Trong tầm mắt của cô lúc đó chỉ có một nền trời bao la rộng lớn, còn đẹp và kì vĩ hơn cả biển cả.
Mưa mới hết nên khí trời trong mát đến thư thái.
Những dải mây trắng lượn lờ trôi xa và những con chim sẻ vì tiếng động lớn mà bay tán loạn ra khỏi tổ.
Đẹp quá… Cô cũng muốn bay.
“Cẩn thận!”
…
“Hộc… Hộc… Phù…”
“Đủ mười vòng. Được rồi, em đã có thể vào lớp.”
Thầy giám thị ghi lại tên và số lớp của cô vào trong một cuốn sổ theo dõi, trước khi đi, ông nhìn xuống một cô gái vì chạy quá mệt mà nằm bệt ra ở dưới sân tập thể dục, không kìm được mà thở dài ngao ngán, lắc đầu.
“Nằm nghỉ một lát đi rồi lên lớp cũng được. Thật là… Hết thuốc chữa. Thầy chỉ cho con cơ hội cuối này nữa thôi. Lần sau em mà đi học muộn nữa thì thầy sẽ báo cáo lên nhà trường để đình chỉ em.”.
Truyện đề cử: Thần Y Ở Rể
Nhiếp Mạch Khanh thở ra hổn hển, trước giọng nói đầy chán nản ấy của thầy giám thị, ánh mắt cô vẫn mở lớn mà nhìn lên khoảng trời xanh trước mắt.
“Lần trước và trước trước đó thầy cũng nhắc em vậy, xong có phạt em đâu?”
“Vì khi ấy thầy còn nghĩ em có thể chỉnh đốn lại được… Thôi, bỏ đi.”
Thầy giám thị để lại một tiếng thở dài xa xăm rồi vác sổ theo dõi lên vai, đưa tay gạt đi mấy giọt mồ hôi lấm tấm ở trên vầng trán cao đã xuất hiện mấy vết nhăn tuổi già.
Tiết trời giữa ngày hè oi bức, mùi nhựa ở trên sân vận dục bốc lên tức thở. Nhiếp Mạch Khanh cũng chỉ dám nằm nghỉ một lúc rồi xiêu xiêu vẹo vẹo đứng lên, cà nhấc tiến vào bên trong trường.
“Chị Khanh! Kỉ lục dành cho chị! Năm mươi ba lần học muộn! Chị sẽ được lưu danh ở trong sổ kỉ yếu của em!!!”
Một đám nhóc lớp mười một đang học tiết thể dục ở bên ngoài sân hô lên rồi cười lớn. Vì cô tên Khanh và năm nay lên lớp mười hai nên mới được cả trường gọi là “chị Khanh”, một người được ví như “Thần mắc lỗi” vì trên dưới năm mươi lần đi học muộn, ba mươi lần đánh nhau cả ở trong trường và ngoài trường, hai mươi lăm lần thiếu bài tập về nhà và mười lần ăn điểm không tròn trĩnh vào trong sổ học bạ.
Ngoài ra, cô còn bị bắt trong một lần lén hút thuốc lá ở trong trường.
Cũng chẳng mấy vẻ vang gì là bao.
“Nhớ viết thêm vào đấy là ‘Chị Khanh rất vinh dự được nhớ tới và trân trọng dành tặng cho em một cú đấm vào mồm’!”
Nhiếp Mạch Khanh hô lên về phía đám học sinh đó rồi thong dong bước lên trên đoạn cầu thang về lớp của mình.
Chuông reo vào lớp đã bắt đầu từ mười lăm phút trước, bây giờ giáo viên đã lên hết trên lớp rồi.
Đã muộn rồi vậy thì cứ muộn như vậy đi, chẳng việc gì phải vội cả.
Ngày đó, khắp các lớp dọc trên hành lang, có mấy đứa ngồi ở bên cạnh cửa sổ đều ngó hết đầu nhìn ra bên ngoài, chiêm ngưỡng một màn catwalk thần thái của Nhiếp Mạch Khanh - một học sinh đội sổ toàn trường tiến dần đến lớp học của mình.
Cô đứng ở trước cửa lớp, nói.
“Cốc cốc!”
“Nhiếp Mạch Khanh, tại sao em lại đến muộn?” Cô giáo dạy văn ở bên trong chỉ đẩy gọng kính ở trước sống mũi lên, giọng nói nhẹ nhàng như đã quá quen với việc này rồi.
“Vì…”
“Vì một bà cụ cần sang đường, vì đuổi một tên cướp, vì giúp một đứa trẻ lấy lại một quả bóng trên cây?... Ngày hôm nay, một lí do mới của em là gì?”
Cô dạy văn nhướng mày nhìn Nhiếp Mạch Khanh. Biết là mình không thể tiếp tục bịa lí do được nữa, cô chỉ đành thành thật khai báo.
“Em đánh nhau với một tên trường khác.”
“Ồ…”
“Mà cô ơi! Thằng đó nó trốn học rồi vào quán net chơi, nó thiếu tiền rồi đúng lúc em đi ngang qua, thế là nó lao vào định cướp tiền của em. Em chỉ là tự vệ chính đáng thôi cô ơi!”
“Nó vào quán net lúc nhà trường đã vào học?”
Nhiếp Mạch Khanh gật đầu như gà mổ thóc: “Vâng!”
“Và lúc ấy em mới đang từ nhà đến trường?”
Nhiếp Mạch Khanh: “……”
Cô giáo văn gập lại cuốn sách giáo khoa cầm trên tay, mỉm cười với Nhiếp Mạch Khanh.
“Như bình thường. Em đứng ở bên ngoài hành lang hết hai tiết của tôi nhé?”
Thế là hai cẳng chân tội nghiệp của cô lại tiếp tục phải hứng chịu bị hành hạ trong suốt hai tiết văn dài lê thê như vô tận, chờ mãi cuối cùng cũng bò được vào trong lớp.
Nhưng vừa mới đặt mông xuống dưới ghế, cô đã nằm soài lên bàn mà đánh một giấc ngủ suốt tiết toán tiếp theo.
Thầy dạy toán vừa cầm sách giáo khoa đi về xuống dưới cuối lớp, miệng vừa đọc những công thức dạy toán. Khi đứng ở bên cạnh bàn học của một cô học sinh đang mơ mộng mà cười lên hì hì, thầy thẳng tay đập luôn gáy sách vào trán của cô.
Một phát tỉnh cả ngủ.
Phũ quá luôn.
…
“Mạch Khanh, ngày hôm nay cậu lại chọc giận bao nhiêu thầy cô vậy?”
Ở bên cạnh bờ sông ở ngoài rìa thị trấn, Phó Quan Thượng xé một miếng băng đô rồi dán lên chỗ trán đã nổi lên một khoảng đỏ của cô.
“Thượng Tử, tớ đói quá, cậu có mang gì ăn được không?” Nhiếp Mạch Khanh ngó lơ câu hỏi đó của anh, hai tay chăm chú lần mò ở hai bên túi quần đồng phục học sinh nam.
Phó Quan Thượng cầm lấy hai cổ tay cô giật phắt ra, đôi mắt phượng đẹp đẽ sáng trong nhìn lên khuôn mặt của Nhiếp Mạch Khanh.
“Có một gói bánh.”
“Tuyệt! Cho tớ xin…”
“Nhưng cậu phải trả lời câu hỏi của tớ.”
Nhiếp Mạch Khanh vừa mới tươi tắn chưa được bao lâu liền lập tức xịu mặt xuống.
“Có gì hay đâu mà hỏi vậy…”
“Lúc trước cậu đâu có thế này đâu? Tại sao hiện tại cậu lại thành ra như vậy? Bằng khen giải quán quân cuộc thi toán quốc gia của cậu hai năm trước tớ còn đang treo ở trong phòng.”
“Ý cậu là sao?”
“Mạch Khanh, cậu từng là một cô gái hiền lành…”
“Thôi thôi thôi… Tớ về nhà đây. Không thèm gói bánh đó của cậu nữa đâu.”
Thấy Nhiếp Mạch Khanh nhổm dậy từ trên bãi cỏ, Phó Quan Thượng cũng vội vàng đứng lên.
“Để tớ chở cậu. Tớ sẽ không hỏi gì nữa đâu. Mạch Khanh!”
Anh đỡ lấy chiếc xe đạp rồi gạt đi chân chống, lướt nó đến bên cạnh Nhiếp Mạch Khanh. Cô vì chạy mười vòng quanh sân thể dục vào ban sáng mà hiện tại cả hai chân đều nhức mỏi, ngồi lên yên sau xe anh.
Phó Quang Thượng đạp xe, hai vạt áo đồng phục phấp phới bay trong gió.
Cô và anh bằng tuổi nhau, không những thế còn trùng ngày sinh nữa cơ.
“Này, Thượng Tử.”
“Hứm?”
Nền trời đã nhá nhem sắp tối, mặt trời hiện giờ chỉ còn là những những đám khói đỏ ở phía cuối của tầm mắt. Tuy vậy, không khí nóng vẫn chẳng đỡ hơn được chút nào.
“Thực ra tớ cũng không muốn vậy đâu.”
“Hả?”
Tiếng gió thổi đã át đi một phần giọng nói của cô.
Nhiếp Mạch Khanh nâng giọng nói to hơn nữa.
“Tớ cũng muốn làm một cô gái bình thường, được bằng khen và được thầy cô quý trọng thay vì là những tiếng thở dài lắm chứ.”
“Vậy thì vì sao…?”
“Vì nếu tớ vẫn là tớ,” Đôi mắt màu ngọc long lanh của cô nhìn lên tấm lưng rộng lớn của Phó Quan Thượng, người bạn và cũng như là người thân duy nhất của cô: “Thì lũ người kia sẽ được hưởng lời mất.”