(*) Đời người như ván cờ.
Một kỳ thủ rất nổi danh là ông Emmanuel Lasker đã nói: "Cờ vua chỉ hạn chế cho nhân loại sống trên trái đất, trong khi cờ vây vượt khỏi thế giới này. Nếu một hành tinh nào có những sinh vật biết lý luận thì ở đó họ phải biết đánh cờ vây." Thanh Nguyên rất thích với câu danh ngôn này, nhưng tiếc là không có hứng thú gì với cờ vây. Vì vậy, hệ quả là nàng đang ngồi đần ra trước bàn cờ trống rỗng, tay chân có cảm giác thừa thãi lạ lùng. Nàng biết nó, chỉ tội là nó không biết nàng. Lúc trước cũng biết sơ sơ về cách chơi, nhưng để đối với một người đạt cấp "Tiên kỳ" như Tông đế thì quả là nhiệm vụ bất khả thi. Thanh Nguyên thẳng thắn tự thú: "Tiểu nhân sẽ không thắng được thánh thượng"
Tông đế không có vẻ ngạc nhiên. Nước đi hết sức lộn xộn, với "tài năng" kiểu này mà thắng được Lâm Thông, nhất định có tiểu xảo. Nhưng như vậy càng chứng tỏ hắn lợi hại. Bởi Lâm Thông là kẻ kiêu ngạo, yêu cờ như mạng, muốn bắt một kẻ như vậy gian lận, nhận thua là điều không dễ.
"Sao ngươi biết? Ván cờ chưa kết thúc mà"
Trân bàn cờ, thế trận có vẻ cân bằng, đất của quân đen và quân trắng không xê xích nhau bao nhiêu. Nhưng người mù cũng thấy, từng bước đi của quân đen đều được tính toán vô cùng kỹ lưỡng. Tông đế đã tính trước nhiều nước không chỉ cho một nhóm quân mà có thể cả chục nhóm quân nằm xen kẽ phức tạp trên bàn cờ. Chỉ cần đi thêm vài nước, thế trận cân bằng lập tức sẽ bị phá vỡ, ván cờ sẽ kết thúc ngay. Tông đế quả là một kỳ thủ thượng hạng, có thể đánh úp đối phương một cách bất ngờ, nhanh chóng.
"Tiểu nhân từng nghe qua một câu rất hay. "Việc trị nước cũng không khác gì đánh cờ vây, biết cách dùng, biết cách đặt cho đúng chỗ thì thắng, không biết cách dùng, cách đặt thì thua."(Câu này của Âu Dương Tu viết trong "Tân ngũ đại sử") Đấu với một thiên tài trị quốc như bệ hạ, tiểu nhân cầm chắc phần thua rồi"
Tông đế từ tốn nhặt từng quân cờ đen vào chén, chậm rãi nói
"Ta biết ngươi chỉ nịnh nọt thôi, nhưng quả thực câu nói đó rất đúng với những gì ta luôn tâm niệm. Ngươi biết không? Ta rất thích cờ vây. Có câu tâm tư con ngươi còn sâu hơn đại dương, không thể nhìn thấu. Nhưng trong cờ vây, không ai giấu mình được cả, tất cả suy nghĩ đều bộc lộ qua những nước cờ. Sự mềm dẻo, khôn ngoan, nhẫn nại, biết bỏ cái nhỏ để giành cái lớn, biết hy sinh tiểu tiết để giành đại cục nhằm dẫn tới thắng lợi, đó là cốt lõi của cờ vây, nhờ những cốt lõi này, ta có thể đánh giá suy nghĩ, tài trí của một người. Khi chơi cờ vây cũng giống như khi ra trận đánh giặc. Bàn cờ là chiến trường và mục đích là chiếm lấy lãnh thổ. Mỗi một nước đi là bao nhiêu tâm huyết, suy tính, mưu toan. "
Chẳng mấy chốc, bàn cờ chỉ còn lại quân trắng của Thanh Nguyên và một quân đen duy nhất đang bị bao vây.
"Nhưng ngươi đang phá vỡ quy tắc của ta. Ta không thể "đọc" được gì từ ngươi cả. Là do ngươi không hề biết gì về cờ vây hay ngươi quá khôn khéo đây? Đã vậy thì ta hãy thẳng thắn với nhau nhé. Dùng ngươi thì không nghi, nghi người thì đừng dùng. Ta rất thưởng thức tài năng, cũng như sự khôn ngoan của ngươi, ta thật sự cần có những người như vậy. Ngươi là một kẻ thông minh. Chắc chắn không phải đến đây chỉ vì một cái danh hiệu tài tử vớ vẩn, hão huyền. Chúng ta đều biết rõ mục đích của nhau. Ta có thứ ngươi cần, ngươi có thứ ta muốn. Chúng ta là một tổ hợp hoàn hảo, người không thấy thế sao? Nhưng trước hết, ngươi phải khiến ta tin tưởng đã. Đừng nói những câu kiểu như "Tiểu nhân không cầu mong gì cả" hay "Được phục vụ cho thánh thượng là vinh dự của tiểu nhân", ta không tin đâu. Những câu này chỉ dành cho những kẻ giả dối, bất tài. Nào, ngươi muốn gì ?"
"Tiểu nhân cũng chỉ là một kẻ tầm thường thôi, tiểu nhân muốn có quyền lực. Tin rằng quyền lực cũng là mục tiêu chính của thánh thượng. Tiểu nhân rất vui lòng được trở thành một phần trong cuộc chiến này."
"Tốt. Trẫm thích những kẻ thẳng thắn. Con người ai cũng có tham vọng, chẳng có gì phải che dấu cả. Có vẻ như ngươi đã có sự chuẩn bị sẵn. Nói trẫm nghe, ngươi nghĩ gì về triều chính hiện tại?" Tông đế cười thoải mái.
"Đây có tính là nội dung bài thi của tiểu nhân không nhỉ?" Thanh Nguyên nói.
"Cứ cho là thế đi."
Thanh Nguyên lấy tay loại bỏ nhiều quân trắng ra khỏi bàn cờ. Chỉ để lại sáu quân bao vây quân đen.
"Sâm đế Chung Tuấn Minh là một vị thánh hiền đích thực. Yêu dân như con, nhưng trong trị quốc thì không cần những điều đó. Chính vì ông quá từ bi, quá hiền lành nên mới để hậu cung lũng loạn triều chính, quần thần lấn quyền, trung thần bị hà hiếp, gian thần lộng hành. Ngoài mặt, Chung quốc đang trong trạng thái quốc thái dân an, nhưng việc quyền lực bị chia rẽ như vậy, không sớm thì muộn sẽ có hậu họa."
Nàng nhặt một quân trắng lên, nói: "Đầu tiên là Dung thái hậu Dung Hoa. Có câu hậu cung không được tham chính. Nhưng bao nhiêu năm nay, thái hậu luôn can dự vào mọi việc của triều đình. Tay mắt mai phục khắp nơi trong hậu cung, trong triều, có hơn một phần ba các vị đại thần là tâm phúc của thái hậu. Nếu thái hậu hướng về bệ hạ thì thật sự quá tuyệt. Nhưng thái hậu không phải mẹ ruột của người, để một người đàn bà khác họ nắm quá nhiều quyền lực là một sai lầm. Giống như để một con dao ngay cổ vậy. Đó là vấn đề thứ nhất."
Đặt quân trắng xuống vị trí sít sao bên cạnh quân đen. Cầm một quân đen khác lên, nói: "Vấn đề thứ hai là Bình vương. Bình vương Chung Tuấn Duy nổi tiếng nho nhã hiền từ, được người dân và nhiều cựu thần ủng hộ. Lại là con ruột của thái hậu, được bà hết lòng gầy dựng thế lực, hỗ trợ tuyệt đối. Có thể nói trong số ba người con của mình, người được lòng Sâm đế nhất không ai ngoài Bình vương. Nếu không nhờ Thái hoàng thái hậu đương thời vốn không ưa Dung thái hậu liều chết tuyệt thực ngăn cản, có lẽ ngai vàng đã đổi chủ, không đến lượt ngài ngồi lên. Trong lịch sử, những vụ đảo chính, tranh giành ngai vàng không thiếu. Bình vương chưa bao giờ tỏ ý bất mãn với thánh thượng, nhưng ai cũng hiểu đó chỉ là bề ngoài thôi. Việc ngài ấy đến tận Phong thành đã chứng minh điều đó. Cuộc thi này tập trung nhiều người tài, nhiều thế lực trong và ngoài nước, là dịp duy nhất để công khai tìm kiếm thế lực hậu thuẫn. Bình vương không thèm che giấu ý đồ của mình, tin rằng đã chuẩn bị đầy đủ để tuyên chiến rồi. Bình vương là cây đao thứ hai đang để trên cổ ngài. Còn thứ ba là"
Bỏ quân đen xuống, lại cầm thêm một quân đen khác lên: "Là Hứa Sơn tướng quân. Hứa Sơn đang nắm binh phù trong tay, nghĩa là đang làm chủ một phần binh lực của Chung quốc. Công lao sa trường hiển hách, nhiều đời trung thành phục vụ xã tắc, Hứa Sơn đích thực là một vị công thần. Nhưng rõ ràng, hắn không phải một bề tôi thần tử đáng tin. Thái độ trung lập không ngả về phe nào, không tham dự tranh đấu trong triều, làm nhiều người lầm tưởng hắn là một trung thần. Nhưng nếu là trung thần thực sự, sẽ hết lòng phục vụ ủng hộ bệ hạ, chứ không nửa vời thế này. Hắn biết thế lực của hoàng thượng và Bình vương đang cân bằng, chưa biết ai sẽ là người giành phần thắng, nên mới án binh bất động, chờ xem ai là kẻ có lợi thế hơn để đi theo. Hắn là kẻ gió chiều nào theo chiều nấy, có dã tâm lớn, giữ một kẻ như vậy bên mình vừa có lợi vừa có hại. Nếu biết lợi dụng, hắn sẽ là một món vũ khí lợi hại, nhưng nếu không cẩn thận, hắn sẽ thành lưỡi dao xuyên tim."
Cũng như lần trước, nàng cầm thêm quân đen thứ tư lên: "Mối họa tiếp theo là trận chiến chính trị của Dung An quốc công và Ngọc Long tể tướng. Dung gia là danh gia vọng tộc lâu đời. Ba đời nhà họ Dung đều là quan lớn. Dung thái hậu là muội muội của Dung quốc công, con gái ông ta lại là quốc mẫu Dung hoàng hậu. Quyền lực của Dung gia bao phủ khắp hậu cung, phần nhiều phi tử đều là họ hàng, hoặc tâm phúc của Dung gia. Bản thân Dung An cũng là một đại thần có bề dày công lao hiển hách. Còn Ngọc Long tể tướng là đại thần khai quốc. Cha ông ta Ngọc Hải đại tướng là em trai kết nghĩa của Minh đế, đã cùng Minh đế kề vai sát cánh xây dựng Chung quốc. Ngọc Long tể tướng cũng đi theo phò trợ Sâm đế từ thuở thiếu thời, có thể nói ông ta là tâm phúc của Sâm đế, quyền lực dưới một người trên vạn người. Quan lại trong triều có nhiều người là môn sinh của ông ta, lại có con gái là Lan phi đang mang long thai. Hai ngươi này kẻ chín người mười, cùng nhau kiểm soát triều đình. Nhưng một núi không thể có hai hổ. Phải có một người bị đào thải. Nhưng cho dù là ai, thì cuộc chiến này sẽ gây tổn thất lớn cho Chung quốc. Bởi quyền lực trong tay của họ rất lớn, bao phủ khắp nơi. Tựa như con nhện bao năm cần mẫn thêu dệt, kiến thiết một tấm lưới lớn, cho dù con nhện có chết đi, mạng lưới vẫn còn, vẫn đủ sức "bẫy" kẻ thù. Đây là một mối họa lớn."
Thanh Nguyên đặt bốn quân trắng bao vây bốn phía quân đen. Cầm lên hai quân trắng cuối cùng.
"Tuy nhiên, cho dù có nguy hiểm thế nào, cũng chỉ là nội loạn. Cái đáng sợ hơn là ngoại xâm kìa. Quân đen dù bị bao vây sít sao nhưng cũng có cơ hội chuyển bại thành thắng. Đáng lo nhất là hai quân trắng này, chúng đã chờ sẵn bên ngoài, chỉ cần quân đen vừa đột phá được vòng vây phía trong, chúng sẽ nhào vào xâu xé ngay. "Trai cò đá nhau ngư ông đắc lợi". Ngư ông thứ nhất là bốn nước láng giềng. Âm mưu hạ độc lần này đã thể hiện dã tâm của họ. Trong năm nước, mạnh nhất là Chung quốc và Lục quốc, sau là Lê quốc, Nam quốc, cuối cùng là Trần quốc. Có thể nói bốn phía đều là hổ. Còn quân trắng cuối cùng, chính là những nước bên ngoài. Tạm thời, phía Nam và Đông đang chiến loạn liên miên, bản thân họ cũng phải giải quyết nội loạn của mình, không rảnh để ý dòm ngó ta. Nhưng cuộc chiến giữa Song quốc và Xuân quốc đang đi đến hồi kết. Sớm muộn gì Xuân quốc cũng là bá chủ phía Tây, đến lúc đó, năm nước chúng ta sẽ là tầm ngắm đầu tiên của họ."
Tông đế im lặng chăm chú nghe nàng phân tích, ngay cả Kỳ vương cũng trầm tĩnh lạ thường, không ngắt lới cô lần nào. Tông đế hỏi: "Vậy theo ngươi, ta phải làm sao để giải quyết sáu mối họa này đây?" Tông đế nhìn nàng bằng đôi mắt rất sâu, rất thâm trầm. Giữa họ không còn khoảng cách thân phận nữa. Nàng thấy bóng mình in trong mắt hắn.
"Về phần Dung thái hậu và Bình vương, không có cách nào ngăn cản cuộc chiến này cả, chỉ có cách giảm thiểu hết mức lực sát thương và những tổn hại mà nó gây ra thôi. Muốn vậy, thế lực của ta phải áp đảo họ, mạnh hơn họ. Dung thái hậu có sự giúp đỡ của Dung quốc công, vậy thì bệ hạ phải lôi kéo Ngọc tể tướng. Hắn sẽ đồng ý phò trợ ngài. Bởi hắn hiểu rõ, nếu Dung thái hậu thắng thế, chính ông ta cũng không có cơ hội sống sót. Dung quốc công sẽ không bỏ qua cho ông ta. Tiếp theo là Hứa Sơn. Tiểu nhân biết bệ hạ và Bình vương đều đang muốn có được người này. Có sự trợ giúp của hắn không khác gì hổ thêm cánh. Dù giữ hắn lại rất nguy hiểm, nhưng tạm thời chúng ta phải có được Binh phù trong tay hắn. Việc đối phó hắn thế nào thì sau này hẵng hay. Tình hình bây giờ, dù có thêm sự trợ giúp của Ngọc Long, thì thế lực của ngài và Bình vương cũng không hơn kém bao nhiêu. Dùng quyền lực để lôi kéo hắn là một hạ sách. Làm thế là trúng kế hắn ngay. Giống như một cuộc đấu giá vậy. Cho dù món hàng ấy không đáng giá đến thế, nhưng vì không muốn đối phương có được nó, hai người cứ liên tục hét giá thật cao, cao hơn nhiều so với giá trị thực của món hàng. Đến lúc đó, chỉ có kẻ bán là hưởng lợi. Ai cũng nghĩ cách hấp dẫn Hứa Sơn mà không biết, mấu chốt vấn đề là Hứa Thu. Đừng xem thường vị thế của nhi nữ. Nếu nàng ta không chịu gả, thì Hứa Sơn có làm gì cũng vô dụng. Ngược lại, Hứa Sơn rất yêu em gái, chiếm được lòng Hứa Thu, cộng thêm một chút lợi ích, sẽ giành được sự ủng hộ của hắn. Cuộc chiến Dung - Ngọc bề ngoài thì rất có hại, nhưng thực ra ẩn chứa rất nhiều lợi ích. Lợi ở chỗ, nhờ nó, ngài có thể cân bằng các thế lực trong cung. Nếu không có Ngọc Long, thì toàn bộ triều đình lẫn hậu cung đều thuộc về Dung gia, lúc đó ngài sẽ thất thế trước Bình vương. Một mình Bệ hạ không có cách nào hạ bệ được Dung gia cả. Nhưng nếu thế lực triều chính bị chia ra làm nửa, Ngọc Long và Dung An mỗi người nắm một phần, mọi việc sẽ dễ giải quyết hơn nhiều. Đợi đến khi một trong hai bên bị tiêu diệt, ngài có thể ung dung thu thập bên còn lại. Nghĩa là thay vì phải đối phó với một người nắm giữ toàn bộ quyền lực, bấy giờ, ngài chỉ cần tiêu diệt người nắm giữ một phần thôi. Không phải quá tốt hay sao? Nhưng tạm thời ta không thể để cuộc chiến sống còn này nổ ra. Hoàn toàn bất lợi."
Nói xong, Thanh Nguyên cầm chén nước lên lấy hơi. Kỳ vương ngơ ngác: "Tại sao?"
"Bởi như ta đã nói đấy. Thời điểm hai người kết thúc cuộc chiến, người thắng chưa kịp dưỡng sức, chưa kịp tiếp thu thế lực, tiền tài của kẻ bại, chúng ta chỉ cần đâm một nhát, thì sẽ kết liễu được hắn ngay. Không cần tốn quá nhiều sức, đã quét sạch toàn bộ những kẻ làm loạn này. Cuộc chiến này rất có lợi với chúng ta. Nhưng bây giờ, bệ hạ còn phải lo đối phó với mẹ con Dung thái hậu, lại còn những nước bên ngoài đang chực chờ "nuốt trọn" chúng ta. Làm sao ta kịp thời thu dọn tàn cuộc của cuộc chiến Dung - Ngọc chứ. Mà nếu ta không hành động ngay sau khi cuộc chiến kết thúc, "người thắng" sẽ có thời gian hồi phục, dưỡng sức. Nếu người thắng là Dung An, bệ hạ thua chắc. Nhưng nếu Ngọc Long thắng, cũng chẳng hay ho gì. Có thể hắn sẽ trợ giúp ngài đánh tan thế lực của thái hậu, nhưng rồi sau đó, "Công cao hơn chủ", bệ hạ sẽ không khác gì con rối trên tay người, mặc ông ta sai khiến, làm chủ triều chính. Đến khi đó, muốn tiêu diệt hắn là một việc không tưởng. Cộng thêm Lan phi đang hoài thai long chủng, nếu là một hoàng tử, khỏi cần đoán cũng biết ông ta sẽ hết lòng phò tá cháu ngoại mình lên ngôi, rồi sẽ có thêm một vị hoàng đế bù nhìn đời kế tiếp, rồi mọi việc sẽ tiếp tục kéo dài như thế. Dần dần, Chung quốc sẽ trở thành thiên hạ của Ngọc gia."
Kỳ vương rùng mình khi nghĩ đến viễn cảnh này. Tông đế cũng từng nghĩ đến vấn đề này, nhưng chưa bao giờ phân tích một cách tỉ mỉ, thấu đáo như thế. Như thể một nhà tiên tri, biết trước mọi việc sẽ xảy ra.
Tông đế suy tư rất lâu, hỏi: "Theo ngươi, ta và Bình vương, ai là người có lợi thế hơn."
Thanh Nguyên cũng phải suy nghĩ rất lâu, mới trả lời. "Bệ hạ là thiên tử được thiên hạ công nhận. Hành động của Bình vương chẳng khác gì tạo phản. Vì vậy, về mặt tình, lý thì người đã có lợi thế hơn. Nhưng Bình vương có sự trợ giúp của Thái hậu và Dung gia, lại có thêm sự yêu mến của đông đảo người dân, so với hoàng thượng thân cô thế cô thì quả là......"
Nàng không nói nữa, nhưng ý nghĩa sau sự ngập ngừng đó mọi người đều hiểu.
"Nhưng kẻ mạnh chưa chắc là người thắng. "Người thắng mới là kẻ mạnh" (Danh ngôn để đời của cầu thủ huyền thoại - Franz Beckenbauer) Chưa đến phút cuối cùng thì không nói lên được điều gì cả. Trình Gião Kim (1) luôn xuất hiện vào lúc bất ngờ nhất mà.(Ý là sẽ có kẻ phá rối cục diện vào phút cuối cùng ý mà)"
Tông đế nhìn thăm dò nàng, nàng bình tĩnh mỉm cười, đứng thẳng, đối mặt với thiên tử.
Kỳ vương ngơ người: "Trình Giảo Kim là ai?"
"Một người bạn của ta. Huynh ấy rất thích phá ngang mọi chuyện." Thanh Nguyên lấp liếm cho qua.
Tông đế hứng thú: "Vậy ra ngươi muốn trở thành Trình Giảo Kim của trẫm ư?"
Thanh Nguyên tự tin khẳng định: "Không phải "muốn" mà là "sẽ". Người thắng cuộc luôn luôn nói "sẽ", chỉ có kẻ bại trận hèn nhát mới "muốn".
Tông đế cười to thoải mái nói: "Không biết tài cán ngươi đến đâu, nhưng vòng này ngươi đậu rồi. Ngươi thật sự có tài hùng biện đấy, ta bị thuyết phục rồi. Này, Tuấn Đạt, nói với những tên bên ngoài rằng đã có người chiến thắng rồi, không cần thi nữa."
Thanh Nguyên lắc đầu nguầy nguậy: "Bệ hạ, chúng ta đều hiểu mục đích của cuộc thi này là gì mà, cần gì phải thử nhau. Cái danh hiệu này chỉ là chén thuốc độc tẩm đường thôi. (Tại sao thì các bạn đọc lại các chương trước nhé). Bệ hạ quá xem thường tiểu nhân đấy."
Kỳ vương bỗng thấy sự xuất hiện của mình thật dư thừa. Hắn có cảm giác hai người này sinh ra là dành cho nhau. Họ hiểu nhau, nhìn thấu nhau cho dù chỉ gặp nhau không quá ba lần. Hắn chưa bao giờ thấy có người nào có thể tung hứng ăn ý với hoàng huynh như vậy. Phải chăng vì họ cùng là một loại người như nhau?
Dù nói cùng một loại ngôn ngữ nhưng hắn có cảm giác như họ đang sử dụng một loại mật hiệu nào đó, chỉ có họ mới hiểu.
"Ta sẽ tiến cử ngươi vào một Bộ hình. Ngươi phải tự chứng tỏ thực lực của mình. Hãy chứng tỏ ngươi đáng mặt Trình Gião Kim."
----------
Như Thanh Nguyên dự tính, Lâm Công Khanh chiến thắng tuyệt đối. Trở thành thiên hạ đệ nhất tài tử. Rõ ràng là một kết quả được dự tính từ trước. Không ai bất mãn gì về kết quả này, trừ tất cả những người dân Phong thành.
Trần Thanh Nguyên "vinh dự" trở thành cái tên "được" nguyền rủa nhiều nhất Phong thành. Sau bốn vòng thi, lúc ai cũng nghĩ hắn sẽ bại, thì hắn lại ung dung đậu. Một lần có thể cho là may mắn, hai lần có thể cho là trùng hợp nhưng ba lần, bốn lần thì chắc chắn là cao nhân ẩn mình. Thế là từ chỗ không ai biết tên tuổi, tới vòng năm, số tiền đặt cược cho nàng đã lên đến hàng ngàn. Số người căm thù nàng sau khi kết quả được công bố cũng tăng chóng mặt.
Nhưng Thanh Nguyên không biết điều đó. Bởi bây giờ nàng đang ngồi trên xe ngựa của Kỳ vương, chuẩn bị về Hạo thành. Bắt đầu một chương mới của cuộc đời, đầy sóng gió và chông gai.
----------
(1): Trình Giảo Kim là bạn thân của Tần Thúc Bảo từ thuở nhỏ. Khi ra trận ông sử dụng rìu làm vũ khí. Khi đánh nhau, 3 búa đầu thì rất mạnh nhưng đến búa thứ 4 thì không được như vậy nữa. Ông tham gia khởi nghĩa ở Ngõa Cương và làm vua ở đó 3 năm. Khi Lý Mật lên làm vua một thời gian thì ông không phục nên cùng với Tần Thúc Bảo, La Thành sang Lạc Dương cùng Vương Thế Sung và Đan Hùng Tín (vốn là tướng cũ của Ngõa Cương đã bỏ đi trước đó). Từ Mậu Công sau khi hàng Đường đã giả dạng sang Lạc Dương chiêu hàng 3 người, Giảo Kim và Thúc Bảo theo về còn La Thành thì đang bệnh nên không đi được bất đắc dĩ phải hàng Vương Thế Sung. Ông theo Lý Thế Dân đánh dẹp các phản vương khác. Khi về triều được phong làm chức Tổng binh.