• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Không biết phép màu nào đã hiển linh. Khi tôi tỉnh lại thì đã nằm trên chiếc giường ấm áp, đắp chăn. Vân Nga tỉ tay chống ngang đầu, ngồi ngủ gục bên cạnh. Tôi động đậy làm chị tỉnh giấc. Vân Nga mừng rỡ nắm chặt tay tôi, luôn miệng hỏi tôi thấy thế nào, có muốn ăn gì không. Tôi nhìn khuôn mặt hốc hác của chị mà ngấn nước mắt, dường như bao nỗi niềm chất chứa trong lòng đều được tỉ tỉ san sẻ.

- Tỉ, muội không sao.

Ngơ ngác nhìn chị, ngó quanh.

- Làm cách nào muội về được đây vậy?

- Chính là Phạm hậu cho người đem muội về!

Không phải chứ? Phạm Kiều Oanh cho tôi về sao? Tự dưng cô ta tốt bụng bất ngờ, khiến tôi thấy bất an. Chẳng lẽ thấy tôi ngất rồi nên tội nghiệp? Không có đâu, ả ta còn mong tôi chết nữa là…

Dù thế nào thì tôi cũng về đến điện Vân Sàng, sau ba ngày nghỉ ngơi thì khỏi bệnh. Bây giờ tôi có thể kết luận Phạm hoàng hậu là kẻ rỗi hơi. Sau khi tha cho tôi dường như cô ta đã hối hận, lại đi tìm hoàng đế khóc than. Tôi ngồi trong phòng xếp con heo bu bằng giấy, vừa cười vừa nghe Tiểu An kể về những hành vi “xì-căng-đan” gần đây của Ca Ông hoàng hậu.

Nói được một lúc, Tiểu An lại cảm thán:

- Không ngờ Dương quyến nữ may mắn như vậy. Nhờ hoàng hậu đột nhiên mở lòng từ bi, nếu không e rằng người khó mà giữ mạng!

Tôi cúi đầu cười giễu. Cô ta mà có lòng tư bi à? Vậy tôi chính là Phật Tổ rồi! Chợt nhớ ra một chuyện tôi liền ngẩn đầu lên hỏi:

- À đúng rồi, tối hôm đó có người tới giúp bổn cô nương, còn cho tôi một chiếc áo lông rất ấm, cái áo đâu rồi?

Tiểu An tròn mắt:

- Dạ? Áo… áo gì ạ? Lúc cận vệ đưa Dương quyến nữ về, người chỉ mặc sơ sài như trước thôi!

Lạ thật, không lẽ tôi nằm mơ?

Nào phải, tôi nhớ mọi chuyện rõ ràng lắm mà… nhất là đôi mắt rất sáng đó…

—– *****——————————

Để tạ ơn nhà vua đã rủ lòng thương, cứu hộ chúng sinh, tôi đặc biệt dày công làm một tác phẩm nghệ thuật có một không hai: Đám cưới chuột. Dựa vào những mô hình mẫu, tôi sáng tạo thêm, xếp nên những hình hài đa dạng, linh hoạt hơn. Làm cái này rất mệt à nha, phải mất 3 tuần liền thức khuya dậy sớm, mà còn vắt óc suy nghĩ. Lần này không chỉ dùng giấy thông thường, tôi còn xài thêm giấy lụa rất trơn. Phải mất khá nhiều thì giờ mới tạo nên những bông hoa rực rỡ.


Đúng như dự đoán, tác phẩm hoành tráng của tôi đã khiến Đinh Tiên Hoàng lóa mắt, quên sạch những lỗi lầm tôi gây ra. Tôi còn đặt biệt chuẩn bị sẵn một bài thuyết trình về ý nghĩa tác phẩm. Đám cưới chuột vốn là tranh Đông Hồ, nay “chuyển thể” thành Origami [1] nhưng về mặt tư tưởng đều là một. Bầy chuột nhỏ nhí nhố kẻ cầm lộng, kẻ khiêng kiệu, đám chuột nhắt hí hửng thổi kèn, đánh trống khua chiên. Bọn chuột trù vát trên vai nào là rương vàng hòm bạc đi “biếu” lão mèo ú. Chỉ có con mèo là ú nu trong khi bọn chuột đều gầy như que củi. Con mèo mặt mày bặm trợn ra vẻ làm khó. Nhận được của đút lót mới cho đám cưới qua đường.

Đinh Tiên Hoàng chăm chú nhìn vào tác phẩm, nghe tôi giảng giải rồi tiếp tục im lặng hồi lâu. Vân Nga tỉ ngồi bên cạnh nhìn tôi tán thưởng. Lão công công dính với vua như hình với bóng cũng trầm trồ.

- Như vậy… theo như Dương quyến nữ nói thì đám chuột đây chính là dân đen. Còn con mèo này là quan chức phải không? Dân chúng vất vả làm lụng, dành dụm tiền của chuẩn bị chuyện chung thân đại sự. Người làm quan mượn chức mượn quyền bày thêm khoản nô dịch này nọ để ăn chực cả chuyện cưới xin. Người dân dù có uất ức cũng phải đem tiền bạc tới biếu lót để cho qua chuyện…

Xem ra Đinh Tiên Hoàng có nhận thức sâu xa hơn tôi nghĩ. Ngài đưa ngón tay chạm nhẹ vào đầu chú mèo ú:

- Vấn đề là, không biết con mèo này là con nào trong đám quan thần của trẫm…?

Nhà vua rơi vào suy tư. Lòng tôi cũng có chút bất an. Thật ra tôi chỉ mượn tác phẩm này mà làm một bộ origami đặc sắc, ý nghĩa nó thế nào tôi không bận tâm lắm. Nhưng nhà vua lại cho rằng tôi đang ẩn ý đề cập tới chuyện quan liêu tham nhũng. Tỏ ra thông thái một chút cũng tốt nhưng dính liếu vào chính sự thì phiền phức lắm, dẫu sao tôi cũng là nữ nhi, ở thời này đàn bà con gái chỉ nên lo chuyện chồng con, sinh nở, làm tốt đạo vợ hiền là đủ rồi.

Ngay lúc đó, điện Vân Long lại có khách tới. Đinh quốc công ăn mặc chỉnh chu, đầu đội mũ tiến hiền [2], mang hài nhung cùng với Thập đạo tướng quân thong thả đi vào sảnh. Người hầu, công công và tôi hành lễ với hai vị trước, sau đó họ lại cúi lạy Đinh Tiên Hoàng và Trinh Minh hoàng hậu. Sống lâu trong cung, mấy chuyện chào hỏi rườm rà này tôi cũng đã quen dần.

Không biết có nhân duyên gì mà dạo gần đây chuyện nhìn thấy Lê Hoàn không khó khăn như trước. Tùy tiện đi dạo trong Tây cung cũng có thể bắt gặp bóng dáng vội vã của anh ta đi về phía điện Tiểu Long hay điện Thiên Long. Một ngày đẹp trời trăng thanh gió mát sẽ thấy tướng quân đứng sừng sững ngay cung Vân Sàng, nói là đến vấn an Trinh Minh hoàng hậu. Mười lần chị em tôi được triệu tới chỗ hoàng đế thì có năm lần anh ta đã chờ sẵn trong điện và ba lần vì “quốc sự” mà tới. Lần này cũng không ngoại lệ.

Đinh Tiên Hoàng cho miễn lễ, cấp hai ghế ngồi rồi nhàn nhã hỏi chuyện:

- Hai khanh cùng lúc tới đây, chắc không phải tiện đường đấy chứ?

Nguyễn Bặc (阮匐) là người cùng thế hệ với nhà vua, đã theo ngài chinh chiến từ buổi đầu dẹp loạn. Đó là chưa kể ông cũng là người động Hoa Lư, giai thoại cầm cờ lau đánh trận giả của Đại Thắng Minh Hoàng đế ông là người rõ hơn ai hết. Thời buổi loạn lạc, công trạng của Nguyễn Bặc rất lớn, cống hiến của ông cho nhà Đinh không thể đếm xuể.

Trong số mười hai sứ quân năm đó, có Nguyễn Siêu (阮超) ở vùng Tây Phù Liệt [2], là một sứ quân rất mạnh, có quân trang quân bị và xây cả doanh trại uy nghiêm. Sau nhiều lần đụng độ bất phân thắng bại, Đại Thắng Minh Hoàng đế sai ba anh em họ Nguyễn cùng với Lê Hoàn và hai tướng khác dốc binh lực lớn đi đánh một trận quyết liệt. Trận chiến đó tuy thắng nhưng tổn thất rất nhiều. Quân đi mười về còn lại bốn, hai em trai của Nguyễn Bặc là Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục đều mất mạng. Lê Hoàn cũng trọng thương. Nguyễn Bặc tuy đau xót hai người em bỏ mạng chốn sa trường nhưng vẫn không suy suyển long, tận trung của ông với nhà vua. Vậy mới thấy, nền hòa bình của Cồ quốc ngày nay đâu có dễ dàng. Chiến công kể ra nghe bùi tai nhưng mấy ai biết bao nhiêu hy sinh mất mát mới làm nên độc lập, bao nhiêu máu tươi đã đỗ để Hoa Lư bây giờ thành lũy oai hùng?

Nguyễn Bặc từ trên ghế đứng dậy, nghiêm chỉnh trình báo với nhà vua:

- Muôn tâu chúa thượng, thần cùng Lê tướng quân hôm nay tới là để báo cáo tiến triển điều tra. Sau nhiều ngày theo dõi và dung kế điệu hổ ly sơn, cuối cùng chúng thần cũng đã vạch trần được bộ mặt gian tế.

Ngài lấy từ tay áo ra một cuộn giấy trắng, hai tay dâng cho Đinh Tiên Hoàng:

- Đây là kết quả và bằng chứng đã được ghi chép cụ thể. Có tất cả hai kẻ tình nghi từng trà trộm vào Tràng An thành. Cả hai đều là nữ nhân. Xin bệ hạ xem qua rồi định liệu cách xử lý.

Công công nhận cuộn giấy từ tay Đinh quốc công, dâng lên hoàng thượng. Tôi đứng hầu ở ngay cạnh Vân Nga tỉ, có thể nhìn thấy rõ ràng. Cuộn giấy chi chít văn tự. Bằng lượng kiến thức ít ỏi, tôi đọc được vài từ. Đây là bản tường trình các hành vi của gian tế. Có thêm một tấm vải bản đồ. Có thể hiểu, hành động lần này của kẻ đột nhập chính là chép lại kiến trúc, quy mô, bố cục thành lũy của thành Tràng An. Đáng tiếc là cả vật chứng và người đều không có cơ hội quay về đất Tống.

Tôi thừa nhận là mình khá căng thẳng. Dù tôi không phải tên gian tế đó nhưng nói không chừng chính là người thứ hai bị tình nghi mà bọn họ nhắc tới. Trong này không lẽ ghi chép luôn cả chuyện tôi lẻn vào doanh trại rình xem lính tắm đấy chứ??? Tôi phập phồng, thấp thỏm tìm kiếm. Đây rồi, có một chữ “Dương”, họ của tôi. Thêm một chữ “quyến”, một chữ “nữ”… Chết chửa! Phen này chắc sẽ bị hoàng đế phạt 100 hèo. Tỉ tỉ của tôi vì không quản nghiêm tiểu muội cũng sẽ bị vạ lây. Tôi đau khổ đưa mắt theo dõi sắc mặt của tỉ tỉ và tỉ phu. Cả hai đều đăm chiêu. Tôi lại oán hận nhìn xuống gã họ Lê bên dưới. Quả nhiên con người này không có gì tốt lành. Lần trước giả vờ bỏ qua là để lần này vạch mặt tôi thê thảm hơn. Tôi bắt đầu có suy nghĩ sớm ra đầu thú. Bây giờ lập tức quỳ xuống nhận tội, thảm thiết van xin, biết đâu hoàng đế sẽ mủi lòng?

Bắt gặp cái nhìn thù địch lẫn đắn đo của tôi, Lê Hoàn không tỏ thái độ gì. Tôi có nhìn lầm không nhỉ? Hình như cái đầu của gã hơi lắc nhẹ. Lại lắc nữa kìa! Lắc đầu nghĩa là sao? Chắc là ý bảo: “Phen này cô chết chắc rồi! Thật đáng thương…”

Phải, tôi thật đáng thương mà! Tôi mếu máo đưa tay kéo váy, chuẩn bị quỳ xuống nhưng chưa kịp hành động thì nghe gã họ Lê ho hen một tiếng. Đinh Tiên Hoàng bị quấy rầy nên ngẩn đầu lên nhìn, nhíu mày:

- Ái khanh, dạo này trời trở lạnh, tốt nhất nên tới Quân y phòng xin vài thang thuốc đề phòng cảm cúm…

Lê Hoàn chấp tay cúi đầu:

- Mạt tướng không hề gì, đa tạ hoàng thượng đã quan tâm… Bệ hạ, không biết người có điều gì nghi ngại về báo cáo lần này?

Đinh Tiên Hoàng dựa lưng vào ghế vàng, tay thong thả vuốt râu, bàn tay kia gõ nhẹ vào trang giấy.

- Nghi phạm thứ 2 là do Lê khanh điều tra phải không? Đã dò la chính xác chứ?

- Muôn tâu, thần đã đích thân tới tận nhà, lục soát trong ngoài kĩ càng, không có gì khả nghi.

Nhà vua gật gật đầu:

- Chuyện này cũng có thể thông cảm. Tấm lòng chinh phụ bao giờ cũng nhiều lo toan như thế…

Đinh quốc công im lặng nãy giờ đột nhiên lên tiếng:

- Muôn tâu chúa thượng, dù thế nào thì đây vẫn là phạm phải quốc pháp. Chồng đã tòng quân thì gia quyến dù có nhớ mong cũng không thể tự ý lẻn vào nơi cơ mật thăm nuôi. Huống hồ Dương thị kia là một nữ nhân, ra vào doanh trại thật là tất trắc!

Vân Nga tỉ mỉm cười mềm mại, chị xoa bóp vai nhà vua, giọng nói uyển chuyển:

- Bệ hạ, Đinh quốc công nói thật không sai. Nơi canh phòng nghiêm ngặt như Tràng An thành mà có thể lẻn vào, xem ra người này không đơn giản. Nếu là thần thiếp, thiếp cũng sẽ liều mạng thử một phen. Tấm lòng thê tử thật ra rất quảng đại. Trượng phu xa nhà dĩ nhiên thê tử rất ngóng trông. Chi bằng chúng ta suy xét một chút, đề ra quy định cho binh sĩ mỗi năm về thăm nhà đôi ba lần. Có như thế mới xoa dịu nổi bất an của họ, cũng là cách để họ toàn tâm phục vụ triều đình hơn…

Tôi thật bái phục tỉ tỉ, giọng nói ngọt xớt này vừa có tác dụng đánh trống lảng, vừa có thể đề bạt ý kiến và làm mát lòng cả Nguyễn Bặc. Đinh Tiên Hoàng gật gù tán thành, quay đầu tình tứ nhìn chị tôi một cái. Đinh quốc công cũng không tỏ ra khó chịu mà chấp tay tán tụng Hoàng hậu suy nghĩ thấu đáo. Và thế là một quy định mới về chế độ nghỉ phép của quân nhân được ban hành, vừa có lý lại có tình nên ai ai cũng rất vui mừng.

- Muôn tâu bệ hạ, về phần canh phòng của Tràng An thành, thần đã bỏ sót lỗ hỏng khiến một nữ nhân bình thường cũng có cơ hội lẻn vào. Sai sót này vi thần xin khấu đầu nhận tội!

Đinh Tiên Hoàng nhìn Lê Hoàn quỳ thấp người bên dưới, thở dài một tiếng rồi phẩy phẩy tay:

- Được rồi, biết sai thì tốt, cũng may lần này khanh kịp thời tìm ra gian tế. Cứ coi như lấy công chuộc tội. Trẫm giao cho ái khanh nắm binh quyền lớn, chính là có lòng tin tưởng ở thực lực và sự tận trung của khanh. Về sau nên chú ý hơn, Tràng An là tâm phúc của trẫm, cũng là niềm tin tưởng của Cồ quốc. Chiến lũy này sẽ đảm bảo an toàn cho hoàng triều trước thế lực ngoại xâm. Từ nay về sau phải tuyệt đối cẩn trọng, có việc gì thì gọi Phạm Hạp trong ứng ngoại hợp mà lo liệu!

- Rõ!

Đinh Tiên Hoàng gật đầu, tiện tay cuộn giấy lại, đưa cho công công. Ngài chỉ tay vào bộ Origami của tôi, dặn dò:

- Ngươi đem cái này cất kỉ vào rương ở tẩm phòng trẫm. Chờ có dịp sẽ đem ra bàn luận cùng triều thần, xem chừng thú vị lắm! Còn chuyện gian tế, giao cho Đinh quốc công canh giữ cẩn mật, ngày mai sẽ có chiếu chỉ ban xuống định cách xử lý. Lần này cả hai khanh đều có công trạng lớn, trẫm nhất định suy xét thưởng thêm vào bổng lộc năm nay. Hai khanh không ý kiến gì chứ?

Dĩ nhiên là bọn họ chỉ biết dám cúi đầu cảm tạ. Vân Nga tỉ ngồi bên bỗng cười nhẹ và cất giọng oanh vàng:

- Bệ hạ… theo thần thiếp thấy, Thập đạo tướng quân và Đinh quốc công không có hứng thú với tiền tài, họ tận trung với người như vậy đâu phải vì muốn ban thưởng.

Đinh Tiên Hoàng híp mắt cười:

- Dĩ nhiên trẫm hiểu, nhưng mà ban thưởng thì hiển nhiên là ban bổng lộc. Ái phi nói xem, không lẽ có thứ gì đáng giá hơn sao?

Vân Nga tỉ ra vẻ nghĩ ngợi rồi lanh lẹ nói:

- Đinh quốc công tuổi tác đã cao, chi bằng bệ hạ ban cho một mảnh vườn màu mỡ, địa thế an nhàn. Về sau khi hoàn thành sứ mệnh với hoàng triều có thể về đấy mà an dưỡng. Bản thân ngài ấy hiển nhiên có thể tự tìm một nơi ở lý tưởng nhưng nếu là quà vua ban chẳng phải càng ý nghĩa và mãn nguyện hơn sao?

Tỉ tỉ nói xong, hoàng đế lập tức cười xòa. Nguyễn Bặc cung kính nhìn chị ấy, xem ra đã bị lời lẽ đậm ý đậm tình của chị thu phục rồi…

- Dương hậu nói rất phải. Vậy còn Thập đạo tướng quân, nàng nói ta nên thưởng gì?

Lần này chị không suy nghĩ mà bảo ngay:

- Cái này thì quá dễ. Chỉ cần bệ hạ đừng để Lê tướng quân ôm đồm quá nhiều công sự, để ngài có thì giờ rảnh rỗi ở nhà với nhị vị phu nhân. Thiếp nghe nói tới giờ nhà họ Lê vẫn chưa có người nối dõi…

Lời vừa thốt, hoàng đế lại cười. Cả điện Thiên Long lấp đầy tiếng hân hoan giòn tan của ngài. Ông bà có câu “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, nếu tỉ tỉ thường xuyên khiến nhà vua vui vẻ như thế, tuổi thọ của ngài sẽ càng gia tăng. Để ý mới thấy, mỗi lúc có Vân Nga bên cạnh, Đinh Tiên Hoàng luôn tỏ vẻ thoải mái thích thú. Chị ấy vừa sâu sắc, vừa khôn khéo, chả trách lại được vua yêu thương như vậy.

Lời của Vân Nga đều khiến mọi người mát dạ mát lòng, duy có Lê Hoàn thì lộ bộ mặt khó xử. Anh ta nhìn hoàng thượng muốn nói lại không biết mở miệng thế nào. Đinh Tiên Hoàng một tay giữ eo Vân Nga, một tay gõ gõ lên mặt bàn hồ hởi nói:

- Quả chỉ có Dương hậu là trước sau chu toàn, cả việc hậu thế nhà họ Lê nàng cũng lo toan. Có Dương hậu, không sợ hậu cung của trẫm tác loạn… Hoàng hậu nói rất đúng, là trẫm không để ý tới chuyện gia đình của khanh. Từ nay về sau việc gì cần làm thì nên làm, việc nhỏ nhặt cứ để thuộc hạ lo liệu. Hiện giờ ái khanh cũng chỉ có hai thê thiếp, nhà cửa vắng bóng trẻ con. Haizz… tiếc là trẫm không còn cô con gái nào để gả cho khanh… Dương hậu! Năm sau nàng mau chóng sinh một tiểu công chúa, đợi nó 14 thì đem gả cho Lê Hoàn. Đứa con rể này không sớm giữ e có người bắt mất! Hahahahaha….

Nhà vua càng đùa, Lê Hoàn càng bối rối. Tôi chỉ biết trợn mắt nhìn ông hoàng đế. Sao ông ta thích kiểu “trâu già gặm cỏ non” thế nhỉ? Năm nay gã họ Lê đã 28 rồi, đợi đứa trẻ của tỉ tỉ lên 14 cũng mất 15 năm. Gả một cô bé 14 tuổi cho “lão chồng” 42 tuổi khác gì vùi dập một mầm non đất nước? Mà thời này, chuyện vợ chồng tuổi tác lệch lạc rất phổ biến. Nói đâu cho xa, nhìn “couple” 45-19 đang ngồi sờ sờ ra đấy kìa. Mấy hôm trước, tôi còn nghe tỉ tỉ nói một vị quan văn nào đó vừa có hỷ sự. Ông ta tóc tai bạc trắng rồi mà còn ham hố cưới thập thiếp (vợ thứ 10) vừa tròn 17. Chậc chậc, cao tuổi rồi còn “làm ăn” gì được mà cưới với chả hỏi >_<

Dường như thấy nhà vua quá phấn khích, Lê Hoàn đành buông xuôi, không phản đối cũng không ý kiến gì. Vẻ mặt anh ta chính là cái kiểu “đang mắc cỡ mà làm bộ nai tơ”. Hôm nay hoàng đế rất tùy hứng, bảo ngự y xát thuốc tốt bồi bổ cho hai vị Lê phu nhân, còn bàn tới chuyện con gái họ Lê gả cho Đinh Hạng Lang vừa mới chào đời, con trai họ Lê sẽ làm phò mã đô úy.

Ngài tính toán rất nhiều, tìm mọi cách để hai nhà Đinh Lê gắn kết thông giao. Đinh Tiên Hoàng nào có hay biết cái kẻ ông tin tưởng như thế, thân thiết như thế lại có ngày lật đổ Đinh triều, huyết tẩy cung đình.

Sau gần nửa canh giờ cười nói hả hê, nhà vua quay sang nhìn quanh một vòng trong sảnh, giọng nói lớn đầy uy quyền:

- Cũng sắp tới giờ ngự thiện, Hoàng hậu ở lại đây dùng cơm, tất cả không còn việc gì quan trọng thì cho lui!

Lời vua là thiên lệnh, mọi người đồng loạt cúi người, chậm rãi ra khỏi Thiên Long điện không gây ồn ào. Tôi nhìn chị Vân Nga. Chị khẽ gật đầu, tôi mỉm cười đáp lại, cố ý đá mắt qua hoàng thượng một cái ngầm ý bảo chị nên tận dụng cơ hội. Nhà vua này giờ luôn ăn riêng, hôm nay phá lệ giữ Trinh Minh hoàng hậu ở lại, coi như là ân sủng đặc biệt rồi.

Tôi một mình lặng lẽ trở về điện Vân Sàng. Đi một lúc đã thấy bóng lưng Lê Hoàn ở phía trước không xa. Kì lạ thật, lúc nãy hắn ta cùng Nguyễn Bặc đứng lại gần cửa điện to nhỏ gì đó với nhau, tôi đi qua còn không ai hay biết. Vậy mà bây giờ Lê Hoàn đã đi trước từ lúc nào, không lẽ trong Tây thành còn có đường tắt?

Tôi cúi đầu đi chậm phía sau, không muốn gặp mặt, cũng không muốn nói chuyện. Nghĩ lại khi nãy, tôi đã quá lo lắng rồi. Chỉ đọc được đôi ba chữ đã suy luận bậy bạ. Câu văn nguyên vẹn là: “Dương thị vốn là gia quyến của một sĩ tốt trong đội kị binh. Chinh phụ tương tư trượng phu mà không quản thân nhi nữ, dám lẻn vào trong thành thăm hỏi phu quân.”. Quả nhiên là có tật giật mình, thấy mấy chữ Dương, quyến, nữ cứ ngỡ là ám chỉ bản thân. Tôi vừa đi vừa thở dài, suýt tí nữa thì chưa đánh đã khai.

Tốc độ đi của Lê Hoàn sao cứ ngày một chậm. Vì bảo trì khoảng cách, tôi cũng chậm bước phía sau. Nghe nói người học võ ai ai cũng tác phong nhanh nhẹn, phản xạ tức thì. Cớ sao Lê Hoàn này lại đi như con rùa, hại tôi cũng đi như con sên.

Chậm rồi lại chậm lại chậm nữa, cuối cùng thì anh ta dừng lại hẳn. Tôi cũng nghi hoặc đứng im. Cứ thế, kẻ trước người sau làm tượng chừng một phút thì nghe giọng anh ta chán chường hỏi:

- Dương tiểu thư, chân của cô nương ngắn như vậy sao? Mạt tướng đi chậm tiểu thư không theo kịp, dừng lại cùng không theo kịp?

Gã này ăn nói cái gì vậy nhỉ? Ai thèm “theo” mà kịp với chả không kịp? Tôi trợn mắt nhìn bóng lưng cứng đờ phía trước, bộ dạng này xem ra là không muốn đi tiếp. Nghĩ ngợi một lát, tôi bèn lại gần phía sau, hành lễ đàng hoàng:

- Thập đạo tướng quân, thật là trùng hợp. Tiểu nữ không muốn quấy rầy ngài nên cố ý ở xa phía sau. Không lẽ điều này cũng khiến ngài phật ý?

Giỏi quá, tài ăn nói của tôi cũng có được một chút ngón nghề từ tỉ tỉ. Lê Hoàn quay người lại nhìn. Cặp mắt sâu xoáy vào tôi không kiên kị:

- Xem ra… Dương quyến nữ tiếp thu rất tốt, bây giờ biết khôn khéo hơn rồi.

Hắn nói cứ như thầy giáo nói với học trò, lại lên mặt dạy đời người ta à? Tôi trong lòng khó chịu nhưng ngoài mặt thì vui cười:

- Đa tạ tướng quân đã quá khen… Cũng nhờ công lao dạy dỗ của hoàng hậu nương nương.

Anh ta im lặng mỉm cười.

Là cười đó nha! Con người này hóa ra cũng biết cười. Tôi vốn quen với kiểu lầm lầm lì lì trước kia của anh ta, bây giờ tự nhiên nhìn thấy hắn nhếch môi cười, trong lòng hoảng loạn một chút.

Đang lúc hồn phách chưa kịp quay về thì nụ cười kia đã biến mất, không một dấu vết cứ như chưa từng tồn tại. Lê Hoàn lại làm mặt nghiêm, cung cách hỏi tôi:

- Mạt tướng rất tò mò muốn biết, cái thứ nhiều màu là do Dương quyến nữ làm?

Đầu tôi bắt đầu tiến hành một loạt quy trình phân tích từ cụm từ “cái thứ nhiều màu”. Hóa ra anh ta muốn nói tới “Đám cưới chuột”. Tôi gật đầu thừa nhận:

- Đúng!

Vẻ mặt của Lê Hoàn xám xịt lại:

- Chẳng phải mạt tướng đã nhắc nhở tiểu thư đừng bộc lộ quá nhiều tài năng ra sao?

- Gì chứ? Tôi chỉ là muốn lấy lòng bệ hạ, để ngài xí xóa bỏ qua chuyện cũ… Chuyện của tôi, sao tướng quân lắm điều như vậy?

Cái mặt kia chuyển từ màu xám sang màu đen, âm thanh càng trầm hơn:

- Lại nói năng tùy hứng rồi. Nàng không thấy là ta đã dung túng rất nhiều hay sao? Cả chuyện điều tra gian tế cũng vì nàng mà đặt điều hàm hồ…

Tự nhiên gã này thay đổi xưng hô, gọi tôi một tiếng “nàng”, xưng “ta”. Nói thật là tôi nổi hết da gà, da vịt, da ngỗng (và da của các loài gia cầm khác…).

Tôi mở to mắt nuốt từng lời của anh ta:

- Tướng quân, ngài gọi tôi là cô nương được rồi. Chuyện dung túng gì đó quả thật tôi không hiểu ý…

Anh ta ngắt lời:

- Thật sự không hiểu?

Tôi gật đầu, rồi lại lắc đầu.

- Không hẳn, chỉ là… ý ngài là… ngài đã che giấu chuyện… a! Hóa ra là thế sao? Ôi sao tướng quân không nói sớm, làm tôi cứ phập phồng suốt. Ha ha, đa tạ, đa tạ. Đại ơn đại đức này tiểu nữ xin ghi nhớ không quên!

Tôi làm một lèo rồi cảm ơn rối rít. Sắc mặt Lê Hoàn cũng không khá khẩm hơn. Nhìn tôi bù lu bù loa tâng bốc anh ta như thánh như thần, cuối cùng Lê Hoàn đành thở dài:

- Quên đi! Mạt tướng không cần sự đền đáp của Dương tiểu thư, chỉ hy vọng về sau nàng chú ý hơn. Ta có việc, xin cáo từ!

Nói thế rồi lập tức đi ngay, lần này thì đi rất nhanh, thoáng cái đã mất dạng. Tôi đứng tại chỗ rất lâu rồi mới tiếp tục con đường về điện Vân Sàng.

Suốt đường đi tôi không ngừng suy nghĩ.

Lê Hoàn dung túng cho tôi. Vì sao phải làm vậy?

Không lẽ anh ta có âm mưu gì đó với tôi sao? Đúng rồi, tôi rất thân thiết với hoàng hậu, cũng là điểm yếu của tỉ ấy. Cả khuôn mặt này không biết ngày nào thì bại lộ.

Tôi ngày một thấy mông lung. Đinh Tiên Hoàng – Dương Vân Nga – Lê Đại Hành. Họ là một mối tình tay ba. Nhưng tới giờ tôi chưa nắm bắt được dấu hiệu nào. Vì sao ông trời lại lôi tôi tới đây, trong cái cục diện rối rắm này? Ông nói đi, tại sao vậy?


Lê Hoàn đang ngày một kì lạ, khiến tôi rối trí.


Tỉ tỉ và hoàng đế thì đã yêu nhau sâu đậm.


Tôi cứ như con vật nhỏ, cố bơi trên dòng sông xa lạ không biết hướng nào là bờ.


Ngày mai là tết ông táo, năm Tân Mùi sắp qua, năm Nhâm Thân sắp đến. Tháng ngày dài không biết bao giờ thì hết…

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK