cá sấu và trâu nước… Hết mùa gió bấc đến mùa gió nồm Lý Chăm mới trở về Thăng Long. Thuyền của Lý Chăm chở nặng nào ngà voi, tổ yến, quế cay, hồ tiêu, đồi mồi, da cá sấu, sừng tê giác, trầm hương, ngọc trân châu, kim cương xứ chùa Tháp… Trong đời giang hồ buôn bán chưa bao giờ lái buôn Lý Chăm lại thu được một chuyến hàng viễn thương lãi đến thế… Nhưng có một khoản lãi mà không ai ngoài quan kiểm hiệu thái bảo Lý Thường Kiệt biết lại lớn hơn nhiều. Khoản lãi đó là những tin tức sát thực về việc sứ thần của triều Tống đã đến Chiêm Thành, theo lệnh của Tống Thần Tông, và mưu của tể tướng Vương An Thạch, xui vua Chiêm cất quân đánh vào Thăng Long. Vua Tống phong vương cho vua Chiêm về việc ấy, không những thế còn hứa hẹn sẽ cho quân đánh từ biên thùy phía bắc xuống để trợ giúp. Mặt khác sứ giả của Tống Thần Tông lại vào tận vương triều Chân Lạp, xui Thủy Chân Lạp đánh vào phía nam vương quốc Chiêm, Lục Chân Lạp đánh vào phía Tây vương quốc Chiêm… Tất cả các vương triều kia đều có chí bành trướng nên nghe theo lời xui giục, đang ráo riết chuẩn bị động binh. Binh lửa sẽ tràn ngập khắp nơi. Đại Việt sẽ lâm vào thế bị ép trên đe dưới búa. Mà vương triều Chiêm Thành cũng sẽ kiệt quệ sau cuộc chiến với ba phía o ép… Lúc bấy giờ, đại quân Tống chỉ còn mở cuộc nam chinh thôn tính tất cả…

Biết được tin ấy cùng với những họa đồ cơ mật về sự phòng bị của Chiêm Thành, Lý Thường Kiệt xin vua Lý Thánh Tông ra tay trước để trừ mầm hậu họa. Nhà vua ưng thuận và sau chuẩn bị thuyền chiến. Lý Thường Kiệt sai các động trên thượng du hạ cây gỗ lớn đóng bè thả xuôi theo các dòng sông. Lập các xưởng lớn để đóng thuyền chiến. Lý Chăm được lệnh chở hàng vạn thạch muối lên các vùng man động để đổi lấy nhựa sắn thuyền và nhựa sơn để xăm thuyền và sơn các thứ chiến thuyền. Về binh lính, Lý Thường Kiệt kiểm lại các vệ thân quân. Đó là quân tinh nhuệ của nhà vua, có thích chữ thiên tử quân trên trán theo kiểu thích chữ chàm. Cứ hai trăm lính kiêu dũng vào loại thiên tử quân đó hợp lại thành một quân. Cứ mười quân hợp lại thành một vệ. Đóng giữ hoàng thành khi bình thời, gặp giặc ngoại xâm thì giữ kinh thành, khi vua đi chinh phạt thì theo xa giá. Đời Lý Thái Tông, thân quân cấm vệ chỉ có mười quân, cả thảy chỉ có hai ngàn người là lính chiến thường trực. Thấy cấm quân như thế là quá ít, Lý Thường Kiệt xin kén thêm sáu quân cấm vệ nữa lập thành tả hữu mười sáu quân. Số quân cấm vệ tinh nhuệ có tổng cộng ba ngàn hai trăm người.

Đối với loại sương binh, Lý Thường Kiệt cũng định lệ rõ ràng kiểm quân nghiêm ngặt. Trai tráng cứ đến mười tám tuổi là được sắm vũ khí đi phen rèn luyện tập võ nghệ, và phải ghi tên vào sổ quân. Để quân thêm tinh nhuệ, Lý Thường Kiệt định lệ mới là hàng tháng tất cả các binh lính thuộc sương quân phải hội lại đi phen một kỳ ngắn. Kỳ phen tùy theo việc rèn luyện thao lược có thể vài ba ngày, cũng có thể kéo đến năm sáu ngày. Khi bình thòi các kỳ phen không ảnh hưởng gì đến việc cày cấy của người lính gửi trong nghề làm ruộng, làm thợ. Khi động sự thì cất quân của từng hạt từng lộ, từng chiếng chia cho các tướng. Việc đi phen của lính không làm ồ ạt mà gọi luân phiên, hết đợt này đến đợt khác. Đến nay, các kỳ phen của quân tứ chiến đều có buộc quân tứ chiếng đều có buộc lính phải tập bơi lội, rèn cách đánh trên sạp thuyền, đánh đổ lên bộ từ thuyền cập bến… Việc đưa quân vượt biển đã rõ ràng.

Việc chuẩn bị dồn dập kéo dài suốt năm Mậu Thìn, tính theo dương lịch là năm 1068. Đến cuối năm, Lý Thường Kiệt đã xin vua Lý Thánh Tông cho duyệt thủy đội, kiểm thực các chiến thuyền lớn mới đóng và truyền chỉ sung công những thuyền của dân đánh cá và lái buôn. Tháng giêng năm sau, nhà vua truyền gọi nhập quân từ khắp nơi lấy năm vạn lính chiến kiểm điểm đội ngũ, đóng trên bốn trăm chiếc thuyền chiến và thuyền đinh được đặt thêm các phiến gỗ chắn tên. Số chiến thuyền mới đóng suốt một năm tuy đã có tới hai trăm chiếc nhưng vẫn chưa đủ dùng, vì thế nhà vua sung cả thuyền lẫn chủ thuyền và lái buôn vào trong quân để lo việc chở lính và vận chuyển lương thảo.

Lúc bấy giờ là thời mà nguyên phi Ỷ Lan được sủng ái. Nguyên là do Hoàng hậu Thượng Dương không sinh được con trai. Vua Lý Thánh Tông lo lắng mong mỏi có hoàng tử nối ngôi sau này, vì thế nhà vua lập đàn cầu tự ở các chùa chiền linh thiêng trong nước. Một lần lên Kinh Bắc lễ phật, xa giá nhà vua dừng lại bên một đồi dâu. Nhà vua nghe thấy tiếng hát trong trẻo thanh tao của một cô gái đang hái dâu trên đồi. Tiếng hát như xui khiến nhà vua phải dừng chân, xuống kiệu, tìm đường đuổi theo cái âm thanh trầm bổng ngân nga một bài ca dân dã mộc mạc. Lần theo tiếng hát nhà vua thấy có một cô thôn nữ đang dựa vào gốc dâu mà hát. Cô thôn nữ lập tức được triệu về kinh, nhập vào hàng ngũ cung phi. Không phải chỉ có tiếng hát mà sắc đẹp mà, tài trí thông minh của cô gái đã làm say đắm một nhà vua có chí tự cường. Nhớ lại kỷ niệm cô gái dựa cành dâu mà hát, nhà vua truyền đặt tên bà nguyên phi mới là Ỷ Lan. Ỷ Lan nguyên phi được nhà vua vô cùng yêu dấu. Và tình yêu càng nồng thắm hơn khi Ỷ Lan nguyên phi sinh hoàng tử Càn Đức. Cũng vì lòng yêu dấu ấy mà Lý Thánh Tông trao quyền bính trong triều cho Ỷ Lan nguyên phi cùng thái sư Lý Đạo Thành, còn mình thì thân cầm quân đánh giặc. Trước ngày phát binh, Lý Thánh Tông mở hội Long Trì và gọi quần thần đến trước đền Đồng Cổ phát nguyện lời thề thiêng liêng: Làm con bất hiếu làm tôi bất trung thần linh giết chết. Lần đầu tiên có một lái buôn được dự buổi hội thề linh thiêng trang trọng đó, trong công việc của triều đình. Lý Chăm hiểu và biết ơn cái ơn tri kỷ của viên tướng kiểm hiệu thái bảo Lý Thường Kiệt. Khi phát binh, Lý Thường Kiệt được phong làm tướng tiên phong.

Vào tháng hai năm Tý, vua Lý Thánh Tông hạ chiếu chinh phạt Chiêm Thành. Nhà vua bước lên thuyền chiến long chu trong tiếng trống đồng dậy đất và cờ bay rợp cả dòng sông đỏ ngầu như máu. Đoàn chiến thuyền trải dài trên dòng sông đi qua hành cung Lý Nhân nhằm cửa Đại An mà tiến ra biển. Bảy ngày sau, đoàn chiến thuyền hùng vĩ đỗ lại Cửa Hội của miền Hoan Diễn. Ba ngày sau thuyền giong buồm tiến thẳng đến cửa Nara Giới. Cửa biển cuối cùng của nước Đại Việt vào thời đó. Từ trên thuyền ngự chiến, vua Thánh Tông còn nhìn thấy những đám cháy do thủy quân Chiêm Thành gây nên. Bởi cửa biển này gần biên giới, nên quân Chiêm thường kéo ra đánh phá.

Các tướng muốn dừng chân lại nơi tận cùng của đất nước, nên đã chèo thuyền nhẹ đến chầu vua tại thuyền Kim Phượng. Nhà vua còn phân vân chưa quyết thì Lý Thường Kiệt đã tâu rằng:

- Tâu bệ hạ, theo lời tấu trình cặn kẽ của người lái buôn họ Lý tên Chăm, thì tư đây vào sâu trong vùng biển Chiêm Thành có liên tiếp ba cửa bể. Cửa thứ nhất tên là Di Luân, tuy sâu nhưng hẹp, cửa thứ hai là cửa Bố Chánh tuy rộng nhưng nước nông. Quân Chiêm có đóng quân ở đấy nhưng không đáng kể, chỉ vừa đủ kéo nhau ra quấy nhiễu bờ cõi nước ta tại đây mà thôi. Ta nên kéo thuyền qua, làm cho chúng thấy đại đạo chiến thuyền của ta mà tự vỡ mật vì sợ chứ không cần đánh. Cửa thứ ba là Cửa Lệ, là nơi tập trung toàn bộ thủy quân của quân Chiêm. Ta phải kéo quân vào đánh tan ngay tất cả chiến thuyền của vua Chiêm đóng tại cửa bể này, làm chúng không kịp trở tay. Đỗ thuyền tạo đây hay tấn công vào cửa Di Luân, Bố Chánh đều là đánh động cho quân của giặc phòng bị… Ta khó mà ra quân một trận đánh tan thủy hạm của cái vương quốc sống bên bờ biển cả này.

Nhà vua khen phải, và sai giương buồm trực chỉ Cửa Lệ tiến đánh. Chỉ năm ngày sai thuận theo gió mùa, rừng cột buồm như rừng chông của quân cảng quân Chiêm đã hiện ra trước mặt. Vua Thánh Tông sai viên tướng Liêu Ban dẫn đoàn thuyền nhẹ gồm những dũng sĩ vùng biển Hải Đông thiện chiến nhằm thẳng vào quân cảng tiến đánh. Quân thủy của Chiêm Thành vốn là đạo quân thủy thiện chiến nhất vùng biển phía nam, nên rất khinh thường khi thấy một đoàn thuyền nhẹ lao như tên bắn tấn công mình. Chúng kiêu căng giương buồm nhổ theo sai quân chèo thuyền ra chặn đánh. Nhưng chúng không ngờ, thuyền nhẹ lại được đà gió thuận cứ ầm ầm lao vào giữa thủy đội làm cho chúng chống đỡ khá vất vả. Ngay trong lúc lúng túng trước sức tấn công như vũ bão của hàng trăm thuyền đinh nhẹ như mũi tên thì bên sườn tả hữu tiếng trống đồng đã gầm vang động mặt bể. Bên tả là thuyền chiến nặng của nguyên súy tiên phong Lý Thường Kiệt giương hết mọi lá buồm ầm ầm rẽ sóng tiến đánh. Bên hữu thì những lá thuyền mành đã vòng ngoài khơi tiến tới từ lúc nào, buông lèo dàn thế trận quyết không để cho một tên thủy binh Chiêm nào chạy thoát về tới kinh đô Đồ Bàn. Trên các thuyền của quân Đại Việt, những mũi tên lớn như những mũi lao lắp trên những cánh cung cứng mạnh đã bắt đầu châm lửa. Đó là loại hỏa tiễn. Trên đầu các mũi tên ngay ở phần sau mũi nhọn có cạnh sắc, có tẩm dầu và đắp sơn ta. Khi cung đã được ba người lính khỏe mạnh giương cánh, đặt mũi tên đặc biệt lên giá, thì một thuỷ thủ cầm sẵn bó đuốc châm lửa. Cánh cung được đặt trên giá bắn di động trên giá bắn di động trên đầu mũi thuyền. Các xạ thủ ngắm đích rồi giật lẫy nỏ, mũi tên lập tức bay đi như một ngôi sao chổi, cắm phập vào thuyền giặc và thuyền giặc sẽ bắt lửa cháy bùng… Cả một trận mưa lửa như sao sa dội suốt một ngày dài trên quân cảng của hải quân Chiêm. Mặt bể mỗi lúc một bốc lửa ngùn ngụt. Cho đến đêm thì suốt mấy chục dặm biển bập bùng những chiến thuyền bị thiêu đốt nổi bồng bềnh trên sóng nước. Những chiếc thuyền chiến cố gắng vượt vòng vây lửa chạy ra ngoài đều bị những trạo nhi dùng câu liêm ghìm lại đánh khốc liệt. Câu liêm là thứ vũ khí độc đáo của thủy quân Việt. Các trạo nhi Đại Việt có thói quen dùng những câu liêm của có mũi nhọn như mũi thương, vừa có ngạnh sắc như mũi giáo và có móc cứng như neo thuyền. Tất cả những công dụng vô cùng lợi hại ấy lại được cột chặt trên một thân tre vòi mềm dẻo nhẹ nhàng, có độ dài chừng mười sải tay, tức là gần ba mươi thước ta. Khi thuyền chiến sắp trận gặp thuyền giặc, các trạo nhi Đại Việt có thể dùng câu liêm đâm thủy thủ giặc ở trên thuyền khi còn xa, kéo ngã thủy thủ giặc khi xuống nước, ghìm đứt dây lèo, trói buộc thuyền giặc. Món võ câu liêm Đại Việt là món võ bí truyền, vừa nhu vừa cương, vừa táo bạo, vừa thần tốc. Biết bao thuyền chiến Chàm tìm đường thoát thân bị thứ vũ khí câu liêm ghìm lại tiêu diệt… Cả thủy trại và quân cảng Chàm bùng bùng cháy suốt một đêm dài… Khi mặt trời đội sóng nhô lên khỏi mặt biển thì quân cảng Cửa Lệ chỉ còn lại những mảnh thuyền cháy đen và những vết máu loang trên mặt biển…

Tiếng trống đồng thúc trận suốt đêm vẫn vang rền trên sóng nước… các đồn trại trên cạn của bộ lính Chàm với hàng chục thớt voi chiến hoảng loạn. Lý Thánh Tông chỉ mũi gươm báu về phía các đồn trại trên bờ cát trắng mênh mông ra lệnh cho quân ta đổ bộ lên chiếm đất, phá thành trì của giặc. Nhưng tướng Lý Thường Kiệt vội can rằng:

- Muôn tâu bệ hạ, ta cất quân chinh phạt lần này đâu phải vì lẽ cần chiếm đất người, mà tiến phạt vì giữ đất ta, trừng trị những kẻ đánh phá ta… Vì thế kẻ hạ thần thấy rằng, ta đã đánh ta đạo thủy binh mạnh nhất của giặc chuyên quấy phá biên thùy ta, kiềm chế ta, như thế là việc đây đã thành rồi. Việc gì ta phải bận tâm chiếm lấy cái thành ghép thân dừa trên cát trắng khô cằn kia để mất thời giờ vàng ngọc quý báu… tạo thêm cơ hội cho chúa giặc có thể chạy trốn hoặc phòng bị… chi bằng phá xong đạo thủy binh cản đường này, ta thừa thằng tiến thẳng đến thành Đồ Bàn, gọi chúa giặc ra hỏi tội, nhanh chóng tỏ rõ uy đức của bệ hạ ở phương nam.

Lý Thánh Tông khen phải và truyền cho toàn đạo thủy sư giương buồn đè sóng vượt qua những đám thuyền giặc còn ngùn ngụt cháy, khói và tro than bốc bên mù trời để tiến thẳng về phía cửa biển Thi Nại…

Đoàn thủy quân hùng hậu của Đại Việt cứ men theo bể tiến về phía nam, dọc theo những bờ cát trắng mênh mông. Thuyền đi ròng rã bốn ngày đêm mới hết dải cát Đại Tràng Sa Đến ngày thứ năm thì đợt gió mùa ngớt lặng. Cửa biển Tư Dung đã hiện ra trước mặt. Nhà vua thấy quân đội đã mỏi mệt, nếu cứ cố đi phải chèo lái vất vả bèn xuống lệnh cuốn buồm vào nghỉ tạm trong phá để chỉnh đốn quân cụ vũ khí và xuất khi khao quân sĩ. Hải quân Chiêm đã bị đánh tơi bời nên không còn một trở ngại gì đáng kể nữa. Thấy bóng chiến thuyền hàng trăm chiếc giăng đầy mặt phá mênh mông là quân Chiêm và thuyền chiến Chiêm đã bỏ chạy cả.

Vốn là kẻ đã vào tận cửa bể Thi Lị Bị Nại và dân lái buôn quen gọi rút ngắn là Thị Nại để lên thành Phật Thệ buôn bán nên Lý Chăm hiểu đường đất vùng này, vì thế Lý Chăm xin gặp vị nguyên soái Lý Thường Kiệt mà can rằng:

- Từ cửa Tư Dung này đến của Thi Lị Bị Nại còn sáu ngày đường biển nữa, vùng này ngoài ngọn gió bấc thổi ngược còn có gió đông thổi từ biển thổi vào và gió tây thổi từ núi thổi ra. Khí ở đây nóng, nên ban ngày gió thổi từ đất liền ra Biển Đông, ban đêm gió từ Biển Đông thổi vào đất liền. Lái buôn vùng này, khi tắt gió bấc gió nồm thì thường nương theo gió biển, gió đất mà giương buồm đi theo lối con thoi đan sợi trên biển… Tôi thấy quân ta không nên bỏ lỡ ngọn gió gần mà đợi ngọn gió xa… Xin tướng quân suy xét.

Lý Thường Kiệt nghe ra lẽ nên xin với nhà vua ra lệnh cho quân nhỏ neo giương buồm nương gió biển gió đất đan trên mặt sóng để vào cửa Thi Lị Bị Nại… Quả là không cần chờ con gió bắc mới, mà sáu ngày sau, đại quân đã kéo qua cửa Thi Lị Bị Nại tràn vào sông Tu Mao. Đại tường trấn thủ của Thi Lị Bị Nại của Chiêm Thành là Bố Bì Đà La đã nghe uy danh từ trận thủy chiến Cửa Lệ truyền về đã hoảng hốt dàn ba vạn quân trên đống cát trắng bày trận, lập lũy bằng những thân cây dừa nối với nhau cao mấy trượng.

Vua Lý Thánh Tông sai đóng hạm đội từ biển suốt dọc lòng sông nhưng chưa biết nên động tĩnh thế nào, vì trước mặt quân mình là một bức thành cao bày thế trận trên bờ cát trắng. Đánh loại lũy thành trên cát như thế này đúng là quân tướng ta chưa quen. Nhất là quân giữ thành của tướng giặc Bố Bì Đà La lại đông đến ba vạn tên. Riêng Lý Thường Kiệt thì không có gì do dự cả, bởi vì trong lần đi buôn xứ Chiêm vừa rồi, theo lệnh của ông, lái buôn Lý Chăm đã xem xét kỹ càng từ thành trì đến binh khí giặc, nên ngay từ khi chưa xuất binh khỏi Thăng Long Lý Thường Kiệt đã biết chắc tằng giặc sẽ dựng thành như thế nào mà trù tính trước cách công phá. Trù liệu cả các vật dụng khí cụ đánh loại thành dừa lạ lùng này. Vì thế mà dù nhà vua có do dự, thì Lý Thường Kiệt vẫn xin vua cho mình và em trai mình là Thường Hiến kéo quân đổ bộ lên đánh thành.

Được vua bằng lòng, Thường Kiệt sai quân mang khí cụ đã dự phòng sẵn là những mũi tên tẩm dầu sơn nhiều có đến mấy vạn mũi. Lại sai quân khiêng những cây nỏ Liên Châu có cánh cung cực lớn vốn đặt trên thuyền lên trước mặt thành. Tên của nỏ Liên Châu cũng kén lại tên có bộ phân tẩm thuốc và dầu cháy. Nhà vua thấy Thường Kiệt không chở máy bắn đá lên đánh thành thì nhắc. Nhưng Thường Kiệt tâu rằng:

- Thành dừa là một loại thành vô cùng lợi hại. Máy bắn đá dự phòng trước để đánh thành Đồ Bàn Phật Thệ thôi, vì đó là thành đá ong. Chứ đối với thành dừa, máy bắn đá không làm gì nổi. Vì dừa là loại cây thân không cứng nhưng dai, dao búa chặt khó đứt, đá bắn vào không vỡ… Chỉ có một cách bắn tên lửa vào để đốt dần…

Theo lệnh của an hem Thường Kiệt năm vạn quân ta dàn quanh bức thành dừa dài hai dặm, nhưng không công phá ngay mà chỉ đứng ngoài tầm tên đạn giặc bắn tên lửa vào chân thành để đốt. Hàng vạn hàng vạn mũi tên lửa được bắn tới tấp vào những cây dừa khô chôn trong cát bỏng… Quân ta lại được lệnh liều chết đẩy những xe chất phóng hỏa áp sát vào bức thành dừa và đốt cháy mù mịt… Giặc giữ thành không thể có cách nào cứa chữa. Những kẻ liều mình lao lên mặt thành dội nước hoặc phủ cát dập lửa thì bị các dũng sĩ ta dùng câu liêm dài vít cổ ngã xuống chân thành, hoặc bị những tay thần tiễn bắn chết tươi… Lửa ngút trời, thành dừa bị cháy. Dừa là thứ cây có dầu, nên khi đã bắt lửa thì sức cháy thật là khủng khiếp không có cách gì cứu nổi… Thành cháy làm ba vạn quân giặc dẫm đạp lên nhau để tháo thân ra hai lối tả hữu. Không ngờ quân ta đã đoán trước điều đó, trong khói lửa mịt mù, Thường Kiệt đã sai em dẫn một cánh quân, tự mình dẫn một cánh quân, đi luồn trong khói lửa vòng ra phía tả hữu thành dừa chờ sẵn.Quân địch vừa đạp lên mình nhau chạy ra đã bị quân ta đón đánh chém giết dữ dội…

Ngay ngày hôm ấy ba vạn quân của tướng Bố Bì Đà La tan vỡ.

Thừa thắng Lý Thánh Tông kéo đại quân tiến đánh thành Đồ Bàn là nơi đóng đô của vua Ru-dra-var-man mà các lái buôn ta ngay từ hồi ấy quen gọi là vua Chế Củ. Nhưng khi đại quân đến nơi thì thì thành Đồ Bàn đã bỏ trống. Vua Ru-dra-var-man đệ tam đã chạy về phía nam trốn ở đô thị sầm uất giàu có của Pan-du-ran-go. Lý Thánh Tông đóng đại binh tại kinh đô Đồ Bàn Phật Thệ, sai Lý Thường Kiệt làm tướng tiên phong đi bắt Ru-dra-var-man đệ tam. Hơn một tháng trời ròng rã, Lý Thường Kiệt dẫn quân đánh bắt, nhưng vùng nam nước Chiêm Thành là một vùng đồng đất phì nhiêu, dân cư cứng mạnh đông đúc, giao thương buôn bán phồn thịnh, nên vua Chiêm chạy về đây như cọp chạy về rừng, nhanh chóng thu được một lực lượng rất lớn cự nhau với Lý Thường Kiệt.

Những ngày tháng đóng quân lại trong thành đô hoang vắng của nước Chiêm Thành làm cho chính nhà vua Lý Thánh Tông cảm thấy bồn chồn lo lắng. Khi ra đi, vì một lòng yêu si mê mà nhà vua đã trót trao quyền biính cho một bà nguyên phi sinh được thái tử nối ngôi. Bà nguyên phi vốn là người dân dã, mới vào tiến triều chưa được mấy năm, vây cánh thế lực chưa có. Việc giao quyền cho nguyên phi Ỷ Lan làm cho thái hậu Thượng Dương hết sức buồn rầu phẫn khích. Điều đó ngay từ lúc quyết định giao quyền trị nước, vua Thánh Tông cũng đã nhận thấy. Phần vì muốn làm giảm đi sự phẫn khích đó, phần vì sợ nguyên phi Ỷ Lan bỡ ngỡ với việc ở trong cung ngoài triều không đảm đương nổi trọng trách, gây ra tai vạ, nên nhà vua đã giao thêm cho tể tướng trung thành Lý Đạo Thành cùng giúp nguyên phi Ỷ Lan chấp chính…

Lý Thánh Tông đã tưởng khu xử thu xếp như thế là chắc chắn lắm rồi. Nay ngồi giữa kinh thành vương quốc Chàm bị bỏ trống nhà vua mới cảm thấy lo sợ. Lo sợ vì hoàng hậu Thượng Dương. Dương hoàng hậu được tấn phong hoàng hậu đã lâu, lại vốn là con gái của một vị quan khâm sứ đã được phong tước hầu. Vây cánh ắt hẳn không thể không có trong quan triều ngoài các phủ đệ, có khi còn lan ra cả tứ chiếng. Tể tướng Lý Đạo Thành khi biết vua định giao việc chấp chính cho Ỷ Lan đã hé ra một lời can gián, và bóng gió nhắc đến tên hoàng hậu Thượng Dương. Nhưng lúc đó nhà vua không để tâm nhiều. Bây giờ ngồi trong khu hoàng thành bỏ trống này Thánh Tông mới giật mình hoảng sợ. Một ý nghĩ sắc như dao xuyên vào tâm trí nhà vua. Ngộ nhỡ hoàng hậu Thượng Dương lôi kéo được Lý Đạo Thành về phe mình thì số phận của Ỷ Lan và hoàng tử Càn Đức rồi sẽ ra sao? Thánh Tông biết tâm tính vị trung thần Lý Đạo Thành lắm. Đây là một vị quốc công trung thực, luôn trọng lễ nghĩa. Nên vì trọng lễ nghĩa, ông ta đã dám can vua khi vua định giao quyền nhiếp chính cho Ỷ Lan nguyên phi, không sợ nhà vua quở phạt trách cứ, không sợ nguyên phi Ỷ Lan thù oán có thể hại đến tính mạng. Cũng vì trọng rường mối cương thường, nên ông sẽ dễ dàng ngả về phe Thượng Dương hoàng hậu…

Nghĩ đến tình thế này, vua Lý Thánh Tông bồn chồn thấy là không thể nào cứ ngồi chết gí trong cái kinh thành bỏ trống này mãi được nữa. Việc bắt chúa Chiêm Thành giờ cũng chưa xong, bây giờ cả hoàng tộc Chiêm đã chạy xuống phía nam, nếu đánh rát quá nó chạy sang Chân Lạp chả lẽ lại tiến quân sang đánh nước Chân Lạp để bắt ư? Chi bằng coi như đánh vào kinh đô là đã đại thắng rồi, thu quân trở về Thăng Long gấp đề phòng mọi hậu họa. Nghĩ vậy nhà vua thu quân đòi nguyên súy Lý Thường Kiệt về thương nghị.

Nghe chỉ của nhà vua, Lý Thường Kiệt cúi đầu tâu rằng:

- Xin bệ hạ cho thần thêm mấy ngày nữa. Hạ thần nhất định sẽ dẫn Chế Củ đệ tam về đây, lúc đó ta báo thắng cũng chưa muộn gì.

- Chờ mấy ngày thì ta chờ được, nhưng ngộ nhỡ Chiêm Thành kết hiếu với Thủy Chân Lạp thì đại quân ta sẽ sa lầy trong vùng sông ngòi đầy cá sấu này mất.

- Muôn tâu bệ hạ, điều đó không phải lo. Theo người lái buôn Lý Chăm thì các sứ thần của nhà Tống và các thương nhân người nước Tống đã làm một việc thành công ghê gớm. Thành công đó lại rất có lợi cho ta.

- Ngươi hãy tâu trình cho ta rõ.

- Bẩm muôn tâu hoàng thượng, thành công của các lái buôn và các sứ thần nước Tống ở hai nước Chiêm Thành, Chân Lạp là làm cho hai vương quốc thù oán nhau không đội trời chung, luôn mang đạo binh ra để rửa thù. Vì thế vào nước cùng đường thì vua Chiêm chẳng những không dám cầu viện vua Chân Lạp, chỉ sợ vua Chân Lạp bắt giết mà thôi. Vì thế vào bước tuyệt đường sống thì vua Chiêm chỉ có một cách duy nhất là ra hàng ta.

- Thế cái tên lái buôn Lý Chăm đâu, gọi nó ra đây cho ta hỏi.

- Muôn tâu hoàng thượng. Lý Chăm đã dân kế lập một đoàn sứ giả và khách thương, kéo vào Chân Lạp, làm thế hư binh, ép vua Chiêm phải ra hàng. Nay đoàn thương thuyền và đoàn thuyền sứ do Lý Chăm dẫn đã lên đường… Lên đường đi qua khúc sông trước cửa thành Pan-đu-ran-gô nơi vua Chiêm đang cố thủ với năm vạn quân mới tuyển mộ. Chỉ dùng vũ lực muốn hạ thành này ta cũng phải bỏ mạng hàng vạn sĩ tốt… Nhưng chỉ cần một đoàn sứ thần giao hiếu là Chế Củ sẽ tự trói mình để ra hàng, vì Chế Củ tưởng sẽ có quân Chân Lạp tiến đánh đằng sau lưng…

Lý Thánh Tông khen phải và đóng quân lại chờ thêm một tuần trăng nữa tại kinh đô Đồ Bàn… Nhưng nhà vua không phải chờ quá lâu, chỉ ba ngày sau cuộc hội kiến ấy, Lý Thường Kiệt đã dẫn chúa Chiêm Thành là Chế Củ đệ tam với vòng dây thừng buông thong nút trên cổ. Vua Chiêm đã tự xin hàng. Lý Thánh Tông mỏ tiệc khao quân ngay trong cung điện của vua Chiêm Thành. Trong bữa tiệc, vui chén rượu vua đã tự thân cầm khiên rút gươm múa trước văn võ bá quan trong tiếng trống đồng hùng tráng. Sau đó nhà vua sai phá thành trì của kinh đô Đồ Bàn nương theo ngọn gió nồm tháng năm đầu tiên kéo đại quân về Thăng Long, dẫn theo Chế Củ đệ tam, Chế Củ đệ tam xin dâng đất ba châu Bố Chính, Đại Lý, Ma Linh. Lý Thánh Tông chấp thuận tha cho về nước và hộ tống về kinh đô Đồ Bàn, lại phong làm quốc vương của Chiêm.

Trong trận bình Chiêm này, Lý Thường Kiệt từ một chức quan võ trong nội cung đã nổi lên như một công thần bậc nhất của triều Lý. Nhà vua đã nhận làm Thiên tử nghĩ nam, ban tước Thượng trụ quốc, Khai quốc công, giao chức thứ ba triều đình trong hàng tể chấp là Thái phó, giao quyền bính vào hàng thứ hai trong quân đội là tiết độ sứ. Chỉ sau tể tướng Lý Đạo Thành có một bậc. Lập công lớn, Lý Thường Kiệt đuợc giao quyền bính trong triều, nhưng ông không quyên các sĩ tốt đã vì ông gian lao đánh dẹp, người ông nhớ đầu tiên là khách thương kẻ Cời tên Chăm họ Lý. Ông định giữ lại ban cho tước lộc, cắt cử làm quan. Nhưng Lý Chăm chắp tay mà thưa rằng:

- Bẩm tướng công, cái máu giang hồ của khách thương đã chẳng bao giờ đổi được, nên tướng công tha cho việc phải nhận phẩm hàm quan tước… Tôi biết rằng tướng công ban quan chức là để khen thưởng công lao khó nhọc của tôi… Tôi cảm cái ơn tri ngộ ấy… Nhưng thưởng cho tôi tốt nhất là thưởng hàng hóa để tôi lại được trôi nổi giang hồ…

Chiều lòng lái buôn Lý Chăm, quan Thái Úy đã xin mở kho quốc dụng kén cho những chiến phẩm quý của vương quốc Chiêm Thành, lại cấp thêm thuyền cho Lý Chăm đi buôn mạn bắc, cảm cái lòng tri kỷ của vị trọng tướng trong triều, gã lái buôn bán trời không văn tự bạt mạng giang hồ chắp tay mà thưa rằng:

- Tôi là kẻ giang hồ tứ chiếng bạt mạng nhưng không lúc nào không nhớ như tạc trong lòng rằng mình là con dân Đại Việt… Vậy khi quốc gia hữu sự, xin thái úy cứ cho người đến tìm tôi, tôi thề sẽ xả thân vì việc nước…

Tuy thời ấy khách thương không được các nho thần xếp vào hạng người quân tử, nhưng Lý Chăm vẫn giữ được chữ tín của kẻ trước sau chỉ nói một lời chắc hơn đinh đóng cột, hơn dao chém đá. Trở về với cái trí buôn bán giang hồ của mình, Lý Chăm sau lần cất hàng đi Vân Đồn, đi Khâm Châu gặp được thêm các lái buôn người Quả Oa, người Lỗ Lạc, người Tiệm La vượt biển sang buôn bán. Quen thói buôn tận gốc bán tận ngọn, Lý Chăm hùn vốn thu được, đóng thuyền lớn, kén trạo nhi toàn những kẻ vong mạng để quyết làm một chuyến viễn dương sang tận nước Quả Oa buôn bán kiếm lời. Thuyền bè đã chuẩn bị xong, hàng hóa đã chất đầy thuyền chỉ còn chờ cơn gió bấc về là nhổ neo thì có người trong phủ tiết chế mang tín bài đòi Lý Chăm vào hầu quan.

Cuộc hội kiến kéo dài suốt một đêm ròng. Sáng hôm sau Lý Chăm về thuyền sai dỡ hàng rao bán, cho trạo nhi về nhà và bán tất cả những thứ hàng phương bắc. Ai cũng bảo khách thương này điên đến nơi rồi. Nhưng Lý Chăm chỉ lắc đầu phân bua:

- Tôi nghe nói kỳ này vùng man động đang đói muối… Buôn muối lên vùng đó kiếm lời nhiều hơn…

Thế là Lý Chăm giong thuyền xuống nam cất muối ngược sông lên tận miền động Giáp… Nhìn bề ngoài chỉ là một chuyến cất hàng buôn bán bình thường, nhưng bên trong có nhiều điều mờ ám bí mật không ai đoán biết nổi…

Hình tích của lái buôn Lý Chăm đã được giữ kín trong mấy tháng qua, kể từ khi buôn muối lên động Giáp, rồi cất hàng từ động Giáp vượt cửa khẩu ở châu Đặc Ma lọt vào Trung Nguyên, và đi suốt một chiều ngang miền Hoa Hạ cho đến cửa ải cuối cùng trước khi vào bạc dịch trường Giang Đông thành Khâm Châu.

Bây giờ lệnh truy nã đã bám sát ngay gót đoàn ngựa thồ nặng nề trên những dặm đường cuối cùng của chuyến viễn dương… Số phận của người lái buôn tài hoa can đảm đang treo trên đầu sợi tóc… Trong khi đó anh không hay biết gì, cứ khật khưỡng ngồi xếp bằng tròn trên lưng con ngựa Chàm, tay ôm khư khư một cái bong bóng trâu đầy óc ách những rượu, cắm cần vừa đi vừa uống, bất cần sự đời…

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK