Kể từ ngày Lý Công Uẩn gặp rồng vàng bay ở cuối phường Bái Ân, quyết định dời đô ra đất này và đặt tên kinh đô mới là Thăng Long, đến nay chỉ mới hơn có một kỷ. Một kỷ tính theo lịch nhà Chu, là sáu mươi năm. Sáu mươi năm để dựng một nền độc lập, lậo nghiệp đế, dựng xã tắc, lập kinh đô quả không phải là dài. Nhiều việc thổ mộc tạo tác chưa có thời giờ làm xuể. Vòng thành nội mới xây xong, vòng thành ngoại mới đắp lại trên nền đất cũ của thành Đại La xưa. Các lâu đài cung điện chưa xây được là bao. Các phường phố trong dân gian lác đác mới có vài ngôi nhà xây bằng gạch. Ngày đó gạch nung loại lớn, trát vữa bằng vôi trộn mật mía và mồ hóng. Ngói lợp lá âm lá dương hình xếp vảy cá. Lác đác một vài phủ đệ của các quan đại thần có dựng lầu, lợp ngói ống bằng sành men xanh, khác với các cung điện của vua chúa, lợp ngói ống bằng sành nung tráng men đỏ màu da chu hoặc màu vàng hoàng lạp.
Các ngói ống của kinh thành Thăng Long khác ngói ống của các thành quách bên nhà Tống. Vì những người thợ thổ mộc, thợ lò gốm là những kẻ thất học, chẳng có điều kiện để sang tận đất Hồ Nam Giang Tây xem thợ Trung Nguyên làm ngói ống như thế nào. Họ nhận được đơn đặt hành của các quan thị lang Bộ Công phải làm ngói ống để lợp đền đài phủ đệ, thế là họ phải tự nghĩ ra mà làm. Ngói là mặt hàng rất nặng nề, những lái buôn như Lý Chăm không thể đi tận các bạc dịch trường mua về để bán lại được. Không phải là chỉ có thợ chưa trông thấy ngói ống nhà Hán nhà Đường nhà Tống thế nào, mà ngay các quan chức dịch thị lang Bộ Công cũng chỉ nghe nói chứ chưa trông thấy những viên ngói ống nguyên mẫu ra sao. Các quan cũng mới chỉ đọc qua trong các sách vở chép sơ sài, nghe các quan đi sứ kể lại mà thôi…
Nhưng đã là đền đài phải có ngói ống. Nhất là đền đài miếu mạo phủ đệ của kinh đô nơi nhà vua xưng nghiệp đế. Vua bây giờ đã tự lập thành hoàng đế sánh cùng với các hoàng đế Trung Hoa, dù là về chuyện bang giao bên phía triều nhà Tống vẫn chỉ coi vua là một bậc vương mà thôi. Ta nhún mình xin cầu phong tước vương. Nhưng bên trong ta vẫn dựng nghiệp đế. Dựng nghiệp đế thì kinh đô phải dựng theo đúng kinh đô của bậc hoàng đế. Mà các mẫu không được tận mắt xem mà chỉ nghe nói ở Lạc Dương, ở Biện Kinh, ở Tràng An có những cung điện lợp bằng vàng, có những thứ ngói ống tráng men sành. Như thế thì sống chết các thợ gốm Đại Việt phải làm bằng được. Không biết mẫu thực, họ nghĩ ngay đến những cái mẫu tương tự gần kề với họ. Họ đã nhắm những lâu đài tre nứa của các tù trưởng khê động để làm mẫu.
Các tù trưởng khê động thường sai dân dựng những nhà sàn lớn mái lợp bằng những ống bương chẻ đôi, úp bên sấp bên ngửa móc vào nhau mà lợp thàn mái vững chắc. Thế là các bác thợ gốm của ta cứ theo mẫu ống bương làm thành ngói ống. Rồi cung điện của vua thì tráng men vàng hoàng lạp, điện của tể tướng thì phủ men tía, phủ đệ của các đại thần thì tráng men xanh, men tràm, men da lươn…
Trong kinh thành Thăng Long lúc bấy giờ, những mái đền đài cung điện phủ đệ lợp mái ngói ống men xứ cũng chỉ mới lác đác. Còn toàn bộ kinh thành mới chỉ được dựng vội vàng bằng tre nữa gỗ lạt mà thôi. Nhưng các phường trong thành nội và phố ngoài bến sông đã dựng lên san sát như một tổ ong lớn. Thăng Long đã trở thành nơi đầu mối giao thương của cả vùng châu thổ sông Hồn rộng lớn. Cũng không ít người lưu luyến cố đô Hoa Lư cũ, chê rằng kinh thành mới ở đất đồng sông ngòi, không có núi non dựng thành dựng lũy nên kém vẻ hùng vĩ chắc chắn. Họ nhớ đến cố đô Hoa Lư của thời vua Đinh, vua Lê. Cung điện xây trên sườn non, thành lũy gối đầu vào núi đá uy nghi, thế đất hiểm yếu. Đường vào lối ra chật chội. Dân không tìm ra đất để mở phường dựng phố buôn bán Giao thương khó khăn. Nay kinh đô nằm trên dòng sông Phú Lương rộng lớn, là sông Cái của đất nước. Tiếng của ta quen gọi mẹ là Cái, nên mới có tên gọi là sông Cái, sông Con. Kinh đô đặt giữa đồng bằng phì nhiêu, giao thông vô cùng tiện lợi, nên dân tứ chiếng kéo về buôn bán tấp nập. Chẳng bao lâu, chỉ chưa đầy sáu mươi năm mà dân về Thăng Long lập nghiệp đã đông đến mấy vạn hộ. Đất kinh kỳ trở thành kẻ chợ phồn vinh tụ họp đủ các mặt hàng, đủ các sản vật thượng vàng hạ cám trong cả nước. Các nghề thủ công dựng lò dựng xưởng ngay trong các phường phố. Trong chiếu dời đô Lý Công Uẩn có khen thế đất Thăng Long là đất có thế rồng cuộn hổ ngồi. Nhưng nói như thế nói theo thuật phong thủy mà thôi, chứ quả là đất Kẻ Chợ này mới có thành trì trong lòng người chứ chưa thể có thành trì xây trên mặt đất vững mạnh như kinh đô Hoa Lư xưa.
Ngay khi chấp chính, Ỷ Lan phu nhân nhìn thế đất trống trải thông thống trước những con đường tiến quân của phương bắc triều Tống, đã có chút phân vân lo ngại. Tiếng chuông siêu độ của đám tang lớn Thái hậu Thượng Dương và bảy mươi hai cung phi chết theo tiên đế làm cho người đàn bà vốn sinh trưởng từ nương dâu khung cửi làng Siêu Loại cảm thấy rùng mình. Bà đã đòi quan Tể chấp Lý Thường Kiệt vào cung thương nghị, và nói ra cái ý định khôi phục lại thành trì hành cung Hoa Lư để tìm lấy một mảnh đất nương thân nếu gặp cơn cùng quẫn trong thế trận khó mà lường trước được.
Nhưng Lý Thường Kiệt lắc đầu:
- Lui về Hoa Lư tức là bỏ nghiệp đến nhận lấy nghiệp vương. Đặt triều Lý ta ngang hàng với các tù trưởng động Giáp, động Đặc Ma… Tức là phản lại ý nguyện của tổ tiên nhà Lý.
Ỷ Lan phu nhân buồn rầu:
- Ngươi cũng hiểu cho lòng ta, kế lui về là kế cùng. Vì lui về ta phải bỏ lại mồ mả tổ tiên, lăng miếu tiên triều, bỏ lại đất thang mộc… Nhưng Thăng Long này, thành trì chưa xây xong, thế đất lại trơ trọi, lấy gì mà chống lại cường địch đông hành chục vạn quân của nhà Tống.
- Đúng là quân Tống đông đến mấy chục vạn, nhưng đó không phải là cường địch bất khả thắng. Đúng là Thăng Long không có núi dựng thành vách hiểm trở, nhưng hiểm trở ngay ở lòng người. Vua Thái Tổ triều ta nhìn thấy lòng người, mới dám tiến ra đây dựng nghiệp đế. Dùng kế sách để ràng buộc lòng người thành một mối, câu thúc các sứ quân riêng rẽ, các chiếng xứ xa xôi, các khê động rời rã hùng cứ từng phương trời thành một quốc gia… Đó là điều mà vua Đinh, vua Lê chưa làm được, vì cứ thu mình lại nằm ôm giáo trong động Hoa Lư… Chẳng lẽ ta lại đi ngược đường của vua Thái Tổ sáng lập triều ta ư?
Ỷ Lan Thái Phi im lặng một hồi lâu, chắc lệnh bà cũng suy nghĩ cân nhắc nhiều điều. Cuối cùng bà thở dài:
- Ý nguyện của đức vua Thái Tổ ta đâu dám quên, ta đâu dám đi ngược. Nhưng tình thế bây giờ khó khăn gấp ngàn lần… Con trai ta còn nhỏ tuối, mới lên ngôi… Phe Thái hậu Thượng Dương và Tể tướng Lý Đạo Thành ta vừa mới trấn áp được… Dân tình trong nước còn xao xuyến… Thế giặc Tống ép mạnh như cơn nước lũ dữ dội vào biên thùy phía bắc… Nếu giặc tung quân thì chỉ cần một ngày một đêm ruổi ngựa là chiến mã địch đã có mặt trước đất Kẻ Chợ không có thành trì kiên cố che chở này, thì ta còn biết chống đỡ làm sao.
Lý Thường Kiệt trầm giọng như trách móc:
- Sao lệnh bà có thể nghĩ là giặc đi Tống có thể đi vào đất Đại Việt ta như đi vào chỗ không người như thế được?
Ỷ Lan Thái phi buồn bã mở bức Dư địa chí đồ bản, chỉ cho Lý Thường Kiệt một dòng sông mà nói:
- Đây là Như Nguyệt, ở cách quê nội của ta mấy dặm đường. Quân của ta, thực đất của ta chỉ đến sông này là tận cùng. Bến ngạn sông làng mạc của ta thưa thớt, là vùng đất của các khê động, đó là đất động Giáp, rồi động Lôi Hỏa, động Đặc Ma và biết bao khê động lớn nhỏ khác… Từ sông Như Nguyệt tới Thăng Long chỉ phỏng chừng ba mươi dặm đường mà thôi… Đất của ta chỉ có thế… Còn đất ngoài Như Nguyệt thì các tù trưởng khi thì thần phục ta, khi thì lại bị người Tống lôi kéo, không thể dễ dàng mà tin ngay được…
- Lòng tin của người đối với ta và của ta đối với người đâu phải là cái tự nhiên mà có… Vua Thái Tổ triều ta đã tạo ra niềm tin đó. Biết bao nhiêu công chúa sinh ra trong lầu son gác tía, cành ngọc lá vàng đã rời chốn đế đô để ra đi làm dâu con trong các khê động có phải là uổng phí… Họ đã trở thành những mối dây ràng buộc những người tù trưởng khê động với triều đình ta. Thân gái liễu yếu đào tơ của họ có sức mạnh hơn cả những đạo cấm quân. Vì mọi đạo cấm quân chỉ có thể giữ được một cửa thành trì khi có lũ giặc tràn tới, chứ một mình họ đi xa vào một khê động biên cương làm bà áp trại phu nhân, thì cả một nẻo biên thùy bền vững, triều đình không phải xuất quân đánh dẹp, mà lũ giặc ngoại xâm lại bị ngăn chặn từ nẻo biên cương xa mới rộng mở sau gót son của nàng công chúa mới dời kinh đô ra đi… Và bây giờ các công chúa của triều Lý vẫn sẵn sàng đi để giữ gìn và mở rộng biên cương kia mà.
Ỷ Lan Thái phi nhiếp chính giật mình kinh hãi:
- Đi ngay bây giờ ư… Làm sao được… Làm sao có thể đi ngay vào lúc tang chế của bản triều được?
Lý Thường Kiệt quả quyết:
- Càng lúc này, càng cần phải ra đi… Vì lúc này là lúc nhân tâm các miền khê động đang biến loạn xôn xao bất định… Phải ra đi để giữ lại giường mối… Không thể nào dừng được.
- Nhưng triều đình và trăm họ đang có đại tang… Hoàng đế mới băng hà, lễ cúng kỵ một trăm ngày vừa hết… Làm sao có thể gả các công chúa đi được…
- Xin hỏi lệnh bà, nếu hoàng đế băng hà chưa được ba ngày, chưa kịp quàn, chưa kịp phát tang, mà giặc đến ngoài cửa thành, ta nên đóng cửa thành phát tang, hay nên mang quân ra đánh…
- Tất phải mang quân ra đánh…
- Việc các công chúa ra đi, nhất là việc ra đi của công chúa Thiên Thành cũng là một việc xuất binh khi giặc đến ngoài cửa ngõ biên thùy, không thể vì vướng đại tang mà ngừng được.
Ỷ Lan thái phi buồn bã lắc đầu:
- Khanh là một võ tướng… nên khanh cứ nhầm việc phát binh với việc cưới hỏi hôn lễ… Sách Hán chép rằng, khi ban bố bài chiếu nói về việc hôn thú, Hán tiên đế dạy là: hôn nhân là việc đại sự đại trọng bậc nhất trong đạo luân thường. Phải lo xong việc hiếu mới lo đến việc hỷ. Đạo luân thường có ba điều trọng là đạo vua tôi, đạo thầy trò và đạo cha con… Công chúa đang chịu tang cha, là một lúc chịu hai cái tang lớn, một là với tư cách kẻ làm con chịu tang người sinh thành ra mình, lại nữa với tư cách của kẻ làm tôi chịu tang bậc quân vương… Không thể đội hai cái tang lớn trên đầu để tiến hành một việc hệ trọng bậc nhất trong đạo luân thường là việc hôn thú được.
Lý Thường Kiệt cười:
- Điều thái phi nói đều rất đúng như trong các sách cổ nhân mãi bên Đại Tống truyền sang ta… Ấy là Thái phi chưa nhắc đến nghi lễ được quy định từ thời tiên cổ nhà Hán. Nào là nghị hôn của hai họ để tìm kẻ môn đăng hộ đối. Nào là lễ nạp thái, theo đúng như sách nghệ văn loại tự, ta là triều đình tước vương mang nghiệp đế thì nhà trai phải nộp đủ vàng, gấm hoa pha vân đen đỏ tượng hình của càn khôn đất trời. Một trăm đôi đế tượng hình của phúc lộc, một trăm đôi nhan tượng hình cho sự đầm ấm thịnh vượng. Một trăm vò rượu tượng hình cho sự vui vẻ… và phải chờ kiếm cho đủ ba mươi vật phẩm mỗi thứ tượng trưng cho một ý nghĩa thông thường, một ước mơ hạnh phúc… Rồi lại lễ vấn danh, lễ nạp cát, lễ nạp trưng, lễ thỉnh kỳ… cuối cùng mới đến lễ thân nghênh nghĩa là nhà trai đón dâu, nhà gái tổ chức vu quy cho con gái của mình về nhà chồng… Tất cả những thứ lễ đó không ai đọc sách nho lại không biết…
Nhiếp chính Thái phi Ỷ Lan bực mình:
- Tại sao khanh lại mang chuyện hôn lễ là việc suốt đời người cùng các lễ tiết ra để dè bửu chế giễu như thế?...
Lý Thường Kiệt lắc đầu:
- Thời tổ tiên ta sống ở đất này, việc cưới xin thật là thuần phác ít có các lễ tiết rắc rối theo mấy quyển sách nho mang từ phương bắc xuống. Vì cần phải đánh Tống, bà Thái hậu Dương Vân Nga trên đầu còn để tang vua Đinh Tiên Hoàng, tay còn ôm ấu chúa, đã làm lễ thành hôn ngay với thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Lễ thành hôn đó làm cho các nhà nho lắc đầu than thở. Nhưng thử hỏi nếu không kết thành một khối giữa kẻ nắm quyền bính cả thập đạo quân với người giữ yên trong nước thì làm sao mà thắng được quân Tống, để đất nước còn đến ngày nay cho các bậc đại nho lắc đầu mỗi khi chép sử đến đoạn đó. Thời buổi ta đang phải khu xử đây hỏi có khác chi thời buổi bà Thái hậu Dương Vân Nga kia đầu đội khăn tang tiên đế mà đi lấy chồng không nào?
- Kể ra thì cũng không giống hẳn, nhưng cũng vô cùng nguy hiểm.
- Cứ cho là không giống đi, nhưng nguy hiểm thì đã đến mức ngàn cân treo sợi tóc rồi… Vì có biến trong cung đình về quyền nhiếp chính, mà sợi dây ràng buộc của các đời vua trước với các khê động biên thùy phía bắc bị rệu rã, đứt mục. Tấm áo giáp chắc chắn che đất châu thổ nay mất sức che chắn đỡ hòn tên mũi kiếm rồi. Trong khi đó, ngọn đại đao của kẻ thù đã mài sắc, và đã giương sẵn chờ chém vào ngang thân ta. Thái phi muốn ta bỏ tấm áo giáp từ lâu hữu hiệu, nhưng bây giờ đứt vài mũi chỉ, để chạy tìm một chỗ ẩn nấp như cái hang của kẻ chạy khỏi người săn đuổi. Như thế phỏng có phải là kế bền chắc không? Nay Thái phi đừng có nệ theo lễ nghĩa của ngoại tộc đưa vào, dùng hôn lễ và sự ra đi của các công chúa như những sợi chỉ hồng bền chắc vá lại chiếc áo giáp bền vững ấy. Theo Thái phi, trong hai cách thì cách nào là cách ta không nên nắm lấy để cứu mình cứu nước. Xin Thái phi Nhiếp chính tùy nghi toàn quyền định đoạt.
Ỷ Lan Thái phi Nhiếp chính im lặng hồi lâu rồi truyền lệnh rằng:
- Truyền cho chuẩn bị gấp để cho công chúa Thiên Thành xuất giá theo lễ vu quy của bản triều…
Lệnh đó đã truyền đi, và mọi việc được gấp rút chuẩn bị. Hôm nay cả kinh thành Thăng Long rực rỡ đuốc hoa đón đoàn rước dâu của phò mã động Kép về xin rước công chúa Thiên Thành.
Đám rước đã qua sông Cái tập trung hạ trại ở đường Hòe bên sông. Đúng giờ hoàng đạo, tiếng trống đồng rền vang cả kinh thành. Hơn một trăm dũng thủ rước nghi vệ của tù trưởng động Kép mang theo một bộ chín chiếc trống đồng. Loại trống to phải ba lực sĩ khiêng trên đòn ba dây, một người cầm dùi lớn đi theo và một người giữ nhịp. Chín chiếc chiêng bằng, mỗi cái chiêng to như một cái nong đúc đồng nguyên khối vừa dày vừa nặng, phải đặt trên kiệu giá hai người khiêng, có người cầm dùi đi theo. Chín chiếc chiêng núm, có vú bằng đồng đúc dày đồng ở giữa. Tuy không to bằng những chiếc chiêng bằng, nhưng cũng phải hai người khiêng trong kiệu và một người cầm dùi lớn đi theo. Chín chiếc cồng voi loại cồng voi trận, cũng hai người khiêng một người cầm dùi để đánh. Ngoài ra còn có ba mươi chiếc cồng nhỏ, chiêng núm do ba mươi sáu dũng sĩ cầm trên tay trái, nắm tay phải làm vồ đánh… Dàn nhạc đồng hùng vĩ hơn một trăm dũng sĩ động Kép nổi giông bão. Tiếng trống đồng gầm lên như sấm dồn, núi lở. Chưa bao giờ kinh thành Thăng Long lại náo động đến như thế, nhất là sau cái tang kéo dài của bậc tiên đế.
Dàn nhạc đồng đi trước mở lối, tiếp sau dàn nhạc là ba mươi sáu dũng sĩ giương ba mươi sáu lá cờ của ba mươi sáu khê động. Mỗi khê là đơn vị của một vùng cư trú tương đương một hương dưới xuôi. Động Kép bao gồm ba mươi sáu khê. Mỗi khê có trên dưới một trăm tay cung tay mác, giữ trên dưới một trăm nóc nhà trải ra khắp vùng đất bao la từ Quỷ môn quan tràn xuống tận phía bắc ngạn sông Thương, sông Cầu. Trong hàng quân danh dự mỗi dịp chinh chiến hoặc mỗi kỳ lễ trọng, hộ tống tù trưởng động mà triều đình phong tước vương làm chức quan tri châu, hay châu mục, bao giờ cũng có dũng sĩ của ba mươi sáu khê giương cờ như một thứ nghi vệ không thể thiếu được. Ba mươi sáu kỵ sĩ cầm cờ ghìm ngựa đi nước kiệu theo nhịp trống đồng và chiêng cồng uy nghiêm. Phò mã Thân Cảnh Phúc cưỡi trên lưng con ngựa bạch lóng lánh yên cương giát vàng đi giữa ba mươi sáu dũng sĩ cầm cờ, biểu tượng cho sự hùng mạnh của động Kép. Đi sau hàng võ sĩ là ba mươi sáu chiếc kiệu sơn cước. Đó không phải là kiệu đầu rồng của triều đình, kiệu đầu lân của các đình chùa thường dùng rước thánh thần. Kiệu sơn cước đơn giản hơn, thường làm bằng gỗ vàng tâm để mộc, chỉ quang dầu một lượt. Trên các kiệu không sơn son thiếp vàng đó, chất đầy những báu vật của ba mươi sáu khê thuộc động. Trước mỗi kiệu đều có một bô lão cưỡi ngựa cầm cờ lệnh, ghi rõ tên của từng khê một. Sau ba mươi sáu kiệu của ba mươi sáu khê rước đồ sính lễ là những chiếc kiệu kiểu Tống, thứ kiệu chiến lợi phẩm sai trận đánh đột kích vào động Lôi Hỏa mà các tướng dưới quyền Thân Cảnh Phúc cướp được của bên giặc. Trên các kiệu này chất đầy những chiến lợi phẩm, từ những bộ áo giáp, những vũ khí quý giá đến châu báu ngọc vàng. Ý của dân động Kép là muốn biểu dương công trạng của phò mã. Chứng tỏ rằng phò mã mang những chiến tích oai hùng. Vì thế trong hai hàng võ sĩ hộ tống kiệu cưỡi ngựa mang giáp hình trụ cùng mình toàn là những dũng sĩ có nhiều võ công trong chiến trận vừa rồi. Tiếp sau hàng kiệu kiểu Tống là hàng kiệu của triều đình ban tặng, trong đó chiếc kiệu đi đầu bỏ trống. Đó là chiếc kiệu rất huy hoàng. Kiệu này tuy cũ rồi, nhưng được người dân động Kép kết hoa bằng thổ cẩm vô cùng rực rỡ. Kiệu cũ vì đây là kiệu mà vua Thái Tổ nhà Lý ban cho con gái đầu lòng khi về làm dâu động Giáp. Làm dâu tù trưởng Giáp Qui. Cũng từ cái kiệu này, nhà vua ban cho họ Giáp đời đời làm thân vương của triều đình và đổi từ họ Giáp sang họ Thân. Đó là bà nội của Thân Cảnh Phúc tù trưởng của động Kép hôm nay. Cũng chính bằng cái kiệu này, bố Thân Cảnh Phúc cũng mang đi rước công chúa nhà Lý, tức là mẹ đẻ ra tù trưởng Thân Cảnh Phúc hôm nay. Và bây giờ tù trưởng Thân Cảnh Phúc lại rước đúng chiếc kiệu quý này cùng toàn thể các khê động đi rước công chúa Thiên Thành. Sau kiệu quý này là mười chiếc kiệu kiểu Lý rất lớn, đựng toàn những vật phẩm quý giá do lái buôn Lý Chăm cất công đi dọc Hoa Hạ mua về…
Đám rước rực rỡ sắc màu vang động tiếng sấm rền như một con giao long khổng lồ uốn lượn trong kinh thành Thăng Long với bảy mươi hai phường phố lúc bấy giờ… Rới mới tiến đến Kinh Thiên điện. Thái phi Ỷ Lan sai dọn hết đồ tang ngự trên chính điện để phò mã và công chúa làm lễ tế tơ hồng. Cũng như tất cả các nàng công chúa của triều Lý phải ra đi làm sợi chỉ hồng bền chặt đan kết nên sự thống nhất quốc gia, nàng công chúa Thiên Thành đến giờ phút tế tơ hồng mới được liếc mắt nhìn qua tay áo thêo kim tuyến vàng óng ánh để thấy mặt người chồng sắp cưới của mình. Và rồi chỉ trong giây lát mình phải lên kiệu hoa rời kinh thành để đến một cõi biên thùy xa xôi mình chưa hề biết tới. Một lần ra đi chẳng bao giờ trở lại. Công chúa Thiên Thành nhớ đinh ninh lời dặn của Thái phi nhiếp chính:
- Đã bao nhiêu con gái triều đình nhà Lý mang danh công chúa ra đi… Ra đi vì mệnh nước. Ra đi vì mệnh vua. Ra đi vì sự tồn vong của triều đình nhà Lý. Từ nay gánh nặng sơn hà đè lên vai của con. Nếu con giữ được chàng phò mã chồng con trung thành với triều đình, trung thành với nền nhất thống của Đại Việt là sự sống của con còn đảm bảo. Nhưng nếu để chồng con bị các sứ nhà Tống mua chuộc, lôi kéo, đi đến li khai khỏi triều đình, chống lại đất nước, thì cái chết sẽ đến với con trước khi nguy cơ đến với giang sơn gấm vóc… Kể từ giờ phút này vận nước nằm vào tay con như đã nằm vào trong bàn tay yếu đuối của biết bao nàng công chúa của triều đình ta… Con không bao giờ nên quên điều đó…
Công chúa Thiên Thành đâu dám quên. Nhưng như bất cứ một cô gái nào khác, công chúa Thiên Thành vẫn hồi hộp ghé mắt nhìn chàng dũng sĩ hùng cứ một phương trời, mà mình sẽ kết nghĩa trăm năm, sẽ ăn đời ở kiếp, sẽ trao xương gửi thịt, trao cả số phận của mình. Công chúa bồi hồi thấy vẻ mặt tuấn tú, vóc dáng quắc thước, khí thế hào kiệt của chàng tù trưởng động Giáp, nay theo lệnh của Ỷ Lan Thái phi được đổi là động Kép.
Lễ tơ hồng được cử hành xong, Ỷ Lan Thái phi dẫn phò mã và công chúa vào tận sân rồng ra mắt hoàng đế Nhân Tông. Nhà vua mới lên tám tuổi, đứng ra làm lễ hợp hôn cho người chị cùng cha khác mẹ của mình lấy một người tù trưởng ở nơi phên giậu quốc gia dưới sự hướng dẫn của bà nhiếp chính…
Vì là một viên hoạn quan, dù làm đến chức tể chấp đầu triều, nhưng trong buổi lễ hệ trọng của hôn phối này, Lý Thường Kiệt vẫn ý tứ lánh vào trong phủ đệ riêng của mình. Khi những nghi lễ tưng bừng của đám cưới lớn nhất kinh thành làm cho không một người dân Kẻ Chợ nào có thể ngồi yên được thì Lý Thường Kiệt ngồi yên lặng, nghe Lý Chăm kể về những điều tai nghe mắt thấy trong kỳ viễn thương suốt dọc biên thùy Hoa Hạ. Ông chú ý đến từng biến đổi nhỏ nhặt diễn ra sau khi tể tướng Vương An Thạch thực hiện tân pháp một cách tàn bạo cho tới vùng biên thùy Hoa Hạ xa xôi.
Tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng trống đồng đánh theo nghi tiết của lễ thân nghinh vang động trong không trung, rung động đến cả bức tường căng da hổ của phủ tiết chế Tể chấp. Lý Thường Kiệt vẫn ngồi bất động im lặng lắng nghe. Thỉnh thoảng ông mới từ tốn đặt một câu hỏi ngắn gọn vắn tắt:
- Thế còn việc mẹ con Nùng Trí Cao, nhà ngươi có nghe ngóng thấy gì không?...
Lý Chăm lại hối hả trả lời, cố nói to để át tiếng trống đồng chiêng đồng vang đến tận nơi cơ mật này.
- Dạ, bẩm tướng công Tiết chế, tôi đã tìm cách mang hàng vào đổi vàng bạc của châu Quảng Nguyên để tìm đến tận đất phát tích của họ Nùng. Tận mắt tôi thấy vùng này tuy dân thưa, ruộng ít, nhưng có nhiều sản vật quý, có nhiều phu người Mán đến đây theo những chủ trường khoáng để khai thác mỏ vàng mỏ bạc. Tại các hạt Ngân Sơn, Nguyên Bình, Thạch An vẫn còn có các lò đúc vàng đúc bạc. Ngược lên phía tây bắc còn có mỏ đồng Tụ Long rất lớn. Bộ tộc họ Nùng đến bây giờ hãy còn cư trú rải rác từ vùng núi Quảng Uyên này lên tới hữu ngạn tả ngạn của hai con sông Tả Giang, Hữu Giang phát nguyên từ lòng núi vùng Lưỡng Quảng. Họ Nùng này là một họ rất mạnh. Mạnh đến mức các hoàng đế phương bắc phải kiêng nể. Ngay từ thời nhà Nam Hán thôn tính nước ta, bắt nước ta làm quận huyện, thì họ Nùng này đã giữ nguyên một khoảnh trời, và vua Nam Hán phải ban chiếu sắc phong. Lúc bấy giờ động trưởng của họ Nùng là Nùng Dân Phú đã được vua Nam Hán phong làm thủ lĩnh của dân mười châu động Quảng Nguyên. Khi Tống Thái Tông lên ngôi, Nùng Dân Phú lại xin quy phụ nhưng vẫn giữ độc lập trong giang sơn của mình, và nhà Tống cũng chịu, phải phong cho chức kiểm hiệu tư không. Từ đó họ Nùng đời đời truyền giao quyền lực theo lệ cha truyền con nối. Nhưng vì không giữ giường mối ngành trưởng , nên thường chia cho các con giữ riêng từng khê động, vì thế càng về sau, thế họ Nùng càng suy, lực họ Nùng càng phân tán…
Lý Thường Kiệt gật gù;
- Ta biết, ta biết… vì thế mà ta can vua Thánh Tông không bao giờ nên cắt đất phân phong cho các hoàng tử vương thân ngành trên ngành dưới… Như thế là đi vào cõi chết…
Lý Chăm mau miệng hỏi:
- Dạ thế sao, tướng công Tiết chế lại truyền cho các khê động phải chiểu theo lẽ công bằng của các ngành trưởng ngành thứ phải chia đất, chia lộc, chia quan tước?...
Trong đáy mắt của vị Tiết chế đang ngồi im lìm bỗng lóe lên như một tia chớp lạnh. Vị Tể chấp gần như gầm lên:
- Đó là thuật trị nước… không phải việc của nhà ngươi… Vì cớ gì mà nhà ngươi dám so sánh ngang bằng giữa việc của triều đình với việc của các khê động… Thôi kể tiếp về dòng họ Nùng mà nhà ngươi nghe ngóng được…
Lý Chăm hoảng hốt run sợ, nên rối rít mau miệng thưa:
- Dạ… bẩm vâng ạ… con xin kể ngay ạ… Dạ, đến đầu đời Lý ta, thì họ Nùng vùng Quảng Nguyên vốn hùng mạnh bị vỡ vụn ra thành mười chi. Mỗi chi giữ và xưng hùng tại một động, không còn phụ thuộc gì vào nhau nữa, ngoài quan hệ huyết thống xuân thu nhị kỳ họp lại với nhau để mở hội tế lễ. Lúc bấy giờ chúa động Tường Cần thuộc châu Thạch An cướp quyền thủ lĩnh động Thảng Do. Đó là một con người dũng mãnh, có hùng tâm tráng chí. Với chí lớn, Nùng Tồn Phúc mở hội võ mời các chi phái của họ Nùng lại bắt mọi người quy phục mình, để lập nghiệp đế, làm cho dân Nùng hùng mạnh. Nhưng các chi phái vì mảnh ruộng bậc thang riêng, vì mảnh vườn riêng, vì cái mỏ thiếc mỏ đồng riêng đang thu lợi lớn, đều nhao nhao phản đối. Thế là con đường dùng lẽ phải thuyết phục không xong. Nùng Tồn Phúc là kẻ quyết đoán tàn bạo, nên không chịu bó tay, thuyết phục bằng lời không được sẽ dùng gươm. Lập tức Nùng Tồn Phúc tiến quân đánh động Vạn Nhai, giết chết đứa em trai của mình, đang là tù trưởng, sát nhập động này vào của mình, rồi lại ào ạt tiến quân sang động Vũ Lạc giết chết tươi em vợ là tù trưởng Đường Đạo, hợp quân của ba động lớn, tiến lên đánh phá thu phục tất cả các động nhỏ thuộc mười động của châu Quảng Nguyên cũ. Làm chủ những lò bạc, lò vàng lớn, làm chủ cả một mỏ đồng lớn nhất miền Hoa Hạ. Lúc bấy giờ thanh thế của Nùng Tồn Phúc rất lớn. Vì nước ta cũng vào lúc đó lo việc xưng đế hiệu nên không để ý đến một vương đế mới ra đời ngay giữa nước ta và nước Tống. Thấy ta lập đế hiệu, dựng nước độc lập mà nhà Tống không dám động binh Nùng Tồn Phúc cũng xưng đế, lập nước Trường Sinh, xây dựng quân đội, rèn luyện sĩ tốt. Quyết chí tự lập tự cường.
- Thật là một con người có tráng chí… nếu Tồn Phúc còn sẽ nguy hiểm cho triều Lý ta…
- Vâng, quả đúng như vậy, nên vào năm Mậu Dần (1038), vua Thái Tông triều ta dấy đại binh tiến lên chinh phạt. Bắt được Tồn Phúc và con cả là Trí Thông. Nhưng vợ Tồn Phúc là Ả Nùng cùng con thứ là Nùng Trí Cao chạy thoát sang động Lôi Hỏa… Lý Thái Tông sai chém ngay cha con Nùng Tồn Phúc để răn đe. Nhưng lúc bấy giờ Nùng Trí Cao mới mười bốn tuổi đã tỏ ra một tay anh hùng đảm lược. Trí Cao đứng lên cầm quân với sự giúp đỡ của mẹ, trở về cướp động Thảng Do, thống nhất lại quân các khê động lập nước mới là nước Đại Lịch. Vua Thái Tông triều ta lại cử đại binh thân dẫn quân lên đánh bắt được cả hai mẹ con Trí Cao…
Lý Thường Kiệt trầm ngâm:
- Việc này thì ta biết… chuyện cũ tuy đã ba mươi năm nhưng ta còn nhớ như in trong dạ… Lúc đó ta mới ngoài hai mươi tuổi. Đã được xung vào ngạch thị vệ, phong đến chức đô tri vệ cấm quân theo hầu vua. Đúng là vua bắt được Trí Cao và Ả Nùng, nhưng đất Quảng Nguyên không thể định được nếu thiếu tay Trí Cao… Giết Trí Cao lúc đó rất dễ. Nhưng giết Trí Cao thì có nghĩa là đẩy cả mười châu động Quảng Nguyên về nước Tống. Các châu động này sẽ thần phục Tống và sẽ chĩa giáo đánh ta. Vì thế vua buộc phải tha Trí Cao và mẹ, rồi lại sắc phong cho Trí Cao đến chức Thái Bảo… Việc này lúc đó ta tuy mới là một võ tướng cấm binh thị vệ trẻ nhưng ta dám lạm bàn, tí nữa mang họa vào thân, may mà vua thương tình chỉ quở trách… Lúc đó trong triều không phải ai cũng hiểu được đức và trí của bậc tiền đế, nên có ý dèm pha mẹ con Trí Cao. Có nhiều tin tức tâu về là Trí Cao định làm phản: Vua sai tướng cầm quân nên hỏi tội. Trí Cao chạy sang lấy động An Đức lại lập quốc, lấy hiệu mới là Nam Thiên Quốc. Trí Cao sang sứ sang ta cầu phong. Vua ta không cho, Trí lập niên hiệu Cảnh Thụy và sai sứ sang Tống xin thuần phục nhà Tống. Nhưng vua Tống cũng không cho. Lúc bấy giờ có viên tổng trấn Ung Châu là Kỳ Mân muốn lập công, nên đem quân vào sâu sào huyện Nùng Trí Cao. Bị họ Nùng bắt, để gỡ tội, Kỳ Man nói với Trí Cao sẽ giúp đỡ cho việc xin quy phục nhà Tống. Trí Cao mừng lắm, mang nhiều vàng bạc ngà voi tiến cống, cử sứ đi đến kinh đô nhà Tống xin quy phục và cầu phong. Nhưng Tống sai lầm không nhận, lại muốn thôn tính. Trí Cao bị ép giữa hai phía Việt, Tống, tức giận, bồn chồn. Lúc bấy giờ có một lái buôn vàng tên Mật họ Hoàng Sư. Tên này không phải là lái buôn tầm thường. Y đã từng đỗ đến tiến sĩ, làm quan trong triều. Nhưng lại có máu giang hồ nên bỏ đi buôn để lập nghiệp. Hoàng Sư Mật vì đi lại buôn bán khắp các miền trong Hoa Hạ, nên biết nhiều việc, lai có trí xét đoán, nên bỏ buôn vàng tính chuyện buôn lớn, buôn hẳn nước để lấy cái lãi là chức Tể Tướng một vương quốc mới. Y bày tỏ với Trí Cao mọi việc quân mật, rồi bày kế ngầm xui Trí Cao đốt hết gia tài điền sản của dân động, rồi tuyên cáo rằng: Của cải của dân ta tích trữ bao đời nay một phút thiên tai hóa ra tro bụi cả. Bây giờ biết lấy gì mà sinh sống… Âu đó cũng là điềm trời xui khiến, bảo ta tiến vào Ung Châu chiếm lấy ruộng đất phì nhiêu sinh sống đời đời tự lập… Thế là tất cả già trẻ gái trai đều đi theo. Năm ngàn dũng sĩ rùng rùng kéo thẳng vào đất Ung theo dòng Hữu Giang… Việc này là vết nhục của nhà Tống, nên các sách sử không thấy có ghi… Mà ta rất muốn biết thật rõ con đường tiến quân của Trí Cao, vì thế ta mới sai người đi để tìm lại dấu vết… Chẳng hay người có làm đúng mệnh của ta giao cho hay chăng?...
Lý Chăm đang mải mê nghe người trong cuộc kể lại chuyện cũ nay bị hỏi thì giật mình rối rít thưa:
- Bẩm… bẩm… con đâu dám quên… Với đàn ngựa thồ hàng, con đã lần theo dấu vết của con đường tiến công hào hùng của Nùng Trí Cao. Vào tháng tư năm Nhâm Thìn (1052), niên hiệu Hoàng Hữu thứ tư, quân Trí Cao trẩy theo dòng Hữu Giang về hướng đông. Đánh lấy trại núi Hoành ở đất Điền, rồi xuôi dòng sông Uất tiến thẳng đến Ung Châu như vũ bão. Lúc bấy giờ thành Ung chưa phải là một thành lớn như ngày nay, lại nữa đã có Hoàng Sư Mật tìm kẻ làm phản nội ứng, nên thành Ung Châu không giữ nổi quá ngày mồng một tháng năm năm đó. Lấy được Ung Châu, Trí Cao lập một nước mới, đặt quốc hiệu là Đại Nam, tự xưng là Nhuân huệ Hoàng đế, rồi ra hịch xuất binh dọc theo Tầm Giang, xuôi dòng Tây Giang tiến về phía Quảng Châu. Đạo quân Trí Cao càng tiến sâu vào đất Tống càng có thêm dũng sĩ vác giáo theo dưới cờ, tiến như vũ bão. Quân Tống đóng trại tại các châu lỵ dọc đường vì quá hèn nhát lại không có thành cao hào sâu bảo vệ nên tan vỡ rất nhanh. Ngày mồng chín tháng năm, Trí Cao phá tan châu Hoàng. Ngày 12 tháng năm, Trí Cao tràn vào châu Quí. Ngày 16 tháng năm, Trí Cao dẫn quân tràn vào cánh đồng Bình Nam, cướp lấy châu Củng. Ngay ngày hôm sau, tức là 17 tháng năm, Trí Cao chia quân thành hai mũi cướp luôn hai châu là châu Tần và châu Bằng. Còn tự mình thống lĩnh đại quân tiến vào đất Thương Ngô chiếm hai châu: châu Ngô và châu Phong. Sang ngày 8 tháng năm, Trí Cao công kích châu Khang. Ngày 19 tháng năm Trí Cao xua đại binh vào đất Triệu Khánh làm chủ châu Đoan. Thế là chưa đầy một tuần trăng quân Trí Cao đã đến trước châu thành Quảng Châu. Đi đến đâu Trí Cao cho quân đốt phá tàn sát đến đó, bắt hàng vạn tù binh, giết một lúc hơn ba ngàn tướng tá… Nhưng trong thành Quảng Châu lúc đó có một võ tướng trí dũng song toàn, lại có thành cao hào sâu, quân luật nghiêm minh, nên Trí Cao đánh ròng rã năm mươi bảy ngày đêm mà không hạ nổi. Đến ngày 18 tháng bảy, Trí Cao hạ lệnh lui binh…
Lý Thường Kiệt trầm ngâm:
- Nếu ta cầm quân, ta không đánh như thế… ta sẽ đánh từ phía ngược lại… hay là từ hai phía… ắt là…
- Dạ, tướng quân dạy gì ạ…
Lý Thường Kiệt quắc mắt:
- Không phải việc nhà ngươi… Cứ trình việc tiếp đi…
- Dạ đến bây giờ khi tiến đến thành Quảng Châu và từ Quảng Châu đến thành Khâm Châu, tôi còn nghe dân gian kể chuyện về việc thời ấy khắp một vùng Hoa Hạ, giáp biển lo chạy loạn Giao Chỉ, vì nghe quân Đại Việt sẽ tràn sang bằng đường biển… việc đó tôi không rõ thực hư thế nào cả…
- Thực mà hư, hư mà thực… rồi chính ta, ta sẽ tiến quân thực cho mà xem… Chờ đấy…
- Dạ bẩm tướng công, tướng công dạy gì…
Biết là trong lúc cao hứng, mình đã buột miệng nói ra cái điều nghĩ suy tâm niệm. Sợ lộ việc quân cơ, Lý Thường Kiệt lại trầm giọng quắc mắt:
- Nhà ngươi cứ trình việc tiếp đi… nhà ngươi kể đến đâu rồi nhỉ?
- Bẩm tướng công, tôi đang kể đến chuyện có tin đồn là ta xuất quân đánh ngược theo đường biển… làm dân gian Hoa Hạ đến bây giờ hãy còn sợ ạ… chuyện đó không rõ thực hư…
Lý Thường Kiệt gật gù:
- Việc này thì ta biết… nhà ngươi đi đến tận nơi, có biết gì thêm không…
- Dạ bẩm tướng công, tôi đến tận đèo Côn Lôn…
Lý Thường Kiệt trầm ngâm lắng nghe Lý Chăm kể rồi nói:
- Việc cũ nơi ngoài biên tái mà nhắc lại ta cứ nghe như mới xảy ra ngày hôm qua… Tiếc thay… tiếc thay… cho kẻ anh hùng… Ta là kẻ hậu sinh… ta không có quyền xét việc làm và hành trạng của các bậc đế vương và khanh tướng triều trước… Nhưng nếu lúc đó ta nắm giữ binh quyền thì người anh hùng tráng kiệt như Trí Cao sẽ không bao giờ phải chết nhục ở miền núi rừng âm u Vân Quý… Mà vua nhà Tống chẳng thể nào ngồi yên ở Biện Kinh…
Lý Chăm là một khách thương tuy vốn trí thông minh hơn người lại được huấn luyện việc thám sát qua lần đánh Chiêm, nhưng không dễ gì có cái nhìn bao quát. Điều này vị Tể chấp Tiết chế cũng hiểu, nên không đòi hỏi gì hơn ngoài việc yêu cầu người khách thương này kể tất cả những điều tai nghe mắt thấy, rồi đối chiếu với những tin tức do thám khác nhau của các người do ông bí mật phái đi, để thấy chính sách Nam thùy của triều Tống…
Chiến thắng Chiêm Thành của vua Thánh Tông làm cho triều Tống bắt đầu gờm sức mạnh của triều Lý nước Đại Việt. Vì thế mà một mặt Tống Thần Tông và tể tướng Vương An Thạch ráo riết tăng quân lực của các châu phía nam, tăng các kho vũ khí lương thảo, tăng để phòng thủ chứ không dám đánh. Vương An Thạch còn mật lệnh cho các tướng là nếu thấy ai có tư tưởng muốn đánh ngay Đại Việt thì phải bẩm ngay, để tránh gây rắc rối ở phía Nam thùy. Có lẽ vì thế mà tháng mười năm ấy, viên quan coi Quế Châu là Phan Bội đã tâu về triều rằng: “Viên quan coi việc các khê động phía Nam họ tưởng tên Thánh Du, vừa tới nhậm chức đã nói muốn đánh lấy đất Giao Chỉ… Thần sợ y quá hăng hái, làm càn gây việc biên tái, xin thuyên chuyển y đi chỗ khác ngay…” Và tên quan này đã bị biếm. Nhưng chí lớn của tể tướng và nhà vua không hề thay đổi, chỉ muốn giữ kín, vì thế lấy cớ là đề phòng Giao Chỉ phản trắc, vua Tống muốn dời ty kinh lược từ Quế Châu xuống Ung Châu. Để làm việc này, thành Ung Châu đã biến thành một trung tâm quân sự lớn nhất ở phía Hoa Hạ… Và viên tướng có công đánh dẹp Nùng Trí Cao họ Tô tên Giàm, đã được cất nhắc lên coi việc Ung Châu, Vào tháng mười năm Canh Tuất, sứ ta là Kế Nguyên mang quốc tính họ Lý, xin được mở đường sang Biện Kinh, bị Tô Giàm giữ lại, đòi phải trả lại các tù binh Tống mà quân các khê động Đại Việt đã bắt…
Cuối năm Canh Tuất (1070), viên quan coi việc chuyển vận sứ Quảng Tây họ Đỗ tên Kỷ dân sớ về Biện Kinh, tâu rõ bản đồ núi sông đường sá, thành quách, bình dân và nội tình nước Đại Việt. Vua tâm đắc lắm truyền gọi tể tướng Vương An Thạch vào nội cung cho xem và định giao cho viện khu mật trù liệu. Tể tướng Vương An Thạch biết là Tống Thần Tông muốn đánh Giao Chỉ lắm rồi, bèn can:
- Muôn tâu bệ hạ, từ khi đăng quang bệ hạ đã ngỏ ý từ trước là phải lo cho nước mạnh. Đó là phúc cho dân Tống. Còn việc ngoài vạn dặm, trước đã bàn là không thể không xét tới. Đến như sai biên thần đi dỗ Giao Chỉ, thì chưa nên… Làm như vậy, ắt Giao Chỉ sinh nghi… sinh nghi sẽ động tâm mà động tâm tất sinh biến. Sinh biến vào lúc ta chưa trù liệu xong mọi việc thì thất lợi…
Vương An Thạch nhấn mạnh mấy chữ dỗ Giao Chỉ. Dỗ theo cách trù liệu của tể tướng họ Vương là mang quân đi gây sức ép, buộc nước nào đó phải hàng phục. Vương An Thạch muốn Thần Tông giữ kín việc bành trướng phía Nam để tránh sự bài xích của các đại nho thần và cựu thần. Tể tướng nói thêm:
- Việc ngoài vạn dặm mới định, mà kẻ trí giả đã biết trước thì khó mà thành tựu nổi… Xin bệ hạ ráng chờ đợi ít lâu… Hiện nay sự đáng lo trong nước không phải ở ngoài biên thùy mà ở triều đình. Cũng không phải ở triều đình mà ở chính lòng vua.
Nhà vua Tống vừa nguôi nguôi, lại có kẻ biên thần tâu về rằng, Đại Việt thua trận ở Chiêm Thành, quân không còn một vạn, cất quân là lấy được. Đọc sớ này, Vương An Thạch cười lớn, và giấu đi không cho Tống Thần Tông. Lúc đó viên quan cũ của đất Ung Châu và Tiêu Chú, xin yết kiến Vương An Thạch và bày tỏ rằng:
- Nghe Tể tướng để nhiều tâm huyết đến việc Nam thùy, trước tôi đã ở Ung Châu lâu, tôi biết rằng lúc này, ta có thể lấy được đất Giao Chỉ để mở rộng biên thùy về phía nam… Tôi là kẻ thư sinh, xuất thân từ trường ốc, mới đây vua sai đi coi việc quân mã ở tận Hà Đông, nơi đang giao tranh với nước Hạ. Tôi vốn là thư sinh chỉ quên nghề phủ dụ lại thạo việc các khê động Nam thùy. Không quen nghề chinh chiến ở Bắc thùy, sợ không làm trọn mệnh vua. Cậy xin tể tướng cho tôi trở lại vùng đất Ung Châu. Tôi xin vì ngài mà cất bớt một nỗi lo canh cánh ở miền Hoa Hạ.
Vương An Thạch nghe nói hợp bụng mình nên tâu vua Thần Tông. Vua bổ Tiêu Chú ra coi Quế Châu. Vương An Thạch sai khu mật viện làm sớ tâu lên, xin triều đình hậu đãi những quan chức tuần du lo việc ở Hoa Hạ, nại cớ ở đó biên sự khó khăn, lại thời tiết nóng nực, nước độc, khí hậu khắc nghiệt…
Hăm hở đến Quế Châu với giấc mộng mở cõi Nam thùy, nhưng vừa đến nhậm chức, Tiêu Chú đã thấy tình hình Nam thùy biến động. Y sai tay chân mời mọc các tù trưởng khê động về Quế Châu tiếp đãi trọng hậu, dò xét hư thực. Càng dò hỏi Chú càng giật mình kinh sợ. Chỉ trong vòng mười năm, kể từ ngày bị biếm khỏi chức ở đây, tình hình bên kia cửa ải đã đổi khách. Triều Lý sau chiến thắng Chiêm Thành đã thúc ước dân các khê động thành một khối bền vững. Không biết làm sao mà các vua nhà Lý lại có nhiều con gái đến như thế. Hình như năm nào cũng có một vài nàng, dăm bảy nàng công chúa nhà Lý xuất giá ra biên thùy kết duyên cùng các tù trưởng lớn nhỏ đứng đầu các khê động suốt dọc vùng biên tái. Trong nước Đại Việt, quân đội cứng mạnh, triều chính uy nghiêm. Sức mạnh tự cường thật đáng sợ. Các man động nằm ở nơi tranh chấp đều có phò mã của vua nhà Lý đứng đầu. Tiêu Chú là một kẻ thức thời, nên biết rằng, với cảnh này khó mà tính chuyện Giao Chỉ được. Vì lẽ ấy mà có những kẻ dưới trướng vẫn ngu muội dâng kế sách phát binh phương Nam, Tiêu Chú đều nhận và bí mật đem đốt đi, không tâu về triều đình.
Hai năm đã trôi qua, nhưng Tiêu Chú không làm được gì cả vì bản thân Tiêu Chú đã cảm thấy có gây chuyện biên tái ở đây thì nhà Tống cũng chỉ gánh lấy sự thất lợi mà thôi.
Kịp đến sự biến trong cung đình nhà Lý khi vua Thánh Tông đột ngột băng hà. Tin tức ấy truyền nhanh về Biện Kinh. Việc phát binh đánh Giao Chỉ chấn động trong triều đình nhà Tống. Tể tướng Vương An Thạch nóng ruột thúc bách. Viên quan ở Lưỡng Quảng và Hoa Hạ là Hứa Ngạn Tiên đã tâu về triều rằng: Kể từ tháng giêng năm Quý Sửu, đã thay thế các thứ lính già yếu từ trước…
Càng nôn nóng hơn, Tống Thần Tông triệu Tiêu Chú về triều để căn vặn tình hình Giao Chỉ, chuẩn bị lệnh phát binh, Tiêu Chú dập đầu trước sân rồng mà tâu rằng:
- Việc lấy Giao Chỉ rất khó… rất khó…
Tống Thần Tông vỗ ngai quát:
- Cớ sao ngươi lại coi là khó?
- Bẩm khó vì binh lực Giao Chỉ đã hùng cường, cương giới Giao Chỉ đã mở rộng từ nam đến bắc.
- Nói láo… Ta mới nghe mật tâu rằng Giao Chỉ vừa mới thua Chiêm Thành quân không còn một vạn
- Muôn tâu bệ hạ, quân đội Lý đóng ở triều đình không đến một vạn thì đúng, nhưng kẻ nào tâu rằng quân Lý thua Chiêm Thành thì kẻ đó can tội lừa vua dối chúa đáng chém đầu. Sự thật quân Lý đã đại thắng Chiêm Thành, bắt vua Chiêm về tận Thăng Long, vua Chiêm xin dâng đất ba châu để được tha về và xin thần phục… Chẳng lẽ quân Giao Chỉ thua mà lại được như thế ư?
- Ta nghe tâu quân của ta hùng mạnh, một cái quật roi ngựa cũng có thể vào tận kinh đo Giao Chỉ, việc gì mà ngươi kêu khó?
Tiêu Chú lại rập đầu tâu bày:
- Muôn tâu bệ hạ, trước đây kẻ hạ thần cũng có ý đó. Cũng cho là chỉ cần cử đại binh lấy thanh thế, cho quân khê động tính ngày lấy là được. Nhưng bây giờ không thể nghĩ như thế được. Trước đây quân khê động của ta cứng mạnh, sức một thắng mười, binh khí sắc bén mà người thân tín thì tay chỉ miệng quát, ta điều khiển được. Nay, hai điều ấy không còn nữa. Binh giáp không sẵn sàng, mà người tin cậy thì đã chết quá nửa. Hơn nữa những kẻ sống sót lại bị quân Giao Chỉ làm kế sinh tụ giao hối ước thúc đã hơn mười năm… Quân ở Giáp động, Khê Man bây giờ không còn là quân của ta nữa rồi, mà là kẻ nối giáo cho quân Giao Chỉ.
Cả vua Thần Tông lẫn Tể tướng Vương An Thạch lúc này đang muốn phát binh Nam chinh, nên không bằng lòng với lời tâu bày của Tiêu Chú. Nhìn sắc mặt của vua, quần thần đều hiểu điều đó. Nên ngay lúc ấy, từ trong hàng quần thần có người tiến ra và quát lớn:
- Giao Chỉ là xứ nhỏ bé hèn mọn, không lý gì mà không lấy được… Kẻ hạ thần ra biên ải, sẽ bắt cổ tên chúa Giao Chỉ về trước sân rồng cho bệ hạ hỏi tội…
Hỏi ra thì người nói câu nói hùng hổ đó họ Thẩm tên Khởi. Lời nói hung hăng hợp ý vua và đẹp lòng tể tướng họ Vương. Vì thế ngay tức khắc, Tiêu Chú bị huyền chức và Thẩm Khởi được bổ làm quan an phủ sứ coi Châu Quế, gia thêm chức kiêm nhiệm Quảng Tây kinh lược sứ.
Thẩm Khởi hào hùng xin rằng:
- Từ nay đất Nam thùy cũng chinh chiến như đất Bắc thùy. Nếu ở Quảng Tây có biên sự thì cũng xin được theo lệ Thiểm Tây, để ty kinh lược được xử trí rồi tâu về trên sau.
Nhà vua bằng lòng. Không những thế lại giao thêm cho Thẩm Khởi tự lo toàn quyền về việc biện lương thảo cho cuộc hành binh lớn xuốn Giao Châu. Tập trung quyền lực trong tay Thẩm Khởi phát quân đánh dẹp các khê động, xây thành đắp lũy, tập trung binh lương. Dân khê động nổi lên chống Thẩm Khởi, nhưng Thẩm Khởi mặc lòng chém giết để đe dọa. Tháng tư năm Quý Sửu (1073) Thẩm Khởi xin điều động đinh, thể đinh của các bảo giáp thuộc năm mươi mốt động thuộc Ung Châu kết thành quân đô bảo giáp, sai quân rèn tập và kiểm tra phép đánh trận. Vua không những bằng lòng mà còn cấp nhiều tiền để Thẩm Khởi có thể tiến hành gấp rút việc này. Khởi lại sai binh tướng vào tận các khê động, kiểm điểm động đinh, lập thành các bảo ngũ, cử tướng phát cờ lệnh, cấp trận đồ sai rèn luyện tập binh mã. Tiếp đó Thẩm Khởi tung quân bắt các thuyền buôn, thuyền đánh cá, thuyền chở gạo, chở muối trên sông, dọc bờ biển tập thủy chiến. Cả một miền Hoa Hạ biến thành một trại lính khổng lồ, không đâu không nghe tiếng loa thét rèn quân, tiếng đao kiếm. Các kho vũ khí lương thảo đầy ắp.
Ấy cũng là lúc Thẩm Khởi cấm ra lệnh buôn bán giao thương giữa dân chúng Tống Việt. Vì thế đoàn ngựa thồ của lái buôn Lý Chăm phải vất vả gian nan lắm mới đi suốt dọc được miền Hoa Hạ để thu nhặt các tin tức, và cuối cùng bị lộ ở trạm dịch Cổ Vạn. May nhờ có trí xét đoan chuẩn bị trước của Lý Thường Kiệt cho người đóng giả lái buôn Vạn Hoa Lôi Châu đi đón mới thoát về được.
Cũng trong lúc đó, Thẩm Khởi hợp cùng Ôn Cảo dâng sớ xin vua Tống Thần Tông hậu đãi bọn tù trưởng bị dụ dỗ bỏ Lý theo Tống, để dễ bề lôi kéo. Vì thể Nùng Tôn Đán được thăng chức đô giám Quế Châu, Nùng Trí Hội được giao coi châu Quy Hóa.
Thẩm Khởi lại sai người thân tín đến tận châu Quảng Nguyên để dụ phò mã Lưu Kỷ. Lại sang người mang vàng lụa đến Châu An tính mua chuộc Nùng Thiện Mỹ. Viên đô tuần kiểm Tiết Cử đã có công đưa Nùng Thiện Mỹ và hơn sáu trăm gia thuộc chạy sang Tống. Thẩm Khởi hào hững cáo về triều: “Thiện Mỹ vốn là người của ta, coi động Nạ thuộc châu Thất Nguyên. Trước bị Giao Chỉ ước thúc đổi là châu An. Nay bỏ về theo ta, xin bệ hạ trọng thưởng để các tù trưởng khác nhìn gương đó mà bỏ Lý hàng Tống…”
Trong khi Thẩm Khởi làm náo động cả một vùng Hoa Hạ thì Tống Thần Tông và tể tướng Vương An Thạch do dự chờ đợi thời cơ. Khi vua Lý Thánh Tông mất, vua Tống Thần Tông sai chuyển vận sứ Quảng Tây sang điếu vừa tỏ sự hòa hiếu vừa để dò xét xem có thể xuất binh được không. Nhưng trong nước Đại Việt không có biến dù vua còn nhỏ tuổi. Vì thế Tống Thần Tông còn án binh bất động. Sau đó sứ nhà Lý là Lý Hòa Tố, sang Biện Kinh xin cầu phong, Tống Thần Tông phong Nhân Tông nhà Lý là Giao Chỉ quận vương.
Vương An Thạch từ mấy tháng nay cũng khó chịu về việc Thẩm Khởi tự quyền làm sai của mình. Vương An Thạch thấy cũng đã bắt đầu không thích Thẩm Khởi bèn tâu rằng:
- Thẩm Khởi cậy mình cứng mạnh, không biết lẽ mềm dẻo, ắt là dễ gãy. Người như thế không thể giao việc hệ trọng, sợ vì quá hăng mà làm hỏng việc lớn.
Tống Thần Tông thở dài:
- Thẩm Khởi tự cho rằng việc Giao Chỉ dễ làm xong… Nhưng trẫm cũng e việc lớn quá, Khởi khó làm nổi được…
- Bệ hạ nói đúng… Khởi quá tin ở mình, nên nhiều phen coi nhẹ lệnh vua, coi thường phép nước… có nguy cơ gây nên hậu họa…
Thẩm Khởi mải lo việc thực hiện những chính sách riêng của mình trong vùng man động nên đã bỏ qua một giây khắc vô cùng lợi hại, một cơ hội có một không hai trong việc xuất quân đánh vào đất Giao Châu. Đó là lúc cuộc tranh chấp giữa phe Ỷ Lan và phe Thái hậu Thượng Dương, giữa phe Thái sư Lý Đạo Thành vào Tiết chế Lý Thường Kiệt. Cuộc chính biến nổ ra nhất nhanh, khi tin về triều đình nhà Tống thì mọi việc đã xong.. Việc này làm tể tướng Vương An Thạch vô cùng bực bội, vì thế Vương An Thạch đã dâng thư hạch tội Thẩm Khởi về việc nhận động chủ Nùng Thiện Mỹ. Vua Tống bèn phê ngay vào chiếu thư rằng: “Ở phương nam Thẩm Khởi làm xằng. Dám giấu việc ngây sự với man dân nếu ta không xử trí cho êm khó tránh khỏi tai họa cho Trung Nguyên. Thậm không được Phải lập tức bãi Khởi và trị tội…”
Ngày mồng một tháng ba năm Giáp Dần (1074), vua Tống Thần Tông bổ Lưu Di thay Khởi…
Lái buôn Lý Chăm hết sức ngạc nhiên:
- Đêm tôi chạy khỏi bạc dịch trường Giang Đông thì Thẩm Khởi hãy còn đang chức, thế lực ngang trời. Không việc gì của gã họ Thẩm này không được triều đình ủng hộ, chấp nhận… Phải nói là Thẩm Khởi đã có công biến cả miền Hoa Hạ thành một trại binh lớn, thành một kho lương thực vũ khí thừa sức tiếp tế cho một đạo quân ba mươi vạn người đánh vào Đại Việt.
Lý Thường Kiệt giật mình:
- Sao ngươi nói sao, kho lương của Thẩm Khởi đặt ở Hoa Hạ có thể cung cấp cho đạo quân ba chục vạn người ư?
Lý Chăm gật đầu:
- Bẩm tướng công chuyện gì chứ chuyện lo ăn, thì tướng công cứ tin vào cách tính toán của tôi. Đi dọc các châu động từ Đặc Ma suốt đến Cổ Vạn tôi đã đếm được hơn năm chục kho đụn lớn. Loại kho xây bằng đá ong cũng có, loại dựng bằng phên tre phên liễu rồi đắp bùn trộn phân trâu cũng có. Mỗi kho đụn đều đầy ắp lúa thóc, và có sức chứa ước chừng vài vạn thạch.
- Người ước tính các kho đó có thể nuôi ba mươi vạn quân trong bao nhiêu lâu?
- Bẩm tướng công những kho đụn mà tôi mắt nhìn thấy thôi đã có thể nuôi quân hết một mùa lúa… Nhưng Thẩm Khởi còn dựng một loại kho xưa nay chưa từng có.
- Hắn dựng kho vũ khí ư?
- Vũ khí thì đã đành… không động nào hắn không dựng lò rèn đao kiếm, không châu nào không có kho chứa khí giới quân nhung. Nhưng loại kho này ở Hoa Hạ chưa từng có.
- Thế là kho gì?
- Kho cở… loại cỏ tốt phơi khô… giữ kĩ
- Trời… Thẩm Khởi đúng là một tên chuyển vận sứ lương thảo quỷ quyệt…
- Theo tôi biết thì hắn dựng các kho của dọc theo đường từ Biện Kinh đến biên thùy nước ta… Tất cả các ngả đường hành quân đều có kho cỏ, kho lương, kho vũ khí… Nguyên kho cỏ họ Thẩm sai đánh đống nhưng ta đánh đống rơm, cao như quả núi lô nhô, có đặt quân canh. Cứ ba mươi dặm, Thẩm Khởi lại dựng một kho cỏ… Mỗi kho có đến một trăm đống cỏ… Bên những đống cỏ còn có kho cao lương lúa mạch cho ngựa ăn… Như vậy mỗi đường tiến quân họ Thẩm dự định có thể đón một đạo kỵ binh đông hàng vạn ngựa mà không lo phải tự biện lấy cỏ và lúa mạch cho ngựa ăn…
Lý Thường Kiệt im lặng hồi lâu rồi tự hỏi. Tự hỏi mình chứ không phải hỏi người đang ngồi trước mặt mình…
- Thế sao Tống Thần Tông lại cách chức một viên quan kinh lược được việc đến như vậy?
Vừa lúc ấy, một tên lính hầu cận đi từ cửa ngách vào và trình lên một phong thư có gắn sáp cánh kiến:
- Bẩm tướng công, có một nhà sư vừa đi xuyên biên tái mang lá mật thư này về đây, bảo đưa ngày cho tướng quân…
Lý Thường Kiệt bẻ sáp gắn, mở phong thư và xem, bỗng kêu lên sửng sốt:
- Trời thế là không những Khởi bị cách chức… mà cả đến tể tướng họ Vương cũng bị các triều thần công kích dữ dội sau trận thua giặc Phổ Thồn phải cắt đất… Phen này cũng có nguy cơ mất quyền tể tướng… Thế là trời cho ta thêm một thời gian rèn lưỡi giáo tích thêm lương nữa… Vắng Vương An Thạch, chưa kẻ nào dám cất quân đánh ta đâu…
Vừa lúc ấy, người bên phủ nhiếp chính sang và báo rằng:
- Lệnh bà truyền rằng lễ tiết cung đinh đã xong… Phiền tướng công Tể chấp đích thân đưa công chúa lên đường vu quy…
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK