• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Cuộc chiến đấu quả là ác liệt.

Trận giáp lá cà này vượt quá sức tưởng tượng của người ta.

Muốn tìm những cảnh tương tự, có lẽ phải trở lại những cuộc đấu kiếm mà Eschyle [175] đã miêu tả, hoặc những cuộc chiến tranh thời phong kiến; những cuộc “tấn công bằng vũ khí ngắn” ấy đến tận thế kỷ mười bảy còn tồn tại, khi bên tấn công vượt thành bằng thang dây; theo lời viên đội già ở tỉnh Alentejo thì đó là những cuộc tấn công ác liệt: “Sau khi bắn đạn cháy vào thành có hiệu quả rồi, quân bao vây nhảy vào, mang theo những tấm ván đóng đầy lưỡi dao bằng sắt cùng những chiếc khiên, lá chắn, rất nhiều lựu đạn, họ xô đẩy quân bị vây và chiếm lĩnh tất cả những nơi cố thủ của họ.”

Điểm tấn công thật là kinh khủng. Đó là một loại lỗ thủng mà tiếng nhà nghề gọi là hang ngầm, nghĩa là một đường thủng xuyên qua một bức tường dày chứ không phải là một kẽ nứt rộng miệng và lộ thiên. Thuốc súng đã phá tường như khoan vào đá. Mìn nổ mạnh, đến nỗi ngôi tháp bị nứt một đường cao trên mười thước, nhưng lỗ thủng ăn thông vào căn phòng thấp chỉ giống như một nhát dao đâm chứ không giống một nhát búa bổ.

Đó là một nhát đâm vào sườn tháp, một vết thương dài, như một cái giếng đặt nằm ngang, một đường hẻm nằm ngoằn ngoèo, như một khúc ruột xuyên qua một bức tường dày bốn thước, hoặc một đường ống ngổn ngang những chướng ngại vật, cạm bẫy, mìn nổ, xông vào đó thì trán đập phải đá, chân dẫm lên vôi vữa và sỏi, mắt tối như bưng.

Quân tấn công đứng trước cái cửa ngõ đen ngòm ấy, như cái miệng vực mà hàm răng trên hàm răng dưới là những tảng đá của bức tường bị xé ra; miệng cá mập cũng không nhiều răng bằng cái miệng ghê rợn ấy. Thế mà phải vào trong cái lỗ ấy rồi lại chui ra.

Phía trong, súng nổ liên hồi, phía ngoài là lũy cố thủ. Phía ngoài tức là căn phòng thấp ở tầng dưới. Mức man rợ của cuộc giao tranh ấy chỉ có thể ví với cảnh đụng độ giữa công binh đặt mìn và công binh phá mìn trong hầm kín mít, cảnh chém giết giáp lá cà bằng búa trên boong tàu trong các trận thủy chiến. Đánh nhau dưới đáy hố sâu là tột độ của sự khủng khiếp. Chém giết nhau với cái trần nhà úp trên đầu thật là kinh khủng. Giữa lúc đợt quân tấn công thứ nhất tràn vào, cả cái lũy cố thủ chớp sáng rực lên khác nào sét nổ trong lòng đất. Sấm sét phía tấn công đáp sấm sét của ổ phục kích. Gauvain hô: Xung phong! Lantenac tiếp: Chặn đứng lại! Rồi tiếng Imânus: Anh em xứ Maine, theo tôi! Rồi tiếng gươm loảng xoảng, đập vào nhau chan chát và đạn liên tiếp trút ra giết từng loạt. Bó đuốc treo trên tường chập chờn chiếu vào cảnh khiếp đảm này. Chẳng còn phân biệt được gì nữa; mọi người tràn ngập trong đêm tối tờ mờ ánh lửa đó, điếc tai, mù mắt, điếc vì tiếng ồn, mù vì khói. Những người bị loại khỏi cuộc chiến đấu nằm ngổn ngang giữa đống gạch đá; người ta bước lên xác chết, dẫm lên những vết thương, xéo nát những chân tay bị gẫy; thương binh rú lên vì đau đớn; những người hấp hối cắn vào chân những người bước lên họ. Đôi khi cả chiến trường lặng ngắt, còn ghê sợ hơn cảnh ồn ào. Người ta vật lộn nhau, thở hồng hộc, nghiến răng, rên rỉ, nguyền rủa, rồi tiếng ồn ào như sấm dậy lại trở lại. Một suối máu từ trong tháp qua lỗ thủng chảy ra ngoài, tràn trong bóng tối. Vũng máu đen ngòm ấy bốc hơi trong cỏ, ngoài trời.

Có thể nói rằng chính cái tháp khổng lồ đã bị thương và đang chảy máu.

Điều lạ nhất là bên ngoài vẫn không nghe một tiếng động. Trời tối mịt và trên cánh đồng, trong rừng, chung quanh pháo đài đang bị tấn công, yên tĩnh đến ghê rợn. Bên trong là địa ngục, bên ngoài là nhà mồ. Một khối người nhảy bổ vào nhau, tiêu diệt nhau trong bóng tối; đạn nổ từng tràng, tiếng thét, tiếng rú điên cuồng, tất cả những tiếng hỗn độn ấy chìm dưới khối tường và những vòm cuốn, thiếu không khí để cho tiếng động truyền đi, và thêm vào cảnh chém giết là cảnh ngột ngạt. Phía ngoài tháp, những tiếng ấy nghe không rõ lắm. Trong lúc này, mấy đứa trẻ vẫn ngủ yên.

Cuộc tàn sát cứ tăng dần. Lũy cố thủ vẫn giữ vững. Không có gì khó phá bằng loại chiến lũy hình chữ V này. Phía bị vây kém về số lượng, nhưng lợi thế hơn. Đội xung kích chết rất nhiều. Họ sắp thành hàng dài bên ngoài dưới chân tháp rồi từ từ chui vào lỗ tường thủng và cứ ngắn dần, như một con rắn chui vào hang.

Gauvain, với những điều khinh suất của một viên chỉ huy trẻ, đang ở trong gian phòng thấp, giữa cuộc hoảng chiến, chung quanh súng nổ loạn xạ. Ông ta có cái tự tin của con người chưa hề bao giờ bị thương.

Khi ông ta vừa quay lại để ra lệnh thì một luồng lửa đạn lóe lên, chiếu vào một khuôn mặt sát bên ông. Ông ta kêu lên:

— Cimourdain! Thầy đến đây làm gì?

Chính là Cimourdain thật. Ông ta đáp:

— Tôi đến để gần anh.

— Nhưng thầy vào đây sẽ hứng lấy cái chết.

— Vậy anh thì sao?

— Tôi cần ở đây. Thầy thì không.

— Vì anh ở đây nên tôi cũng cần ở đây.

— Không, thầy ạ…

— Có chứ, con!

Và Cimourdain vẫn đứng bên cạnh Gauvain.

Xác chết chất đống trên nền gian phòng thấp.

Lũy cố thủ chưa bị phá vỡ nhưng số đông tất nhiên cuối cùng phải thắng. Bên cố thủ nấp kín; mười người bên tấn công ngã xuống để đổi lấy một người bên bị vây, nhưng quân tấn công cứ thế nhau mà vào. Quân tấn công cứ tăng lên và bọn bị vây giảm sút dần.

Mười chín người bị vây đứng cả sau lũy cố thủ, cuộc chiến đấu đang diễn ra ở đó. Đã có người chết và bị thương. Còn chừng mười lăm người nữa đang chiến đấu. Một tên hung hãn nhất, tên Chante-en-Hiver, bị thương nặng. Đó là một người dân xứ Bretagne, thấp lùn, tóc quăn, thuộc loại bé choắt nhưng dai sức. Hắn bị thủng mắt và gãy quai hàm. Hắn còn đi được. Hắn lê dọc cầu thang xoáy ốc để lần lên tầng trên, hy vọng đến được đó mà cầu nguyện và chết.

Hắn dựa vào tường, cạnh lỗ châu mai, để gắng thở một chút.

Phía dưới, cuộc chém giết trước lũy cố thủ mỗi lúc thêm rợn. Trong một khoảng khắc, giữa hai loạt súng nổ, Cimourdain cất tiếng:

— Các người! Để cho máu chảy nữa làm gì? Các người chẳng còn hy vọng gì nữa. Hàng đi. Các người thử nghĩ, chúng ta những bốn nghìn năm trăm con người tấn công, các người chỉ có mười chín, nghĩa là hơn hai trăm người chọi một. Hãy hàng đi.

— Chấm dứt cái trò ba hoa ấy đi - Hầu tước Lantenac đáp.

Và hai mươi tiếng súng nổ trả lời Cimourdain.

Lũy cố thủ không cao lên đến trần; điều đó cho phép bọn bị vây đứng ở trên bắn xuống, nhưng cũng cho phép những người bao vây ở ngoài trèo qua được. Gauvain thét:

— Xung phong vào lũy cố thủ! Ai xung phong?

— Tôi - Đội viên Radoub trả lời.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK
Chương trước
Chương trước
Chương sau
Chương sau
Về đầu trang
Về đầu trang