• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

I. Nhan đề của tác phẩm:

Các nhà khảo cứu về Lĩnh Nam Chích Quái tỉ dụ Guspardone, Dương Quảng Hàm, Hoa Bằng, Maurice Durand v. v... đều viết tên của tác phẩm là Lĩnh Nam Trích Quái, chua chữ trích là 摭 và hiểu 摭 nghĩa là gom góp lượm lặt; trong bài Bibliographie Annamite [5], Gaspardone đã dịch Lĩnh Nam Trích Quái là Recueil des êtres extraordinaires du Lĩnh Nam, nghĩa là chữ trích đã được hiểu theo nghĩa chữ recueil, một tập thu góp những bài đã có sẵn. Cố giáo sư Dương Quảng Hàm, trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu, tuy đã chua chữ Trích là 摘 nhưng cũng đã hiểu Trích là nhặt lấy, là góp nhặt [6]. Như vậy chữ Trích đã được chua hai cách khác nhau, nhưng đã được hiểu theo một nghĩa. Sự thực ý nghĩa của hai chữ 摭 và 摘 trái ngược hẳn nhau; theo Từ Hải thì 摭 phải đọc là chi ích thiết, âm chích, và nghĩa là từ trên đất mà lượm lặt lên; do đấy, 摭 đọc là Chích cho đúng cách phát âm [7] diễn tả hành động của một người cúi xuống để lấy một vật gì ở dưới lên; cái ở dưới đất là một cái gì tầm thường, là cát bụi chẳng hạn, một cái gì lẻ tẻ, rời rạc, không có giá trị; về văn chương thì những cái tầm thường ấy có thể là những mẩu chuyện vu vơ, một vài tình tiết không có liên lạc gì với nhau, nay được một nhà trí thức chích lên, nghĩa là thu góp lại, sắp đặt cho có đầu đuôi, rồi tổ chức những tình tiết vụn vặt khi trước thành một câu chuyện có hệ thống, có ý nghĩa. Phải phân tích sâu xa chữ chích, ta mới thấy sự góp phần quan trọng của tác giả Lĩnh Nam Chích Quái trong công cuộc duy trì và phát huy những giá trị cũ của dân tộc; từ những câu chuyên Hồng Bàng, Ngư Tinh, Mộc Tinh mà có lẽ người bình dân đã được nghe lõm bõm đây đó, ông đã đúc kết thành một câu chuyện hấp dẫn về đời Hùng Vương, trình bày cả một bức tranh lịch sử linh hoạt và sinh động, người nghe đã bị chinh phục hoàn toàn đến nỗi ngộ nhận đó là một câu chuyện có thực.

Ngược lại, chữ 摘 [8] có một ý nghĩa khác hẳn; nó diễn tả cử chỉ của một người giơ tay ra để hái những quả đã có sẵn ở trên cây; việc làm của người ấy không có gì là mới mẻ; quả hái được vẫn giữ những màu sắc cũ; một đôi khi những màu sắc ấy có thể phai nhạt đi, quả hái được cũng có thể héo khô đi. Nói một cách rõ hơn, chữ 摘 không bao hàm một cử chỉ sáng tạo; nó chỉ việc lấy của người ta đã làm sẵn sàng mà sử dụng; dĩ nhiên, trích cũng một đôi khi giả thiết một sự lựa chọn, nhưng dù sao, sự lựa chọn ấy cũng chỉ là một sự lựa chọn những cái đã hình thành, chẳng hạn những mẫu chuyện đã được viết xong, những tình tiết đã được sắp đặt một cách ngăn nắp. Do đấy, công việc chích 摭 tích cực bao nhiêu thì công việc trích 摘 tiêu cực bấy nhiêu; chích càng sáng tạo thì trích càng máy móc.

Vì những lý do đó, công việc của tác giả Lĩnh Nam là đã chích quái chứ không phải trích quái; bao nhiêu những chuyện truyền kỳ của ta xưa, ông đã không cứ để nguyên như vậy mà góp nhặt thành sách; công việc ấy quá dễ dàng; nhưng đàng này, tác giả đã chích quái nghĩa là từ những mẩu chuyện bé nhỏ rơi rớt trong dân gian, ông xây nên một lâu đài truyện cổ nguy nga; từ những cát bụi muôn phương, ông trau chuớt thành châu ngọc. Công sáng tạo của tác giả đáng được kể như là công trình của một nhà tiểu thuyết; tác phẩm của ông là một trong hai tập đoản thiên đầu tiên của văn học Việt Nam. Ta nói đến tác phẩm như là một sản phẩm tinh thần của tác giả cũng như là một tinh hoa của cuối đời Trần.

Căn cứ vào những lý do trên, tôi đề nghị nên để nhan đề của tác phẩm này là Lĩnh Nam Chích Quái. Những tên khác của tác phẩm cũng nên viết lại như thế, tỉ dụ Lĩnh Nam Chích Quái Liệt Truyện; Lĩnh Nam Chích Quái Truyện Lục; Lĩnh Nam Chích Quái Lục; Tham Bổ Lĩnh Nam Truyền Văn Thần Dị Chích Quái Liệt Truyện.

__

5. Đăng trong Bulletin de l'Ecole Française d'Extrême Otieat, lome XXXIV) N° 1-2, pp, 1-174.
6. Việt Nam Văn Học Sử Yếu, trang 251.
7. Người Trung Hoa đọc
8. Đọc là Trích như thường lệ.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK
Chương trước
Chương trước
Chương sau
Chương sau
Về đầu trang
Về đầu trang