Thế là cuộc sống của tôi nguyên năm lớp 8 cơ bản đều dính chặt với ba tiếng: Đoàn Ngọc Quý. Đi đâu cũng sẽ được hò reo một cách nhiệt tình hết cỡ. Tôi vừa than thầm trong lòng lại vừa ” chém giết” mấy thứ mỏ nhọn đó. Đến nỗi mỗi buổi chiều Quý qua lớp tôi chơi với mấy đứa con trai, hai đứa cũng bị chọc ngoáy cho tức điên. Dần dần số lần Quý qua lớp tôi cũng giảm đi, hơn nữa, tôi cũng chả dám qua lớp 8/3 để chơi với mấy đứa bạn cũ nữa, qua đó toàn bị chặn ở cửa không cho về -,-…
Quy luật đơn giản của học sinh bây giờ là, càng chối thì càng bị gán ghép, còn nếu không chối, tụi nó… sẽ càng ghép hơn. Đơn giản thế. Bởi vì các buổi học bồi dưỡng Hóa đều phải đụng mặt nên tôi cũng nhát dần, chả dám nói chuyện với Quý. Càng thêm đó nữa là, bởi vì lịch bồi dưỡng là vào thứ 6, mà lớp 8/3 và 8/6 đều học thể dục chung ngày nên chúng tôi đành phải chuyển qua lớp 8/1 học chung với nhau. Điều này càng làm tôi thêm áp lực hơn. Mỗi lần thấy bóng cậu ta tôi liền bỏ chạy một mạch đến khi có chỗ khuất, còn nếu cậu ta hỏi tôi gì đó thì… trí não tôi giống như ngưng hoạt động, càng nghĩ càng rối, dẫn đến lúc nào cũng trả lời lắp bắp. Tôi ghét bản thân phải thế này, nhưng mà, biết sao bây giờ, đó là phản xạ không điều kiện đấy!!! Tức chết đi mà, thế này thì còn đâu thể diện nữa! Từng là bạn thân mà bây giờ mỗi lần gặp nhau thì tôi lại giữ khoảng cách…
Thôi thì không nhắc đến chuyện này nữa.
…
Dạo này tôi onl Facebook thì luôn phải nhắn tin với một đứa mà tôi từng coi là kẻ thù lúc năm lớp 7: Nguyễn Thuận Phát. Cái tên này chắc ai ai cũng khá quen thuộc, chính là cái tên sì trum lùn vô đối năm ngoái tôi đã gây chuyện mấy lần. Lần này, Phát nhắn tin cho tôi là muốn nhờ một chuyện: Kêu My bỏ chặn tin nhắn. Tôi nghe cậu ta kể đầu đuôi, sau đó nhờ tôi ” mua chuộc ” My giùm. Tôi thở dài ngao ngán, trong miệng không quên nhẩm thầm một câu: ” Chặn là đáng” . Nhưng mà, bạn bè thì cũng phải giúp đỡ nhau tí tí. Ngày hôm sau tôi qua lớp 8/5 ngồi nhây My hết giờ ra chơi. My mới ậm ờ đồng ý. Thế mà không hiểu sao ngày tiếp theo sau đó, tôi lại nghe Phát than thở là My lại chặn Phát. Tôi lại một lần nữa, chạy qua 8/5 hỏi lý do rồi năn nỉ My. Đáp lại đó, My thở dài, chân thành nhìn vào mắt tôi với vẻ khuyên bảo:
– Thùy đừng có nói nữa, nghĩ sao dãy? Nó nhắn tin mà nhây như gì á, biểu My mở chặn à? Không mở nữa đâu, mơ đi. Ăn rồi spam miết.
– Ờ hhh – Tôi bất lực về lớp.
Tối đó tôi nói Phát, Phát ậm ờ kêu dãy thôi. Tôi xem như dẹp bỏ chuyện đó. Sáng hôm sau yên tâm đi học Thể Dục. Đến trưa tôi về nhà mở latop vừa làm bài tập vừa onl Facebook, tâm trạng rất chi là vui vẻ. Nhưng mà, có một tin nhắn kỳ quái:
“Mày có bồ chưa? Nếu chưa có, làm bồ tao nha! ”
Cái thể loại tin nhắn này vẫn còn chưa có gì gọi là kinh thiên động địa, điều kinh dị hơn nữa chính là tên người gửi chắc chắn cần phải cân nhắc kỹ càng: Nguyễn Thuận Phát…. Không đùa đâu. Một dòng suy nghĩ ngay tức khắc lóe lên trong đầu tôi: tên này bị hack nick rồi. Nhưng mà không đúng, tên nào hack nick không ai sao lại đụng chị mày? Đúng thật là to gan…
Suy nghĩ một lúc, tôi rep lại:
” Đứa nào dãy?”
” Tao Phát nèk ” – tin nhắn rep lại ngay tức khắc.
” Mày bồ con My … à nhầm, mày thích con My mà liên quan gì tới tao? Đừng đùa nữa, chiều tao cho mày một trận bây giờ. ”
” Tao nói thiệt á. Mà… mày bồ thằng Quý à?”
– -,-! Không đùa đâu, tao thật sự rất muốn đập cho mày nhập viện – Nội tâm tôi đang gào thét.
” Nó bạn thân tao.”
” Thế sao mấy đứa kia ghép mày với nó.”
” Bạn thân khác giới ghép là đương nhiên” – trả lời qua loa vậy thôi, đương nhiên là… tôi cũng chả biết lý do.
” Hả? Ờ vậy… làm bồ tao nha”
” Về nhà ngủ đi cho tỉnh nhen, off đây” – Tôi nhắn lại rồi tắt máy tính.
Cơ bản là bây giờ tôi chả quan tâm tới việc gì ngoài đợt thi casio sắp tới chúng tôi phải thi loại. Thầy dạy Toán lập ra một kế hoạch, những ai học casio đều phải tham gia: Học nguyên tuần từ 5h sáng đến 6h30 sáng. Chuyện này mẹ tôi có cằn nhằn nhưng vẫn chấp thuận để tôi đi học. Mọi người cứ nghĩ đi, mỗi sáng đều phải dậy lúc 4h30 để chuẩn bị, sau đó đi học kèm, sau đó còn qua trường bồi dưỡng hơn 10h30 trưa mới được về ăn cơm, chiều lại lên trường học tiếp. Khoảng thời gian đó quả nhiên là ác mộng đối với cuộc sống của tôi. Mà việc học tập kiểu ” đặc biệt ” như thế kéo dài hơn hai tháng liền khiến sức khỏe của tôi giảm sút trầm trọng. Về chiều cao thì không nói, còn về cân nặng thì từ 38 kg mà mấy đứa trong lớp thường trầm trồ khuyên bảo nên ăn nhiều, nay giảm xuống chỉ còn 36 kg. Khoảng thời gian đó vì tối nào cũng đi học kèm đến 8h30 mới về được tới nhà nên hầu như cả ngày tôi đều không có thời gian nghỉ, về nhà xong lại còn phải làm bài tập rồi học thuộc bài cho đến 11h 12h mới có thể đi ngủ. Khoảng vài ba tuần sau đó, tôi bị sốt nặng, đi đứng cũng không vững, thường xuyên ngủ gật trong lớp, mặt mày tái hết cả lên như ai oán. Mẹ tôi thấy không ổn nên biểu tôi nghỉ ở nhà vài ngày nhưng tôi vẫn kiên quyết lên lớp, thế là tình trạng ngày càng nặng hơn. Đến khi trước khi thi loại để lọc đội tuyển ở trường vài ba ngày, tôi giống như bị tê liệt thần kinh, mặt cứ nghệch ra như sắp chết, ăn cơm cũng không nổi, dạ dày toàn chứa thuốc. Sau hôm đó, mẹ bắt buộc tôi phải nghỉ ở nhà, còn lớn tiếng giáo huấn:
– Không có sức khỏe rồi còn thi thố gì nữa? Đi mà soi gương thử con có phải người không? Cơm thì nuốt không trôi, suốt ngày uống thuốc rồi dựng đầu từ 4h sáng dậy tới 12h tối mới chịu tắt đèn. Ở nhà không có đi đâu hết. Học trên trường là đủ rồi, thi cái gì mà thi. Thi mấy cái cuộc thi đó có cái bằng khen rồi đào mộ tự chôn mình à? Nghỉ hết cho mẹ.
Tôi im lặng không cãi, thật sự là tôi cũng rất muốn nghỉ, nhưng mà đến nước này rồi, tôi đã kiên trì như vậy, chỉ cần tiếp tục là được, dù không có kết quả nhưng vẫn có thể áp dụng vào các bài sau này. Đương nhiên mẹ tôi là người quả quyết, nói là làm, vậy nên, trong một tuần đó ngoài học ở trường ra thì học kèm lẫn bồi dưỡng tôi đều phải ở nhà nằm nghỉ và không được đụng tới sách vở hay bất kỳ cuốn tiểu thuyết nào. Đó cũng là lý do vào buổi thi loại, tôi lơ ngơ không biết chữ nào ngoài mấy cái công thức đơn giản chỉ thế áp dụng vào những bài chưa được 7 điểm. Trước khi thi, tôi vẫn còn bị sốt, mẹ tôi mua vài cây kẹo rồi nhét vào cặp tôi, ân cần nhắc nhở:
– Không cần phải cố gắng, thi rớt cũng được, mẹ ủng hộ. Nếu miệng có đắng thì nhớ ngậm kẹo.
Kết quả sau đó, tôi hoàn thành đúng ý nguyện của mẹ tôi, trượt trong kỳ thi loại lần này. Tôi cũng chả buồn, chỉ hi vọng sau này nếu có cố gắng làm việc gì đó thì phải cẩn trọng về bản thân trước rồi hẳn tính. Sau đợt thi này là các đợt thi trên mạng liên tiếp đến. Các kỳ thi trên mạng tôi đều tham gia, bao gồm 3 môn: Toán,Vật Lý và Anh Văn. Toán tôi được 260đ giật giải nhì, Anh Văn được 1370 điểm giật giải khuyến khích, riêng môn Vật Lý không có giải…
Lớp 8 này là do tôi yếu môn Hóa nên quyết định duy trì đi bồi dưỡng Hóa, bỏ mặc môn Vật Lý, thành ra điểm Hóa trên trường thì toàn 9 với 10, còn qua Vật Lý thì toàn 6 với 7, cũng may nhờ cô Dung ưu tiên làm bài tập trên bảng để lấy điểm nên cũng vớt lên được một ít, chứ nếu không đã tuột dốc không phanh rồi…
Chương 24: Tôi Ghét Sinh Học_ Chuyện Của ThảoSau các kỳ thi trên mạng cấp trường cũng là lúc chúng tôi phải cật lực ôn bài để chuẩn bị cho đợt kiểm tra một tiết sắp tới. Năm nay tôi quyết định thực hiện một cải cách hoàn toàn mới, vì nắm giữ chức lớp phó học tập trong tay được thầy cô tin tưởng, hơn nữa còn ngồi bàn đầu làm kính cận giả danh tri thức nên lần này, tôi sẽ không quay tài liệu bất kỳ môn học nào. Cách học của tôi rất đơn giản, đối với các môn tự nhiên tôi sẽ mua vài cuốn bài tập nâng cao về làm hằng ngày, sau đó nhờ mấy đứa bạn xung quanh kiếm bài khó rồi đưa cho tôi giải; còn về môn xã hội thì tôi chép hết lý thuyết đã học và một số câu hỏi nâng cao tham khảo thêm trên mạng vào các tờ giấy A4. Đứa nào cũng nói tôi rãnh, bản thân tôi thấy thế này rất ổn, dễ thuộc hơn là học trong vở còn phải lật đi lật lại…
Khi kiểm tra tôi làm bài khá ổn, chỉ riêng môn Sinh là có vấn đề tí tí. Nhưng mà, lúc kết quả phát ra lại hoàn toàn không như ý muốn. Lịch Sử tôi 10đ, không có gì bàn cãi; Địa Lí 8.5đ, cũng tạm; Vật Lý 9.3đ, xem như thấp; Toán 9.8đ;… Riêng có hai môn làm tôi tức nhất là Ngữ Văn và Sinh Học…
Tiết Ngữ Văn là tiết đầu tiên trong ngày, cô trả bài về phần kiểm tra Tiếng Việt, kết quả phát ra tôi chỉ được có 6.5đ, thật quá tệ hại. Tôi bực mình xem đi xem lại bài của mình rốt cuộc là sai chỗ nào mà bị trừ tới mức không có điểm, toàn mấy lỗi như lạc đề, quá chi tiết,… Nói chung là rất nhiều, cô Ngữ Văn giao đề bài kiểm tra 15p rồi qua lớp khác dự giờ, mặt tôi phải gọi là đơ và không thể đơ hơn. Tôi ngồi khóc đến khi gần hết tiết, hết đứa này đến đứa kia lên hỏi tôi cách làm rồi biểu tôi làm bài, ngưng khóc đi, tôi mới dừng lại. Lúc này tôi mới phát hiện ra, bài kiểm tra ướt nhẹp mất tiêu rồi -,- cô mà thu lại là chết chắc…
Tôi tức giận vứt vào hộc bàn rồi lấy giấy kiểm tra ra chép đề trên bảng, 5p còn lại, ” chém ” hết câu trả lời từ đầu đến đuôi. Cô Ngữ Văn chấm bài ngay tiết sau đó rồi trả bài, tôi được 8đ, chỉ biết trợn mắt kinh ngạc O.o
Đến tiết cuối là tiết Sinh Học, trả bài ra, tôi chỉ được có 6.3đ…aaaaaaaaaaaaa!!!! Hôm nay ngày gì mà xui thế???? Tôi như bốc hỏa, nhồi nhét đống giấy kiểm tra vào sọt rác rồi yên phận gầm mặt nguyên tiết. Từ cấp 2 đến giờ, môn Sinh luôn là môn mà tôi muốn chà đạp nhất, vốn là tôi chưa đắc tội gì, lúc nào cũng học hành chăm chỉ, thế mà quái nào điểm trung bình Sinh Học lại đứng nhất từ dưới lên…
Sau đợt này, tôi quyết định làm thêm một cuộc cải cách nữa, chính là, quyết tâm học tốt môn Sinh. Tôi tìm những bài giảng hay rồi chép vào vở, lên lớp siêng phát biểu và nghiên cứu bài. Tôi luôn mang một ý niệm trong đầu: Nếu không ngừng nỗ lực cố gắng thì không có gì là không thể, kiên trì là con đường tắc của thông minh dẫn đến thành công.
Nhưng…
Ý nghĩ này bị dập tắt sau 3 tuần, tôi mặc dù vô cùng kiên trì, đến nỗi mỗi tiết học đều nhìn chằm chằm cô Sinh Học, đến nỗi những đứa xung quanh cũng kinh ngạc khi thấy tôi thay đổi một cách chóng mặt, bởi vì tôi hoàn toàn không có hứng thú với môn xã hội, ngoài Địa Lý ra thì các môn còn lại trong tiết học tôi đều nằm lăn ra bàn than chán quá, ăn vụn trong lớp học hoặc ngồi đọc tiểu thuyết. Bởi suy nghĩ của tôi rất đơn giản, các môn xã hội chỉ cần học thuộc là được, nghe giảng làm quái gì. Nhưng mà, bây giờ tôi mới nhận ra, cái ” đơn giản ” đó cần phải thay thế bằng một từ mới: cổ hủ. Đúng, quan điểm của tôi quá cổ hủ, môn Sinh Học ngoằn ngoèo đã chứng minh điều đó. Thế nên tóm lại, tôi có cố gắng thế nào cũng chả hiểu nổi bài giảng Sinh Học mà cô Hà khổ công dạy cho chúng tôi. Thế nên,… bỏ cuộc là cách tốt nhất. Sau vài tuần cố gắng đó, tôi lại tiếp tục duy trì ở trạng thái úp mặt ngủ, ăn trong giờ học, lén ngồi đọc tiểu thuyết, đánh caro,… vân vân và mây mây….
Dạo này tôi bắt đầu thân với Diệu Linh hơn, lúc nào đi với nhau cũng như hình với bóng, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi bỏ mặc My. Diệu Linh tính cách rất hào phóng, ặc, hình như dùng sai từ rồi, phải nói là rất hòa đồng mới đúng. Linh thích kể cho tôi nghe về nhà bạn ấy có mấy người, ba mẹ và em trai bạn ấy tính cách như thế nào, lớp bạn ấy có những chuyện gì vui,… Và có một điểm tương đồng là, tôi và Linh đều là những con mọt sách, đính chính rõ ràng hơn là mọt tiểu thuyết. Tôi với Linh còn thường xuyên trao đổi sách cho nhau, à không, chỉ có Linh hứng thú với sách của tôi, còn tôi thì chả có gì gọi là quan tâm tới mấy cuốn truyện dài của Linh hết, bởi vì đọc vừa chán lại có gì đó không hợp gu với tôi. Mặc dù tôi rất thích sách nhưng lại không thích truyện của Nguyễn Nhật Ánh, chắc là vì không hợp, ngôn từ của tôi và tác giả Nguyễn Nhật Ánh cơ bản là khác nhau hoàn toàn. Nguyễn Nhật Ánh sử dụng vốn từ đơn giản không màu mè, tạo nên đặc trưng của tiếng Việt. Còn tôi từ nhỏ đã thích tiểu thuyết của Đồng Hoa, Ngải Tiểu Đồ, Tân Di Ổ, Đinh Mặc,… Về mặt cơ bản hầu như đều là tác giả Trung Hoa nên tôi cũng bị nhiễm cái ” phong thái ” thần thánh đó, khi viết cũng sẽ không gò bó một chuyện, chú ý miêu tả cảnh vật một chút, lời thoại mà tôi gây dựng nên sẽ ít hơn lời thoại của Nguyễn Nhất Ánh, đối với tôi điều quan trọng khi viết tiểu thuyết là miêu tả xung quanh và độc thoại nội tâm. Haizzz… à, trở lại việc chính nào. Tôi nghe Diệu Linh kể, ở lớp Linh thân với một cô bạn tên Trần Thị Thanh Thảo. Mà mọi người nên biết, trong khối nếu có cuộc bầu chọn nữ thần thì tôi nhất định sẽ bầu cho Hồ Ngọc Khuê, còn dư một phiếu chắc chắn tôi sẽ đề cử Trần Thị Thanh Thảo. Tính cách Thảo khá ôn hòa, không nói nhiều, mặc dù siêng học và thông minh nhưng tôi không nghĩ Thảo là mọt sách. Sau vài lần nghe Diệu Linh kể về Thảo, tôi rút ra một điều, Thảo là con mọt bài tập thì chuẩn nhất, đi đâu cũng mang theo một tập Tiếng Anh dày cả khúc, cũng may là không dày bằng cuốn Hồng Lâu Mộng của tôi -,- . Thảo thích gì, hay nói gì, hay làm gì thì mỗi ngày tôi đều nghe Diệu Linh kể, tôi cũng rất thích nghe. Cho đến một ngày, Diệu Linh chạy qua lớp tôi thông báo một tin vô cùng hot:
– Lúc tớ ghép con Thảo với thằng Khôi, nó cãi lại rồi,nó nói là nó thích… à không, hâm mộ một đứa ở bên lớp 8/3…
– Hơ! Lỡ đâu nó nói dối để khỏi bị ghép nữa thì thôi – Tôi đang đọc tiểu thuyết cũng phải dừng lại, tháo kính ra rồi biện luận với Diệu Linh.
– Không đùa đâu! Tớ còn chưa kể bạn một chuyện. Cứ mỗi lần ra chơi là nó kéo tớ qua lớp 8/3 để nhìn nam thần của nó rồi còn cười cười nữa chớ.
Tôi nghe mà rợn cả da gà, không cần phải lố thế chứ?
– Nó không có gợi ý nào à? – Tôi hỏi lại
– À! Nó nói tên có chữ U, học lực khá… – Linh gãi đầu.
– Ờm… Thằng Hiếu nè. – tôi đập bàn
– Hiếu nào? – Linh ngơ ngác
– Trần Trung Hiếu – Tôi mím môi – còn ai nữa?… À, về lớp hỏi nó thử đi.
– Ok – Linh lon ton chạy về, cũng là lúc trống đánh vào lớp.
Lớp đã vào tiết Địa Lí, tôi vẫn còn ngơ ngác nghĩ về chuyện của Thảo. Ai được nhỉ? Thằng Hiếu chắc không phải, mặt lạnh như nó ai thèm thích, à nhầm, ai dám thích, với lại nó cũng bị ghép với con Nam Phương rồi. Ờm,… à, không thể quên một đứa, Đoàn Ngọc Quý! Chắc chắn rồi, ờ,… Thảo học chung với Quý theo tôi biết thì là môn Toán với Hóa, mà hai đứa mặt lạnh thích nhau thì có hơi… kỳ kỳ…
Đúng lúc này, một giọng nói vang lên bên tai tôi…
– Lớp phó sao nãy giờ thấy trầm thế? Trả lời cho cô câu hỏi vừa rồi, chưa có bạn nào nói đúng ý hết. – Cô Dung nhìn tôi chằm chằm
Cả lớp hướng mắt về phía tôi, à không, chỉ những đứa chăm học bài nhìn thôi.
Tôi ngơ ngác gãi đầu đứng dậy, nhìn chủ đề Thủy văn đang học, rồi lại nghe Lạc đằng sau nhắc nhở:
– Thuận lợi, khó khăn…
– Á… thưa cô là… – vừa nói tôi vừa lật cuốn vở soạn tìm câu trả lời, may mà hôm qua tôi có soạn – Về mặt thuận lợi là vùng biển rộng, ấm; đường bờ biển dài 3260km;thủy hải sản phong phú;nguồn nước dồi dào; có nhiều vũng, vịnh , đảo và quần đảo; có nhiều ngư trường lớn; dọc bờ biển nước ta có nhiều bãi triều, đầm phá, các dải rừng ngập mặn tạo điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng thủy hải sản. Còn về khó khăn là bão, gió mùa đông bắc,lũ lụt thường xuyên xảy ra,ô nhiễm biển, môi trường bị suy thoái ở nhiều vùng.
– Ừ, ngồi xuống đi, chúng ta chốt đáp án, các em ghi vào vở – cô Dung nhìn tôi cười rồi lại giảng bài cho cả lớp.
Tôi được một phen hú hồn, cũng may nhờ ông trời phù hộ. Lạc nói vừa đủ chúng tôi nghe:
– Chém tốt!
Tôi nhếch môi khinh khỉnh:
– Cái này người ta gọi là thiên phú khi nhìn sách học tốt.