Việc này chỉ cần một giá tiền hợp lý, tiền lương của thợ thêu Nhiếp gia hiện giờ thông thường 2 lượng một tháng, thợ thêu giỏi hơn thì 5 lượng một tháng, thợ thêu giỏi nhất cũng chính là bậc tông sư từ 10 lượng đến 20 lượng.
Chưởng quầy bị làm khó, tiền lương không ít, thợ thêu bình thường cũng là giá này. Dù sao làm thợ thêu, nhà bọn họ không chỉ bao ăn bao ở mà mỗi mùa còn có hai bộ y phục. Nhưng hoàn cảnh Mộc Lan đặc biệt. Đứa nhỏ mất nương này mới 8 tuổi, tuổi mụ cũng chỉ 10 tuổi, nếu được đãi ngộ giống bậc tông sư, chỉ sợ trong lòng các thợ thêu khác không phục.
Kiểu dáng y phục nàng làm tuy đẹp nhưng tay nghề thêu lại bình thường, chỉ nhỉnh hơn thợ thêu bình thường một chút. Chưởng quầy chuyên quản lý Thục Nữ Phường, đương nhiên biết một số quy củ của nhóm thợ thêu, trong mắt các bà thì tay nghề thêu mới là cốt lõi.
Tạm thời không nói đến việc có thể khiến các thợ thêu khác tâm phục khẩu phục được hay không, chỉ việc thuyết phục Mộc Lan ông đã không có lòng tin rồi.
Nàng một tháng có thể làm ra ba kiện đến bốn kiện y phục, trừ đi tiền đóng cho Thục Nữ Phường thì nàng kiếm được khoảng 10 lượng đến 14 lượng, nhiêu đây cũng đủ cho nhà bình thường chi tiêu một năm.
Chung quy là nhà nông, một năm 20 lượng đủ cho một nhà năm miệng ăn thoải mái sinh hoạt cho nên chưởng quầy nghĩ rằng Mộc Lan sẽ không ký khế ước.
Suy cho cùng, ký khế ước sẽ bị xem là tiện tịch, mặc dù sau khi kết thúc khế ước vẫn là lương dân, e là đối phương không bằng lòng.
Nếu lương cao hơn 20 lượng thì hai vị lão sư phụ được Thục Nữ Phường mời khó tránh khỏi có ý kiến.
Chưởng quầy cảm thấy thật sự quá phiền toái.
Nhiếp gia tuy xuất thân từ khoa cử nhưng kỳ tích ở chỗ lại thờ phụng tư tưởng "Vô vi mà trị"(1) của Lão Tử(2).
Chưởng quầy từ nhỏ đã đi theo lão thái gia, ít nhiều cũng bị nhiễm tư tưởng này.
Kỳ thật từ trước đến nay làm gì có ai chê bạc ít, nếu không phải nhà Mộc Lan đặc biệt, đổi lại thời đại này bất cứ ai cũng sẽ chọn ký khế ước với chưởng quầy, giống như lời ông ta nói, Nhiếp gia đưa điều kiện thực sự quá tốt.
Mỗi tháng 20 lượng còn có y phục bốn mùa, điều kiện cơm nước cho các tú nương quả thực không tồi. Ký khế ước mười năm tám năm, nói không chừng sau khi rời đi ông chủ còn có thể cho thêm một khoản bạc làm của hồi môn.
Chỉ tiếc là Mộc Lan còn phải chăm lo gia đình, cũng không muốn hạ thấp địa vị bản thân, mà chưởng quầy cũng không thay đổi phương thức khác.
Lúc này, chưởng quầy vắt óc suy nghĩ một thời gian, cuối cùng vẫn quyết định dùng 20 lượng bạc mời Mộc Lan.
Thời điểm Mộc Lan cùng Lý Thạch đến Thục Nữ Phường giao y phục, chưởng quầy lập tức mời hai người vào phòng.
Chưởng quầy giương mắt đánh giá hai người, một lần nữa cảm thấy hai người họ không giống như huynh muội. Hôm qua, ông ta thương lượng cùng nhị quản sự, cảm thấy nên đề cập trước, được thì thành công, không được thì tính sau.
Chưởng quầy đánh giá Mộc Lan một chút, quay đầu nhìn Lý Thạch nói: "Tiểu Lý tướng công, lần này mời ngươi vào là có việc cần thương lượng. Phường thêu của bọn ta dự định mời Mộc Lan cô nương làm tú nương, ta biết bản lĩnh Mộc Lan cô nương lợi hại. Mỗi tháng làm ở chỗ bọn ta kiếm được ít nhất 10 lượng bạc nhưng các ngươi rốt cuộc phải tự mình bỏ tiền mua vải dệt và kim chỉ, như vậy đã bớt đi một khoản." Nói xong cười nhìn Lý Thạch: "Ta biết Tiểu Lý tướng công là người có chí hướng lớn, chỉ sợ về sau nhiều chỗ cần phải tiêu tiền, mấy cái đó đều phải trù tính trước. Phường thêu bọn ta nguyện bỏ ra 20 lượng bạc một tháng mời Mộc Lan cô nương, Tiểu Lý tướng công nghĩ như thế nào?"
Chưởng quầy có thể khoan dung đối đãi hai người như vậy, bởi vì một nguyên nhân đó là biết Lý Thạch tuổi còn nhỏ đã là đồng sinh.
Nhiếp gia dĩ nhiên sẽ không quan tâm đến thân phận đồng sinh này nhưng người ta trời sinh có thiện cảm với người đọc sách, đối với người đọc sách càng thông minh thì thiện cảm càng nhiều.
Lý Thạch nghe xong chỉ sửng sốt sau đó liền hiểu được suy nghĩ của chưởng quầy, hắn suy xét một lát liền lắc đầu nói: "Tiểu tử không muốn để Mộc Lan ủy khuất."
Một câu, chưởng quầy liền hiểu được suy nghĩ của Lý Thạch. Trong lòng càng thêm tán thưởng Lý Thạch, lập tức gật đầu mở miệng nói: "Nếu vậy thì thôi."
Thợ thêu nữ là thợ tịch, không giống với thợ nam.
Thời đại này đối với nữ nhân hà khắc hơn nam nhân nhiều, có rất nhiều ngành nghề quy định không rõ ràng.
Giống như thợ thêu nữ, rất dễ dàng từ thợ tịch biến thành nô tịch.
Chưởng quầy thấy tuổi Mộc Lan còn nhỏ, sợ nàng khống chế không được về sau đi đường vòng, thấy Lý Thạch đau lòng muội muội liền coi như xong.
Nếu chưởng quầy biết Mộc Lan không phải là muội muội Lý Thạch mà là vị hôn thê, e rằng toàn bộ thiện cảm đều mất hết nhỉ?
Mộc Lan không ngờ rằng sự tình lại được giải quyết dễ dàng như thế, nàng còn tưởng rằng phải tốn không ít công sức, thậm chí có thể sẽ đắc tội với Thục Nữ Phường.
Nhưng việc này nằm trong dự liệu của Lý Thạch, hắn nhìn thoáng qua Mộc Lan, nói ngay: "Tiểu tử biết ý tứ của ngài, cũng cảm thấy Mộc Lan làm y phục chỉ được một kiện hai kiện thì quá đáng tiếc, khách mua y phục mặc ra ngoài ít nhiều cũng bị người khác bắt chước. Theo ý tiểu tử, không bằng sau khi y phục Mộc Lan bán đi liền sử dụng kiểu dáng y phục đó."
Khóe miệng chưởng quầy cong lên, mặt đầy ý cười nhìn Lý Thạch, khẽ gật đầu, không chỉ đọc sách giỏi, có khí phách, còn thông minh hiểu lẽ đời, không tồi, không tồi!
Chưởng quầy rất hài lòng. "Ngươi yên tâm, Thục Nữ Phường bọn ta không lấy không của các ngươi. Sau này các ngươi đến giao y phục, bọn ta không lấy tiền công mà miễn phí giúp các ngươi bán hàng. Chẳng qua là y phục được đưa tới thì ta sẽ kêu tú nương trong phường thêu chiếu theo kiểu dáng làm, có điều ngươi yên tâm đi, ta sẽ không cho các nàng làm chất vải tương tự, chất vải kém hơn cũng không kêu người làm. Chờ y phục các ngươi bán xong, ta lập tức bảo người mang lên, thế nào?"
Mộc Lan khẽ gật đầu, Lý Thạch lập tức đồng ý, lấy mẫu y phục giao cho Thục Nữ Phường. Mặc dù sẽ tổn thất một phần nguồn khách nhưng chưởng quầy đã nói, vải dệt tương tự ông ta sẽ không sử dụng. Như vậy đảm bảo với giá tiền này chỉ có y phục do Mộc Lan làm, ít nhất tình hình sẽ không quá tệ.
Lần này đề cập đến ích lợi nhiều hơn cho nên chưởng quầy trực tiếp gọi người định khế ước, để Lý Thạch ký tên.
Chưởng quầy trực tiếp giao khế ước cho Lý Thạch xem, cũng để Lý Thạch ký tên, mắt cũng không nhìn Mộc Lan một cái, điều này làm cho Mộc Lan một lần nữa sâu sắc cảm thụ được ác ý đến từ thời đại này.
Song Mộc Lan vẫn không nói gì, nhu thuận đứng bên cạnh Lý Thạch.
Lý Thạch đưa khế ước cho Mộc Lan nhìn rõ ràng, lúc này mới ký tên lên giấy.
Chưởng quầy không ngờ tới Mộc Lan cũng biết chữ, kinh ngạc nhìn nàng một cái, lúc này mới vừa lòng gật đầu.
Thời điểm Lý Thạch cùng Mộc Lan rời Thục Nữ Phường thì đã qua giữa trưa, Mộc Lan ngoảnh đầu lại nhìn bảng hiệu Thục Nữ Phường, thở dài: "May mắn lúc ấy chọn Thục Nữ Phường, nếu chọn phường thêu khác, e rằng không dễ dàng như thế."
"Nhiếp gia vẫn luôn tuân thủ lễ giáo, thanh danh bên ngoài vẫn rất tốt. Quan trọng nhất là lão thái gia Nhiếp gia thích nhất Lão Tử, rất sùng bái Lão Tử."
Trong lòng Mộc Lan âm thầm quyết định yêu mến vị Nhiếp lão thái gia chưa thấy mặt kia.
Gần Tết, phía trước Thục Nữ Phường đậu không ít xe ngựa. Mắt Mộc Lan sáng lấp lánh, hôm nay nàng giao hai kiện cùng mẫu y phục, không biết có thể bán trước lúc ăn Tết hay không.
Mà Nghê Thường Các cách đó không xa càng là 'xe như nước, ngựa như rồng'(3). Nghe nói mỗi ngày các quý phu nhân tiến vào Nghê Thường Các chọn lựa kiểu dáng đặt làm y phục cần phải xếp hàng mới có thể được một cái ghế chờ, có thể thấy được Tô gia ở Tiền Đường quyền thế và phồn thịnh thế nào.
Mộc Lan có chút phức tạp nhìn Nghê Thường Các một cái, quay người cùng Lý Thạch rời đi.
May mắn lúc trước không chọn phường thêu như Nghê Thường Các, với cách hành sự của Nghê Thường Các, chỉ sợ không thể ký thợ tịch đơn giản như vậy, chỉ có khế ước bán thân mới đảm bảo nhất.
Lý Thạch giao thiệp nhiều người, từ lúc hắn tự mình bày sạp thì thường xuyên chú ý đến Tô gia, cho nên biết một số chuyện trong Nghê Thường Các, trong đó có hai thợ thêu nữ từ thợ tịch biến thành nô tịch. Đây là một trong những lí do quan trọng nhất khi đó Lý Thạch không chọn Nghê Thường Các.
Lúc này Mộc Lan mới nhớ tới việc tán thưởng tầm nhìn của Lý Thạch. "Thật không nghĩ tới ngươi xem cửa hàng rất chuẩn."
Lý Thạch mất tự nhiên cười. "Phụ thân thường nói ta biết nhìn người!"
Mộc Lan giật giật khóe miệng, ngoảnh đầu làm như không nghe thấy.
Lý Thạch liền kéo Mộc Lan đi mua cần câu cá.
Mộc Lan khó hiểu. "Mua cái này làm gì?"
"Con sông phía sau nhà đóng băng rồi, chúng ta trở về đục lỗ câu cá, tiện thể nếm thử món mới."
Tình hình bán câu đối tựa hồ không chạy lắm, bốn nhà đều không đến lấy thêm hàng. Sau khi Lý Thạch biết được mấy ngày này không cần phải gấp rút viết thêm câu đối, thì mỗi ngày chỉ dành nửa ngày để viết câu đối, nửa ngày để đọc sách, thời gian còn lại dự định làm việc nhà, chẳng qua là hai ngày này hắn thấy con sông sau nhà liền nảy ra chủ ý.
Trước kia ở Lý gia trang, mỗi khi mùa đông đến làm nước sông đóng băng, phụ thân đều dẫn hắn đi đục băng câu cá cho nên kỹ thuật câu cá của hắn cũng không tệ lắm.
Mộc Lan nhớ tới hai ngày này bẫy rập cũng chưa có động tĩnh nên gật đầu đồng ý.
Hai người mua cần câu cá sau đó cố ý đến chỗ bọn nhỏ bán câu đối, thấy trước sạp có không ít người vây quanh, Viện Viện cùng Đào Tử phụ trách gào to còn Lý Giang và Tô Văn phụ trách thu tiền, giao hàng.
Mộc Lan thấy vậy liền vui vẻ. "Về sau bọn nhỏ dù không thi đậu cũng không lo việc kiếm kế sinh nhai."
Lý Thạch lại nghiêm mặt nói: "Bọn nhỏ nhất định phải thi đậu!" Nếu không hiện giờ Mộc Lan vất vả như vậy là vì cái gì?
Mộc Lan không để tâm, ở phương diện này nàng thông suốt hơn Lý Thạch nhiều. Kể cả muốn trở về tìm Tri huyện báo thù, Mộc Lan thấy rằng còn có rất nhiều cách khác.
Mộc Lan đến tiệm bánh bao bên cạnh mua mười cái bánh bao thịt, cho Lý Thạch hai cái sau đó đi tìm bọn nhỏ Lý Giang.
Bốn đứa nhỏ đã sớm đói bụng nhưng lượng người lui tới không giảm mà ngược lại còn tăng lên, trước sạp cũng có không ít người dừng chân cho nên bốn đứa nhỏ không chịu rời sạp để ăn cơm.
Thấy Mộc Lan cầm bánh bao tới, ánh mắt đều sáng ngời, không nhịn được nuốt nước miếng.
Mộc Lan đưa bánh bao cho Tô Văn, đẩy hai đứa ra, nói: "Mau đi ăn đi, ở đây có ta và Lý Thạch trông coi rồi."
Tô Văn lập tức cao hứng đáp lời, kéo Lý Giang cùng hai muội muội đến một bên chia bánh bao.
Lý Giang ăn một cái, đưa cái còn lại cho Tô Văn sau đó cùng Mộc Lan tiếp đón khách hàng.
Sau khi bán ba bộ câu đối, cuối cùng sạp cũng bớt khách, thấy khách chỉ xem chứ không mua, Lý Thạch liền bảo Mộc Lan đi ăn cơm trưa để mình trông sạp.
Tô Văn lập tức đưa cho tỷ tỷ một cái bánh bao, bản thân mình cầm cái bánh bao thứ hai thỏa mãn thở dài một hơi, hương vị bánh bao thịt thật sự quá ngon rồi.
Mộc Lan buồn cười nhìn bộ dáng thỏa mãn của cậu, mà Viện Viện cùng Đào Tử ở bên cạnh cũng bắt chước bộ dáng thỏa mãn của Tô Văn mà thở dài một hơi. Khóe mắt Lý Giang co rút, xoay người sang chỗ khác, thiếu điều muốn dựng một tấm bảng ngay bên cạnh, ta không quen ba người này!
Mộc Lan lấy ra 6 văn tiền đưa cho Tô Văn. "Đi đến tiệm bánh bao mua sáu chén sữa đậu nành lại đây."
Tô Văn lập tức lôi kéo Lý Giang, đừng tưởng rằng ngươi bày bộ dáng này thì người khác sẽ không biết hai ta là huynh đệ.
Lý Giang sa sầm mặt cùng cậu đi qua đó.
Mộc Lan nhìn mà buồn cười.
━━━━━
(1) Vô vi mà trị (无为而治): Đây là câu nói được trích trong triết " Vô vi " của Lão Tử. Về у́ nghĩa, "vô vi" có nghĩa là không làm gì mà không gì không làm, ý muốn khuyên con người cứ nghe theo lẽ trời, tự nhiên ắt có sự vận hành của riêng mình.
(2) Lão Tử: (571 TCN – 471 TCN) là một nhân vật quan trọng trong Triết học Trung Quốc.
(3) Xe như nước, ngựa như rồng (Xa thủy mã long): Hình dung ngựa xe qua lại rất nhiều, liên miên không dứt, vô cùng náo nhiệt.
━━━━━━━━━━