Hầu tước De Lantenac, từ nay chúng ta gọi đích danh ông ta, trả lời giọng trang nghiêm:
— Thôi được. Đem nộp ta đi.
Người kia lại đáp:
— Hai chúng ta cùng ở vùng này, ngài ở trong lầu cao, tôi ở nơi bờ bụi.
— Thôi đi. Làm gì thì làm. Đem nộp ta đi - Hầu tước nói.
Người kia tiếp:
— Ngài định đi về ấp Herbe-en-Pail có phải không?
— Phải.
— Ngài đừng đến nữa.
— Tại sao?
— Vì có quân xanh ở đó.
— Từ bao giờ?
— Ba hôm rồi.
— Dân trại và dân xóm có kháng cự không?
— Không. Họ mở toang cửa ra đón.
— A! - Hầu tước thốt lên.
Người kia lấy ngón tay chỉ vào cái mái nhà trong ấp nhìn thấy đằng xa, qua các ngọn cây.
— Ngài nhìn thấy cái mái nhà không, hầu tước?
— Có.
— Ngài thấy trên đó có gì chứ?
— Cái gì đang bay.
— Vâng.
— Một lá cờ.
— Tam tài - Người kia nói.
Có cái vật đó, lão hầu tước đã chú ý từ lúc còn ở trên cồn cát cao.
— Hình như người ta kéo chuông cấp báo có phải không?
— Hầu tước hỏi.
— Phải.
— Vì lý do gì?
— Chắc chắn là vì ngài.
— Nhưng sao không nghe thấy?
— Tại có gió cản.
Người kia lại tiếp:
— Ngài đã trông thấy tờ cáo thị chưa?
— Rồi.
— Họ đang lùng ngài.
Rồi liếc mắt về phía ấp, người ấy nói thêm:
— Ở đó có nửa tiểu đoàn.
— Quân cộng hòa à?
— Người Paris.
— Thế thì ta đi thôi - Hầu tước bảo.
Rồi lão cất bước về phía ấp.
Người kia giữ lấy tay lão.
— Ngài đừng đến đó.
— Thế ông định bảo tôi đi đâu?- Về nhà tôi.
Lão hầu tước nhìn lão ăn mày.
— Thưa ngài hầu tước, nhà tôi không đẹp đâu nhưng an toàn. Một cái lều thấp hơn một cái hầm. Sàn nhà trải rong biển, trần nhà là cành cây và cỏ khô. Mời ngài đến. Về gấp, ngài sẽ bị bắn. Về nhà tôi ngài sẽ ngủ yên. Chắc ngài mệt rồi, sáng mai quân xanh lại sẽ lên đường, ngài muốn đi đâu cũng được.
Hầu tước nhìn kỹ người kia.
— Ông ở phe nào? - Hầu tước hỏi - Ông là cộng hòa? Hay ông là bảo hoàng?
— Tôi là một người nghèo.
— Không bảo hoàng, không cộng hòa?
— Có lẽ không.
— Ông ủng hộ hay chống lại đức vua?
— Tôi chẳng còn thì giờ để nghĩ đến việc đó.
— Ông suy nghĩ gì về các việc đang xảy ra?
— Tôi chẳng có gì ăn mà sống.
— Vậy mà ông còn cứu tôi.
— Vì tôi thấy ngài đã bị ở ngoài vòng pháp luật. Ừ, pháp luật là cái gì nhỉ? Sao người ta lại có thể ở ngoài được. Tôi không hiểu nữa. Như tôi, tôi ở trong vòng pháp luật ư? Tôi ở ngoài vòng pháp luật ư? Tôi chẳng biết gì về những cái đó cả. Chết đói cũng là trong vòng pháp luật à?
— Ông chết đói từ bao giờ?
— Từ suốt đời tôi.
— Thế mà ông cứu tôi?
— Vâng.
— Tại sao?
— Tại vì tôi tự bảo: Lại có người còn khổ hơn mình. Ta còn có quyền thở, người đó lại không có cả quyền đó nữa.
— Đúng. Ông cứu tôi thật à?
— Thật đấy. Chúng ta trở thành anh em rồi, thưa đức ông. Tôi yêu cầu được ăn, đức ông yêu cầu được sống. Hai ta là hai kẻ ăn mày.
— Nhưng chắc ông đã biết là đầu tôi được treo giải chứ?
— Vâng.
— Vì sao ông biết?
— Tôi đọc tờ cáo thị.
— Ông biết đọc?
— Vâng. Và cả viết nữa. Tại sao tôi lại cứ phải là đồ ngu ngốc?
— Vậy thì, ông biết đọc, ông lại đã đọc tờ cáo thị, hẳn ông biết rằng ai đem tôi đi nộp sẽ được món tiền sáu mươi nghìn quan?
— Tôi biết thế.
— Không trả bằng tín phiếu.
— Vâng, tôi biết, trả bằng vàng.
— Chắc ông cũng biết rằng sáu nghìn quan là cả một gia tài lớn?
— Vâng.
— Và nếu ai đem tôi đi nộp, sẽ trở nên giàu có?
— Thế thì sao?
— Giàu có!
— Đó cũng là điều tôi đã nghĩ tới. Mới gặp ngài, tôi đã tự bảo: À, sẽ có kẻ đem nộp người này để kiếm sáu chục nghìn quan và làm giàu đây! Phải giấu người đó đi cho mau.
Thế là lão hầu tước đi theo người nghèo khổ kia.
Họ đi vào một cánh rừng rậm. Cái hang thú của lão ăn mày ở trong đó. Đó là căn phòng mà một cây sồi già cho người ăn mày; phòng đó đào sâu dưới rễ cây và lợp bằng cành lá. Thật là tối tăm, lụp sụp, kín đáo, chẳng ai thấy được.
Có đủ chỗ cho hai người.
— Đấy, tôi đã biết trước là có lúc sẽ có một ông khách - Lão ăn mày nói.
Cái loại nhà đào dưới đất như thế ở Bretagne không hiếm như ta tưởng, gọi theo tiếng thôn quê là carnichot. Những nơi ẩn nấp khoét trong tường cũng gọi bằng tên đó.
Trong nhà bày biện vài cái bình, một nệm rơm hoặc rêu biển đã rửa sạch phơi khô, một cái chăn to bằng vỏ cây và vài mồi vải thấm mỡ lừa với một cái bật lửa cùng vài cành cây rừng rỗng ruột làm đóm.
Hai người phải lom khom bò một quãng, rồi mới vào được trong phòng, trong đó rễ cây to ngăn ra thành từng ngăn con trông rất ngộ, rồi họ cùng ngồi lên một đống rong biển khô dùng làm giường.
Khoảng cách giữa hai rễ cây làm cửa vào có lọt chút ánh sáng. Đêm xuống rồi, nhưng mắt đã thích ứng với ánh sáng bên ngoài, nên rồi bao giờ người ta cũng thấy đôi chút sáng sủa trong bóng tối. Ánh trăng hắt mờ nhạt rọi lối vào. Ở góc nhà có một bình nước, một tấm bánh mì đen và nhiều quả hạt dẻ.
— Ta ăn thôi - Lão già nghèo khổ mời.
Họ chia nhau hạt dẻ; hầu tước biếu ông bạn một miếng bánh bích quy; họ cùng gặm chung mẩu bánh mì đen và lần lượt dốc bình nước uống.
Họ chuyện trò với nhau.
Hầu tước bắt đầu hỏi chuyện người kia.
— Vậy thì mọi sự xảy ra hoặc không xảy ra đối với ông cũng như thế cả ư?
— Gần như thế. Các ngài là vua chúa. Đó là công việc của các ngài.
— Nhưng mà cái đang xảy ra…
— Xảy ra trên mặt đất kia thôi.
Lão ăn mày nói thêm:
— Vả lại tôi còn quan tâm đến các việc khác, những việc xảy ra cao hơn trên mặt đất, như mặt trời mọc, trăng tròn rồi khuyết.
Rồi lão uống một ngụm nước ở bình, xong lại nói:
— Mát quá!
Lão lại tiếp:
— Đức ông thấy nước này ra sao?
— Ông tên là gì? - Hầu tước hỏi.
— Tôi tên là Tellmarch, và người ta gọi tôi là Caimand.
— Tôi biết. Caimand là tiếng địa phương.
— Có nghĩa là ăn mày. Người ta cũng đặt cho tôi cái biệt hiệu là Lão Già.
Lão nói tiếp:
— Đã bốn mươi năm nay họ gọi tôi là Lão Già.
— Bốn mươi năm! Nhưng ngày trước ông cũng có thời trẻ trung chứ?
— Tôi chẳng bao giờ trẻ cả. Ngài thì bao giờ cũng trẻ, ngài hầu tước ạ. Ngài có cặp giò của trai hai mươi tuổi, ngài còn leo lên cồn cát được; tôi thì bắt đầu lê không nổi; đi được một phần tư dặm đã mệt. Hai ta cùng một tuổi; nhưng người giàu thì hơn hẳn chúng tôi vì họ có ăn quanh năm.
Ăn đủ là giữ gìn được sức khỏe.
Lão ăn mày im lặng một lát rồi lại tiếp:
— Kẻ nghèo, người giàu, đó là một chuyện kinh khủng. Đó là nguyên nhân gây ra các tai họa. Hoặc ít ra là tôi cảm thấy thế. Kẻ nghèo muốn giàu, kẻ giàu thì không muốn nghèo. Tôi nghĩ đó có lẽ là vấn đề cơ bản. Tôi không muốn dính vào đó. Việc đời là việc đời. Tôi chẳng muốn bênh con nợ cũng không bênh chủ nợ. Tôi nghĩ rằng nợ thì phải trả. Thế thôi. Có lẽ tôi thích người ta đừng giết vua, vì sao lại thích như thế thì thật khó nói. Về việc đó, người ta trả lời tôi: Nhưng mà ngày trước chỉ vì một chuyện không đâu, người ta cũng đã treo cổ dân lên cây. Chính tôi đây, tôi đã thấy chuyện này: chỉ vì một phát súng bắn bậy vào con mang của nhà vua mà một người có vợ và bảy con bị treo cổ. Cả đôi bên đều có thể viện lý nọ lẽ kia.
Lão ngừng lại rồi lại nói thêm:
— Ngài xem, tôi không hiểu rõ lắm, họ đến, họ đi, vô vàn sự việc đang xảy ra; thế mà riêng tôi, tôi chỉ ngồi nhìn sao trên trời.
Lão Tellmarch ngừng một lát như mơ màng rồi nói tiếp:
— Tôi cũng hơi biết nắn xương, bốc thuốc, tôi biết các loại cỏ cây và biết cách dùng, dân quê họ thấy tôi thơ thẩn, vẩn vơ thì họ cho tôi là phù thủy. Vì tôi hay mơ màng, họ cho là tôi hiểu biết.
— Ông là người địa phương này chứ? - Hầu tước hỏi.
— Tôi không bao giờ ra khỏi vùng này.
— Ông biết tôi chứ?
— Biết. Lần cuối cùng tôi nom thấy ngài là cách đây hai năm, cũng là lần cuối cùng ngài đi qua. Ngài đi từ đây sang nước Anh. Lúc nãy tôi nhìn thấy một người trên cồn cát. Một người cao lớn. Người cao lớn ở đây hiếm có; Bretagne là một xứ người nhỏ bé. Tôi nhìn kỹ, tôi lại đã đọc cáo thị rồi. Tôi tự bảo: Ai kia? Và khi ngài đi xuống, nhờ có ánh trăng, tôi đã nhận ra ngài.
— Thế mà tôi không biết ông.
— Ngài đã gặp tôi nhưng ngài chẳng bao giờ thấy tôi cả. [38]
Và lão ăn mày Tellmarch nói thêm:
— Còn tôi, tôi đã trông thấy ngài. Người ăn mày và người qua đường, mỗi người có một cách nhìn, không giống nhau.
— Thế ngày trước tôi có gặp ông ở đâu không?
— Gặp luôn, bởi vì tôi là người đã ăn xin ngài. Trước kia, tôi là người nghèo khổ lang thang trên con đường mé dưới lâu đài của ngài. Ngài cũng đã có dịp bố thí cho tôi; nhưng người cho thì không buồn nhìn, người nhận của bố thí lại nhìn kỹ, quan sát kỹ. Ăn mày tức là dò la. Nhưng tôi, tuy có khi buồn bực, tôi vẫn cố gắng để không đến nỗi là một người xấu. Tôi ngửa bàn tay, ngài chỉ nhìn thấy bàn tay thôi, ngài vứt của bố thí vào, đó là cái mà buổi sáng tôi lo kiếm ra để buổi tối tôi khỏi chết đói. Có khi cả ngày cả đêm không có gì vào bụng. Đôi khi một xu cũng đủ cứu sống. Tôi ơn ngài mà sống, nay tôi đem cái sống đền đáp ngài.
— Đúng rồi, ông cứu tôi.
— Vâng, tôi cứu ngài, thưa đức ông.
Và lời nói của Tellmarch trịnh trọng hẳn lên:
— Với một điều kiện.
— Gì vậy?
— Là ngài về đây đừng làm điều ác.
— Tôi tới đây để làm điều lành - Hầu tước nói.
— Chúng ta ngủ đi!
Hai người nằm cạnh nhau trên tấm giường bằng rong biển. Lão ăn mày ngủ ngay. Hầu tước mặc dù mệt lắm cũng mơ màng một lúc, rồi trong bóng tối, ông ta nhìn người ăn mày và nằm xuống. Nằm trên cái giường ấy tức là nằm xuống đất; lão lợi dụng thế nằm ấy để dán tai xuống đất nghe ngóng. Dưới đất vọng lên tiếng vo vo đều đều; chúng ta đều biết là âm thanh truyền lan rất sâu trong lòng đất; lão nghe thấy tiếng chuông rung.
Chuông cấp báo vẫn tiếp tục. Hầu tước ngủ thiếp đi.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK