IV. Nguồn gốc Lĩnh Nam Chích Quái.
Dân tộc nào cũng vậy, trong giai đoạn đầu tiên, cũng sản xuất ra một số truyện thần thoại, nghĩa là những truyện linh quái [22] để giải thích nguồn gốc của mình. Thần thoại nghĩa là nói đến thần, nhưng chữ thần ở đây không nhất thiết chỉ là những thực thể siêu nhiên, vô hình; thần ở đây có thể là những thần thánh, hoặc nửa thần nửa người, hoặc những anh hùng liệt sĩ mà những vĩ tích oai linh trong thế gian đã liệt vào hàng thần thánh. Sau truyện thần thoại là những truyện chắc chắn đã có từ khi có loài người, ta thấy xuất hiện nhiều loại truyện truyền thuyết trong đó tính cách linh quái đã phai nhạt rất nhiều và các tình tiết phô diễn được ẩn náu dưới những màu sắc của lịch sử. Cùng với hai loại này, ta còn nhận thấy loại truyện cổ tích, cốt yếu ở điểm duy trì và phát huy những phong tục, những tập quán, những quy ước luân lý cũ. Phân tích ba khuynh hướng này trong truyện truyền miệng của ta xưa, ta thấy rõ ràng nguồn gốc của Lĩnh Nam Chích Quái.
Đầu tiên về phương diện thần thoại, nói theo Lê Quý Đôn [23], Lĩnh Nam Chích Quái "giả thác truyện hội rất nhiều, không thể kể xiết". Maspéro [24] chứng minh truyện Hùng Vương là truyện trích ở các tác phẩm Trung Hoa [25]. Nguyễn Đổng Chi cho rằng "chiến tranh giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh hay chiến tranh giữa Cường Bạo Đại Vương với Thần Sét có nhiều điểm rất giống chiến tranh giữa thần Chúc Dong với thần Cộng Công trong truyện thần thoại Trung Hoa, giữa thần Chang Lô Cô với thần Lun Cung trong truyện thần thoại của dân tộc Mán, giữa cua và quạ trong truyện thần thoại Ba-na". Przyluski [26] có cảm tưởng đã đọc truyện Kim Qui ở đâu rồi bởi vì các miền vùng Nam Hải ngày xưa đều có những truyện tương tự. Những quan điểm này về nguồn gốc các truyện thần thoại trong Lĩnh Nam Chích Quái không phủ nhận bản sắc của truyện này bởi vì cùng nằm trong một địa phương, các dân tộc Đông Nam Á dĩ nhiên có sự giao lưu về phương diện văn hóa. Ngay từ thời Bắc Thuộc, Triệu Xương và Tăng Cổn là hai nhà hành chính Trung Hoa đã có cơ hội biên tập một ít truyện cổ của ta trong Giao Châu Ký đủ biết người Việt đã đủ khả năng sáng tạo văn nghệ từ trước rồi. Còn về những tác phẩm mà Maspéro [27] đã dẫn, làm thế nào để chứng minh rằng các tác phẩm ấy có trước những câu truyện truyền miệng của ta? Mọi quả quyểt về vấn đề này đều vội vã và sai lầm.
Về loại truyền thuyết, nguồn gốc của Lĩnh Nam Chích Quái là do sự truyền khẩu của dân gian, đúng như lời Vũ Quỳnh đã nói trong bài Tựa danh tiếng của ông. Những lời truyền khẩu này căn cứ trên những hiện tượng lịch sử xác thực, đồng thời được óc tưởng tượng hồn nhiên và phong phú của nhân dân tô điểm đã dựng nên những tình tiết lý thú. Qua những truyện Trầu Cau, Dưa Hấu, Bánh Chưng v. v.... ta thấy thức dậy cả một quá khứ xa xăm trong những nét vàng son rực rỡ. Về loại này, nguồn gốc của Lĩnh Nam Chích Quái là óc tưởng tượng rất sáng tạo của người Việt, những phong tục đặc biệt của ta xưa, những thổ sản mà chỉ riêng ta có.
Sau cùng, về loại truyện cổ tích, ta có thể tìm thấy ba nguồn gốc. Nguồn gốc Trung Hoa như Việt Tỉnh, và điều này, chính Lê Quý Đôn đã nói đến trong Kiến Văn Tiểu Lục; ngoài ra còn có nguồn gốc ở khẩu truyền, ở dã sử như truyện Lý Ông Trọng, truyện Nhị Trưng, Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ; sau cùng, có truyện là tác phẩm của chính Trần Thế Pháp. Có lẽ tác giả vì một lý do thận trọng hay khiêm tốn nào đó đã để lẫn lộn tác phẩm của mình vào với những truyện truyền miệng, gần giống như La Bruyère của văn học Pháp, khi xuất bản cuốn Les Caractères lần đầu tiên năm 1688 vì muốn đánh lạc dư luận, đã phải nhan đề tác phẩm của ông là tác phẩm dịch của một triết gia Hy Lạp sống vào thế kỷ thứ 4 trước Thiên Chúa Giáng Sinh [28]. Truyện rõ rệt là tác phẩm của Trần Thế Pháp là truyện Hà Ô Lôi.
__
22. Danh từ ghép hai chữ u linh của Lý Tế Xuyên và chữ quái của Trần Thế Pháp để diễn tả một tánh cách kỳ lạ, siêu phàm. Chữ đồng nghĩa ở tiếng Pháp là merveilleux.
23. Kiến Văn Tiểu Lục, q. IV, 4a.
24. Etudes d'Histoire d'Annam, IV, BEFEO XVIII, 3, p. 6 s.
25. Thái Bình Hoàn Vũ Ký, Thủy Kinh Chú.
26. La princesse a l'odeur de posson et la nàgi in Etudes Asiatiques, 1925. II, tr. 265 s.
27. Vì tinh thần khoa học, Maspéro ít tin vào dã sử, nhưng ông quên rằng Bắc sử cũng có nhiều sự sai lầm. Vì tự tôn, rất có thể người Trung Hoa không cần biết đến Phùng Hưng chẳng hạn.
28. Đây là tên sách mà La Bruyère đã đặt: Le Caractères de Théophraste, traduits du grec, avec les Caractères ou les Mœurs de ce siècle.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK