Giống mấy lần trước, tôi phải chờ cả tiếng đồng hồ thì Mục Á xuất hiện. Nhưng khác ở chỗ em không còn chạy hay biểu hiện bất cứ dáng điệu gấp gáp nào như là muốn gặp tôi. Em vẫn đẹp, vẫn ngây ngất lòng người nhưng ánh mắt đã thay đổi. Từ ngày yêu tôi, mắt Mục Á luôn tràn đầy tia ấm áp và hiền dịu như vị nữ thần mang mặt trời đến thế giới này. Nhưng ngay lúc này, đang nhìn tôi là một đôi mắt sắc bén thấu triệt tâm can kẻ đối diện, hệt như lần đầu tôi gặp gỡ em ở Cao Lầu. Dù vậy tôi vẫn ôm Mục Á, em đáp lại bằng nụ cười lấy lệ:
-Anh đã về…
-Phải, tôi về rồi! Em nhớ tôi chứ?! – Tôi nói.
Mục Á ậm ừ, thái độ lạnh nhạt, có thể em giận vì tôi đi quá lâu. Tôi gãi đầu cười:
-Mà mấy tháng rồi em bận nên không ghé qua nhà hay sao? Tôi vừa ghé qua, nó bẩn quá! Được rồi, dù gì tôi cũng về, chúng ta cùng dọn dẹp nó nhé?
-Không. – Mục Á nói – Em không ghé qua không phải vì bận. Đơn giản là em chẳng muốn đến đó.
-Hả? – Tôi nhăn trán – Tại sao? Vì nó quá nhỏ? Nếu em không thích thì tôi có thể mua một căn hộ khác lớn hơn…
-Không phải nhỏ hay lớn, anh không hiểu sao, Khai Y? – Mục Á cắt ngang lời tôi – Em không còn cảm tình với nó nữa. Em không muốn sống ở đó.
Gió tuyết cắt ngang tôi và Mục Á. Một thứ vô hình gì đấy giữa chúng tôi vừa bị cắt đứt. Tôi không phải kẻ ngu ngốc mà không hiểu lời em. Định thần ít phút, tôi mở lời:
-Em nói thế tức là… chia tay? Sao vậy, Mục Á? Tôi đủ tiền chuộc em khỏi Cao Lầu, ngay hôm nay, ngay lập tức! Chuyện gì thế? Tại sao em thay đổi? Có phải cha tôi đã nói gì với em không?
Mục Á vuốt tóc, ánh nhìn lạnh băng, giọng nói lạnh lẽo:
-Không, gia đình anh không liên quan, chỉ là em thôi. Nhớ lời em không, Khai Y? Hạ Nga Chi là họa mi, họa mi biết chỗ đẹp mà đậu, biết chỗ nắng mà hót. Em không thể cưới một chàng kiếm sĩ bình thường, không có bất cứ địa vị hay quyền lực nào cả. Anh đã là người mà em mong muốn, nhưng anh tự tay đánh mất nó. Anh không còn là quý tộc nữa, thế nên…
Em nhún vai thay lời muốn nói. Cổ họng tôi nghẹn đầy tức giận, phải thở bớt mới đỡ nóng:
-Em vẫn còn lo chuyện quý tộc sao? Tôi nói rồi, chỉ cần thời gian, tôi sẽ trở thành quý tộc. Chỉ cần hai bàn tay này, tôi có thể làm mọi thứ!
-Vậy suốt thời gian đó, ai sẽ chăm sóc hai bàn tay của em? – Mục Á giơ tay – Ở Băng Thổ này, quý tộc tự thân không nhiều đâu, và không phải cứ dùng sức mạnh là đạt danh hiệu quý tộc. Em sẽ phải làm đủ thứ việc, cô đơn một mình, làm lụng một mình, cực khổ một mình. Này Khai Y, đôi tay của phụ nữ đẹp sinh ra không phải để làm những chuyện như vậy. Có một điều em đã nói dối anh: em vào Cao Lầu chẳng phải vì tổn thương tinh thần, chỉ là nếu trở thành Hạ Nga Chi, em khỏi đầu tắt mặt tối như những người phụ nữ làm việc ngoài chợ trời. Anh có thể đợi ngày mình trở thành quý tộc, em thì không.
Tôi nổi điên, răng nghiến kèn kẹt, bàn tay thu chặt thành nắm đấm:
-Em đang nói gì thế? Chẳng lẽ mọi thứ giữa chúng ta kết thúc chỉ vì một chữ “quý tộc” à?
-Và còn một việc nữa… – Mục Á cười – Thực ra em không thể trở lại Diệp quốc, ông bà ngoại biết chuyện em làm Hạ Nga Chi ở đây. Đó là việc không thể chấp nhận, họ không thể dung nạp một đứa cháu hèn hạ như vậy vào nhà. Em từng là tiểu thư ở bên Diệp quốc, nhưng giờ không còn nữa. Bởi vậy nếu kết hôn với một quý tộc, em sẽ có được địa vị như trước.
Tôi vung cú đấm vào gốc cây phía sau Mục Á, cây rung bần bật, tán lá lẫn tuyết rơi lả tả như mưa rào. Tôi gầm lên:
-ĐỪNG CÓ ĐÙA!
-Em nói rồi, Khai Y, đừng trông đợi vào tình yêu. Mỗi lần chia tay, em đều nói rằng em sẽ không quên anh bởi anh có tiền bạc và địa vị, nhớ không? Đó là những lời thật nhất, đáng tiếc anh lại không tin.
-Vậy còn những gì em làm cho gia đình tôi?
-Không khó để nhớ những kính ngữ đậm chất quý tộc, chỉ là mua đúng sách và bỏ thời gian nghiên cứu. Giờ người ta bán mọi thứ, quang tố còn bán được, huống hồ một quyển sách? – Mục Á cười – Em có trí nhớ tốt! Vả lại tốn công giúp đỡ gia đình anh cũng là cách lấy lòng mọi người. Đáng tiếc… đầu tư thất bại rồi!
Cơn giận dữ trong tôi lên đến đỉnh điểm nhưng rồi chuyển thành nỗi tuyệt vọng. Nực cười cho cuộc đời tôi luôn trốn chạy chữ “quý tộc”, giận dữ vì nó, đau khổ vì nó, và giờ đây gục ngã trước cánh cổng hạnh phúc cũng vì nó. Tôi buông tứ chi, tay thõng xuống, chân lún sâu trong tuyết. Mục Á thở dài:
-Xin lỗi Khai Y. Anh hấp dẫn, đẹp trai, nhưng chừng đó là chưa đủ với Hạ Nga Chi. Em cần nhiều hơn thế. Cứ quay lại Đông Môn Cao Lầu nếu anh đủ tiền và đủ thời gian, em sẽ trò chuyện với anh. Nhưng từ giờ tới cuối năm sau, e rằng khó đấy, em bận lắm, với cả em đang nhắm đối tượng khác. Vậy… tạm biệt nhé?!
Nói rồi Mục Á bỏ đi và không quay lại nhìn tôi một lần. Tôi bần thần đứng đó hàng tiếng đồng hồ, mãi xẩm tối mới về. Đêm đó, tôi gọi điện cho Mục Á mong tìm được cơ hội níu kéo nhưng em đã đổi số, hoặc là em đã bỏ chiếc điện thoại.
Một ngày đầu đông năm 7502, tôi và Mục Á chia tay.
Thực tình chia tay không phải thứ gì đó quá khủng khiếp, chỉ là cảm giác hẫng hụt như buộc phải từ bỏ một thói quen thường nhật nào đấy. Thay vì dùng rượu vang trước bữa ăn thì ta không được uống nữa vì lý do sức khỏe, đại khái vậy. Có chút khó chịu, có chút thèm muốn nhưng không quá nuối tiếc. Sau cuộc chia tay, tôi đến những thành phố khác, làm những thứ mà tôi đã bỏ bẵng từ lúc yêu Mục Á như uống rượu ngắm cảnh. Tôi ở Thung Lũng Tuyết Tan hẳn một tuần để trông chờ cảnh mặt trời mọc mỗi sáng. Lâu rồi mới thấy bình minh đẹp đến vậy!
Ngày qua ngày, tôi bắt đầu suy nghĩ cho bản thân. Tôi chẳng còn là quý tộc, cũng không phải nhân vật nào đấy nổi tiếng, chỉ là một chiến binh bình thường không hơn không kém. Thập Kiếm đã không chọn tôi làm thành viên mới. Tôi gọi vài người bạn tới trò chuyện giải khuây nhưng tất cả đều lịch sự từ chối. Tôi bật cười, đám người đó đã biết tôi mất quyền thừa kế. Nhớ thuở trước họ liên tục mời tôi dự tiệc, lấy làm hãnh diện nếu tôi đồng ý. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi. Cứ đà này, tôi sẽ lóp ngóp dưới đáy thế giới chứ chưa đợi phấn đấu làm quý tộc, và còn đó thủ lĩnh Tiểu Đoàn Kiếm Sắt – bức tường không thể nào vượt qua. Tôi chọn bãi đất tuyết ven rừng gần Thung Lũng Tuyết Tan làm chốn luyện tập.
Một tháng qua đi, khu đất nơi tôi luyện tập gần như tan nát, không còn một cây lá kim hay tảng đá nào còn nguyên lành. Những con quái vật tàn ảnh nổi tiếng hung dữ cũng dần lánh xa khu vực này. Tàn ảnh thông minh, chúng biết sẽ gặp nguy hiểm nếu lảng vảng gần tầm mắt của tôi. Chúng biết một con quái vật mới mang tên Khai Y vừa đặt chân xuống đây. Từ bao giờ? Là từ bao giờ tôi trở thành quái vật? Tôi chợt nhận ra tất cả những hành động hay suy nghĩ của mình đều có dấu ấn “Mục Á”. Nỗi đau này không mạnh mẽ như thanh kiếm hay viên đạn xuyên lủng ngực, nó là chất độc ngấm dần xương thịt. Qua thời gian, nó lan khắp phủ tạng sau đấy tha hóa tâm trí, bấy giờ cơn đau mới phát tác toàn cơ thể. Tôi đã gọi điện về nhà và tra hỏi ngọn ngành, chẳng có tác động nào từ gia đình tôi mà Mục Á tự động chia tay. Em coi trọng địa vị hơn hết thảy. Em “đá” tôi chỉ vì nếu không có địa vị quý tộc, bàn tay thanh tú đầy đặn của em sẽ nổi vết chai sần vì lao động. Ồ, tôi quên mất, em là vũ nữ thần linh, em cần ở nơi đầy ánh đèn cho cả thế giới chiêm ngưỡng hâm mộ. Em làm đẹp để vừa lòng hàng ngàn kẻ xa lạ nhưng không chịu xấu xí cho một người yêu em.
Sự thật phũ phàng là tôi chưa bao giờ hiểu Mục Á. Sự thật đau đớn là tôi vẫn yêu em. Không phải thứ tình yêu điên dại tuổi trẻ. Không phải thứ tình yêu chiếm đoạt bản năng giống đực. Nó là câu chuyện của một gã đàn ông đặt hết niềm tin lẫn tuổi trẻ vào đó, sống vì nó, chiến đấu vì nó nhưng bị phản bội phút cuối cùng.
Có ba loại người ngây thơ nhất thế giới: trẻ lên ba, thiếu nữ mười lăm tuổi và gã đàn ông đang yêu.
Nhưng cũng có ba loại người dễ bị phản bội nhất trên thế giới: những tên bạo chúa, những ông chủ tồi và những gã trai đang yêu.
Tôi nhìn xuống bàn tay mình – thứ mà tôi luôn tự hào. Nó đã chiến đấu hàng trăm lần, giúp đỡ hàng nghìn người, để lại dấu ấn khắp thế giới Tâm Mộng. Nhưng tuyết đang phủ kín nó bằng màu trắng tinh, thứ màu trống trơn của sự khởi đầu lẫn vô định của sự kết thúc. Tôi, gã đàn ông gần ba mươi tuổi mất tất cả, không biết bắt đầu từ đâu, vô phương hướng. Không có cầu thang để tôi bước lên tương lai càng chẳng có những thềm bậc cho tôi trở lại quá khứ. Như một hệ quả, tôi trượt chân xuống vùng biển sầu khổ và tìm đến rượu bia.
Khốn khổ thay, rượu bia là thứ chất lỏng dễ hòa tan. Ở vùng biển sầu khổ mênh mông không bến bờ, chúng mất dạng giữa đợt thủy triều buồn bã ngày đêm xô vào thành vách trái tim, hoặc chìm nghỉm dưới cơn sóng giận dữ. Bóng tối cùng cơn say thúc giục tôi rời khỏi Thung Lũng Tuyết Tan. Tôi quay về Hoàng Hôn Cảng, ngày ngày đáo qua đáo lại những nơi quen thuộc như đường mòn dãy núi tuyết phía tây, khu chợ trời hay đường bờ sông lát đá cắt ngang thành phố. Đi nhiều bao nhiêu, tôi căm ghét Mục Á bấy nhiêu. Em đẹp đẽ hơn người, khí chất hơn người song tâm hồn cũng tủn mủn như bao cô gái hám vật chất địa vị. Ai có lỗi? Trách Mục Á trở mặt giả dối hay trách tôi ngây thơ quá đỗi? Tôi không biết. Chẳng tìm được câu trả lời, từng đợt sóng giận dữ chồm lên chồm xuống tâm trí tôi.
Kỳ lạ thay, lẫn lộn giữa làn sóng căm giận, tôi nhận ra vô vàn bọt nước sôi sủi mang hình bóng Mục Á. Chúng tồn tại trong chớp mắt rồi vỡ vụn, lát sau lại tập hợp và lại tan biến, cứ thế diễn ra hàng ngàn lần tạo thành vòng lặp siết thắt tâm trí tôi. Suốt quãng đường vòng quanh Hoàng Hôn Cảng, tôi đã mong em xuất hiện đâu đó trên phố hoặc sau hàng cây lá kim rủ tuyết. Tôi lờ mờ hiểu nguyên cớ song ngay lập tức phủ nhận. Tại vùng biển sầu khổ nơi mà thời gian không tồn tại, tôi lao ra ngoài khơi vật lộn những cơn sóng từ lúc chớm bình minh cho tới khi hoàng hôn che mặt sau bóng tối, từ mùa đông cắt giá da thịt tới hồi mặt trời đốt trụi xương tủy. Tôi tiều tụy, sức lực cạn sạch nhưng làn sóng giận dữ vẫn không buông tha. Tôi ngửa mặt hét lớn trước khi bị chúng nhấn chìm. Dưới đáy biển đen thẳm, tôi bỏ cuộc và chịu thừa nhận thế giới đau buồn này hình thành bởi nỗi nhớ Mục Á. Tôi nhớ em. Tôi cần em. Chỉ em mới cứu được tôi.
Đắm chìm tâm trí quá lâu, tôi bỗng giật mình khi khung cảnh xung quanh là quán rượu. Tôi không hiểu tại sao mình đến đây hay đến bằng cách nào. Đang hoàng hôn, mặt trời phả ánh đỏ quầng khắp thành phố như mời gọi tôi uống rượu để tán thưởng nó. Tôi đồng ý với mặt trời. Nhưng tôi quên rằng mặt trời hoàng hôn là bạn chí cốt của màn đêm, nó dẫn dụ tôi vào vô số ly rượu mạnh, đợi tôi gục thì để bóng tối xử lý. Trong bóng tối, mọi thứ trước mắt tôi đều lơ mơ không rõ ràng. Hình như tôi va phải ai đấy khi bước ra khỏi quán rượu, có đánh lộn, có tiếng đổ vỡ lẫn tiếng người can ngăn, có cánh tay ông chủ quán lôi tôi trở ra trước khi tôi đấm chết người. Dù gì tôi cũng không quan tâm lắm, bởi điều rõ ràng mà tôi nhìn thấy chỉ có Mục Á. Phó thác cho giận dữ dẫn đường, mặc cho nỗi nhớ nhung quặn lòng chỉ lối, tôi vô thức quay lại Đông Môn Cao Lầu. Tôi yêu cầu được gặp Mục Á nhưng gã bố mì từ chối:
-Không được, xin Múy đến hôm khác, Mục Á đã kín lịch rồi. Nhưng mong Múy thông cảm, Mục Á có nhắn với tôi rằng nếu Múy tìm đến, cô ấy sẽ không tiếp. Hạ Nga Chi có quyền từ chối, mong Múy hiểu cho.
-Gọi Mục Á ra đây, tôi không nhắc lại lần nữa đâu. – Tôi gầm gừ.
Trông bộ dạng nồng nặc mùi rượu của tôi, gã bố mì nhe răng cười. Gã đặt bàn tay gân guốc lên vai tôi rồi bóp chặt:
-Múy biết chuyện gì xảy ra nếu động vào Hạ Nga Chi đấy. Bất kể Múy là ai…
Giọng nói gã bố mì đứt quãng vì tôi đã quật gã xuống sàn. Giữa tiếng hét của gái điếm Cao Lầu và tiếng bước chân rầm rập của đám bảo vệ, tôi gọi tên Mục Á. Tôi vừa gọi tên em vừa trút cơn giận dữ xuống những kẻ cản đường. Buồn cười, bọn thú hoang ở khu rừng Thung Lũng Tuyết Tan thông minh hơn con người, chúng biết hậu quả khi lảng vảng trước mặt tôi còn con người thì không. Trong chốc lát, cả tòa sảnh thành bãi chiến trường, hàng chục gã bảo vệ đổ gục dưới chân tôi, khách khứa bỏ chạy tán loạn còn tôi gào lớn:
-Mục Á! Ra đây, tôi cần nói chuyện! Em đang ở đâu? MỤC Á? MỤC Á!
Người đến đông hơn, có cả chiến binh kiếm sĩ và kiếm thuật sư. Giới kinh doanh nhan sắc có thể thuê bất cứ ai kể cả sát thủ, vậy nên họ không sợ bất kỳ loại khách hàng nào. Nhưng họ không biết có một loại khách hàng tên là Xuy Hạ Khai Y. Tôi liều lĩnh đâm đầu vào bọn họ, hết đánh người lại gọi tên Mục Á. Có chai thủy tinh đập vào đầu tôi, máu chảy ròng ròng khắp mặt nhưng tôi không quan tâm. Tôi cần Mục Á. Có súng bắn điện khiến tôi đổ gục rồi tiếp đến là cơn mưa giẫm đạp nhưng tôi càng thêm điên rồ. Tôi muốn có Mục Á ở kế bên. Bằng tay trần, bằng nắm đấm, tôi đánh gục mọi thứ cản đường mình và bước lên tầng hai Cao Lầu tìm đến phòng riêng của Mục Á. Nhưng cơ thể tôi không thể chịu quá nhiều súng bắn điện, nó dần tê cứng rồi đổ gục trước khi hứng chịu hàng trăm cú đấm. Tôi cảm nhận rõ tiếng nứt gãy xương sườn hay cơn khó thở lồng ngực. Nhưng tổn thương cơ thể chẳng còn nghĩa lý khi thế giới bên trong tôi đã thối nát. Mắt tôi mờ dần, bóng tối đưa tôi đến đây và giờ nó đánh chén, nhấm nháp tôi từng chút một.
Kể từ lần đó, tôi hoàn toàn mất liên lạc với thế giới bên ngoài. Đôi lần tôi nghe được tiếng người nhưng không rõ là ai. Mọi thứ mơ hồ và dài đằng đẵng như cả thế kỷ. Tôi chán sống, chán cả thế giới thực tại. Nhưng một ngày kia có làn hơi ấm áp tràn đến vực tôi dậy, dù không biết nó từ đâu đến nhưng tôi cảm thấy mình cần sống tiếp. Tôi cất bước, mò mẫm trong bóng tối và tìm về ánh sáng. Khi ánh sáng mờ dần, tôi nhận ra mình đang nằm trên giường với chăn gối màu trắng, xung quanh là những bức tường sạch sẽ đến gai người của bệnh viện. Bằng nỗ lực thể xác, tôi ngó quanh tìm hơi ấm đã cứu vớt mình. Nhưng câu trả lời mà Vạn Thế dành cho tôi lại không như tôi mong đợi. Thứ ấm áp đó đến từ một cô gái có vóc dáng dong dỏng cùng đôi mắt hiền hậu. Nàng là Xa Hạn Lý, không phải Mục Á. Thấy tôi mở mắt, nàng mỉm cười, đôi mắt rưng rưng:
-Anh tỉnh rồi… Khai Y… anh đã tỉnh…
Nàng vuốt ve gương mặt băng bó của tôi. Tôi đảo mắt nhìn sang, Đại Bác và thầy Tây Minh cũng có mặt. Thấy tôi tỉnh giấc, Đại Bác thở phào:
-Cuối cùng cậu cũng tỉnh! Cứ tưởng chết rồi chứ?!
Qua lời Đại Bác, tôi cũng nhận thức được những gì mình đã làm tại Đông Môn Cao Lầu. Tôi gây sự ở đó trong tình trạng say khướt, đánh gục hơn bảy mươi bảo vệ, hai mươi kiếm sĩ và kiếm thuật sư. Quá nửa sảnh Cao Lầu nát bét dưới tay tôi, và nếu không phải cha tôi dàn xếp với ông chủ Cao Lầu, mặt tôi đã chình ình khắp báo chí Hoàng Hôn Cảng. Bản thân tôi cũng chẳng vui vẻ gì khi gãy dăm ba xương sườn và vỡ đầu gối chân trái, chưa tính hàng chục mũi khâu ở đầu hay ngực. Chỉ cha tôi tường tận mọi chuyện, mẹ tôi hay mẹ hai đều chẳng hay biết gì. Tôi định hỏi Mục Á có đến hay không nhưng Hạn Lý ở đây, tôi không tiện hỏi. Nhưng tôi cũng dần quên chuyện đó. Nếu còn yêu tôi, Mục Á sẽ tới bất kể thời khắc nào. Ngay lúc này, tôi nhận thức được chuyện giữa chúng tôi hoàn toàn kết thúc.
Ai cũng phải từ bỏ một thứ gì đó trong đời. Ai cũng vậy.
Độ non nửa tháng, tôi được xuất viện. Vì không thể về nhà trong bộ dạng thế này, tôi đành quá giang qua nhà Xa Hạn Lý. Nàng muốn tự tay chăm sóc tôi. Tôi rất bối rối khi gặp lại cha mẹ nàng, chuyện hủy hôn còn đấy mà người già thì nhớ dai. Nhưng gia đình Hạn Lý đón tiếp tôi tử tế như đón khách quý, tuyệt không đả động việc tôi mất quyền thừa kế. Mỗi ngày, Hạn Lý đều giúp tôi vận động hồi sức. Tôi tự hỏi tại sao Hạn Lý làm vậy sau tất cả những gì tôi đối xử với nàng, trong khi nàng có thể cười cợt và mỉa mai tôi như bao kẻ khác?
Tôi chợt nhận ra thế giới này không chỉ có Mục Á khó hiểu. Dường như tất cả phụ nữ đều như thế.
Ba tháng sau tôi tháo băng nẹp, đôi chân bắt đầu đi lại bình thường dù phải chống nạng. Trong tay Hạn Lý, tôi dạo phố và ngửi hơi lạnh quen thuộc của xứ Băng Thổ. Xứ sở này đầy hơi nóng của máu nhưng cũng nhiều hơi ấm lòng người. Tôi bắt đầu để ý Hạn Lý nhiều hơn. Nàng cũng thích hoa nhưng không phải hoa trà, nàng thích hoa dương xỉ. Lúc bình thường, nàng điềm tĩnh chín chắn nhưng khi bối rối hay nổi giận thì đó là câu chuyện hoàn toàn khác. Nàng đáng yêu theo cách của mình. Nhưng quan trọng hơn cả là chính Hạn Lý đưa tôi ra khỏi bóng tối, không phải ai khác. Một ngày cuối tháng 12 năm 7502, tôi hỏi nàng:
-Sắp lễ năm mới, tôi phải về nhà, em đi cùng tôi chứ?
Hạn Lý đồng ý, nàng cười thật tươi. Tôi cùng nàng về nhà vào tháng 1 năm 7503. Cuộc gặp giữa tôi và mẹ khá khó khăn, bà khóc hết nước mắt sau lại chất vấn những dấu vết khâu mổ trên người tôi, cả chuyện chân cẳng tập tễnh. Gia đình Khai Nhạn cũng mừng tôi trở lại, Khai Giã cũng vậy. Thằng nhóc lớn hơn trước, bộ mặt chai lì hầu như không cười nhưng ánh mắt vẫn còn cảm xúc. Nó hỏi tôi:
-Cô Mục Á đâu? Cô ấy không về cùng bác sao?
Tôi mỉm cười đoạn xoa đầu đứa nhỏ. Khi đó tôi không trả lời Khai Giã, có nhiều chuyện mà trẻ con không bao giờ hiểu dù giải thích thế nào chăng nữa.
Song khó chịu hơn cả là đối diện với cha. Mới gần một năm mà ông già đi trông thấy. Chiến tranh chưa kết thúc, ông phải ra mặt trận thường xuyên chưa kể lo đống phiền phức dòng tộc. Sau ngày cha từ mặt tôi, cả họ Xuy Hạ liên tục gây áp lực đòi cha chọn người thừa kế quyền lãnh đạo nhưng ông luôn từ chối. Vì sự ích kỷ của tôi, cha trở nên xơ xác như cây tùng bị gió quật, thân cây vẫn vững vàng song lá đã trụi hết. Nửa ngày im lặng, cuối cùng cha đưa tôi ly rượu vang rồi cất lời:
-Anh nói đúng, Khai Y, chiến trường chẳng có chỗ cho báo thù. Ta muốn anh thừa kế dòng họ để tiếp bước nghiệp quân đội, ta đã muốn anh báo thù cho Khai Nhạn. Nhưng cái vòng luẩn quẩn thù hận luôn khiến người Băng Thổ mù quáng. Lịch sử Băng Thổ chưa bao giờ hết đẫm máu là vì thế… Cứ làm điều anh muốn, Khai Y. Phục vụ đại thánh sứ Tây Minh cũng là cách hay, đừng để người ta nhìn xứ Băng Thổ là đám dã man. Khi nào gặp lại Tây Minh, cho ta gửi lời xin lỗi.
Tôi cúi đầu xin lỗi cha vì những rắc rối mà mình gây nên. Để dọn dẹp đống hổ lốn ở Đông Môn Cao Lầu, cha phải chi hàng núi tiền, nhờ vả các mối quan hệ mới sắp xếp ổn thỏa. Nhưng cha chỉ mệt mỏi xua tay tỏ ý không bận tâm. Cha dễ giận dữ nhưng cũng dễ tha thứ. Lát sau ông nói rằng sẽ trao lại quyền thừa kế cho tôi và coi như mảnh giấy từ mặt chưa từng tồn tại nhưng tôi lắc đầu:
-Giấy đóng dấu triện rồi, giờ cha xóa đi, người trong họ sẽ bàn tán. Con sẽ tìm đường khác. Thời gian còn nhiều, đợi ngày con chứng tỏ được năng lực bản thân, cha quyết định lại cũng chưa muộn.
Cha đồng ý, ông nâng ly rượu chúc tôi may mắn. Sau nhiều sóng gió, sự yên bình đã quay lại tòa biệt thự và gia đình tôi vui vẻ đón năm mới. Cùng thời gian, sợi dây tình cảm xuất hiện kết nối tôi với Hạn Lý. Không ép buộc hay miễn cưỡng, nó xuất hiện như một điều hiển nhiên. Dù rằng hình bóng hoa trà thỉnh thoảng lẩn vẩn tâm trí tôi, dù rằng mọi người trong gia đình vẫn nhớ về một nàng Hạ Nga Chi tóc đen đầy bí ẩn nhưng cuộc sống này vẫn cứ tiếp diễn, ta phải học cách quên người mà ta từng dành trọn yêu thương hay ấn tượng. Trên đời có thể tồn tại một thứ gọi là “vĩnh cửu”, nhưng chắc chắn rằng trong sự vĩnh cửu ấy không có tình yêu.
Cuối tháng 1, tôi tạm biệt Hạn Lý rồi theo chân thầy Tây Minh làm nhiệm vụ. Theo thói quen, tôi viết nhật ký hành trình đều đặn một tháng hai lần. Vừa mở sổ, trái tim tôi khựng lại khi mỗi trang giấy đều có tranh vẽ Mục Á chưa kể cánh hoa trà ép khô ở ngăn bìa. Tôi đã yêu Mục Á như thế nhưng đáng tiếc em không hiểu cho tôi. Nỗi đau phản bội còn nguyên trong khi trái tim đã có người khác, tôi định bỏ cuốn sổ song không nỡ. Không đơn thuần là nhật ký, nó còn chứa nhiều thông tin hữu ích về vùng đất đã đi qua, đối thủ mà tôi từng đụng độ hay những tổ chức bí mật. Thành thử mỗi tối, tôi cặm cụi chép thông tin sang cuốn sổ mới, còn số phận cuốn sổ cũ thế nào thì đợi khi xong việc mới quyết định. Nếu tôi giận dữ, nó sẽ bị đốt. Còn nếu tôi bình tâm hơn, nó sẽ vĩnh viễn chôn mình đâu đó giữa thế giới rộng lớn này. Nhưng thẳm sâu cùng tận trái tim, tôi muốn giữ nó bên mình cho đến ngày xuống mồ.
Đôi khi ta giữ lại niềm đau bởi nó là hiện thân của những cảm xúc đẹp đẽ nhất, hạnh phúc nhất cuộc đời.
Có dạo thầy Tây Minh hỏi mượn cuốn sổ cũ để tìm tư liệu. Tôi hơi ngại khi thầy nhìn mấy bức vẽ, chốc chốc lại bật cười như giễu cợt quá khứ ngốc nghếch của tôi. Nhưng gương mặt thầy bỗng đanh lại khi lật trang giữa sổ nhật ký, ánh mắt dán chặt lên hình vẽ gồm các dấu ấn mang biểu tượng vòng cung lẫn dấu chấm. Thứ này luôn xuất hiện sau cổ Mục Á mỗi khi em có cảm xúc, em từng hứa sẽ kể cho tôi nguồn gốc của nó nhưng lời hứa không bao giờ thành hiện thực. Thầy Tây Minh hỏi tại sao tôi biết hình vẽ dấu ấn, tôi liền trả lời thành thực. Nghe xong, thầy thừ người ra đoạn lẩm bẩm:
-Thảo nào khi gặp cô gái đó, ta có cảm giác lạ lạ… cách đây hơn nửa thế kỷ, hồi còn là thánh sứ tập sự, ta từng gặp một phụ nữ như vậy…
Nhớ lại ngày gặp Mục Á, thầy có nhiều biểu hiện khác hẳn tính cách thường ngày, tôi bèn hỏi:
-Thầy nói gì thế? Em không hiểu, thầy nói rõ ràng hơn được không?
Thầy Tây Minh ngó hình vẽ sau đăm đăm nhìn tôi bằng ánh mắt phân vân. Ban đầu thầy định thôi nhưng tôi gặng hỏi, thầy đành trả lời:
-Nó là “dấu ấn nô lệ”. – Thầy chỉ lên hình vẽ – Chắc anh biết lịch sử Băng Thổ hình thành từ đâu chứ?
-Em có nghe cha kể chuyện. – Tôi đáp – Cha nói rằng chế độ nô lệ rất thịnh hành ở Băng Thổ thời phi cơ giới. Sau một thời gian, các nô lệ đứng lên phản kháng và giành quyền tự chủ, cuối cùng hình thành Băng Thổ như ngày nay. Nhưng “dấu ấn nô lệ” là cái gì?
-Một phép thuật xác định đẳng cấp xã hội. – Thầy Tây Minh nói – Nó gắn chặt lên đời cha mẹ, đứa con đẻ ra cũng mang theo dấu ấn này. Hầu hết dòng họ gây dựng Băng Hóa đều xuất thân từ nô lệ, họ Xuy Hạ của anh cũng vậy. Khi giành được Băng Hóa, các dòng họ tìm cách xóa bỏ “dấu ấn nô lệ”, sau nhiều thế hệ, họ đã thành công. Chỉ duy nhất một người không bao giờ xóa bỏ nó, ông ta nói rằng không được quên nguồn gốc của mình. Đó là người nô lệ nổi tiếng nhất đồng thời là nhân vật mà người Băng Hóa các anh tôn sùng nhất: Biệt Liên Đại Đế.
Tôi há hốc mồm vì không biết thầy Tây Minh lấy thông tin đó từ đâu ra. Nhấp ngụm trà, thầy tiếp tục:
-Chắc anh biết dòng họ Biệt Liên cai trị Băng Hóa suốt thời phi cơ giới và thoái vị khi bắt đầu kỷ nguyên hiện đại? Phải, họ chọn cách rút khỏi dòng chảy lịch sử. Nhưng địa vị họ Biệt Liên vẫn đặc biệt tôn quý, bởi có câu châm ngôn cổ xưa rằng “dòng máu Biệt Liên còn chảy, Băng Thổ còn hòa bình”. Hẳn anh đã từng nghe? Vậy chắc anh cũng biết tại sao họ Biệt Liên biến mất chứ?
Tôi gật đầu. Lịch sử Băng Thổ nói chung và Băng Hóa nói riêng bi thảm hơn bất cứ đâu trên thế giới bởi hận thù chém giết, dòng họ Biệt Liên nằm trong số đó. Hơn nửa thế kỷ trước, các tướng lĩnh quân đội Băng Hóa đảo chính, họ bắt đầu chế độ độc tài bằng việc thảm sát dòng họ Biệt Liên. Tới nay người ta vẫn truyền miệng câu chuyện mười bảy thành viên họ Biệt Liên bị đám tướng lĩnh lôi ra đại sảnh hoàng cung, đủ già trẻ lớn bé nam nữ. Mười bảy sinh mạng bị trói chặt tay, quỳ thành hàng ngang, từng người từng người một đổ gục bởi phát bắn sau gáy. Họ Biệt Liên tuyệt diệt, máu nhuộm đỏ sảnh, Băng Hóa rơi vào thời kỳ đen tối nhất kỷ nguyên hiện đại. Mãi tới ngày cố hoàng đế – người mà tôi gọi là cụ ngoại – giành thắng lợi cuộc nội chiến, hòa bình mới lập lại. Nhưng kể từ thời khắc họ Biệt Liên rời khỏi thế giới, Băng Thổ hiếm dịp yên bình. Sau nội chiến Băng Hóa, đám tướng lĩnh nọ bỏ trốn về phía nam lục địa và lập ra Lực Lượng Mù Thủy chống đối Băng Hóa tận bây giờ. Khu nam lục địa chưa bao giờ ngớt tiếng súng.
-Trong vụ thảm sát đó chỉ có một người phụ nữ mang thai chạy thoát, tên là Biệt Liên Đa Xuyến. Bà ấy gặp thầy ta, nhờ thầy lưu giữ thông tin về dòng họ Biệt Liên trước khi bỏ trốn. – Thầy Tây Minh kể tiếp – Bà ấy nói không cần danh phận hay tiền bạc, chỉ cần con trai bà được sống. Ở thời điểm đó, chính trường Băng Hóa rất phức tạp, người phụ nữ họ Biệt Liên chỉ tin tưởng mỗi thầy ta. Nhưng giữa hoàn cảnh nguy hiểm, khí chất dòng họ đế vương trên người Biệt Liên Đa Xuyến vẫn không suy giảm. Nó giống hệt Mục Á…
-Nói thế… nói thế tức là…
-Người phụ nữ họ Biệt Liên chẳng nói đi đâu dù thầy của ta cố hỏi. Nhưng giờ mọi chuyện rất rõ ràng. Ta nghĩ bà ấy tới Vương Quốc Cũ, thay đổi tên họ, che giấu thân phận, sinh ra một cậu con trai tên là Mục Du Cổ. Chuyện tới đây thì cậu biết rồi. Phải, Mục Á là người cuối cùng mang dòng máu đại đế Băng Hóa quốc.
Tôi hơi khó thở. Sau cuộc nói chuyện, tôi trằn trọc suốt đêm không ngủ nổi. Tôi cá thầy Tây Minh lẫn lộn trí nhớ chuyện nọ xọ chuyện kia, dù gì thầy cũng nhiều tuổi nên dễ kể chuyện hoang đường. Vả lại tính thầy hơi tếu, đôi lúc thích trêu chọc người khác cho vui chưa biết chừng.
Nhưng nỗi tò mò thôi thúc tôi khám phá sự thật. Vừa vào đợt nghỉ phép, tôi tức tốc đến Vương Quốc Cũ. Tôi gặp vài người già cả và hỏi họ về Mục Du Cổ, họ cho biết ông ta sinh ra rồi lớn lên ở đây tới khi mẹ mất, bà mẹ tên là Mục Ngỗ Phiến. Mục Du Cổ đặt theo họ mẹ vì không có cha. Bằng cái giọng khò khè khó nghe, một bà già cao tuổi kể với tôi rằng Mục Ngỗ Phiến đến từ nơi xa xôi, luôn che đậy dung nhan bằng muội than lẫn tuyết trắng nhưng một khi lớp bẩn thỉu biến mất, bà lộ ra vẻ đẹp khác thường mà không phụ nữ nào tại xứ sở này có được. Người đàn bà ấy sống lặng lẽ, khép kín tâm tư nhưng luôn giúp đỡ mọi người nếu cần. Mục Du Cổ thừa hưởng đức tính của bà, đường tới Vương Quốc Cũ dễ dàng hơn là nhờ bàn tay ông ta.
Nhiều năm trôi qua, cư dân vùng hẻo hút này vẫn chẳng biết mẹ con Mục Du Cổ là ai. Vài câu chuyện kể trên không thể thuyết phục tôi rằng họ mang dòng máu Biệt Liên Đại Đế. Nhưng đám người già cho hay tôi không phải người đầu tiên hỏi về Mục Du Cổ; cách đây hơn một năm, vài người đến đây cũng hỏi điều tương tự, trên cổ áo đeo huy hiệu mặt trời mọc sau núi. Tôi biết rõ biểu tượng này bởi nó chính là gia huy dòng họ Xuy Hạ. Cũng hơn một năm trước, cha tôi có vài biểu hiện khác lạ khi nói về Mục Á, hồi đó ông hứa yêu thương em như con đẻ nhưng không thể cho em làm con dâu chính thức. Không thể có chuyện cả cha tôi lẫn thầy Tây Minh ngẫu nhiên hành xử như vậy. Tôi lập tức quay về Băng Hóa thành cùng hàng tá thắc mắc. Nhiều khả năng cha sẽ im lặng nếu tôi hỏi, nhưng tôi biết một người thông hiểu mọi chuyện trong nhà và quan trọng hơn là không bao giờ từ chối tôi.
-Bác quản gia, bác biết chuyện Mục Á, đúng không? Rốt cục nó là thế nào?
Câu hỏi đường đột của tôi khiến người quản gia khó xử. Bác từ chối trả lời. Nhưng khi tôi nói về chuyến hành trình tới Vương Quốc Cũ, cả câu chuyện hoang đường mà thầy Tây Minh kể, người quản gia mới thở hắt một hơi nặng nề. Bác kể ngay lần đầu tiên gặp gỡ, cha tôi cảm giác Mục Á có điều bất thường. Ông tin rằng cách nói năng đầy kính ngữ cổ xưa của em không phải luyện tập, càng không phải do học mót sách vở mà di truyền qua huyết thống. Sau khi cử người tới Vương Quốc Cũ điều tra cộng thêm những tài liệu riêng trong thư viện họ Xuy Hạ, ông xác định Mục Á chính là hậu duệ của ngài Đại Đế. Thuở xa xưa, ông tổ Xuy Hạ gần gũi ngài đại đế, hai bên trao đổi qua lại nên mọi thông tin đều xác thực. Để tăng phần chắc chắn, tôi yêu cầu người quản gia mở thư viện và tìm cuốn phả hệ họ Biệt Liên – nó là tài liệu cấm. Cuốn phả hệ cho biết trước vụ thảm sát kinh hoàng, họ Biệt Liên tổng cộng mười tám người cả thảy. Và theo tài liệu lịch sử chính thống, người duy nhất không có mặt trong vụ thảm sát là một phụ nữ tên Biệt Liên Đa Xuyến thuộc dòng máu trực hệ. Số phận Đa Xuyến đến giờ vẫn là bí ẩn, có tài liệu nói bà chết trong vụ đảo chính, lại có tài liệu khẳng định bà đã trốn thoát.
-Nhiều dòng họ góp phần vào vụ thảm sát như hỗ trợ tiền bạc cho đám đảo chính, chỉ điểm, cung cấp thông tin. – Người quản gia nói – Nhưng vì thiếu bằng chứng, cố hoàng đế hay cụ cố ngoại của cậu không thể xử lý họ. Cha cậu tin rằng đám người đó còn dây mơ rễ má với Lực Lượng Mù Thủy. Thế nên nếu cưới cậu, Mục Á sẽ bị điều tra. Cậu đâu lạ thói tọc mạch của quý tộc Băng Thổ? Nếu biết sự thật, Mục Á và cả cậu sẽ gặp nguy hiểm, cả nhà này trở thành mục tiêu cho Lực Lượng Mù Thủy. Vậy nên cha cậu sẽ “yêu thương Mục Á như con đẻ” mà không thể cho cô ấy làm con dâu chính thức là vì vậy.
Tôi bần thần không nói được câu nào, bàn tay vô thức lật cuốn phả hệ. Trang kế tiếp có hình vẽ “dấu ấn nô lệ” của họ Biệt Liên, đồng thời chỉ rõ đặc điểm loại dấu ấn này. Nó chính là thứ xuất hiện trên cổ Mục Á, không sai một li một tấc. Người quản gia tiếp lời:
-Ngày cậu bỏ nhà đi, cha cậu đã bí mật gặp Mục Á rồi hỏi sự tình. Cô ấy biết rõ thân phận của mình, bởi lẽ cha cô ấy dạy mọi thứ từ việc dùng kính ngữ, cách nói chuyện của người Băng Thổ đến cả dòng máu đế vương. Nhưng cha cô ấy cũng dặn rằng không bao giờ được về Băng Hóa, ở đây quá nguy hiểm. Nói tới đây, chắc cậu hiểu tại sao Mục Á dám liều mạng về Băng Hóa thành rồi trình diễn trước mặt hàng trăm quý tộc chứ?
Tôi vô thức nhìn hình vẽ cây phả hệ họ Biệt Liên, khung cảnh trước mắt mấy lần nhòe đi như sóng nhiễu. Tôi hỏi tiếp:
-Vậy chắc cha cháu cũng biết Mục Á từng sống ở Diệp quốc?
-Phải, cha cậu đã tới Diệp quốc và gặp ông bà ngoại Mục Á. Họ là quý tộc thượng đẳng bên Diệp quốc, họ còn sống, họ biết rõ Mục Á làm Hạ Nga Chi ở Hoàng Hôn Cảng. Họ nói sau cái chết của cha mẹ, Mục Á không còn phương hướng. Cô ấy nghĩ mình bị nguyền rủa nên từ bỏ danh phận tiểu thư, lang thang khắp nơi sau đấy tự vào Đông Môn Cao Lầu để cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài. Nhiều lần họ cố gắng khuyên nhủ nhưng Mục Á từ chối trở về. Danh phận bên Diệp quốc có tính truyền thừa giống chúng ta nên theo danh nghĩa, Mục Á vẫn là tiểu thư ở Diệp quốc.
-Nếu cô ấy trình diện trước hoàng đế Băng Hóa và công khai danh tính thật, vậy thì… – Tôi nói bâng quơ.
Người quản gia gật đầu:
-Máu họ Biệt Liên còn chảy, Băng Thổ còn hòa bình. Xét theo luật lệ nguyên gốc, Mục Á phải ở vị trí xứng đáng nhất. Họ Biệt Liên từng có nữ hoàng, vậy nên…
Tôi bật cười. Im lặng hồi lâu, tôi hỏi người quản gia:
-Vậy Mục Á từ bỏ vì…
-Vì cậu quá cứng rắn. – Người quản gia trả lời – Mục Á biết cậu không bao giờ lấy hai người làm vợ. Cô ấy không muốn cậu rời bỏ họ Xuy Hạ, cũng không muốn cả nhà này trở thành mục tiêu của Lực Lượng Mù Thủy. Trên hết Mục Á sợ cậu gặp nguy hiểm, Mục Á sợ điều đó hơn hết thảy. Cha cậu nói với tôi rằng Mục Á nghĩ cho cậu nhiều hơn bất ai, bất cứ thứ gì…
Tôi chợt nhớ buổi đêm ở Hoàng Hôn Cảng, Mục Á ôm tay tôi chặt đến mức như sắp cào xé da thịt mình. Hẳn rằng ngày ấy em khó khăn lắm mới chọn cách cứu vãn tương lai của tôi thay vì thu vén hạnh phúc cho riêng mình. Như cha em, như người bà nội, như ngài đại đế Biệt Liên chiến đấu cho cả lục địa, em luôn nghĩ cho người khác. Mãi mãi là vậy.
Nếu trên đời tồn tại một thứ là “vĩnh cửu” thì tình yêu không nằm trong số đó, nhưng sự hy sinh và đau đớn thì có. Chúng vẫn tồn tại kể cả khi thế giới này sụp đổ, cả khi thời gian không tồn tại.
Vài ngày sau tôi cùng Hạn Lý đi xem nhạc kịch, hôm đó nhà hát công chiếu vở diễn “Trà Hoa Nữ”. Có một phân cảnh tôi nhớ nhất là nhân vật nữ chính tặng đóa trà kép cho người yêu, ngụ ý mãi mãi trân trọng tình cảm của chàng trai. Tôi chợt nhớ mình cũng có một đóa trà kép trong cuốn nhật ký hành trình. Nhớ lại đêm quậy phá ở Hoàng Hôn Cảng, tôi nhận ra vài điều bất ổn. Sau buổi chiếu, tôi hỏi Hạn Lý:
-Khi đó em không hề biết tôi đang ở Hoàng Hôn Cảng, đúng không? Đừng sợ, Hạn Lý, tôi chỉ muốn biết thôi. Là ai gọi em tới? Trả lời trung thực nhé!
Biết không thể giấu tôi mãi, Hạn Lý buộc phải kể. Dù biết rõ câu trả lời nhưng trái tim tôi vẫn đau nhói…
*
* *
Hạn Lý kể rằng ngày tôi quậy phá Đông Môn Cao Lầu, Mục Á không hề tiếp khách mà thu mình trong phòng riêng. Mục Á tránh gặp vì muốn tôi quên hẳn em, coi em như một gái điếm cơ hội chỉ biết tiền bạc. Nhưng em không thể ngồi yên mãi khi tôi bị đánh, nếu không phải em can ngăn sớm, tôi đã chết ở Cao Lầu. Em đưa tôi đến bệnh viện, gọi điện cho cha tôi thông báo tình hình rồi gọi cả ông bạn Đại Bác. Ba ngày đầu tiên, em không về làm việc mà chăm sóc cho tôi bất chấp ông chủ Cao Lầu đe dọa. Sang ngày thứ tư, em nhờ cha tôi gọi cho Hạn Lý. Cuộc gặp giữa những đàn bà tình địch luôn căng thẳng, Hạn Lý và Mục Á cũng vậy:
-Tại sao cô gọi tôi? – Hạn Lý hỏi.
-Vì tôi thỉnh cầu tiểu thư chăm sóc anh ấy. – Mục Á trả lời đoạn cúi người.
Tại thời điểm đó, Hạn Lý vẫn giận tôi vì chuyện hủy hôn. Nàng xẵng giọng:
-Tại sao tôi làm phải vậy? Tại sao tôi phải nghe lời cô?
-Vì tiểu thư vẫn yêu Khai Y, nếu không tiểu thư đã chẳng đến đây. – Mục Á nói – Tôi không thể đồng hành với Khai Y nữa, tôi không xứng với Khai Y, chỉ có tiểu thư thích hợp nhất. Từ nay về sau mong tiểu thư chăm sóc anh ấy. Nếu còn yêu Khai Y, tiểu thư hãy chiến đấu cho tình yêu đó. Tiểu thư còn nhớ lời tôi không? Đàn ông đã thống trị thế giới bằng máu của họ, chỉ còn sót mỗi tình yêu, chúng ta phải chiến đấu giành giật nó, đừng để họ làm nốt.
-Tôi có nghe chuyện giữa cô và Khai Y. Chẳng phải cô bỏ Khai Y vì anh ấy mất quyền thừa kế? – Hạn Lý nói – Vậy thế này là sao?
Mục Á cười tươi:
-Chỉ kẻ ngu ngốc mới nghĩ chuyện thừa kế ảnh hưởng đến Khai Y. Anh ấy sẽ là người đàn ông vĩ đại, sẽ làm được nhiều điều lớn lao mà chẳng cần gia sản hay danh phận quý tộc. Nhưng Khai Y không thể vĩ đại nếu tôi còn ở bên anh ấy, tôi chỉ là gánh nặng làm con chim ưng mỏi cánh. Tiểu thư khác, tiểu thư có thể làm con chim ưng đó bay xa hơn thế.
Hạn Lý nhìn em hồi lâu rồi hỏi:
-Biết như vậy mà cô vẫn buông bỏ Khai Y?
Hạn Lý nói rằng nàng không thể quên những gì diễn ra sau đó. Trước mắt nàng, Mục Á ôm chặt khuôn mặt mà chẳng thể nào ngăn được dòng nước mắt chảy qua kẽ ngón tay như thác tuôn qua vách đá, chảy mờ gò má đỏ hồng giữa ngày đầu đông như sông dâng nước tràn bờ. Rồi Mục Á tự đấm ngực liên hồi, giọng lạc đi:
-Đau lắm, nhưng phải thế thôi… tôi đau lắm… nhưng đành phải thế…
*
* *
Nghe xong chuyện, tôi không hỏi thêm nữa mà đưa Hạn Lý về nhà. Trên đường về, tôi nắm chặt tay nàng rồi lảng chuyện khác. Tôi không muốn nàng thấy những mảnh nứt vỡ đầy yếu đuối trong tâm hồn mình. Ít ngày sau, tôi nói với nàng mình cần đến Hoàng Hôn Cảng. Trông vẻ mặt Hạn Lý hiện nét sợ sệt, tôi bèn ôm lấy nàng rồi hôn lên trán như một cách trấn an. Tôi hứa sẽ về sớm. Sau nhiều đấu tranh nội tâm, Hạn Lý đồng ý để tôi đi.
Tôi trở lại Hoàng Hôn Cảng vào tháng 6. Đang đợt hè, nắng ấm, tuyết chậm rãi phủ không gian gợi chuyện cũ. Như một thói quen cố hữu, tôi dạo bước trên những cung đường quen thuộc. Có chút buồn, có nhung nhớ nhưng không còn giận dữ hay đau đớn như cách đây một năm. Bằng cách nào đó mà thế giới mục ruỗng bên trong tôi đã lành lặn, một tay Mục Á gây dựng thế giới đó và cũng một tay em chữa lành cho nó. Nhưng tôi tự hỏi ai sẽ cứu giúp thế giới bên trong em?
Tôi không đến Cao Lầu mà quan sát khu chợ trời, trực giác mách bảo tôi Mục Á sẽ xuất hiện. Tôi đoán không lầm. Dăm ngày sau, tôi nhận ra mái tóc đen xõa dài của em lang thang quanh cửa hàng hoa, dĩ nhiên là hoa trà. Em vẫn đẹp, vẫn vóc dáng cao gầy cùng đôi mắt sắc tỏa ánh trăng đêm, nhưng ánh mắt em buồn bã ưu tư khiến những đóa trà gần đấy vì vậy mà hon héo. Bỗng Mục Á quay lại và giật thót khi nhận ra tôi đứng sau lưng em từ lúc nào. Em hoảng hốt:
-Khai Y… sao anh ở đây?
-Tôi đến lâu rồi. Em đi cùng tôi nhé?!
Tôi ngoảnh đầu về hướng tây. Mục Á trả lời bằng đôi mắt lạnh lẽo, hệt như ngày em nói chia tay:
-Không, em đang bận. Em nói rồi, Khai Y, em bận lắm!
-Em biết không tự dưng tôi đến đây. – Tôi nói – Đi với tôi, có lẽ đây là lần cuối đấy.
Dứt lời, tôi cất bước. Mục Á nghĩ ngợi đôi chút rồi bước theo, ánh mắt băng giá dần tan chảy. Chúng tôi rời khu chợ trời rồi lang thang quanh bờ sông. Suốt quãng đường đó, chúng tôi hoàn toàn im lặng như hai người xa lạ vô tình bước chung một lối. Mãi khi bước lên dãy núi tuyết phía tây, tôi mới mở lời. Tôi kể cho em mọi điều mình nghe từ thầy Tây Minh, người quản gia và Hạn Lý. Mục Á không xác nhận bất cứ câu hỏi nào của tôi mà mải miết che đậy những sầu khổ trong lòng. Nhưng cố gắng bao nhiêu, em vụng về bấy nhiêu. Em cố gắng cười lạnh nhạt nhưng bàn tay bóp chặt lẫn nhau, em cố nói lời xa cách mà hàm răng cắn môi đau đớn, em cố tỏ ra đã quên tôi mà cánh mũi phập phồng hơi thở thổn thức. Tôi cười sự vụng về của Mục Á, mà cũng đau xót cho em.
-Tôi sẽ cưới Hạn Lý. – Tôi nói với Mục Á – Cô ấy chịu đựng nhiều vì tôi. Tôi yêu cô ấy.
-Tốt cho anh thôi. – Mục Á trả lời – Chúc hai người hạnh phúc.
-Thế còn em? – Tôi hỏi – Em tính sau này thế nào?
Bàn tay Mục Á bóp chặt nhau đến đỏ lựng, em toan trả lời mà không nổi. Giữa tuyết ươm mùi hoàng hôn ấm áp tháng 6, Mục Á rúm người lại, trông nhỏ bé vô cùng. Thế giới đầy hạnh phúc mà chỉ mình em lạnh buốt. Tôi hỏi:
-Ở bên tôi, em hạnh phúc không?
Mục Á ngoảnh mặt không đáp. Tôi rờ mái tóc Mục Á, em vội vàng lùi bước, mặt mũi đỏ lựng:
-Bỏ ra, Khai Y. Anh có người khác rồi, đừng lại đây! Em hét lên đấy!
Bất chấp những lời phản đối hay đe dọa, tôi vẫn tiến tới, dồn Mục Á vào gốc cây rồi ôm lấy em. Em đấm rồi tát tôi mấy lần, nhưng bàn tay em yếu dần, cho tới khi nó luồn qua mái tóc màu hổ phách và run rẩy từng cơn nức nở. Mục Á hết khóc lại cười, bàn tay thanh tú rờ những ngón đầy đặn quanh gương mặt tôi. Tôi cảm nhận rõ mạch xung động của trái tim Mục Á đập liên hồi trên đầu ngón tay, ngửi được hơi thở khao khát tìm kiếm hạnh phúc tuôn ra từ khuôn miệng tô son đỏ, thấy cả thế giới đầy mảnh chắp vá trong lòng em. Nhưng bằng nỗ lực tột cùng, em gỡ tay tôi rồi khoác lên mình tấm áo xa cách. Lúc này tôi biết mình không thể đụng chạm em nữa, tôi nói:
-Em nên về Băng Hóa thành. Máu họ Biệt Liên còn chảy, Băng Thổ còn yên bình. Em không thể ở bên ngoài làm Hạ Nga Chi mãi được.
-Họ Biệt Liên không còn liên quan đến lịch sử nữa. – Mục Á trả lời – Cha em nói vai trò của họ Biệt Liên đã chấm dứt. Cha anh cũng đề nghị như thế nhưng em đã từ chối. Sau này đừng tìm em nữa, hứa nhé?! Nếu còn tình cảm cho em, nếu còn nghĩ cho em, anh phải hứa!
Tôi nhận ra tình yêu mà Mục Á dành cho tôi lớn đến mức em dám đối xử tàn nhẫn với bản thân. Tôi nhắm mắt gật đầu, em cười tươi. Thở dài một chặp, tôi hỏi:
-Tôi mãi mãi không thể gặp em hay sao?
-Người Đông Thổ tin rằng thế giới này chỉ là một trong nhiều thế giới, kiếp sống này chỉ là một trong nhiều kiếp sống khác nhau.
-Vậy…
-Hẹn anh ngày khác, thế giới khác, thời gian khác. – Mục Á mỉm cười – Cảm ơn anh, cảm ơn rất nhiều. Bay thật xa nhé, Khai Y!
Dứt lời, Mục Á cúi thấp lưng rồi từ biệt tôi. Tôi vẫn nhớ ngày đó em không quay đầu nhìn lại nhưng bóng dáng liêu xiêu như sắp ngã xuống tuyết. Dù vậy tôi không níu kéo hay gọi tên Mục Á. Em đối xử với tôi bằng thứ tình yêu lớn lao nhất mà người phụ nữ có thể làm, tôi không thể phụ công sức của em.
Có những thứ yêu thương lớn đến mức không thể nói thành lời.
Nửa năm sau, tôi kết hôn với Hạn Lý. Chúng tôi có hai nhóc tỳ, một trai một gái, cô con gái hiền hậu giống Hạn Lý còn ông con trai bướng bỉnh y hệt tôi. Tôi tiếp tục công việc hộ vệ thánh sứ cho tới ngày thầy Tây Minh nghỉ hưu, một tiểu quốc ở Thượng Cổ phong tôi làm quốc vụ khanh danh dự vì giúp họ giải quyết nội chiến. Hai đứa con tôi đòi đến đó vì ở đấy người ta có dựng tượng tôi bên cạnh thầy Tây Minh, cơ mà tôi không thích lắm vì bức tượng hào nhoáng quá thể và phi thực. Gã nào đó đã gắn lên bức tượng một đôi cánh to phự như cánh đại bàng, mà thực tế đó là chiếc diều bay tôi mượn từ Đại Bác lúc làm nhiệm vụ. Kể từ đó người ta hay gọi tôi là “Ưng Tuyết Khai Y”. Về phần Đại Bác, gã tiếp quản Đại Lộ Đỏ, tật xấu hám gái vẫn vậy, chỉ duy một chuyện khác biệt là gã gia nhập Bảy Người Mạnh Nhất. Cơ mà Đại Bác có vẻ không quan tâm lắm. Suốt năm tháng ấy, tôi vẫn mang theo cuốn nhật ký hành trình đựng cánh hoa trà kép ép khô dù nó chẳng còn chỗ mà viết.
Tôi gia nhập quân đội Băng Hóa và trở thành thủ lĩnh quân viễn chinh, giống vị trí mà Khai Nhạn từng đảm nhiệm. Đôi lúc Hạn Lý giận tôi vì xa nhà quá nhiều, cũng có đợt chúng tôi cãi nhau vì mấy chuyện bất hòa không đáng có. Nhưng sau rốt tôi làm lành với nàng, dù sao nàng cũng thiệt thòi hơn tôi. Dăm năm sau, cha tôi bị thương trong một vụ ám sát hụt, các vệ sĩ kể rằng tên sát thủ nọ có mái tóc màu đỏ và biết dùng bí kỹ điều khiển gió giống hệt tôi. Nói về bí kỹ điều khiển gió, tôi lại nhớ thủ lĩnh Tiểu Đoàn Kiếm Sắt. Khi ấy ông ta là kẻ mạnh nhất thế giới, tôi tái ngộ ông ta ở Băng Thổ, đánh một trận từ nửa đêm đến tảng sáng. Tôi thừa nhận mình vẫn yếu hơn nhưng không đến mức thua thiệt giống thuở trước. Cuối cuộc chiến, người đó mời tôi điếu thuốc và bia chai. Một người thú vị. Vì trận chiến này, chợ rác Uất Hận Thành gửi thư đề nghị tôi gia nhập Bảy Người Mạnh Nhất nhưng noi theo thầy Tây Minh, tôi từ chối. Thi thoảng mọi người lại nhắc về Khai Nhạn, nỗi đau vẫn còn đó nhưng không ai khóc. Độ ấy nhiều chuyện, tôi hầu như quên bẵng hoa trà.
Tôi bước lên vị trí đại thống lĩnh quân đội Băng Hóa, đồng thời tiếp quản dòng họ Xuy Hạ thay cha. Ông đã già, cũng chẳng còn ham thích chính trị hay quân sự. Tôi dần quen việc cười nói như cái máy để thỏa lòng đám họ hàng phiền phức hay lừa phỉnh đám chính trị gia. Thằng nhóc Khai Giã bé cỏn con ngày nào giờ cao ngang tôi, lúc nào nó cũng mang bộ mặt lạnh giá. Không lạ khi Khai Giã trở thành thánh sứ mạnh nhất Băng Hóa bởi nó tàn nhẫn hơn bất cứ ai. Đôi lúc Khai Giã hỏi tôi về Mục Á nhưng tôi không trả lời. Mục Á là sợi dây duy nhất liên kết tôi và Khai Giã. Năm tháng đó, tôi bắt đầu hoài niệm chuyện cũ. Tôi tự hỏi Mục Á đã đi đâu hay làm gì? Tôi cử người hỏi Đông Môn Cao Lầu, tin báo rằng em rời khỏi đấy từ năm 7506, không rõ đi đâu. Tôi muốn tìm em nhưng vì lời hứa năm xưa, tôi đành dằn lòng mình.
Nhưng thế giới Tâm Mộng chưa bao giờ hết tàn nhẫn. Liên minh tại lục địa Băng Thổ tan rã, các hiệp ước trở thành giấy vụn, vị thế Băng Hóa bị lung lay hơn bao giờ hết. Vị hoàng đế Băng Hóa mới không được thông tuệ như người bác ruột của tôi, ông ta phát ngôn đao to búa lớn nhưng chẳng làm được bao nhiêu. Khai Giã ngày càng khó kiểm soát, nó phá hỏng nỗ lực hàn gắn liên minh của tôi, tự mình bước lên ngôi vị Tổng Lãnh Thánh Sứ. Chiến tranh Tuyệt Tưởng Thành diễn ra và tôi bàng hoàng khi biết thầy Tây Minh đã ra đi. Nhưng tôi chỉ kịp gửi hoa qua Đại Bác, chuyện nội bộ Băng Hóa quốc làm tôi không thể dự tang thầy. Cùng năm đó, cha tôi mất vì bệnh lẫn thương tật từ vụ ám sát. Trước lúc nhắm mắt, cha bảo tôi phải tìm “Mục Á”. Vốn không tin vào số phận nhưng ở tình thế rối ren hiện tại, tôi bắt đầu tin vào điều huyền bí.
Năm 7518, mười lăm năm sau ngày chia tay Mục Á, tôi vẫn nhớ về em. Tôi đoán em vẫn đẹp, vẫn kiêu sa mê hồn người. Lúc rảnh rỗi, tôi thường trông về phía đông nơi Đồng Gió thét gào, lẩm nhẩm lại lời bài hát mà Mục Á từng ca vũ tại dạ tiệc. Nhưng nỗi nhớ em không làm tôi buông xuôi, ngược lại càng khiến tôi thêm gắn bó người vợ và gia đình mình. Bởi lẽ cuộc sống hiện tại của tôi đều do Mục Á sắp đặt.
Có những tình yêu lớn lao đến độ ta trân trọng thay vì mong muốn chiếm đoạt nó.
Một ngày đầu năm 7518, người quản gia bước vào phòng tôi. Tuy già nhưng bác vẫn quán xuyến mọi công việc gia đình. Bác nói có một người tóc đỏ xin gặp tôi, cậu ta biết về Mục Á. Tôi nhớ ngày dạ tiệc, Mục Á mặc chiếc váy đỏ. Ngày chia tay, em tặng tôi một đóa trà kép đỏ. Còn giờ đây, em xuất hiện qua một người có mái tóc đỏ. Dường như số phận đang xoay những vòng lặp kỳ lạ của riêng nó. Tôi mở cuốn nhật ký hành trình năm nào và ngắm nghía bông trà kép khô ở trang bìa. Mười lăm năm, nó vẫn tươi tắn tuyệt đẹp. Rượu còn nhiều, tôi còn muốn kể cho các vị nhiều lắm! Ha ha! Nhưng xin lỗi các vị, tôi phải gặp anh chàng nọ. Để khách chờ lâu là không tốt.
-----
Hết.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK