Ông lão câm dùng sức đẩy cái xe chở hàng ba bánh, trên xe là một chút hành lý không nhiều lắm của Vương Bân: chậu rửa mặt, ly chén, hộp cơm, chăn đệm, thêm vài thứ linh tinh vụn vặt.
Vương Bân đeo ba lô trên vai, một bên quai còn móc chiếc ấm nước hơi móp méo, bên kia treo đôi giày nhựa cũ một nửa, nhưng vẫn mới hơn đôi giày cậu ta đi sắp mòn vẹt đế dưới chân, là của lãnh đạo công xưởng không đi nữa nên cho cậu ta.
Cậu ta bị đuổi đi.
Ngày hôm đó Vương Bân đánh thắng mấy tay công nhân kia, tuy bị vài người ngăn cản, nhưng vẫn đỏ mắt túm Nhị Hầu lại đánh cho bầm dập mặt mũi, nhưng cậu ta cũng chỉ thắng mỗi trận ẩu đả đó.
Cậu ta biết mình không còn đất dung thân trong cái xưởng này nữa.
Hạ Thận Bình đi bên cạnh Vương Bân, trong tay ôm một vò rượu mơ, là đêm hôm trước ông đào ra từ trong rừng. Giờ tan ca ngày hôm qua Vương Bân chạy đến bên cạnh ông, lẳng lặng đứng một bên nhìn ông viết một bản anh hùng ca lên cái đĩa men sứ.
"Trông đẹp quá." Vương Bân nâng khóe miệng, "Thầy Hạ, bây giờ mấy chữ này tôi đều đọc được hết rồi. À...... thầy cũng viết cho tôi một bức được không?"
Hạ Thận Bình còn chưa đáp, cậu ta lại nói: "Nên tán tụng mình một chút, tốt xấu gì tôi cũng làm anh hùng một lần."
Hạ Thận Bình dừng bút, âm thanh hơi hạ xuống: "Cậu có ý gì?"
Khóe môi Vương Bân càng kéo cao hơn: "Tôi nhận tội rồi, nói đều là tôi trộm, ai thèm quan tâm là mười lăm hay là hai mươi lăm quả, tôi nhận tất. Thầy Hạ, thầy mau đi ăn cơm đi, tối hôm nay có thêm cơm, đừng để mấy thằng ranh kia cướp hết...... Tôi ấy à," Cậu ta cười đến đỏ ửng vành mắt, "Tôi không đi đâu, thầy Hạ, tuy tôi chưa đọc qua sách vở gì, nhưng có mấy đạo lý tôi cũng hiểu."
Cậu ta nhìn chằm chằm vào bài anh hùng ca trên đĩa, nói: "Anh hùng sở dĩ được gọi là anh hùng, là vì bọn họ một đi không trở lại, cho nên tôi cũng không đi gặp bọn họ, tôi đi thu dọn hành lý đây, sáng mai phải ra ga......Thầy Hạ, tôi phải đi rồi, thầy viết một bức thư pháp cho tôi được không, không cần viết nhiều, chỉ cần hai chữ "Anh hùng" thôi, được không?"
Hạ Thận Bình đã đọc qua bao nhiêu sách vở, bây giờ lại không nói được một câu nên lời.
Từ sau cái chết của Giang Hạc Lai, ông ngày càng trở nên ít nói. Đôi khi ông sẽ nhớ lại một ít chuyện cũ, ví dụ như vì sao cha ông muốn ông học triết học phương Tây, học nghệ thuật, lại dặn ông không được quên ý chí truyền thừa của phương Đông; lại như chuyện ông ngồi tàu đi châu Âu du học, nghiên cứu âm nhạc cổ điển thể hiện trên đàn dương cầm cổ và đàn dương cầm hiện đại khác nhau ở điểm nào, ông mang hoài bão như thế nào trở về nước, hy vọng có thể rót vào chút hồn phương Đông vào nhạc cụ phương Tây ra sao......
Mà giờ đây ông chỉ có thể tự vót sáo để thổi, ngồi dưới gốc mơ viết nhạc, bây giờ dưới gối đầu đã giấu mấy chục trang nhạc phổ mới sáng tác. Ông giấu không phải vì sợ bị trộm, không có ai lại đi trộm nhạc phổ, chỉ là làm như vậy sẽ không cần phải đi giải thích vì sao lại tiêu phí sức lực lên một thứ không thể ăn cũng không thể uống.
Hạ Thận Bình cũng không đi ăn cơm, ông đi theo Vương Bân về phòng.
Đang giờ ăn cơm, trong phòng không có người.
Hạ Thận Bình tìm một tờ giấy chưa viết trải xuống đất, sau đó múa bút viết hai chữ khải:
[ Anh hùng ]
Về sau, Hạ Thận Bình không còn viết chữ nào lớn như vậy nữa.
Viết xong chờ mực khô, ông gấp lại giao cho Vương Bân: "Đổi một mảnh trời đất, nguyện cho cậu......"
Hạ Thận Bình muốn nói "Nguyện cho cậu có thể làm anh hùng", nhưng ông nhìn gương mặt trẻ tuổi của Vương Bân, thấy cậu ta cẩn thận cất tờ giấy vào túi áo trong sát ngực, ông thở dài, im lặng thật lâu mới thấp giọng nói: "Nguyện cho cậu không cần làm anh hùng."
Vương Bân đã xoay người đi thu dọn đồ đạc, không biết có nghe được hay không.
Công xưởng không nằm gần ga tàu, phải đi bộ mất mười mấy dặm.
Lúc Vương Bân vác hàng lý lên vai chuẩn bị đi, phát hiện Hạ Thận Bình đã đứng ở cửa chờ. Hai người đi ra cửa, gặp ông lão câm trông buồng nồi hơi vừa mở cửa buồng. Vương Bân không biết ông già lưng còng này lấy đâu ra sức lực lớn như vậy, một tay kéo hành lý của cậu ta xuống ném lên xe ba bánh, khoa tay múa chân muốn đưa bọn họ đi ra ga.
Trong cái xưởng này, lão câm như một người vô hình, ông ta không nói chuyện, cũng không tranh đoạt với ai, mỗi ngày chỉ ở trong buồng nồi hơi nấu nước, hết ca lại khoá cửa buồng, rồi quét rác, lau cửa sổ, chuyện gì cũng làm, nhưng dù làm gì cũng không có ai chú ý. Vương Bân ở trong xưởng nhiều năm như vậy nhưng cũng chưa từng nói chuyện xã giao gì với ông ta.
Lão câm kéo Vương Bân và Hạ Thận Bình, kiên trì muốn hai người ngồi lên xe để ông ta đẩy, nhưng bọn họ làm sao đồng ý, giằng co một lát, Vương Bân nói nếu còn tranh cãi nữa cậu ta sẽ lỡ chuyến tàu lửa, lúc này lão câm mới buông lỏng tay, hơi buồn bã đẩy xe ba bánh, vừa rảo chân vừa quay đầu lại nhìn, sợ hai người theo không kịp.
Chờ bọn họ đi đến ga tàu hỏa, mặt trời đã lên cao.
Ga tàu này rất nhỏ, cùng lắm chỉ có ba khoảng sân đứng chờ tàu, đường ray rỉ sét loang lổ.
Hạ Thận Bình mở vò rượu ra, không biết do ủ sai hay tại thời gian quá ngắn, chất lỏng trong vò vẫn chưa giống rượu mơ, ngược lại hơi giống mùi mơ ngâm giấm.
Vương Bân ngửi mùi liền nói: "Thầy Hạ, có phải thầy cũng học theo thầy Giang ủ một vò rượu mơ, chờ đến lúc được đi mới đào lên uống? Nhưng rượu mơ phải ủ ít nhất là nửa năm, bây giờ thầy đã đào lên rồi, đáng tiếc, đáng tiếc."
Hạ Thận Bình rót rượu vào hộp cơm của Vương Bân, vào nắp hộp, vào cả cái ly súc miệng: "Không đáng tiếc, mơ năm nào cũng có, rượu vẫn có thể ủ lại." Người thì một khi đã chia xa, lại không biết đến bao giờ mới tương phùng.
Vương Bân cầm ly súc miệng lên nhấp một ngụm: "Vẫn chua quá......" Cậu ta chép chép miệng, bị chua đến rùng mình, một lát sau lại kéo khoé môi lên, nhìn Hạ Thận Bình và lão câm nói, "Hai người nói có kỳ lạ không," cậu ta hơi nâng ly về phía Hạ Thận Bình, "Thầy Hạ, cán bộ làm công tác văn hoá, đánh đàn dương cầm;" lại nâng ly với lão câm, nhưng không biết nên xưng hô thế nào, "......nhân viên trông buồng nồi hơi;" cuối cùng dán cái ly vào ngực mình, "Còn có một tên trộm trứng! Ba con người như thế này lại đứng bên nhau uống rượu, đúng là nằm mơ cũng không nghĩ tới."
Lão câm thoạt nhìn càng khổ sở hơn, gương mặt đầy đồi mồi nhăn nhúm hết lại, ánh mắt vẩn đục như có tơ máu. Ông ta cong lưng lục lọi bên vớ trái, moi ra một chiếc huy hiệu sao năm cánh cũ kĩ, lại nhanh tay nhét vào, tìm tiếp bên vớ phải, móc ra một chút tiền nhét vào tay Vương Bân.
Vừa vặn bằng tiền mười quả trứng gà.
Vương Bân từ chối, lão câm lại cố nhét, hai người giằng co đến khi tàu vào ga, lão cân nhân lúc Vương Bân mải nhìn tàu không chú ý, nhanh tay nhét tiền vào ba lô cậu ta.
Tàu dừng bánh, Vương Bân xách theo đồ dùng chất trên xe ba bánh, còn có hộp cơm và ly súc miệng vẫn tản ra mùi mơ chua, nhảy lên tàu.
Cậu ta đứng bên cửa sổ tàu vẫy vẫy tay, thấy trong túi Hạ Thận Bình giắt cây sáo trúc, vì thế hô lên: "Thầy Hạ, thầy thổi một bài đi, thổi bài thầy từng nhìn ga tàu hoả mà thổi ấy."
Hạ Thận Bình rút ống sáo ra, hướng về đoàn tàu màu xanh, thổi lên.
Ông nhớ lại thời Ngọc Các và Ngọc Lâu còn rất nhỏ, Cố Gia Bội dạy bọn chúng hát:
"Trường đình ngoại, cổ đạo biên
Phương thảo bích liên thiên
Vãn phong phất liễu địch thanh tàn
Tịch dương sơn ngoại sơn"
(*Ngoài đình nghỉ, bên đường cũ; Cỏ thơm nối với trời xanh; Gió đêm liễu phất tiếng sáo dừng; Hoàng hôn ngoài núi vẫn là núi - Lời bài hát "Tiễn biệt" do Lý Thúc Đồng sáng tác dựa trên giai điệu bài "Dream home and Mother" của Mỹ.)
Ngọc Các thích nhất câu "Ra đi không do dự", Ngọc Lâu lại càng thích câu "Trở về đừng chần chừ".
Nhớ lại chuyện cũ, trên mặt hiện ông lên nụ cười đã lâu không thấy.
Trong tiếng sáo da diết bao phủ cả tòa sân ga, đột nhiên len vào một tiếng kêu của thiếu niên mang theo hưng phấn "Ba ——" từ sau thùng xe Hạ Thận Bình truyền đến.
Tiếng sáo im bặt.
Một tiếng "Ba!!" càng lớn hơn lại truyền đến, lần này âm thanh gần thêm, nhanh chóng đánh lên cột sống Hạ Thận Bình.
Ông còn chưa kịp xoay người đã bị một đôi tay ôm lấy từ phía sau.
Lúc xoay người lại ông mới phát hiện ra tư thế của hai đứa nhỏ kỳ quặc biết bao nhiêu: Hạ Ngọc Lâu ôm Ôn Nguyệt An, không rảnh tay, hai tay Ôn Nguyệt An dang ra treo giữa không trung, sau một lúc lâu lại lập tức thu trở về, nhỏ giọng chào: "Thầy Hạ." Giọng cậu vẫn mang âm trẻ con, nhưng ngữ khí đã không còn giống trẻ con nữa.
Hạ Thận Bình gật đầu một cái.
Có lẽ do nhớ nhung tích cóp quá lâu, câu đầu tiên ông mở miệng ra cuối cùng lại là một câu trách cứ: "Ngọc Lâu, sao con lại mang cả Nguyệt An tới thế này?"
Ôn Nguyệt An giải thích: "Thầy Hạ, là con xin sư ca đấy ạ."
Hạ Thận Bình hỏi: "Gia Bội có biết không?"
Hạ Ngọc Lâu nói: "Mẹ đi công tác rồi, Ngọc Các ồn ào đòi đi theo, trong nhà chỉ còn con và Nguyệt An. Ba, ba đừng lo lắng, ngay mai bọn con sẽ về ngay. Ba xem bọn con mang cái gì đến nè?"
Hắn không mang theo thứ gì bên người, chỉ có một cái ba lô toàn sách, đều là sách Hạ Thận Bình thích đọc nhất.
"Còn có một quyển từ điển nữa, ba, ba viết thư nói đang dạy người ta viết chữ, Nguyệt An nói con mang đến cho ba."
Hạ Thận Bình cầm lấy từ điển, nói: "Chờ ba một chút."
Ông đi đến bên cửa sổ tàu, thừa dịp tàu còn chưa lăn bánh, vội vàng đưa từ điển cho Vương Bân.
Vương Bân nhận lấy, vui vẻ đến không biết nói gì, suy nghĩ nửa này mới luôn miệng nói: "Cảm ơn, thầy Hạ, cảm ơn."
Hạ Thận Bình gật đầu: "Tôi vốn nên dạy cho cậu, ngày hôm ấy mấy câu thầy Giang viết là ba câu cuối bài《 Định phong ba 》của Tô Thức: 'Ngoái cổ lại nhìn nơi hiu quạnh. Rời bước, không mưa không gió cũng không hanh' "
(*Tô Thức - 蘇軾 (1037 - 1101): tự Tử Chiêm, một tự khác là Hòa Trọng, hiệu Đông Pha cư sĩ nên còn gọi là Tô Đông Pha, là Nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống. Ông được mệnh danh là một trong Bát đại gia Đường Tống
Bài thơ "Định phong ba" do Tô Đông Pha viết vào một ngày đi đường gặp trời mưa nhưng quên mang ô, nghe thấy tiếng mưa đổ xuống rừng trúc từng tiếng rõ ràng, không tránh khỏi chạnh lòng nên tức cảnh sinh tình sáng tác ra.)
Vương Bân nhẩm lại mấy lần rồi cười rộ lên, không giống những lần cười mang ý trào phúng trước đây, mà trên gương mặt ngăm đen lộ ra nét khờ khạo: "Rời bước, không mưa không gió cũng không hanh...... Đúng là tốt hơn làm anh hùng một chút."
Tàu rời ga, Vương Bân hô vọng xuống chỗ những người đứng trên sân ga: "Giữ gìn sức khỏe."
Thời điểm trở về xưởng đồ sứ, ông lão câm vẫn đẩy xe ba bánh, nhưng lần này bên trên chở theo Ôn Nguyệt An và sách do Hạ Ngọc Lâu mang đến.
Lúc sắp đến nơi, lão câm dừng xe lại, khoa tay múa chân ra hiệu bọn họ chờ một chút, sau đó gom củi khô và than đá chất một bên tường nhà máy phủ lên xe, để hai đứa trẻ nằm bên dưới, thuận lợi chở người vào công xưởng.
Ban ngày thời gian công nhân bắt đầu làm việc, Hạ Ngọc Lâu và Ôn Nguyệt An trốn trong buồng nồi hơi đọc sách, lão câm phụ trách trông nom. Chờ cho công nhân tan ca hết, ông ta mới đưa hai đứa trẻ đến chỗ Hạ Thận Bình vẽ đồ gốm.
Hạ Ngọc Lâu lấy ra bức tranh cái cốc lúc trước Ôn Nguyệt An vẽ trên giấy, Hạ Thận Bình xem qua, ánh mắt sáng lên, hiển nhiên là rất vừa lòng nhưng vẫn không vội khen ngợi, chỉ hỏi: "Là ai vẽ?"
Hạ Ngọc Lâu trả lời: "Nguyệt An vẽ."
Hạ Thận Bình cẩn thận nhìn, lại nói: "Ngọc Lâu, con xem, Nguyệt An vẽ cả tên con vào này."
Hạ Ngọc Lâu liếc sang Ôn Nguyệt An, cười rộ lên.
Ôn Nguyệt An nhìn sang chỗ khác.
Hạ Ngọc Lâu nói: "Ba, có thể làm cho tụi con hai cái cốc giống nhau không, Nguyệt An và con mỗi đứa một cái?"
Hạ Thận Bình trả lời: "Lúc trước viết thư ba đã đáp ứng rồi, hôm tráng men cho vào lò nung có chừa lại hai cái cốc, ba dùng tiền mua của xưởng, vốn sợ vẽ hỏng nên mới để lại hai chiếc, thế thì bây giờ phải vẽ cẩn thận một chút, cả hai cái cốc đều không được vẽ sai."
Sợ bị người ta phát hiện, trong phòng chỉ thắp một ngọn đèn nhỏ, Hạ Ngọc Lâu ôm một cái cốc trong tay soi dưới đèn cân nhắc nên vẽ thế nào, Ôn Nguyệt An thì ôm cái cốc còn lại ngắm Hạ Ngọc Lâu.
Hạ Thận Bình đang vẽ hoa văn màu xanh lên một cái chặn giấy bằng sứ trắng chưa tráng men, vừa vẽ vừa giải thích cho Hạ Ngọc Lâu và Ôn Nguyệt An màu gốm trước khi tráng men và sau khi tráng men khác nhau chỗ nào, cần chú ý chuyện gì.
Hạ Ngọc Lâu vẽ thử trên giấy rất nhiều lần, sau khi chắc chắn rồi mới nâng bút vẽ đường cong đầu tiên lên cốc.
Hắn đã vẽ xong mẫu trên cốc mình, mắt cũng không nâng lên nhưng đỉnh đầu lại giống như mọc thêm một con mắt nữa, cong môi nhắc: "Ôn Nguyệt An, em không vẽ của em đi, nhìn anh làm gì?"
Ôn Nguyệt An thu hồi ánh mắt, đề bút cẩn thận vẽ tòa lầu dưới ánh trăng của mình.
Hạ Thận Bình nhìn thoáng qua hai cái cốc: "Vẽ nét xong thì có thể tô màu vào, không cần tô quá đậm, chờ cho vào lò nung xong màu sẽ càng tươi hơn bây giờ nhiều."
Hai chiếc cốc đều vẽ ánh trăng và tòa lầu, nhưng không giống nhau. Hạ Ngọc Lâu hạ bút tùy tiện, vẽ ra một tòa lầu phương Đông tiêu điều sát khí, bên trên là một vầng trăng lạnh lẽo muôn đời ở đó nhìn thiên hạ hưng suy. Bút pháp Ôn Nguyệt An tinh tế hơn, vẽ ra một tòa kiến trúc phương Tây giống một nhà hát, ánh trăng tròn trên cao bao phủ ánh sáng nhu hòa lên nó.
Hai chiếc cốc cùng được đưa vào lò nung nhiệt độ thấp.
Đến khi thành phẩm ra lò, hai người cùng không hẹn mà cầm chiếc cốc đối phương vẽ lên.
Ôn Nguyệt An tinh tế tỉ mỉ, nhận ra Hạ Ngọc Lâu còn lặng lẽ viết thêm chữ dưới đế cốc, dùng đầu bút cực mảnh viết theo phong cách Ngụy giai ưa thích của hắn, gần như viết lại một phần《 Lục châu ca đầu 》:
[ Thiếu niên hiệp khí, giao kết ngũ đô hùng. Can đảm động, mao phát tủng. Lập đàm trung, tử sinh đồng. Nhất nặc thiên kim trọng. Thôi kiều dũng, căng hào túng. Khinh cái ủng, liên phi khống, đấu thành đông. Oanh ẩm tửu lư, xuân sắc phù hàn úng, hấp hải thùy hồng. Nhàn hô ưng thốc khuyển, bạch vũ trích điêu cung, giảo huyệt nga không.]
(Tuổi trai hào hiệp, kinh đô kết bạn hùng. Lòng thẳng rộng, đầu tóc dựng. Bàn luận chung, sống chết cùng. Lời hứa ngàn vàng trọng. Bậc cao dũng, vẻ hào phóng. Sang võng lọng, cương buông lỏng, ruổi cửa đông. Rượu nốc hàng vò, sắc xuân tràn trên cóng, hút tựa vòi rồng. Thư nhàn dong chim chó, cung vẽ cài tên lông. Hang cáo sạch không. - Bản dịch của Nguyễn Xuân Tảo trên
*Lục châu ca đầu - 六州歌头: tác phẩm của nhà thơ Hạ Chú thời nhà Tống, miêu tả cuộc sống thời niên thiếu hào khí tự do của tác giả trong sáu bảy năm ở Đông Kinh. Phong cách toàn bài hào hùng bi tráng, kết hợp chặt chẽ giữa tự sự, nghị luận và trữ tình, thể hiện khao khát được phụng sự cho nước nhà.
Chỉ không viết câu cuối cùng: Lạc thông thông. (thú vui lạ lùng)
Về sau Ôn Nguyệt An viết hồi ký, viết thêm một câu cảm thán: Đáng lẽ sư ca nên viết thêm ba chữ này vào.
Đêm đó Hạ Ngọc Lâu và Ôn Nguyệt An ngủ trong phòng lão câm, vì ông ta chỉ ở một mình trong một căn phòng nhỏ hẹp, không nằm chung giường lớn với các công nhân khác trong công xưởng.
Ôn Nguyệt An còn viết thêm một đoạn vào hồi ký.
Đêm đó cậu chưa ngủ, nghe thấy có người gõ cửa bên ngoài, gõ rất mạnh, gần như muốn phá cửa. Lão câm bế cậu và Hạ Ngọc Lâu đã ngủ giấu vào trong tủ áo. Sau đó cậu nghe thấy có thứ gì nện vào cánh cửa tủ phát ra âm thanh rất lớn. Nhìn xuyên qua khe hở cửa, cậu thấy lão câm bị đẩy văng đến trước cửa tủ rồi ngã xuống đất.
Hạ Ngọc Lâu bị đánh thức dùng một tay ôm Ôn Nguyệt An vào lòng, tay kia chống lên giữ cửa tủ lại.
"Hôm nay ông chạy đi đâu?" Một gã thanh niên còn mang vết thương trên mặt mắng chửi, "Con mẹ nó, không phải ông đi tới chỗ con heo mập đó cáo trạng đấy chứ? Tôi nói cho ông biết, cả xưởng chỉ có mình ông trông buồng nồi hơi, nếu có người biết tôi lén nấu trứng gà trong đó, thì chắc chắn là do lão già ông mách lẻo. Hừ, còn dám tới tìm tôi kêu tôi đi tự thú? Thằng ngốc Vương Bân có quan hệ gì với ông? Nó đi rồi, sự việc giải quyết xong rồi, lão già đừng phí công bới móc nữa."
Sức lực của ông lão câm không nhỏ, bò dậy giống như muốn đánh trả, gã thanh niên lùi lại: "Muốn đánh tôi đúng không? Lão già này có năng lực lắm, ông quên rồi à, chiến hữu của ông còn một đứa con gái làm ở xưởng dệt chứ gì? Tôi đã nói với ông lâu rồi, nếu ông dám nói ra ngoài, thì mỗi tối tôi đều đến tìm nó. Nếu ông dám đánh tôi, ông động tay lần nào tôi đi tìm nó lần đó. Ông xem chiến hữu chết rồi của ông nếu biết con gái ông ta vì ông mà bị...... Há há, ông cảm thấy lão ta có hận ông không? Lão ta nằm dưới đất có nhắm mắt nổi không?"
Lão câm tức giận đến mức phát ra vài tiếng gào rống vô nghĩa, nhưng đúng là thật sự không dám ra tay.
Trong miệng gã thanh niên không ngừng phun ra mấy lời tục tĩu, lão câm chỉ có thể đứng yên thở dốc, lại không thể mắng lại, gã kia nhìn là biết lão câm không dám làm gì, lập tức đắc ý đi lên hai bước, tát một cái lên đỉnh đầu lão câm.
Cánh tay Hạ Ngọc Lâu căng ra, muốn đẩy cửa tủ đi ra giúp lão câm đánh trả, Ôn Nguyệt An bắt được cánh tay hắn, dùng ngón tay ấn nhẹ lên cổ tay một chút.
Hạ Ngọc Lâu nhìn Ôn Nguyệt An.
Cậu thì thầm nhắc nhở: "Sư ca, chúng ta đừng gây thêm phiền phức cho thầy Hạ."
Trong lúc bọn họ nói qua lại, người ở bên ngoài đã đánh lão câm thêm vài cái, sau đó thỏa mãn bỏ đi.
Hạ Ngọc Lâu đẩy cửa ra đỡ lão câm dậy, ông lão lắc đầu, đứng lên ôm Ôn Nguyệt An đặt lên giường, khoa tay múa chân muốn hai đứa trẻ mau đi ngủ.
Không biết có phải do cửa sổ căn nhà này quá nát hay không, ánh trăng cứ thế chiếu vào phòng, chiếu lên cả giường ngủ, quá sáng, sáng đến mức Ôn Nguyệt An không ngủ được.
Cậu dựa vào ngực Hạ Ngọc Lâu, nghe tiếng hít thở không theo quy luật, sư ca cũng chưa ngủ.
Ôn Nguyệt An nhẹ giọng gọi một tiếng: "Sư ca."
Hạ Ngọc Lâu tỉnh, nhưng không trả lời.
Một lúc lâu sau, cậu lại gọi: "Sư ca."
Hạ Ngọc Lâu xoay người, để lại cho cậu một tấm lưng, sau một lúc lâu lại xoay trở về, ôm Ôn Nguyệt An vào lòng.
"Ngủ đi." Hạ Ngọc Lâu nói.