Tấm lòng thù oán của ông già Nùng Phay loắt choắt làm cho Tuyết Hận vừa buồn cười lại vừa ghê sợ.
Chàng có cái cảm giác như ai thấy một con cầy giông yếu đuối nhưng cứ nhất định nhăn răng giơ móng, nhảy vào cắn người thợ săn.
Chàng buồn cười khi so sánh ông già ấy với Ma Vạn Thắng, nhưng chàng lo lắng khi sự cừu thù kia có thể trút xuống đầu nàng Nhạn.
Chàng không muốn cho thiếu nữ có thể gặp một sự nguy hiểm nào hết.
Và tuy đã hẹn với lòng rằng không nghĩ ngợi lôi thôi gì nữa, Tuyết Hận vẫn cứ chẳng thể nào quên nàng Nhạn được. Hình ảnh của thiếu nữ cứ lởn vởn trước mắt chàng, mỗi lúc càng thêm mỹ miều khả ái, mỗi lúc càng đáng thương đáng tiếc.
Nếu một mai, sự tình cờ sẽ run rủi cho chàng giết được Ma Vạn Thắng, đem được thủ cấp thù nhân về động Phù Hiên, thì trong khi mọi người xúm nhau lại để khen chàng, gọi chàng là anh hùng, là hiếu tử, trong khi ông chú của chàng vui vẻ thấy cái mộng tưởng lâu ngày ôm ấp của mình thực hiện, trong khi ấy, tấm lòng Tuyết Hận không rõ rồi ra sao. Điều ấy, chàng có thể tưởng tượng mà biết được. Là vì, ngay bây giờ, cứ nghĩ đến những đau đớn của thiếu nữ khi nàng thấy kẻ giết cha nàng lại chính là Tuyết Hận, cứ nghĩ thế, chàng trai trẻ đã ngùi ngùi thương xót.
Chàng bằng cứ vào đâu mà dám nghĩ như thế, làm tựa hồ biết chắc chắn thiếu nữ đã yêu mình?
Tuy chưa có một chứng cớ gì về tình yêu của thiếu nữ, Tuyết Hận cũng tin được, một khi chàng thấy lòng mình yêu tha thiết chân thành. Một tấm lòng thành là đủ. Một tấm lòng thành quỷ thần còn chứng giám nữa là!
Nhưng dù sao, Tuyết Hận cũng phải giữ lời hứa. Dù sao, Tuyết Hận cũng phải giết Ma Vạn Thắng! Nếu sai hẹn lần này nữa, chàng còn mặt mũi nào mà trông thấy ông chú già!
Thiếu nữ người yêu chàng sẽ đau đớn thù oán chàng ư? Chàng đành cam chịu. Vả lại chính lòng cũng đã phải đau đớn ngay từ bây giờ rồi.
Số mệnh đã muốn rằng tình yêu tha thứ nhứt của chàng lại chính là cái nguồn khổ não cho chàng thì làm thế nào?
Chàng do dự đến ngày nay đã là chậm lắm.
Tuy có một quan niệm về cuộc đời khác hẳn, tuy cho sự thù oán loanh quanh là nhỏ nhen, Tuyết Hận vẫn cảm thấy mình đối với cha chú đã có một điều lỗi.
Điều ấy càng rõ rệt, càng day dứt chàng từ khi mẫu thân chàng tự sát. Cái chết ấy như vạch hẳn cho chàng một con đường máu mà chàng phải qua.
Không những thế, ngay như vừa rồi, thái độ của ông già Nùng Phay, em lão Ké So, cũng khiến chàng khó chịu, có một cảm giác gần giống như sự hổ thẹn.
Thế là nghĩa làm sao?
Người ta có quyền gì bắt một người khác phải chịu cái quan niệm của mình?
Tại sao, những người quanh mình chàng không một ai cùng nghĩ như chàng để phải lẻ loi một mình bênh vực một ý niệm trái ngược?
Chàng thấy mình như một tảng đá trơ trơ giữa dòng nước lũ, tuy vẫn cố đứng mà chân đã bị mài mòn gần đứt hay như một cây chơ vơ giữa đồng bị cả một cơn giông tố xô đẩy...
Chàng thở dài tự hỏi:
- Tại sao lại như thế được? Tấm lòng của mọi người khác với lòng chàng hay sao? Mọi người chỉ biết thù, biết oán chứ không ai có mảy may thương xót yêu đương?
Những ý nghĩ này cứ lung tung trong óc Tuyết Hận, như một đàn ngựa bất kham, Tuyết Hận không sao ngủ được. Chàng đứng vào một ngã ba, băn khoăn giữa hai tiếng gọi của lẽ phải và của tấm lòng.
Đêm dần dần khuya.
Ông già ngủ đã say lắm! Thỉnh thoảng ông nghiến răng, nói lảm nhảm hoặc thở dài sườn sượt... Sau cùng, có một lúc ông hét ầm lên:
"A ha! Chém được Ma Vạn Thắng rồi! Chém chết được Ma Vạn Thắng rồi!".
Tiếng kêu làm Tuyết Hận phải nhỏm dậy. Ông già cũng giật mình thức giấc. Sau khi thở đánh phào một tiếng, ông lão Nùng Phay ngớ ngẩn hỏi:
- Vừa rồi cái gì thế?
Tuyết Hận bật cười trong bóng tối:
- Cụ vừa nói vừa mê đấy ạ!
- Thế à!
Nùng Phay à một tiếng dài rồi lại nằm xuống ngủ.
Sự im lặng dần dần trở lại nặng nề.
Chàng trai trẻ lắc đầu chép miệng.
Sự mê sảng của ông lão Nùng Phay chẳng là thù oán đã đâm mầm mọc rễ rất sâu trong tâm hồn người ta rồi đó ư? Sống ở tình trạng ấy, loài người còn phải khổ sở, mà cái cảnh núi xương, sông máu đã đành là cái cảnh không bao giờ tránh được!
Nhưng nghĩ ngợi gì mặc lòng. Những sự nhọc mệt và sức ngủ của tuổi trẻ dần dần cũng thắng.
Tuyết Hận nhắm mắt thiu thiu rồi sau cùng ngủ rất say...
Mơ màng Tuyết Hận bỗng thấy mình ở nhà, lại hình như hai họ Ma, Bàn đã trở nên hòa hảo. Không những thế, không những bao nhiêu cừu thù cùng tiêu tán, mà ông chú còn hỏi thiếu nữ nhà họ Ma cho chàng nữa. Tuyết Hận sung sướng thấy cái mộng êm ái nhất của đời mình thực hiện...
Ngày cưới đã đến.
Hai họ sửa soạn linh đình...
Bàn Tuyết Hận mặc bộ võ trang lộng lẫy, cưỡi ngựa bạch theo sau ông chú sang châu Đại Man đón dâu.
Mở đầu là tiếng trống chiêng rồi đến cờ quạt, rồi đến một đội kỵ mã, tiếp theo sau là những quân hầu khiêng những hòm xiêm công phượng. Sau lưng, quân sĩ đi hộ vệ rất đông... Tóm lại, một đám cưới long trọng, đúng như các đám cưới ông hoàng trong cổ tích.
Đến nơi, nhà gái tưng bừng đón rước. Nào hát thi, nào chè chén, nào những cuộc đánh cồng du dương do một đoàn vũ nữ rực rỡ như tiên nga vừa nhảy múa, vừa cất tiếng trong như suối ngọc hát những câu chúc tụng êm đềm. Vui vẻ, no say trong hai ngày thì nhà trai đón dâu về.
Cô dâu, đầu quấn khăn thêu đính năm bông cúc vạn thọ bằng vàng nạm ngọc, mình mặc tấm áo gấm lam tay rộng, hai hàng cúc ngọc thạch phanh ra trước tấm yếm dát vàng như một mảnh áo giáp mà hai cái hổ phù úp trên hai quả đào tơ thì gọt bằng ngọc màu hồng. Thấp thoáng dưới gấu quần điều thủy ba chân chỉ, đôi hài cánh phượng nhẹ nhàng đặt trên bàn đạp, lộ ra đôi gót thắm như son.
Hai vợ chồng mới, chồng ngựa bạch, vợ ngựa hồng song song đi trên con đường phủ cỏ non xanh màu hoa lý điểm lưa thưa những khóm hoa màu tím đỏ...
Tiếng chiêng trống dội lên, tiếng hát của bọn thị nữ làm cho hai linh hồn phiêu phiêu rung động thêm mùi trầm thoang thoảng, say sưa, ngây ngất...
Tuyết Hận nhìn người yêu, lòng phơi phới như được bay trong đám mây ngũ sắc nó là con đường kỳ diệu nối cảnh Bồng Lai với cõi hồng trần...
Họ nhà gái ra tiễn chân cô dâu, chú rể.
Tiếng mãn địa hồng nổ vang làm cho Tuyết Hận giật mình tỉnh dậy, mở mắt trông ra thì bóng nắng đã đứng, mặt trời đã tới giữa vòm không trong biếc...
Chàng mỉm một nụ cười buồn, rồi lẩm bẩm:
- Hừ! Chẳng qua là một giấc mộng!
Ừ, cái cảnh tốt tươi kia ở trong giấc mộng. Đời chàng thử hỏi còn mong gì cái hạnh phúc được cùng thiếu nữ chắp mối tơ duyên...
- Ồ, nhưng mà ta ngủ dữ thật! Ngày đã trưa rồi!
Chàng nhỏm dậy, tìm ông già Nùng Phay thì không thấy đâu nữa. Chợt nhớ đến câu nói của ông ta đêm trước: "Nghe đâu ngày mai nó mộ thêm quân để đánh nhau với Cờ Vàng, tôi sẽ len vào đó!"... Tuyết Hận biết rằng lão Nùng Phay đã đi rồi. Chàng nóng ruột, vội lấy nước rửa mặt, súc miệng rồi chải đầu, sửa soạn lại khăn áo:
- Ta cũng phải ra xem tình hình ra sao mới được!
Những tiếng nổ lốp bốp cùng tiếng hò reo xa xa có lẽ là tiếng mãn địa hồng nổ trong lúc Tuyết Hận chiêm bao vụt khiến chàng để ý.
- Quái! Gì như họ đương đánh nhau thì phải!
Tuyết Hận chạy ra ngoài, nhìn về phía Bắc...
Chàng giật mình, quả nhiên trong thành châu Đại Man đương có sự gì biến cố. "Hay lão Nùng Phay đã làm xong được cái việc lão toan làm, tranh mất của ta?".
Tuyết Hận chưa quay vào lấy ngựa. Một người từ phía đền Âm Hồn mải miết phóng tới làm cho chàng đứng sững lại.
Đoàn người ngựa đã lại gần.
- A kìa, Tựu Nghĩa!
Lão tướng gò cương vái chào:
- Kính bẩm công tử!
- Cái gì thế ông?
Tựu Nghĩa tươi cười, một tay gõ gõ vào một bọc đỏ treo ở cổ ngựa:
- Đầu Vạn Thắng!
Tuyết Hận nhắc như cái máy:
- Đầu Vạn Thắng?
- Bẩm vâng.
Thực chưa bao giờ Tuyết Hận xúc động mạnh như khi nghe cái tin ấy. Chàng run lên cũng chẳng biết vì mừng, vì đau đớn cho thiếu nữ hay vì ngạc nhiên nữa.
- Ông làm thế nào mà nhẹn thế?
- Bẩm công tử, đó cũng là làm liều mà gặp may.
Tựu Nghĩa thuật rõ đầu đuôi việc đã xảy ra cho Tuyết Hận nghe. Hai mắt giương tròn chàng trai trẻ ngạc nhiên và thán phục viên lão tướng không biết chừng nào! Cái gan góc ấy, cái mưu cơ ấy, sự xếp đặt ấy và cách thực hành như chớp nhoáng ấy tỏ ra lão tướng là một bậc vũ dũng và đa mưu quán thế!
- Giờ xin mời công tử cùng về để dự cuộc tế cáo Đại Vương!
Tuyết Hận cầm lấy bàn tay to lớn của lão tướng và nói một câu có lẽ Tựu Nghĩa không hiểu:
- Xin đa tạ lão tướng đã cứu tôi.
Dứt lời, chàng để lão tướng lại với sự bỡ ngỡ, chạy tọt vào trong nhà.
Một lát sau, đoàn ngựa đã phóng như bay trên dải đường hun hút...
Hơn một ngày chạy không thương đến ngựa, sáu người đã thấy dinh trại hiện ra xa trên gò cao...
Ai nấy rạo rực nỗi mừng...
Tựu Nghĩa mừng vì sẽ đem về cho chủ tướng một sự hả lòng mong đợi đã từ hai mươi năm. Bốn dũng sĩ mừng vì sẽ được bạn coi như các tay quán chúng.
Còn Tuyết Hận, chàng cảm ơn sự ngẫu nhiên run rủi cho chàng khỏi dúng tay vào máu.
Thực vậy, Ma Vạn Thắng bị giết và bị cướp mất đầu lâu, y như phụ thân chàng khi trước, điều khiến cho mọi người cùng được hỉ hả mà vẫn không phải tự tay làm đau lòng thiếu nữ. Nàng thương cha thực mà có điều nàng không đến nỗi phải ân hận rằng cha nàng đã bị chính tay chàng giết. Vả nếu biết rõ tội ác của cha, thiếu nữ phải công nhận đó chỉ là một sự báo ứng thiêng liêng.
Điều nhận thức ấy sẽ làm cho thiếu nữ bớt sầu não.
Tuyết Hận không ngờ đâu sự thể lại xoay ra thế! Chàng thực như người cất được cái gánh nặng.
- Hừ! Ta thực không ngờ!
Tới nơi, mọi người nhảy xuống ngựa và chưa ai kịp thở, Tựu Nghĩa đã giục tên quân hầu:
- Lên trình chủ tướng rằng chúng tôi đã mang được thủ cấp Ma Vạn Thắng về đây!
Tên quân hầu chạy lên, một lát sau hắn hoảng hốt kêu:
- Công tử mau mau, chúa công nguy rồi...
Tin báo như sét đánh làm cho ai nấy lạnh toát người. Họ nhảy từng bốn bậc thang một lên nhà.
Bàn Văn Tam lúc này đã gần mê. May nhờ có sự mừng rỡ lớn lao đột ngột quá, làm cho ông còn gượng ngồi dậy được. Ông tựa lưng vào cột nhà, hai tay chống xuống mặt sàn, đầu lắc lư đợi...
Vừa thấy Tuyết Hận và Tựu Nghĩa, ông già đã reo ầm lên, tuy giọng ông đã lạc:
- Đâ... u?... Nó đâu?
Tựu Nghĩa run bây bẩy, luống cuống mở lá cờ, cầm lấy tai Vạn Thắng và nhấc cái thủ cấp giơ lên. Một vẻ sung sướng rất cảm động lòe ra như một tia nắng mới trên gương mặt đã xám... Bàn Văn Tam lẩy bẩy giơ tay cầm lấy chiếc thủ cấp:
- Ồ! Ha... Ha... hai mươi năm trời nay! Vạn Thắng! Đạo Trời chí công... mày...
Ông cố bật lên một tiếng cười, một tiếng cười lạnh lẽo, ghê rợn...
Nhưng, cái đầu lâu đã lọt tay rơi xuống sàn, lăn như một cái nồi đất.
Tuyết Hận hấp tấp chạy lại đỡ lấy chú.
Ông già há mồm ra thở, đầu từ từ ngoẹo xuống một bên vai, sắc mặt trắng bệch như tờ giấy bản...
Tuyết Hận bồi hồi thương cảm. Chàng run giọng gọi to:
- Chú! Chú! Chú làm sao vậy? Chú tỉnh lại... Cháu đây mà!
Ông già nhăn nhó tỏ ra đau đớn dữ dội, ông cố gượng mở hai mắt nhìn ngơ ngác...
- Nó... Nó đầu độc máng nước! Chú vô tình uống phải... chết đến nơi rồi!
Ngừng lại, ông lần bàn tay đoạn nắm lấy tay Tuyết Hận:
- Đêm qua... chó cắn dữ lắm! Chú đã ngờ... Thì ra nó đến... Hừ! Thằng gian tặc này gớm ghê thực...
Tuyết Hận thở dài. Chàng hối hận vì bất cẩn một chút để cho Ma Vạn Thắng trốn thoát nay ông chú chàng mới nên nông nỗi ấy.
- Vạn Thắng chết... chú hả lòng! Không ân hận gì nữa! Cháu đặt bàn để tế vong hồn thầy cháu...
Bàn Văn Tam nói đến đấy thì cơn đau chừng lại nổi lên kịch liệt, khiến hai tay ông ôm lấy bụng; toàn thân ông quằn quại như một con đỉa phải vôi...
Từ trắng bệch, mặt ông dần dần nổi từng đám đỏ tía như người lên mề đay; mắt ông đỏ như đẫm máu, hai góc mép đùn ra rất nhiều bọt đỏ.
Tuyết Hận bảo Tựu Nghĩa:
- Hay ta đón lương y?...
Tựu Nghĩa lắc đầu, thở dài:
- Không ăn thua! Tôi biết thứ thuốc độc này, ai đã uống phải thì chỉ có mà Trời cứu!
Ông già quằn quại một lát rồi lại mở mắt nhìn quanh và nói bằng một giọng yếu ớt:
- Tuyết Hận!
- Dạ!
- Thù cha cháu thế là báo được xong. Về phần chú... sáu bảy mươi tuổi đầu rồi... cũng đến cõi... Nhưng cháu, cháu còn trai trẻ, không nên sống vùi mãi ở chốn rừng rú này làm gì... Tờ Hịch Cần vương kia rồi cháu đọc kỹ... nên ra mà phò vua giúp nước! Gây lấy một chút công với giang sơn... Chớ... chớ để cho họ Bàn thành vô dụng...
- Tựu Nghĩa!
- Chúa công dạy gì tiểu tướng?
- Nhà ngươi là một bề tôi rất trung dũng... Ta bằng lòng lắm! Nay ta có mình nào, ngươi nên vì vong linh đại vương, nên vì ta mà xem nom Tuyết Hận, nghe không?
- Tiểu tướng xin tuân di mệnh!
- Tuyết Hận tiếng thế còn nông nổi lắm, cần phải được đời dạy cho rất nhiều mới khôn lên được! Bất cứ việc gì, hai người cũng phải bàn tính cùng nhau rồi hãy làm.
- Dạ!
Im lặng...
Bàn Văn Tam thở rất gấp; trong cuống họng đã có đờm khò khè...
Bỗng, người ốm cựa mình, giọng nói chỉ còn như trong chiêm bao:
- Tuyết Hâ... ận! Sau khi chú chết rồi, việc tang ma xong, cháu nên đi ngay!
- Cháu xin vâng lời chú.
- Tờ hịch giữ cho cẩn trọng...
- Vâng.
Cặp mắt lờ đờ cố chếch về phía chàng trai trẻ.
- Trước kia, thù sâu chưa trả được, chú cố ý ngăn cấm cháu. Nhưng... bây giờ... cháu có thể yêu...
Tuyết Hận thổn thức, ôm chặt lấy đầu ông già.
- Sách có chữ... oan gia nghi giải bất nghi kết. Thù oán hai nhà đến đây nên dứt là hơn. Họ Bàn với họ Ma có thể thông gia được mặc dầu...
Còn đủ sáng suốt để nhận thấy câu nói cay độc, ông già ngừng lại rồi đổi sang lời khác:
- Trong phút này, chú mới cảm thấy như lời cháu đã nói, cần phải xót thương và tha thứ... Chú thương cháu và thương cả con Nhạn không biết chừng nào. Nó là con riêng của Ma Vạn Thắng... Chú vui lòng cho cháu lấy nó.
Nước mắt trào ướt cả hai gò má chàng trai trẻ. Chàng bóp mạnh tay ông già tỏ ý biết ơn.
- Nhưng, trước hết, cháu hãy đi làm cái bổn phận của người con trai...
- Lời chú dạy cháu xin ghi lòng!
Một nụ cười phát ra trên cặp môi tím nhợt.
Thấy chú nằm im. Tuyết Hận bảo Tựu Nghĩa giúp mình khiêng ông lên giường lấy chăn đắp cho ông tử tế.
Những nốt đỏ trên người bệnh dần dần tím ngắt lại như sắc bồ quân chín. Đờm kéo lên mỗi lúc một nhiều, làm cho ông cụ nghẹn thở...
Ông há mồm, nhăn mặt, cố hết sức để thở nhưng hơi mỗi lúc một nghẹn... Sau cùng, ông đưa quai hàm dưới ra, ngớp mạnh một cái, hai con ngươi lệch đi...
Đồng thời, tiếng đập rộn rã trong ngực ông tĩnh hẳn, im lặng một cách sâu thẳm...
Tuyết Hận thở dài một tiếng mạnh. Chàng giơ tay khẽ vuốt mắt cho ông già, lẩm bẩm nói:
- Chủ tướng quy rồi!
Tựu Nghĩa cất tiếng khóc...
Ủ rũ, Tuyết Hận ngồi phịch ngay xuống mặt sàn...
Không khí tự nhiên trở nên lạnh lẽo.
Thời gian như đứng dừng hẳn lại.
Cái giây phút mà cuộc đời con người tiêu tan trong cái hư vô ấy, Tuyết Hận rùng mình cảm thấy nó nghiêm trọng và bi đát không biết chừng nào!
Chàng lặng đi hồi lâu mới nói:
- Lão tướng, người nên phát hiệu cho các doanh trại đều biết.
Tựu Nghĩa buồn rầu đứng lên, vớ khẩu súng đồng bước ra sân đoạn lần lượt bắn lên không ba phát.
Ba tiếng nổ cách quãng đều nhau xé toang cái tịch mịch của rừng núi...
Lập tức, trống mõ các nơi nổi lên rộn rịp, rồi một lát sau, các tướng sĩ kéo đến vấn tang.
Họ lần lượt theo thứ bực và lễ trước thi thể ông già, mặt người nào cũng lộ vẻ đau đớn, cặp mắt người nào cũng ướt nhấp nhánh.
Họ thành thực tiếc thương vị tướng soái rất nhân từ, tuy nghiêm khắc nhưng có lòng thương yêu sĩ tốt như con và nhất là có tính giản dị như một người thường dân.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK