Vì không biết Trần Thế Pháp là người thời nào, ở đâu, ta khó lòng xác định được soạn niên của Lĩnh Nam Chích Quái, nhưng ta có thể lý luận để thử tìm hiểu tác phẩm đã được viết vào khoảng những năm nào.
Đầu tiên, căn cứ vào bài Tựa của Vũ Quỳnh đề năm 1492 trong đó nhà hiệu chỉnh thú nhận không biết Lĩnh Nam Chích Quái đã được hoàn thành vào thời kỳ nào, ta có thể nói tác phẩm đã được viết lâu năm trước thế hệ của Vũ Quỳnh. Vũ Quỳnh sinh năm 1453, đỗ tiến sĩ năm 1478, đề tựa Lĩnh Nam Chích Quái năm 1492, viết xong Đại Việt Thông Giám Thông Khảo năm 1510, như vậy, nhà văn học kiêm sử gia ấy có đủ phương tiện và học thức đề biết rõ về tác phẩm và tác giả mà đã đành chịu không nắm được tài liệu nào đủ biết thời Trần Thế Pháp còn sống phải rất xa đối với thời đại của Vũ Quỳnh. Ý kiến này cũng là ý kiến của Gaspardone. Từ năm 1492 trở lại năm 1428 là năm Lê Lợi lên ngôi, tình thế đã được ổn định, năm này qua năm khác không xảy ra một biến cố nào quan trọng, do đấy, nếu đến năm 1492 mà Vũ Quỳnh không biết gì về soạn niên của Lĩnh Nam Chích Quái thì từ 1428 trở đi, không có một tài liệu nào về tác phẩm nói trên đã được công bố; nếu đã có một tài liệu nào được công bố thì không có lý do gì tài liệu ấy lại bị thất lạc, không đến tay Vũ Quỳnh, giữa một thời kỳ mà không có một biến cố chính trị nào có thể làm cho tài liệu kia bị tiêu hủy. Như vậy, ta có thể nói soạn niên của Lĩnh Nam Chích Quái phải kể trước năm 1428.
Từ 1428 trở về 1407, lịch sử trải qua bao nhiêu giai đoạn khủng khiếp; đất nước rung chuyển dưới gót giày xâm lăng của quân Minh; giữa khói lửa tơi bời, trước những lời kêu gọi xuất quân của Giản Định Đế, của Trấn Quí Khoách, của Lê Lợi và Nguyễn Trãi, khó lòng có một nhà nho nào ngồi yên lặng rở những cuốn Tài Quỷ Ký, Nam Hải Cổ Tích Ký mà ghi lại những chuyện xa xưa. Nếu nhà nho ấy có can đảm sáng tác trong thời gian này thì những sáng tác phẩm ấy đã hồi quang những cảnh hỗn loạn của chiến tranh, những hình ảnh rùng rợn của máu lửa, hoặc đã là những lời ca tụng khí phách anh hùng như Nghĩa Sĩ Truyện, những lá thư khuyến dụ địch như những lá thư hùng dũng của Nguyễn Trãi gửi cho quân Minh. Ngược lại, Lĩnh Nam Chích Quái mang một nội dung khác hẳn; không khí của tác phẩm trang nghiêm nhưng yên tĩnh; đâu cũng là hòa bình, đơn giản, nghĩa là Lĩnh Nam Chích Quái không thể là một tác phẩm được hoàn thành trong khoảng thời gian từ 1407 đến 1427. Như vậv, ta có thể nói rằng soạn niên của Lĩnh Nam Chích Quái là từ khoảng Trần Dụ Tôn đến hết đời Hồ, nghĩa là từ 1341 đến 1407 nhưng soạn niên của tác phẩm ấy có thể đặt vào cuối đời Trần [21] thì đúng hơn là đặt vào đời Hồ.
Tại sao lại kể từ đời Trần Dụ Tôn mà thôi? Đó là ta căn cứ vào truyện Hà Ô Lôi xảy ra năm Thiệu Phong thứ 6 tức là năm 1346 đời Trần Dụ Tôn. Truyện Hà Ô Lôi là truyện thứ 8 trong mục lục của bản chính và là truyện thứ 21 trong bản hiệu đính của Vũ Quỳnh. Vai chính trong truyện là vua Trần Dụ Tôn và Hà Ô Lôi, một đứa con hoang có tài mà nhà vua rất tín sủng. Năm Ô Lôi 15 tuổi, tức là năm 1360 thì được nhà vua đãi vào hàng tân khách. Năm sau, tức là năm 1361, chàng được mật lệnh đi chinh phục cho nhà vua bà Quận chúa A Kim trẻ đẹp nhưng góa chồng ở làng Mọc. Theo sử, từ năm 1358, sau khi Trương Hán Siêu và Minh Tông mất đi, Dụ Tôn tha hồ tự do sống phóng túng, cờ bạc, rượu chè, say mê ca kịch đến nỗi đã cướp vợ của kịch sĩ Dương Khương mặc dầu bà này đã có mang hai tháng chỉ vì bà này là nữ kịch sĩ; bảy tháng sau, Dương Nhật Lễ ra chào đời, được làm con nuôi của Dụ Tôn và trước khi Dụ Tôn băng hà đã được chiếu nối ngôi dù Dụ Tôn còn có một người anh là Cung Định Vương Phủ; Dương Nhật Lễ làm vua từ 1369 đến 1370, sau bị Trần Ngô Lang lừa vào cung, Tuyên Vương Kính đem quân về kinh giết chết, nhưng trước khi chết còn được Cung Định Vương (sau đó là vua Nghệ Tông) chạy đến ôm lấy mà khóc, chứng tỏ anh em vua Dụ Tông vẫn còn say mê mẹ con Dương Nhật Lễ. Ta có thể nói Dương Nhật Lễ của lịch sử là Hà Ô Lôi của Lĩnh Nam Chích Quái. Cũng một nguồn gốc không có gì đẹp đẽ ấy, cũng một cái tài về ca kịch và cũng được mọi người say mê đến nỗi quên cả địa vị của họ và bỏ bê trễ cả công việc. Đọc truyện Hà Ô Lôi, ta thấy mọi tình tiết của câu chuyện ăn khớp với đời sống xa hoa trụy lạc của Trần Dụ Tông, từ cái tính quay cuồng vì nghệ thuật, những mánh khỏe cỏn con để săn sắc đẹp, đến cái vẻ quyến rũ của tiếng hát v. v... Phải là một người đương thời với Trần Dụ Tông mời có thể là một chứng nhân nhãn tiền như vậy. Căn cứ trên câu truyện Hà Ô Lôi, ta có thể nói rằng Trần Thế Pháp sống vào đời Trần Dụ Tông, và cuốn Lĩnh Nam Chích Quái đã được hoàn thành ngay sau thời kỳ ấy, từ 1370 đến 1400.
__
21. Maspéro (Protectorat, p.584 n° 1, Etudes, I, p. 26, note).
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK