Đêm ấy, Thục Nương trằn trọc thâu canh.
Tiếng súng trận xa xa gieo vào lòng nàng một cảm giác bồi hồi khiếp sợ... Nàng chẳng biết rằng mình nghĩ những gì, hoặc giả không dám tự thú với lòng rằng mình đang nghĩ những gì...
Bỗng chốc, có tiếng người gọi cửa:
- Cô ơi, cô còn thức không?
- Chú Khải đấy à?
- Vâng, cô mở cửa mau lên!
Thục Nương giật mình, vội nhỏm dậy, vặn to ngọn đèn rồi ra mở cửa.
Bố cu Khải vội bước vào trong nhà, đặt Hoàng Lang lên giường ngủ của Thục Nương, đoạn thở hồng hộc...
Nàng kêu một tiếng ai oán:
- Hoàng Lang!
Bố Khải nói:
- Cụ nghỉ rồi hở cô?
- Cụ nghỉ lâu rồi.
- Con phải đánh thức cụ dậy ngay mới được. Hoàng công tử nguy lắm!
Cụ Điều ở trong nghe thấy liền hốt hoảng chạy ra thì thấy cánh tay tả Hoàng Lang bị một vết gươm chém rất sâu, và sườn bên trái bị một vết đạn rạch qua, cháy sém cả mấy lần áo mặc.
- Hoàng công tử mất nhiều máu quá, nhưng không việc gì. Già Khải hãy đun cho tôi ấm nước sôi. Thục Nương thì ra vườn hái nắm lá dấu trồng ở sau non bộ đem vào đây cho ta.
...
Một giờ sau, những vết thương đã được đắp rịt cẩn thận. Hoàng Lang nằm thiếp trên giường, mặt xanh như tàu lá.
Thục Nương ngồi thâu canh, coi sóc cho người bệnh ngủ. Nàng tuy không bao giờ quên mẹ, không bao giờ quên tấn bi kịch trong rừng, nhưng thấy viên tướng Cờ Đen được yên giấc, nàng cũng vui lòng.
Xa xa, tiếng súng vẫn không ngớt.
Trong phòng bệnh, ánh sáng bắt đầu lọt qua kẽ vách, soi lên mặt Hoàng Lang. Chàng mở mắt nhìn, ngạc nhiên rồi cảm động. Chàng khẽ thều thào nói, lại cố gượng với tay về phía nàng ngồi. Nhưng, Thục Nương hình như không trông thấy, vì lúc đó mắt nàng đang nhìn đăm đăm vào bộ quân phục Cờ Đen chàng mặc, nhìn bộ áo quân thù...
Đối với Hoàng Lang, Thục Nương luyến ái lắm. Chỉ tiếc thay cái hình ảnh mẫu thân nàng vẫn thấy rõ ràng trước mắt. Qua cái cảnh tượng đó, bộ áo của Hoàng Lang hình như đẫm những giọt máu đào.
Trời ơi, nếu mẫu thân nàng bị hại vì một cái tai nạn nào khác mà những lúc này, những lúc nàng xót xa thất vọng được gần gụi Hoàng Lang...
Nhưng, không! Mẫu thân nàng bị hại bởi tay Cờ Đen!
Cụ Điều ở ngoài bước vào, nhìn nàng mà rằng:
- Con đã tận tâm với cái việc cha giao phó, cha lấy làm sung sướng lắm! Con không quên tấm lòng thương là cái bản tính của người đàn bà, con thực là một người đáng khen. Hoàng Lang đã vớt vát cho cha một nửa phần hy vọng, thế thì Hoàng Lang là ân nhân của cha, tuy rằng ta có thể coi chàng như một người thù...
Cụ Điều ngừng lại. Sắc mặt nhợt nhạt của Thục Nương làm cho cụ giật mình:
- Con làm sao thế?
Nàng cố nén lòng, khẽ đáp:
- Thưa cha không!... Con chỉ hơi khó chịu!...
- Thế thì con phải nghỉ ngơi một lát, để cha coi Hoàng Lang cho!
Nàng đứng dậy đi ra, vì chỉ chậm phút nữa thì không thể sao cầm nổi tiếng thổn thức của tấm lòng.
Thục Nương ra ngoài, nằm vật xuống chõng. Cảm xúc và mệt mỏi quá, nàng thiếp đi một giấc dài. Lúc nàng ngồi dậy thì trời cũng đã gần quá trưa. Nàng ra vườn, rửa mặt xong, đứng nhìn vơ vẩn...
Chợt có tiếng giày đi đến sau lưng. Thục Nương giật mình quay lại.
Hoàng Lang cúi đầu chào. Chàng cất giọng yếu đuối nói:
- Tôi xin từ giã nàng. Già Khải vừa cho tôi hay cái tin thất bại của quân Cờ Đen và cái tin cha tôi tử trận. Bổn phận bắt tôi phải đi ngay. Vậy tôi xin có lời từ giã nàng và xin nhắc lại cùng nàng tấm lòng biết ơn nhớ nghĩa của tôi. Xin nàng tin cho rằng ngày nay bước chân đi, tôi mang theo một sự hối hận, một sự thẹn thùng về những việc tàn ác của quân Cờ Đen. Thực quân Cờ Đen đã làm cho người Việt Nam phải đau khổ nhiều lắm...
Thục Nương cố trả lời bằng một giọng điềm tĩnh:
- Sự đau khổ, đối với người Việt Nam, sẽ là một bài học can đảm, và nếu trời không nỡ hại thì một ngày kia người Việt Nam sẽ nhờ bài học ấy mà có thể khá được. Còn như riêng phần tôi thì thực không dám để công tử phải phiền lòng!...
Một vẻ buồn thoáng qua trong cặp mắt chàng trẻ tuổi:
- Tôi sắp ngược theo bọn tàn quân, tôi sắp dấn thân trên con đường phiêu lưu mờ mịt. Nhưng, cái ơn đức tôi đã được hưởng ở trong nhà này, tôi sẽ không bao giờ dám quên, sẽ ghi lòng tạc dạ mãi và nếu tôi còn sống trên đất nước này, tôi nguyện sẽ hết sức chuộc lại những điều lỗi lầm của dòng đảng tôi...
Trời ơi, tôi biết rằng những câu tôi sắp nói đây sẽ không hợp thời hợp cảnh, nhưng sự đau đớn trong lòng tôi nặng nề quá, không thể nào không cầu xin nàng...
Thục Nương nhìn chàng một cách ngạc nhiên...
- Tâm hồn tôi, nàng chiếm đoạt cả. Một mai tôi phải xa nàng, cuộc đời tôi sẽ buồn tẻ, vô vị biết chừng nào! Không biết làm thế nào chịu được cái sống thừa. Thục Nương ơi! Xin nàng trả lời tôi câu này nhé... một ngày kia, phỏng thử nàng có thể quên...
Thiếu nữ cúi đầu nín lặng...
Hoàng Lang ngậm ngùi:
- Vậy ra không có gì xóa sạch được sự thù oán đã in sâu trong lòng nàng? Suốt đời tôi sẽ bị nàng căm hờn ghê tởm?
- Lòng trời muốn như thế, ta đành cam chịu thế...
- Nghĩa là chẳng bao giờ Thục Nương tha thứ?
Thục Nương quay đầu, mắt đăm đăm như nhìn một cái bóng xa.
- Thục Nương! Nàng nhất định không tha thứ nhưng nếu tôi chết? Nếu tôi đem máu này rửa những vết máu mà kẻ khác đã vấy lên đời nàng?
Thục Nương thở dài:
- Đã đến chết, ai còn thù nhau làm gì!...
Vẻ mặt Hoàng Lang bỗng hớn hở, mắt sáng ngời:
- Thật vậy sao? Thật nàng sẽ tha thứ và có lẽ... khóc thương tôi?
Rồi, trước khi Thục Nương kịp đáp, Hoàng Lang rút ngay súng lục tì vào giữa ngực bấm cò.
Đạn nổ, Hoàng Lang ngã.
Nàng kêu thất thanh, vội phục xuống cạnh chàng.
Giương cặp mắt lờ đờ nhìn Thục Nương, Hoàng Lang cố mỉm cười:
- Em!... Em tha thứ... em yêu... Tôi chết... để... để rửa hận...
Thục Nương vực chàng lên lòng, rên rỉ:
- Hoàng Lang! Vâng, em yêu chàng lắm! Em thương chàng lắm... Nhưng mà, trời ơi! Trước hết em còn phải là một người con của mẹ, một người dân của nước Nam!
__
Novembre 1932 - Juillet 1933
Theo bản in PTBNS, số 20 - NXB Tân Dân - 1937
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK