Mấy lời nói của Hoàng Lang làm cho Thục Nương phải cảm động. Một tia hy vọng lóe ra trong tâm hồn nàng. Nếu nhờ sự che chở của Hoàng Lang, mẹ già nàng có thể tránh thoát được những sự nguy hiểm thì còn gì may mắn hơn nữa. Được thế, thân nàng dù bị cực khổ đến đâu nàng cũng cam lòng.
Mọi người đã xuống dưới bè.
Một cái bè ba gian rộng rãi và sạch sẽ. Ngay cửa vào, hai tên Cờ Đen cắp mã tấu đứng canh. Bên trong lố nhố một bọn đông đàn bà Việt Nam, áo xống gọn gẽ, vẻ lo lắng, nín thít như thóc bồ. Không khí trong bè hình như lúc nào cũng nặng nề những sự đe dọa của thần Chết.
Thấy Hoàng Lang và bọn này tới cửa, một mụ già đứng bên trong vội xua tay cho biết chưa phải là lúc được vào. Hoàng Lang quay lại khẽ bảo bọn nọ hãy chờ.
Còn chàng thì ra ngồi ở lợi bè, tay bó gối, mắt đăm đăm nhìn theo làn nước chảy. Thấy những cử chỉ ấy, bọn người bị bắt đều lo sợ, áy náy vô cùng...
Một lúc sau, trong bè có tiếng rền rĩ và tiếp sau là những câu chửi rủa gớm ghê:
- Ối trời ôi!... Con mất xác này! Con chết đâm chết chém này!... Mày làm cho bà đau đớn chết mất thôi!...
- Con cắn rơm cắn cỏ lạy bà lớn... con vừa ốm dậy, hãy còn mệt quá... xin bà lớn sinh phúc cho!...
- Tha mày à?... Nếu bà tha mày thì những quân kia còn coi bà ra gì nữa!... A Cắm đâu!... Lôi con lợn này ra làm thịt cho bà!
Tên Cờ Đen đứng canh cửa vội dạ to, chạy vào trong bè... Tiếng giãy giụa, tiếng kêu gào... Đoạn, tên giặc lôi ra một người con gái mặt mày xám ngắt, đầu tóc rối tung. Đến đầu bè, tên giặc giúi người con gái ngã xuống sàn, rút khẩu súng lục liền gí vào thái dương bấm cò... "đẹt!"... Người con gái gục xuống. Tên Cờ Đen đá hắt một cái, thây chết lăn tùm xuống sông, máu loang đỏ nước...
Tấn kịch xảy ra nhanh như chớp. Mọi người đều ngơ ngác kinh hoàng. Chính Hoàng Lang cũng không kịp can thiệp gì cả. Chàng không dám nhìn Thục Nương nữa. Sắc mặt chàng lúc bừng, lúc tái, đau khổ, thẹn thùng...
Bên trong, tiếng rền rĩ lại hỏi:
- Hoàng Thiếu Hoa đấy ư, con?
- Vâng!
- Vào đây!
Hai mẹ con bắt đầu chấu tiếng khách với nhau, hình như tranh luận kịch liệt lắm. Thục Nương lắng tai nghe, câu được, câu chăng, nhưng cũng rõ đại ý:
- Một tay mẹ... bao nhiêu người thác oan... con can... mẹ cứ thế... con cũng chẳng tiếc chi đời nữa... mẹ sống mà hưởng... một mình!
- Chúng tệ lắm!... mẹ đau... tức giận... con thương... đừng trách...
- Mẹ bỏ thói ác... biết đâu... trời trông lại... khỏi...
- Mẹ sầu khổ trong mình... cáu tiết... sẽ nghe con.
-... cha con... mang tiếng... người ta oán hận... mong gì... riêng phần con... phúc đức tại mẫu!...
- Ừ, thôi... ngoài... bao nhiêu?
- Mười... Tuyên... Điều hộ... ân nhân của con... biệt đãi...
- Được... mẹ... lời con dặn... cho vào!...
Hoàng Lang gọi:
- Vào cả đây!
Thục Nương chắc có sự che chở của Hoàng Lang cũng hơi vững dạ. Mọi người lạy phục ở gian giữa, quay mặt về phía tả. Dưới ánh sáng mập mờ, Thục Nương thấy bốn người con gái quỳ trong bốn xó bè, mỗi người kéo co một góc nệm bông phủ nhiễu màu lá mạ. Trong cái võng kỳ khôi đó, một người đàn bà nằm xo ro, từ ngực trở xuống phủ một lần chăn mỏng sặc sỡ. Thấy bọn này vào, người đàn bà ấy nhỏm dậy nhìn. Mỗi cái cử động làm cho lòng nệm trũng xuống, thì bốn người con gái kia lại nhăn mặt, mắm môi, cố co ra cho thẳng. Thục Nương nhìn người đàn bà nọ... Ô hay! Cái thân hình chỉ vừa một dúm, lại ốm yếu, tàn tật, cựa mình không nổi thế kia mà lại áp đảo, chế ngự được cả bọn người hung ác hay sao? Khi xưa, chẳng biết nhan sắc đến bực nào, chứ giờ thì nhìn cái bộ mặt nhăn nhó, sần sùi, cặp lông mày trụi, cái trán nhăn, cái mũi gần rụng, cặp môi loe loét như mụn lở cũng đủ tởm rồi. Hình dung đã như thế, lại chỉ nằm mà chờ chết, thì ai còn nể gì nữa. Người ta có thể ném bỏ xuống sông, hay vứt ra xó bờ xó bụi nào cũng được mà! Huống hồ, bọn Cờ Đen là một bọn ăn thịt người không tanh thì chúng còn rụt rè gì mà không quẳng cái ách ấy đi.
Thục Nương nghĩ thế, vì nàng chưa rõ tấm lòng thương xót của Hoàng Tử Trung đối với người vợ quái ác ấy. Cô con gái Sơn Tây khi xưa, có cái sắc khuynh thành đã làm cho Hoàng phải chú ý, mến yêu, vì nể, đã từng cho Hoàng được sung sướng biết cái đắm say của ái tình; đã cho Hoàng một người con trai lẫm liệt, rất tài năng và rất hiếu kính nọ, dù ngày nay, trong khi đau đớn sầu khổ, có trở nên tàn ác, quái gở, thảm độc đến đâu, Hoàng cũng chỉ thương mà không nỡ bỏ. Hoàng biết thị làm quá, nhưng vẫn không đành trái ý, vì Hoàng tin rằng thị chẳng còn sống được bao lâu. Hoàng chỉ cố ý can thiệp một cách khéo léo, khiến cho những người vô tội đỡ bị thảm sát, giảm cái tội ác của thị phần nào hay phần ấy mà thôi.
Người ốm, lặng yên từ nãy, lại bắt đầu rền rĩ:
- Đã vào đây, các chị phải có ý tứ và chăm chỉ. Mỗi ngày hăm bốn lượt, chia nhau mỗi lượt bốn người co góc nệm cho ta nằm. Người nào già yếu thì giặt dịa và đội nước cho ta rửa ráy. Nếu trễ biếng hay vô ý vô tứ để ta đau đớn thì bấy giờ dù Hoàng công tử có xin cho cũng chẳng ăn thua.
Một tiếng súng xa xa vẳng đưa lại.
Hoàng Lang giật mình vội chào mẹ bước ra.
Người ốm chờ Hoàng Lang đi rồi, ngoảnh lại hỏi:
- Đây, ai là vợ và con gái Điều hộ ở Tuyên Quang?
Thục Nương chỉ mẹ và mình đáp rằng:
- Bẩm bà lớn chúng tôi đây ạ.
Người ốm nhìn kỹ Thục Nương cười nhạt:
- Thế chị hãy cùng ba đứa nữa vào giữ đệm cho ta ngủ. Bọn kia xem chừng đã mỏi lắm rồi!...
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK