Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Nhất trí lánh nạn, trú tạm Bích Quân am
Một dạ thành tâm, động lòng Truy Vân Tẩu
~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*
Lại nói Chu Thuần và Mao Thái giao thủ, đang lúc nguy cấp thì may có Túy đạo nhân đến tương trợ. Khi kiếm quang của Mao Thái và Túy đạo nhân chưa phân thắng bại thì đột nhiên giữa trời có âm thanh phá không truyền tới, tiếp đó năm đạo hồng quang bay lại. Túy đạo nhân liền vội vàng quắp lấy Chu Thuần, thu lại kiếm quang, hối hả bay về phía thành. Chu Thuần nhắm tịt hai mắt, chỉ nghe tiếng gió vùn vụt bên tai, một lát sau đã đáp xuống một nơi hẻo lánh bên ngoài Vũ Hầu từ ở ngoại thành.

Chu Thuần vội vàng quỳ xuống tạ ơn Túy đạo nhân cứu mạng. Túy đạo nhân cũng chẳng nói gì, dẫn Chu Thuần đến trước một tòa mao am, đẩy cửa đi vào. Chu Thuần nhìn vào thấy vân phòng được bố trí vô cùng ngăn nắp. Trong phòng có hai đạo đồng chừng mười hai, mười ba tuổi, thấy hai người đi vào liền vội vàng mang trà ra mời. Túy đạo nhân biết Chu Thuần vẫn chưa ăn tối liền bảo chúng chuẩn bị rượu và đồ ăn. Sau khi hai gã đạo đồng lui ra, Chu Thuần lại quỳ xuống, luôn miệng cầu khẩn Túy đạo nhân thu nhận làm môn hạ đệ tử.

Túy đạo nhân đáp: “Luận về tâm thuật và căn cơ của ngươi, không phải là không thể có được thành tựu. Chỉ là ngươi đã ngoài bốn mươi, lại không còn đồng thân*, học kiếm vô cùng khó khăn, nếu nhận ta làm sự phụ chỉ sợ phải chịu nhiều khổ cực.” Nói rồi khăng khăng không chịu nhận.

Nhưng Chu Thuần vẫn nằng nặc cầu khẩn tiếp, Túy đạo nhân mới nói: “Ta không phải là không thu ngươi làm đồ đệ, người thu nhận ngươi là một vị trong Tung Sơn nhị lão, cũng là một trong Đông Hải tam tiên, tài năng hơn ta cả trăm lần. Lão nhân gia ấy có Bổ Tủy Ích Nguyên Thần đan, dù ngươi đã không còn đồng thân cũng chẳng có gì đáng ngại. Ngươi nghĩ nếu ngươi không phải người của bổn giáo, hà tất ta phải luôn theo ngươi từ Nga My đến đây?”

Chu Thuần biết đó là sự thật nên cũng không dám cưỡng cầu. Nhưng lại không biết Tung Sơn nhị lão là ai, nên vài lần dò hỏi Túy đạo nhân. Ông ta chỉ đáp khi kỳ duyên đến thì tự nhiên sẽ biết, lúc này nói sớm vô ích, đừng có hỏi nhiều. Một lát, đạo đồng đem cơm rượu đến, Chu Thuần ăn xong, do đã mệt mỏi cả ngày nên theo đạo đồng đi vào phòng bên cạnh nghỉ ngơi.

Ngày hôm sau Chu Thuần tỉnh dậy vào lúc sáng sớm, đến vân phòng tham kiến nhưng Túy đạo nhân đã bỏ đi đâu mất. Hai gã đạo đồng tên là Tùng Nhi và Hạc Nhi. Chu Thuần liền hỏi Tùng Nhi: “Sư phụ đi đâu rồi? Đêm qua vội vàng không hỏi tính danh thực sự của lão nhân gia. Hai vị tiểu sư huynh đi theo sư phụ nhiều năm, chắc là biết chứ?”

Tùng Nhi đáp: “Sư phụ ta thường không ở trong miếu. Vài ba tháng không trở về lấy được một hai lần. Sáng sớm hôm nay người bỏ đi cũng chẳng nói gì cả. Còn về tính danh của lão nhân gia thì chúng tôi cũng không biết. Người ngoài thấy lão nhân gia người thích uống rượu nên đều gọi là Túy đạo nhân. Khi có ai đến tìm người cũng chỉ nói là muốn gặp Túy đạo nhân, chắc đó chính là tính danh của sư phụ. Nơi đây tên gọi Bích Quân am, chính là chốn tu hành của đại đệ tử Tố Nhân của Thần Ni Ưu Đàm đại sư. Sư phụ thích chỗ này thanh tịnh nên thường mượn chỗ nghỉ tạm. Chúng tôi chỉ mới đến đây hơn nửa năm, cũng không thường xuyên gặp người qua lại. Ngài đang trọ ở Thành Đô, tại sao không đem hành lý đến đây cư ngụ? Ta nghe sư phụ nói võ nghệ ngài rất khá, như thế ngài cũng có thể thường xuyên dạy chúng ta. Ngài đồng ý không?”

Chu Thuần thấy gã ăn nói lanh lợi, cư trú ở đây đương nhiên là thanh tịnh hơn khách điếm. Vì Túy đạo nhân đã dẫn lão tới đây, chắc hẳn ông ấy cũng muốn lão ở lại, do đó lão liền vội vàng gật đầu đáp ứng. Sau đó liền nhanh chóng quay lại khách điếm trong thành, thanh toán tất cả rồi vào am cư trú. Và để tránh họa, bình thường lão cũng chẳng ra khỏi cửa. Túy đạo nhân đi nhiều ngày mà vẫn chưa quay lại, mỗi ngày lão cùng Tùng, Hạc nhị đồng đàm đàm luận luận nên cũng không cảm thấy quá tịch mịch.

Lão là người có lịch duyệt, mỗi khi nói chuyện về võ nghệ đều kiếm cách nói lảng sang việc khác, không dám ăn nói lung tung. Có một hôm ngủ dậy rất sớm, đột nhiên lão nghe thấy trong sân có tiếng nhảy nhót cực khẽ. Chọc cửa sổ nhìn ra, lão chỉ thấy Tùng, Hạc nhị đồng mỗi người đều thành thục cầm một thanh trúc kiếm đang đấu với nhau trong vườn. Ban đầu không thấy gì kỳ lạ, động tác cũng vô cùng chậm chạp, có vẻ như thân pháp bình thường, nhưng nhìn kỹ thì thấy rất trầm ổn.

Về sau, Chu Thuần vô tình ho khan một tiếng khiến cho Tùng, Hạc nhị đồng đều biết Chu Thuần đang trong phòng nhìn lén. Lúc này hai gã mới trổ hết bản lĩnh, càng đánh càng nhanh, động tác mau lẹ, nhảy nhót như bay, cho dù Chu Thuần là cao thủ Lục Hợp kiếm cũng không thể có thân pháp như vậy. Đang xuất thần quan sát, đột nhiên Tùng Nhi phát hiện thấy một sơ hở liền sử ra chiêu Tiên Hạc Triển Sí. Hạc Nhi cũng chẳng vừa, tả thủ bắt kiếm quyết, hữu thủ sử chiêu Trường Xà Nhập Động, hô lên: “Xem chiêu!” Trông như sắp đâm thẳng vào ngực Tùng Nhi vậy.

Chu Thuần thấy rõ, nghĩ rằng Tùng Nhi khó mà chống lại được chiêu này nên rất lo lắng cho gã. Nói thì chậm nhưng rất nhanh, chỉ thấy Tùng Nhi cũng không thu kiếm lại để đón đỡ, chân khẽ điểm xuống, thuận thế bay lên không trung, biến thành chiêu Yến Tử Xuyên Vân. Gã lại kêu lên chi chi rồi sử ra chiêu Thần Ưng Tróc Thỏ, bay xéo xuống, một kiếm chỉ thẳng vào lưng của Hạc Nhi. Hạc Nhi nghe thấy tiếng gió ập đến sau đầu, biết rằng bất diệu liền vội tiến lên trước nằm phục xuống rồi mượn đà xoay người, lưng áp xuống đất, mặt hướng lên trời, sau đó loạng choạng sử ra chiêu Túy Bát Tiên Kiếm.

Hạc Nhi vừa tránh được một kiếm của Tùng Nhi, đang mười phần vất vả như thế đột nhiên quay mặt nhìn lên, hét lớn: “Giỏi!” Lưng đang dán xuống đất, gã dùng thế Lý Ngư Đả Đỉnh bật dậy bay xéo lên cao bảy tám thước. Tả cước dưới hữu cước trên, gã sử chiêu Yến Tử Tam Sao Thủy Phi Vân Túng, búng chân vài cái đã đứng trên cành quế ở trước sân. Gã xoay người ngồi ở trên cây hổn hển: “Sư huynh thật không biết ngượng, đánh không được lại dùng đến ám khí sao?”

Tùng Nhi cười nói: “Người nào sử ám khí cơ? Khi ta vừa mới nhảy lên không trung, có một bầy chim sẻ bay qua bị ta tiện tay hạ gục một con nên kiếm cũng vô ý xuất ra. Ai cố tình dùng ám khí đánh ngươi làm gì?”

Chu Thuần trong phòng nhìn ra quả nhiên thấy một con chim sẻ chết, giữa cổ găm trúc kiếm của Tùng Nhi, không khỏi âm thầm kinh dị. Trong lòng lão thầm nghĩ: “Hai gã mới ít tuổi mà đã có bản lĩnh như vậy, may mà mình thận trọng, chưa từng huênh hoang khoác lác.”

Lúc này Hạc Nhi cũng từ trên cây hạ xuống, nhìn đi nhìn lại Chu Thuần, kêu lão cũng ra đấu kiếm một trận. Chu Thuần đã vô cùng bội phục hai gã nên nào dám động thủ.

Về sau bị bức quá không còn cách nào khác mới lấy tuyệt kỹ Ngũ Đóa Mai Hoa Xuyên Vân nỏ ra cầm trên tay để thử một phen. Hai đạo đồng Tùng, Hạc nhân vì không được Túy đạo nhân dạy cho ám khí nên thấy tuyệt kỹ của Chu Thuần liền bảo lão giấu sư phụ dạy cho hai gã. Chu Thuần đành phải đáp ứng, ngày ngày tận tâm dạy dỗ. Nhưng lão cũng theo nhị đồng học được nhiều bí quyết về kiếm, không đợi bái sư cứ bắt đầu luyện tập trước. Cứ thế qua hơn mười ngày, Chu Thuần đột nhiên nhớ tới con gái Khinh Vân từng nói không lâu sẽ đến Thành Đô tương hội. Khi lão rời khỏi khách điếm lại không nhắn câu gì, chỉ sợ con gái đến tìm không gặp.

Túy đạo nhân còn nói không lâu mình sẽ gặp danh sư, nếu cứ mãi trốn trong am, chỉ nghĩ đến việc lánh nạn thì bao giờ mới gặp được lương cơ? Rồi lão giải thích với Tùng, Hạc nhị đồng, dự định mỗi ngày sẽ ra ngoài tầm sư kết bạn. Nếu ba ngày liền không quay lại tức là đã phát sinh sự cố, mong hai gã nghĩ cách báo cho Túy đạo nhân biết, cầu ông ta xuất lực. Nhị đồng nhất nhất đáp ứng.

Lão ăn cơm trưa xong, từ biệt nhị đồng, một mình lững thững rời khỏi Bích Quân am, cũng không tiến vào thành lại đến các am quan tự viện nổi tiếng như Thanh Dương cung, Vũ Hầu từ… ở ngoại thành để lưu tâm tìm kiếm cao nhân. Có khi cũng đến Vọng Giang lâu nghỉ chân, thuận tiện dùng chút cơm rượu. Như vậy lại mất vài ngày cũng chẳng gặp được ai. Một hôm, lão vào trong thành đến điếm khách mình đã từng trọ hỏi xem sau khi mình rời khỏi, có ai đến tìm không.

Điếm tiểu nhị đáp: “Một hai ngày trước, có một lão nhân to lớn tầm năm mươi tuổi cùng một lão hòa thượng mặt mũi hồng hào, lông mày trắng như cước hỏi về ông. Bọn ta thấy ngày ấy ông đi vội vội vàng vàng, cho là ông quay lại quê nhà nên chỉ đáp là ông bỏ đi đã lâu, chẳng biết đi đâu. Ta thấy khách nhân ấy có vẻ vô cùng thất vọng. Khi đi có lưu lại lời nhắn nói nếu người khách họ Chu quay lại thì nói có bạn cũ ở Nga My hiện đã theo Bạch My hòa thượng lên Vân Vụ sơn xuất gia, bảo ông không phải quay lại nơi cũ làm gì. Hỏi danh tính ông ta, ông ta cũng cũng chẳng nói, thế có phải bằng hữu của ông không?”

Chu Thuần lại hỏi về vóc dáng và đặc điểm của người đó liền biết là Lý Trữ, chỉ là đoán không ra vì cái gì mà xuất gia. Anh Quỳnh con gái ông ta vì sao lại không theo bên cạnh. Ông ta bảo mình không cần đến Nga My, chắc hẳn tên Mao Thái đang lùng sục ở đó. Trong lòng lão dùng dằng không biết làm sao, tính mấy ngày sau sẽ đến Nga My xem rốt cuộc có chuyện gì.

Lão nói vài câu qua quýt xã giao với điếm gia rồi cáo từ bỏ đi. Trên đường, lão đột nhiên thấy trước mắt có một đám người đang huyên náo ầm ĩ. Lão đến gần xem thử, chỉ thấy trước cửa tiệm ở cạnh đường có một lão già gầy gò xơ xác ngồi đó, hai mắt nhắm nghiền, chẳng nói gì cả. Những người bên cạnh người thì chế giễu, người thì nói chuyện phiếm.

Rốt cuộc, Chu Thuần hỏi chuyện một người mới biết lão già đó từ sáng sớm đã đến quán ăn này gọi rượu và đồ ăn và ngồi ỳ ra đó mãi. Vừa rồi mới nhân điếm gia không để ý liền trốn ra. Điếm gia đã sớm nghi ngờ ông ta định ăn uống rồi không trả tiền, bỗng phát hiện ông ta đào tẩu, làm sao có thể dễ dàng bỏ qua được. Điếm gia đuổi theo đến cửa thì bắt được, đang muốn kéo lão già quay lại, không ngờ tay chân thế nào lại xé toạc một nửa áo ngoài của lão ra.

Lão già đó nổi cáu, không những không thừa nhận là đào tẩu mà còn đòi điếm gia bồi thường áo dài. Đã thế còn nói là lão ta ra ngoài để xem nhiệt náo, sợ điếm gia lo lắng lão đi hẳn cho nên đã để lại bao phục trong quán. Điếm gia đi vào xem xét, quả nhiên có một bao phục cũ kỹ rách rưới, mới đầu còn tưởng là bao đựng rác. Ai ngờ khi mọi người mở ra xem mới thấy ngoài vài lạng bạc vụn còn có một chuỗi trân châu, đủ một trăm lẻ tám viên cỡ như hạt đậu nành.

Như thế lẽ phải thuộc hết về lão già, ông ta còn nói điếm gia không nên coi thường người khác. Lão nói: “Bao phục của ta quý trọng như vậy để trong điếm của ngươi, ngươi có thể nào nghi cho ta là tên ăn quỵt uống quỵt được? Y phục này của ta còn quý hơn trân châu. Hôm nay bị các ngươi xé rách, nếu không bồi thường, ta cũng chẳng báo quan làm gì, chỉ treo ngược ngươi ở đây thôi.” Mọi người khuyên giải mãi cũng không được, bất kể ai tiến lại gần là lão già liều mạng với người đó liền, điếm gia không bồi thường y phục không xong.

Chu Thuần nghe xong, cảm thấy vô cùng kỳ lạ liền tiến lại gần xem thử. Quả nhiên thấy lão già này mười phần rách rưới, mặt mũi nhớp nháp bẩn thỉu, hai chiếc giày rách bươm lộ cả gót chân ra ngoài, vừa đen vừa gầy, cạnh người quả nhiên có một bao phục nhỏ. Điếm gia đứng ở bên cạnh, không ngừng van vỉ đến mức mặt đỏ bừng cả lên. Lão già chỉ nhắm mắt, chẳng nói chẳng rằng. Chu Thuần càng nhìn càng thấy kỳ lạ. Trông điếm gia có phần đáng thương, Chu Thuần thấy không đành lòng, định bụng lên tiếng khuyên bảo vài câu.

Lão già đó đột nhiên mở mắt nhìn Chu Thuần nói: “Ngươi đến rồi, ta tính ngươi đã đến rồi mà.”

Chu Thuần hỏi: “Lão nhân gia người vì sao giận dữ bọn họ như vậy?”

Lão già đáp: “Đơn giản vì bọn chúng khi dễ làm khó ta. Nếu ngươi là hảo đồ đệ của ta, mau mau thay ta hủy tiệm của hắn, cho một mồi lửa là xong. Nghe rõ chưa?”

Chu Thuần nghe lão già nói chẳng đâu vào đâu, không hiểu ra sao cả. Những người bên cạnh thấy lão ta nói chuyện thân mật như vậy với Chu Thuần, lại thấy người mới đến tướng mạo đường đường bèn nghĩ: “Lão quái hoành hành như vậy, thì ra là vì có đồ đệ như thế này.”

Điếm gia nghe vậy, vô cùng lo lắng, đang định phân bua với Chu Thuần thì lão già đã đứng dậy, cầm bao phục theo người rồi nói: “Ngươi đến rất tốt, việc hôm nay giao cho ngươi đó. Nhưng ta già cả thế này không thể bị đổ là tên ăn quỵt được, phải phóng hỏa thiêu rụi tiệm này nhưng trước hết ngươi hãy tính tiền rượu và đồ ăn đi đã. Ta đi đây.” Dứt lời nghênh ngang bỏ đi.

Khẩu âm lão già kia vốn có điểm như ở nơi khác đến, lại như đột nhiên ở đâu vang lại, nói vô cùng nhanh nên khi đó Chu Thuần bị ông ta làm cho mụ mị không hiểu gì. Đến khi ông ta bỏ đi rồi, điếm gia sợ Chu Thuần thực sự muốn đốt quán của mình nên lại van vỉ không ngớt. Khi Chu Thuần tỉnh ngộ thì lão già đã đi mất, đầu tiên lão phủ nhận không phải là đồ đệ của lão già, việc đốt nhà chỉ là một trò đùa mà thôi. Về tiền ăn uống của lão già, Chu Thuần lại chỉ lo không có đủ để trả hộ.

Cũng may Chu Thuần thực sự biết tự kiềm chế liền để lại một đĩnh hai lạng bạc rồi rẽ dòng người, hướng về phía lão già bỏ đi cất bước đuổi theo. Lão đuổi được vài ngõ cũng chưa thấy đâu liền tiện thể lượn vài vòng trên phố. Khi đi qua cửa Vọng Giang lâu, lão cảm thấy hơi đói liền tính tiến vào ăn uống một chút. Lão đã là khách quen nên vừa mới lên lầu tiểu nhị Lưu Đại đã đón đường nói: “Chu khách nhân, ngài đã đến rồi, xin mời ngài ngồi.”

Chu Thuần theo chỉ dẫn của Lưu Đại ngồi xuống quan sát, chỉ thấy trên bàn đã bày sẵn thức ăn và rượu cùng với hai bộ chén đũa. Nửa số đồ ăn trên bàn đã được động đũa, nửa còn lại vẫn y nguyên. Lão tưởng Lưu Đại dẫn đến chỗ ngồi không đúng liền hỏi hắn: “Người khác chưa ăn xong ở đây, tìm chỗ khác thôi.”

Lưu Đại đáp: “Đây là chỗ dành cho ngài đó mà.”

Chu Thuần vội hỏi: “Ai lưu lại chỗ này cho ta?”

Lưu Đại đáp: “Là sư phụ của ngài.”

Chu Thuần nhớ tới việc mới xảy ra, không khỏi tức khí dâng lên não liền hỏi: “Ai là sư phụ của ta?”

Lưu Đại đáp: “Sư phụ của ngài chính là ông lão rách rưới đó. Trước hết ngài chớ nóng giận, nếu không chúng tôi cũng không dám quản chuyện này. Nguyên lai vừa rồi tại hạ nghe người ta nói, ở phố đằng sau có một lão già muốn ăn quỵt quán cơm ở đó. Nhân tiện quán của chúng tôi ở đây vừa mở cửa, tại hạ liền lén đến đó xem nhiệt náo thì gặp ngài ở đó đang tính tiền rượu thịt cho sư phụ ngài. Đến khi tại hạ trở về, vị sư phụ đó của ngài đã đến đây gọi rất nhiều rượu và thức ăn. Ông ta nói ăn điểm tâm chưa đủ, muốn chờ ngài đến để cùng ăn. Ông ta dùng một nửa, ăn uống vô cùng nhanh và nhiều, còn một nửa để lại phần cho ngài. Ông ta nói: ‘Không thể để cho ái đồ ăn thừa.’ Lại nói cái ông ta muốn ăn cũng là những thứ hợp khẩu vị của ngài. Cho nên tại hạ mới càng thêm tin tưởng ông ta là sư phụ từ nhiều năm trước của ngài. Khi ông ta ăn xong ngài còn chưa tới, ông ta nói ông ta lại có việc nên không thể đợi ngài, phải đi trước một bước. Ông ta dặn rằng bảo ngài tới Từ Vân tự tìm ông ta, gặp được thì thôi. Chúng tôi nhân vì mới có chuyện tiệm ăn kia giữ ông ta khiến thiếu chút nữa bị đốt mất quán, tại hạ lại đích thân chứng kiến ngài đối với ông ta cung kính nên để ông ta đi. Chuyện đại khái như vậy, không hiểu có gì sai không?”

Chu Thuần nghe xong vừa tức vừa buồn cười nhưng lại không có cách nào giải thích cho hắn. Không còn cách nào khác, lão đành phải bảo Lưu Đại đem rượu và thức ăn đi hâm nóng lại, tùy tiện ăn một chút, uống vài ly rượu, càng uống càng giận. Lão thầm nghĩ: “Mình bước chân vào giang hồ đã vài chục năm, hôm nay khi không lại để người khác lừa ăn gạt uống, còn nói là sư phụ mình nữa!”

Vào lúc này, đột nhiên phía cầu thang có tiếng huyên náo, sàn lầu rung lên bần bật, một đại hán cao to đi lên, mặt tía râu vàng, đầu báo mắt hổ, toàn thân ăn vận đồ xanh. Tửu bảo đang đợi hắn lên để sắp chỗ ngồi thì người đó đã nhìn thấy Chu Thuần liền đi thẳng tới, lớn tiếng nói với lão: “Ngươi có phải là Hạc nhi Chu lão tam không?”

Chu Thuần thấy người đó hừng hực khí thế tiến đến, lại không biết ý đồ của hắn nên không khỏi kinh hãi liền buông chén rượu rồi cất mình bay về phía bậu cửa sổ.

Lão nói: “Chính là Chu mỗ đây. Ta và ngươi bình sinh chưa hề gặp mặt, tìm ta có chuyện gì?”

Người đó nghe vậy cười ha ha nói: “Chả trách lão già bảo ngươi sẽ chạy, quả nhiên là vậy. Ta đây không tìm ngươi để đánh đấm, ngươi mau mau xuống đi, ta có chuyện muốn nói.”

Chu Thuần nhìn kỹ người nọ, dù trông thô lỗ nhưng mặt lại toát lên chính khí. Biết rằng hắn không có ác ý, lão liền phi thân xuống, lại ngồi vào ghế. Người nọ liền hỏi Chu Thuần có thể dùng cơm rượu được không.

Chu Thuần vốn đã ăn gần hết, nghĩ rằng người này muốn uống rượu liền nói: “Ta đã ăn uống no say rồi, các hạ nếu như muốn dùng có thể gọi tửu bảo mang thêm ít đồ ăn đến.”

Nói chưa dứa lời, đang định nhân tiện hỏi tính danh người kia thì hắn đột nhiên đứng dậy, lấy ở bên hông ra một đĩnh bạc đặt trên bàn coi như trả tiền rượu.

Chu Thuần đang khéo léo từ chối thì người đó đã chậm rãi tiếp cận, nhân lúc Chu Thuần không lưu tâm đã chộp lấy tay lão rồi vác lão lên vai, sau đó nhảy xuống lầu, thân pháp nhanh vô cùng. Dày dặn kinh nghiệm như Chu Thuần cũng vô pháp thi triển thủ đoạn, bị người đó chế ngự được mạch môn hai tay, không thể cử động, đành mặc cho người đó vác đi.

Người ở trên lầu đầu tiên thấy đại hán đi lên rồi Chu Thuần lao ra cửa sổ đã sớm kinh hãi. Bây giờ lại thấy Chu Thuần bị vác đi liền thảo luận ầm ĩ, đều đoán Chu Thuần là loại đào tường khoét vách, đại hán đó là quan nhân đi làm nhiệm vụ, hiện giờ đem Chu Thuần đi chắc là để lãnh thưởng. Vào lúc hỗn loạn này, cách chỗ Chu Thuần ngồi không xa, có một văn sinh tú sĩ cười lạnh hai tiếng rồi nhanh chóng tính tiền, xuống lầu bỏ đi. Chuyện không đề cập đến nữa.


Lại nói Chu Thuần bị đại hán vác trên lưng, vừa hận vừa nhục, tự nghĩ lăn lộn trên giang hồ đã vài chục năm, chưa bao giờ thất bại. Vậy mà hôm nay vô duyên vô cớ lão bị một kẻ không biết thần thánh phương nào chớp nhoáng chế ngự, vác trên vai chạy loạn đại nhai nên trong lòng cực kỳ khó chịu. Nhưng thân thể đã bị người ta chế trụ huyệt đạo không thể cử động, chỉ có thể xem hắn đem mình đến đâu. Chỉ cần xuống đất khôi phục được tự do, lão sẽ có thể giao thủ với hắn.

Lão đang miên man suy nghĩ thì đại hán đó chạy nhanh như bay đã ra khỏi thành. Chu Thuần đưa mắt nhìn đúng là đường lớn tới Từ Vân tự, thầm nghĩ không ổn. Lúc này đã đến rừng cây trước miếu, đại hán nọ liền đặt lão xuống, cũng chẳng nói gì chỉ nhìn Chu Thuần cười cười. Chu Thuần vô cùng bực bội nhưng bị người đó nắm chặt mạch môn một hồi lâu, toàn thân đờ đẫn, một lát sau mới tập tễnh được vài bước nhưng vẫn tập trung nhìn đại hán kia thấy hắn không hề có chút ác ý nào.

Lão đang định hỏi hắn vì cớ gì mà đùa dai như vậy thì chỉ thấy trước mắt sáng bừng, một đạo bạch quang lóe lên rồi một văn sinh tú sĩ trạc mười tám mười chín tuổi đứng sững trước mặt, toàn thân một màu lụa trắng tinh. Khi lão nhìn lại đại hán nọ thì thấy hắn há miệng trợn mắt đứng ở đó, mồ hôi chảy tong tỏng, biết là đã bị thiếu niên kia điểm huyệt. Lão đang muốn hỏi thiếu niên đó thì bỗng nghe thấy gã nói: “Con lừa ngu xuẩn nhà ngươi, lên lầu cũng tinh tinh tướng tướng, bước trên cầu thang làm lầu rung rinh, rơi cả bụi vào cốc rượu của lão gia. Không ngờ ngươi còn dám thi triển thủ pháp phân cân thác cốt bắt người đến đây, thật không biết xấu hổ. Bây giờ ngươi có bổn sự gì thì cứ giở ra hết đi, nếu không đừng trách ta đem ngươi ra sỉ nhục.”

Đại hán nghe gã thiếu niên nói thế, hai mắt nhìn Chu Thuần có ý cầu xin sự trợ giúp. Chu Thuần thấy trên mặt hắn mồ hôi to như hạt đậu ròng ròng chảy xuống, biết rằng thủ pháp điểm huyệt của gã thiếu niên là một loại độc môn công phu, nếu để quá lâu tất sẽ thụ nội thương. Thêm vào đó đại hán này tướng mạo đường đường, công phu cũng rất có căn cơ, dù có đùa dai với mình nhưng bên trong tất có nguyên nhân. Nhìn thấy hắn thống khổ như vậy, lão thật có phần không đành lòng, lão bèn nói với gã thiếu kia: “Người này tuy thô lỗ nhưng ta vẫn chưa biết hắn tốt xấu thế nào, vị anh hùng hà tất phải so đo với hắn?”

Lão khuyên giải một hồi, thấy gã thiếu niên vẫn đứng đó không nói gì, tưởng gã coi thường mình nên lão thấy rất khó chịu.

Lão đang định lên tiếng khuyên giải tiếp, ai ngờ thấy trước mặt gã thiếu niên cũng trợn mắt há miệng, đứng sững ra đó, chẳng biết từ khi nào đã bị người ta ngầm điểm huyệt. Lại nhìn vào ánh mắt của gã, lão thấy thậm chí còn không chuyển động được như đại hán kia, biết rằng mình không thể giải cứu nổi. Nội ngoại công của Chu Thuần đều ở mức thượng thừa, lúc trước bị đại hán ám toán nguyên là vô ý không phòng bị, còn không đối với lão chuyện điểm huyệt giải huyệt thông thường cũng chẳng mất mấy hơi sức.

Lão liền đi tới bên cạnh đại hán, nhìn vào vùng dưới nách của hắn, dùng lực vỗ một chưởng. Đại hán đó hồi phục lại ý thức, nhìn Chu Thuần kêu lên ngạc nhiên. Quay đầu lại thấy gã thiếu niên đứng đó, hắn không kiềm chế được, nổi giận đùng đùng, lao nhanh tới, định bụng cho gã một cước. Chu Thuần muốn ngăn nhưng đã không kịp. Đại hán đó ngoại công cực tốt, một cước chí ít cũng có vài trăm cân lực đạo, nếu trúng e rằng xương chẳng gãy thì gân cũng lìa. Thiếu niên đó bị người khác điểm huyệt không thể di chuyển nên chắc chắn không thể tránh khỏi.

Vào lúc nguy hiểm cận kề này, chỉ thấy nhoáng lên một cái, bên cạnh gã thiếu niên bỗng xuất hiện một lão già nhẹ nhàng ung dung đón cước của đại hán. Đại hán thấy lão già liền reo lên: “Lão kêu ta đem người họ Chu lại nhưng lão lại chạy đi đâu đấy? Ta thiếu chút nữa đã chịu nhục một trận trong tay tên nhãi chó chết này rồi. Ngươi mau tránh ra để ta đá hắn một cái.”

Lão già đáp: “Ngươi thật không biết xấu hổ, ngươi đụng được vào gã chắc? Nếu không phải ta thấy gã quá ngông cuồng, chế trụ gã lại thì ngươi đã sớm xiểng niểng rồi.”

Lúc này Chu Thuần nhìn rõ người đó, chính là lão già mà mình mới trả tiền hộ, giả mạo xưng là sư phụ, ăn quỵt uống quỵt. Vừa thấy lão động thủ cước như vậy, biết không phải hạng bình thường liền vội vàng quỳ xuống, kính cẩn nói: “Sư phụ giá lâm, đệ tử Chu Thuần bái kiến.”

Lão già nói: “Bây giờ ngươi không nói ta ăn quỵt uống quỵt nữa chứ? Trước tiên ngươi chớ vội vàng như vậy, để ta đem gã kia lại đây dạy dỗ đã.”

Dứt lời, chỉ nhẹ nhàng vỗ vào bả vai thiếu niên đó một cái thì gã đã tỉnh lại.

Thiếu niên đó vô cùng xấu hổ, cân nhắc một lát rồi đột nhiên há miệng, một đạo bạch quanh bay ra. Chu Thuần đang lo lắng cho lão già thì chỉ thấy lão cười ha hả: “Tiểu xảo nhỏ mọn cũng đòi sính cường sao.” Nói rồi thong thả huơ tay lên đã cầm được đạo bạch quang. Đạo bạch quang như thể có linh tính, trong tay lão già uốn éo không ngừng, tựa như muốn thoát ra bỏ chạy vậy.

Thiếu niên kia thấy lão già thu gọn kiếm quang, vừa nhìn lão vừa thở dài một hơi rồi xoay người bỏ đi. Ai ngờ chạy chưa được vài bước, lão già đã lù lù trước mặt cản đường, chạy hướng nào cũng thấy lão ta trước mặt. Trong lòng vô cùng lo sợ, gã bèn nói: “Lão đã điểm huyệt ta, lại thu kiếm quang của ta, thế đã là quá đủ, hà tất phải cố truy cản ta làm gì?”

Lão già đó đáp: “Ta và người lần đầu gặp mặt mà ngươi đã hạ độc thủ như thế, chẳng lẽ đây là nô tài Lý Nguyên Hóa đó dạy ngươi sao?”

Thiếu niên nghe xong lời này, kinh sợ nhảy dựng lên, biết rằng lão già tất có lai lịch lớn liền vội vàng đổi giọng cầu khẩu: “Đệ tử vì bị lão nhân gia người ngầm điểm huyệt rồi bị làm nhục trước mặt người khác, nhất thời nóng giận hồ đồ nên mới phóng ra kiếm quang, định cắt chút tóc của lão nhân gia người để gỡ gạc chút thể diện, ai ngờ đã mạo phạm đến lão tiền bối. Thanh quy của gia sư cực nghiêm, khi truyền kiếm đã nói vạn bất đắc dĩ mới được sử dụng, không được bừa bãi. Từ lúc hạ sơn đến giờ, hôm nay vãn bối mới dùng lần đầu. Những điều này không dám lừa dối lão tiền bối, người có thể kiểm chứng được.”

Lão già đem kiếm quang trong tay nhìn thử rồi nói: “Quả nhiên ngươi không nói dối. Niệm tình ngươi vi phạm lần đầu ta tha thứ cho ngươi, chỉ phạt ngươi đi thay ta làm chút việc. Bởi vì ta xuất thế lần thứ hai, những người ngày trước chết thì đã chết rồi, ẩn thì đã ẩn rồi, ta không muốn tìm những lão già ấy nữa, còn lũ trẻ tuổi sôi nổi các ngươi cứ sảng khoái hành động.”

Dứt lời lão đem kiếm quang trả cho gã thiếu niên. Gã thiếu niên liền vội vàng nhanh nhảu đáp ứng: “Lão tiền bối nếu có sai khiển, chỉ cần không trái với quy củ của gia sư thì dù dầu sôi lửa bỏng, nguy hiểm đến mấy vãn bối cũng chẳng từ.”

Lão già liền đến cạnh nói nhỏ với gã thiếu niên vài câu, gã đều nhất nhất đáp ứng.

Lúc này Chu Thuần đã biết đại hán đó tên gọi Lục Địa Kim Long Ngụy Thanh, là trượng phu của người phụ nữ mà vài ngày trước lão mới cứu trong tay Mao Thái. Chỉ vì ngày ấy Ngụy Thanh quay lại, thê tử của hắn đem chuyện Chu Thuần đến cứu nói lại một lượt, Ngụy Thanh liền nộ khí xung thiên, nhất định phải tìm Mao Thái và Chu Thuần để báo cừu tạ ân. Tìm kiếm đã nhiều ngày nhưng hắn cũng chưa từng gặp được. Trong lúc vô ý gặp lão già kia, lúc đầu lão cũng trêu chọc hắn, về sau mới nói cho hắn biết là Chu Thuần đang uống rượu ở Vọng Giang lâu.

Lão nói: “Nếu ngươi đi gặp y với hảo ý, y tất chẳng thèm để ý đến ngươi.” Vì vậy mới truyền cho Ngụy Thanh thủ pháp phân cân thác cốt, dặn hắn mang Chu Thuần vào trong rừng. Ngụy Thanh vốn ngu ngốc nên cứ theo lão già nói mà làm. Trong khi nghe lão già nói chuyện với gã thiếu niên, rốt cuộc Chu Thuần liền hỏi và Ngụy Thanh đem mọi chuyện nói cho lão hay. Chu Thuần biết hắn thuần phác nên cũng không tiện trách mọc. Lúc này lão già và gã thiếu niên đã quay lại.

Gã thiếu niên và Chu Thuần liền hỏi danh tính của lão già. Lão già nói với gã thiếu niên: “Nếu ngươi về núi hãy nói cho sư phụ ngươi biết có Bạch lão đầu ở Tung Sơn Thiếu Thất hỏi thăm, ông ta sẽ biết.”

Gã thiếu niên nghe xong câu này, vội vội vàng vàng quỳ xuống nói: “Lão nhân gia người nhất định là Thần Hành Vô Ảnh Truy Vân Tẩu mà năm mươi năm trước giang hồ xưng tụng, là một trong Đông Hải tam tiên, lại là một kiếm hiệp trong Tung Sơn nhị lão đúng không ạ? Đệ tử có mắt mà không thấy Thái Sơn, xin được thứ tội.”

Lão già đó liền mỉm cười. Lúc này Chu Thuần mới biết lão ta chính là một trong nhị lão mà Túy đạo nhân đã nói liền vội quỳ thụp xuống xin thu nhận. Lão già nói: “Ngươi cầu sư phụ ở nhiều nơi nhưng người ta đều xem thường không thèm thu nhận. Lão già ta tính tình đặc biệt, người ta bảo không tốt thì ta lại nói hay, người ta nghĩ không cần thì ta lại muốn có. Nhưng đặc biệt đã dẫn dụ ngươi hai lần mà ngươi không chịu lại, cho nên ta không thu nhận ngươi nữa.”

Chu Thuần vội nói: “Sư phụ, lão nhân gia người đùa giỡn với thế gian, đệ tử người trần mắt thị làm sao mà hiểu được? Mong lão nhân gia người thương cho đệ tử một phen khổ tâm.”

Dứt lời dập đầu không ngừng. Lão già cười sằng sặc nói: “Không đùa ngươi nữa, ngươi xem bộ dạng của ngươi có đáng thương không kìa. Nhưng làm đồ đệ của ta thì phải chấp nhận một điều kiện, ngươi có theo được không?”

Chu Thuần đáp: “Đệ tử ngu dốt được lão nhân gia người thu làm môn hạ, ân trọng như sơn, không dám không tuân mệnh.”

Lão già nói: “Tính ta vốn thích uống rượu nhưng lại chẳng có tiền, tuổi đã già rồi không thể như Túy đạo nhân đi ăn cắp rượu uống được. Từ sáng đến tối ba bữa rượu, ngươi có thể trả cho ta được không?”

Đứng ở bên cạnh, Chu Thuần biết lão già thích nói giỡn liền cung cung kính kính đáp ứng.

Lão lại hỏi thiếu niên nọ tên họ gì mới biết gã là đệ tử đắc ý của Nhiêm Tiên Lý Nguyên Hóa, tên là Tôn Nam. Vì thế lão liền hỏi tung tích Triệu Yến Nhi, biết được hiện tại gã đang chăm chỉ luyện tập, ba năm nữa có thể gặp lại, trong lòng vô cùng vui mừng thay cho Triệu mẫu. Tôn Nam thích vận đồ trắng, dù xuất thế chưa đầy hai năm đã được giang hồ đặt cho ngoại hiệu nho nhã là Bạch Hiệp.

Mọi người đang nói chuyện đột nhiên trong rừng có tiếng cười ha hả: “Lão tiền bối nói ai đi ăn cắp rượu thế?”

Mọi người đưa mắt nhìn vào trong rừng, thấy một đạo nhân đeo hồ lô rượu màu hồng, phía sau có một nữ tử đi theo. Trừ Ngụy Thanh, mọi người đều nhận ra đó là kiếm tiên Túy đạo nhân liền tiến lên chào hỏi. Chỉ có Chu Thuần nhìn nữ tử vận đồ đen kia, không nhịn được nhảy dựng lên, đang định mở miệng hỏi thì nữ tử đó đã đến trước mặt lão quỳ xuống.

Nhìn kỹ lại, quả nhiên chính là ái nữ Khinh Vân. Lão hỏi vì sao bây giờ mới đến? Khinh Vân trả lời vì ở trong núi luyện một món pháp bảo.

“Trên đường gặp được Túy sư bá mới biết là cha và Bạch tổ sư ở đây cho nên cùng nhau đến gặp.”

Chu Thuần liền dẫn con gái bái kiến tổ sư và mọi người. Trong lòng lão thầm nghĩ: “Hôm nay sư phụ và Túy đạo nhân cùng tụ hội ở đây, quyết không phải không có nguyên nhân gì.”

Lão đang định hỏi chuyện thì chỉ nghe thấy Túy đạo nhân nói với Truy Vân Tẩu: “Chúng ra có những vị anh hùng kiếm khách này đủ để cùng con lừa ngốc đó cùng tranh cao thấp. Nghe nói Trí Thông bảo Tần Lãng qua Điền Tây hái thuốc xong thì vòng lại Đả Tiến Lô, cầu phương trượng Phấn Diện Phật Du Đức của Ôn Thần miếu và Phi Thiên Dạ Xoa Mã Giác đến giúp y một tay. Mã Giác thì chẳng lo, chỉ là Phấn Diện Phật Du Đức đã luyện được Ngũ Độc Truy Hồn Hồng Vân Sa mười phần lợi hại. Ta cùng lão tiền bối dù không sợ bọn chúng nhưng làm thế nào các tiểu huynh đệ chống lại được. Cho nên chúng ra phải hạ thủ nhanh chóng, phá xong sào huyệt thì cứu binh mới đến, như thế cũng chẳng thế làm gì. Lão tiền bối nghĩ thế nào?”

Quả là
Người trần mắt thịt hay tranh đấu
Đạo sỹ tiên nhân cũng chẳng hơn
Chú thích

* Ý nói Chu Thuần không còn thân đồng nam nữa, điều này là rõ ràng vì lão đã có con.

Hết hồi thứ mười một
~*~*~*~*~*~*~*~*~ Chương trình ủng hộ thương hiệu Việt của Tàng Thư Viện:

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK