Biên thuỳ Hoa Hạ một lần nữa lại xáo động vì tin sứ thần Giao Chỉ sang báo tin buồn về việc vua Lý Thánh Tông băng hà và xin cầu phong kết hiếu của vua Nhân Tông, có mang theo làm cống vật những hai con kỳ lân trắng. Kỳ lân đã là con vật huyền thoại thần thánh chỉ thấy có ghi trong kinh truyện cổ từ đời Tam hoàng ngũ đế, Xuân thu chiến quốc. Mà đó là loại kỳ lân thường mà thôi. Nói thế chứ những kẻ hậu học sau này, học sách thánh hiền thấy có nói là kỳ lần da dày như áo giáp, só sừng giữa trán, đứng oai nghiêm, chân to như cột cung điện, cứng như đúc bằng thép nguyên khối…. Đó là sách nói, chứ thật ra chẳng ai được tận mắt nhìn thấy hình thù con kỳ lân như thế nào cả. Mà ngay cả người chép sách cũng chưa chắc được tận mắt nhìn thấy con kỳ lân để mà tả đâu. Họ chỉ mới nghe lời đồn đại của những bậc lão thành, những kẻ viễn thương, và đọc trên các chữ ghi ở mai rùa xương thú, hay trên những chữ khắc tre khắc trúc gọi là thanh sử, thanh kinh.
Kỳ Lân quý như thế, hiếm đến thế lạ lùng kỳ ảo đến thế, thì hỏi tại sao khi nghe tin đoàn sứ giả Giao Châu có mang cống kỳ lân cho triều đình mà dân dã và các nhà nho khứp nơi không kéo nhau lũ lượt về trảy kinh để rình đón xem cho bằng được. Các nhà trạm trên dọc con đường thiên lý từ châu Vĩnh Bình hướng về Biện Kinh, không nhà trạm nào không tụ tập có đến hàng ngàn người đón đường đoàn sứ giả Giao Chỉ…
Chánh sứ lần nàylà quan thị lang Lý Hoài Tố… Tòng chánh sứ là một vị hoà thượng có pháp hiệu là Cần Giác thiền tông. Đoàn sứ giả đông đến hơn một trăm người ngựa. Đoàn sứ giả kỳ này là đoàn sứ giả đông nhất, hùng hậu nhất kể từ khi vua Lý Công Uẩn lập nước và đặt mối quan hệ bang giao đối với nhà Tống. Trước đoàn sứ giả này tính tất cả các nhà vua Lý đã cắt cử đến hai mươi ba đoàn sứ giả khi thì kết hiếu, xin cầu phong khi thì báo thắng trận, khi thì báo tin buồn, khi lại tạ ơn… Chừng ấy đoàn sứ giả đoàn nào nhà Lý cũng soạn đồ cống chu đáo, nào ngọc vải vàng lụa, nào châu báu kim cương, khi thì ngựa quý, khi lại voi trắng… Đã mấy lần vua Lý định cống kỳ lân, nhưng khi đưa tín thư ra qua biên ải để xin vào nội địa, thì nhà vua Tống nghe lời các quần thần tâu bày đều hạ chỉ không cho mang kỳ lân vào nội địa Trung Nguyên.
Mặc dù vua Tống các đời cứ nghe thấy kỳ lân trong danh mục các vật cống là lại thèm khát tò mò, muốn tận mắt xem hình thù cái con vật mà sách vở thánh hiền coi như vật thiêng cứ sáu trăm năm may ra mới xuất hiện một lần. Quái sao, cái xứ Giao Châu nhỏ bé làm vật thiêng đến thế. Nghe nói ta dùng con rồng làm biểu tượng thiên tử thì bên kia cứ mỗi lúc có việc gì là lại tin báo sang triều Tống rằng nhà vua Lý gặp rồng vàng xuất hiện. Rời đô, gặp rồng vàng, cày ruộng tịch điền cũng gặp rồng vàng, đi tuần, đi đánh giặc cũng gặp rồng vàng… Rồng ở bên ấy có nhẽ nhiều như cá chép, cá anh vũ hay sao mà gặp dễ đến như thế… Hay là bọn tôi con nhà Lý có chân mạng thiên tử cũng nên, có như thế thì trời mới báo điềm lành liên tiếp như thế chứ… Nghĩ vậy, cả vua đến quan nhà Tống đều bán tín bán nghi, nửa lo nửa tức… Hết rồng vàng lại kỳ lân… Trong sáu mươi năm qua, ít nhất cũng đã ba lần đoàn sứ bộ Giao Chỉ xin cống kỳ lân. Nhưng không lần nào vua Tống nhận cả. Lần này, bàn về các vật cần mang sang cống, Tiết chế tể chấp Lý Thường Kiệt cho gọi lái buôn Lý Chăm vào phủ đệ và dạy rằng:
- Ngươi là dân buôn, lắm mưu nhiều mẹo, ngươi thử nghĩ xem có kế gì đưa được cặp kỳ lân trắng vào đất Trung Nguyên như một vật cống hay không?
- Dạ thưa, kỳ lân trắng nào ạ?
- Đôi kỳ lân trắng mà dân đình ba châu Ma, Bố, Đại mới nhập vào biên thùy nước ta cống hiến triều đình ấy mà…
- Theo tôi biết, thì kỳ lân là loại tê ngưu, dân trong vùng miệt nam thuỳ nước ta còn gọi là con tê giác, hay con tây ngưu. Gọi là tê giác, vì nó có sừng ở giữa trán. Còn gọi là tây ngưu vì người ta cho nó là trâu rừng phía tây. Mà gọi là tê ngưu vì là ý gọi theo lối gọi tượng hình, chỉ một con có hình dáng hơi giống con trâu, nhưng ở trên mình lại có vẩy như vẩy tê tê… Nếu đúng là loại này, thì đó là loại thú cô độc, không bao giờ đi kiếm ăn đôi hay kiếm ăn đàn. Vì lẽ đó không thể bắt được một đôi tê ngưu… Vậy khi cống hiến ta cũng không nên cống hiến thành cặp, không gọi là một đôi mà phải gọi là hai con tê ngưu, hiện ra ở hai nơi khác nhau như thế mới đúng.
Lý Thường Kiệt gật gù thầm khen sự hiểu biết quảng bác của gã lái buôn phiêu lãng này, ông chậm rãi trả lời:
- Ừ thì ta sẽ dặn dò các quan lo việc tu cống tham bác ý của nhà ngươi… Nhưng đó không phải là điều ta cần hỏi nhà ngươi, Điều ta muốn nhà ngươi trả lời ta là làm thế nào để đưa cống vật vào đất Trung Nguyên được. Có thế thôi…
Lái buôn Lý Chăm tươi ngay nét mặt:
- Thế là kẻ hèn này hiểu rồi… Chắc hẳn triều Lý ta đã ít nhiều lần gửi kỳ lân sang cống, nhưng không được nhận.
- Đã ba lần… ba lần triều ta xin cống kỳ lân…
- Vâng kẻ hèn này cũng đoán ra rằng, ba lần triều cống kỳ lân cũng với ý ngầm bảo cho nhà Tống biết rằng phương Nam sinh ra thánh nhân nên mới có kỳ lân xuất hiện có phải không ạ…
Lý Thường Kiệt im lặng nhìn sâu vào đáy mắt ranh mãnh của gã lái buôn rồi lắc đầu:
- Đoán già đoán non là việc của nhà ngươi… đâu phải việc đại sự của triều đình.
Lý Chăm lắc đầu cười tinh quái:
- Tướng quân không muốn trả lời là có hay là không, đó là quyền của bậc làm tướng… Còn kẻ hèn này đâu dám nài được phép biết… Nhưng việc này chắc … tướng quân không dè xẻn lời để cho kẻ này biết rằng có lần nào nhà Tống nhận kỳ lân hay không ạ?
- Không một lần nào…
- Bên triều Tống không nhận có nói ra nguyên cớ hay không…
- Cũng có nại ra [1] nguyên cớ… như là…
- Xin tướng quân cho kẻ hèn này được đoán chăng… (rồi không chờ được cho phép, Lý Chăm nói luôn) : Chắc hẳn lần nào sứ nhà Tống cũng trả lời là chưa chắc đã phải kỳ lân thật hiện lên, nên bản triều không nhận… Có đúng thế không, thưa tướng quân.
- Nhà ngươi đoán đúng… đoán đúng… Họ không cho là kỳ lân có thật hiện ở phương nam, vì nếu họ cho là có thật thì các bậc thâm nho đã từng tin ở sách thánh hiền sẽ tin là ở phương Nam đang có điềm lành sinh thánh…
Lúc này Lý Chăm mới chậm rãi khẳng định theo ý riêng của mình ngay trước mặt vị quan đứng đầu triều, không chút kiêng nể:
- Như thế là lần này, ý tướng công muốn bằng cách nào mang con kỳ lân trắng của ta, đặt vào giữa Trung Nguyên để chứng tỏ cho người Trung Nguyên và các văn thần triều Tống biết rằng ở phương Nam ta đây đang có điềm hưng thịnh… Nếu đúng là kỳ lân hiện báo điềm sinh thánh thì đừng có chê Càn Đức tám tuổi làm vua… Biết đâu vua Càn Đức ra đời là do điềm báo của kỳ lân trắng hiện… Có phải thâm ý của tướng công muốn làm cho tâm trí đám hủ nho bên triều Tống vốn quen điều ngụy tín phải bối rối trước con tê giác trắng xuất hiện ở phương Nam mà nhụt một phần nào cái mộng bành trướng.
- Nhà ngươi nói đúng… như vậy nhà ngươi có cách nào mang con kỳ lân vượt qua quan ải đi vào nội địa Trung Nguyên hay không?
Lý Chăm trầm ngâm:
- Kỳ lân là một con vật quá to, không thể giấu như giấu một thanh gươm… kể cũng khó thật… khó thật. Nhưng nếu con kỳ lân của chúng ta mà vào được đất Trung Nguyên làm xôn xao trong dân chúng thì vui biết mấy… vui biết mấy… khoái biết mấy…
Lý Thường Kiệt trầm giọng:
- Nhà ngươi đừng nên vui vội… vì nhà ngươi sắp phải gánh một gánh nặng trách vụ mà bao người chưa hề một lần làm nổi… Đó là nhà ngươi phải bằng cách nào mặc nhà ngươi phải đưa bằng được con kỳ lân vào đất Trung Nguyên, làm náo động Trung Hoa vì tin có kỳ lân trắng xuất hiện ở phương Nam, đó là việc của nhà ngươi… Để làm việc này, ta có thể thăng cho nhà ngươi chức phó sứ, tòng chánh sứ… Đó là điều duy nhất ta có thể giúp nhà ngươi trong cái phận sự vô cùng khó khăn này…
Và bây giờ, thì đúng như điều mong muốn của Tể chấp tiết chế Lý Thường Kiệt, cả miền Hoa Hạ đất Trung Nguyên bị rung động vì cái tin ở phương Nam xuất hiện kỳ lân trắng. Và con lỳ lân trắng xuất hiện cả đôi đang được sứ thần Giao Chỉ dẫn sang cống vua nhà Tống… Người ta lũ lượt đi đón đường đoàn sứ giả Giao Chỉ để được tận mắt xem hình thù con kỳ lân huyền thoại ra sao. Nó có giống thật cái con kỳ lân mà các sử sách thi thư mô tả hay không? Tin này truyền về triều đình làm cả bá quan văn võ vô cùng bối rối. Phe cựu học rất mê tín, nghe thấy đúng là sứ giả Giao Chỉ mang cống kỳ lân cộng thêm với sự xuất hiện của ngôi sao chổi lớn: Xuất hiện ở chòm sao Chẩn, đuôi sao lại trỏ về chòm sao Thái Bạch; Tất cả những triệu chứng này các nhà nho tin ở điều dị đoan đều đoán là phương Nam có điềm sinh thánh và sẽ gây ra những biến động dữ dội và sẽ thắng…
Vua Tống Thần Tông hốt hoảng sai bắt tên quan coi việc sứ quán hạch tội, bắt phải trình mọi việc. Viên này thưa rằng:
- Việc sứ đoàn của Giao Chỉ đến, kẻ hạ thần này vẫn giữ đúng lệ của bệ hạ truyền, nghĩa là bắt đợi ở ngoài quan ải, rồi bắt đệ trình danh tính sứ giả và tùy tòng cùng danh mục các thứ vật cống để xét duyệt…
- Thế ngươi xét duyệt thế nào để cho chúng nó mang lọt con tê giác kỳ lân vào đất Trung Nguyên gây nên bao điều dị đoan rối loạn.
- Bẩm muôn tâu bệ hạ, kẻ hạ thần có thấy tên tê giác kỳ lân trong danh mục các vật cống đâu ạ… Trong danh mục chỉ có để là cống hai con tây ngưu… là một loài trâu lạ, da dày, có sừng, lông trắng… Sống trong rừng phía tây của xứ Đại Việt… mới xuất hiện, nay bắt được dâng lên thiên tử để tỏ lòng hiếu thuận… Chính chúng con đã để vào sớ tâu lên, và bệ hạ phê chuẩn cho mang vào nội địa cùng sứ đoàn.
Vua Tống Thần Tông sững người… Thế ra chính mình đã y chuẩn để cho bọn sứ giả Man Giao kia mang con vật lạ vào trong nước. Tư Mã Quang thì cứ lẩm bẩm:
- Nó tả hình dạng thì có vẻ tả một con trâu rừng… da dày, có sừng… Nhưng da dày như thế nào chứ… Sao chúng mày không hỏi… Da dày mọc thành vảy như vẩy tê tê như áo giáp sắt, có sừng nhưng sừng mọc ở giữa trán và cứng mạnh thì đúng là kỳ lân đứt đuôi rồi còn gì nữa… Việc này thật thậm tai thậm hại… Bọn man dân lừa ta rồi…
Tống Thần Tông lo lắng:
- Thế bây giờ phải làm ra sao đây để dẹp cơn xôn xao như sóng biển tràn… vì cái sự việc kỳ lân xuất hiện ở phương Nam… Rối loạn nhân tâm tín… rối loạn nhân tâm lắm.
Tư Mã Quang vã mồ hôi than thở rằng:
- Việc này thật sự nguy hiểm… nguy hiểm… Chí có Vương tể tướng mới có thể khu sử một cách êm thấm kín nhẹm mà thôi, chứ đám chúng tôi, sở kiến hẹp hòi làm sao mà xử đối với việc lớn thế này. Từ lâu chúng ta tin vào kinh sách nói rằng kỳ lân hiện thì có điềm lành, tất điềm sinh thánh nhân… Kỳ lân ở xứ ta ít khi hiện lên lắm. Bảy trăm hai mươi năm mới may ra có một lần hiện kỳ lân… một lần hiện rồng vàng… Lần trước đây hơn ngàn năm một lần ký lân đã xuất hiện trên cánh đồng cỏ chi nước Lỗ… Nhưng đó là một con kỳ lân què… Ứng với điềm này Khổng phu tử [2] ra đời… sinh thánh… Đấy mới chỉ là kỳ lân què thôi… Đằng này kỳ lân chúng mang sang ta, có đủ cả bốn chân… Không những không què mà lại là kỳ lân trắng… Không những một con mà lại là hai con… Cứ đà này, chúng dám bắt cả rồng vàng nhốt vào cũi mang sang đây cống ta để cho dân Tống phải hoảng hồn khiếp sợ mất… Kẻ hạ thần mong bệ hạ xuống chỉ đòi Vương An Thạch về triều phục chức đó đặc trách khu xử việc này cho êm… Dù họ Vương đã giũ tay khỏi việc triều chính…
Thế là anh chàng nhà buôn Lý Chăm cạo trọc đầu giả trang làm nhà sư Cần Giác thiền tông đã thắng một mẹo nhỏ chỉ có những lái buôn chuyên lo việc khai man lậu thuế, trốn thuế mới láu lỉnh nghĩ ra mà thôi. Trước đây khi xin cống kỳ lân, triều đình nhà Tống biết nên ngăn cấm bằng cách không nhận và không cho là thật. Lần này, dựa trên cơ sở những người dân Trung Hoa chưa một lần trông thấy con kỳ lân thật ra sao, chỉ nghe phong thanh trong huyền thoại và trong sách vở thánh hiền. Vì thế muốn đưa kỳ lân thật vào đất Trung Nguyên, Lý Chăm nghĩ ra kế đổi tên của con kỳ lân đi. Không gọi là kỳ lân nữa, mà gọi là con tây ngưu. Những tên mọt sách nho thần và những viên lại thuộc yên trí là Giao Chỉ bắt được một loại trâu rừng lạ ở rừng tây mà thôi. Đến các quan đầu triều và cả Thần Tông cũng bị anh chàng lái buôn người kẻ Cời lừa. Khi con trâu rừng tây vào đến trạm Uất Giang cạnh thành Ung Châu thì nhà sư Cần Giác thiền tông mới mở cỗ chay mời các nhà sư và các vị hòa thượng trong vùng thết đãi sang trọng… Trong tiệc rượu, nhà sư Cần Giác thiền tông mới hé lộ ra là trong các cống vật của mình có một con thú lạ. Dân miền sơn cước quen gọi là con tây ngưu, tức trâu rừng tây. Nhưng càng ngắm nó càng đọc sách của đạo nho càng thấy nó có hình dáng đúng in như con kỳ lân hiện ờ cánh đồng nước Lỗ báo điềm sinh thánh Khổng Tử… Các nhà sư không uống rượu mấy, nay dự cỗ chay theo phái tiểu thừa, cũng nhấp một vài giọt cho nên quá say sưa. Và vì thế mà khi kéo nhau ra xem con tê giác thì tròn mắt dẹt hoảng hốt. Nhà sư vốn là gã lái buôn ranh mãnh cải trang, lại bày trò đốt trầm quanh cũi, xát gỗ mục lên vảy da phản chiếu ánh lân tinh huyền ảo… Thế là một đồn mười, mười đốn trăm cứ loang ra mãi… cái tin người Giao Châu thấy kỳ lân hiện ở phương Nam bắt về nộp cống triều nhà Tống mà không biết đó là kỳ lân thật… Các nhà sư nước Đại Tống cứ tranh nhau vỗ ngực đôm đốp mà cãi rằng, nếu mà không có mỗ đây am hiểu, mách bảo cho mà biết thì đám sứ giả Man Giao làm sao biết được chính chúng đã bắt được kỳ lân…
Kỳ lân hiện cùng bao nhiêu huyền thoại về thánh sinh ở phương Nam cũng được tung ra làm náo động đám dân Hoa Hạ tràn lên khắp Trung Nguyên làm nao núng lòng người…
Phải triệu nguyên Tể tướng Vương An Thạch ra mới dẹp được cơn sóng nguy hiểm về chuyện kỳ lân xuất hiện ở phương Nam, phương Nam hưng thịnh, phương Nam sinh thánh… Vương An Thạch đã xin vua Tống coi như không phải cái con vật mà dân gian gọi là kỳ lân đúng là kỳ lân thật. Đó chỉ là một thứ thú lạ, một thứ dị thú… không được phép đưa đến kinh đô… Sai quan kinh lược Hồ Nam phải nhận con thú lạ ấy nhốt lại để tránh hậu họa cho dân Trung Nguyên…
Tin này được truyền đến Thăng Long. Tiết chế Lý Thường Kiệt xoa cái đầu trọc của nhà sư giả họ Lý tên Chăm mà cười ha hả:
- Thế là con thú một sừng đã mở cuộc tấn công đầu tiên vào triều đình nhà Tống…
Lý Chăm cau có:
- Xin tướng công chớ cười… khi tôi phải khóc… tôi khóc vì biết bao giờ tóc tôi mới mọc dài như cũ để tiếp tục bôn ba hồ hải buôn bán đây đó… Bây giờ như anh chàng nhà sư phá giới buôn bán với cái bộ dạng này thì ai tin cơ chứ… Mà buôn bán có luật lệ riêng của nó, bao giờ cũng lấy chữ tín làm trọng…
Lý Thường Kiệt vẫn cười ha hả:
- Ta cũng cần chữ tín của nhà ngươi… và cần cả cái đầu trọc của nhà ngươi nữa… Vì nhà ngươi còn phải sang Tống lần này dưới lớp áo cà sa… Ta cần nhà ngươi… cần nhà ngươi… Nếu nhà ngươi nuôi tóc dài thì đầu nhà ngươi sẽ mất chứ không phải chỉ có mấy sợi tóc mà thôi đâu, bởi là người Tống sẽ nhận ngay ra nhà ngươi là gã lái buôn Lý Chăm đã bị truy nã từ mấy năm nay…
__
1. Nại ra: tiếng cổ, có nghĩa như đưa ra.
2. Khổng Tử: nhà tư tưởng cổ Trung Quốc.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK