• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Nói là muốn điều tra này nọ thực ra chỉ nói khoác.

Ở nơi cung cấm nghiêm ngặt thế này, muốn nắm bắt tình hình của ai đó trừ khi bản thân có thế lực lớn, cài được gian tế theo dõi nhất cử nhất động. Còn tôi thì chỉ mang phận muội muội cỏn con của Dương hậu, tỉ ấy lại sống ôn hòa không tranh đấu, không màng quyền làm “chính cung hoàng hậu”. Hơn thế nữa, Lê Hoàn vốn sống ở thành Tràng An, con muỗi muốn bay vào bay ra còn phải mua vé khứ hồi.

Cơ hội gặp được Thập đạo tướng quân thì khó như lên trời. Cái người gì thoắt ẩn thoắt hiện, vừa thấy đó đã bốc hơi như dầu mazut trong nồi hơi tua bin. (cái nì ai giỏi hóa thì biết) ^^ Lâu dần tôi rút ra kinh nghiệm xương máu: muốn Lê Hoàn lộ diện thì Nam Việt Vương là cách nhanh nhất. So về tuổi tác, Đinh Liễn nhỏ hơn Lê Hoàn nhưng vì làm con vua nên anh ta có kiểu cư xử bề trên. Nam Việt Vương sau khi thoát khỏi chuyện chính sự sẽ lột xác như con sâu róm, từ một vị vương gia chín chắn thành một tên công tử ăn chơi. Tôi nghe nói Nam Việt Vương hay ra thành, cải trang đi du ngoạn, những lúc như vậy thì 80% là anh ta lôi theo Lê Hoàn.

Bọn người này rỗi rãi như thế sao?

Mà thời này cũng tương đối yên ổn, quốc thái dân an. Trừ việc nhà Tống phương bắc ngày càng bành trướng thì không có điều gì khiến Đinh Tiên Hoàng phải lo lắng khổ sở.

Về mối hoài nghi của tôi thì chừng vài tháng sau đã có lời giải đáp. Đó là khi tỉ tỉ không may bị cảm, đã uống thuốc rồi mà không hiểu sao bệnh trở nặng. Đinh Tiên Hoàng phát hoảng truyền hết thái y đến điện Vân Sàng. Bọn họ bắt mạch, thì thầm thảo luận rồi bắt đầu kê đơn.

“Nhân sâm năm đồng [1].Cao ban long, ích mẫu một đồng. Bạc hà một lạng [2]. Hoàng bá, cam thảo hai đồng. Bách hoa xà ba đồng. Bách liên chi, đinh lăng một đồng. Quất hồng bì, hà thủ ô đỏ, bạch truật, hoài sơn, sa kê mỗi thứ đều nửa đồng”


Trời ơi… tính đầu độc tỉ tỉ nhà ta à? Cái gì mà linh tinh hơn cả chục vị thuốc. Tuy không rành về đông y nhưng tôi đoán trong này quá nửa là thuốc bổ. Nhiều khi đại phu không đoán ra bệnh gì, cứ việc tống cho người bệnh một lô thuốc bổ thận, bổ phổi, bổ gan, bổ mật, bổ lung tung… để rồi mặc sức thu tiền.

Chuyện này có gì lạ đâu, ai đọc “Thượng kinh kí sự” (上京記事) của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (黎有晫) thì sẽ rõ. Trong đoạn trích “Vào phủ chúa Trịnh”, thế tử Cán (鄭檊) vì sống trong nhung lụa, gió trời không thổi tới, ánh dương không bám da, đi có kiệu, ăn có người mớm, suốt ngày uống thuốc bổ mà phát hỏa, thành ra đại bệnh. Người sống quá sung sướng thì mắc bệnh nhà giàu, trong khi dân chúng nơi nơi lầm than. Hải Thượng Lãn Ông lấy đó làm châm biếm mà viết nên bài thơ:

“Lính nghìn cửa vác đòng nghiêm ngặt,

Cả trời Nam sang nhất là đây!

Lầu từng gác vẽ tung mây,

Rèm châu, hiên ngọc, bóng mai ánh vào.

Hoa cung thoảng ngạt ngào đưa tới,

Vườn ngự nghe vẹt nói đòi phen.

Quê mùa, cung cấm chưa quen,

Khác gì ngư phủ đào nguyên thuở nào!”

Ây da, dạo này tâm hồn văn sĩ của tôi trỗi dậy, nhớ ra rất nhiều bài thơ từng học ở trường. Trong lúc tôi giao đơn thuốc cho Tiểu Phúc đi bốc thì nghe tiếng Đinh Tiên Hoàng lo âu hỏi ngự y:

- Dương hậu thế nào?

- Bẩm chúa thượng, bệnh thương hàn thực ra đã gần khỏi nhưng vì cơ thể hoàng hậu đột nhiên trúng phải loại tạp chất gì đó gây dị ứng nên mới thành ra như vậy.

- Bị trúng độc sao?

- Bẩm, không hẳn là vậy vì lượng chất không nhiều, chỉ mới gây biểu hiện vài ngày nhưng về sau tuyệt đối không nên tiếp xúc.

Đinh Tiên Hoàng ngồi trên ghế lớn, vuốt râu nghĩ ngợi:

- Lạ chưa, trẫm có thấy cơ thể Dương hậu khắc với thứ gì đâu?

Lúc này bỗng Tiểu An bẽn lẽn lên tiếng:

- Dạ bẫm chúa thượng… ba ngày trước hoàng hậu có đi ngang Nguyệt Yên cung, nô tì thấy hoa xoan đẹp quá nên có hái cho Dương hậu. Sau đó thì hoàng hậu hắt hơi liên tục. Có khi nào…?

Ngự y bừng tỉnh, vỗ tay vào đùi:

- Hoa xoan! Chính là thứ này đây, chắc chắn Hoàng hậu bị dị ứng với phấn hoa xoan rồi.

Đinh Tiên Hoàng cũng ngộ ra, lập tức gọi công công vào giao phó:

- Truyền lệnh xuống cho cung nữ nhổ hết gốc xoan, bất cứ nơi nào có loài hoa này cũng phải hái bỏ. Một bông hoa xoan nở trong thành Hoa Lư này thì trẫm sẽ hỏi tội khanh!

Trời ạ, Vân Nga tỉ, vì tỉ mà có nguy cơ sau này sẽ chẳng còn loài hoa xoan xinh đẹp trên bờ cõi Việt Nam. Vậy thì lấy đâu ra cảm hứng cho nhạc sĩ Tuấn Khanh viết “Hoa xoan bên thềm cũ” nữa? Mẹ em thích bài hát đó lắm nha!

Tìm ra căn nguyên của bệnh tình, nhà vua mới thở phào nhẹ nhõm. Bây giờ thì tôi tin chắc rằng trong 5 người vợ, chỉ có Vân Nga tỉ tỉ là được ngài sủng ái tuyệt đối. Lúc ngự y cúi lạy chuẩn bị lui ra, hoàng đế đột nhiên nhớ ra điều gì bèn hỏi:

- À sao trẫm không thấy khanh kê cái gì bách bệnh đều trị được vào? Cái thứ bột trắng trắng mà lần trước cống phẩm đem tới đó! Sứ giả bảo thứ đó vô cùng quý, dù là bệnh gì thì uống vào đều nhanh khỏi.

Ngư y tỏ ra sợ sệt, lại “hun” cái trán xuống mặt đất, giọng run run bảo:

- Chúa thượng tha tội,… thứ thuốc ấy quả là cực phẩm nhân gian nhưng mà… chỉ có một lượng nhỏ… vi thần đã dùng hết từ mấy tháng trước!

Đinh Tiên Hoàng đập mạnh tay xuống bàn, tức giận quát:

- To gan! Thứ quý giá như vậy mà ngươi tự tiện dùng tới sao?

- Hoàng thượng tha mạng, tình huống quá nguy cấp, cho nên ngự y trong cung đành tự quyết, đem hết chỗ thuốc cho Thập đạo tướng quân!

- Thập đạo tướng quân? Tướng quân sao?

- Muôn tâu, vi thần cũng không rõ, là ngài ấy tự mình tới Quân y phòng, nói là bị thương trong lúc đánh nhau. Cánh tay phải tổn hại rất trầm trọng, máu rĩ thấm ướt mấy vòng vải băng, may mà có tiên dược không thì e cả Hoa Đà cũng sẽ bó tay!

Đinh Tiên Hoàng mặt tái đi trông thấy, giọng không còn tức giận mà là gấp rút lo âu:

- Rồi sao nữa? Đã khỏi hẳn chưa? Bị khi nào?

- Muôn tâu, bình thường thì đã tàn phế nhưng nhờ có tiên dược mà nay mười phần khỏi sáu, là bị thương vào hồi tháng tám.

Sau đó Đinh Tiên Hoàng mới cho ngự y lui ra. Ngài đi đi lại lại nghĩ ngợi, thỉnh thoáng còn tự lẩm bẩm: “Đều là trẫm không tốt, lẽ ra phải hỏi thăm khanh đầu tiên…”

Khi Vân Nga tỉ đã chìm vào giấc ngủ, nhà vua cũng rời khỏi điện Vân Sàng, dáng vẻ có chút vội vã. Hóa ra là như thế! Cánh tay phồng to không phải Lê Hoàn giấu thứ gì bên trong mà căn bản là đang phải quấn tạm băng vải cầm máu. Hôm đó anh ta mặc huyền phục, máu thấm ra nhìn cũng không thấy. Thảo nào tôi thấy chỗ ống tay áo hơi sẫm màu.

Haizzz… vậy là tôi đã nghi oan cho người ta à?

Nghĩ mà thấy mình hơi nhỏ nhen. Thôi được rồi, về sau sẽ khách quan một chút, cho dù sau này Lê Hoàn có bày mưu ám hại Đinh Tiên Hoàng thì hiện tại anh ta vẫn còn trung thành. Tôi sẽ từ từ theo dõi tiến trình “tha hóa” của tên này, chờ xem hắn lột xác thành kẻ mưu mô xảo quyệt như thế nào.

Lại nhớ tới chiều ngày hôm đó. Lê Hoàn vừa về cung đã diện kiến vua, nét mặt thản nhiên như không. Ừ đúng là làn da có tái đi chút ít! Tôi không tận mắt thấy thương tích của gã nhưng nghe nói thì chắc là thảm lắm. Thời này không có thuốc giảm đau, không có thuốc gây tê, cũng không giỏi về khâu vá vết thương. Có lẽ vì đau quá mà Lê Hoàn mới bỏ qua chuyện tố giác tôi lẻn vào trại lính. Biết ngay mà! Con người này thực ra đâu có tử tế như vậy!


Nếu có khả năng không cầm kiếm được thì chắc là bị tổn thương đến các gân. Chuyện này không thể xem thường nha, gân mà bị đứt thì sẽ liệt cả mười ngón!


Tôi vừa ngồi trông tỉ tỉ ngủ vừa nghĩ ngợi về thương thế của Lê Hoàn. Cái này không phải vì tôi lo cho hắn ta mà là tôi đang tìm điểm yếu. Sau này có đánh tay đôi thì cứ nhắm cổ tay mà chém tới! Ý nhưng mà tới kiếp nào tôi mới đủ bản lĩnh cầm kiếm đánh nhau với hắn? Thôi thì phải học chiêu nào mà “một kích tất sát”. Đúng rồi, phải cho Lê Hoàn một cái “Huyền minh thần chưởng”. Lê Hoàn không biết Cửu âm chân kinh như Trương Vô Kỵ, kiểu gì cũng nhăn răng ra chết! Hahahaha… Kim Dung đại tài, bổn cô nương quá thông minh! (hay là quá bệnh? =))


[1] đồng: đơn vị trọng lượng thời xưa, tương đương 4 gam.


[2] lạng: tương đương với 40 gam.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK