Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Múa trường kiếm, thày trò khoe thân thủ
Lên Nga My, sương khói tỏa mênh mang
~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*
Lại nói Lý Trữ cùng Chu Thuần từ biệt mọi người trong thôn, đi vào trong núi.

Trong ba người, trừ Anh Quỳnh muốn sớm đến thạch động trong núi để học kiếm pháp, hai người kia đều vô câu vô thúc, vừa đi vừa du sơn ngắm cảnh, đi đường rất chậm. Đến khi mặt trời xuống núi mới đến chân núi Nga My. Thấy khắp nơi khách điếm san sát, khách lên núi rất nhiều, vô cùng náo nhiệt. Ba người tìm một khách điếm, chuẩn bị đầy đủ mọi vật cần dùng để sớm ngày hôm sau lên núi hòng có thể trụ được lâu. Một đêm đó không có chuyện gì đặc biệt.

Ngày hôm sau, ba người thương lượng ổn thoả. Lý Trữ đảm nhiệm mua sắm những vật dụng thường dùng trong nhà như dầu, muối, tương, dấm, gạo, miến, rượu, thịt… Chu Thuần đảm nhiệm việc mua sắm giấy bút, mực và những vật dụng cho nhà bếp như nồi niêu xoong chảo thùng… Lão còn mua một sợi dây thừng rất dài. Anh Quỳnh liền hỏi: “Cái đó dùng làm gì?”

Chu Thuần đáp: “Nhiều tác dụng lắm, sau này khắc biết.”

Tuy hành lý mà ba người mang được có giới hạn nhưng đồ đạc lủng củng mua thêm cũng không ít. Do đó một lát phải đi mướn cước phu* tốt, cùng nhau gánh lên núi. Khách hành hương đang leo núi nhìn thấy họ, lộ vẻ vô cùng kỳ quái. Ba người chẳng màng để ý, chỉ một mực trèo lên. Mới đầu, tuy phải vượt qua mấy chỗ khe núi chật hẹp khó khăn, nhưng vẫn chưa khó đi lắm. Sau đó, càng đi thì đường núi càng nguy hiểm, cảnh trí càng kỳ lạ, mây trắng cuồn cuộn dưới chân, lúc này đối diện cũng không nhìn rõ mặt. Anh Quỳnh hò reo thích thú, nhưng Chu Thuần nói: “Lúc lên núi thì không thấy có mưa, nhưng bây giờ nhiều mây mù thế này, ở dưới chân núi chắc chắn là đang mưa to. Chúng ta đang đi trong mây mù cần phải cẩn thận. Chỉ cần trượt chân một cái thì sẽ tan xương nát thịt đó.”

Lại đi thêm được nửa dặm nữa thì đến Xả Thân nham. Quay đầu nhìn xuống chân núi chỉ thấy một đám mù mịt bềnh bồng, chẳng thấy người và chùa miếu đâu nữa. Tất cả đều đã chìm trong mây mù. Trên đầu là mặt trời chói loà, phản chiếu vào những đám mây phía trước thành những luồng ánh sáng kỳ diệu đẹp mắt. Anh Quỳnh nhìn đến xuất thần, thấy cước phu nói: “Khách quan, giờ đã đến Xả Thân nham rồi, phía trước là Quỷ Kiến Sầu, không còn đường đi, chúng tôi không thể tiến lên được nữa. Mây mù như thế này thì ở lưng chừng núi khẳng định là có mưa lớn. Nếu hôm nay không thể xuống núi, ngày mai sẽ làm lỡ một ngày làm ăn của chúng tôi, xin khách quan xem xét cho.”

Chu Thuần đáp: “Chúng ta vốn chỉ thuê chú đến chỗ này thôi, chú cứ ở đây đợi chúng ta một lát, chúng ta lên đỉnh núi sẽ thả dây thừng xuống kéo hành lý lên rồi sẽ trả thêm chút tiền uống rượu cho chú được không?”

Nói xong, lão búng mình vọt lên một cây bách cổ thụ ngàn năm, rồi lại từ tàng cây bách đó vọt lên đỉnh núi. Lão lấy dây thừng ra thả xuống kéo tất cả hành lý lên trên, rồi lại thả dây xuống kéo Anh Quỳnh lên. Khi đến lưng chừng, Anh Quỳnh đưa mắt nhìn quanh thấy chỗ này vô cùng hiểm trở, ngọn cô phong cao vút lên như ngọn bút, bên dưới là đầm sâu vạn trượng. Nàng tuy lớn gan, nhưng cũng hoa mắt hết hồn. Sau khi Anh Quỳnh lên rồi, Lý Trữ lấy ra hai lượng bạc thưởng cho cước phu uống rượu rồi tung mình vọt lên trên. Ba người thương lượng cách vận chuyển hành lý. Chu Thuần nói: “Đệ đã đến chỗ này nhiều lần, vô cùng quen thuộc. Đệ sẽ dẫn cha con huynh đến thạch động trước, rồi đệ trở lại mang hành lý đến sau.”

Lý Trữ vì không biết đường nên không khách khí. Mọi người đứng dậy mang theo những vật dụng nhẹ nhàng thuận tiện. Đi qua vài sườn núi, được chừng hơn ba dặm mới đến cửa động. Thấy trên vách động phía trước có bốn chữ lớn “Sấu Thạch Tê Vân”**. Ba người vào trong động nhìn ngó, chỉ thấy trong động có bốn gian thạch thất, ba gian dùng làm phòng ngủ, một gian có ánh sáng chiếu vào rất tốt để làm phòng đọc sách và nghỉ ngơi chung. Sau đó, Chu Thuần đi vận chuyển đồ vật về, phải mất ba lần đi lại mới xong. Thu dọn ổn thoả thì ánh tịch dương đã tắt sau núi. Ba người đã mệt mỏi cả ngày, liền dùng đá bít cửa động lại rồi đi ngủ.

Sáng sớm hôm sau, Lý Trữ nói qua về trình tự tập luyện cho Anh Quỳnh biết. Trước hết là dạy nàng luyện khí ngưng thần rồi đến các loại nội công. Anh Quỳnh vốn thiên tư thông minh mẫn tiệp dị thường, chẳng bao lâu đã luyện hết các môn công phu nhu nhuyễn. Chỉ vì nàng bản tính vốn nóng nảy nên ngày nào cũng gây phiền hà đòi Chu Thuần dạy kiếm pháp cho nàng. Chu Thuần thấy nàng tiến bộ thần tốc, nhận thấy có thể truyền thụ. Duy có Lý Trữ là nhất quyết không chịu, chỉ nói chưa đến lúc.

Một hôm, Chu Thuần nói giúp cho Anh Quỳnh về chuyện đó thì Lý Trữ nói: “Hiền đệ chỉ biết một mà không biết hai. Chẳng lẽ là ta không biết giờ nó đã có thể bắt đầu học kiếm pháp được rồi sao? Nhưng đệ nên biết càng là người thiên tư cao thì càng cần phải có căn cơ thâm hậu. Với thiên tư của Quỳnh nhi, ta tuyệt không đủ tài để làm lão sư cho nó. Vì thế giờ ta chuyên tâm một lòng củng cố căn cơ cho nó. Một khi kỳ duyên đến, gặp được danh sư thì có thể làm được việc lớn. Nếu giờ mà khinh suất dạy nó quá sớm, mang sở học bình sinh truyền thụ cho nó thì cũng không thể nhất thời học hết được. Lại thêm tính khí nó mạnh mẽ sẽ không dễ dàng phục người khác. Trong thiên hạ này, anh hùng mạnh hơn ta rất nhiều, một khi gặp phải cường địch thì làm sao không thất bại được? Ý của ta là nó không học thì thôi, nhưng một khi đã học thì phải tinh thâm, tuy không thể siêu phàm nhập thánh như những vị Kiếm Tiên thời cổ, nhưng cũng phải đạt mức vô địch trên trần thế này mới được. Hồi trước ta không muốn dạy nó chính là vì nó thông minh mà tính khí lại vội vàng, bản lĩnh của ta chỉ có hạn nên mới lần lữa không dạy.”

Chu Thuần nghe xong, không muốn khuyên lão thêm nữa. Chỉ có Anh Quỳnh tính nóng như lửa, làm sao nhịn được.

Chỗ này tuy phong cảnh rất đẹp, nhưng mỹ trung bất túc***, quá xa cách với nguồn nước. May là cách thạch động khoảng hơn một dặm có một thác nước, bên dưới thác là một dòng suối nhỏ, nước trong thấy đáy, vừa ngọt vừa mát. Cứ cách một ngày, hai người Lý, Chu thay phiên nhau đến suối lấy nước. Lý, Chu hai người sợ sợ nghỉ ngơi nhàn rỗi hỏng hết gân cốt nên sáng nào cũng dậy sớm luyện tập các loại quyền cước kiếm pháp trước cửa động. Vì hai người không chịu dạy cho Anh Quỳnh nên nàng dụng tâm ngồi bên xem kỹ, đến khi không có mặt hai người thì tự mình luyện tập.

Trên núi Nga My có rất nhiều khỉ, một hôm Anh Quỳnh nhìn đàn khỉ chạy nhảy trên sườn núi, lanh lẹ như bay, bất chợt làm nàng nảy ra ý định luyện tập khinh công. Mỗi sáng nàng dậy rất sớm, mang theo hai sợi dây thừng, đầu dây buộc vào một cội cây to, nàng tự luyện tập chạy nhảy trên dây. Nàng lại đòi Lý, Chu hai người dạy nàng các thuật khinh thân. Nàng vốn có thần lực trời sinh, lại được hai lão sư chỉ điểm nên không những luyện được thân thể nhẹ nhàng nhanh nhẹn như chim yến, mà sức lực cũng mạnh mẽ dị thường.

Cách một tháng, Chu Thuần lại về thăm Yến Nhi một lần, nhân tiện dậy gã võ nghệ. Hôm đó là ngày Chu Thuần phải về thăm gã, vừa mới đi đến bên Xả Thân nham bỗng thấy Triệu Yến Nhi chạy như bay tới, trong tay cầm một phong thư tín.

Chu Thuần mở ra xem, thì ra là của thầy đồ Mã Tương gửi. Trong thư viết: “Ba ngày trước có một hoà thượng đến, hình dáng hung ác dị thường, trên mình có đeo một cái mõ sắt lớn nặng tới ba bốn trăm cân, vào thôn hoá duyên. Hắn nói là tăng nhân của Ngũ Đài sơn, tên là Diệu Thông, đi chu du thiên hạ để tìm một bằng hữu họ Chu. Người trong thôn tuy thấy hắn hung ác vô cùng, nhưng vì hắn chỉ đến hoá duyên, tuyệt không có hành vi gì khác lạ nên mặc kệ hắn. Vì trong thôn không có ai họ Chu nên hôm qua hắn vốn định bỏ đi thì bỗng nhiên gặp một người mau miệng trong thôn nói đến Chu tiên sinh, hắn liền hỏi tên và tướng mạo tiên sinh. Hắn nghe xong còn nói ‘Nhất định là hắn. thật không ngờ Vân Trung Phi Hạc+ Chu lão tam lại có ngày còn có thể gặp lại.’ Khi hắn nói, sắc mặt vô cùng khó coi. Khi hắn đang hỏi Chu tiên sinh giờ ở đâu thì ta và Yến Nhi đi tới. Người mau miệng kia lại nói nếu muốn hỏi nơi hạ lạc của tiên sinh thì phải hỏi bọn ta. Tăng nhân đó liền đến hỏi ta. Ta thấy hắn đến với ý không tốt liền nói với hắn Chu tiên sinh đến Thành Đô rồi, tuyệt không nói cho hắn biết ông ngụ ở Nga My. Hôm nay không thấy hắn trong thôn nữa, chắc đã đến Thành Đô tìm ông rồi. Ta thấy hoà thượng đó nhất định có ý đồ không tốt nên mới dùng thư thông báo cho ông, để sớm chuẩn bị.”

Chu Thuần đọc xong thư, giật mình kinh hãi, nói với Yến Nhi: “Con theo ta lên núi rồi nói tiếp.” Vừa nói, lão vừa mau chóng dắt Yến Nhi nhảy vọt lên vách núi dựng đứng, tiến vào trong động. Sau khi Yến Nhi bái kiến cha con Lý Trữ xong, liền nói với Chu Thuần: “Con thấy Mã lão sư nói hoà thượng đó có lòng bất thiện nên tối tối con đều đến khách sạn mà lão hoà thượng đó ở để trinh sát xem hắn là dạng người nào. Con đến lúc canh ba, nằm trên mái nhà chỗ phòng của hắn, dùng thế ‘Trân châu liêm quyển câu’ nhìn vào trong phòng, chỉ thấy hoà thượng đó đang ngồi xếp bằng. Ngồi một lúc, lão đứng dậy, lấy từ trong mõ sắt ra hai ngón tay, ngây người ra nhìn một lúc rồi lại thò tay phải của lão ra so đi so lại với hai ngón tay kia. Thì ra tay phải của hắn chỉ còn lại ba ngón, ngón vô danh và ngón thứ ba dường như bị binh khí chặt đứt. Lúc đó, hắn lại lấy ra một chiếc túi nhỏ, rồi lôi ra một bức tượng nhỏ bằng đất sét, dung mạo bức tượng giống như của lão sư, cũng là bạch y bội kiếm, chỉ khác là sau lưng còn có hai cái gì đó giống như là hai cánh chim vậy. Chỉ thấy lão hoà thượng đó khi nhìn tượng lão sư thì nghiến răng kèn kẹt, có vẻ rất thù hận, lại không ngừng tát vào bức tượng và chửi mắng. Con không nhịn được trong lòng vô cùng tức giận, đang định tiến vào phòng chất vấn hắn xem hắn có oán thù gì với lão sư mà lại chửi mắng sau lưng người ta như thế? Nếu hắn không muốn nói lý lẽ thì con sẽ đánh đến cùng với hắn. Ai ngờ khi con đang định vào phòng thì dường như có người nào đó túm lưng con, con cứng đờ ra không làm gì được, bỗng thấy người đang lơ lửng trong không trung. Một lúc sau mới rơi xuống đất, nhìn quanh thì ra đang ở trong miếu Tam Quan gần đó, làm con kinh hãi quá. Con vốn giấu mẫu thân mà đi, con sợ lão nhân gia tỉnh dậy đi tìm con, nên định trở về xem thử. Về nhà thì thấy mẫu thân con không hề tỉnh giấc, chỉ thấy trên bàn có một tờ giấy chữ viết đẹp vô cùng.

Trong tờ giấy viết: “Yến Nhi quả to gan, giấu mẹ đi làm chuyện nguy hiểm. Sáng sớm mai cấp tốc lên Nga My đem tin đến cho lão sư không được trì hoãn.”

Con xem xong tờ giấy đó, suy nghĩ cẩn thận: “Con có lão mẫu ở nhà, không thích hợp để làm liều. Theo như khẩu khí người lưu lại tờ giấy đó thì nhất định là bản lĩnh hoà thượng rất cao cường, con tuyệt không phải là đối thủ của hắn. Người bỗng nhiên nhấc bổng con lên trên mái phòng khách đó có lẽ chính là người viết thư.” Nghĩ hết cả đêm, sáng hôm sau con liền nói cho mẫu thân biết. Mẫu thân kêu con cấp tốc thông tin cho lão sư. Hôm đó chính là ngày thi, con còn sợ Mã lão sư không cho con đi. Ai ngờ con vừa vào phòng học, chưa kịp mở mồm thì Mã lão sư đã kéo con ra chỗ vắng người, lệnh cho con truyền tin cho lão sư, lại còn cấp cho con ba lượng bạc làm lộ phí. Vừa mới đi được mười mấy dặm thì thấy hai người đang cãi nhau ầm ỹ. Con định thần nhìn kỹ, thì ra một người là hoà thượng kia, một người là một đạo nhân, làm con không nhịn được sợ hãi vô cùng. May là cách một quãng xa, bọn họ không chú ý đến con nên con bỏ đường lớn, đi theo đường núi đến đây. Không biết lão sư có biết lai lịch của tên hoà thượng đó không?”

Mới hay
Mai danh ẩn tích tưởng yên ổn
Thù xưa nợ cũ nào chịu buông
Muốn biết Chu Thuần trả lời thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.

Chú thích

* Cước phu: Cửu vạn, phu khuân vác.

** Sấu thạch tê vân nghĩa đen là đá mòn mây đậu.

*** Trong cái đẹp kiểu gì cũng có nhược điểm. Hay “không có gì là hoàn hảo”.

+ Hạc bay trên mây. Đây là tên hiệu, thường chỉ người khinh công giỏi.
Hết hồi thứ hai
~*~*~*~*~*~*~*~*~ Chương trình ủng hộ thương hiệu Việt của Tàng Thư Viện:

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK
Chương trước
Chương trước
Chương sau
Chương sau
Về đầu trang
Về đầu trang