Trần Lĩnh đoán có người đến gây sự nhưng vẫn thản nhiên rót rượu nhàn nhã uống.
Một nam tử trung niên ăn bận lam lũ xông vào. Ông ta có cặp mắt lớn hơi lồi, mày rậm, mũi trâu, khuôn mặt vuông vức, ánh nhìn để lộ những tia sáng dữ dằng nhưng trong một vài sát na cứ như người mất phương hướng, nhìn đông ngó tây một cách hồ đồ. Anh chàng tên Nam canh cửa với phận sự đưa đường cho khách, cố sức ngăn nam tử kia một cách vô vọng.
Tên Nam nói: “May quá, anh Cọp, hắn đến hùng hùng hổ hổ làm càn, em không ngăn lại được, anh coi đuổi tên điên này với.”
Lúc này đương trường chỉ có một mình Trần Lĩnh đang ngồi. Chàng vẫn thản nhiên rót rượu chậm rãi uống, rồi hất tay ra hiệu tên Nam yên tâm để mình giải quyết. Nam cười gượng lại đi ra.
Người đàn ông vừa đến, tiến lại gần chàng dương nắm đấm quát lên: “Này tên kia, mau đi gọi hội chủ của mày ra đây… mau gọi hắn ra đây.”
Trần Lĩnh vẫn hờ hững, lúc đó Trần Đức nghe động đi ra quát: “Tên mũi trâu kia, ngươi biết đây là đâu không mà đến làm rộn.”
Tên kia mắt lô hung quang, phun một bãi nước miếng nói: “Nơi đây là cái chó gì, ông nội chúng mày chẳng cần quan tâm… Nếu không giao Bình nhi của ta ra thì đừng có trách.”
Trần Đức hơi ngạc nhiên rồi quát: “Này Binh nhi gì ai biết, lão nói năng cẩn thận dùm cho!”
Lúc này Trần Lĩnh mới để ý, người đàn ông này đầu tóc bù xù, rủ rượi, quần áo lôi thôi dơ dáy, lại thấy ông ta to gan xông vào một tổ chức lớn của triều đình, chàng đoán chắc lão bị điên, không sai được.
Người trung niên dương cặp mắt lên, đồng tử đẩy đưa vô hồn, hắn la oai oải: “Không! Tao không biết, trả thằng nhỏ lại cho tao… trả đây, trả đây…Các người bắt nó chứ gì…”
Nói rồi lão xông lên chụp lấy vai Trần Đức mà đẩy tới đẩy lui. Lúc đó bốn người từ cửa hông bên trái đi vào, bao gồm ông già lực lưỡng, cậu nhóc lạnh lùng, cô gái thầy lang của hội và anh chàng Long Đầu. Ông già lực lưỡng quát lên: “Chuyện gì thế, lão già này từ đây chui ra vậy!”
Lão già điên đảo quay lại la oai oải, bỗng nhiên mắt ông lộ vẻ xúc động, lẩm bẩm: “Bình nhi, là con… đúng là con rồi!” Vừa nói lão vừa tiến về phía bốn người. Khoảng cách càng gần thấy ánh mắt ông ta tập trung về cậu bé lạnh lùng.
Mọi người ngạc nhiên khi thấy ông lão nhảy đến ôm chầm lấy cậu bé rồi ra sức lây động, hôn ngực, vô vai, nước mắt lưng tròng.
Cậu bé huơ tay một cái thật mạnh, mắt tuyệt nhiên chẳng thay đổi gì. Ông già bị đẩy té sang một bên, mặt ông lộ vẻ đau khổ nói: “Con trai, con sao vậy, con giận cha sao… chúng ta về nhà đi, cha sẽ chữa lành bệnh cho con!”
Ông già cứ ôm cậu bé, để rồi liên tiếp bị đẩy ngã. Trần Lĩnh thấy ông ta khốn khổ, lấy làm bất nhẫn. Long Đầu đi đến diều ông lão ngồi xuống một cái ghế nhưng ông cương quyết vùng vằng. Cô gái thầy lang mắt sáng lên như hiểu ra điều gì đó, cô liền sấn tới, điểm vào dưới cổ ông ta, móc một viên thuốc nhét vào họng rồi đẩy cổ ông lên.
Ông già đã nuốt viên thuốc, nhưng vẫn khóc rống, kể lể, nước mắt, nước mũi chảy tùm lum. Long đầu ôm hai tay ông ta không cho chạy loạn, anh hướng mắt giác nhiên nhìn cô thầy thuốc nói: “Hàn Chi, việc này là sao?”
Cô gái Hàn Chi nói: “Cứ giữ ông ta một lát đi, phiền anh vậy!” Nói rồi cô và hai người kia ngồi xuống bàn. Trần Đức đến hỏi hang.
Ông già kêu la giây lát rồi nhỏ tiếng lần, sau cũng mê man, ú ớ vài tiếng. Hàn Chi uống cạn tách trà mới nói: “Ông ta là đệ nhất thần lang của Cồ Việt ta đấy!” Mọi người “ồ” lên một tiếng ngạc nhiên.
Long Đầu dục: “Sao cô biết, đã có chuyện gì xảy ra với ông ta?” Trần Lĩnh tò mò cũng hướng tai về phía cô gái, để nghe ngóng.
Hàn Chi nói: “Ông ta tên là Hồ Nhật… Từ khi mới lên bảy đã biết bốc thuốc, và nhớ tên hầu hết các loại thảo dược. Ông đi học nhiều thầy thuốc nổi tiếng khác trong thiên hạ… Đến năm hai mươi lăm tuổi, không bệnh nào ông không chữa được. Y thuật ông cao minh nên được mời vào triều làm ngự y, nhưng sau hai năm lại từ quan ở ẩn. Sống đời nhàn hạ với một cô gái Chiêm Thành. Hội trưởng chúng ta từng có lúc được ông ta cứu chữa. Các cậu hãy đối xử tốt với ông ấy.
Ông lão họ Hồ này bốc thuốc ở một làng nhỏ đất Cổ Pháp, bên cạnh bờ sông Lục Đầu. Với y thuật cao minh, đức độ cùng với lối sống thanh đạm, ông nhanh chóng được mọi người biết đến và tôn vinh là thần lang, là Bụt sống.
Những tưởng cuộc sống sẽ êm đềm. Vợ ông chẳng may sinh khó nên ông ta chỉ giữ được đứa con. Rồi thằng bé cũng lớn. Đến năm nó bằng tuổi Ân Kha nhóc con này đây, chẳng hiểu nội tình gì cậu con trai bị một tên áo đen nội công cao thâm đánh một chưởng. Cậu bé có luyện võ, nhưng chưởng lực đối phương quá bá đạo, dù cố gắn hết sức, tìm đủ mọi phương cách nhưng thần lang đây vẫn không tài nào chữa khỏi. Từ đó ông ta điên loạn, đi khắp nơi tìm những kẻ võ công cao cường mong báo thù, đòi lại đứa con… Rồi thấy đứa trẻ nào có dáng dấp hơi giống con mình là chạy đến khóc lóc, ôm ấp… Thậm chí bắt cóc. Ở nhiều vùng quê mà ông ta lang thang, mọi người gọi thần lang là “Ông Kẹ.” Ôi! Bảy năm rồi, ông đến đâu cũng bị đánh đập, xua đuổi … Thật tội nghiệp… ôi nhân tài nhưng trời đãi bạc.”
Nói xong Hàn Chi than thở một tràng, mọi người cũng nói vài lời cảm thán, riêng cậu bé Ân Kha mặt vẫn lạnh như tiền.
Hàn Chi nói thêm: “Nghe nói ba năm trước ông ta được một gia đình mà ông ban ơn cứu giúp, họ dẫn ông về chăm sóc, báo ân, nhưng chẳng hiểu sao ông ta lại lang thang đến đây…”
Long Đầu hớp miếng trà nói: “Giờ cô tính sao?” Hàn Chi thở dài nói: “Thầy tôi và ông ấy có mối thâm giao, tôi phải nghĩ cách gì đó để chữa khỏi cho ông ấy… Tôi thấy bất nhẫn quá!”
“Hoan hô!” Long Đầu cười nói: “Ủng hộ cô đấy, nhưng đi hái thuốc đừng phiền tôi nghe, tôi sẽ không đi nữa đâu! Lên miền cao bị gái bản dí chạy té khói, tôi mệt lắm!”
Hàn Chi bĩu môi liếc xéo nói: “Làm như đẹp trai lắm không bằng, chỉ có Lan Ly ngốc nghếch mới thích hạng dẻo mồm như anh thôi!”
“Đàn bà con gái các cô thật là!” Long Đầu mắt ánh lên những tia tự đắc nói: “Thích thì nói thích giả đò chê người khác, Lan Ly bỏ tôi cô ưa không?”
“Ai thèm!” Hàn Chi hơi lộ khí tức nói: “Chưa thấy ai mặt dày như anh!”
“Ha ha… Nghe ngữ điệu tôi biết là cô say nắng tôi rồi! Ối chao! Đẹp trai khổ thật đấy!” Long Đầu chợt xoay chuyển sang Trần Lĩnh nói: “Ê Cọp, sao mấy bữa nay thấy ông bạn thích bắt chước lão Lưu Công này thế. Cứ thích súc miệng bằng rượu à… Đừng nói là ganh tỵ với khả năng sát gái của tôi nên buồn bực chứ!”
Lưu Công là ông già lực lưỡng, lão lộ khí tức nói: “Tên cà chớn, đừng có huyên thuyên tầm bậy. Hắn uống rượu sáng sớm vì hiểu ra đạo lý, rượu là tinh hoa trời đất, phải uống vào buổi sớm tinh sương mới ngon, mới sảng khoái cả ngày!”
“Chứ không phải bợm nhậu, không phải là đầy tớ của những con sâu rượu hay sao?” Long Đầu cãi và thế là đôi bên đối đáp ồn ào qua lại. Hàn Chi càu mày gọi Trần Đức nói: “Cậu giúp tôi đưa lão họ Hồ một đoạn. Được chứ?”
Trần Đức nói: “Tất nhiên là em không từ chối rồi!”
“Lão già cà chớn, cà chác… đừng tưởng lớn tuổi là ngon nghe!” Long Đầu nói giọng hơi nóng, lão Lưu Công quát: “Thằng mất dạy, cha mẹ mày không làm đến nơi đến chốn thì họ Lưu này sẽ giúp họ ngay đây!”
Cậu bé Ân Kha vẫn giữ nét lạnh lùng, thản nhiên ăn bánh uống trà, Trần Đức và Hàn Chi cũng chẳng bận tâm can ngăn hai gã đàn ông kia, họ đỡ ông già họ Hồ đi ra cửa hông. Trần Lĩnh lấy làm ngạc nhiên rồi hiểu ra chắc việc họ cãi cọ, đánh nhau đã là thường lệ, đến nổi ai cũng chán ngáy.
Ông già họ Lưu đá cái ghế bay tới đối phương, rồi xuất quyền đánh ra chẳng khoang nhượng. Đầu Rồng tiện chân tung một cước đá bay chiếc ghế nặng sang một bên, rồi đỡ gạt chiêu quyền của đối phương, liên tiếp xoay chuyển thân người đánh tới tấp chục chiêu còn mãnh liệt hơn ông già.
Mỗi lần đỡ một chiêu, Trần Lĩnh thấy cánh tay ông già họ Lưu hơi chấn động, và cứ thế càng về sau sự chấn động đó càng rõ rệt hơn. Mười chiêu sau, khi đối thủ tiến vội, trật vị trí tốt trong tầm quyền, ông già la lên một tiếng, gằng mạnh song quyền đánh ngang vào lưng bàn tay đối phương. Ông vận động nội khí thâm trầm dao động, sau cú gằng, quyền phải ông già đánh tới, nội khí đã căng đầy ở huyệt Lao Cung trong lòng bàn tay.
Long đầu rút song quyền thủ trước ngực, nhưng cú đấm của ông già quá ư mạnh mẽ, Long Đầu bị đẩy thối lui bốn bộ, theo quán tính thân người vẫn lui tiếp, anh gằng cước lại được sau khi lui ba bộ nữa. Thế mới biết khả năng vận khí của ông già ở mức độ nào, trong khi bị lấn áp liên tục của ông ta vẫn huy động nội lực căng đầy, Trần Lĩnh thầm kính nể và tự nhủ không thể làm được như ông ta.
Long Đầu lại xông đến, quyền cước thay nhau đánh ra nhanh và hoa mỹ đến mức làm Trần Lĩnh lóa cả mắt. Bộ quyền cước của anh ta có sự liên kết chặt chẽ, quyền đánh tới thì cước phòng thủ cho phương án bất ngờ, ngược lại nếu cước chiêu tung hết nhưng đá vào khoảng không, thì các chiêu quyền liên hoàn nhanh chóng chuộc lại sai lầm cho cước chiêu. Chưa hết, nhờ thân pháp linh hoạt, lúc phóng lên anh ta công xuống thế như chẽ tre, có lúc thấp người đánh chéo lên một cách bất ngờ vào những chỗ yếu hại của đối phương. Rồi còn đánh cước hậu, quyền hậu, cong người đánh chéo, xoay chuyển đá móc lên, toàn những chiêu thức linh hoạt và khó sử dụng.
Đánh hơn trăm chiêu diệu dụng, nhưng ông già với nội công tinh hóa vẫn chống cự được. Trong một thế phi cước tung hoành của Long Đầu, ông Già họ Lưu vận lực đầy đặn chống đỡ trong thế khó khăn. Hai cước dọc ngang đánh ra nhanh như cùng lúc, uy lực mạnh mẽ cách không đả lực. Sat na sau đó, trong thế khó khăn Long Đầu đảo người chúi xuống mà chẳng cần ngừng nghỉ, song quyền thay phiên nhau đứng trụ hoặc công chân ông già, cùng lúc song cước cong lại đá liên hoàn vào đầu ông ta.
Chiêu “Phi cước tung hoành” đứng trong hàng ngũ những chiêu thức khó sử dụng. Đánh ra đã khó, vận lực đã hao tốn, nhưng Long Đầu kia còn sẵn thế đánh ra liên hoàn chiêu thức trong tình trạng chổng ngược.
Ông già mặt lộ vẻ kinh dị, liên tiếp bị công chân, công đầu chẳng nể nang. Long đầu trụ song quyền rồi bật người lên thế chéo ngang “Đông Bắc, Tây Nam”, đá một chiêu cước mãnh liệt vào má phải ông già họ Lưu, khiến thân người ông văng đi, ngã vào bộ bàn ghế cách đó năm bộ.
Trần Lĩnh đứng lên há hốc, mắt lộ vẻ kinh ngạc đến tột độ. Thế cước Đông Bắc Tây Nam là khó khăn, độc nhất hàng đầu, chàng đã từng nghe ông thầy dạy võ của mình ở Hạ Long cho hay. Ở giữa hai hướng Đông và Bắc người ta gọi là hướng Đông Bắc, tương tự giữa Tây và Nam gọi là hướng Tây Nam. Người có thể giữ được thế chéo người như thế đánh ra một chiêu đối phương thật không biết thế nào mà phòng bị, hơn nữa đó là một tư thế trong mật pháp cổ dùng để dưỡng thân. Luyện lâu giữ ở tư thế đó khí lực toàn thân vận động đến mức tốt ưu, ngăn ngừa bệnh tật, hỗ trợ thiền công.
Ông già họ Lưu lảo đảo đứng dậy, mắt nhướng lên nói: "Không thể như vậy được!"
“Tại lão ép tôi xuất tuyệt chiêu đấy...” Rồi anh ta nhìn Trần Lĩnh giật mình thoảng thót: “Ối chao! Cái tên Cọp nhìn ra rồi… Mà thôi kệ, chấp hắn có sự đề phòng luôn! Ngày tiễn ông táo vẫn phải làm bại tướng dưới tay Minh Toàn này, ha ha…”
“Ngày hai mươi ba không cần các cậu đến dự đâu!” Giọng nói uy nghiêm quen thuộc, mọi người cung tay chào hội trưởng, Long Đầu để lộ bộ mặt khó hiểu nói: “Nghĩa là sao?”
Võ Quốc Anh đi xuống những bậc thềm, tiến về phía Long Đầu, hướng mắt về Trần Lĩnh nói: “Long Đầu, Hổ Diện nghe đây!”
Long đầu cúi mình, Trần Lĩnh lúc đầu hơi lóng ngóng nhưng sau đó cũng đi đến, cúi đầu rất thấp. Võ hội trưởng nói: “Nhiệm vụ của các cậu là quét sạch cái liên minh Đông Hải.”
Trần Lĩnh há hốc, Long Đầu nhướng mày nói: “Vậy điều động bao nhiêu quân! Hội trưởng đã có tiên liệu chưa, việc này thật bất ngờ!”
Võ hội trưởng cười chỉ tay nói: “Chỉ hai cậu thôi, năm tên đầu lĩnh sẽ hội họp, chỉ cần bắt hoặc lấy đầu hết thẩy bọn chúng.”
“Nhưng tại sao lại là bọn tôi… đang nóng lòng chờ đến ngày hai mươi ba để gỡ cái nhục năm ngoái bị thua tên Cọp, thế mà… hội trưởng chơi gì kỳ vậy!” Long đầu tự tiện nhận xét cấp trên, Trần Lĩnh lấy làm kỳ, chàng nhớ lại anh ta là tướng quân, nghe Trần Đức xỏ xiên mà chẳng giận. Ngẫm nghĩ giây lát chàng hiểu ra anh chàng này tánh tình kỳ quái, chẳng phân tôn ty, thậm chí lão họ Lưu đáng tuổi cha chú mình, anh ta cũng sẵn sàng đôi co, rồi đánh nhau chẳng nể nang gì.”
Vị hội trưởng dường như biết tánh nên chẳng giận, thật ra với cương vị là thành viên trong hội, Long Đầu mới đôi co lại, còn khi ở cương vị là Uy Vệ tướng quân dưới cấp Địch Thắng đại tướng, anh ta còn nghiêm chỉnh tuân theo quân lệnh hơn bất kỳ ai.
Võ lão cười nói: “Ai bảo cậu đánh hay quá làm chi, tôi định để lão Lưu đi, nhưng thấy cậu võ công đại tiến mà không cho cậu cơ hội thể hiện thì thật có lỗi … Cậu đi với Hổ Diện, ưng đánh mấy trăm hiệp mà không được.”
“Quan trọng là cái nhục năm ngoái, trước mặt cả trăm người để thua cái tên Cọp kia, làm bao nhiêu chị em, vốn thần tượng Minh Toàn này phải thất vọng…” Long Đầu nói giọng buồn buồn, Trần Lĩnh bất giác cười thầm trong bụng, rồi chàng xoay chuyển nghĩ thầm: “Đi làm nhiệm vụ với anh ta cũng hay, tránh để lộ võ công trong cuộc tỷ đấu. Các chiêu thức của họ Lê mình đã hiểu hết nhưng vẫn chưa có cơ hội vận dụng…”
Võ lão cười nói: “Hai cậu về chuẩn bị rồi trưa nay xuất phát ngay đi, nếu làm nhanh gọn có thể kịp về dự hội tỷ võ đấy. Trên đường đi ta đã sắp xếp người tiếp ứng. Hành động nên kín kẽ để tránh bức cây động rừng. Sự bình ổn của miền đông nhờ cả vào hai cậu đó… Chúng ta không chờ có loạn mới đánh như xưa nữa, phải tiêu diệt mầm mống bạo loạn khi nó mới manh nha trong trứng!”
Hai người Long, Hổ đáp “dạ”, Võ hội trưởng vỗ vai động viên, hứa hẹn xong nhiệm vụ này mỗi người được thưởng hai trăm quan.
Trần Lĩnh quay ra cửa hông, chẳng hiểu sao lại đi về phía những dãy nhà lớn. Ngang qua hành lang dài năm mươi trượng, chàng đến một khu nhà khoảng mười gian mỗi bên. Cạnh các gian phòng này có nhiều hoa cỏ, vật dụng bài trí mãn nhãn, gọn gàn và sạch sẽ.
Chàng đi vào con đường nhỏ trong vườn cây cảnh, nấp sau một cái cây tỉa hình nón cao một trượng, chàng phóng mắt về cái bàn đá dưới gốc xoài bên cạnh gian nhà thứ hai, bên phải, thấy ba người phụ nữ. Hai người đang ngồi dùng trà quay lưng về phía chàng, còn người kia là Vệ Đông, cô đang múa máy thanh kiếm liên hồi.
Bộ kiếm pháp này chắc Phượng Vĩ mới dạy cho cô, Vệ Đông sử cũng khá thành thục rồi, tư thế ra chiêu rất linh hoạt. Nhưng Trần Lĩnh không bận tâm lâu, chàng phóng mắt về cái lưng thong thả, mái tóc đen nhánh dài mượt mà của người áo vàng.
Chốc lát sau Hoài Đông quay sang Phượng Vĩ nói gì đó, nàng cười rất tươi. Trần Lĩnh xao xuyến trong lòng, chốc lát sau lẩm bẩm: “Anh đi đây, Hoài Đông!”
Chàng quay lưng cùng với những bước chân nặng nề. Về đến nhà chàng xếp đặt mọi thứ gọn gàng, lau dọn bàn thờ rồi thắp bó nhang lớn khấn vái. Thấy cơm canh của cô gái câm nhà bên vẫn ở đó. Chàng ngồi xuống nhìn chúng mà lòng nặng trĩu.
“Lĩnh ơi là Lĩnh, vẫn chưa điều tra được gì, còn vướng víu bao chuyện rắc rối… Lá thư mình gởi về nhà không biết cha đã nhận được chưa…”
Trần Lĩnh đến chính đường, phải chờ Long Đầu đi đôn đốc, dặn dò thuộc hạ của anh ta mất một canh giờ. Chàng chẳng biết nơi đóng quân ở đâu để tìm kiếm.
Lát sau thấy Nam đi vào hướng đường, Trần Lĩnh đi theo ra đến cổng thì thấy Long Đầu đang ngồi trên lưng một con ngựa trắng cao lớn lông dài mượt mà, yên cương cũng rất mãn nhãn, anh ta còn dắt theo con ngựa màu gạch khác trông yếu ớt và xấu hơn rất nhiều.
Một kỵ sĩ mặc quan bào từ hướng bắc phóng về phía họ, dừng ngay trước cổng nói: “Có công hàm của Khai Quốc Vương đây!” Rồi đưa ra tấm tín lệnh. Nam thấy anh lính liền chào xã giao vài câu, dẫn anh ta đi vào chính đường. Trần Lĩnh quay đi mà chẳng hay biết rằng, lệnh truy nã của chàng đã bị bãi bỏ.
Trần Lĩnh để lộ vẻ lóng ngóng, chàng đâu biết cưỡi ngựa, tâm tư liền bất an. Long Đầu đưa cái roi rồi cứ dục, chàng đành tiến lại gần con ngựa nhưng nhất thời chưa leo lên.
“Nhanh lên ông nội!” Long Đầu lộ vẻ khó hiểu, nhăn mặt nói: “Đứng nói đau bụng, muốn đi nhà xí đấy… Chung bọn với ông là tôi ngán nhất đời! Suốt ngày lầm lỳ, tôi phải nói một mình, các cô gái nhìn vào tưởng tôi điên cái chắc.”
Trần Lĩnh thấy bàn đạp, chàng đánh bạo phóng lên lưng con ngựa, vì vội nên thân người liền lảo đảo, chới với. Chàng vô tình kéo dây cương, thúc vào bụng, con ngựa hý lên một tràng rồi chạy tuốt.
Long Đầu chạy theo quát: “Hướng nam cơ mà!” Trần Lĩnh ngồi trên lưng ngựa chạy một đoạn chục trượng, mới hiểu ra cách thắng dây cương, rồi chàng kéo đầu con ngựa về cánh trái, quay ngược lại, đứng im. Long Đầu lúc đó chạy tới, anh ta tỏ rõ vẻ mặt bực mình, quay đầu về hướng nam thúc ngựa chạy đi.
Trần Lĩnh đứng giây lát rồi mới hiểu ra cần quất roi vào mông con ngựa. Lúc Long Đầu chạy vài trượng quay đầu lại nhìn, chàng mới thúc con ngựa bắt đầu phi.
Ngựa của Trần Lĩnh cứ tò tò chậm chạp, Long Đầu thấy bạn mình chạy chậm nên cũng phi chậm theo, mặt mày tỏ ra cau có khó chịu. Chạy thêm vài chục trượng Trần Lĩnh quen dần mới dám thúc ngựa phóng nhanh thêm một chút. Nhiều lúc chàng vô tình giằng dây cương, con ngựa đột ngột chậm chân, có khi dừng hẳn cất hai chân trước lên hý một tràng, rồi lại phóng đi. Cũng may con ngựa này khá lành tánh và được huấn luyện kỹ càng nếu không với cách điều khiển cà rồ nó phải hất chàng ngã rồi.
Long Đầu chẳng sinh lòng nghi kỵ gì, anh cho rằng Mặt Cọp kia cố tình bày trò để chọc tức mình, nên chửi rủa luôn mồm.
Nửa canh giờ sau Trần Lĩnh đã quen, chàng nhận ra cưỡi ngựa rất thú vị, bất giác giữ nguyên nụ cười ngây ngô.
Hai người chạy với tốc độ tầm trung, được một đoạn hai dặm. Lúc đó thấy hướng đối diện có hai kỹ mã khác phóng đến rất nhanh. Trần Lĩnh thấy họ, nhìn bề ngoài đoán là nhân sĩ võ lâm, một người hơn năm mươi tuổi mặc áo bào màu đen, dung mạo uy võ, còn người kia là một thanh niên tuổi khoảng hai mươi bốn, hai mười lăm. Dáng dấp anh ta khá giống chàng, khuôn mặt trắng thanh tú hơi khác mà thôi. Hai người này không phải ai khác, chính là Đinh Thừa và Hắc U. Họ đang trên đường đến hội Truyền Lửa để tham gia cuộc thi kể chuyện.
Hai người phóng qua mặt Trần Lĩnh không lâu thì một kỹ sỹ khác cũng phóng đến. Trần Lĩnh thấy anh ta để tóc mái phủ một bên con mắt, lúc ngang mặt nhìn vào chàng thấy anh ta dường như bị chột. Thấy dáng vẻ uy nghiêm, tư thế can trường, chàng đoán đây chắc cũng là một cao thủ chốn giang hồ. Người này chính là Độc Nhãn Long Nguyễn Việt Dũng.
Trần Lĩnh chưa bao giờ gặp những người này nên không để ý lâu, đi thêm một dặm thấy phía trước là một ngã ba, Long Đầu chạy chậm lại rồi quay đầu con ngựa sang cánh trái đi về hướng đông. Trần Lĩnh lóng ngóng làm theo.
Hai người đi được thêm bốn dặm đường nữa, mặt trời đã lên đến đỉnh điểm. Lúc qua một khu chợ làng nho nhỏ, cả hai tấp vào một quán ăn lộ thiên bên đường, nhờ những thân cây lớn nên có bóng râm khá rộng.
Hầu bàn đi đến với nụ cười niềm nở. Long Đầu hướng mắt về Trần Lĩnh định hỏi nhưng sực nhớ tên Cọp này không nói được nên tự gọi một đĩa hoa lý xào, một đĩa thịt bò, hai bát mỳ. Anh ngẫm nghĩ giây lát rồi gọi một hủ rượu trắng.
Long Đầu nói: “Này tôi hỏi thật ông nhé… Ông câm thật hay già vờ vậy… Thường thường người ta câm bẩm sinh sẽ bị điếc luôn, còn ông lưỡi không bị sao, vẫn nghe được, cớ sao bị câm chứ!”
Trần Lĩnh ngẫm nghĩ: “Hóa ra không ai biết Ông Cọp có câm thật hay không, anh ta không nói vì lý do riêng, nhưng giọng nói của mình bình thường mà, nói có sao đâu. Mà nếu người ta hỏi lý do sao lúc trước không nói… Giờ lại nói thì sao?”
Chàng tìm cách biện bạch, bất giác nghĩ đến việc từ nay có thể tự do nói năng, không còn chuyện gì đáng mừng hơn nữa, vậy là bao nhiêu bức bối những ngày qua có thể giải tỏa. Nghĩ ngợi khiến chàng bất giác để lộ nụ cười ngây ngô.
Long Đầu lấy làm kỳ, rồi nói bóng gió: “Cười như thằng ngố ấy…”
Thức ăn được dọn ra, Long Đầu đưa hết rượu cho chàng. Trần Lĩnh cao hứng, đứng lên hướng đến rót rượu mời, Long Đầu cản lại, xua tay quay quẩy nói: “Tôi không uống rượu sớm, cũng không uống rượu nếu không có dịp vui, anh cũng biết quá rồi mà.”
Trần Lĩnh không ép nữa, hai người dùng bữa trưa xong lại đi vội. Được độ hơn năm dặm thấy phía trước là một cây cầu hẹp dài khoảng tám trượng, chỉ đủ hai con ngựa đi qua.
Long Đầu đột ngột thắng dây cương, Trần Lĩnh giật mình cũng thắng theo, chàng lại một phen lóng ngóng, chới với. Long Đầu ngưng thần quan sát rồi nói: “Đi chậm thôi, cây cầu này có vẻ yếu.
Nhìn xuống dưới thấy một con suối cạn, để lộ đá tảng trơ trọi. Khi đến đoạn giữa cây cầu, Long Đầu đi trước bỗng nghe tiếng nói: “Tên rồng què khốn kiếp, cà chớn cà chác, tưởng hay lắm sao?”
Long thấy tiếng nói phát ra từ phía sau, giật mình quay lại thì thấy bạn đồng hành của mình đang cúi xuống nhìn mặt con ngựa, ánh mắt để lộ vẻ kinh ngạc, miệng há hốc không ngậm lại được.
Long Đầu kinh ngạc đến há hốc cất lời thoảng thót: “Chuyện gì đây!” Trần Lĩnh tỏ vẻ ngạc nhiên không kém, đưa tay làm điệu bộ không biết gì, rồi chỉ tay vào mặt con ngựa.
Long Đầu nhìn mặt con ngựa thấy nó gian manh, miệng đưa đưa, ánh mắt hợi cụp xuống trông có nét gian trá. Anh quát: “Con ngựa mất dạy, coi chừng tao thịt mày!”
Rồi anh chàng lại thúc ngựa đi. Được vài bộ bỗng nghe tiếng nói: “Mày là cá sấu thì đúng hơn rồng, cái đồ dê xòm, vô hạnh!”
Long Đầu quay lại một lần nữa thấy Trần Lĩnh càng kinh ngạc hơn, chàng cúi cúi rồi còn cố lôi mặt con ngựa lại xem. Long Đầu trừng mắt nhìn con ngựa hét: “Tao sẽ thịt mày nếu còn dám nói!”
Anh lại thúc ngựa đi, được năm bộ lại nghe tiếng nói từ phía sau: “Tao thách mày đó đồ cá sấu diêm dúa!”
Long đầu thắng dây cương dừng ngựa, anh ta nhảy xuống tiến lại gần con ngựa cười hề hề rồi đột ngột tát một cái thật mạnh vào má nó quát: “Tên khốn kiếp tao tưởng mày câm chứ, thằng mất dạy cà chớn là tao thiến!”
Con ngựa đang lộ mặt vui, tự nhiên bị tát đau quá nó lồng lên, anh chàng Long Đầu lại kí cốc cốc mấy cái vào đầu nó. Lúc này con ngựa đau quá lồng lên, hí một tràng rồi chạy tuốt. Nó nhảy cưỡng hất qua hất lại, làm Trần Lĩnh như sắp rơi xuống. Tới đầu cầu bên kia, con ngựa chạy lạng chạng, khiến đầu Trần Lĩnh va trúng cây cột. Cũng may chàng đội cái đầu đồng nên không bị thương, nhưng tiếng kim khí va chạm khiến chàng đinh tai nhức óc.
Long Đầu thấy hoạt kê ôm bụng cười ha hả, giây lát mới lên ngựa chạy theo.
Lúc sắp đuổi kịp con ngựa màu gạch của Trần Lĩnh, bỗng nhiên tứ phía, từ những thân cây rậm hai bên đường nhiều bóng đen xuất hiện. Trên tay mỗi người lăm le gươm đao sắc lạnh, với ánh kim sáng loáng, xunh quanh sát cơ phủ trùm ẩn hiện. Long Đầu mắt lộ kinh dị vội quát lên: “Cẩn thận!”
Một thanh gươm chém tới sau lưng Trần Lĩnh khi chàng vừa thắng dây cương.