Mục lục
Kiêu Thần
Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Cơn mưa lạnh lẽo trút ào ào xuống mặt đất suốt cả ngày, mãi tới hoàng hôn mới tạnh nhưng đây đó vẫn còn vài giọt nước rơi xuống.

Suốt mùa thu năm thứ tám niên hiệu Sùng Quan, huyện Bạch Sa phủ Duy Dương phía Giang Đông vẫn không thoát khỏi trời mưa to như vậy.

Vô số nhà dân bị mưa to quất sụp, con đường trong huyện thành ngập nước đến mức có thể đi thuyền, vào thượng tuần tháng chín ngay cả tường thành phía nam huyện thành cũng bị mưa to xói lở mất một đoạn, lộ ra lỗ thủng to lớn xấu xí. Từ hai ngày gần đây, ông trời bắt đầu dừng mưa khiến huyện Bạch Sa được giảm bớt căng thẳng, nhưng các nơi đều tích úng lụt khiến nước không thể lập tức rút đi, sông Bạch Thủy phía ngoài huyện thành cũng trở thành "sông treo", nước lũ sắp tràn qua bờ đê, nếu không phải mười ngày trước đoạn trấn Thanh Hà phía bắc xuất hiện lỗ thủng làm giảm bớt áp lực, có lẽ huyện thành này đã bị nước sông Bạch Thủy tràn qua rồi.
Chú thích: sông treo (huyền hà) là kiểu sông mà do lũ lụt dẫn theo phù sa đất cát khiến lòng sông cao hơn mặt đất thành thị xung quanh, tiêu biểu là một số đoạn sông Hoàng Hà.

Doanh trại cứu tế thiết lập trên núi Nấm Mồ ngoài thành, núi là núi đất, cao hơn mười trượng, hình dáng giống như một nấm mộ lớn không có chóp, còn có một cái tên văn vẻ là núi Ngọa Mi, trên núi không có cây cỏ, hoàn toàn trụi lủi, người trong huyện vẫn quen gọi là núi Nấm Mồ.

Một quan viên trẻ thân hình cao lớn, đầu đội mũ ô sa, thân mặc quan phục cổ tròn màu xanh, không để tâm con đường lầy lội dưới chân, bước phăm pham tới doanh trại cứu tế trên núi Nấm Mồ.

Quan trên đích thân tới doanh trại cứu tế Bạch Sa gây ra một trận ồn ào, rất nhiều nạn dân quần áo tả tơi vây quanh nói:
"Đổng phủ quân tới rồi, có hy vọng rồi"
"Đại nhân sẽ không trơ mắt nhìn mọi người chết đói đâu"
"Đổng phủ quân là ai? Hóa ra là ông ấy à."

Vị quan trẻ đúng là Đổng Nguyên, tri phủ phủ Duy Dương, hắn vốn có uy danh, được dân chúng tôn xưng là phủ quân. Lúc Xa gia ở phủ Tấn An làm phản càn quét Đông Mân, Đổng Nguyên là chủ bộ của huyện Tiên Hà nằm phía bắc Đông Mân. Phản quân tập kích, tri huyện Tiên Hà là kẻ hèn nhát chỉ muốn hiến thành theo địch, bảo toàn tính mạng cả nhà, Đổng Nguyên bèn họp mặt nha dịch và dân chúng bắt giam tri huyện, đóng cửa thành cố thủ, ngăn chặn con đường phản quân tiến về phía bắc xâm nhập Chiết Tây; phản quân Xa gia vây thành mấy tháng thấy cường công không được bèn giải vây rút lui. Sau đó Đổng Nguyên nhậm chức dưới trướng thượng thư bộ binh Giang Ninh kiêm tổng đốc Đông Mân Lý Trác, nhiều lần lập được chiến công. Xa gia ở Đông Mân làm phản đã nhiều năm, khó lòng hoàn toàn dẹp tan, triều đình và người phụ trách dẹp loạn Đông Nam là Lý Trác đều có ý định chiêu an Xa gia, Đổng Nguyên nhận thấy không hợp với ý mình bèn rời khỏi quân doanh quay về làm quan văn, mùa xuân năm nay được điều đến phủ Duy Dương nhậm chức tri phủ.

Mưa tạnh, lúc này dưới hoàng hôn vẫn có vài giọt mưa lác đác, Đổng Nguyên bước đi rất gấp, không quan tâm mưa bụi rơi vào mặt, tri huyện Bạch Sa là Đinh Tri Nho cùng đồng liêu của Đổng Nguyên hồi ở Đông Mân là Cao Tông Đình đi sau nửa thân người.

"Tri Nho, đợt lương thực thứ hai do Giang Ninh phân phối khi nào tới nơi?" Đổng Nguyên hỏi, phủ Duy Dương không chỉ một huyện Bạch Sa gặp nạn, tiền bạc lương thực dùng cho việc cứu tế phát chẩn đều được chuyển tới từ Lưu kinh Giang Ninh.

Thái tổ bản triều gây dựng cơ nghiệp ở Giang Ninh, sau khi khởi sự lấy Giang Ninh làm đô thành, đến thời Thái Tông vì phải chống cự với các dị tộc phương bắc như Đông Hồ nên dời đô đến phủ Yên Kinh, Giang Ninh trở thành Lưu kinh. Ở Giang Ninh vẫn giữ lại các cơ cấu quan liêu quan trọng như lục bộ, Quốc tử giám, viện Hàn lâm học sĩ, trên danh nghĩa có cùng cấp bậc với lục bộ và tam viện ở Yên Kinh nhưng thua xa về thực quyền. Bởi vì Chiêu lăng - lăng mộ của Thái tổ - đặt tại Giang Ninh nên người đời gọi đám quan lại rảnh rỗi ở đây là quan coi lăng. Nhưng ngay cả như vậy, suốt hơn hai trăm năm nay, phủ Giang Ninh vẫn là trung tâm kinh tế chính trị và quân sự ở phía nam đế quốc.

Đinh Tri Nho nói: "Vừa nhận được khoái mã báo tin, đêm qua lương thực cứu giúp thiên tai đã được xếp lên thuyền ở Giang Ninh, trưa nay bắt đầu xuất phát, sáng sớm mai là vận chuyển đến đây."

"Tốt. Tình hình chết chóc do thiên tai ra sao?"

"Đường sông trong khu vực nhiều năm nay không được tu sửa, gặp mưa to như trút nước nên mấy ngày liên tiếp đều nhận được tin báo vỡ đê. Mấy hôm nay mưa bắt đầu dừng nhưng nước lụt không có chỗ rút, thương vong sợ là không ít hơn vạn người. Sợ là sợ mực nước sông Bạch Thủy và sông Dương Tử ngoài kia trong thời gian ngắn không giảm xuống, con đê chính lại không quá vững chãi, e rằng..."

Đổng Nguyên im lặng một lúc rồi căm giận nói: "Lũ giặc, thái bình nhiều năm nên không biết việc sống yên ổn phải nghĩ tới ngày gian nguy, mấy huyện Bạch Sa đều bị nạn lụt, các vùng Hải Lăng, Sùng Châu bị hải triều trút vào, lại thêm đám hải tặc thừa cơ loạn lạc lên bờ tham gia náo nhiệt, bây giờ ngay cả huyện học trong huyện thành Sùng Châu cũng bị người ta vào cướp..."

Nhắc đến những chuyện phiền lòng này, Đổng Nguyên không nhịn được phải than thở một phen với bạn bè và thuộc hạ cũ, hắn oán giận phẩy tay áo rồi căn dặn Đinh Tri Nho việc tu sửa đê điều: "Bây giờ sửa đê thì không kịp rồi, chỉ đành đợi đến mùa đông sang năm, đoạn đê nguy hiểm cần phái thêm vài người canh giữ thật kĩ, những người sống cạnh đê có thể di dời người nào thì di dời bằng hết. Những nạn dân không an trí hết thì sơ tán qua thành Duy Dương, chuyện cứu tế sau thiên tai trong huyện ngươi cần tính toán thật kĩ rồi đưa kế hoạch cho ta..."

"Tuân lệnh."

Đổng Nguyên, Đinh Tri Nho, Cao Tông Đình vừa bàn chuyện cứu tế vừa đi về phía đỉnh núi, ở đó có tòa đình có thể nhìn về phía sông Bạch Thủy.

Tuy trên trời vẫn có mưa bụi rơi xuống nhưng phía chân trời là một vùng quang đãng tươi đẹp, đứng trong đình trên đỉnh núi nhìn về phía xa, chân trời chiều mùa thu đỏ tươi như nhuộm máu treo trên một khoảng không màu xanh ngọc sạch bong, sông Bạch Thủy phía ngoài đê mặt nước mênh mông, sóng cuộn đỏ hồng như nhuộm.

Lúc này, tiếng đàn nhẹ nhàng như khói từ phía bến đò truyền đến, mọi âm thanh ồn ào xung quanh bỗng như bị tiếng đàn làm cho yên lặng.

Đổng Nguyên nhìn về phía đó, thấy có mấy chiếc thuyền lá cột phía ngoài đê, ở giữa là một thuyền hoa lộng lẫy khiến nó càng thêm nổi bật, tiếng đàn dường như vọng ra từ chiếc thuyền hoa, mịt mờ như thể âm thanh từ trên trời hạ xuống. Rất nhiều nạn dân quần áo rách rưới ngồi trên mặt đá trên đê mê mẩn nghe đàn, từ xa nhìn lại lô nhô như bầy kiến, cũng có mấy chiếc thuyền đánh cá vây quanh bến thuyền tạm thời, tựa hồ đặc biệt vì tiếng đàn này mà tới.

Đổng Nguyên lắng nghe một lát rồi nhíu mày hỏi: "Ai đang gảy đàn vậy?"

"Danh kỹ Giang Ninh là Tô Mi dừng thuyền ở đây đã nhiều ngày rồi". Đinh Tri Nho bẩm báo.

"Cô ta không ở Giang Ninh, tới đây làm gì?" Đổng Nguyên cũng từng được nghe danh tiếng của Tô Mi, biết nàng là ca cơ nổi danh trong thành Giang Ninh, vừa xinh đẹp lại nhiều tài nghệ, rất được giới quan lại quyền quý và văn nhân mặc khách ở Giang Ninh theo đuổi, trong lòng cảm thấy khó hiểu tại sao ở thời điểm này nàng lại rời Giang Ninh, xuất hiện trong khu vực phủ Duy Dương.

"Đỗ Vinh về quê làm đại thọ sáu mươi cho cha già nên mời Tô Mi đồng hành tới Duy Dương trợ hứng...". Đinh Tri Nho bẩm lại.

Nghe thấy cái tên Đỗ Vinh, Đổng Nguyên hơi nhíu mày, mũi nở ra, thở đánh khịt, vẻ mặt tỏ ra khinh thường.

Cao Tông Đình nói: "Xa gia cố ý quy thuận, trừ Yên Kinh thì ở Lưu Kinh cũng có rất nhiều người làm việc, tạo thế cho Xa gia, Đỗ Vinh là một trong số đó. Có người tố cáo Đỗ Vinh tư thông hải tặc, Lý soái cũng ngồi yên bỏ qua..."

Đinh Tri Nho cố ý quay mặt về phía khác, hắn chỉ là một tri huyện bé nhỏ nên không dám ngông cuồng bàn chuyện triều chính, Đổng Nguyên là kẻ tính tình thối có tiếng, dám vỗ bàn chửi mắng tay đôi với thượng thư bộ binh Giang Ninh kiêm tổng đốc Đông Mân Lý Trác, đại khái là Lý Trác thưởng thức tài năng của Đổng Nguyên nên cho dù trong lòng không thích cũng chỉ điều hắn đi nơi khác cho khuất mắt chứ không làm khó.

Đổng Nguyên hừ lạnh: "Mấy năm gần đây giặc cướp Đông Hải trở thành tai họa, chắc chắn là có bàn tay của Xa gia, nếu không có đám hải tặc trợ giúp thì Xa gia đã bị Lý soái bình định lâu rồi, việc gì phải làm chuyện cẩu thả này?"

"Sợ rằng sau khi Xa gia quy thuận lại tiếp tục dưỡng khấu tự trọng". Cao Tông Đình than thở, "Trước khi ta đến Duy Dương có ở lại Giang Ninh mấy ngày, sĩ tử trong Tây Khê học xã cũng công khai đồng ý chuyện Xa gia xin hàng, xem ra ý định chiêu an của triều đình và Lý soái đã chắc chắn rồi".
*Chú thích: "dưỡng khấu tự trọng" là thành ngữ dùng để chỉ hành vi các thế lực quân phiệt địa phương cố ý lưu giữ hoặc nuôi dưỡng một thế lực đối địch với triều đình nhằm gây sức ép cho triều đình qua đó gia tăng địa vị của bản thân.

"Lũ mọt sách này, tự xưng danh sĩ phong lưu nhưng chỉ biết khua môi múa mép!" Đổng Nguyên dù tỏ ra không hề tôn trọng nhưng giọng điệu có phần bất lực, hắn chỉ là tri phủ Duy Dương, không cách nào ảnh hưởng tới cục diện chính trị trong triều, mà nói lại thì cũng chính bởi nguyên nhân bất đồng ý kiến với việc chiêu an Xa gia mà hắn bị đá đến Duy Dương làm việc.

Mọt sách? Đinh Tri Nho nheo mắt nhìn về con đê phía xa, Tây Khê học xã đâu chỉ đơn giản là một đám mọt sách chỉ biết thể hiện khả năng mồm mép suông như vậy? Trong lòng hắn lại nghĩ Xa gia quy thuận, cắt đất phong hầu, trong tay vẫn giữ lại gần vạn tinh binh, thêm vào đó là thế lực cướp biển ngoài Đông Hải, như vậy coi như chư hầu một phương rồi, trước sau gì cũng là mối họa ngầm phía đông nam của triều đình, nhưng chiến cuộc phía đông bắc với người Đông Hồ đang hết sức gay go, trong triều gấp gáp muốn điều binh hùng tướng mạnh từ đông nam lên tăng cường phòng tuyến đông bắc, chấp nhận Xa gia xin hàng cũng là việc nghĩa, đương nhiên, trong đó không phải là không có ý phòng bị Lý Trác nuôi quân tự trọng. Nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là suốt mười năm nay, vì bình định Xa gia ở Đông Mân phản loạn mà quân phí hao tổn đến hàng ngàn vạn lượng, khiến cho việc xoay xở tiền bạc trong triều đình càng thêm khó khăn, giật gấu vá vai.

Đinh Tri Nho thấy Đổng Nguyên hướng ánh mắt về phía mình, nhưng hắn không muốn tham gia vào chủ đề này nên cười cười lảng sang chuyện khác: "Tô Mi qua huyện Bạch Sa, thấy lũ lụt nghiêm trọng, nạn dân đáng thương, sau khi từ Duy Dương trở về bèn dừng thuyền ở ngoài đê hiến nghệ, kẻ có tiền trong huyện có thể lên thuyền vui chơi nghe đàn ca, tiền tài thu được đều quyên góp cho việc cứu tế nạn dân, Đỗ Vinh cũng xen vào góp vui, tuyên bố nếu Tô Mi hiến nghệ ở Bạch Sa mười ngày thì hắn sẽ quyên góp ngàn lượng bạc, bây giờ đã tới ngày thứ tám rồi..." Thấy Đổng Nguyên nhìn về phía thuyền hoa, hắn nói tiếp vẻ nịnh nọt, "Nếu phủ quân có nhã hứng nghe đàn, ta có thể sai người mời Tô Mi cô nương lên bờ giúp vui uống rượu".

Đổng Nguyên lắc đầu: "Nạn dân khắp nơi, chúng ta lại ở lầu cao phòng đẹp uống rượu nghe đàn thì còn ra thể thống gì?"

Đinh Tri Nho thấy vẻ mặt Đổng Nguyên cũng không quá kiên quyết bèn nói: "Thực ra ta có tâm tư khác, xin phủ quân chớ trách, sự thực là ta muốn khẩn cầu phủ quân khen ngợi nghĩa cử giúp nạn thiên tai của Tô Mi..."

Thấy Đổng Nguyên không lên tiếng mà quay đầu đi xuống núi cùng Cao Tông Đình, trong lòng Đinh Tri Nho cho rằng hắn đã tiếp nhận lý do uyển chuyển này của mình. Đinh Tri Nho cười thầm: mỹ nhân xinh đẹp ai mà không thích chứ? Thấy một gã mặc quần áo nha dịch màu đen đứng cách đó không xa, Đinh Tri Nho bèn vẫy tay gọi tới gần rồi vừa đi theo Đổng Nguyên về phía trong thành, vừa dặn nha dịch đi mời Tô Mi tới trợ hứng uống rượu trong tiệc tối nay.

Nha dịch là một hán tử béo lùn mày thưa mắt nhỏ, nhận được phân công, hắn bèn xuống núi đi về phía đê.

Bến đò cũ đã bị nước sông bao phủ từ lâu, trên sông phía ngoài đê được đóng cọc gỗ rồi lợp ván bằng gỗ thông tạo ra một bến tàu đơn sơ, vào lúc này cũng bị nước ngập mất gần một nửa. Thân thuyền hoa cao lớn, sau khi nước sông Bạch Thủy dâng lên, mạn thuyền cao hơn bến tàu một đoạn khá cao, nha dịch đứng trên bến tàu không nhìn tới mặt boong. Thang ở đầu thuyền đã bị kéo lên, gã nha dịch không nhìn thấy tình hình trên thuyền, cũng không muốn leo lên một cách chật vật nên chỉ vào một chiếc thuyền ô bồng bên cạnh ra lệnh cho nhà thuyền chèo đến gần, thuyền ô bồng cao hơn bến đò một chút và thấp hơn thuyền hoa một chút, từ đó trèo lên thuyền hoa dù sao cũng tốt hơn dùng bốn chân bò lên thuyền hoa.
Chú thích: thuyền ô bồng là loại thuyền đặc biệt của vùng sông nước vùng Thiệu Hưng tỉnh Triết Giang, do mui thuyền sơn đen nên được gọi như vậy.

Gã nha dịch vừa nhảy lên đầu thuyền ô bồng thì một thằng nhỏ người hầu mặc áo xanh cũng từ khoang thuyền chui ra, hai người thiếu chút nữa thì va vào nhau, nha dịch hoảng sợ mắng: "Định chơi tao à, đột nhiên chui ra. Gã thiếu gia phế vật của nhà ngươi chết rồi đột nhiên sống lại đã dọa mụ già liệm xác sợ chết khiếp ngồi liệt tại chỗ, ngươi cũng định dọa chết ông đây hay sao?"

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
vi80
21 Tháng mười, 2019 22:43
Hix mới đọc chưa hiểu coment sao
BÌNH LUẬN FACEBOOK