• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Tổng Hội Thắp Lửa là một trang viên bề thế khoảng tám mẫu đất, nằm bên con đường giao thương huyết mạch, cách kinh thành Thăng Long khoảng hai mươi dặm về phía nam. Vì đêm tối Trần Lĩnh sơ ý đi đến gần kinh đô rồi mới gặp người để hỏi thăm đường nên khi quay lại trời đã sáng. Cũng may cho chàng, người chỉ đường là một tá điền đi thăm ruộng sớm, nếu không đã bị hoài nghi thân phận. Trần Lĩnh tự nhủ sẽ phải cẩn thận hơn. Chàng quyết sẽ không nói một lời nào nữa. Chàng cho rằng giả dạng một người câm đeo mặt nạ là dễ dàng nhất rồi, không làm được thì thật thảm hại.

Qua nhiều thửa ruộng đến trước trang viên lớn, Trần Lĩnh thấy một người ăn mặc như khách giang hồ, hông mang trường kiếm mở cổng đi ra, ngáp ngắn ngáp dài rồi hoa chân múa tay vài động tác gọi là khởi động. Chàng đi đến bối rối huơ tay lên. Thanh niên kia thấy chàng, mặt chuột của gã liền lộ vẻ vui mừng chạy đến nói: “Ông Cọp anh đã trở về, thật là may quá… hý hý… Anh lại đây ngồi đi, tôi bóp vai cho, anh đi đường không kể ngày đêm thật là vất vả quá… Thằng em này ngày nào cũng lo lắng cho anh, thắp hương cầu Trời Phật phù hộ cho anh bình an đấy.”

Trần Lĩnh không muốn từ chối sợ lộ thói quen của Ông Cọp thứ thiệt, nhân cơ hội này có thể biết thêm tý thông tin nào cũng hay. Chàng gật gù thản nhiên ngồi xuống chiếc ghế đẩu.

Phía trong có người nghe phong phanh liền nhảy ra đẩy anh kia nói: “Ông Cọp anh đừng tin hắn, tên Nam này nổi tiếng giảo hoạt, anh còn lạ gì, anh hãy để em đấm lưng cho, hay anh vào trong đi, em pha trà mời anh, cao thủ hạng nhất trong hội như anh lẽ nào ngồi trước cổng như chó trông nhà thế này!”

Gã tên Nam lại đẩy anh kia nói: “Khốn kiếp dám dành với tao, trong hội lúc nhỏ ai cũng từng gác cổng, mày nói thể chẳng lẽ chửi cả hội ư.”

Trần Lĩnh nghĩ thầm: “Hai cái tên này giành bợ đỡ là có ý gì… À đúng rồi, hồi tối Ông Cọp có nói giao thư sẽ được một trăm quan tiền thưởng. Hiểu rồi, hôm trước có gặp một gã thư sinh họ Nguyễn tự xưng là người trong hội Thắp Lửa này, hắn nói bắt một tên tội phạm không nguy hiểm lắm mà được tận năm mươi quan… Cái hội này cũng thật là hay. Ông Cọp chắc tánh hào phóng, dễ dãi nên bọn này cứ bợ đỡ.”

Gã kia lại nói: “Dù sao cũng không thể để ngài Cọp phải ngồi ở đây, anh đi vào trong nhé, em mời anh điểm tâm!”

Trần Lĩnh đứng dậy vỗ vai gã tên Nam tỏ ý yên tâm rồi theo gã kia đi vào sân trong.

Đi mười bộ đã thấy một cái cầu bắt qua hồ nước, nhìn xuống dưới chàng thấy đàn cá chép vàng khá đông, con nào con nấy to hơn bàn chân đang lăn tăn bơi lội, bên kia hồ là một đồng đỉnh cao lớn độ bốn thước. Vừa đặt nửa chân vào khách đường Trần Lĩnh choáng ngợp với không gian rộng rãi nơi đây. Có hơn ba chục bộ bàn ghế gỗ huê chế tác trang nhã sơn màu bóng bẩy. Chính đường là một bức tranh vẽ hình đám lửa lớn độc đáo vô cùng, hai bên là cầu thang đi lên tầng hai. Trông nơi đây chẳng khác một khách sạn hạng sang.

Trần Lĩnh được gã kia mời vào cái bàn gần cái quầy giống như quầy tính tiền ở những khách sạn khác. Chàng nhìn quanh thấy không gian được bày biện rất mãn nhãn, khắp nơi treo nhiều đèn hoa, tranh vẽ núi non, hổ, đại bàng… Trên những cây cột lớn sơn son gắn nhiều gốm sứ mẫu, cạnh đó có những chiếc đôn để các bức tượng điêu khắc tiểu đồng chăn trâu, thổi sáo, hái đào, thả diều bằng đồng bằng đá. Ở bức tường phía đông thì có nhiều bức tranh Khắc gỗ, ở phía tây là một bức điêu khắc đá mạ đồng lớn gần bằng bức tường dài bốn trượng miêu tả cảnh Trưng vương cưỡi voi đánh trận.

Trần Lĩnh thích thú ngắm nghía, chàng là con nhà bình dân, nên những nơi sang trọng bằng một nửa như thế này cũng chưa có cơ hơi chiêm ngưỡng qua. Một ý nghĩ thoáng qua đầu: “Thôi mình đừng để người ta nghi ngờ, cứ thản nhiên thôi!”

Giây lát sau gã dẫn đường đi ra trên tay là hai đĩa bánh, Trần Lĩnh vừa nhìn đã muốn ăn. Hình dáng những chiếc bánh này khá bắt mắt, có cái tròn trịa có cái vuông, có cái hình hoa năm cánh mềm mại, có cái hình bát giác góc cạnh, chúng có đủ năm màu sắc tươi ngon của những loại trái cây thường thấy. Gã kia lại vội vã chạy vào trong mang ra một bộ ấm trà nóng, tận tình rót ra mời tận tay Trần Lĩnh. Cũng may là chiếc mặt nạ cọp này được làm để đeo thường trực nên chừa cái miệng để ăn uống. Chàng bốc một chiếc bánh cốm xanh cho vào mồm, bánh còn nóng ấm, hương vị ngọt thanh, thơm lừng mùi đậu xanh khiến Trần Lĩnh thích thú vô cùng, bỗng nhiên có cảm giác từ trước đến giờ toàn ăn vụn bánh so với hương vị tuyệt vời của chiếc bánh cốm này.

Chàng thấy vị ngọt còn lưu nên nhấc chén trà lên định uống, vừa đưa lên gần mũi đã thấy mùi sen thơm ngào ngạt. Chàng thổi nhẹ và làm một hớp thấy hương vị ngọt nhẹ đăng đắng của là trà và vị thanh diệu của bông sen.

Gã kia nói: “Đây là trà sen Tây Hồ đặc biệt đấy ạ! Thường thường người ta chỉ dùng năm trăm, cao cấp một nghìn bông nhưng với loại cực phẩm này số lượng sen là hai nghìn bông sen thơm nhất cho một đấu, lá trà cũng chọn những lá tốt nhất, rồi còn thêm bạc hà, cam thảo và nhiều dược liệu quý hiếm cùng thuộc tính với các loại trên. Người làm ra loại trà này là thi sĩ, nghệ nhân Lý An Nam nổi danh trong nghề làm trà ở kinh đô. Cho nên loại trà thượng hạng này được bán với giá gấp mười lần, mà không, loại này chỉ dùng cho vua chúa, quyền quan. Khó khăn lắm em mới có được một túi, đặc biệt dành để chiêu đãi những anh hùng, chẳng quản gian nguy bảo vệ chính nghĩa như Ông Cọp anh đấy.”

Trần Lĩnh thấy anh chàng này miệng lưỡi không xương, nhưng cũng công nhận là loại trà này thật thơm ngon nhất từ khi chàng biết uống trà đến nay.

Chàng gật gù tỏ vẻ hài lòng rồi tiếp tục dùng các loại bánh khác, thưởng thức thêm trà, rồi vỗ vai anh chàng kia.

Gã cười nói: “Trần Đức em nhận ân huệ của anh quá nhiều rồi, bao nhiêu đây chẳng đáng là bao với công đức của anh với gia đình em. Nhờ số tiền lần trước mà thần lang trong hội đã chữa lành bệnh cho mẹ em. Từ nay chỉ cần anh nói một tiếng thằng em này nhất nhất làm theo… Ối chết em vô ý quá, chỉ cần anh viết giấy sai bảo em nhất định sẽ không làm anh thất vọng.”

Những lời cuối có chút xúc động. Nghe đối phương trần tình chàng mới vỡ lẻ, vậy mà chàng đã nghĩ anh ta nịnh bợ kiếm chác gì chứ. Chàng vỗ vài Trần Đức gật đầu tỏ ý chúc mừng.

Trần Đức nói: “Để em lên lầu xem hội trưởng đã dậy chưa, anh đi đường chắc mệt mỏi rồi, nên giao việc rồi về nhà nghỉ ngơi. Chiều ghé qua em sẽ chuẩn bị cho anh vài món ngon nhắm rượu, em đã dành sẵn một hủ Làng Vân thượng hạng để chiêu đãi anh rồi.”

Nói rồi gã họ Trần chạy lên gác, Trần Lĩnh nhìn theo dáng thoăn thoắt của anh ta tự nhủ: “Mình may mắn vậy sao? Cũng chẳng nên từ chối thịnh tình của người ta chứ… Anh chàng này chắc là anh nuôi lo việc bếp núc của hội này. Vậy cuộc sống ở đây sẽ dễ chịu rồi.”

Trần Lĩnh đi về phía bức điêu khắc Hai Bà Trưng, thầm thán phục những nét trạm trổ tinh xảo công phu, nhưng chi tiết nhỏ của kiệt tác này cũng được nghệ nhân dụng công tỉ mĩ.

Đang say sưa ngắm nghĩa chàng giật mình khi nghe tiếng quát: “Ối chà… Ông Cọp!” Quay đầu lại chàng thấy một trung niên khoảng ba mươi lăm tuổi có khuôn mặt lém lĩnh cùng bộ râu mép, phần giữa chẳng có gì hai bên dài đến môi dưới. Người này mặc bộ quần áo kiểu cách khá độc đáo nhưng vá chằn vá chịt, anh ta lại chọn những miếng vá có màu tươi như đỏ, cam, vàng… Trần Lĩnh bấm bụng: “Tên này không còn cách nào khác để thể hiện mình nghèo hay sao?”

Bỗng nhiên mắt người áo vá lộ ra những tia hung dữ, tăng tốc sấn tới tung quyền nhắm vào ngực chàng. Trần Lĩnh thối lui một bộ thủ thế, người kia đánh nửa chừng dừng lại đứng thẳng nở ra một nụ cười, liền bị ăn một cú đấm móc vào má phải, lạng chạng té vào cái bàn bên cạnh.

Trần Lĩnh theo phản xạ tung chiêu ai ngờ đối phương chỉ ra hư chiêu. Anh ta ôm má xuýt xoa méo máo ngóc đầu lên nói: “Này! Tôi giỡn thôi mà, cậu có cần đánh mạnh như vậy không!”

Đương lúc chàng chẳng biết tính sao thì một thiếu phụ khoảng ba mươi tuổi, dung mạo ưa nhìn, tác phong gọn gàn chỉnh chu, đi từ cửa đi đến vài bộ nói: “Đáng đời, ai bảo không bỏ cái tật cà chớn! Cọp! Cậu đánh phải lắm, bồi thêm cho anh ta một cước nữa đi!”

Gã áo vá quay về thiếu phụ ngoác miệng chửi: “Mụ lang băm, chỗ đàn ông xã giao cấm đàn bà trỏ miệng vào!”

Trần Lĩnh chẳng biết tính sao, giây lát chàng lại gần cúi đầu vỗ vai nạn nhân, anh ta chợi cười hề hề nói: “Không sao, vui quá được gặp lại cậu…” Rồi bất thần tung quyền đánh móc lên cằm chàng. Trần Lĩnh bất ngờ nhưng phản xạ cực nhanh lại nắm quyền đánh lưng bàn tay trái vào cái má trái còn lại của gã áo vá. Lực đạo cũng chẳng hề nhẹ, người kia lảo đảo hai ba bộ lại ôm má xoa xoa nói: “Cái tên đần sao lợi hại thế này!”

Thiếu phụ bị gọi là “lang băm” cười ha hả nói: “Áo Vá ơi, đừng có cố nữa, kéo bị đánh cha mẹ nhìn không ra!”

Gã Áo Vá nói: “Được thôi!” Rồi xã lã đi ngang qua trước mặt Trần Lĩnh bất ngờ lại tung quyền đánh ngang, lần này chàng kìm lại được nên để mặc cho anh ta ra chiêu, coi như có qua có lại. Ai ngờ quyền này đánh trúng vị trí cái mộc bài gỗ mun đen Trần Lĩnh để trong bọc áo. Nội Lực của chàng lại hùng hậu nên tựu trung chẳng thấy gì, còn gã Áo Vá thì ôm tay tỏ vẻ đau đớn nói: “Không chơi nữa! Không chơi nữa!” Rồi quay đi, mặt mày thiểu não.

Thiếu phụ kia lại cười khanh khách. Lúc đó anh chàng Trần Đức vừa đi xuống hướng về Trần Lĩnh nói: “Hội trưởng mới anh đó, anh Cọp!”

Trần Lĩnh lòng hồi họp cất chân đi, lúc lại gần cầu thang chàng thấy bức tường bên cạnh có dán nhiều hình vẽ mặt người, đoán đó có thể là những tấm truy nã của triều đình.

Chàng đi theo sau anh chàng tên Đức qua hai dãy nhà rồi đến căn phòng phía đông, kiểu cách bên ngoài cũng chẳng khác gì so với những phòng khác, có chăng rộng rãi hơn đôi chút.

Anh chàng kia tận tay gõ, bên trong nghe giọng một ông già nói “vào đi”, rồi gã mở cửa. Trần Lĩnh nhẹ cất chân vào thấy quanh xung quanh toàn là kệ sách các loại, ở góc phòng để độc một cái bàn và một chiếc ghế trống. Người ngồi đối diện là một ông lão già nua có khuôn mặt hồng hào đầy đặn phúc hậu, nhưng dáng người ông ốm o khác thường.

Trần Lĩnh rụt rè tiến từng bước lại chiếc ghế, cùng lúc móc trong ngực áo ra một lá thư cúi xuống chào rồi hai tay đưa cho ông già.

Lão hội trưởng chẳng để ý gì, đón lấy mở niêm phong móc ra hai tấm giấy. Tấm đầu tiên chỉ có vài dòng chữ, rồi ông già lại đọc tấm giấy thứ hai. Trần Lĩnh chỉ thấy được tấm giấy này có nhiều thông tin hơn và chữ viết cũng khác tấm giấy trước. Ngoài ra chàng chẳng có cơ hội đọc bức thư bên trong. Thấy ông già đọc thư xong trầm ngâm phóng mắt ra cửa sổ nơi tán cây bàng tỏa nhánh bắt đầu nhú chồi non. Chàng nhiều phen muốn xem nội dung bức thư nhưng chẳng biết đưa ra đề nghị bằng cách nào. Chàng tự nhủ: “Rất có thể những lời cuối cùng mà Ông Cọp chưa nói với mình là nội dung bức thư, nhưng biết tính sao bây giờ!”

Lát sau ông già mở cửa một hộc gỗ trên dàn tủ lớn, rồi lấy ra hai xâu tiền đặt lên bàn nói: “Đây là tiền thưởng của trò.” Rồi vẫy tay ra hiệu Trần Lĩnh lui ra.

Chàng lấy xâu tiền, cúi mình hơi thấp quay lưng đi ra, rồi nhẹ đóng cửa lại. Đi vài bộ chàng nhìn số tiền đoán khoảng bảy mươi quan, thì lấy làm lạ tự nhủ: “Hội này hết tiền rồi hay sao? Một tổ chức có danh tiếng sao lại công khai ăn chặn của hội viên nhỉ? Mình chẳng đáng được hưởng số tiền này, nhưng hành động của vị hội Trưởng kia thật kỳ lạ!”

Trần Lĩnh đi xuống lúc đó ở chánh đường có hai người mới đến. Gồm một ông già mình trần để lộ cơ bắp vạm vỡ, râu tóc ông ta rậm, cắt ngắn và bạc trắng một màu. Mặt mũi ông ta khá hung tợn và có nét cương mãnh. Người kia là một thiếu niên khoảng mười lăm tuổi, cậu ta có ánh nhìn lạnh lùng, ăn bận bộ quần áo được may bằng thứ vải thượng hạng, đắt tiền. Hai tay cậu cứ ôm khư khư thanh kiếm có vỏ và chui mạ vàng khắc phụng, đính thêm tám viên ngọc tròn màu đỏ ở hai bên chui kiếm.

Trần Đức đi đến dẫn Trần Lĩnh sang bức tường để tranh khắc gỗ, rồi theo hành lang hai người đi qua nhiều dãy nhà, trong khuôn viên này trồng nhiều các loại hoa, cây cảnh được tỉa tót cẩn trọng. Đương độ xuân về khắp nơi đâm chồi nẩy lộc thật khiến cho người ta phải thích mắt.

Đi thêm một đoạn khoảng chục trượng là hết dãy hành lang lợp mái ngói. Cả hai bước xuống năm bậc thềm tiếp tục đi theo con đường lót đá xanh. Trần Lĩnh nhìn quanh thì thấy những gian nhà khu này có vẻ bình dân, cũ kỹ và thưa thớt hơn. Chàng nhìn về phía bắc thì thấy có con kênh xanh đang êm ả trôi, ngồi trên bờ là tám người phụ nữ, lớn tuổi có, thanh niên có, trẻ con có, họ đang giặt và phơi quần áo.

Chàng không bận tâm thêm, nghĩ bụng sẽ giao số tiền thưởng lại cho gia đình Ông Cọp và cho anh chàng Trần Đức kia năm quan tiền, cho xứng đáng cái lòng nhiệt thành của anh ta đối với mình.

Trần Đức nói: “Mẹ em muốn đích thân cảm ơn anh! Mẹ em giờ khỏe lắm, có thể tự đi lại được rồi! Mẹ…”

Thấy anh chàng kia chạy vội, Trần Lĩnh cũng chạy theo. Đàng xa trước mặt là một người phụ nữ khoảng ngũ tuần đang nhặt củi, Trần Đức lại gần cản lại nói: “Mẹ! Mẹ đừng làm việc nặng chứ, mẹ chỉ mới khỏe lại thôi mà! À… Đây là anh Cọp, người đã giúp đỡ mình!”

Trần Lĩnh cúi chào, người phụ nữ cũng cúi đầu nói: “Đội ơn cậu đã chuộc lại cái mạng cho già!”

Chàng vội cúi theo đỡ tay và vỗ lòng bàn tay bà tỏ ý nói: “Bác cố gắn giữ gìn!” Thế rồi Trần Lĩnh được mời vào nhà dùng trà, vì chàng chẳng nói năng gì nên cuộc trò chuyện diễn ra không quá lâu, chàng lén để lại trên bàn năm quan tiền mà hai người kia không hay biết.

Lát sau tiễn chân Trần Lĩnh ra đường Trần Đức không hiểu nội tình nên bỏ mặc chàng giữa một nơi xa lạ rồi quay về chính đường làm phận sự. Chàng chẳng biết nhà mình, hay đúng hơn là nhà Ông Cọp ở đâu. Chàng lại không tiện mở lời, nên chẳng biết theo hướng nào.

Chàng cứ đi lòng vòng một chặp rồi mất phương hướng. Nhiều lúc muốn quay lại chính đường nhưng càng lần mò thấy càng lạc lối. Chàng đứng trước một ngôi nhà tồi tàn định đi vào hỏi hang nhưng nghĩ sao cũng không thấy tiện nên lại chần chừ đi tới đi lui.

Lại đi về hướng con kênh, chợt thấy một ông già đang câu cá, chàng đi lại ngồi cạnh bên bãi cỏ cách ông già một trượng, chẳng thể nói nên cứ lặng im phóng mắt ra đằng trước.

Ông già nhìn cậu, chẳng lộ vẻ gì khác lạ, rồi lại quay sang tiếp tục nhịp cần câu.

Một lúc sau có con cá lớn gần bằng nửa bàn tay cắn câu, ông già giật lên cười ha hả nói: “Chết mày đi, tên khốn nạn!” Rồi ông gỡ lưỡi câu ném con cá vào giỏ, mắc mồi lại quăng cần tiếp.

Không bao lâu lại được một con còn lớn hơn, ông già lại chửi: “Tên háo gái dám làm buồn lòng cháu của ông hả?” Rồi lại quăng con cá vào giỏ.

Trần Lĩnh chẳng hiểu lão chửi ai, cứ kiên nhẫn chờ lão câu cá xong rồi sẽ tính cách đi theo.

Lần này chẳng có con nào đến ăn nữa, Trần Lĩnh nhìn một hồi lâu rồi lim dim con mắt, nằm ngửa ra ngủ luôn.

Vì nằm dưới bóng râm mát lại đúng ngày trời đẹp nên chàng ngủ thẳng cẳng đến chiều. Lúc tỉnh dậy chàng nhìn quanh chẳng thấy ai, đang định đi thì thấy trên bãi cỏ là hai con cá nướng được đặt trên tấm lá chuối.

Trần Lĩnh chẳng đề phòng gì, cứ thế nắm một con ăn luôn. Rồi khen thầm: “Nướng chín giòn cả xương, da cá mới đến độ vàng sẫm chưa cháy, gia vị vừa vặn và rất thơm.”

Xong xuôi, hai con cá đã được hóa kiếp, chàng rửa tay, rửa miệng rồi ôm bụng xoa xoa đi lên.

Đi một đoạn độ năm trượng chàng nghe tiếng gọi lớn từ phía sau: “Anh Cọp…” Trần Lĩnh quay lại thì thấy một người phụ nữ khoảng ba mươi chạy đến nói: “Ôi! Em nhớ anh quá… Gặp được anh em mừng quá!” Nói rồi cô nàng chạy đến ôm chầm lấy người chàng.

Trần Lĩnh đỏ mặt tía tai, cũng may nhờ có cái mặt nạ nên không ai phát giác ra dáng vẻ kỳ lạ của chàng. Chàng vội đẩy nhẹ cô gái ra, nghĩ thầm: “Đừng nói cái anh chàng Cọp thứ thiệt có vợ rồi nghe! Sẽ phiền phức lắm đấy!”

Cô gái kia mặc bộ đồ tứ thân hơi thiếu kín đáo, khuôn mặt cô ưa nhìn ngoại trừ nốt ruồi to như hạt tiêu, cách mép miệng phải độ một phân. Cô õng ẹo lại nói: “Nhớ anh quá đi mất à… Chúng mình mau về nhà đi! Em sẽ chuẩn bị những món ngon nhất để chiêu đãi anh, chịu không nào?”

Trần Lĩnh chẳng còn cách nào khác, chàng để mặc cho cô gái kia kéo tay đi. Trên đường nhiều người đẩu mắt nhìn họ xì xào to nhỏ.

Đi sang hướng đông độ hai mươi trượng, chàng thấy trước mặt là ba người ngược hướng đi tới. Chàng thấy một người thanh niên mặt ngọc tuấn tú, ngũ quan sáng rỡ thì giật mình. Rồi cứ nhìn theo không rời mắt.

Một thanh niên khác cười méo miệng nhìn chàng nói: “Anh Cọp nhà mình đào hoa quá ta!”

Trần Lĩnh xoay chuyển ánh nhìn sang thì thấy thanh niên này mặt rất quen, suy nghĩ giây lát chàng nhận ra chính là gã tú tài mà mình đã gặp ở làng Quảng Xương cách đây bốn hôm. Đi cùng anh ta còn có một lão già đứng tuổi, thật ra là Vệ Đông cãi trang. Hoài Đông lúc đầu có nhìn chàng vì hiếu kỳ, rồi nàng nhanh chóng rời mắt đi.

Trần Lĩnh lắc đầu nghĩ: “Mình điên đảo mất rồi!”

Chàng lại đi theo cô gái lạ kia đến một ngôi nhà bậc trung. Khu này có vẻ nhà cửa nhiều hơn. Chàng nhìn quanh thì thấy nhiều thanh niên đang đục đẻo gỗ đá nghe tiếng tách tách, keng keng miên man liên hồi. Đoán chắc những người này là thợ thủ công, cả khu này đều là những người như vậy.

Họ đều nhìn chàng giây lát rồi không ai nói gì, cứ tiếp tục công việc. Chàng thấy lạ nghĩ thầm: “Những người này rõ ràng có biết Ông Cọp mới không tỏ ra ngạc nhiên. Nhưng sao họ không chào hỏi gì cả… À đúng rồi, Ông Cọp không nói một lời nên chẳng giao du với ai. Lại là người sống trên lưỡi gươm ngọn giáo nên không ai dám đến gần làm bạn. Vậy cũng tốt, đỡ rắc rối!”

Cô gái dẫn chàng vào một căn nhà, lúc đó hoàng hôn đã buông xuống, một vài nhà đã đốt đèn, Trần Lĩnh nhìn ra đường thì thấy có ba người chia nhau đi mồi lửa cho những cây đèn lồng treo trên những thân cây, trụ đá lớn nhỏ.

Cô gái cầm cây nén đi mồi khắp nơi rồi đi đóng tất cả cửa nẻo lại. Đến đây Trần Lĩnh chắc chắn cô ta chính là vợ của ông cọp thứ thiệt. Chàng rùng mình nghĩ thầm: “Mình vẫn còn là trai tân tại sao lại lâm vào cảnh này chứ, lát nữa cô ta đòi hỏi mình biết tính sao đây?” Rồi chàng xoay chuyển ý nghĩa ngược xuôi nhiều lần mà vẫn thấy bế tắc.

Lát sau cô gái dọn ra bàn một vài món nhắm được chuẩn bị sẵn và hai hủ rượu trắng rồi xuống nhà dưới, chàng loay hoay chẳng biết làm gì nên cứ rót rượu ra uống một hớp.

“Anh hư lắm nhé! Chưa đợi em ra đã tự ý uống rồi… Sao vậy, Không được bình tĩnh à! Hi hi…”

Nghe lời đẩy đưa Trần Lĩnh nóng mặt rần rần, đằng sau chiếc mặt nạ chúa sơn lâm lại là một chú thỏ đế đang run lên vì ý nghĩ chẳng hay ho gì trong đầu.

Cô gái đi đến ngồi cạnh, lại còn cố ý kéo ghế sát, chạm da chạm thịt vào người chàng. Lúc này cô đã cởi bỏ những lớp áo ngoài, tấm thân trắng ngà chỉ độc nhất chiếc yếm hồng thêu ngân tuyến.

Mũi nghe mùi u hương ngào ngạt, mắt thấy những đường cong gợi cảm lấp ló sau chiếc áo yếm hời hợt, tai còn bị rót vào những lời đường mật đến tái tê tâm thần. Trần Lĩnh cứ thế, bị từng đợt sóng dục vọng kéo đến thách thức.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK